Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 15: CHỊ TÔI

/25


Diên Cán, nam, mười bảy tuổi, học sinh cấp ba.

Nhà tôi ở một vùng quê nghèo khổ. Ngay từ khi tôi hiểu chuyện, cái nghèo đã như một lưỡi kiếm sắc nhọn treo lơ lửng trên đầu tôi. Tôi không có chút ấn tượng gì về mẹ, bởi sau khi sinh tôi, mẹ đã qua đời do bị nhiễm trùng. Có thể nói, mẹ đã dùng sinh mạng của mình để đổi lấy cuộc sống cho tôi. Bố tôi thường than thở rằng, nếu lúc đó mà có tiền đưa mẹ tôi đến bệnh viện thành phố thì mẹ tôi đã không phải chết. Bố tôi vì thế mà luôn cảm thấy rất day dứt. Mỗi lần như vậy, chị gái tôi lại nói: “Thôi, bố đừng nói nữa!”. Chị tôi lớn hơn tôi năm tuổi, nhưng trông đã chững chạc, người lớn chẳng khác gì một người mẹ. Thực ra, tôi lớn lên là nhờ bàn tay chăm sóc của chị. Trong mắt tôi, chị giống như một người mẹ ân cần.

Chị tôi rất đanh đá, nhưng lại khá đảm đang, trái ngược hoàn toàn với tính chậm chạp của bố. Mọi người đều nói chị tôi rất giống mẹ. Chị tôi quyết định nghỉ học giữa chừng. Thầy giáo đến tận nhà khuyên nhủ chị nhưng chị lạnh lùng từ chối, nói phải ở nhà chăm lo cho gia đình. Mặc dù lớn hơn tôi ít tuổi, nhưng trông chị chẳng khác gì một người phụ nữ trưởng thành; trên khuôn mặt gầy gò của chị đã hằn lên một vài nếp nhăn. Chị nói với tôi, chị phải kiếm tiền cho em đi học; em là con trai, là hy vọng của nhà ta. Chị nhất định phải nuôi em ăn học tử tế. Năm đó tôi mới bốn tuổi, nhưng những gì mà chị nói với tôi đã in sâu trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.

Năm tôi lên năm tuổi, chị dắt tay tôi đến giao cho cô giáo dạy tiểu học, chị còn không quên nhắc cô giáo phải quản lý tôi thật nghiêm khắc. Tôi luôn ghi nhớ từng lời chị dặn, học hành rất chăm chỉ, khiến cho cô giáo rất hài lòng và thường xuyên khen ngợi tôi trước lớp. Cứ mỗi lần thi xong, nhìn thấy bảng kết quả học tập của tôi, chị lại nở một nụ cười mãn nguyện, nụ cười đó tôi khó lòng nhìn thấy được hằng ngày. Vì thế tôi đã biến cái khát vọng được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của chị thành động lực học tập cho chính mình.

Năm tôi tám tuổi, bố tôi ốm nặng. Bụng bố ngày càng phồng to lên như cái trống. Bố tôi nằm liệt giường, kêu rên đau đớn. Chị tôi bận tối mắt tối mũi, tận tụy chăm sóc bố. Đêm đó, tôi đang ngủ say thì bị tiếng khóc lóc của chị làm tỉnh giấc. Chị ôm ghì lấy tôi mà khóc: “Em ơi, bố sắp chết rồi. Ngày mai, chị sẽ làm một ít đồ ăn ngon cho bố. Nếu bố bảo em ăn thì em nhớ nói là ăn rồi nhé, biết chưa?”. Tôi gật đầu nói: “Em biết rồi chị ạ!”. Tôi định nói với chị: “Chị ơi, hai chị em mình đưa bố vào viện đi!” nhưng tôi không sao nói nên lời. Bởi tôi biết nhà tôi không có tiền. Nghe nói bệnh viện trong thành phố đắt lắm, chỉ kiểm tra không thôi cũng mất mấy trăm đồng rồi. Đó đâu phải là nơi dành cho những người nghèo như chúng tôi.

