Cuộc Chiến Giữa Nhíp Và Quần Đùi Hoa

Chương 11

/25


Hoàng dẫn tôi đi lòng vòng cho đến tối mịt. Nhìn vào những ngôi nhà bên đường, thấy gia đình họ ngồi quây quần bên nhau dưới ánh đèn vàng mà thấy trống vắng. Thi thoảng Hoàng quay sang tôi dòm dòm, chắc xem tôi có khóc không. Đạp mãi mỏi chân, tôi đành hỏi Hoàng:

- Định đưa tui đi đâu vậy?

- Thật tình là tui cũng… không biết?

- Hả?

Tôi có trao niềm tin nhầm người không đây?

___

Cũng không biết đưa tôi đi đâu mà dám dắt đi.

- Sao không nói từ sớm?

- Thấy nhỏ khóc sợ thấy mồ bố ai dám nói?

- Thôi tui đi về!

- Đừng về, hôm trước nhỏ bị đánh tui sợ lắm!

- Tui còn chẳng sợ đằng ấy sợ chi? Của nợ.

Tôi đạp xe rẽ về nhà. Dù gì thì cũng phải đối mặt thôi. Cùng lắm thì ngồi chịu cho đến khi bão qua. Riết thành quen rồi.

- Từ từ đã. Vi ơi!

- Gì nữa?

- Hay về nhà tui nhé!

- Điên à?

- Mẹ tui vừa gọi bảo đưa nhỏ về nhà!

- Thôi tui ngại lắm!

- Đi về!

Hoàng lại dằng tay tôi lôi đi. Nhiều khi tôi không hiểu Hoàng nghĩ gì nữa. Nhưng dù gì cũng sợ về nhà, tôi qua nhà Hoàng ở tạm cũng được. Vừa đi Hoàng vừa quay sang “dạy dỗ” tôi:

- Tui thấy nhỏ cũng kì, nhỏ đứt dây thần kinh phản kháng rồi hả? Mà không, đứt thì đã không tát tôi lật mặt hồi trước. Thế thì bị làm sao? Đánh mà cũng không biết chống cự là sao?

- Lải nhải gì đó?

- Hừ, người như nhỏ xã hội bó tay rồi.

- Người như tôi sao?

- Như cức ý!

Tôi phì cười trước điệu bộ bất lực của Hoàng. Hoàng tự nhiên và trẻ con như một bông hoa cứt lợn mọc tùm lum ngoài đồng. Hoàng hay lảm nhảm một mình và chẳng cần biết tôi có nghe hay không, luôn cố tỏ ra mạnh mẽ và to lớn, có thể bảo vệ cho tôi. Dù tôi biết nếu giờ đây chúng tôi gặp du côn, chắc chắn Hoàng sẽ bỏ tôi lại mà chạy mất dép.

Phải làm sao cho tên khùng này buông tay tôi ra bây giờ? Tôi có bay mất đâu mà hắn cứ cầm như xích chó vậy. Đột nhiên Hoàng dừng phắt lại, chỉ cho tôi chỗ góc đường:

- Nhìn kìa nhỏ! Tui thấy cái thùng kia động đậy.

Động đậy thật. Tôi chống xe chạy lại xem, Hoàng sợ chuột sợ gián nên chẳng dám mon men lại gần bãi rác. Hộp bánh quy bìa còn mới và bọc cẩn thận. Mở ra thấy con người sao ác quá trời. Một đàn mèo năm con, bệt thè lệt ở đáy hộp cùng với mảnh vải áo trẻ em. Tôi bế một bé lên xem, đã khá cứng cáp và có thể dứt mẹ được rồi, tuy tiếng kêu còn yếu ớt. Hoàng lò dò đến gần, nhìn kĩ rồi reo lên:

- A, mèo!

- Mang về nhé?

- Hả?

- Chứ không bỏ ở đây sao?

- Mẹ tui ghét mèo lắm không được đâu.

- Tui sẽ giấu! Nha nha!

- Không được thật mà!

- Tui cầu xin tui năn nỉ Hoàng, đi mà Hoàng, tui yêu Hoàng nhất trên đời!

Tôi quen thói nịnh con Linh bằng câu “tao yêu mày nhất trên đời” nên lỡ mồm nói với Hoàng như thế luôn. Ai ngờ hắn tròn mắt rồi đau khổ gật gật đồng ý. Tôi sướng quá ôm thùng mèo về. Trong lòng nghĩ mà thương bé mèo mẹ chắc giờ này đang gào khóc tìm con, hoặc là đã bị thằng chủ khốn nạn xách đi thịt.

