Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 8: SỰ TRĂN TRỞ CỦA NHÃ TỐ

/25


Nhã Tố, nữ, mười chín tuổi, sinh viên

Tôi là một sinh viên trung cấp, năm tới là tốt nghiệp. Trường tôi học ở cách xa nhà, vì thế tôi phải ở trong kí túc xá của trường. Mỗi lần quay trở lại trường sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, bạn bè ở trong phòng tôi lại thi nhau trầm trồ trước những bộ quần áo, váy vóc mới mà mẹ mua cho tôi. Thật ra những bộ quần áo này đều do mẹ đi mua vải về rồi tự may vá cho tôi. Như vậy rẻ hơn nhiều so với việc mua sẵn ở ngoài, lại rất độc đáo và không hề lỗi mốt. Bố tôi cũng thường xuyên lái xe đến trường, mang đồ cho tôi. Các bạn cùng lớp tỏ ra rất ngưỡng mộ vì tôi có gia đình ấm áp như vậy!

Thực ra, các bạn ấy nào có biết được, tôi đã từng là một đứa con gái vô cùng bất hạnh! Người bố hiện tại không phải là bố đẻ của tôi. Bố đẻ của tôi vốn là một thầy giáo tài hoa. Nhưng bây giờ, hình dáng của bố như thế nào tôi cũng không còn nhớ nữa, bởi năm tôi chưa đầy hai tuổi, bổ tôi mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Bây giờ, tất cả những gì tôi còn nhớ về bố đẻ của mình là hình ảnh một bệnh nhân nằm bệt trên giường, bao quanh là một vài người nữa, có người cố gắng bế tôi đến bên cạnh giường để bố có thể nhìn thấy tôi lần cuối… Ký ức này hiện lên rõ rệt trên đầu tôi, chưa từng phai nhòa. Mỗi lần nhớ lại tôi đều cảm giác trái tim mình như thắt lại.

Sau khi bố qua đời, mẹ phải một mình nuôi hai anh em tôi,gia cảnh ngày càng khó khăn. Mẹ tôi là một nông dân, trình độ hạn chế do không được đi học nhiều. Mẹ đến thành phố này là do ngày trước được gả cho bố tôi. Mẹ tôi làm thuê trong ngôi trường mà bố tôi từng dạy với đồng lương cực kỳ ít ỏi, lại thêm việc ông nội tôi từ quê ra sống chung với gia đình nên cả nhà bấy nhiêu miệng ăn đều dựa cả vào đồng lương còm cõi của mẹ. May thay có sự giúp đỡ của một vài đồng nghiệp của bố. Lúc đó, ông nội tôi còn thường xuyên ốm đau. Mẹ phải đưa ông vào bệnh viện trực thuộc trường đại học mà bố làm việc (bệnh viện còn miễn cho chúng tôi chi phí chữa trị). Cứ mỗi lần ông phải nằm viện là ông ở lại điều trị rất lâu. Tôi còn nhớ, hai anh em tôi lúc đó (Anh tôi hơn tôi một tuổi) thường cùng mẹ vào bệnh viện thăm ông. Ông nội rất yếu, tính hơi nóng nảy. Ông rất quý anh trai tôi nhưng lại không ưa tôi lắm. Không hiểu vì lý do gì mà ông với mẹ thường bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn luôn kính trọng và hiếu thảo với ông.

Năm tôi lên ba, họ hàng ở dưới quê lên thăm ông. Mẹ nói phải cho tôi về ở với bà nội một thời gian, đợi ông khỏe lại thì sẽ đón tôi lên. Lúc đó có vẻ như ông nội tôi đã yếu lắm rồi. Hằng ngày mẹ phải chăm nom ông, lại còn phải chăm sóc cho anh tôi nên rất mệt. Về sau tôi mới biết, hóa ra mẹ định gửi cả hai anh em tôi về nhà bà nội, nhưng ông tôi dứt khoát không chịu để anh tôi đi. Tôi còn nhớ, mình được đặt vào trong một cái quang gánh của người họ hàng nọ. Chúng tôi lên ô tô, rồi qua sông, sau đó bắt tàu hỏa về quê. Chẳng mấy chốc đã về đến nhà bà nội. Với tôi, có thể nói đây là ký ức hết sức xót xa.

