Búp Bê Bắc Kinh

Chương 15: HAI THẾ GIỚI

/21


Bạch Kiến Thu của ban nhạc Tinh Noãn gọi điện nói với tôi rằng cậu ta và Giả Giai sẽ đến Bắc Kinh trong vòng một tuần nữa. Bọn họ muốn gặp tôi và, nhân tiện ở đây, sẽ lấy một ít đĩa CD để mang về bán.

Buổi sáng hôm họ đến thì tôi phải lên lớp. Nhà trường bây giờ kiểm soát rất gắt việc nghỉ học, nên tôi để lại cho họ mấy chữ trên bàn ở nhà, và nói với mẹ tôi rằng bọn họ sắp tới, rồi tôi mới đến trường.

Trưa hôm đó khi tôi về đến nhà thì họ đang đợi tôi. Bạch Kiến Thu đang chơi cây đàn gỗ của tôi. Bọn họ chẳng thay đổi gì. Kiến Thu mặc một cái áo sơ mi vàng. Giả Giai trông có chút gì hơi ngớ ngẩn. Mẹ tôi nói bà đã bảo một anh lính đưa họ đi chơi Cố Cung và đã sắp xếp cho họ nghỉ đêm tại một nhà khách của hải quân gần nhà chúng tôi.

“Gia Phù, cậu có thể dẫn bọn tôi đi xem một show diễn khi chúng tôi ở đây được không?”

“Được.” Tôi lấy từ bàn phấn ra một tờ Bầu trời Hiện đại. “Tối mai có một buổi ở Câu lạc bộ 17. Ngựa gỗ và một số ban khác sẽ biểu diễn. Chúng ta có thể đến đó.”

“Hay lắm!”

Tối đó tôi đưa họ sang nhà khách, rồi quay về nhà một mình.

Tối hôm sau chúng tôi đi tàu điện đến một quán bar ở Tam Lý Thôn. Chúng tôi ngồi ở cái bàn sau cùng, uống và nói chuyện. Một anh chàng ngoại quốc ngồi một mình ở bàn đối diện chúng tôi. Anh ta bận đồ đen và gần như không động đậy, trừ một lần đứng dậy để chụp ảnh, rồi lại im lặng ngồi xuống và uống mấy ngụm bia. Anh ta nhìn sau lưng đẹp, với đường cong hiện ra sau tấm áo sơ mi đen. Cơ thể anh toát ra một vẻ thanh lịch mà tôi rất thích, một phẩm chất đặc biệt của những người rụt rè.

“Anh chàng nước ngoài kia khá hay,” tôi nói.

“Đã sốt ruột muốn đến nói chuyện với anh ta?” Giả Giai hỏi.

“Tôi á? Không đâu. Vả lại nói chuyện gì được? Tiếng Anh của tôi thì quá đỗi tuyệt vọng.”

“Ai cần quan tâm?” Bạch nói khích lệ tôi. “Đến đi, đến nói với anh ta. Tôi cuộc là anh ta đang chán, cứ ngồi một mình mãi thế kia. Đến đi, ngại quái gì.”

“Được rùi,” tôi cười nói. “Có thể lát nữa.”

Nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn anh. Tôi nhìn anh gọi một chai bia nữa, và khi cô gái mang đến nơi, anh nói, “Thank you.”

“Có lẽ tôi đến đây,” tôi nói.

“Cứ tự nhiên. Chúng tôi ở đây đợi cậu.”

Tôi ăn nốt chỗ kem, đứng dậy, và bước lại chỗ chàng trai. “Xin lỗi,” tôi nói. “Anh có muốn nói chuyện không?”

“Tốt quá,” anh trả lời. Âm nhạc ầm ĩ đến nỗi anh ra hiệu rằng chúng tôi ra ngoài để trò chuyện. Tôi nháy mắt với Giả Giai và Bạch Kiến Thu rồi ra ngoài cùng chàng trai.

Bên ngoài có một cô gái nhỏ đang bán hoa và một vài đứa nhỏ đang nằn nì xin tiền. Tôi cười, anh nhún nhún vai. Đột nhiên tôi nhận ra rằng anh ấy đi ra ngoài chỉ với một chiếc sơ mi đen và đang dầm mình trong giá rét, tôi bèn kéo anh ta vào trong một quán tạp hóa nhỏ để cho ấm. Một cô gái đang nói chuyện với máy điện thọai di động. Có thể là quán bar cũng quá ầm ĩ nên cô ta vào đây để gọi điện thọai.

“Anh từ đâu tới?” Tôi hỏi bằng tiếng Anh.

“Finland, in Northern Europe.”

