Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 15: Thế Giới Anh Chị Tại Thượng Hải (2)

/39


Tưởng Giới Thạch

Tưởng Giới Thạch lớn hơn Đỗ Đại Nhĩ một tuổi. Họ Tưởng sinh ngày 31- 10- 1887 tại Khê Khẩu, một thị trấn nhỏ về phía tây Thượng Hải, nằm dưới chân núi Vũ Lĩnh thuộc tỉnh Chiết Giang. Năm đó thân mẫu Tưởng 23 tuổi, và là vợ thứ ba của một thương gia buôn muối, và già gấp đôi tuổi bà. Năm 1895, khi Tưởng lên tám tuổi thì thân phụ qua đời. Tưởng rất quyến luyến và thương mẹ, một người đàn bà buồn nhiều hơn vui. Có lần Tưởng nhận xét bà mẹ là người "Phải nuốt rất nhiều tủi nhục chua chát."

Hồi nhỏ Tưởng rất hay đau yếu và khó nuôi, do đó tính tình của Tưởng rất khó chịu. Chú bé họ Tưởng trở thành mục tiêu chế giễu trong làng, vì cái đầu của Tưởng méo mó giống như một hạt đậu phọng. Một thầy tướng số trông thấy Tưởng cũng rất kinh ngạc khi thấy cái đầu bất thường của Tưởng. Ông thầy tướng nói cái đầu rất lạ lùng của Tưởng là một quý tướng, làm nên nhưng tàn ác. Tưởng lớn lên mang trong người những chứng bệnh rất lạ lùng, khi thì khóc sướt mướt, khi thì giận dữ điên cuồng.

Trong nhà không có đàn ông nên gia đình nhà họ Tưởng thường bị nhà chức trách của triều đình nhà Thanh bắt nạt. Một hôm có người trong làng họ Vương, hàng xóm của nhà họ Tưởng, bỏ làng trốn vì không đủ tiền đóng thuế nông nghiệp. Nhà chức trách đến nhà họ Tưởng, lôi cổ Tưởng Giới Thạch lên cửa quan, và bắt Tưởng Giới Thạch phải bỏ tiền đóng thuế cho người họ Vương bỏ trốn. Mặc dầu nhà họ Tưởng đã đóng đủ thuế rồi, nhưng nhà chức trách cho biết cả làng phải chịu trách nhiệm về món tiền thuế thất thu của họ Vương. Mẹ của Tưởng đành phải lo tiền nộp thuế để Tưởng khỏi bị phạt tù. Nhưng Tưởng rất căm giận sự bất công phi lý của triều đình. Về sau Tưởng gọi đó là động lực đầu tiên thúc đẩy Tưởng đi vào con đường cách mạng.

Sau khi học hết trường tiểu học Khê Khẩu, Tưởng được mẹ gửi đến học trường trung học Long Giang tại Phụng Hóa. Khi Tưởng được 14 tuổi thì gia đình bắt Tưởng về nhà lấy vợ. Người vợ đầu tiên của Tưởng là Mao Phúc Mai, người cùng làng và lớn hơn Tưởng 4 tuổi. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không giữ Tưởng ở lại quê nhà. Tưởng không mấy quan tâm đến người vợ, và bằng lòng lấy vợ là để làm vừa lòng mẹ. Sau đó Tưởng trở lại trường học tại Phụng Hóa, trau giồi kiến thức để tìm cách tiến thân. Tưởng không có ý định ở lại Khê Khẩu suốt đời làm một thương gia bán muối.

Chính tại trường trung học Long Giang, Tưởng tìm đọc cuốn Binh Thư của Tôn Tử. Tôn Tử là một chiến lược gia danh tiếng sống thời Chiến Quốc. Đối với Tôn Tử, nghệ thuật cao nhất của chiến tranh là thắng được kể địch mà không cần phải giao chiến. Chiến tranh phải dựa trên mưu thuật. Xử dụng gián điệp là thượng sách. Xử dụng quân đội phải được coi như là biện pháp cuối cùng. Chiến tranh mà phải dùng đến quân đội để giao tranh là một sự phí phạm về kinh tế và nhân sự. Tuy nhiên Tôn Tử cũng cảnh cáo việc xử dụng gián điệp không phải là việc dễ dàng. Chỉ có những tướng tài, khôn ngoan, công bằng và nhân đạo mới dùng được gián điệp.

Tưởng rất say mê tư tưởng của Tôn Tử, và tư tưởng của Tôn Tử ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của Tưởng. Ngoài Tôn Tử, Tưởng còn tôn thờ danh tướng Nhạc Phi của nhà Tống, và Vương Dương Minh, một nho gia làm tới chức tể tướng đời nhà Minh. Sau này khi phải chạy ra Đài Loan, Tưởng đã đổi tên ngọn núi Thảo Sơn thành núi Dương Minh Sơn để tỏ lòng ngưỡng mộ Vương Dương Minh. Vị sư phụ của Tưởng cố gắng huấn luyện cho Tưởng tinh thần vị tha, tự kỷ và lúc nào cũng phải cố gắng về tinh thần. Từ trước, cuộc đời của Tưởng chỉ là một cố gắng để thoát ra khỏi cảnh nghèo và sự chế nhạo của người đời về cái đầu kỳ khôi của mình. Tại học viện này, Tưởng đặt cho mình một mục tiêu xa hơn nữa. Tưởng tập được một thói quen tốt, buổi sáng dậy thật sớm, đứng trước hàng hiên để trầm tư mặc tưởng mỗi sáng nửa giờ. Trong nửa giờ đó, Tưởng đứng thật nghiêm, thật thẳng, miệng mím chặt và khoanh hai tay trước ngực.

Nhờ đọc sách của Tôn Tử và Nhạc Phi, Tưởng nhất quyết trở thành một chiến sĩ, lập sự nghiệp trên lưng ngựa. Đến năm 1906, Tưởng ngưỡng mộ quân đội Nhật Bản đã chiến thắng hải quân Nga sô tại eo biển Đối Mã, nên bỏ sang Nhật để nghiên cứu học thuật quân sự của Nhật. Tưởng viết thư xin mẹ tiền làm lộ phí cho cuộc xuất ngoại. Khi bà mẹ phản đối không chịu cho Tưởng xuất ngoại, Tưởng lập tức cắt cái mớ tóc đuôi sam trên đầu và gửi về cho mẹ. Cả làng bất mãn hành động của Tưởng, nhưng bà mẹ đành phải đổ hết tiền dành dụm được cho cậu quý tử ra đi. Hành động cắt đuôi sam của Tưởng vừa bày tỏ lòng cương quyết ra đi tìm học, vừa bày bỏ sự chống đối nhà Mãn Thanh, vì nhà Mãn Thanh bắt buộc đàn ông Trung hoa phải để tóc, kết thành đuôi sam. Cái đuôi sam là dấu hiệu phục tùng nhà Mãn Thanh.


/39

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status