Ông bà nội tôi vốn đã ly hôn từ rất lâu rồi. Chính vì thế khi bố tôi qua đời, bà nội cũng không có mặt. Mẹ tôi giao tôi cho bà nội, thực tình là vì không còn cách nào khác cả. Bà nội tôi không phải là người chỉn chu, lại có tính hay la cà nên tôi thường xuyên bị bỏ đói. Tôi không hiểu bà nội có thích tôi hay không nữa, nhưng may mà bà chưa bao giờ đánh mắng tôi cả. Trong những ngày sống ở quê, tôi vô cùng nhớ mẹ và anh trai, thậm chí còn nhớ cả ông nội nữa. Nhưng ở đây cũng không hẳn là quá tồi, bởi những người họ hành trong gia đình đối xử với tôi rất tốt, thường quan tâm và đùm bọc tôi.

Tôi ở quê được khoảng nửa năm thì ông nội tôi qua đời. Mẹ tôi nhờ người đón tôi về thành phố. Mẹ nói, lúc đó nhìn tôi gầy gò, mặt mũi đen đúa, trông rất tội nghiệp! Đương nhiên là mẹ rất thương tôi! Nhưng cũng giống như ông nội, mẹ tôi yêu thương anh trai tôi hơn. Kể từ khi biết điều này, trong lòng tôi rất buồn bã. Lúc nào tôi cũng cảm thấy sợ hãi, sợ sẽ bị người thân bỏ rơi lần nữa.

Mẹ tôi là một phụ nữ rất yếu đuối. Hai anh em tôi thường xuyên nhìn thấy mẹ khóc. Những ngày tháng này dần kết thúc khi có sự xuất hiện của bố dượng tôi. Năm tôi học lớp năm, bố dượng đến ở nhà tôi. Bố dượng tôi là một lái xe, mặt mũi khô ngô tuấn tú, lại rất tài giòi. Mọi đồ đạc hỏng hóc trong nhà, chỉ cần qua tay bố dượng là xong hết. Mẹ tôi bắt đầu vui vẻ trở lại. Nhưng hai anh em tôi luôn có thái độ chống đối, luôn mang bố dượng ra so sánh với bố đẻ của mình, cho rằng bố dượng không bằng bố đẻ, vì bố đẻ của chúng tôi là một giảng viên đại học, trong khi bố dượng là một công nhân bình thường.

Công bằng mà nói thì bố dượng tôi là một người có trái tim rất nhân hậu. Ông có hai con với người vợ trước, tình cảm mà ông dành cho chúng tôi không thua kém gì con đẻ của ông. Anh trai tôi do được nuông chiều từ nhỏ nên trông có vẻ như một công tử con nhà giàu, người gầy gò, nước da trắng, nói năng chậm rãi, nhẹ nhàng, hay khóc, tuy nhiên học hành lại rất giỏi giang. Tôi thì ngược lại hoàn toàn với anh mình. Tôi cao lớn, đen đúa, tính tình cục cằn, cẩu thả, kiểm tra lúc nào cũng để mất điểm ở những câu không đáng mất. Dượng có vẻ quý tôi hơn. Ông thường mắng anh tôi không đáng mặt nam nhi, dạy bảo anh như con ruột của mình. Anh tôi không nói gì, cũng không để bụng những điều ông mắng. Ông không đồng ý với cách nuông chiều con trai của mẹ tôi. Ngay cả khi có chúng tôi ở đó, ông cũng thẳng thắn nói với mẹ rằng: “Con gái thì ngoan ngoãn, nhưng con trai lại quá ích kỷ. Tôi nghĩ sau này chúng ta chỉ có thể dựa vào con gái mà thôi!”. Tôi rất cảm động trước những lời này của ông!