Anh cứ nhắc đi nhắc lại, nhưng tôi chẳng thể hiểu được anh nói cái gì. “Cái gì?”

Cô gái đang gọi di động, sốt ruột quá, bèn nói bằng tiếng Trung Quốc, “Finland, em ạ, Phần – Lan, ở Bắc Âu.”

Cô ta nói độp vào làm tôi khó chịu. Có thể cô ta nghĩ rằng tôi đang cố bám lấy anh nước ngoài này với thứ tiếng Anh phát sợ của tôi.

“Con nhãi…” Đó có thể là điều cô ta đang nghĩ.

Cuối cùng, chúng tôi mượn một cái bút và giấy của người bán hàng để bút đàm với nhau. Dễ hơn là cứ cố mà hỏi. Cái giọng cất lên đã làm hỏng hết những gì tôi nghĩ là tôi biết bằng tiếng Anh.

Anh viết tên mình ra –Janne – và nói rằng anh đang thăm quan Bắc Kinh. Anh ở tại khách sạn Kinh Luân cho đến thứ Sáu. Tròn một tuần lễ. Chúng tôi viết đi viết lại một lúc. Janne cho tôi số điện thọai phòng anh, tôi cho anh số điện thọai nhà tôi.

Chúng tôi trở lại quán bar và tiếp tục cuộc trò chuyện. Tôi giới thiệu Janne. “Đây là hai bạn tôi.” Anh cười với họ. Các ban nhạc lúc đó đã ngừng chơi, cho nên một lúc sau tất cả chúng tôi đứng dậy và đi về. Janne và tôi di phía trước, để Giả và Bạch lại phía sau. Tôi cảm thấy thật tuyệt. Sau một lúc, Giả và Bạch bắt kịp chúng tôi. “Các bạn cứ tiếp tục nói chuyện đi. Bọn tôi bắt một cái taxi và về nhà đây.”

“Được rồi,” tôi nói. Tôi vẫy tay khi họ chui vào trong xe.

“Tôi thích các bạn em,” Janne nói.

“Vâng, bọn họ rất tốt. Bọn họ thích rock’n’roll.”

Mắt của Janne màu xám dịu dàng, với ánh long lanh như băng, như bạc. Tóc anh màu nâu thẳng thớm. Tên anh trong tiếng Phần Lan phát âm là Yanne, nhưng khi đầu tiên gặp mặt tôi đã gọi anh là “Giản.”

Một tuần nữa anh đã đi, vậy tôi muốn gì đây? Nếu mà được thì, cái mà tôi muốn, chỉ là một cái hôn. Chỉ vậy mà thôi.

Tôi là một đứa học sinh trung học năm thứ hai, và trước khi tôi hiểu ra điều đó, tuổi hoa của tôi sẽ trôi qua mất. Tôi ghét cô đơn, vậy mà tôi lại cô đơn.

***

Janne không biết một từ tiếng Trung nào, còn kiến thức về tiếng Anh của tôi thì thôi rồi lượm ơi. Khi chúng tôi nói, chủ yếu là bút đàm. Cái đêm hôm đó chúng tôi cứ đi mãi trên con đường cho đến khi nhìn thấy cả nóc của khách sạn Kinh Luân. “Ngày mai em có bận không?” Anh hỏi lúc chúng tôi chào tạm biệt. “Chúng ta gặp nhau vẫn ở chỗ đó nhé, bảy giờ ba mươi.”

Tôi tìm thấy Phần Lan trên một tấm bản đồ. Nó ở Bắc Âu. Nó chắc phải đóng băng vào mùa đông.

Tối hôm sau phải mất một giờ đi tàu điện ngầm mới đến được Câu lạc bộ 17, nơi chúng tôi cùng hẹn. Tôi mua một cái bánh sừng bò và ăn trong lúc chờ đợi. Mười phút nữa là tám giờ, vẫn không thấy bóng dáng của Janne, nhưng tôi quyết định cứ đợi thêm. Tôi không muốn bị thất vọng trong một buổi tối mà vầng trăng đẹp đến thế trên bầu trời này.

Anh xuất hiện vừa đúng tám giờ. “Xin lỗi,” anh nói.

“Không sao.”

Chúng tôi bước vào quán bar, và nói chuyện một lúc. Tôi hỏi anh xem có trở lại Bắc Kinh nữa không và anh nói có thể vào tháng Tám năm sau, nhưng không chắc chắn. Anh nói với tôi, “Tôi không muốn em phải buồn vì tôi ra đi,” và tôi nhớ là tôi đã nói, “Never mind.”

Khi chúng tôi rời quán bar, Janne một mực đòi thanh toán tiền. Chúng tôi đi xuống phố. Ôtô nối đuôi nhau xếp thành hàng, đèn sáng trưng. Đó là Bắc Kinh mùa đông. Bước đi trong gió chẳng khác nào va phải tường gạch.

