Búp Bê Bắc Kinh

Chương 20: KHÔNG CÒN NIỀM VUI

/21


MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Đừng ngăn tôi già đi

Vì tôi còn rất trẻ

- Khúc Nguyên Tân -

Bố tôi ném cái bát vào tôi. Tôi yêu ông, nhưng chúng tôi không thể hiểu nhau. “Nuôi mày lớn lên chúng ta chẳng được gì. Tao thề sẽ giết mày.” Một chiếc bát bay qua phòng và lao thẳng vào mặt tôi. Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy như ngày tận cùng của thế giới. Bố tôi, chúng tôi là ruột thịt, nhưng lại như kẻ thù. Tôi chỉ mong chúng tôi là những người xa lạ. “Ai có thể bảo được mày? Tao hỏi, ai có thể dạy được mày?” Tôi đứng yên, hờ hững, vô cảm, không có ý kháng cự hay phản ứng. Mọi thứ quanh tôi hoàn toàn đáng ghét, vô nghĩa và hai con người đã mang tôi vào thế giới này cũng không bao giờ hiểu rằng họ là cội nguồn đau khổ đầu tiên của tôi.

Ngay cả tuổi trẻ cũng không giúp được tôi.

Tôi buộc phải tin rằng tất cả những chuyện này chỉ là tạm thời, rằng mọi thứ cuối cùng sẽ ổn thỏa, tốt đẹp.

***

Cuối cùng tôi và Bạc Hà cũng gặp nhau, trên Đại lộ Tràng An. Tôi quyết định gặp anh ở đó bởi vì những ánh đèn cùng đám đông ăn mặc đẹp đẽ khiến cho không gian mang dáng vẻ thủ đô. Tôi đã hy vọng rằng một bầu không khí thường nhật sẽ xua đi sự bất ổn mà tôi mang theo. Chẳng ai trong chúng tôi còn là học sinh, vậy nên có ích gì khi bày ra một cuộc theo đuổi điệu đà? Dù có chuyện gì thì tôi vẫn muốn đối mặt với hiện thực.

Như thường lệ, tôi đến muộn. Ngày hôm trước cuộc gặp, tôi đã nhuộm tóc trở lại màu đen. Bây giờ trông nó không tự nhiên, quá đen, còn đôi mắt của tôi thì trái lại, không thể lấp lánh nổi vì đã mấy ngày ngủ ít. Tệ hơn nữa, tôi thấy áo choàng của mình còn bẩn. Sửa soạn xong rồi tôi mới nhận thấy trông mình chưa bao giờ xấu xí hơn.

Tôi gọi cho anh trước khi lên tàu và anh đang đi cùng một cô gái. “Ba chúng mình có thể đi chơi với nhau, anh sẽ giới thiệu với em một người bạn mới.” Tôi thấy choáng váng. Giới thiệu tôi với một người bạn mới? Anh ta đùa chăng? Làm thế nào một người xa lạ còn giới thiệu tôi với một người bạn mới.

“Không được,” tôi nói. “Em tới gặp anh và chỉ mình anh thôi, em không có hẹn với bất kỳ người nào khác.”

“Được rồi, được rồi, anh sẽ bảo cô ấy đi, thế nhé?”

Tôi lên tàu, cảm thấy bớt nhiệt tình. Sao tôi không dùng thời gian của mình tốt hơn, thay vì phung phí nó với những con người buồn chán, vô nghĩa? Đó là vì bản chất tôi là một kẻ tò mò. Từ hồi còn bé, tôi đã mê mẩn với việc giải câu đố và một khi đã đi đúng hướng thì tôi sẽ không dừng lại cho đến khi phân tích ra mọi khả năng và giải quyết vấn đề. Ngay cả khi đáp án không như tôi nghĩ, thậm chí ngược lại, thì thời gian bỏ ra theo đuổi chúng lúc nào cũng đáng giá. Nhưng câu chuyện tối nay có lẽ không như vậy.

Tàu tới ga Phục Hưng rất nhanh, và tôi chậm chạp xuống. Lúc đó là bảy giờ bốn mươi, có nghĩa là tôi muộn 40 phút, nhưng lại là người ít vội vã nhất trên sân ga. Tôi không muốn ra khỏi đó. Tôi ghét cái ý nghĩ phải gặp anh, tôi thiếu tự tin và có một cảm giác lạ lùng, không thể giải thích được rằng mình bị lờ đi, bị coi thường. Đó không phải là cảm giác dễ chịu. Cơn gió mạnh thổi vào khi tôi ra khỏi nhà ga, tôi nghĩ đến việc quay trở lại, nhưng lại không làm. Trò chơi đã bắt đầu, phải chơi cho hết. Tôi hít một hơi, bứt rứt đến độ nghĩ mình chắc sắp khóc.

Một người đàn ông trẻ tiến về phía tôi. “Xin chào, anh là Bạc Hà. Xuân Thụ phải không? Em để anh phải đợi lâu đấy.”

“Chào,” tôi nói, thầm ngắm anh: Không cao quá, khoảng 1m75, xương nhỏ, người gày gò, quần jean bó sát, áo khoác hiệu Converse, giày đi bộ hiệu New Balance, và một cái ba lô quá khổ của người leo núi khiến anh như người có bướu ở lưng. So với anh, trông tôi thật thảnh thơi.

Chúng tôi đi xuống Đại lộ Tràng An, đi không có chủ định trong gió thổi khá mạnh. Tôi căng thẳng đồng thời phấn khích, cảm thấy gượng gạo, không thoải mái. Vì chúng tôi biết ít về nhau nên tôi lại nói nhiều và cười to, dù rằng nghe trống rỗng, thật sự trống rỗng. Trông anh khá hơn tôi tưởng, mặc dù tôi không thích khuôn mặt và đôi mắt của anh lắm. Chúng lờ đờ, không trong, như là nước đục, nhưng cái quần jean của anh thì rất hợp với dáng người mảnh dẻ, và cái ba lô của anh chất đầy những thứ hay ho. Về tổng thể, trông anh như nhân vật trong hoạt hình, nhưng anh có quan điểm độc đáo về mọi chuyện, một người thông minh có lợi cho bản thân. Cũng là típ tôi thích. Bề ngoài là thế.

Bốn tiếng đồng hồ sau khi gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi không trôi chảy lắm. Tôi nghĩ chúng tôi có vấn đề về giao tiếp. Hay là cái hành lang sáng quá nên không che đậy được gì cả, tất cả cứ lồ lộ ra. Mọi thứ về anh thì xa lạ với tôi, trừ cái nhẫn bạc trên ngón tay anh, anh cứ xoay xoay nó suốt, và tôi đã đọc đâu đó trong sách rằng, đó là biểu hiện vô thức của sự bất đồng tình cảm. Câu chuyện của chúng tôi thường bị ngắt bởi những cuộc gọi đến, Bạc Hà thường thở phào, đáp lại rất nhanh rồi lại bắt đầu nói chuyện với người gọi đến.