Sau khi vào trung cấp, tôi bắt đầu có chút tiền tiêu vặt. Lúc đó có một người cùng quê với bà nội tôi thi vào trường nôi tôi đang theo học. Qua người đó tôi biết rằng, bà nội tôi bây giờ già yếu lắm rồi, con cái lại không ai chịu nuôi dưỡng bà (sau khi ly hôn với ông nội tôi, bà nội tôi tái giá và sinh con với người chồng mới), lại còn đuổi bà ra ở trong túp lều rách nát, cuộc sống vô cùng khốn khổ! Nghe thấy vậy, tôi cảm thấy trong lòng rất đau buồn. Những chuyện ngày xưa khi tôi sống cùng bà nội bỗng chốc ùa về. Tôi nghĩ, mặc dù bà nội chỉ nuôi dưỡng tôi có nửa năm, mặc dù tôi không phải quá thân thiết với bà, nhưng xét cho cùng thì bà cũng đã từng có ơn với tôi. Vì thế tôi quyết định sẽ nuôi bà. Thế là mỗi tháng, tôi lại tiết kiệm được tám mươi đồng từ tiền tiêu vặt để gửi về cho bà nội. Tôi giấu nhẹm gia đình, không nói cho bất cứ ai biết chuyện này. Đáng tiếc là, tôi mới gửi được tiền nuôi bà có bốn tháng thì hay tin bà nội tôi qua đời. Tôi khóc, nước mắt nhạt nhòa. Không hiểu tôi khóc vì thương bà hay khóc thương cho khoảng thời gian sống bên bà khi còn nhỏ?

Bố mẹ tôi sau này biết được chuyện này, không những không đánh mắng tôi mà còn cảm thấy xấu hổ vì đã để tôi phải gánh lấy trách nhiệm của họ. Bố dượng tôi ngân ngấn nước mắt nói với mẹ: “Con gái của chúng ta đúng là có tấm lòng nhân hậu!”. Thực ra trong lòng tôi vô cùng biết ơn dượng, bởi nếu không có ông thì gia đình tôi làm gì có cuộc sống sung sướng như ngày hôm nay. Thế nhưng, tôi cũng không thể không nghĩ, nếu như bố đẻ tôi còn sống, thì có lẽ cuộc sống của chúng tôi sẽ còn tốt hơn nhiều. Vì suy nghĩ này mà tôi không sao coi dượng như bố đẻ của mình được. Hơn nữa, có lúc, tính tình của dượng hơi cục cằn, làm cho hai anh em tôi cảm thấy rất khó chịu. Nhưng nhìn thấy dượng đang ngày một già yếu đi, tôi chợt nghĩ: “Nếu như chẳng may một ngày nào đó dượng qua đời, có khi nào tôi sẽ hối hận vì đã không đối xử với ông tốt hơn khi ông còn sống?”.

Chat room

Có lẽ bởi từng phải trải qua đau khổ, lạnh nhạt nên Nhã Tố mới khắc ghi trong lòng sự giúp đỡ của người khác. Đây là một điều rất đang quý! Biết ơn và đền đáp công ơn của người khác đối với mình là một hành động tốt đẹp và đáng trân trọng. Tôi đề cao những hành động của bạn đối với bà nội của mình. Nếu nói, chuyện của bà nội để lại trong lòng của Nhã Tố một sự hối tiếc, vậy thì đối với dượng của mình – một “ân nhân” khác của bạn, có đáng bị bạn coi nhẹ như vậy không? Chúng ta thường nghĩ,ngày mai qua đi thì sẽ lại có một ngày mai khác. Đối với người lớn, chúng ta thường quyên đi rằng họ đang dần dần tiến gần đến với sự già nua và cái chết. Chính sự “coi nhẹ” này đã tạo thành một “điểm mù” trong cuộc sống của chúng ta. Mãi cho đến những thời khắc cuối cùng, chúng ta mới phát hiện ra rằng những “điểm mù” này đã tồn tại cô đơn quá lâu rồi. Mặc dù Nhã Tố không thể coi bố dượng là bố đẻ của mình(điều này tôi có thể hiểu được), nhưng bạn hoàn toàn có thể đối xử với dượng như với bố đẻ của mình. Tôi hy vọng Nhã Tố sẽ không giấu giếm tình cảm với bố dượng ở trong lòng nữa, bạn hãy quan tâm và báo hiếu với bố dượng và cả mẹ bạn hơn nữa để sau này không phải hối hận nhé.