Như đêm trước, Janne và tôi cùng đi lang thang, điều khiến tôi vừa ý, vì tôi đang cố kéo dài thời gian ra càng lâu càng tốt. Tôi thật sự muốn ở bên anh, tôi thật cô đơn biết mấy.

“Muốn ngồi đây một lúc không?” anh hỏi khi đến bên chiếc ghế ở dưới chiếc cầu vượt.

Chúng tôi chẳng nói về một điều gì đặc biệt, nhưng sự khác biệt ngôn ngữ cũng quá lớn để có thể tiếp tục đối thoại. Anh nói rất nhanh, bằng tiếng Anh, và mặc dù tôi chẳng hiểu được một tí tẹo nào, tôi vẫn cảm nhận được cốt lõi của những gì anh nói thông qua vẻ mặt của anh. Anh nói rằng nếu chúng tôi quan hệ tình dục thì sẽ không tài nào có thể trở thành những bạn bè bình thường được nữa.

Trời, không, đó không phải là điều tôi muốn.

Không phải.

Lệ trào lên mắt tôi. Tôi giận dữ và khinh bỉ chính mình một lúc. Nhưng mọi thứ là thế đấy và tôi chẳng làm gì khác được. Hai con người từ hai xứ sở khác nhau, nói hai thứ tiếng khác nhau, khổ sở vì bị chia cách bởi không gian và thời khắc.

***

Janne và tôi hẹn gặp nhau vào tối hôm sau, là lần thứ ba. Khi chuông điện thọai reo, tôi lao bổ ra – không muốn để bố hay mẹ tôi nghe được. Janne hỏi mấy giờ thì chúng tôi gặp mặt. “Tám giờ rưỡi,” tôi nói.

Bố mẹ tôi ở trong phòng khách cùng chơi bài với bạn bè. Vào khỏang bảy rưỡi, khi tôi sửa soạn xong để đi thì bố tôi ngăn tôi lại.

“Con còn đi đâu vào giờ này? Con phải ở nhà!”

“Cái gì? Nhưng con phải đi có việc.”

“Tôi không quan tâm. Việc gì cũng không được ra ngòai muộn thế này.”

“Thật đấy, con có việc mà.” Tôi muốn nổi điên. Tôi liếc nhìn đồng hồ vì cái thời điểm mà tôi phải gặp Janne đã mỗi lúc một gần.

“Tôi không đấu lý với nó,” bố tôi nói với các vị khách. “Nó nghĩ nó có thể làm bất cứ thứ gì nó thích. Nếu nó dám ra ngoài tối nay, tôi sẽ đánh gẫy chân nó!”

Nước mắt tôi bắt đầu trào ra. “Bố làm vậy ư? Làm sao mà con lại có một người bố như thế?”

“Làm sao tao lại có một đứa con gái như mày?”

“Con phải ra ngoài!”

“Cứ thử xem mày có đi ra được khỏi cửa không!” bố tôi nói một cách đắc thắng, và tôi biết tôi chẳng làm gì được. Vào cái lúc mà tôi lủi bố tôi để đi được, tôi nhảy lên một chiếc taxi và đến ga tàu điện ngầm, đi tàu, và chạy chí chết đến cổng quán bar, đã là mười giờ hai mươi. Janne không có ở đó. Không một dấu vết. Mọi thứ như công cốc. Tôi quyết định gọi đến phòng anh, nghĩ rằng chắc anh đã phải trở về phòng rồi. Tôi cần phải giải thích điều gì đã xảy ra, đó không phải là lỗi của tôi…

“Hello!” Một người con gái nước ngoài nói.

Tôi nói với cô ta tôi tìm Janne.

“Cậu ấy không có ở đây,” cô ta nói. “Cậu ấy ra ngoài rồi. Muốn nhắn lại gì không?”

“Không, cám ơn.” Tôi gác máy, mừng rằng anh ấy vẫn chưa trở lại khách sạn. Nhưng anh ấy ở đâu? Tôi quyết định cứ đợi cho đến khi tôi có thể gọi tiếp cho chị anh và biết rằng anh đã trở về khách sạn để ngủ.

Chừng bốn mươi phút sau tôi nhìn thấy anh. Tôi phát sợ. Anh trông không có vẻ dễ chịu.

“Xin lỗi vì em đến muộn.”

“Không sao, lần trước anh cũng vậy.” Anh nói tất cả chỉ có thế, và chẳng có chút ấm áp nào trong câu trả lời của anh.

