Đại Mạc Thương Lang

Q.1 - Chương 47 - Tận Cùng Nhà Kho

/115


Tấm biển viết chữ gì chúng tôi cũng không rõ, có lẽ là một biểu ngữ đại loại kiểu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, vả lại lúc đó chúng tôi cũng không mấy chú ý đến nó. Tôi giật mình khi thấy đây đã là điểm tận cùng của nhà kho, xem ra nó không rộng như tôi tưởng tượng.

Điều quan trọng là nếu đây đã đã là điểm cuối của nhà kho thì hội anh Miêu đi đâu? Xung quanh không hề có đường đi tiếp. Diện tích của nhà kho này không rộng đến mức khiến người ta phải tốn tới cả chục tiếng đồng hồ đi khảo sát mà không quay trở lại.

Bức tường si măng rất dày, trên tường không treo bất cứ vật gì, chúng tôi đi men theo đường, cứ thế đi tới điểm cuối, nhưng vẫn không phát hiện thêm điều gì, cũng không có dấu vết nào của họ, mấy người đó dường như đã bốc hơi trong không khí vậy.

Mã Tại Hải cảm thấy ngờ vực, còn Vương Tứ Xuyên không tin chuyện ma quỷ, cậu ta quay lại tìm một lượt nữa, vừa tìm cậu ta lẩm bẩm: “Không thể thế được, người còn sống sờ sờ, có làm ảo thuật cũng không thể biến mất mãi mãi như vậy.”

Tôi biết ở đây chắc chắn còn ẩn chứa nhiều điều uẩn khúc, ngay lúc đó tôi nhìn thấy lớp bạt phủ cộm lên, như đang che giấu thứ gì bên dưới, tôi nghĩ bụng: lẽ nào dưới lớp vải bạt lại là một lối ra khác?

Nghĩ vậy, tôi liền quay lại chỗ đó, chú ý quan sát xung quanh xem có dấu vết gì không, quả nhiên phát hiện toàn bộ tấm lưới nẹp trên tường đều bị bóc ra hết, đinh cũng bị rút đi, rõ ràng trước đó có người đã tìm thấy nơi này. Chúng tôi vén tấm bạt dần lên, bỗng Mã Tại Hải kêu lên một tiếng, trên nền bê tông phía dưới một trong những tấm bạt phủ có cánh cửa sắt, cánh cửa này khá giống với cánh cửa trước đây chúng tôi đã phát hiện dưới hang động, có điều nó nhỏ hơn, không có dấu vết bị hàn lại, bên trên có một tấm biển hình thù quái dị đã bạt màu.

Vương Tứ Xuyên định mở cửa nhưng Mã Tại Hải vội vàng ngăn lại, cậu ta bảo: “Hai đồng chí cứ để tôi làm, ở đây có kí hiệu điện cao thế nguy hiểm. Chắc đằng sau có lớp dây cáp điện, đường dây điện ở đây có lẽ đều được chạy ở dưới này”. Nói xong cậu ta bảo chúng tôi lùi ra sau, rồi lấy vải bọc vào tay, sau đó cố hết sức lật cách cửa sắt lên.

Cánh cửa phải dày cỡ nửa mét, cậu ta kéo được một nửa thì đuối sức, hai chúng tôi phải vào giúp một tay, cánh cửa sắt mới không bị rơi xuống, lật ngược một nửa là đủ rồi. Chúng tôi chiếu đèn xuống dưới, thấy Mã Tại Hải đoán rất đúng, bên dưới toàn những sợi cáp điện to như miệng bát, nhiệt độ dưới đó cũng rất lạnh, dây điện bị lớp băng phủ kín bên ngoài, chúng tôi nhìn thấy băng đọng trên chiếc thang dây bằng sắt đã bị ai đó đập vỡ một bên.

Mã Tại Hải nói: “Đúng là họ đã xuống đây!”

Tôi hỏi cậu ta: “Liệu nơi này thông đến đâu?”