CÚ SỐC

Tiểu Nụ, nữ, mười bốn tuổi, học sinh cấp hai

Tôi xuất thân trong một gia đình trí thức, bố là giáo sư, mẹ là bác sĩ. Mẹ dạy bảo tôi rất nghiêm khắc,còn bố thì ngược lại. Mẹ thường ra lệnh cho tôi phải làm gì, còn bố thường hướng tôi làm theo ts của bố mẹ thông qua việc tâm sự với tôi. Tôi làm tất cả mọi chuyện theo yêu cầu của bố mẹ. Thành tích học tập của tôi luôn rất xuất sắc, lại là một trong những học sinh học đều các môn. Khi còn học tiểu học, tôi là một trong những thành viên sôi nổi của lớp. Mỗi khi có biểu diễn văn nghệ, cô giáp lại bảo tôi đăng ký, mỗi khi biểu diễn múa hát, đội múa lại do tôi dẫn đầu… Thậm chí tôi còn trở thành người dẫn chương trình thiếu nhi của đài truyền hình thiếu nhi thành phố. Oa, lần đầu tiên bước vào trường quay, tôi khá hồi hộp. Sau này tôi phát hiện ra rằng, phản ứng của mình khá nhanh nhạy, lại nói năng lưu loát. Ngoài việc làm người dẫn chương trình cho đài truyền hình thành phố, bố mẹ còn ủng hộ tôi đăng kí thi làm phóng viên nhỏ cho một tòa soạn báo thanh thiếu niên. Nhờ đi phỏng vấn, viết bài cho báo nên khả năng viết lách của tôi đã tiến bộ rất nhiều!

Sau khi lên cấp hai, tôi vẫn duy trì phong độ như hồi tiểu học. Mặc dù tôi là một “người nổi tiếng” trong trường, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mình có gì đáng để kiêu ngạo với mọi người cả. Bố dặn tôi phải biết cân bằng cảm xúc. Tôi luôn ghi nhớ điều bố dạy. Trong mắt của những người vừa quen biết tôi, tôi là một cô bé nho nhã, thanh lịch. Trong mắt của những người lạ, tôi là một người ít nói. Mặc dù tôi đã lên lớp bảy, cao gần bằng mẹ, nhưng không giống như các bạn nữ khác, hằng ngày tôi vẫn mặc những bộ đồng phục bình thường đến lớp. Đó là yêu cầu của mẹ. Các bạn trong lớp đọc truyện tranh và truyện tình yêu. Nhưng mẹ tôi và các thầy cô giáo đều nói, những loại sách báo này không có lợi cho sự phát triển tâm lí, tình cảm của chúng tôi. Vì thế tôi luôn tự giác không đọc những sách báo kiểu này. Các bạn trong lớp thường gọi tôi là “con ngoan của mẹ, học trò ngoan của thầy”.

Thế nhưng, dạo này tôi lại gặp phải rắc rối từ phía cô giáo của mình. Cô giáo chủ nhiệm mới của lớp tôi không thích tôi cho lắm. Từ khi nhận làm chủ nhiệm lớp, cô quyết định sẽ thay đổi hết vị trí cán bộ lớp. Tôi vốn là lớp trường, nay bị cô chuyển xuống làm lớp phó. Cô nói làm vậy là để cho tất cả học sinh đều có cơ hội rèn luyện như nhau. Dần dần tôi phát hiện ra, cô giáo chủ nhiệm chỉ thích những bạn khéo léo và giỏi nịnh. Lớp tôi có một bạn nữ tên là N, kết quả học tập rất kém, chỉ giỏi khoác lác. Cô giáo chủ nhiệm cũ của chúng tôi thường xuyên phê bình bạn ấy là sĩ diện hão. Thế nhưng, N suốt ngày bám lấy cô giáo chủ nhiệm mới để nịnh nọt, lại còn mua mũ cho con cô nữa nên cô giáo rất quý N. Chúng tôi chưa bào giờ dám đùa với cô giáo chủ nhiệm, nhưng N có thể thân thiện trêu đùa cô. Mỗi khi N phạm lỗi, cô thường xuề xòa cho qua, nhưng lại hết sức nghiêm khắc với những đứa như tôi. Tính tôi thẳng thắn, ít nói chuyện với những người không hợp. Thế là cô giáo chủ nhiệm mới liền nói rằng tôi kiêu căng và tuyên bố trước lớp rằng không công nhận thành tích trước đây của học sinh, cô coi trọng biểu hiện bây giờ hơn. Chính vì thế tôi cảm thấy rất buồn lòng, không hiểu tại sao cô lại ghét tôi đến như vậy!