Hoàng dẫn tôi đi một lối khác về nhà Hoàng mà không đi qua cổng nhà tôi. Tôi rón rén cất xe rồi ôm thùng mèo đi lên khác khi thấy bác Ngọc đang tắm. Xong xuôi mới xuống đợi bác và Hoàng cùng nấu cơm. Bác Ngọc rất hiền và ít nói, có nói gì thì chỉ mắng Hoàng thôi. Bác mắng chửi Hoàng nhiều lắm, như việc trút hết mọi áp lực bực tức của cuộc sống lên đầu Hoàng vậy. Có lẽ Hoàng biết những nỗi khổ của mẹ nên hắn cũng im lìm chịu đựng. Vậy mà còn nói tôi mất dây thần kinh phản kháng.

Bác Ngọc nhìn thấy tôi đứng co rúm ở cạnh bàn ăn góc bếp, vội chạy ra nhéo nhẹ lên tai tôi và nạt:

- Cha trời cái con nhỏ mất nết, sao mày lại để bị đánh thế hả bà nội trẻ? Nhìn này, mắt mũi tay này, còn chân thì sao hả? – Vừa nói bác vừa ủn tôi xuống ghế và vạch quần tôi lên trong khi tôi cố ngăn lại vì Hoàng cứ đứng đó nhìn. – Đây này, bà má nó sao nó đánh con ác vậy trời, nó quật bằng chổi lau nhà hay cái gì đây? Hả?

- Dạ thước gỗ con đo vải may quần áo.

- Tiên sư nó chứ cái thứ mất dậy. Thế còn lưng thì sao?

Bác lại tiếp tục vạch vạch áo tôi lên trong khi tôi gần như phát khóc vì Hoàng vẫn đứng chăm chú nhìn. Đồ biến thái. Bác Ngọc vỗ vai tôi cái đét! Đúng chỗ đau, rồi cho tôi một tràng.

- Con bò, đã bầm tím hết thế này còn mặc xu chiêng? Cởi ra!

Tôi vội phi ra chỗ Hoàng nấp vì nếu không kịp bác sẽ lột áo chíp tôi ra thật. Hoàng nhăn mũi bảo:

- Mẹ làm gì kì vậy? Con gái nhà người ta.

- Im ngay thằng đầu trâu này. Con gái tau chứ ai. Đi vào đây tắm đi con, nước nóng có rồi.

Bác chạy lại cầm dắt tôi vào nhà tắm, quẳng cho tôi bộ quần áo bác mặc ở nhà rồi đóng cửa lại. Tôi tần ngần đứng cầm bộ quần áo một lúc, rồi tiến đến gương. Khuôn mặt tôi hiện rõ ràng trong đó, mái tóc phất phơ trước trán, đôi mắt vô hồn và khóe miệng còn bầm tím. Khuôn mặt tôi thừa hưởng những nét của mẹ, giống đến kì lạ. Phải chăng vì thế mà bố Tùng ghét tôi đến thế?

Bật nước lên và đứng yên dưới dòng nước, mong rằng tất cả buồn phiền đau đớn sẽ trôi đi hết.

Tối hôm đó tôi giúp mẹ con Hoàng nấu cơm. Bác Ngọc bảo mẹ tôi đi “công tác” vài ngày có gửi tiền bác nên tôi cứ qua ở. Hoàng nghe thấy thế ngục ngặc cái đầu, không đoán được là hắn đồng tình hay phản đối. Nhưng dù thái độ thế nào thì tôi vẫn phải ở đây, vì còn nơi nào để đi?



Bác Ngọc vẫn hay gọi tôi bằng xưng danh rất mến thương: Con gái!

Bác thích ngồi vần vò tôi như mần một con cún nhỏ. Bác buộc tóc cho tôi, xoa má, may quần áo cho tôi. Đến mãi sau này nghe bà nội Hoàng kể lại tôi mới biết Bác Ngọc không chỉ sinh mình Hoàng, khi có bầu bác mang thai đôi, sinh đôi, nhưng chỉ được nuôi một, còn ông nội Hoàng nuôi bé còn lại không hề cho mẹ con gần nhau được chút nào. Phải chăng vì thế mà mẹ Hoàng luôn yêu thương những đứa trẻ xung quanh bác như tình yêu dành cho đứa con xa vắng cách ngăn?



- Này, nhỏ đi chăn mèo đi. – Hoàng thủ thỉ vào tai tôi khi thấy mẹ vông phòng ngủ.

- Ừ!

Tôi và Hoàng chạy lên gác thượng, chui vào gian nhà kho nhỏ ngổn ngang bàn ghế đồ đạc, rót sữa và cháo ra cho mấy bé mèo. Hoàng cẩn thận cầm chổi quét hết mạng nhện và bụi bặm để bụi bẩn không bám vào người tôi. Nhìn lũ mèo nhỏ liếm sữa một cách ngon lành và trong lòng ấm áp khó tả. Xong xuôi Hoàng dắt tôi ra sân thượng, đi qua khoảng sân có mái che để che mưa cho quần áo thì đến nửa sân còn lại, một mảnh trời với bạt ngàn sao. Không giống sân thượng nhà tôi, đóng khung hết cả, muốn ngắm trời phải thò đầu qua song sắt.

