Còn về xe bắn đá, Khánh Kỵ cũng cho thợ làm một số, nhưng xe bắn đá thời đó một xe cần một hai trăm người thao tác, rất là phức tạp, tốc độ bắn đá lại chậm, Khánh Kỵ nhớ lại từng thấy xe bắn đá của Roma trên phim thao tác đơn giản, một bên đựng đá tảng to, dùng sức nặng đè ném một đầu thanh gỗ dài bắn ra xa, thao tác loại xe bắn đá này không cần quá mười mấy người, bèn kêu các thợ lại nói ra ý tưởng bảo họ cứ thế mà chế tạo.
Sau khi làm thử vài chiếc xe bắn đá, thực tế dùng thử phát hiện tuy tầm bắn xa hơn, sức sát thương tuy mạnh hơn xe bắn đá truyền thống, nhưng tốc độ bắn khá chậm, muốn đạt đến sức mạnh kinh hãi như trong phim ảnh, ít nhất cũng phải làm hơn trăm chiếc xe bắn đá như vậy bắn cùng lúc mới có hiệu quả đó. Mà làm ra vài trăm chiếc xe, dùng vài ngàn người đi thao tác, cần bao nhiêu thời gian đi chế tạo và sử dụng? Hơn nữa hiệu quả công thành cuối cùng cũng phải cần đến binh sĩ tiến lên đánh, do đó trong trận chiến rất ít dùng đến xe bắn đá, hiệu quả đe dọa của nó lớn hơn tác dụng sát thương nhiều lần.
Hồi đó các thành trì hùng vĩ lại hiểm trở vốn đã ít, phần lớn thành trì không được xây bằng gạch đá, dù là độ kiên cố hay qui mô hiểm trở đều không cao, phải phí sức chế tạo vài trăm xe bắn đá chi bằng tấn công nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giáp lá cà với quân địch. Nghĩ vậy Khánh Kỵ tạm thời giấu phát minh đó lại, bắt các binh lính mỗi ngày dùng đống gỗ chất cao như núi học chế tạo lắp ráp các công cụ công thành khác. Đánh trận nơi xa không thể mang theo dụng cụ cồng kềnh được, chỉ có thể đến nơi mới chặt cây chế tạo, chất lượng và độ quen thuộc của binh lính trong chế tạo công cụ công thành, có vai trò to lớn quyết định việc thành bại của trận chiến.
Về trang bị vũ khí cho binh sĩ, Khánh Kỵ từng nghĩ tới liên lạc Nhâm thị nước Ngô đã lâu không có tin tức gì, thu mua một số lượng binh khí tốt, dù sao hắn cũng đã sắp phát động cuộc chiến phục quốc lần hai. Luyện thành thạo mâu, thuẫn(mâu là giáo để đâm, thuẫn là khiên đỡ) của Ngô, trở thành một chiến sĩ ưu việt. Hơn nữa muốn chỉ huy tất cả binh sĩ phối hợp tác chiến cho tốt, số binh lính hắn chiêu dụ này không làm được trong thời gian ngắn, mà hắn cũng không có tướng tài để chỉ huy thống lĩnh họ. Muốn xây dựng một đội quân phối hợp chiến đấu nhuần nhuyễn, đối với hắn mà nói vừa không đủ thời gian vừa không đủ tiền dùng trang trải chi phí, có khiếm khuyết thì phải xem làm thế nào phát huy sở trường của mình thôi, Khánh Kỵ nghĩ ngay đến người Sở.
Người Sở có nỏ tốt, nỏ nước Sở là thứ vũ khí họ tự hào nhất. Nói đến nỏ, nó có nguồn gốc từ cung tên, lúc này đã có nỏ rồi, chỉ là mới đầu nỏ được dùng để săn bắn. Dùng nỏ trong chiến đấu, bắt nguồn từ Cầm thị nước Sở, Cầm thị đã cải tạo chiếc nỏ biến nó thành vũ khí sát thương cao thích hợp dùng trên chiến trường, vừa được phát minh ra đã trở thành binh khí quan trọng trang bị cho quân đội nước Sở.