Sự thờ ơ của anh, thậm chí chẳng hỏi tại sao tôi bị muộn, làm tôi tê dại.

Lần này, thay vì đến Câu lạc bộ 17, chúng tôi chỉ đi lung tung. Janne có một vẻ lạnh lùng trên khuôn mặt, và tôi tự hỏi, phải chăng là, trong hai giờ đồng hồ tôi đến muộn, anh đã thay đổi thái độ với tôi.

Chúng tôi đến quán bar Tam Lý Thôn, và khi một cô bé cố gắng mời anh mua hoa, anh đã xua cô đi một cách sốt ruột.

Anh gọi một bia cho mình và hỏi tôi, “Em muốn uống gì?”

Tiếng ồn ào xung quanh chúng tôi trở nên ầm ĩ.

“Không gì cả,” tôi nói. Tôi không có đủ tiền để mua bất cứ thứ gì trên tờ thực đơn.

Anh nhìn tôi, có vẻ lúng túng, rồi quay lại và tập trung vào cốc bia. Chúng tôi không thể nào còn cảm thấy khó chịu hơn được nữa, và mọi thứ biến chuyển rất nhanh từ tệ sang tồi tệ.

Tôi chuyển cho anh một tờ giấy, trên đó tôi hỏi anh đang nghĩ gì.

“Không gì cả.”

“Vậy anh muốn viết gì cho em?”

“Xin lỗi, tôi không hiểu. Có thể bây giờ tôi chẳng có gì để nói, xin lỗi.”

“Em hiểu rồi. Em đang làm mất thì giờ của anh. Nếu em đang làm mất thì giờ, em sẽ đi và về nhà bây giờ.”

“Không, ý tôi không phải vậy.”

Trên tờ giấy anh viết:

Tôi xin lỗi. Tôi phải đi đây, và tôi nghĩ em nên về nhà thì hơn. Thật là vui khi ở bên cạnh em, nhưng rút cục thì, chúng ta sống ở hai quốc gia khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, vậy đừng nhớ tôi. Em có cuộc đời hạnh phúc riêng của em.

Cuộc đời hạnh phúc của tôi? Cứt chó! Anh chẳng biết cái đó tệ thế nào với chúng ta. Có đến cả một triệu dặm ở giữa chúng ta.

“Tôi rất xin lỗi…”

“Thôi quên đi!” Tôi chạy ra khỏi quán bar, miệng tôi khô nghét. Tất cả đều sai lầm tệ hại.

Janne lo lắng đi theo và nói với tôi rất nhiều thứ, tôi chẳng hiểu tí gì. Người Trung Hoa quan hệ với người Trung Hoa đã đủ khó, vì mỗi một câu lại có đến vô số hàm ý, và các giọng khác nhau cùng các từ có sắc thái khác nhau có thể tạo ra những hiệu quả khác nhau căn bản đến nỗi anh chẳng hiểu người ta đang khen anh hay là chửi anh. Tôi cứ chìm đắm trong những suy nghĩ và không thể ngăn nổi nước mắt mình tuôn ra. Với cái ý tưởng rằng người ngoại quốc này có thể thấy tôi buồn cười đến thế nào khi tuôn mưa.

“Đừng ghét tôi,” anh nói.

“Im đi!” tôi nói lại.

Anh ta viết một dòng trong bài hát của The Doors lên tờ giấy:

Mi đã mất người em gái nhỏ.

Tôi bước chân lên cầu vượt và nhìn chằm chằm xuống dòng xe cộ phía dưới, nói với anh ta cứ đi đi chẳng cần phải cùng với tôi, rằng tôi muốn được ở một mình. Sau khi nhìn anh ta chui vào taxi, tôi đi bộ về đại lộ Tràng An để bắt chuyến xe buýt khuya. Tôi chỉ có hai tệ trong người.

Janne đã không gọi điện vào tối thứ Năm. Khi tôi đến trường vào sáng thứ Sáu, máy bay của anh ta đã rời Trung Quốc.

Tôi đã chán trường chán lớp

Tôi không còn một ngày nào vui

Tôi không thể tha thứ cho mình

Tôi phải tỉnh ngộ, tỉnh ngộ nhanh!

Những năm tháng tàn khốc này bao giờ mới hết?

Anh bạn Bắc Âu của tôi, anh bạn đẹp

Tôi là thiếu nữ Trung Quốc

Quần tôi đen, tóc tôi dài, cô độc

Anh bạn đẹp, anh vui nhé!

Anh hãy sống đời anh hạnh phúc.