Cậu ta bảo: “Tất cả mọi nơi, hố dây cáp là nơi dùng để rải đặt dây cáp, nó ăn thông với tất cả những nơi cần dùng đến điện, việc này cũng tiện cho quá trình kiểm tra, tu sửa. Chúng thường xuất hiện trong các công trình công sự cố định, với những công trình tạm thời thì người ta chỉ bố trí nó trên tường, chỉ cần một quả lựu đạn là có thể cắt đứt hết cả. Nhưng ở đây không như thế, cái hào dẫn dây cáp này được làm rất bí mật, lúc xây con đập, bọn giặc chắc đã tính tới việc sẽ sử dụng chỗ này từ hai chục năm trở lên.”

Tôi gật đầu, không ngờ bọn Nhật này còn tinh quái hơn người Liên Xô rất nhiều, nếu không có hai vụ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, thì ít nhất họ cũng chiến đấu thêm được mười năm nữa.

Có lẽ hội anh Miêu đi xuống dưới này thật rồi. Vương Tứ Xuyên gọi thử mấy tiếng nhưng chỉ nghe thấy tiếng vọng của chính mình. Tôi chợt hiểu ra vấn đề: “Hay họ bị lạc dưới hệ thống đường hầm dây điện chằng chịt này?”

Nhưng Mã Tại Hải không đồng tình, bởi kết cấu nơi đây không hề phức tạp, hơn nữa các biển kí hiệu chú thích khá rõ. Vương Tứ Xuyên trèo xuống, bảo đi xem thử sẽ biết.

Chúng tôi lần lượt leo xuống, để tránh bị lạc đường, chúng tôi dùng loại búa chuyên dụng đào thủng một mảng băng trên tường làm dấu mốc, sau đó mò mẫm đi về một hướng. Đường ở đây thực sự khó đi, tuy không bị va đầu vào vật khác nhưng dưới chân toàn là dây điện trơn tuột. Một điều tệ hại nữa là nhiệt độ dưới này lạnh kinh khủng, lại cộng thêm từng đợt gió lạnh thổi thốc tới.

Rõ ràng nơi đây thông với hầm băng, không những vậy còn có quạt thông gió đẩy luồng khí lạnh tới khu vực này.

Tôi kéo chặt vạt áo khoác, người run lập cập, luồng gió như những mũi kim cứ thế châm vào người tôi qua khe hở cổ áo. Vương Tứ Xuyên quay sang hỏi: “Rốt cuộc cái hầm băng kia có tác dụng gì? Kiểu gió thổi này sao giống loại gió thổi ra từ máy phát thế?”. Mã Tại Hải bảo cậu ta chỉ đoán có khả năng như thế mà thôi vì cậu ta chỉ là anh lính quèn, mà những kiến thức này chỉ lính kĩ thuật mới hiểu được, còn cậu ta chỉ biết mỗi uốn và đúc mà thôi.

Vương Tứ Xuyên lẩm bẩm: “Có cái chết tiệt gì ở đây mà người ta lại phải dùng máy làm lạnh thế này?”. Đúng lúc đó, tôi bỗng nghe thấy “rầm” một tiếng, hình như cánh cửa sắt đã bị đóng lại. Tôi liếc nhìn Vương Tứ Xuyên, nghĩ thầm “thôi chết rồi”, hai người vội vàng quay lại, nhanh như cắt lao về phía sau, phát hiện đúng là cánh cửa sắt đã bị đóng sập. Vương Tứ Xuyên cố sức hích mấy cú, nhưng cánh cửa vững chãi không hề lay chuyển, cậu ta nhìn tôi, gương mặt vừa kinh hoàng vừa tức giận, bắt đầu văng tục.

Tôi sững người trong giây lát, sau đó hiểu ra vấn đề - bên ngoài có người đã đóng cửa lại và còn cài chốt nữa.

Nội gián! Đúng là có quân nội gián của địch ở nơi này, chúng tôi đang bị ám hại.

Đột nhiên tôi muốn tát vào mặt mình một cái, mẹ khiếp, sơ suất thế mà không biết, vậy mà lúc nãy không nghĩ ra tại sao cánh cửa sắt này lại được phủ vải bạt lên, rõ ràng có người không muốn chúng tôi phát hiện ra nó.