Tôi nhớ G bảo tôi gọi điện cho anh trước khi đi gặp anh chàng này, nhưng tôi đã không gọi. Khoảng bảy giờ, cậu gọi vào máy di động của Bạc Hà. Anh đưa điện thoại cho tôi, nhưng tôi cúi xuống và không chịu cầm cho đến khi anh phải nài. Giọng nói bên kia yếu ớt, “Cậu đang ở đâu đấy?”

“Ở một hành lang?”

“Ở Bách Thịnh?”

“Không. Tầng bảy của một nhà cao tầng.”

“Vì sao không nói chuyện trong một tiệm ăn nhanh?”

Một tiệm ăn nhanh? Có lẽ G nghĩ nói chuyện ở một tiệm ăn nhanh thì an toàn hơn.

“Mình sẽ gọi cho cậu trước khi về,” tôi nói.

G cúp máy.

Tôi nhún vai.

Với cuộc nói chuyện nhọc nhằn này, lẽ ra tôi phải nói lời tạm biệt và ra về cho kịp chuyến tàu cuối, như thế tôi còn lối thoát và có thể giải thích mọi chuyện với G. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với tôi vậy? Một cái gì từ nơi sâu thẳm đang hét lên nỗi buồn và sự miễn cưỡng, một cái gì đó ngại ngần không chịu thua. Tôi muốn đảo ngược tình thế, lấy lại tự tin và cảm xúc, và sự hiếu kỳ của tôi sẽ được chế ngự. Tôi muốn thắng anh ta. Tôi không thể bỏ về nhà lúc này.

Tôi cần liên hệ, liên hệ nhiều hơn, những mối liên hệ với cuộc đời thực.

***

Tôi nhớ hôm đó chúng tôi tìm được một khách sạn nhỏ. Dù đang bối rối nhưng Bạc Hà vẫn không quên mặc cả giá phòng và kéo nó từ sáu mươi xuống còn bốn mươi tệ. Khi nằm trên cái giường đôi trong căn phòng nhỏ xíu, ngột ngạt, nóng nực, chúng tôi mới phát hiện ra mình quên mang vài thứ. Thế là chúng tôi nằm nguyên quần áo, hai con người trước đó hai tư giờ vẫn còn chưa gặp nhau. Tim tôi trống trải và tôi dồn mọi thứ vào một góc trong đầu, nơi nó lại rơi vào hư vô. Tôi hài lòng với kết quả. Buổi sáng hôm sau, Bạc Hà dậy đúng tám giờ, anh ra khỏi giường, dáng điệu quả quyết. Anh chuẩn bị đi làm. Không có dấu hiệu gì của sự quan tâm hay dịu dàng mà tôi tưởng tượng ra. Tôi lên tàu về nhà.

Anh chẳng hề chú ý đến tôi.

***

Ngày tiếp theo, G tới văn phòng tạp chí vào giờ ăn trưa và để lại chỗ cô A vài cái đĩa CD và quyển sách mà tôi cho cậu mượn, bảo cô chuyển cho tôi. Tôi hiểu chuyện giữa chúng tôi đã hết. Tôi đã đi quá xa. Đã hơn một lần tôi suy nghĩ về phản ứng của mình vào cái ngày tôi đối mặt với bức màn ngăn cuối cùng, xem có phải tôi đã dự đoán chuyện đó và lên cả một kế hoạch. Và, khi thời điểm đến, tôi đã đáp lại thụ động, hoàn toàn không có gì chuẩn bị. Tôi để cho G đi.

Bạc Hà dẫn tôi đi mua sắm, mua cho tôi một đôi kính vàng, cùng một cái mũ len rất “Ăng-lê” mà anh chụp lên đầu tôi cùng một nụ cười. “Trông tuyệt lắm!”

Vài ngày sau, anh mua cho tôi cái áo “Miss America” màu đỏ. Tôi nhớ lại những ngày ở bên G, khi chúng tôi thường phải tính xem dùng tiền để ăn McDonald hay mua một cái áo giá sáu mươi tệ.

Mua bán xong, Bạc Hà rủ tôi đi chơi với anh tối hôm đó, bảo rằng muốn cho tôi gặp gỡ vài người bạn của anh.

Chúng tôi đi xem một buổi trình diễn không hay lắm ở câu lạc bộ, do một công ty băng đĩa tài trợ để quảng cáo cho các nghệ sĩ mới. Trên sân khấu, một anh chàng cứ hát “Bởi vì chúng tôi trẻ…” Tôi quên mất dòng tiếp theo là gì, nhưng đại để bạn khi còn trẻ thì bạn làm gì cũng được.

Bạc Hà giới thiệu tôi với các bạn của anh: “Đây là AB, đây là ABC, đây là ABCD, đây là ABCDE,…”

Tôi chào cả bọn họ. Họ có vẻ ngạc nhiên rằng Bạc Hà cuối cùng cũng có bạn gái. Chết tiệt, tôi thấy ngạc nhiên. Lúc sau, anh bảo tôi rằng anh có ba điều kiện khi tìm bạn gái: thứ nhất, không chủ động; thứ hai, không tiền; thứ ba, không đầu tư. Kết cục, chẳng có cô nào thích anh. Tôi thấy thú vị với ABCD, người không cao lắm, mặc áo da có mũ. Sau khi nói chuyện, tôi biết rằng cậu ta làm cho tờ Rock TSGQ. “Mình thậm chí còn đọc bản thảo mà cậu biên tập rồi!” Tôi phấn khích bảo, khiến Bạc Hà phải quay ra nhìn.

Tôi cho họ xem một số những gì tôi viết, vì Bạc Hà giới thiệu tôi rằng: “Đây là bạn gái mình, Xuân Thụ. Cô ấy đang viết tiểu thuyết.” Có lẽ việc tôi viết tiểu thuyết đem lại cho anh chút uy tín nào đó.

AB, ABC, ABCDE không nói gì sau khi đọc qua một chút, nhưng ABCD bảo rằng cậu ta rất thích. Cậu ta có ấn tượng với đoạn văn mở đầu. Tôi nghĩ đó là bởi vì, giống cô gái trong tiểu thuyết, cậu ta đang phải ở đó, khó chịu, trước một buổi biểu diễn mà mình chẳng thích. Không có gì là phù phiếm hay cố tình mập mờ nơi cậu. Đó là một người bộc trực, thuần khiết.