Bạn cũ tôi Tử Dư viết thư kể rằng các thảo nguyên của xứ Scottland không còn đẹp như ở mùa hạ. Cậu ta đang đợi mùa đông tới, khi các tia nắng mặt trời có thể làm cho chúng bừng lên lần nữa. Khi ấy dù anh có đứng ở đâu, anh cũng quên khuấy tất cả mọi thứ.

Ánh nắng bừng lên, một bầu trời xanh, những con người khỏe mạnh trên đường phố, xe cộ nối đuôi nhau ngược lên hướng này và xuôi về hướng khác.

Nhưng tôi thì càng ngày càng phiền muộn.

Trường, mọi loại trường, tôi đều không sao chịu nổi. Chẳng có một ngày nào mà ở đó tôi lại không bất hạnh. Tôi không muốn những con người ngu ngốc cứ cố chui vào trong đầu tôi. Tôi không muốn làm một bài thể dục mềm dẻo có nhạc hay những thứ chó chết tương tự. Tôi chỉ nhận được những cái liếc bẩn thỉu từ các giáo viên và tôi cũng đã ngấy họ đến tận cổ. Chỉ trừ, có thể là vậy, một người dạy luật. Ông ấy có vẻ được. Tôi muốn biết ông ấy sinh dưới sao nào, nhưng mỗi lần tôi hỏi, ông ấy cứ bắt tôi phải đoán.

Nietzsche đã từng nói: Tôi chẳng thà tìm kiếm hư vô còn hơn không tìm gì cả.

Có một trong số những cô nàng trong lớp thoải mái hưởng thụ tuổi thanh xuân mà vẫn làm chủ được hoàn toàn vẻ đẹp trẻ trung, hấp dẫn, tuyệt diệu, lộng lẫy của cô ta.

Tôi cảm thấy xấu hổ ghê gớm làm sao.

Có một trong số các cô nàng, rút cục luôn luôn dẫn đầu trong mọi cuộc thi.

Tôi không còn chỗ nào để trốn nữa.

***

Tôi thường xuyên lúng túng không hiểu nổi đầu óc của Đỗ Viện. Làm sao ngày nào ở trường cô ta cũng có thể đều đặn không bao giờ đến muộn, không bao giờ về sớm, luôn luôn tươi cười trước việc nặng? Tất cả mọi học sinh ở Trường Trung học Tây X này đều căm ghét ngôi trường đến tận xương tủy. Bản thân Đỗ Viện cũng thường xuyên phàn nàn, gọi Chủ nhiệm Vương, người phụ trách hội học sinh là “mụ già chết tiệt” sau lưng bà ta. Vậy làm sao cô ta có thể kiểm soát được tất cả xúc cảm của mình? Vị thế của cô ta đã được nâng cao đến nỗi cô ta đã được cất nhắc lên thành cán sự phụ trách hội văn nghệ. Tràn đầy sức lực, cô ta luôn luôn triệu tập các cuộc mít tinh để điều tra cái này hay cái khác. Ở đâu cũng có cơ hội cho cô ta.

Có thể cô ta cũng lúng túng không hiểu nổi đầu óc của tôi, tự hỏi rằng tại sao tôi lại không thể kiềm chế nổi xúc cảm. Tại sao tôi khao khát bỏ học và biến khỏi trường? Tôi mơ tưởng đến cái gì trên đời này vậy?

Tôi biết rằng đôi khi để những người khác chỉ đường cho anh đi thì tốt hơn là cho anh tự lựa chọn lấy. Nếu chỉ có một con đường để chọn, thì anh chọn nó. Những hối tiếc sẽ giảm đến mức tối thiểu. Nhưng cái cách chọn lựa cho tôi thì hoàn toàn sai lầm.

Tự do tự do tự do tự do. Tự do ăn, tự do ngủ, tự do nói, tự do hát, tự do kiếm tiền, tự do bật đèn, tự do tự sát, tự do đọc, tự do nghe nhạc, tự do làm tình, tự do đầu hàng, tự do về nhà, tự do bỏ học, tự do bỏ chạy, tự do tiêu tiền, tự do khóc, tự do nguyền rủa ai đó, tự do bỏ nhà, tự do lựa chọn, tự do tự do tự do tự do, tự do tự do tự do tự do, nếu anh không tự do, làm thế nào mà anh có thể nói về tự do?

***

Trong giờ ngữ văn, học sinh được đọc bài luận. Bài luận của tôi như sau:

Các bạn:

Tựa đề bài nói của tôi là: “Tất cả những người tài hoa chân chính đều luôn tự sát.” Có một cau nói có tác hại rất lớn, đó là “Kẻ thức thời thì tồn tại.” Xin thưa, nói vậy là hòan tòan sai lầm. Những ai tài hoa chân chính đều chết cả, những người còn sống đều là lọai bình thường hoặc đã vi phạm nguyên tắc của mình. Xin hãy thử nhìn vào số người tự sát: Khuất Nguyên, Lão Xá, Cố Thành, Hải Tử, Qua Mạch, Hermingway, Van Gogh, Marilyn Monroe,…và rất nhiều người nữa.