Trong đời ai cũng có những giây phút hồ đồ, lâu nay tôi cứ tưởng mình thông minh lắm, nhưng hôm đó không hiểu tại sao ngớ ngẩn vậy, có thể lúc tôi nhìn thấy cánh cửa sắt thì Mã Tại Hải đã lật tấm vải bạt bên ngoài ra rồi, nên tôi không để ý đến vấn đề đó, cũng có lẽ do trong đầu đang bận nghĩ nhiều việc quá.

Mã Tại Hải đuổi theo sau, Vương Tứ Xuyên cầm súng định bắn vào cánh cửa, tôi và Mã Tại Hải lập tức giằng khẩu súng lại. Cánh cổng này dày tới nửa mét, có lẽ ngang ngửa với cánh cửa sắt chúng tôi gặp dưới hang động, mà bên trong chứa toàn vật liệu chống cháy nổ, đừng nói bắn súng, đến ném lựu đạn không khéo cũng chẳng có tác dụng. Hơn nữa bên ngoài cánh cửa được bọc sắt, có khi viên đạn lại bật ngược trở lại, trong một cự li hẹp thế này chưa biết chừng chính chúng tôi sẽ bị dính đạn cũng nên.

Cố hết sức đẩy hai cái, lại gọi thêm mấy tiếng, chúng tôi liền đoán ra được hội anh Miêu đã gặp phải chuyện gì. Chắc anh ấy cũng bị người ta đánh lén, nơi này có khả năng phòng cháy nổ rất tốt thì khả năng cách âm cũng tuyệt vời, chúng tôi đứng đây có gọi khản cổ thì chắc cũng chẳng ai nghe thấy được.

Vương Tứ Xuyên không tin, cậu ta tự trèo lên trên cái thang sắt, dùng vai huých sang hai bên, đến nỗi suýt nữa thì bị trẹo sống lưng. Nhưng cái nắp cổng sắt này rất nặng nên cú hích của Vương Tứ Xuyên không để lại dấu vết gì trên thanh chốt.

Vương Tứ Xuyên lại trèo xuống, lầm bầm chửi một hồi bằng tiếng Mông Cổ. Một trận gió lạnh thổi tới khiến tôi rét run cầm cập. Tình hình lúc này rất cấp bách, chúng tôi phải mau chóng tìm thấy lối ra, nếu không chắc sẽ chết cóng ở nơi này mất. Lòng tôi nóng như kiến bò chảo lửa, nhóm anh Miêu bị lạc cũng đã mươi tiếng đồng hồ rồi, không biết họ đã tìm được đường ra chưa?

Lại một trận gió nữa thổi tới, mạnh tới mức khiến tôi lạnh muốn đứt hơi, mũi tôi như bị đóng băng. Ba người chúng tôi hiểu ngay lúc này không còn sự lựa chọn nào khác, liền vội vàng đi ngược về hướng gió thổi, Vương Tứ Xuyên bắt đầu cất giọng gọi anh Miêu và anh Đường.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi không biết nên dung từ nào đặt tên cho địa điểm nơi chúng tôi lâm nạn lúc đó, có lẽ gọi nó là đường hầm cáp điện. Các bạn có thể thấy bây giờ ở thành phố có rất nhiều đường hầm như vậy, mặt đường thường ung úng nước, người ta cho chạy dây cáp quang ở dưới đó, mỗi điểm nút chia dòng cáp có một cái cống sâu, trên miệng cống có nắp đập. Chúng tôi đã trèo xuống một miệng cống như thế, rồi sau đó đi vào sâu bên trong đường hầm.