***

Một dịp cuối tuần, Bạc Hà và tôi quyết định tới Thiên Tân để mua quần áo cũ, rẻ tiền. Con tàu đi qua một vùng bằng phẳng, nơi các dấu chân, một vài cái vũng nông sâu trải ra trên quang cảnh tuyết trắng. Xa xa, chúng tôi nhìn thấy tuyết trắng muốt, cây cối và rặng núi. Mặt trời buổi trưa ve vuốt chúng tôi, như mẹ, như người tình. Tôi không muốn nói hay nghĩ ngợi về bất cứ điều gì. Chúng tôi hút hết điếu này tới điếu khác, ăn những quả đào được bảo quản và nhai thịt bò khô. Chúng tôi đang ở trong một cái xe không hút thuốc, nhưng chẳng thấy ai phàn nàn.

“Này, em nghe Duẩn Ngô đi.” Bạc Hà đưa cho tôi cái tai nghe của anh.

Thực lòng, tôi chẳng quan tâm mấy đến Duẩn Ngô; anh ta quá nhỏ và buồn bã. Nhỏ người thì chả có gì xấu, nhưng khi một người bé nhỏ như anh hát về những thứ như nỗi nhớ nhà, nhân loại, lý tưởng và sự lang thang vô định trong đời thì nghe hài hước, thậm chí mỉa mai. Nhưng có lẽ chỉ có tôi nghĩ thế.

Vậy nhưng, sau một hồi, tôi nhận thấy nhạc của Duẩn Ngô thật hay khi đi tàu, và tâm trạng của bài hát rất hợp với cảm giác chia ly.

“Anh mua cái băng đó đúng vào hôm nó mới phát hành. ‘Xin hãy tin’ là bài anh rất thích. Lần đầu nghe nó anh đã khóc.”

Lời hát như thế này:

Đừng, đừng ngủ, bạn ơi, vì đường còn dài trước mặt. Đừng, đừng đánh mất hy vọng trong tim, dù ta đã mơ, những giấc mơ tan vỡ, cùng trái tim bị tổn thương, và đau đớn bởi thời gian trôi qua. Có thể rằng bạn thấy nản lòng và vô vọng, nhưng tôi muốn bảo điều này: Xin hãy tin rằng không phải mọi tiếng gọi đều không lời đáp, không phải mọi mất mát đều không được đền bù, không phải mọi ngôi sao đều không báo hiệu bình minh sau đêm đen, không phải mọi giấc mơ đều cố tình gãy cánh, không phải mọi hạt giống đều không tìm được đất nảy mầm, không phải mọi bài hát đều lướt qua mà không ở lại trong tim. Dù cuộc đời vẫn không ngừng hủy hoại những giấc mơ của ta, và có những mất mát không bao giờ lấy lại được, niềm hy vọng vẫn tiếp tục vươn lên. Hãy gánh vác tất cả, đặt lên vai tất cả.

Những ngân hàng ở Thiên Tân không nối máy tính, cho nên chúng tôi không thể dùng thẻ nhà băng để lấy tiền từ ATM. Bạc Hà thường rất không may. Anh phải cố đến hai, ba lần để làm được cái điều mà người khác chỉ làm một lần là xong, và có những thứ với người khác chẳng thành vấn đề thì có khi lại khiến anh điên đầu. Khi cả hai chúng tôi đã gần chết đói, Bạc Hà đề nghị đến chỗ McDonald ngồi một lúc. “Chúng mình có thể uống cà phê ở đó. McDonald bày máy cà phê bên ngoài nên chúng mình có thể uống cà phê miễn phí trong suốt buổi chiều, miễn là có cốc. Chúng mình có thể xin thêm đường và sữa.” Đó là một ý tưởng tuyệt diệu. Ngồi trong một tiệm ăn nhanh sáng sủa, ấm cúng khiến ta quên hết mọi ưu phiền về thế giới. Và ở Thiên Tân, cửa hàng McDonald mở cửa đến tận nửa đêm, muộn hơn một giờ so với Bắc Kinh.

Phần còn lại của buổi tối, chúng tôi ngồi trong một quán cà phê mở cửa suốt đêm, và gom hết tiền lại cũng đủ để mua một bát sữa đậu nành. Gió lạnh vẫn tiếp tục thổi bên ngoài, nhưng bên trong quán thì lại ấm như mùa xuân. Tôi chào đón ngày mới với son phấn từ đêm trước, nhưng tôi hồ hởi và vui sướng. Bầu trời trong trẻo và không khí mới mẻ lúc nào cũng làm ta sung mãn. Tay trong tay, Bạc Hà và tôi dạo quanh khu chợ đồ cũ cùng Bách hóa Y Thế Đan và thấy hạnh phúc dù chẳng có tiền trong túi. Không dễ dàng gì, nhưng chúng tôi xoay xở được.

Tôi trở lại làm việc cho tạp chí. Cô A đã làm mọi cách để tôi trở lại bởi những phỏng vấn của tôi khá đạt và làm việc với tôi dễ chịu.

Tất cả mọi người trong văn phòng ngạc nhiên khi biết mối quan hệ của tôi với Bạc Hà. Họ nói trông anh như một đứa trẻ, sôi nổi và vô tư, không có vẻ của người có bạn gái. Cô A có vẻ quan tâm đến tôi, và tôi chưa phải một mình lo chuyện gì. Tôi vẫn cố để mọi người được thoải mái.