Sau khi bố qua đời, hai chị em tôi trở thành trẻ mồ côi. Mỗi tháng xã hỗ trợ cho chúng tôi một chút tiền sinh hoạt phí, còn miễn thuế cho gia đình tôi nữa. Chị tôi lao vào làm việc. Chị lúc nào cũng mong có thể cho tôi ăn ngon hơn. Chị nói học hành rất cực khổ, nên phải ăn đủ chất. Mùa hè, chị ra bờ sông mò cua bắt cá. Khó khăn lắm mới bắt được mấy con tép con con, chị đều nấu lên và nhường cho tôi ăn hết, còn mình thì không hề động đũa. Tôi nhìn những bạn nữ bằng tuổi chị, được mặc quần áo đẹp, có người còn được làm nũng bố mẹ; trong khi chị tôi, đang ở tuổi dậy thì mà mặt mày đen sạm, da dẻ nhăn nheo, tóc vàng hoe, xơ rối, quần áo mặc trên người không những cũ mà còn vá chằng chịt. Mặc dù ở đây chúng tôi rất nghèo khổ, mặc quần áo vá không phải chuyện lạ kì; nhưng con gái mới lớn mà chịu mặc quần áo rách như chị thì cả huyện chẳng có ai.

Mọi người trong huyện nhìn thấy hai chị em tôi côi cút đáng thương nên thường tỏ ra thương hại. Nhưng vì lòng tự trọng, chị không cần đến sự thương hại của người khác, chị thường nói với mọi người: “Hai chị em cháu rất ổn, cũng không bị thiếu ăn!”. Thực ra, mỗi ngày chị tôi chỉ ăn có hai bữa, bữa tối chị chỉ thổi cơm cho tôi ăn thôi. Có lần, tôi không ăn, chị tức giận, quát tôi một trận, nói tôi không ăn làm sao có sức mà thức khuya ôn bài.

Cứ như vậy, dưới bàn tay chăm sóc ân cần của chị, tôi không phải bỏ học bất cứ một buổi nào. Lúc thi hết cấp hai, tôi vượt qua nhiều người và đứng thứ ba trong tất cả học sinh của huyện, đứng thứ nhất trong cả xã. Xã gửi tin mừng về nhà tôi, còn thưởng cho tôi năm trăm đồng. Mọi người trong làng xóm đều đến chúc mừng hai chị em tôi, nói rằng bây giờ tôi đã bằng anh tú tài ngày xưa. Chị tôi vui lắm, cứ cười suốt buổi. Tôi cầm năm trăm đồng đưa chị, bảo chị hãy đi cắt một chiếc áo hoa mà mặc. Tôi rất ít khi được nhìn thấy chị mặc áo hoa, những bộ quần áo mà chị mặc không phải màu xanh sẫm thì lại là màu đen, toàn là quần áo bố mẹ để lại, chị sử đi để mặc. Chị cầm lấy năm trăm đồng, lấy giấy bọc hết lớp này đến lớp khác, rồi bảo tôi: “Đây là tiền để em học cấp ba, không thể tiêu linh tinh được. Đợi đến khi nào em đỗ đại học, lên thành phố học thì mua cho chị một chiếc áo thật đẹp là được!”

Ba năm học cấp ba phải tiêu rất nhiều tiền. Tôi không biết chị đã lấy đâu ra nhiều tiền để nuôi tôi ăn học như vậy. Tôi ở trong ký túc của trường, mỗi ngày tiền ăn chỉ mất một đồng, nhưng tiền học phí lại rất đắt đỏ. Mặc dù nhà trường có giảm học phí cho tôi một chút, các thầy cô giáo tốt bụng thỉnh thoảng lại tặng tôi một ít sách vở và đồ dùng hằng ngày, nhưng tôi luôn thấy tiền không đủ tiêu. Khi chị đến thăm tôi, tôi sửng sốt phát hiện ra rằng, người chị chưa chồng của mình giờ đã trở thành một người phụ nữ trung niên rồi. Có một lần, một bạn nữ đến phòng chúng tôi chơi, nhìn thấy chị tôi liền nghĩ đó là chị tôi, luôn mồm gọi chị là “dì”. Sau khi chị tôi về, mọi người trong phòng đều cười nhạo bạn nữ kia, nói bạn ấy mắt kém. Bạn ấy sửng sốt hỏi: “Đấy là chị bạn á? Nhìn còn già hơn cả mẹ tớ nữa!”. Tôi nghe xong mà cảm thấy xót xa, nước mắt cứ trào ra không sao ngăn lại được...

Tôi biết mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chăm chỉ học hành. Nhất là sau khi tôi biết được chị tôi đã đi bán máu để có tiền cho tôi đi học, tôi tự hứa với lòng mình rằng nhất định tôi sẽ thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Tôi biết nếu đỗ vào một trường đại học danh tiếng thì sau này sẽ có thể kiếm được một công việc có mức lương cao. Tôi muốn chị tôi được sống những ngày tháng tốt đẹp hơn!