Trong số họ, có người được tôn kính, có người bị phỉ nhổ, nhưng họ đều có chung một điểm: khí khái cốt cách. Trước sự nhục nhã, họ thà chết chứ không van xin để được sống. Có thể các bạn cho rằng, tự sát là hành vi yếu đuối, còn tôi thì ngược lại, thấy không phải thế. Tự sát ở đây không phải là anh bị ai đó bức phải chết, mà là anh chủ động chọn cái chết. Từ bỏ sự trong sạch hay cứng rắn tới cùng, để giữ được cốt cách của con người. Lỗ Tấn cũng đã từng nói, tự sát là một cách phản kháng. Cố Thành, Hải Tử, Qua Mạch đều là những nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc. Cố Thành cầm đầu nhóm thơ mơ hồ, Hải Tử là người tổng kết thơ ca lãng mạn những năm 80. Qua Mạch là nhà thơ thiên tài từ trường Bắc Đại, trẫm mình trên sông Vạn Tuyền, trở thành “một xác người trẻ nhất” trong chính thơ của ông; Hải Tử tháng Năm năm 1989 đã nhảy vào, đường tàu ở Sơn Hải Quan, chọn cái chết để khẳng định thơ, phủ định cuộc sống lạnh lùng dung tục…

Do nhạy cảm, mơ mộng, những người tài hoa thường cảm thấy xã hội, thế giới là đen tối, xấu xa. Cuối cùng thì thiên tài chân chính đã cảm thấy tuyệt vọng. Họ đã thấy trước mọi thứ, biết rằng đường đi đã hết, thì việc gì phải lãng phí thời gian? Bây giờ có thể bạn sẽ hỏi: “Thế thì vì sao có rất nhiều người giỏi vẫn đang sống?” Tôi có thể trả lời ngay rằng, họ sống vì họ đã thỏa hiệp. Những người đó đã mài bớt sự sắc bén của mình, để rồi lẫn vào trong đám đông, trở thành một thứ vũ khí không cá tính, không tư tưởng, tự hạ thấp mình.

Vì vậy, người chân chính cần phải đấu tranh. Cuộc sống chân chính phải được bộc lộ hết mình. Giữa nhục nhã và nhân cách thì nên chọn nhân cách; giữa tồn tại và tự do thì hãy chọn tự do…

Bài viết của tôi đã hết, các bạn ở phía dưới vẫn giương mắt, há miệng, rồi bỗng từng tràng vỗ tay vang lên. “Bài này là em viết?” thầy ngữ văn cũng ngạc nhiên, sau đó hỏi riêng tôi.

“Vâng.”

“Chị Lâm! Chị Lâm!” mấy cậu trai ở ghế sau réo gọi. “Khá lắm! Còn giỏi hơn cả giỏi.”

Tạ Tư Nghê lè lưỡi về phía tôi. Lúc tan lớp, cô ta đến bên tôi nói, “Đằng ấy khá lắm! Biết được từng ấy danh nhân. Toàn những người mình chưa hề nghe nói, trừ mỗi Lỗ Tấn.”

Tôi đòi được bỏ học ở trường. Bố mẹ tôi đưa tôi đến gặp bác sĩ tâm thần, chủ yếu là để vừa lòng các thầy cô giáo và nhà trường. Hôm đó trời đổ tuyết – tôi nghĩ hẳn là mùng ba hay mùng bốn tháng Giêng gì đó, o không chắc lắm. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe do một anh lính đơn vị bố tôi lái, đến một bệnh viện quân đội ở xa, trên đường ra ngoại ô. Từ nhà chúng tôi đến đó mất hơn một giờ đồng hồ. Tương tự như cả nhà đi dã ngoại.

Chúng tôi vào một phòng trên tầng bốn. Một tấm biển trên cửa ghi “Khoa Tâm thần” khiến tôi thấy rất nhắng. Một bác sĩ ngồi ở một cái bàn rộng hỏi một cách lạnh nhạt, “Tên cháu là gì?” Giọng bà ta chẳng ngọt ngào, chẳng ấm áp.

“Tại sao tôi phải nói với bà?” tôi nói.

“Thế tại sao cháu phải đến đây? Tôi chỉ hỏi tên cháu, và hãy cứ như vậy cái đã.”

Bà ta ngừng viết và nhìn thẳng vào tôi. “Cháu nghĩ cháu đang nổi loạn, đúng không?”