Bạc Hà và tôi hẹn gặp nhau tại lối ra của ga Hòa Bình Môn vào tám giờ để cùng đi xe buýt tới tòa soạn. Tám giờ là thời gian đã dự định nhưng thường là tám rưỡi hoặc muộn hơn tôi mới tới. Lần nào ra khỏi ga, tôi cũng thấy anh đang bình thản đứng đợi, miệng mỉm cười. Đôi khi tới văn phòng, chúng tôi nghe bài “Adore” của Smashing Pumpkins hay một vài đĩa CD khác trên máy tính, và nhìn các biên tập viên khác tới làm, nhưng thường là chúng tôi đến muộn. Những hôm đó, chúng tôi nghe nhạc vào buổi trưa khi tất cả mọi người xuống nhà đi ăn. Hết giờ làm việc chúng tôi đi về cùng nhau và đi xe buýt tới một quán cà phê nhỏ gần xưởng Lưu Ly, ở đó chúng tôi uống sữa đậu và ăn món thịt hầm. Tôi không quen uống sữa đậu nhưng Bạc Hà thì gọi tới ba bát lớn và tham lam húp sùm sụp trong khi còn nóng. Tôi chỉ ăn cháo. Bạc Hà bảo tôi quán đến cà phê này đã mở hơn bốn mươi năm. “Anh đã ăn ở đây từ khi còn bé. Cái bà dì kia đã nhìn anh lớn lên,” anh nói, chỉ một người đàn bà khoảng ba, bốn mươi , môi đánh son tươi. Bà ta trông trẻ hơn tuổi nhiều, rất hoạt bát và thân thiện. Bà bảo chúng tôi rằng con bà cũng nghe nhạc rock và đã nhuộm tóc vàng. Nó đang tiết kiệm tiền để mua một cây guitar điện. Sau khi ăn xong, Bạc Hà liền tiễn tôi tới ga tàu điện ngầm hay dẫn tôi về nhà anh trong một cái ngõ nhỏ ở Quận Tuyên Vũ. Tôi ghét những cái ngõ đó. Mẹ anh vắng nhà suốt; anh bảo bà lúc nào cũng bận đi làm. Sau khi cha anh chết, mẹ anh phải lo mọi việc trong gia đình và vẫn phải giữ chỗ làm. Khi về nhà, bà hối hả ăn tối rồi vào phòng nghỉ. Tôi nhìn thấy một tấm hình của bà khi còn trẻ, một người thật đẹp. Đáng buồn là bà đã thay đổi và béo lên, nhan sắc của bà đã tan biến. Thời gian, lao động khổ ải, cùng nỗi cô đơn đã khiến người phụ nữ xinh đẹp trở thành già nua. Có một đứa con trai chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Số phận của bà là một lời cảnh báo đối với tôi.

Cánh cửa phòng của Bạc Hà không có khóa, nghĩa là anh chẳng có lấy một không gian riêng tư, không có tự do ở nhà. Đó là điều trái ngược với những gì tôi trông đợi. Bước vào phòng anh, bạn đối mặt với một cái giường đôi lòe loẹt chồng chất chăn gối, tạp chí, đa phần là Tuần báo Trẻ Bắc Kinh cùng những thứ khác xuất bản bởi những công ty anh đã làm việc. Có mùi hôi hôi như có gì đang thối rữa, và giày ở khắp nơi, dưới gầm giường và trên bàn, từ Converse đến New Balance rồi Converse biết đến New Balance… Bên phải giường là một bộ trống trông như đã từ nhiều năm rồi chưa ai đụng tới. Bên trái giường là một tủ sách chất đầy giấy tờ và băng cassette. Cạnh đó là một tủ sách nữa, cao hơn, lèn chặt sách cũ và thư từ. Đó là một cái nơi lố bịch như thể đã nửa thế kỷ nay không được dọn dẹp. Lần đầu tiên đến đó, tôi ngạc nhiên thấy Bạc Hà có vẻ cầu kỳ, hoàn hảo bề ngoài mà bên trong lại hoàn toàn tồi tàn, gớm ghiếc.

Nhiều lần Bạc Hà đưa tôi về tận nhà. Đôi khi chuyến xe buýt cuối cùng đã hết và anh phải đứng nửa giờ hay một giờ trong giá lạnh để chờ chuyến xe đêm đầu tiên.

Không ai trong chúng tôi còn mong đợi những buổi sáng bụi bặm hay những buổi chiều mệt rũ.

Những tò mò của tôi với Bạc Hà đã nguội đi nhanh chóng, thế vào đó là sự bất mãn. Tôi khó chịu nhất bởi chuyện thiếu hiểu nhau, khi không nói ra, khiến cho việc nói chuyện với anh trở nên mệt mỏi. Ngày lại ngày, anh cứ như một bó năng lượng, cùng với cái ba lô Polo giả to tướng trên vai và giày New Balance dưới chân, chạy tới chạy lui như trên đống lửa, như thể anh là người đàn ông bận rộn nhất thế giới. Điều tôi cần là một tình yêu thầm lặng và bền vững, và tôi không chắc đó là điều anh có thể cho tôi.

***

Đêm Giáng sinh, Bạc Hà và tôi đi dọc Đại lộ Tràng An.

“Hay ta lập một ban nhạc đi,” anh bảo.

“Chúng ta gọi nó là gì?” Tôi hỏi.

“Anh chưa biết.”

“Gọi là Thỏ Điện được không?”

“Thỏ Điện, Thỏ Gỗ. Hay gọi ban nhạc của chúng ta là Thỏ Gỗ?” Bạc Hà đáp.

Tôi vui sướng, âm thanh nghe mới tuyệt làm sao! Ban nhạc Thỏ Gỗ. Tôi cứ nhắc lại cái tên. “Ôi! Thỏ Gỗ!”

“Xin chào các bạn. Chúng tôi là ban Thỏ Gỗ. Bài đầu tiên chúng tôi sẽ chơi chính là ‘Thỏ Gỗ’.” Bạc Hà làm bộ chơi guitar trong không khí. “Được rồi, bài tếp theo là ‘Thỏ con’!” Anh vẫy tay và nhảy vòng quanh. “Bài thứ ba, sẽ là ‘Thỏ’!” Chúng tôi cười phá ra, quên hết mọi sự.

Khi đến rạp, bộ phim chúng tôi định xem đã chiếu được hai mươi phút. Vé xem khá đắt và Bạc Hà lưỡng lự chừng năm phút. Tôi nhìn anh, không nói gì, nhưng nghĩ thầm, “Chúng tôi sẽ chia tay nếu anh không mua vé hoặc kiếm cớ để không mua.”

“Anh thấy cùng đường rồi,” anh nói khi rút tiền ra. Chúng tôi phấn khởi lao vào trong rạp, dò dẫm trong bóng tối tìm những chỗ ngồi phía trước. Phim đầu tiên là một phim nội đã chiếu được hơn một nửa, thế là chúng tôi chỉ ngồi thưởng thức không khí của rạp hơn là xem phim. Phim thứ hai là một phim gay cấn rất nổi của năm 2000, ngập tràn trong cảm giác âm u rờn rợn với những bối cảnh tuyệt vời: lò mổ, ống hơi nước dưới hầm, cột trụ, đường xe lửa… Tôi thấy mê ngay.

Chúng tôi chẳng biết đi đâu sau khi hết phim. Đã năm giờ sáng, chúng tôi mệt mỏi nhưng lại không có tiền để thuê một phòng. Không ai trong chúng tôi có thể về nhà người kia bởi vì các bậc cha mẹ truyền thống, cổ hủ.