Trải qua một mùa thi cử vất vả, cuối cùng tôi cũng nhận được giấy báo trúng tuyển của một trường đại học. Đúng như tôi mong ước, đó là một trường đại học hạng nhất trong nước. Chị tôi vui mừng khôn xiết. Chị đem tất cả số trứng gà đã tích lũy từ lâu nhuộm thành màu đỏ rồi đi phát cho từng nhà trong xã báo tin mừng. Nhưng tôi không sao vui mừng được. Những con số đáng sợ trên tờ giấy báo trúng tuyển đã làm tôi hoàn toàn sụp đổ. Hai chị em tôi chưa bao giờ nhìn thấy một số tiền lớn như vậy, biết đi đâu vay bây giờ? Chị tôi an ủi: “Em đừng lo, chị sẽ có cách!”. Nhưng tôi làm sao có thể không lo đây, chị có cách gì? Đi vay? Vay ai? Trong xã toàn người nghèo, mà cho dù người ta có chịu cho vay đi nữa thì cũng làm gì có nhiều tiền như vậy mà cho vay. Tôi định bảo chị: “Em không đi học đại học nữa!” nhưng lại không dám nói. Tôi sợ chị sẽ xé xác tôi mất.

Thời gian dần trôi đi, chẳng mấy chốc đã sắp đến lúc phải nhập học rồi. Vậy mà hai chị em tôi còn chưa gom được một phần ba số tiền kia. Chị tôi sốt ruột lắm. Một buổi trưa nọ, chị tôi ra ngoài. Lúc này, có một người đem thư đến cho tôi, nói chủ nhiệm lớp tôi tìm tôi mấy lần không được, bảo tôi lên huyện một chuyến có việc gấp. Tôi vội vàng bắt xe đến gặp thầy. Đến nhà thầy giáo, thầy đưa cho tôi một phong bì thư khá dày, nói trong đó là hai nghìn tệ, là tiền tất cả các thầy cô giáo trong trường góp lại cho tôi vay. Tôi vô cùng cảm động, quỳ xuống trước mặt thầy để cảm ơn.

Tôi mừng rỡ chạy về nhà báo tin cho chị. Thế nhưng, chị tôi không có nhà. Người trong thôn nói với tôi: “Chị cháu bị đưa đi viện rồi, nó bị xe đâm phải!”. Đầu óc tôi như quay cuồng, tại sao lại xảy ra chuyện này cơ chứ? Lúc tôi chạy đến bệnh viện, chị tôi đã vĩnh viễn rời bỏ thế gian này. Tôi nghĩ chắc là chị vừa đi vừa nghĩ đến số tiền học phí cần đóng cho tôi nên mới không để ý và bị xe đâm phải như vậy. Tôi điên cuồng tự đập vào đầu mình, tại sao tôi lại vô dụng như vậy? Tại sao tôi không sớm đến nhờ cậy thầy giáo, như vậy có phải sẽ đỡ liên lụy đến chị không? Tôi hận bản thân mình ỷ lại, hận mình quá sĩ diện. Tất cả những điều này đủ để tôi phải ân hận cả cuộc đời.

Chat room

Câu chuyện của Diêu Cán thật cảm động. Tôi biết ở nông thôn, vẫn còn rất nhiều người chị đảm đang, sẵn sàng hy sinh tương lai, thậm chí cả tính mạng của mình vì những người thân yêu. Đúng là Diêu Cán nên sớm xin trợ giúp từ các thầy cô giáo của mình. Tuy nhiên, do trước mặt chị mình, Diêu Cán chưa giành được cảm giác độc lập và tự tin nên mới xảy ra những mất mát to lớn hiện nay.

Mặc dù tôi biết rằng sự ra đi của chị gái mãi mãi sẽ là nỗi đau đớn nhất trong cuộc đời Diêu Cán, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui mừng khi biết cậu đã hoàn thành được tâm nguyện của chị mình. Chị Diêu Cán đã dùng cuộc đời ngắn ngủi của mình để thể hiện hết vẻ đẹp của đức hy sinh, sự lương thiện trong trái tim mỗi con người. Tôi tin rằng, rồi đây Diêu Cán cũng sẽ đem tình yêu cao cả mà người chị gái đã giành cho mình để gieo mầm yêu thương với những người xung quanh trên con đường đời còn dài trước mặt. Đây chính là kho báu tinh thần quý giá mà chị gái đã để lại cho Diêu Cán.

