Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 11: Cuộc Hôn Nhân Của Tống Khánh Linh Và Tôn Dật Tiên (1)

/39


Ngay khi về đến Thượng Hải, gia đình họ Tống loan báo lễ hứa hôn của Khánh Linh với một thanh niên con một gia đình danh giá quyền quý. Khánh Linh chống đối quyết định của gia đình một cách quyết liệt, và tuyên bố không bao giờ chấp nhận cuộc hôn nhân ấy. Tâm hồn nàng đã gửi cả cho Tôn Dật Tiên tại Đông Kinh rồi. Tống Giáo Nhân nhốt nàng trong một phòng ngủ trên lầu. Khánh Linh bí mật viết thư cho Tôn Dật Tiên, hỏi ý kiến ông nàng trốn sang Nhật với ông ta được không. Lá thư này Khánh Linh giao cho một đầy tớ gái thân tín đem ra bỏ tận nhà bưu điện, để không bị thân phụ nàng biết. Nhận được thư Khánh Linh, Tôn Dật Tiên vội vàng phúc đáp ngaỵ Nhà đại cách mạng thúc giục nàng phải trốn sang Nhật với ông ta ngay tức khắc, vì ông ta rất cần nàng.

Khánh Linh trình bày cho thân phụ biết tất cả sự thực về mối tình của nàng với Tôn Dật Tiên, và xin thân phụ chấp thuận cho nàng được toại nguyện, được kết hôn với Tôn Dật Tiên. Tống Giáo Nhân khăng khăng không chấp nhận một cuộc hôn nhân mà ông cho là tội lỗi đó. Đối với bà Tống Giáo Nhân thì không chuyện gì có thể gây kinh hoàng cho bà hơn thế. Bà biết vợ chồng Tôn Dật Tiên đều theo đạo Thiên Chúa, bà Tôn Dật Tiên cùng thế hệ với chồng và là một người vợ chính đáng, xét theo mọi tiêu chuẩn đạo đức của Trung Hoa. Bà không thể chấp nhận hành động của Tôn Dật Tiên bỏ người vợ cũ để chạy theo một người con gái đáng tuổi con mình. Điều tàn nhẫn nhất đối với bà là người con gái trẻ đó lại là con gái bà.

Nhưng Khánh Linh tỏ ra rất quyết tâm, không nhượng bộ sự ngăn cấm của cha mẹ. Không những Khánh Linh có hành động chống đối với chính mẹ nàng, mà còn đi ngược lại tất cả mọi tục lệ của xã hội Trung Hoa. Theo tục lệ cổ của Trung hoa thì một người con gái có thể làm một người vợ bé, nhưng phải do các bậc trưởng thượng của hai bên gia đình sắp đặt, và người con gái phải tỏ vẻ vâng chịu quyết định của những người trưởng thượng. Người con gái Trung Hoa, theo tục lệ cổ truyền, không thể tự ý đề nghị việc hôn nhân của mình, hoặc không được phép chống đối lại ý chí của gia đình.

Vợ chồng Tống Giáo Nhân cho rằng gia đình họ gặp một điều đại bất hạnh, và một hành động điếm nhục gia phong do chính đứa con gái cưng của ông bà gây ra. Tống Giáo Nhân ra lệnh cho Khánh Linh phải trở lên phòng trên lầu. Khánh Linh thành thực cho thân phụ biết nàng sẽ trốn sang Nhật với Tôn Dật Tiên. Vì thế Tống Giáo Nhân cẩn thận khóa trái cửa phòng ngủ của con gái lại. Nhưng ngay đêm đó, trong lúc người hầu gái đứng bên dưới giữ chân thang, Khánh Linh trèo qua cửa sổ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Ngay đêm đó Khánh Linh xuống tầu thủy sang Kobe, Nhật Bản. Đó là một hành động vô cùng táo bạo đối với một người con gái Trung hoa vào thời đó. Không những nàng bị coi là bất hiếu với cha mẹ, mà còn phản lại nghĩa vụ gia đình nữa.