“Em lạnh,” tôi bảo với Bạc Hà. “Chúng mình làm gì bây giờ? Về đâu? Chúng mình không thể đứng đây được.”

“Sao không về nhà anh? Anh bảo mẹ rằng đây là bạn làm cùng và sáng nay bọn mình phải làm việc cùng nhau. Em có thể ngủ trên sofa. Em thấy sao?”

“Cũng được.”

Chúng tôi đứng trong giá rét chờ chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày đưa đến nhà anh. Bạc Hà và mẹ ngủ trên cái giường trong phòng của anh, và tôi nằm trên sofa phòng khách. Trước khi nằm xuống, tôi phải dọn bớt báo chí và những thứ linh tinh khác. Anh ném cho tôi một cái chăn bẩn thỉu, tôi trùm lên và ngủ. Lúc sau, tôi cảm thấy có ai đang đứng trước mặt, nhưng tôi quá mệt để mà mở mắt ra. Tôi đoán là mẹ anh. Tám giờ, Bạc Hà đánh thức tôi dậy. Mẹ anh đưa cho anh hai mươi tệ để chúng tôi uống tạm sữa đậu và ăn gan nướng ở quán. Rồi chúng tôi vội vã tới văn phòng, bấm thẻ của mình rồi bò vào bàn gà gật trước khi những người khác đến làm.

Tôi chỉ là một anh chàng khốn khổ chẳng được ai yêu/(anh ta chỉ là anh nhà nghèo khốn khổ)

- Queen -

Ngắt một nắm cỏ dại và bước đi lặng lẽ, chẳng mỏi mệt cũng chẳng đau buồn. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì, đã quên hết mọi phiền lụy thế gian.

Như cọng cỏ mùa thu, xao động bởi ngọn gió bất kỳ, chẳng buồn cũng chẳng vui. Gió lặng rồi cỏ lại xanh tươi, chỉ rũ xuống lúc màn đêm kéo tới.

- Tử Dư -

Bạc Hà cùng tôi đi xem buổi tập của anh ban nhạc nữ alternative. Họ đang trong quá trình sắp xếp lại và muốn tôi làm tay bass của họ. Họ không biết nhiều về kỹ thuật để nói, nhưng đã biểu diễn nhiều và được đón nhận nhiệt tình. Họ cũng như tôi đều chẳng muốn thừa nhận rằng chính giới tính đã khiến họ được nổi tiếng hơn cái mà âm nhạc của họ xứng đáng được nhận. Bạc Hà đi xe buýt tới đó cùng tôi, vì một lần nữa chẳng ai có tiền. Tôi biết anh đói, thế là tôi mang theo ít mì ăn liền. Trời có tuyết. Mặt đất cứng và lạnh.

Phần lớn các cô gái trong ban là học sinh trung học. Tôi đọc lời bài hát của họ, vài từ ngữ nghe quen thuộc lạ lùng. Tôi ngờ rằng đó là bản tiếng Trung những bài hát của một nhà soạn lời nước ngoài nổi tiếng. Tay trống, Hoàng Mạn Mạn, có mái tóc nhuộm vàng. Cái từ yêu thích của cô ta là “Cứt,” và cô nói luôn miệng. Cô ca sĩ chính thì cho tôi xem đôi giày mới làm từ da rắn hồng, có mũi nhọn. Trong khi chúng tôi tập, Bạc Hà nằm dài ra một cái ghế lặng lẽ đọc quyển truyện thiếu nhi chúng tôi mua vài hôm trước. Đó là quyển sách lý tưởng của chúng tôi, vì mỗi lần mở ra lại phát hiện ra những điều trước đó chưa thấy. Thế có nghĩa, về mặt nào đó, đó không phải là một quyển sách dễ đọc – mỗi lần đọc bạn lại được những dấu hiệu tưởng tượng mới.

Lúc sau có một anh chàng đến, đó là người tình nguyện dạy Mạn Mạn chơi guitar. Họ nhìn nhau lơi lả và luôn miệng đùa cợt. Mỗi khi Mạn Mạn chơi sai một nốt, cô ta lại bảo, “Cái này anh chưa dạy!”

“Không phải anh chưa dạy, mà là anh chưa cấu cho em một cái.”

“Cứt…”

Sau buổi tập, chúng tôi đi xe buýt về nhà. Đám con gái cũng lên xe đó, bảo rằng họ đến Tây Đơn mua giày. Tôi đi cùng Hoàng Mạn Mạn và nói chuyện dọc đường. Cô ta nhắc đến G, bảo rằng cậu ta chẳng đẹp trai, ăn mặc thì chẳng ra sao. Tôi ngắt lời cô và bảo không ai được nói gì không hay về G trước mặt tôi. Tôi cảm thấy tim mình bắt đầu nhói lên.

***

Tôi lại mơ tới trường học.

Trong giấc mơ, tôi mặc một cái váy màu trắng, lo âu nói cùng chủ nhiệm lớp và thầy hiệu trưởng, “Xin thầy. Xin thầy cho em được học lớp mười hai.” Họ chẳng động lòng, và tôi sắp òa lên khóc như một đứa trẻ bị lợi dụng. Muốn nói mà không được, tôi thở hổn hển, giọng nói khàn đục. Tôi sợ rằng mình sẽ chết trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng này. Sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng, tôi cố gạt ra khỏi tâm trí mọi ký ức về nhà trường.

Lúc ra toilet, tôi đi ngang cái gương lớn trong phòng khách, và thoáng thấy khuôn mặt mình run rẩy trong gương. “Trước đây trông mình đâu có thế,” tôi nghĩ.

Tôi vào giường nằm lại, trong khi vô số ảo ảnh tràn qua tâm trí, tất cả đều từ quá khứ: một nụ cười vội vã; một tâm trạng đóng băng; gió, hoa, đuôi sóc, mặt trời, độ ẩm của mùa hè. Tất cả hợp lại thành những mảnh sáng chắp vá, không thể nắm bắt.

Tôi thà từ bỏ tất cả ký ức để tâm tư biến thành một khoảng hư vô trắng muốt, ngọt ngào. Màu trắng đem đến cho tôi cảm giác bình yên, thanh thản, phẳng lặng, nuôi dưỡng mạch máu tôi, cho tới khi tất cả hóa ra màu vàng lấp lánh.

“Chúng tôi thiếu đồng điệu. Trong những lúc ta ở bên nhau thì nói chuyện trên điện thoại là khi anh hạnh phúc nhất,” Bạc Hà bảo với tôi.