CHẠY TRỐN TÌNH YÊU CỦA THẦY.

Vương Vi, nữ, mười lăm tuổi, học sinh cấp hai.

Tôi là một cô bé mười lăm tuổi có thành tích học tập môn toán rất xuất sắc. Từ lúc đi học cho đến giờ, tôi luôn là cán sự môn toán của lớp. Bây giờ tôi đang học lớp chín, chẳng mấy chốc tôi sẽ phải trải qua kì thi hết cấp, vì thế toàn bộ tinh thần và sức lực của tôi đều dành hết cho việc học. Thế nhưng kể từ khi chuyện đó xảy ra, tôi cảm thấy sự tập trung của mình biến đâu mất. Tôi rất sợ thành tích học tập của mình sẽ sa sút, bởi vì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ phải trải qua kì thi hết cấp, bước ngoặt lớn lao của đời người. Tôi rất lo lắng, không biết phải nói chuyện này với ai!

Sự việc là thế này. Hôm đó, sau khi tan học, tôi đi thu vở bài tập toán của các bạn trong lớp rồi mang đến văn phòng cho thầy giáo. Lúc đó, trong văn phòng chỉ còn mỗi mình thầy. Tôi vừa để chồng vở bài tập xuống và chuẩn bị ra về thì thầy giáo liền bảo tôi ngồi lại với thầy một chút. Thế là tôi e dè ngồi xuống ghế bên cạnh thầy.

Thầy giáo dạy toán của tôi còn rất trẻ. Ngay từ khi lên cấp hai, tôi đã được thầy quý mến bởi vì tôi luôn học tốt môn toán (đấy là do tôi nghĩ thế). Thầy luôn yêu quý, quan tâm đến tôi. Ở trên lớp, tôi thấy thầy là một thầy giáo tận tụy, ở ngoài đời, thầy lại như một người anh trai thân thiết. Có nhiều hôm lớp học tan muộn, thầy một mực đòi đưa tôi về tận nhà. Trong lớp có một bạn nam từng nói xấu tôi rất tệ với thầy. Vì thế mà tôi cảm thấy rất buồn phiền, có lúc còn cố tìm cách tránh mặt thầy. Nhưng thầy hoàn toàn không để ý, không quan tâm gì đến lời bàn tán của mọi người, cũng không để ý gì đến thái độ của tôi.

Thầy ngồi ở đó rất lâu mà không lên tiếng, hình như tâm trạng của thầy không được vui thì phải. Tôi cảm thấy vừa khó hiểu lại vừa lo lắng, thậm chí còn không dám thở mạnh nữa. Mãi một lúc sau thầy mới lên tiếng. Thầy nói thầy đã bị đồng nghiệp cướp mất danh hiệu giáo viên dạy giỏi hạng hai. Lúc đó tôi mới hiểu nỗi khổ tâm của thầy. Tôi cố gắng an ủi thầy, mặc dù tôi biết rằng điều đó không hề dễ dàng. Tôi nói với thầy rằng, thầy mãi mãi là một thầy giáo ưu tú trong mắt mọi người, cho dù thầy có được bầu chọn là giáo viên dạy giỏi hay không. Tôi còn nói, chúng tôi rất thích học thầy chứ không thích học thầy Lưu. Thầy Lưu là một thầy giáo già, dạy giỏi vào bậc nhất của trường. Mặc dù là giáo viên giỏi nhưng thầy giảng bài rất dài dòng, lại nói năng không rõ ràng. Một lần, thầy giáo dạy toán xin nghỉ phép một tuần; thầy Lưu được phân công dạy lớp tôi trong một tuần đó. Kết quả là nghe thầy giảng bài, cả lớp ai cũng than trời vì không hiểu gì cả.

Thầy chăm chú nghe tôi nói, ngay cả bản thân tôi cũng phải kinh ngạc trước khả năng ăn nói của mình. Sau một hồi diễn thuyết, tôi không biết nói gì thêm nữa, muốn đi về nhưng lại ngại nên đành ngồi ì ở đó. Lúc đó, tôi cảm thấy thầy rất lạ. Một nỗi sợ hãi len lỏi trong lòng tôi. Bỗng nhiên thầy nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi: “Em có biết tại sao thầy lại đặc biệt thích em như vậy không?”. Tôi lắc đầu, rồi lại gật đầu nói là bởi vì tôi học giỏi môn toán của thầy. Thầy bảo điều đó chưa hẳn đã là chính xác. Thầy thích tôi là bởi vì tôi trông rất giống với người bạn gái cũ của thầy khi thầy còn học đại học. Tôi hoảng loạn, không biết phải nói gì. Nhưng thầy đã nắm chặt lấy tay tôi và nói rằng thầy thích tôi, không đơn giản chỉ là tình thầy trò, mà là tình cảm của một người con trai dành cho một người con gái. Thầy hỏi tôi có hiểu điều thầy nói không, tôi cố gắng giật tay ra và lắc đầu nguầy nguậy, tôi nói là tôi không hiểu, cũng không muốn hiểu.

