Đại Đường Song Long Truyện

Chương 708: Ba yêu cầu để trị quốc

/800


Từ Tử Lăng giơ tay ra định gõ cửa thì một giọng nữ bình hòa vang lên trong màng nhĩ:

- Cửa không khóa, xin mời quý khách vào.

Từ Tử Lăng bị dọa cho giật nảy mình, gã không hề cảm ứng được ngoại viện Ngọc Hạc Am lại có người. Thanh âm đó lại không phải giọng của chủ trì Thường Thiện ni, rốt cuộc là người nào đây? Đương nhiên không phải là người tầm thường.

Từ Tử Lăng đến Ngọc Hạc Am tâm nguyện lớn nhất là có thể gặp được Sư Phi Huyên ngay, dù khả năng này là rất thấp nhưng ít ra cũng có thể nghe ngóng được hành tung của nàng. Tìm được nàng, gã có thể nói với nàng minh đang tận lực hoàn thành tâm nguyện cho nàng.

Gã đưa tay đẩy cửa tiến vào Ngọc Hạc Am, trong viện tuyết được quét thành bảy tám đống, cây cối phủ đầy tuyết tựa như mặc một lớp giáp trụ bằng sương bạc, phong cảnh ưu nhã yên tĩnh.

Bên cạnh một đống tuyết to như ngọn núi nhỏ là một nữ ni mi thanh mục tú thoạt nhìn không có gì đặc biệt, tay cầm một chiếc xẻng xúc tuyết đang đứng, nét mặt bình tĩnh lặng lẽ nhìn gã.

Mục quang của Từ Tử Lăng và nữ ni tiếp xúc nhau. Trong lòng gã chợt nổi lên một cảm giác kỳ dị khó mà hình dung được, tựa như đang tiếp xúc với một thiên địa tâm linh thần thánh rộng lớn không bờ không bến, không thể đo lường được.

Nữ ni khoảng độ trên ba mươi tuổi, song ngọc dung tựa như đã nhìn thấu thế tục, không có và không thể có sự vật nào khiến bà động tâm hay đau lòng cả.

Mái đầu bóng loáng không có sợi tóc nào đặc biệt cường điệu những đường cong phân minh rõ ràng trên gương mặt của bà, tựa như sông núi nhấp nhô vô cùng thanh tú, khiến người quên cả phàm tục. Dường như chỉ nghĩ đến những sự vật thế tục bên ngoài viện đã là một hành vi đại bất kính đối với bà.

Từ Tử Lăng trong lòng chợt động, cung kính thi lễ:

- Không biết xưng hô với sư phụ thế nào mới phải?

Nữ ni nhẹ nhàng đặt chiếc xẻng xúc tuyết xuống, hai tay chắp lại hoàn lễ:

- Nếu bần ni không lầm thì vị này chắc là Từ Tử Lăng thí chủ, đến đây để tìm tiểu đồ Phi Huyên.

Từ Tử Lăng chấn động:

- Quả nhiên là Phạm Trai chủ!

Phạm Thanh Huệ thấp giọng niệm phật hiệu, đoạn nói:

- Tử Lăng xin theo bần ni vào đây!

o0o

Vô Danh xuyên qua song cửa bay vào đậu trên vai Khấu Trọng, tiếp đó Tiểu Hạc Nhi vẫn ăn mặc theo lối nam trang tựa như một cơn gió tiến vào, nũng nịu:

- Tiểu Hạc Nhi muốn theo đại ca tới Giang Đô.

Khấu Trọng tạm dừng việc khổ sai phê duyệt lại, than:

- Muội tưởng rằng ta đi du sơn ngoạn thủy sao?

Tiểu Hạc Nhi không hề khách khí ngồi xuống trước mặt gã, duyên dáng nói:

- Đại ca chính là đi du sơn ngoạn thủy, người ta cũng không phải lần đầu ra chiến trường. Lần trước biểu hiện của muội cũng đâu có tệ! Chí ít cũng không vướng chân vướng tay, còn chịu trách nhiệm chăm sóc Vô Danh cho huynh nữa.