Tôi nghe như sét đánh. Anh vừa nói cái điều mà tôi muốn nói. Đúng thế, anh có thể nhìn xuyên qua tôi như qua một dòng suối trong. Vì sao anh yêu tôi? Trong mắt anh, tôi có đủ mọi nhược điểm: ích kỷ, yếu ớt, không chín chắn. Vậy sao anh yêu tôi? Sao anh không tìm người nào hợp với anh hơn?

“Em không hiểu được mình. Anh có hiểu em không?”

“Người bên ngoài thường nhìn được rõ hơn. Cũng như đôi khi em thấy trong anh những nhược điểm mà anh không biết rằng mình có.”

Tôi yên lặng. Đơn giản thế chăng?

Anh vẫn đang nói, nhưng tôi không nghĩ mình còn nghe thấy gì.

Tình yêu ư? Tình yêu là gì? Tôi không đáp nổi, không làm gì được với câu hỏi đó. Sự đồng điệu của con tim? Thật cứ như đùa. Tôi có thể chết ngất vì cười. Tôi nghĩ đến câu hỏi đó hàng ngày, và giờ đây, anh đang hỏi nó. Tôi chẳng phải người được thuê để đi cùng anh, còn anh, chẳng phải một túi tiền, vậy phải có một lý do nào đó để ở bên nhau. Là điều gì vậy? Không phải thể xác, vậy phải chăng là xúc cảm? Tôi giả tạo đến nỗi không cả biết mình đang nghĩ gì, làm sao tôi có thể mang tới cho ai một quan hệ nghiêm chỉnh đầy xúc cảm? Đó là câu hỏi của tôi, câu hỏi hóc búa của tôi.

***

Vài ngày sau, tôi có điện thoại của Bạc Hà. “Em cũng đang định gọi cho anh,” tôi nói.

Có nhiều tạp âm trong máy.

Tôi hít thật sâu. “Em có chuyện muốn nói với anh.”

“Này, em nói to lên. Cái điện thoại này bị sao ấy.”

“Gọi lại cho em từ máy di động của anh.” Tôi trở nên cứng rắn. “Em chỉ nói mười phút.”

“Hả?” Anh cười. “Không được đâu. Tháng này anh chưa trả hóa đơn điện thoại, và không vượt quá định mức được. Em có biết mười phút mất bao nhiêu tiền không?”

Trước khi anh nói hết, tôi dập điện thoại và rút dây ra.

Tôi đụng phải Bạc Hà trên xe buýt số 25 vào ngày hôm sau trên đường đi làm. Anh ngồi chéo phía đối diện, cách chừng dăm ba mét. Chúng tôi nhìn nhau. Sau khoảng năm phút, anh bắt đầu. “Vì sao hôm qua em dập điện thoại với anh?” anh hỏi. Tôi không đáp.

Tôi chắc mình yêu Bạc Hà. Tôi chỉ không chắc anh có thực sự yêu tôi. Tôi chắc động cơ của anh khi đi lại với tôi chẳng tốt. Anh gọi tên những cô gái khác trong khi chúng tôi làm tình, anh không bao giờ ngừng ve vãn và tán tỉnh, anh mau chóng tìm được lý do cho những thói xấu của anh; bướng bỉnh, lãnh đạm, tình cảm và giận dữ. Anh chẳng có mục đích gì và cái nhìn thì trống rỗng, ngay cả khi anh trao cơ thể anh cho tôi, cái con ma cà rồng ấy. Tôi học được nhiều điều, đầu óc tỉnh táo hơn khi cùng anh bước lên phía trước, nhưng những gì khám phá ra khiến tôi bị sốc, làm tôi kinh sợ, máu nóng bừng lên. Tôi quyết định cứ tiếp tục.

Tôi không nói cho anh biết những gì tôi nghĩ. Có quá nhiều thứ anh không hiểu, và đây là cuộc chơi mà tôi nhất quyết chơi đến cùng.

Tôi nói chuyện với một anh chàng ở ban nghệ thuật trên tầng hai của tạp chí. Anh ta là trợ lý nhiếp ảnh ở Gen X, anh bảo tên anh là Lulu và là ca sĩ chính của một ban nhạc. Chúng tôi nói chuyện một hồi và hẹn nhau hôm nào cùng đi xem một buổi biểu diễn.

Bạc Hà bảo anh cũng biết Lulu và họ là bạn với nhau. Mỗi lần Lulu nhắn tin cho tôi là Bạc Hà lại muốn cùng đi gặp. Anh bảo tôi đừng có mà mê Lulu. Vài ngày sau, Lulu rủ tôi đi xem một buổi biểu diễn, và Bạc Hà liền hủy một cuộc hẹn để đi cùng. Khi Lulu hiên ngang đi vào KFC để gặp tôi, anh chưng diện kiêu hãnh như một thổ dân Bắc Mỹ. Mọi người chằm chằm nhìn anh, nhưng anh phớt lờ như không, cứ như một người đã quen với những cái nhìn hoài nghi, khinh thị. Tôi nhìn anh vui vẻ, ngưỡng mộ. Bạc Hà không so được với Lulu; trông anh bần tiện và mệt mỏi. Lulu gọi đồ ăn cho mình, rồi một chai nước cam cho tôi. Tôi không cầm được cảm giác vui thích.

Trong khi ăn, Lulu bảo tôi anh ta vừa thôi yêu đương và muốn người yêu tiếp theo của mình phải cao. “Ít nhất là 1m7,” anh ta bảo, trong khi nhìn tôi. Tôi thản nhiên uống, nhưng cảm thấy có chút xáo động trong lòng.

“Giới thiệu cho anh cô nào đi,” anh ta bảo.

“Em chịu. Em nhiều bạn trai hơn bạn gái.” Đột nhiên tôi nghĩ tới Mã Lệ. Có phải cô ấy đang có chuyện với người yêu? “Xưa rồi, xưa rồi,” cô nàng uể oải đáp mỗi khi tôi hỏi chuyện của cô với bạn trai. Cô có tính cách ngang tàng và khao khát được nếm trải mọi thứ, là điều mà tôi thích. Có thể cô và Lulu lại hợp nhau thì sao. Và thử thì có mất gì, đó cũng là cách tốt để biết thêm nhiều người. Thậm chí điều đó còn giúp cô làm thơ. Hơn nữa, tôi có thể chắc Lulu là một người tình tốt trên giường.

“Hượm đã, để em giới thiệu anh với cô bạn Mã Lệ. Cô ấy mười chín, là sinh viên.”

“Cô ấy cao bao nhiêu?” Lulu thốt lên. Theo tôi hiểu thì câu hỏi chó chết của anh ta chỉ đơn giản là một cách để từ chối đề nghị của tôi.

“Khoảng 1m67.”