Lúc Khánh Kỵ dẫn quân chiến đấu ở Sở, quân đội của hắn cũng đã nếm mùi đau khổ của chiếc nỏ này. Nỏ của Sở có các cách bắn "Tí trương", "Quyết trương", "Yêu trương" (thế bắn tựa nỏ vào cánh tay, tựa vào chân, tựa vào eo), trong đó thế bắn tựa chân là mạnh mẽ nhất, mũi tên bắn ra lao vút như mưa, trong vòng trăm bước xuyên thấu giáp trụ, đó là sức sát thương đáng sợ lắm rồi, tính ra tầm bắn đến bốn trăm mét, Khánh Kỵ là người từng trải đã hiểu được hiệu quả sát thương kinh hoàng của chiếc nỏ khi dùng hàng loạt trên chiến trường.
Nguyên nhân quan trọng nhất hắn thích chiếc nỏ là không những tầm bắn xa, sức sát thương mạnh, mà không cần mất nhiều thời gian tập luyện, chỉ cần ít kỉ xảo là thao tác được, cho dù là lính mới cũng trở thành cao thủ bắn nỏ trong thời gian ngắn. Một tên nông dân vừa vứt bỏ chiếc cuốc cầm nỏ lên, có khả năng bắn chết một võ sĩ mặc giáp khổ luyện võ nghệ cả đời, với người được ca tụng thiện chiến địch cả vạn người như hắn, nếu bị nỏ bắn một phát ngay mặt kết quả chắc cũng là lăn ra chết tươi, đó chính là nỗi nhục người dũng sĩ đứng trước khí tài quân sự.
Do vậy Khánh Kỵ sai người mang nhiều vàng đến nước Sở, hy vọng mua được một lượng nỏ lớn từ Cầm thị. Mấy tên thân tín đã nhận được mệnh lệnh, nếu phía Sở vì muốn giữ bí mật vũ khí không chịu bán, thì đi liên hệ hai vị công tử Yểm Dư, Chúc Dong, thông qua cách khác lấy bằng được nỏ Sở về, nếu không được nữa thì giết chết một tên lính Sở cướp lấy nỏ, hoặc bắt giữ một tên thợ biết làm nỏ đưa về.
Nếu đã dùng nỏ, tầm bắn hiệu quả và mật độ bắn dày đặc áp chế quân địch là yếu tố quan trọng. Do đó, Khánh Kỵ không tiếc tiền của chuẩn bị số lượng lớn gỗ cứng, tre nứa, sơn dầu, đồng xanh, sừng trâu, gân trâu, các thứ dùng để làm nỏ, thề sẽ trang bị nỏ cho mỗi quân sĩ một chiếc. Gỗ cứng và tre nứa đều phải chọn lựa kĩ càng, phơi khô đợi một năm sau dùng đến, sừng trâu có độ dài vừa phải, độ khoảng nửa mét, gân trâu thì lấy gân lưng, cũng phải thổi cho khô trước, rồi bọc lại bằng vải ướt dày dùng búa gỗ giã nó, sau cùng xé ra thành từng sợi ngâm vào nước chờ dùng đến.
Kế đến là "Phiêu", đây là chất keo nấu ra từ cá, mấy chủ sản xuất muối bên biển Đông có xưởng tinh luyện loại keo này, đưa tin đi chỉ vài ngày là có một thuyền keo được đưa đến, keo này phơi khô xong cắt ra từng khúc cất trong rương, khi dùng pha nước là được.