Khấu Trọng nhún vai cười:

- Vậy muội muốn thì cứ đi cho đã đi.

Tiểu Hạc Nhi vui mừng tới mức nhảy cẫng lên:

- Thành công rồi, đánh thắng trận rồi, muội phải đi báo cho Huyền Thứ công tử biết.

Trước khi nàng rời khỏi Khấu Trọng gọi nàng lại hỏi:

- Vì sao muội lại đặt tên mình là Tiểu Hạc Nhi?

Thân hình Tiểu Hạc Nhi khẽ run lên, nhẹ nhàng hỏi:

- Đại ca không thích tên này sao?

Khấu Trọng nói:

- Chân của tiểu muội tử còn dài hơn cả chân con trai, tựa như con hạc giữa bầy gà. Ta không những thích mà còn vì muội mà tự hào nữa.

Tiểu Hạc Nhi trước sau không quay đầu lại, nhỏ giọng:

- Đại ca là người có bụng dạ tốt nhất trên đời.

Dứt lời thì bỏ chạy mất.

Trong lòng Khấu Trọng dâng lên một cảm giác khó giải thích, tựa như đã nhận ra được điều gì đó mà không thể nói cụ thể rõ ràng được.

Trong chớp mắt gã đã bị đống công văn chất cao như núi làm cho không còn hơi sức mà nghĩ tiếp nữa.

o0o

Phạm Thanh Huệ nhìn Từ Tử Lăng đang hớp một ngụm trà, điềm đạm nói:

- Kẻ làm sư phụ như ta thật không biết đồ nhi đi đâu. Trừ Ngọc Hạc Am ra thì chỗ có khả năng tìm thấy nó nhất chính là thiền viện của Liễu Không sư huynh ở gần Lạc Dương.

Từ Tử Lăng ngồi vào một trong những chiếc ghế đặt ở phía nam bên tay trái bà. Trong sảnh tiếp khách bốn bên đặt đầy ghế ngồi, gã do không dám mạo muội bất kính với vị lãnh tụ tối cao của huyền môn này nên cố ý ngồi xa một chút. Từ góc độ của hắn mà nhìn, ngọc dung thanh tịnh thuần khiết của Phạm Thanh Huệ tựa như hòa nhập với cảnh tuyết ở bên ngoài, không nhiễm chút bụi trần.

Phạm Thanh Huệ thoáng lộ ra thần sắc thương cảm khó mà nhìn thấy được, hạ giọng:

- Phải chăng ngươi trách người xuất gia bọn ta vẫn chưa hết lòng trần? Bọn ta thật là có nỗi khổ riêng. Từ khi Địa Ni lập ra bổn trai đến nay đã lập ra pháp quy người tu luyện kiếm điểm phải nhập thế tu hành ba năm. Bọn ta vì thế bị cuốn vào sóng gió ba đào của nhân thế, khó mà tự mình thoát ra được. Có người bảo rằng bọn ta có ý đồ thao túng hưng vong của quốc gia, đây chỉ là hiểu lầm. Ngươi có lời bất bình gì thì cứ nói hết ra, không cần ngại ta là sư phụ của Phi Huyên. Chúng ta có thể tính là người một nhà chứ?

Từ Tử Lăng nghe mà trợn mắt há miệng, trước đây cho dù gã nghĩ đến nát óc cũng không tưởng tượng được Phạm Thanh Huệ lại là một vị trưởng bối hiền hòa thân thiết như vậy, không hề ra vẻ trai chủ chút nào.

Gã không khỏi cười khổ:

- Trai chủ chắc không phải xem ta là Sơn Môn hộ pháp như Phi Huyên chứ?

Ngọc dung của Phạm Thanh Huệ phẳng lặng như mặt nước hồ:

- Tử Lăng có biết Sơn môn hộ pháp đời trước của chúng ta là ai không?

Từ Tử Lăng mờ mịt lắc đầu.