“Thấp quá,” anh ta bảo.

Anh ta có thể thấy rằng tôi cũng chẳng cao lắm. Không hơn 1m67 là bao nhưng tôi mảnh dẻ và sắc sảo. Có lẽ điều đó hấp dẫn anh ta.

Chúng tôi kết thúc bằng việc tới chơi nhà Lulu. Anh ta có một gia đình trí thức trung lưu sung sướng điển hình. Cả bố mẹ đều là giáo viên. Họ sống trong một khu phố nhỏ đầy những nghệ sĩ. Khi lần đầu tiên anh cạo đầu, cha mẹ anh chỉ hỏi, “Con không lạnh sao?” Họ mua cho anh máy tính và guitar, để mặc anh vẽ lên tường trong phòng, vào mạng, buôn điện thoại không dứt, mua cho anh thức ăn nóng sốt khi anh đói, và mặc anh mang bạn, bất kể là gái hay trai, về ngủ qua đêm.

Khi chúng tôi vào cửa, một con chó nhỏ xinh xắn chạy ra quấn lấy chân chúng tôi. “Lại đây, Tuyết Cầu,” Lulu bảo nó. Tôi chơi với con chó trong khi bố mẹ Lulu chạy ra đón chúng tôi. Bố anh tóc muối tiêu, trông như một quý ông già tinh tế, học thức. Lulu bảo ông dạy tiếng Hán. Mẹ anh là một người đàn bà bình thường có nụ cười hòa nhã, với vẻ duyên dáng và nhẹ nhõm của một phụ nữ có học đang trở về già.

“Ồ, các bạn của Lulu. Xin mời vào. Bên ngoài chắc lạnh lắm.”

Lạnh thật, tôi nghĩ, trong khi quay sang cha của Lulu. “Thưa bác, cháu đến vì có một câu hỏi về văn chương với bác.” Ông già cười và bảo, “Cháu quá khen.” Bạc Hà nhăn mặt.

Phòng của Lulu, có thể biết trước là sạch sẽ và ấm cúng, điển hình của một người thuộc cung Thiên Bình. Đôi khi bạn có thể biết rất nhiều về cá tính và lối sống của một người qua những chi tiết nhỏ nhặt, giả dụ như móng tay họ có bẩn không. Lulu bật máy tính và nói với Bạc Hà, “Tôi muốn cho anh nghe vài bài hát của bọn tôi.” Những thứ này Bạc Hà biết nhiều hơn tôi. Tôi gần như mù tịt về phần mềm máy tính hay việc biên tập nhạc điện tử.

Tôi chú ý tới những trang trí trên tường. Đương nhiên là có những poster về rock, như KORN. Một bức tranh trừu tượng to tướng vẽ cái mặt người treo gần giường, hình như là tác phẩm của chính Lulu. Cũng có cả ảnh dán và trên một bức ảnh của mình, anh ta viết, “Nhìn xem, đây là Lulu dũng cảm.” Trong đám ảnh, mái tóc của Lulu cắt theo kiểu thổ dân Bắc Mỹ, dài hoặc ngắn, và anh hào phóng trưng ra cơ bắp, làm bộ giận dữ hay khoe vẻ điển trai của mình. Tim tôi đập nhanh; tôi thích những gì tôi thấy, dù không cho ai hay.

Tuyết Cầu chạy tới lăn vào chân tôi. Tôi bế nó dậy, ôm lấy nó trong khi Lulu chơi nhạc của mình bằng guitar. Anh dùng Fruit II, một phần mềm mà tôi chưa từng nghe tới nhưng Bạc Hà liền nói một thôi một hồi, khăng khăng cho rằng Lulu cần mua một vài thiết bị mới. Tôi nghịch cái vòng ở hông, và gọi điện cho Mã Lệ.

“Mã Lệ phải không? Xuân Thụ đây.” Tôi thấp giọng và ngồi lên giường của Lulu. “Thử đoán xem tớ đang ở đâu nào? Cậu có biết Lulu, ca sĩ chính của ban XX không?” Chẳng có gì lạ là Mã Lệ đã biết tuốt về ban nhạc đó. Cô còn biết là Lulu có đôi chân gợi tình.

Tôi cười, nhưng tôi chán đến nỗi chảy nước mắt ra được. Hai kẻ kia cứ nói chuyện về nhạc nhẽo và tương lai, như thể không có tôi ở đó. “Người yêu mình đang trò chuyện say sưa với một anh chàng mà mình hơi để ý, và họ mải nói chuyện đến mức quên cả sự tồn tại của mình. Bốn mươi phút sau khi vào phòng, điều duy nhất ai đó nói với mình là một câu lơ đãng của Bạc Hà hỏi mình đang làm gì. Đương nhiên mình vẫn ổn. Mình có thể làm gì đây. Giờ họ đang nói về nhạc điện tử và mình chẳng hiểu nổi một từ trong đó.” Tôi không thể giấu được sự tổn thương và tâm trạng buồn nản. “Mình phải làm gì, Mã Lệ? Mình bị bỏ quên rồi.” Tôi chắc mình đã thấp giọng xuống, nhưng Bạc Hà vẫn ném về phía tôi một cái nhìn khó hiểu. Năm phút sau, anh tiến đến, chỉ vào đồng hồ và bảo,, “Chúng mình phải đi thôi.”

Với cái nhìn trống trải, tôi mặc áo khoác vào, nhặt ba lô lên. Khi tôi ra về, Lulu bảo, “Này, em cầm lấy lọ nước hoa này.” Anh đưa cho tôi một chai nước hoa bằng nhôm. Tôi mở ra. Nó có mùi giống như xà phòng. Có lẽ là nước hoa đàn ông.

“Cho em ư?”

Anh ta mỉm cười và nói, “Anh không dùng, chỉ thỉnh thoảng xịt cho Tuyết Cầu thôi.” Tôi thấy bị kích thích. Sau khi Lulu tiễn chúng tôi ra cửa, Bạc Hà và tôi dò dẫm trong cái tiền sảnh tối tăm và đi ra bến xe buýt. Trời vẫn đang tuyết rơi.

“Có chuyện gì với em vậy? Anh thấy là em đang cáu,” Bạc Hà nói khiêu khích.

“Chẳng có gì.”

“Vậy ư? Em có tin anh không khi biết em đang nghĩ gì không? Em bực bội vì anh cứ lờ em đi, phải không? Nhưng anh phải làm gì? Anh biết nhiều về nhạc điện tử, và chỉ mới hôm nay, Lulu bảo anh nghe thử nhạc của họ và anh cho cậu ta biết quan điểm của mình. Nếu không thì sẽ là thô lỗ, vì chúng ta đều là bạn.