“Tôi ngồi ở đây chỉ để cho đẹp mắt bà thôi,” tôi nói.

Miệng bà ta há ra như bị sốc. Bà ta nhìn tôi như nhìn một con gì đó có lớp da quá dày không thể chọc vào nổi. “Vậy ư?” Bà ta nói vẻ suy ngẫm. Đó là người đàn bà có thể tuyên bố rằng tôi bị điên, một con dại thực sự. Nhưng thay vì thế, đã có quyết định rằng sau khi kỳ nghỉ ở trường kết thúc, tôi cũng không phải quay trở lại đó nữa. Tôi cười cho đến khi phát khóc.

Trên đường về nhà chúng tôi dừng lại ở một quán ăn có món lẩu dê rất ngon. Như là một bữa tiệc ăn mừng vậy. Điều đó khiến tôi phấn khích, nhưng chỉ được một chốc, vì tôi nhận ra rằng chẳng có gì đáng để ăn mừng cả. Làm thế nào mà bố mẹ tôi lại có thể ăn mừng vì tôi bỏ học sớm? Chúng tôi lại lên đường vào khoảng bốn hay năm giờ, đúng vào lúc các trường cho tan học. Bên đường đầy những học sinh từ phổ thông cho đến đại học, một số mặc đồng phục, một số không, tất cả đều thơ ngây, vui nhộn, và tôi nhận thấy rằng trông khuôn mặt bọn họ mới hớn hở làm sao trong sự tương phản với màn tuyết trắng thuần khiết.

Và mọi việc đã là vậy đấy. Ngày đến trường tiếp theo tôi đã không phải thứ dậy vào lúc sáu giờ sáng, tôi đã không phải lo lắng vì đi muộn, tôi đã không phải tham gia vào trò thể dục mềm dẻo có nhạc, tôi đã không phải xếp hàng rồng rắn trong nhà bếp để ăn bữa trưa, tôi đã không phải thi thêm cái gì nữa, hay dự mít tinh gì, hay cắm mặt vào cái màn hình máy tính, hay…

Tất cả đều đã kết thúc.

Nó mang hết đi cùng tất cả những gì đẹp đẽ

Tôi thích gió của mùa đông

Nói với tôi mi phải kiên cường mạnh mẽ

Bây giờ tôi đi

Tôi đã đi

Để lại đằng sau than vãn và rớt lệ

Cứ vậy đi, cứ tiếc đi

Tôi ngược

Tôi nghỉ học vào mùa đông, tôi được giới thiệu một công việc ở một tạp chí. Văn phòng của họ ở trong một khu quân sự gần chỗ Năm Cây Tùng; trước đây tôi đã đến đó, nhưng chỉ để nghịch. Thỉnh thoảng tôi đến đó sau khi ăn trưa, với ánh nắng của mặt trời chiều chiếu xuống những bức tượng vĩ nhân, tỏa ra một cái gì vừa bao dung vừa ấm áp. Cái không khí dễ chịu, trễ nải ở đó làm tôi vui thích.

Đèn cơ quan tuy sáng nhưng ấm áp. Mọi người ai nấy đều có một góc nhỏ, và tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới có góc riêng cho tôi. Một đôi khi cơ quan đầy ních những người, còn có lúc lại vắng tanh vắng ngắt. Tôi thường ngồi ở cái bàn xa nhất phía bên trái, ngẩn ngơ lơ đãng. Tôi không biết họ nghĩ những gì về tôi. Bọn họ có đầy tiền và rất nhiều kinh nghiệm; họ có thể rủ bạn bè đi ăn tối, họ sực nước hoa, nước thơm đắt tiền, giọng họ nhẹ nhàng và lịch sự. Và tôi thì đã mê tít họ. Tôi nghĩ, tôi thích các người, các người ạ, vì thế nên tôi mới có thể lộ rõ ra là tôi thích các người. Tôi có thể chỉ là một đứa trẻ con ương ngạnh, nhưng tôi thấy thế chẳng sao cả.

Y và Z là hai người bạn của tôi đã du học ở Anh về. Y, người không còn trẻ gì nữa, là một tay mết chụp ảnh và một gã cuồng bóng đá. Con gái đối với anh ta chả đáng quan tâm. Anh ta để tóc dài dài, và có một đôi mắt trẻ trung của một con ngựa non. Z trẻ hơn Y nhiều tuổi, và tôi thường ngồi trong phòng nhìn xem anh lướt web và liên tục chát chít với các cô gái trên phone chặn tiếng. Lần này đến lần khác, tôi xem anh nói trên phone với thứ tiếng Anh rất ngọt và nhẹ nhàng của mình, và tôi cảm tưởng như nên bịt tay vào tai để khỏi phải nghe một thứ tiếng mà tôi không hiểu.