- Đẹp không?

- Đẹp!

- Tui vẫn trốn lên đây mỗi khi buồn bực. Đằng ấy thì sao?

- Tui á? Tui… chui vào tủ!

- Gì kì quặc vậy?

- Có gì kì quặc đâu.

Hoàng ngúc ngắc cái đầu rồi ngẩng lên trời. Tôi ngồi xuống cái ghế gỗ dài cạnh đó, đung đưa chân, miệng lẩm nhẩm vài giai điệu quen thuộc. Thi thoảng nhìn vẻ mặt ngơ ngơ của Hoàng, bao nhiêu cảm xúc của cái hồi yêu đơn phương lại tràn về. Muốn quay sang bảo: “Này đằng ấy, xưa tui đã từng thích đằng ấy đấy” nhưng lại thôi. Sến quá trời.

- Nhỏ hết buồn chưa?

- Gì hả?

- Nhỏ điếc à?

- Mất dậy! Hết buồn rồi!

- Đó! Nghe thấy mà cứ hỏi lại.

- Hì, thế Hoàng hỏi làm chi?

- Tui sợ nhỏ vẫn buồn!

- Tui không buồn đâu! Tui ít khi buồn lắm!

- Cho tui xin lỗi những gì không phải nha. Tui nói thật là lúc đầu tui không nghĩ mọi chuyện lại đi quá xa như thế? Xong rồi những hiểu làm làm hai đứa mình nghĩ sai lệch méo mó về nhau quá nhiều…

- Tui có ghét gì Hoàng đâu. Tui chóng quên lắm

- Không ghét thật à?

- Thật!

Tôi gật đầu thật mạnh, Hoàng nhìn tôi cười rồi mặt tự nhiên biến sắc nham hiểm dễ sợ:

- Mà cũng khùng cơ. Nhìn cái tướng nhỏ nhổ lông nách thiệt không thể mê nổi.

- Im đi. Nó dài thì phải nhổ chứ sao?

- Tui sẽ tặng nhỏ bộ dao cạu râu! Chịu không?

- Nói chuyện kì quá. Tui đi xuống nhà đây.

Tôi đẩy ghế cho Hoàng ngã chổng kềnh ra đất rồi chạy xuống phòng Hoàng. Căn phòng nhỏ đơn giản đến mức không có điểm nhấn gì hết. Quần áo thì cả tuần cuộn cuộn lại nhét vào trong tủ. Trên bàn học là cái khung ảnh Hoàng hồi còn bé, ngồi ở bậc thềm, quần bị mẹ xẻ ra để đái dầm mà không ướt quần, chim lòi hết cả ra đất. Tôi cầm khung ảnh cười phá lên làm Hoàng ngượng, giật khung ảnh đem đi giấu.

Chỉ ở nhà Hoàng được một lát nữa thôi, tôi còn phải về chăm Ki nữa. Trong lúc Hoàng đi giặt quần áo, tôi dọn phòng cho Hoàng, nhìn thấy cuốn Nhật ký nhỏ bằng 2 bàn tay Hoàng đặt ngay ngắn dưới chiếu. Chẳng nói chẳng rằng. Tôi nhét vào áo rồi cầm về luôn. Kể cũng xấu tính thật. Nhưng tại vì tò mò về chàng trai mình thích quá nên tôi cứ làm liều.

Nhật ký Hoàng viết từ khi lên lớp 6, đánh dấu bằng mốc thời gian bố Hoàng rời bỏ hai mẹ con Hoàng mà đi theo người phụ nữ khác trẻ đẹp hơn. Những ngày đầu hình như vừa viết vừa khóc, hoặc là vừa viết vừa giỏ dãi không biết, mà thi thoảng có chữ nhòe nhoẹt vết nước. Giọng văn ngây ngô và trẻ con lắm.

“Thế là hết! Tao thề từ nay cô giáo hỏi con ai tao sẽ chỉ trả lời con mẹ Ngọc, hỏi bố đâu tao sẽ bảo: Cháu là anh em Thánh Gióng! Đếch cần bố!”

Tôi vừa bật cười, vừa xót xa. Chỉ cách nhau một bức tường thôi, bên này tôi ngồi thu lu một góc cạnh Ki, dưới cây đèn bàn hắt sáng một góc, tay ôm trọn cuốn sổ Nhật ký của chàng trai tôi thương, bên kia anh ấy đang làm gì? Cũng không biết nữa. Nhưng tôi mong rằng đêm nay Hoàng sẽ ngủ ngon.

/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status