Ban đầu, đường chúng tôi đi chưa có điểm nút phân chia dây cáp điện, nên hành trình diễn ra khá thuận lợi, chúng tôi cứ việc tiến thẳng. Có điều, ba người tôi cứ đắn đo mãi chẳng biết có nên đi theo hướng ngược chiều gió hay không, bởi nếu đi theo hướng đó thì rất có thể sẽ đến được hầm băng nhưng chắc chắn chúng tôi không thể chịu nổi hành trình đó, nhiệt độ ở đây còn dễ chịu chán so với nhiệt độ ở hầm băng. Càng đến gần hố băng, thì nhiệt độ sẽ càng xuống thấp và lực gió sẽ càng mạnh, kiểu gì chúng tôi cũng xảy ra chuyện. Chỉ cần là người, thì không một ai ngu ngốc chọn con đường này.

Bản năng tự nhiên của con người là khi gặp lạnh sẽ tìm cách tăng nhiệt độ cơ thể để đề kháng. Đến bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy lúc đó sức khỏe mọi người thật phi thường. Ngay cả người có thể trạng yếu ớt như tôi, mà vẫn kiên trì vượt qua được hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt đó.

Đi trong đường hầm lạnh lẽo đó chừng nửa tiếng thì chúng tôi gặp điểm nút chia dòng cáp đầu tiên. Vương Tứ Xuyên trèo lên trên đẩy thử tấm chắn bằng sắt phủ trên miệng cống, tất cả nắp cống đều vững chắc và được khóa cẩn thận.

Mã Tại Hải đoán: “Trong thời gian chiến tranh, người ta sợ nơi này bị địch lợi dụng, nên quy định tất cả các nắp cống đêu phải khóa lại.”

Vương Tứ Xuyên chửi: “Khóa hết thế này thì toi ông à?”

Tôi vỗ vai cậu ta an ủi: “Yên tâm đi! Trời không tuyệt đường người đâu mà sợ!”

Nói thì nói vậy, nhưng lòng tôi không thấy yên tâm chút nào. Chúng tôi tìm một hướng, đập vỡ mấy tấm biển hiệu làm mốc, rồi đi tiếp. Tôi thầm cầu khẩn ông trời phù hộ độ trì, biết đâu hồi ấy có thằng lính Nhật nào lơ đễnh quên không khóa nắp cống.

Sự thật diễn ra thì chỉ có vậy nhưng kể lại hóa dài dòng, đường hầm dẫn cáp này thực ra không hề phức tạp, nó chỉ rất dài, xem ra toàn bộ hệ thống dây điện ở đập nước đều dẫn hết về nơi này. Mỗi lần tìm được một miệng cống, chúng tôi phải tốn ít nhất ba mươi phút. Đi được khoảng ba tiếng mà chúng tôi chỉ tìm được bốn nắp cống sắt, cái nào cũng được khóa rất kiên cố. Đường đi trước mặt chúng tôi là khoảng không gian tối đen như mực, tôi không biết nó sẽ thông tới nơi nào.

Lông mày tôi đông cứng thành một dải, trên đầu dính đầy vụn băng, chân tay tê cứng, cái lạnh thực tế kinh khủng hơn nhiều so với những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó. Đây không phải chuyện đùa, nếu phải ở nơi này chừng mươi tiếng đồng hồ thì có lẽ thân nhiệt của chúng tôi sẽ bị hạ hết. Cây gậy sắt Vương Tứ Xuyên cầm dính bết vào tay, mỗi lần đổi tay cậu ta lại bóc ra cả một lớp băng.

Hội anh Miêu chắc cũng gặp cảnh ngộ giống chúng tôi, hi vọng họ mau chóng tìm được đường ra, chứ nếu cứ thế này thì e rằng lành ít dữ nhiều.

Không tìm được cách nào khả dĩ để cải thiện được tình hình trước mắt, một bên là bức tường xi măng dày cộp, khiến nó sứt ra một miếng còn khó huống hồ là đòi chọc thủng, chúng tôi đành phải tiếp tục cuộc hành trình.

Đi tiếp vài tiếng nữa, cuối cùng cũng xuất hiện sự thay đổi, tôi thấy trên bức tường dày có mấy lỗ hình tròn, cao đến ngang người, không có dây điện chạy qua.

“Cửa thông gió!”, Mã Tại Hải reo lên. Chúng tôi ngó vào đó, quả nhiên thấy ánh sáng lóe lên ở đằng xa.


/115

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status