Vài tháng trước, bố tôi đi Anh phỏng vấn một vị học giả. Ở nhà, tôi và mẹ luôn trong trạng thái mẹ nói, tôi nghe theo. Tôi không có thói quen kể khổ với mẹ, bố tôi lại đang ở xa nên tôi đành giấu những tâm sự này trong lòng. Cô giáo chủ nhiệm đối xử với tôi như vậy khiến cho rất nhiều bạn trong lớp mừng thầm, trong đó có N. Thậm chí tôi còn nghi ngờ N nói xấu tôi với cô giáo chủ nhiệm nữa.

Do tinh thần không ổn định nên lúc lên lớp, tôi không sao tập trung nghe giảng được. Một lần, vào tiết Anh của cô giáo chủ nhiệm, trong khi cô đang giảng về ngữ pháp thì trông thấy tôi có vẻ hoang mang và thiếu tập trung, thế là cô liền gọi tôi lên trả lời câu hỏi. Mặc dù tôi trả lời đúng nhưng cô vẫn rất bực tức, còn phê bình tôi trước lớp là kiêu căng, tự mãn, lại còn nói tôi đừng có cậy vào những thành tích trước đây mà làm phách nọ kia. Cô nói rất quá đáng, thậm chí một số học sinh trong lớp còn tỏ ra bất bình thay cho tôi. Tôi uất ức đến phát khóc. Đây là lần đầu tiên tôi bị phê bình trước lớp.

Nhưng cô giáo chủ nhiệm dường như không thèm để ý đến những giọt nước mắt của tôi, cô lạnh lùng nói: “Ngồi xuống!”. Lúc đó, cả lớp đều quay lại nhìn, tôi xấu hổ vô cùng,chỉ biết gục mặt xuống bàn, âm thầm khóc. Một bạn nam trong lớp nói với giọng thông cảm: “Bạn ấy khóc rồi!”. Cô giáo chủ nhiệm thở dài nói: “Có những người luôn cho rằng mình hoàn mỹ, nên không chịu nổi dù chỉ một chút phê bình. Hôm nay tôi muốn xem họ hoàn mỹ ở chỗ nào?”. Những lời nói của cô như một con dao sắc cứa vào trái tim tôi. Nói xong, cô giáo chủ nhiệm không thèm để ý đến tôi nữa và tiếp tục giảng bài. Tôi cứ thế nằm bò ra bàn mà khóc, sau đó có vài bạn ra an ủi tôi. Sự thông cảm và đồng tình của họ đã làm tôi dễ chịu hơn một chút.

Kể từ đó, thái độ cô giáo chủ nhiệm ngày càng lạnh nhạt với tôi hơn. Đương nhiên tôi cũng không thể có cảm tình với cô được. Tâm trạng của tôi vô cùng tồi tệ, đêm nào cũng mơ thấy ác mộng. Tôi mơ cô giáo chủ nhiệm luôn cố tìm cách làm khó, mắng mỏ tôi. Một lần, trong cuộc họp của hội học sinh ở trường, cô tổng phụ trách có hỏi thăm tôi vì sao dạo này tôi lại gầy như vậy, có phải là vì học hành căng thẳng quá hai không. Cô ấy còn dặn dò tôi phải giữ gìn sức khỏe nữa! Mắt tôi đỏ hoe, nhưng cuối cùng tôi vẫn không kể cho cô ấy nghe chuyện về cô giáo chủ nhiệm. Tôi đã quen với việc giấu cảm xúc của mình, hơn nữa, cô tổng phụ trách lại là đồng nghiệp của cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, quan hệ của hai người tương đối tốt, vậy thì làm sao tôi có thể nói xấu một giáo viên trước mặt giáp viên khác được cơ chứ?