Phạm Thanh Huệ nhẹ giọng:

- Chính là Chân Ngôn đại sư đã truyền Chân Ngôn ấn pháp cho ngươi.

Từ Tử Lăng nhìn bà ngạc nhiên.

Mục quang Phạm Thanh Huệ nhìn ra rừng cây trắng xóa trong nội viện bên ngoài cửa sổ phía tây, bình tĩnh đáp:

- Sơn Môn hộ pháp không cần phải là người tinh thông võ công. Chân Ngôn đại sư phật pháp tinh thâm, thiền cảnh siêu phàm, trước khi ngài nhập tịch đã truyền Chân Ngôn Ấn pháp cho ngươi, chắc là có thâm ý. Thế nhưng kẻ hậu bối như ta không có cách gì đoán được nhân quả duyên phận huyền diệu trong đó. Chúng ta vốn có một quy củ bất thành văn là Sơn Môn hộ pháp đời sau do hộ pháp tiền nhiệm tuyển chọn. Phi Huyên trước khi Chân Ngôn đại sư nhập tịch được ông ta cho biết đã truyền Chân Ngôn Ấn Pháp cho ngươi, thế nên mới xem ngươi là Sơn Môn hộ pháp kế nhiệm. Có điều nếu Tử Lăng tuyệt không muốn nhận thân phận đó thì bọn ta cũng không để bụng. Nếu tương lai Tử Lăng không muốn chọn người kế nhiệm cho mình thì cứ để cho truyền thống Sơn Môn Hộ pháp này biến mất theo mây khói cũng không sao.

Từ Tử Lăng chợt hiểu ra, trong lòng dâng lên một cảm giác khó diễn tả được bằng lời. Năm xưa Chân Ngôn đại sư truyền pháp cho mình tựa như vô ý tùy tiện nhưng lại ẩn hàm thiền cơ vượt qua sự lý giải của con người.

Phạm Thanh Huệ lại lộ ra vẻ khổ tâm khó mà nhận thấy được, chỉ thoáng qua là mất, bà nhẹ nhàng nói:

- Nghe Phi Huyên nói, Tử Lăng đối với việc nó toàn lực chi trì Lý Thế Dân mà không chi trì Khấu Trọng khó mà thông cảm được?

Từ Tử Lăng đáp:

- Trước kia là vậy, đến hôm nay ta đã hiểu rõ nguyên do bên trong.

Mục quang Phạm Thanh Huệ hướng về phía gã, nhẹ giọng:

- Doanh Chính và Dương Kiên đều là những đế vương thống nhất quốc thổ trong tình trạng tứ phân ngũ liệt, không phải là duy nhất. Cả hai đều chỉ truyền được hai đời thì mất. Như vậy có thể thấy, họ tuy có “Thiên hạ chi chí” thống nhất Trung thổ nhưng lại không có “Thiên hạ chi tài” hoặc giả không có “Thiên hạ chi hiệu”.

Từ Tử Lăng khiêm tốn hỏi:

- Dám xin Trai chủ chỉ dạy.

Phạm Thanh Huệ ánh lên vẻ trí tuệ, nói:

- Thiên hạ chi chí chính là chí hướng và thực lực thống nhất và trị vì thiên hạ. Thiên hạ chi tài chính là tài năng trị vì thiên hạ. Thiên hạ chi hiệu chính là hiệu quả của việc đại trì thiên hạ. Tần hoàng có Thiên hạ chi chí nhưng sau khi thống nhất lục quốc không biết dùng lòng nhân từ để mưu cầu sự an bình mà lại dùng thủ đoạn trấn áp đối phó với nhân dân khiến cho họ phải phản kháng lại. Sau khi Dương Kiên đăng vị, bỏ cũ lập mới đã tạo ra thịnh thế Khai Hoàng Chi Trì(1), lại dần dần tuần tự bình định phương Nam. Hùng tài đại lược của ông ta đương thời trong thiên hạ chỉ có mình Tống Khuyết là sánh được. Song với sự tự phụ của Tống Khuyết, y vẫn muốn ẩn tránh ở Lĩnh Nam, nhận sắc phong của Dương Kiên. Nhà Tùy vốn có thể phát triển rất tốt đáng tiếc lại bại trong tay Dương Quảng, chúng ta còn biết phải làm sao?