Khi Khánh Linh tới nơi, Tôn Dật Tiên cấp tốc tổ chức hôn lễ ngay, để tạo ra một sự viêc đã rồi, nếu gia đình nhà họ Tống đến tận nơi để phản đối. Ngoài ra Tôn Dật Tiên cũng không muốn Khánh Linh mang tiếng chỉ là một người vợ bé của ông, và cũng không muốn mối tình duyên này có thể gây tai hại cho công cuộc cách mạng. Đám cưới được cử hành một ngày sau khi Khánh Linh tới Kobẹ Tôn Dật Tiên chưa kịp ly dị người vợ cả già nua của ông, nhưng ông tự nhận ông ở vào tình trạng đã ly dị. Nếu Tôn Dật Tiên là một người theo đạo Khổng thì ông có thể lấy thêm vợ bé, miễn là được vợ cả và các người trưởng thượng trong gia tộc đồng ý. Nhưng ông là người theo đạo Thiên Chúa, và ông bị coi như mắc tội đa thê.

Khi Tống Giáo Nhân khám phá Khánh Linh đã trốn khỏi nhà, ông liền tra hỏi người hầu gái và được biết Khánh Linh đã trốn sang Nhật Bản. Tống Giáo Nhân liền vội vã xuống tàu Pacific Mail để đuổi theo con gái. Khi tới Kobe ông dùng xe lửa đi Yokohama, nhưng quá trễ. Hôn lễ đã cử hành xong trước khi ông tới. Tống Giáo Nhân đã thua Tôn Dật Tiên một bước, và đây có lẽ là sự thành công duy nhất đáng kể trong cuộc đời cách mạng của Tôn Dật Tiên. Tống Giáo Nhân đến gặp cô dâu và chú rể. Trong một trận cãi nhau kịch liệt, Tống Giáo Nhân buộc tội Tôn Dật Tiên là người phản bạn, dụ dỗ con nít, và hành động một cách bệnh hoạn. Ông nhắc cho Tôn Dật Tiên biết trong hai chục năm vừa qua, hai người đã sát cánh chiến đấu bên nhau, và bây giờ chiến thắng đã gần kề thì Tôn Dật Tiên phản lại lòng tin của ông.

Tôn Dật Tiên hoàn toàn im lặng trước cơn thịnh nộ của Tống Giáo Nhân, vì ông là kẻ chiến thắng. Ông đã được Khánh Linh là đủ rồi; ông thản nhiên nhìn Tống Giáo Nhân mắt tóe lửa, nói sùi cả bọt mép. Khi thất bại không kêu gọi được lòng trung thành bằng hữu ở Tôn Dật Tiên, Tống Giáo Nhân thề sẽ phá cuộc hôn nhân này, vì Khánh Linh chưa đủ tuổi thành niên, không được kết hôn nếu không có sự ưng thuận của cha mẹ. Càng nói Tống Giáo Nhân càng thêm giận dữ. Tôn Dật Tiên đã đi quá xa đối với ông. Ông tuyên bố từ nay sẽ cắt đứt mọi liên lạc với Tôn Dật Tiên, và công cuộc cách mạng. Rồi với bộ mặt tái mét vì giận, Tống Giáo Nhân quay lại, chỉ vào mặt Khánh Linh và nói ông từ nàng, không chấp nhận nàng là con nhà họ Tống nữa. Ngay sau đó Tống Giáo Nhân xuống tàu trở về Thượng Hải. Về sau này Tống Giáo Nhân tâm sự với một người bạn, "Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi đau đớn như thế. Con gái tôi và người bạn thân nhất của tôi."

Như vậy Tống Khánh Linh chính thức trở thành bà Tôn Dật Tiên, nhà đại cách mạng của Trung hoa. Bà vợ già của Tôn Dật Tiên lẳng lặng lùi vào bóng tối. Hai người tạm thời ở lại Nhật Bản chờ thời cợ Thỉnh thoảng Tôn Dật Tiên cũng lén lút trở về Trung Hoa để gặp và bàn luận với Trần Kỳ Mỹ và Tưởng Giới Thạch.


/39

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status