Cán bộ lớp mới được phân công làm việc rất tốt. Lớp trưởng mới của lớp tôi mặc dù không làm theo hướng của tôi trước đây nhưng cũng có những ưu điểm riêng. Còn về phần tôi, chức vụ lớp khó có vẻ “hưu danh vô thực”. Trước đây, lớp có chuyện gì các bạn đều tìm tôi để hỏi ý kiến. Nhưng bây giờ, tôi đã trở thành một nhân vật mờ nhạt. Các hoạt động của trường không còn nhiều như hồi tôi học tiểu học, nhà trường lại luôn coi trọng và nhấn mạnh vào thành tích học tập của học sinh mà thành tích học tập của tôi hiện nay đã sa sút rất nhiều. Trước đây, tôi vốn là học sinh dẫn đầu lớp, nay bị tụt xuống thứ ba, thậm chí thứ năm. Tôi vừa cảm thấy đau lòng lại vừa sợ, khó chịu và rất ghét cô giáo chủ nhiệm nữa. Tôi muốn đợi đến khi bố về sẽ xin bố chuyển trường. Nhưng tôi e là không được,vì trường tôi đang học là trường chuyên, trường cấp hai tốt nhất trong thành phố.

Chat room

Nếu tôi là cô giáo chủ nhiệm của Tiểu Nụ, chắc chắn tôi sẽ rất quý, thậm chí có phần còn thiên vị Tiểu Nụ nữa. Bởi Tiểu Nụ là một cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, chấp hành kỉ luật và rất ngây thơ. Thực ra, cách làm này của tôi thể hiện sở thích thường gặp của giáo viên. Vì thế tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi cô giáo chủ nhiệm cũ của Tiểu Nụ lại thích cô bé đến như vậy. Vấn đề là ở chỗ, hiện nay Tiểu Nụ gặp phải một cô giáo “hơi khác thường” so với các cô giáo khác. Tiêu chuẩn chọn người, tác phong làm việc và cách nói năng của cô giáo chủ nhiệm mới đã phá vỡ hoàn toàn thói quen trong tâm lí của Tiểu Nụ, khiến cô bé cảm thấy mất thăng bằng và khó tránh khỏi việc gặp phải nhiều rắc rối. Tôi không cho rằng cách đối xử của cô giáo chủ nhiệm mới của Tiểu Nụ là đúng đẵn, nhưng tôi tin rằng, cho dù không phải là cô giáo chủ nhiệm mới thì chắc chắn sau này,trên con đường mà Tiểu Nụ đi cũng sẽ khó tránh khỏi có những thầy cô giáo, lãnh đạo hoặc một ai đó giống như vậy. Những người như thế chính là những nốt nhạc lạc điệu trong bản nhạc của Tiểu Nụ. Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta, khó có ai tránh khỏi những điều này. Chính vì thế mà Tiểu Nụ cần phải làm quen dần dần. Khi bạn có thể thích nghi với những khó khăn như vậy thì cũng là lúc bạn đã đủ trường thành. Hàm nghĩa của từ “thói quen” mà tôi nhắc đến ở đây chính là sự thiếu kinh nghiệm, chưa từng trải của Tiểu Nụ. Tôi hy vọng Tiểu Nụ sẽ không suy nghĩ quá nhiều đến vấn đề được và mất. Bố của cô bé nói đúng, phải biết cân bằng cảm xúc. Khi làm được điều này, bản thân cô bé sẽ tự biết mình phải trân trọng điều gì và bỏ qua điều gì!


/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status