“Và làm sao mà em lại nhận nước hoa của cậu ta? Cả em cũng bảo nó không phải loại tốt, mùi như xà phòng. Những người khác không xử xự như thế… Anh sẽ cho em hay… đó là nhận tất cả những gì em muốn từ người khác. Làm sao em lại như vậy? Đó không phải là vì anh không tặng em mọi thứ, mà là em đi nhận chúng từ người khác, và anh không hiểu.”

“Và nữa, em đã nói gì khi chúng mình ở trên xe tới nhà Lulu? Cậu ta bảo cậu ta ngưỡng mộ anh và coi anh như thần tượng, còn em thì nói, ‘Không thể nào!’. Em biết không, mọi người xung quanh thích anh, vài người còn thần tượng anh. Và còn những thứ khác em nói, đại loại như anh đang lợi dụng rock Trung Quốc. Anh… anh không biết nói gì nữa.” Đôi mắt anh đỏ lên, và trông anh như người bị đối xử tàn tệ đến mức phải ngừng lại không nói tiếp được.”Anh không bao giờ lợi dụng nhạc rock Trung Quốc. Anh phải làm gì khi người bạn gần gũi nhất nói như thế về mình, khi cô ấy thậm chí chẳng hiểu anh?” Anh cứ nói mãi. Nghe anh nói, với tiếng khúc khích của những người xung quanh, tôi thấy xấu hổ khi phải ngồi cạnh anh. Điều đó khiến tôi chỉ muốn tuôn ra một tràng nguyền rủa và cho anh thấy anh mới thiển cận làm sao.

Cuối cùng, chúng tôi ra khỏi xe buýt. Anh tiếp tục ba hoa về những thứ chẳng liên quan tới tôi, và tôi tự hỏi anh còn nói bao lâu. Chúng tôi ra quán cà phê RBR cạnh Siêu thị Sogo, ở đó tôi dùng mười tệ cuối cùng mua bánh mì bơ lạc. Rồi tôi lấy một mảnh giấy và nguyệch ngoạc vào đó trong khi Bạc Hà nhìn với vẻ giễu cợt. Tôi đưa cho anh mảnh giấy khi đã xong và nói, “Em muốn vào toilet.”

Vài phút sau tôi trở ra, anh ngẩng lên và nói, “Anh vẫn chưa đọc xong, nhưng dựa trên những gì anh mới đọc được, có vẻ như là em muốn chia tay.” Tôi cúi xuống tránh cái nhìn của anh. Anh vươn ra nắm lấy tay tôi. “Nhìn anh đây này, Xuân Thụ,” anh nói khẩn thiết. “Có chuyện gì nào? Em giận sao? Anh nhận là anh sai, được chưa? Anh hơi quá đà.” Tôi tránh nhìn anh, cứ cúi đầu xuống vì tôi sợ sẽ phá ra cười nếu nhìn lên. Thật là buồn cười. Tôi rất quan tâm đến quan điểm và thái độ của anh đối với tôi, nhưng chẳng thích anh tí nào. “Xuân Thụ.” Anh túm lấy tay tôi. “Đừng làm thế, được không? Anh sai. Anh… quá tự tôn.” Anh cúi đầu và tự trách móc mình, trông có vẻ thành thật. Nhưng tôi chẳng động lòng.

“Anh yêu em, Xuân Thụ. Anh không muốn mất em. Em và mẹ là tất cả những gì anh có. Anh không thể mất em. Em nhìn anh đây này!” Tôi bắt đầu bước đi, nhưng anh chặn tôi lại và gần như hét lên, “Xuân Thụ!” Rồi anh gục vào vai tôi và bắt đầu cay đắng thổn thức. Tôi hoàn toàn chẳng thấy rung động. “Anh không thể để em đi được. Có lẽ em sẽ không bao giờ quay lại nữa. Em chưa xem, nhưng có một bộ phim đã kể rằng đôi khi một chuyện vô cùng nhỏ lại có thể thay đổi một đời người. Anh không thể mất em. Nếu hôm nay em bỏ đi, anh biết anh sẽ tiếc hận và đau đớn trong tim. Trước đây anh chưa bao giờ nói thế, vì anh ghét khi người ta bảo sẽ yêu nhau mãi nhưng lại không thể. Nhưng giờ thì anh phải nói với em rằng anh muốn ở bên em mãi mãi.”

Anh ôm chặt lấy tôi, những giọt nước mắt nóng bỏng rơi trên mặt và người tôi. Tôi chỉ đứng đó, hơi bối rối, không thể cảm thấy nỗi đau tê dại như người ta vẫn tưởng. Tôi đã bao giờ trải qua nỗi đau đó trong quá khứ? Liệu tôi lại nghĩ đến một người nào khác? Tôi ngửi thấy mùi chai nước hoa mà Lulu đã cho tôi, và điều đó khiến cho tình thế càng thêm vụng về, lúng túng. Tôi không thể dừng lại được cái cảm giác người đang nói cùng mình không phải là Bạc Hà.

“Lúc nào anh cũng làm việc cực nhọc. Anh sẽ không từ bỏ sự nghiệp vì mẹ. Nhưng nếu em muốn, anh sẽ từ bỏ tất cả vì em.”

“Điều quan trọng nhất là công việc.”Thoải mái và nhẹ nhàng, tôi lặp lại câu nói yêu thích của anh.

“Không đúng. Xuân Thụ, điều quan trọng nhất không phải là công việc.”

Trái tim tôi như dòng nước tù, hoàn toàn bình thản. Nó đã đi tới cái nước đó. Tôi chỉ câm lặng.

Tôi đưa tay lau nước mắt cho anh. “Đừng khóc, làm ơn đừng khóc,” tôi cứ lẩm bẩm. Tôi biết tôi cần có vẻ đau khổ, và Bạc Hà ngạc nhiên khi thấy má tôi ẩm ướt, rõ ràng anh nghĩ tôi xúc động.

“Tha thứ cho anh lần này, được không?”

Tôi không nghĩ chúng tôi còn gặp lại, nhưng tôi muốn tránh việc đối mặt vụng về.

“Hãy tìm một quán cà phê nào mở suốt đêm và mình nói chuyện tiếp,” anh xin.

Tôi đã hoàn toàn kiệt sức, vậy thì còn cái quái quỷ gì đây?

Chúng tôi bước từ Tây Đơn tới quán sữa đậu nành Đại Vĩnh Hòa đằng sau Thiên An Môn. Chúng tôi ở đó tới 5 giờ 30 sáng, rồi chia tay.


/21

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status