Tôi không biết mình đã lao ra khỏi phòng giáo viên như thế nào nữa. Sau khi vội vã lao ra ngoài, tôi ngồi một lúc mà tim vẫn còn đập thình thịch. Tôi khóc, khóc thật to. Thế nhưng tôi không thể đem chuyện này kể cho bất cứ ai, kể cả bố mẹ hay bạn bè.

Kể từ đó, tôi thường tìm cách trốn tránh thầy, ngay cả đến chuyện thu vở bài tập của các bạn tôi cũng nhờ một bạn khác làm hộ. Lúc lên lớp, cứ chạm phải ánh mắt thầy là tôi lại cúi gằm mặt xuống. Thầy không chỉ một lần nhờ bạn khác gọi tôi lên văn phòng, nhưng tôi đều coi như không biết. Một hôm, sau khi hết tiết toán, tôi ngồi ở bàn đọc sách. Thầy nhẹ nhàng đi đến bên tôi và nói: “Em có thể lên văn phòng gặp thầy một chút được không?”. Tôi giả vờ như không nghe thấy gì, làm bộ như đang tìm kiếm một vật gì đó trong cặp sách. Thầy đành phải bỏ đi.

Bây giờ, ấn tượng của tôi về thầy dạy toán đã hoàn toàn thay đổi, hơn nữa, sự thay đổi này còn mang đến cảm giác tiêu cực cho bản thân tôi. Trong mắt tôi, thầy không còn là thầy giáo dạy toán ngày nào nữa, mà chỉ là một kẻ ngụy quân tử. Tôi cảm thấy xấu hổ về những tình cảm mà trước đây tôi đã dành cho thầy. Tâm trạng của tôi không sao bình tĩnh lại được, cứ nhìn thấy thầy là tôi không làm được việc gì nữa. Tôi không biết phải làm thế nào, cũng không còn thời gian để xử lý việc này. Nghĩ đến kì thi trước mắt, tôi vô cùng lo lắng, tôi phẫn nộ, tôi hận thầy vì thầy đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi.

Chat room

Sự bức xúc của Vương Vi với thầy giáo cũng có lý. Mặc dù là một người có hiểu biết, nhưng thầy giáo dạy toán của Vương Vi lại bày tỏ tình yêu của mình một cách quá lộ liễu với cô học trò mới mười lăm tuổi. Đối với một người thầy như vậy, tôi nghĩ nếu như anh ta có suy nghĩ quá ấu trĩ thì phẩm chất đạo đức cũng có vấn đề. Nỗi khổ tâm của Vương Vi hiện nay chính là không thể tự mình thoát khỏi sự quấy nhiễu từ thầy giáo dạy toán. Chi bằng Vương Vi hãy tìm một nơi thích hợp, nói thẳng với người thầy ấy rằng bản thân mình từ trước đến nay luôn chỉ coi thầy như một người thầy, hoàn toàn không có chút tình yêu nào dành cho thầy và nói với thầy đừng làm phiền bạn thêm nữa, nếu không, bạn sẽ nói chuyện này với bố mẹ và lãnh đạo nhà trường, để thầy tự kiểm điểm lại hành vi của mình. Lúc này, Vương Vi cũng ý thức được rằng, tạo khoảng cách với thầy dạy toán là điều cần thiết. Thực ra, sự phiền nhiễu lớn nhất bắt nguồn từ nội tâm của bạn; nếu bản thân bạn không bận tâm đến những chuyện này thì dù có phải chịu tác động thế nào đi chăng nữa, bản thân bạn cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo thống kê, các bạn gái mới lớn đều ít nhất một lần bị “quấy rối” về tình cảm từ phía người khác giới. Đây không phải là sai lầm của con gái, đó cũng không phải là một điều sỉ nhục đối với các bạn. Vì vậy, hãy quên đi những kí ức không vui này để có thể sống thoải mái hơn. Vậy mới là một cô gái thông minh.


/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status