Từ Tử Lăng gật đầu:

- Phi Huyên chọn Thế Dân huynh chính vì huynh ấy không những có Thiên hại chi chí, Thiên hạ chi tài lại càng có khả năng đạt được thiên hạ chi hiệu.

Phạm Thanh Huệ nhẹ nhàng thở dài:

- Chúng ta làm sao có tư cách chọn ra minh quân tương lai chứ? Chỉ là hi vọng có thể cống hiến một chút sức cho bá tánh đang chịu khổ. Với lực lượng nhỏ bé của bọn ta chỉ có thể ủng hộ và khích lệ. Hiện tại thời cơ thống nhất thiên hạ không còn nằm trong tay của Tần Vương nữa mà nằm trong tay Từ Tử Lăng và Thiếu Soái, quyết định bởi một ý niệm của hai người.

Từ Tử Lăng than:

- Không dám giấu Trai Chủ nếu những lời này nói với Từ Tử Lăng của trước kia nhất định nghe không lọt tai, nhưng trong tình huống nguy cấp loạn trong họa ngoài trước mắt ta mới hiểu rõ được sự nhìn xa trông rộng của Trai chủ. Ta vừa mới gặp Tần Vương, nói rõ chỉ cần y chịu đặt thiên hạ lên hàng đầu, gia tộc chỉ là thứ yếu thì ta sẽ tận lực thuyết phục Khấu Trọng toàn lực giúp y đăng lên hoàng vị.

Phạm Thanh Huệ không hề tỏ ra ngạc nhiên, chỉ lộ ra một nét vui mừng phát từ chân tâm lần đầu tiên xuất hiện trên gương mặt, gật đầu nói:

- Đồ nhi ngoan của ta không nhìn lầm Tử Lăng.

Từ Tử Lăng cười khổ:

- Chỉ là ta dường như đã tỉnh ngộ quá muộn, hiện tại cuộc chiến giữa Thiếu Soái quân và Đại Đường tựa như tên ở trên cung, không thể không bắn đi, ta không hề nắm chắc có thể lật ngược được tình thế.

Phạm Thanh Huệ buồn rầu nói:

- Phải chăng Tử Lăng đang chỉ Tống Khuyết?

Từ Tử Lăng gật đầu.

Phạm Thanh Huệ trong chớp mắt đã khôi phục bình tĩnh, điềm đạm nói:

- Ta vừa nhận được phi cáp truyền thư của Phi Huyên từ Tịnh Niệm Thiền viện gửi tới. Đạo huynh và Tống Khuyết đã lưỡng bại câu thương trong trận chiến ở Thiền viện.

Từ Tử Lăng giật nảy mình thất thanh hỏi:

- Cái gì?

Thạch Chi Hiên đã đoán vô cùng chuẩn xác. Khi Tống Khuyết tham gia vào cuộc chiến tranh giành thiên hạ thì Từ Hàng Tĩnh Trai sẽ không ngồi nhìn để cho thiên hạ bị chia năm xẻ bảy. Chỉ là ngay cả Thạch Chi Hiên cũng không đoán được Phạm Thanh Huệ lại có chiêu này, mời Ninh Đạo Kỳ khiêu chiến Tống Khuyết.

Gã rốt cuộc cũng hiểu vì sao Phạm Thanh Huệ thường lộ ra thần sắc bi thương, bởi vì bà vẫn còn dư tình với Tống Khuyết, chiêu này thật không phải là ý nguyện của bà, chỉ là một nước cờ hiểm vạn bất đắc dĩ mà thôi. Hai bên đều bị thương là kết quả tốt nhất, nếu hai bên đều chết hoặc có một bên thương vong thì Phạm Thanh Huệ sẽ vĩnh viễn không thấy được thiên đạo.