Mùa xuân dường như bùng ra không biết từ đâu đó. Y và Z bắt đầu trở nên rất bận rộn, càng ngày càng tốn thời gian vào các cuộc phỏng vấn và tôi ít khi nhìn thấy họ trong văn phòng. Tôi biết tôi sẽ phải rời khỏi chốn này không sớm thì muộn, và sự mê mẩn của tôi đối với họ cũng sẽ phai nhạt, và điều đó làm tôi thấy buồn. Biết cái đó không phải là cái tôi có thể kiểm soát được lại càng làm tôi buồn hơn.

Tôi ngồi hàng giờ liền bên bàn của tôi, chẳng làm gì cả. Thỉnh thoảng tôi đem đến một bó hoa và để nó trong một cái bình mà tôi chế từ một cái chai sprite hai lít.

Ánh nắng tuôn vào từ cửa sổ, vốn được mở hé ra để thoáng gió. Ai nấy đều bận rộn, không ai có thời giờ để tâm đến tôi. Tôi cảm thấy tuổi thanh xuân của mình đang trôi qua trong cái không khí này, trong không gian này, trong ánh nắng này.

Một hôm tôi nhìn quanh căn phòng vắng ngắt, và tôi nghĩ tôi sẽ phải phát điên lên mất. Cái bàn và cái ghế của tôi mở to miệng để nuốt sống tôi. Tôi đột nhiên cảm thấy hoàn toàn không được hoan nghênh ở chốn này. Khi nghĩ lại về thời gian đó, tôi có thể thấy rõ ràng đầu óc tôi đã dần dần mụ mẫm đi. Tuổi trẻ chẳng là gì và cũng chỉ là một tuổi, và họ không cần tuổi một kẻ nào khác để nhắc họ rằng thực tế họ đã già. Họ không cần một cái tuổi mới, một vết thương mới.

Tôi đi tìm Y và Z ở nhà tạp thể của họ. Z ở đó. Anh nói với tôi Y ra ngoài để chụp ảnh.

Chúng tôi ngồi trong phòng chung một với cái tivi vẫn bật, và tôi trong khi giở giở một tờ tạp chí vẫn hé mắt liếc nhìn Z. Anh ta đang nói chuyện điện thọai bằng một giọng nhẹ nhàng, chậm rãi, thỉnh thoảng lại bật cười, giọng dịu dàng đầy ẩn ý. Thỉnh thoảng anh ta lại chen vào giữa cuộc trao đổi bằng một tràng tiếng Anh dài, dễ nghe như tiếng suối róc rách rách. Ngạo mạn biết chừng nào!

Tôi bước vào phòng ngủ mà anh ta dùng chung với Y, nhìn thấy một chai nước hoa CK, và hít thở mùi thơm quyến rũ. Đột ngột, trước sự ngạc nhiên của tôi, Z đã nổi cáu.

“Bao giờ thì em mới về? Đã gần mười giờ rồi, và ngày mai tôi phải đi làm. Tôi cần đi ngủ.”

Tôi không biết phải nói gì, và vào khoảnh khắc ngắn ngủi đó, sự tuyệt vọng xâm chiếm lấy tôi. Thế giới này không có một tí một phún nào là không tàn bạo, như mọi người nói. Có một sự dao động, nhưng tôi đã bước tới và đặt tay lên vai anh ta. Anh ta lùi lại. Điều tôi thực sự muốn là ngồi vào lòng anh, nhưng anh ta ngăn tôi lại. “Trong quá khứ em đã từng bị tổn thương ư?” Anh ta hỏi với một cái nhìn như muốn nghiên cứu.

“Cái gì?” tôi thấy mình bật cười.

Ủ rũ, anh ta nói, “Em không chân thành.”

Tôi cúi đầu xuống. Được rồi, được thôi, tôi không chân thành. Thế thì…mặc xác hắn. Tôi nói tôi đi đây, và anh ta đứng dậy tiễn tôi. Ra đến cửa anh ta cười toe toét và nói, “Em du côn thật… em thật man dại, được rồi, một thế hệ mới… mới!”

Nhìn anh ta lần cuối cùng, tôi chạy đi, cảm thấy có gì đó giống như máu nhớp nháp đang tràn vào não tôi. Tôi vẫn nghe tiếng bì bõm vang lên xung quanh khi tôi chạy. Nhanh nữa, nhanh nữa. Thế giới kiểu gì thế này? Gió lạnh xuyên qua quần áo và cứa vào ngực tôi như những mũi dao. Tôi chạy như điên, trong câm lặng.


/21

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status