Mục quang Phạm Thanh Huệ lại hướng về cảnh tuyết bên ngoài cửa sổ, buồn bã nói:

- Tống Khuyết và Đạo huynh định ra ước hẹn chín đao, nếu y không địch nổi Đạo huynh sẽ rút lui khỏi cuộc chiến giữa Lý Thế Dân và Khấu Trọng. Thế nhưng y không hề đánh ra đao thứ chín, vẫn y lời rút lui. Ôi! Trong tình huống như vậy Tống Khuyết huynh vẫn nghĩ cho Thanh Huệ, kêu ta làm sao không ghi khắc trong lòng chứ.

Nếu như Khấu Trọng ở đây thì sẽ biết Phạm Thanh Huệ tuy không chính mắt nhìn thấy nhưng lại tâm ý tương thông, hoàn toàn hiểu được tâm ý của Tống Khuyết. Thực ra khi Ninh Đạo Kỳ bỏ qua cơ hội cùng chết với địch, rơi vào thế hạ phong, tình huống xấu đến cực điểm.

Từ Tử Lăng nghe mà không hiểu gì nhưng đã bị sự bi thương của bà làm cho chấn động, không dám hỏi xen vào. Loại tình cảm thân thiết giữa nam và nữ này xuất hiện trên người một vị cao nhân xuất thế lại càng khiến cho người ta cảm thấy bất ngờ.

Phạm Thanh Huệ nhìn về phía gã, hai tay chắp lại:

- Tội lỗi! Tội lỗi! Vật vật giai chân hiện, đầu đầu tổng bất thương; bổn chân bổn không, vô phi diệu thể. (2)

Từ Tử Lăng vẫn trơ mắt mà nhìn không biết nói gì mới tốt.

Phạm Thanh Huệ hồi phục thần thái điềm tĩnh như không, mỉm cười nói:

- Tử Lăng có đến thiền viện tìm Phi Huyên không?

Từ Tử Lăng cảm thấy có chút khó mở miệng đành nói:

- Ta biết Trai chủ không muốn bị cuốn vào những phiền não của trần thế, thế nhưng có một chuyện ta không thể không cầu Trai chủ.

Phạm Thanh Huệ điềm đạm nói:

- Tử Lăng không cần lo lắng cho ta, phải chăng muốn ta đi thuyết phục Tống Khuyết?

Từ Tử Lăng ngẩn ra:

- Pháp nhãn của Trai chủ thật không sai chút nào.

Phạm Thanh Huệ bình tĩnh nói:

- Không gặp, không gặp rồi cũng phải gặp. Có nhân ắt có quả, khi Tử Lăng thuyết phục Khấu Trọng hoàn thành đại công đức này chính là lúc ta đi Lĩnh Nam gặp lại bạn cũ. Tử Lăng đi đi! Hạnh phúc hòa bình của bá tánh thiên hạ đều nằm trên tay ngươi đó.

-----

Chú thích:

(1) Khai Hoàng chi trì: là thời kỳ thịnh thế được Tùy Văn Đế Dương Kiên khai sáng trong hai mươi mấy năm trị vì.

(2) Nguyên là một câu kệ giải thích thiền pháp của Văn Yển thiền sư, sư tổ của Vân Môn Tông thuộc Thiền tông. Vân Môn Tông nổi tiếng nhất là Vân Môn tam cú (ba câu nói của Vân Môn), câu “Vật vật giai chân hiện, đầu đầu tổng bất thương…” nằm trong phần “Hàm cái càn khôn”. Tạm dịch ý là : Vạn vật trong thế gian duy chỉ có “chân như” là hiển hiện, vì vậy mọi vật đều có pháp tính bình đẳng, chúng sinh đều có phật tính, sông núi trời đất đều không có sai biệt, là “chân” cũng là “không” đều là diệu thể.

Nguồn :

(Hết hồi 708)


/800

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status