Chuẩn bị những thứ này trước, một khi lấy được mẫu thì bắt tay vào làm ra nhiều chiếc nỏ phù hợp được rồi, số nguyên liệu này đều của Thành Bích phu nhân mua đến, Thành Bích phu nhân quả là thần thông quảng đại, số vật liệu đủ làm ra năm ngàn chiếc nỏ, thế mà có cách nhanh chóng thu gom đủ. Chỉ là số tiền thu mua nguyên liệu tính lên đầu Khánh Kỵ, hắn phải lấy thu nhập từ kinh doanh muối giữa hai nước Vệ, Lỗ ra mà trả.
Thành Bích phu nhân thân mật với hắn nhưng nói đến chuyện làm ăn thì một là một, hai là hai, tuyệt đối không nhượng bộ nửa bước. Khánh Kỵ biết Thành Bích phu nhân làm vậy không phải tiếc tiền, với gia đình giàu sụ như thế, chút tiền cỏn con ấy Thánh Bích phu nhân chẳng thèm để mắt.
Nàng ta làm vậy, có lẽ vì quan hệ giữa nàng và Khánh Kỵ. Nàng không muốn mối quan hệ ấy bị lợi ích vật chất xen vào, hơn nữa sau khi nàng bị Quý Tôn Tiểu Man chỉ trích mỉa mai, trong tiềm thức nàng không muốn lợi dụng gia sản Quý gia giúp đỡ cho Khánh Kỵ nữa. Khánh Kỵ hiểu đó là tác dụng tâm lí thôi, với lại Thành Bích phu nhân cho hắn lấy thu nhập buôn muối hai năm tới để chi trả, thực tế đã là giả đò giúp đỡ hắn rồi. Ân tình mỹ nhân ban phát, nên hắn cũng không đưa ra yêu cầu gì quá đáng.
Từ sau cái đêm Quý Tôn Tiểu Man bỏ đi, Thành Bích phu nhân càng phụ thuộc vào hắn, tình cảm hai người như keo dính chặt nhau, Thành Bích phu nhân dường như biết hắn sớm muộn cũng rời xa mình, với lại không tin hắn sau khi phục quốc sẽ đưa một cô gái sắp qua thời xuân sắc như mình đến Ngô lập làm phu nhân, nên nàng ta khao khát đòi hỏi, muốn nắm giữ từng ngày bên cạnh Khánh Kỵ, dùng thời gian mấy tháng ngắn ngủi, tận hưởng tình yêu theo đuổi cả một đời.
Mọi chuyện ở Phi Hồ cốc tiến triển thuận lợi, tất cả đều do Thành Bích phu nhân ra sức giúp đỡ, cũng chính vì được Thành Bích phu nhân tận lực giúp sức như vậy, mọi chuyện ở đây mới thuận lợi như thế, Khánh Kỵ mới yên tâm đi nước Vệ, Thành Bích thông minh lanh lợi, mỗi khi nghĩ đến nhân quả chắc cũng dày xéo trong tim lắm đây.
Ngày chia tay lên đường cuối cùng cũng đến.
Gió thu nổi lên, Khánh Kỵ thấy việc chiêu binh Phi Hồ thành tiến hành tốt đẹp, mà đối với Ngải thành nước Vệ, hắn chỉ còn lưu giữ thân phận Khánh Kỵ, đã lâu lắm rồi không về đó, hắn ngày càng mong nhớ tòa thành ấy, cuối cùng cũng đã đưa ra yêu cầu quay về nước Vệ với Thành Bích phu nhân. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
Hôm nay là ngày cuối cùng hắn xem qua Phi Hồ thành trước lúc lên đường. Khánh Kỵ đứng trên đài chỉ huy, theo sau là võ sĩ nước Tề được hắn cứu Trần Trưởng Khanh. Thương tích của Tôn Vũ đã khá hơn nhiều, giờ tuy vẫn chống gậy nhưng đi lại đã không sao. Những ngày này Khánh Kỵ hay qua lại với hắn tại nhà Quý thị, vì biết hắn từng làm tướng lĩnh dẫn quân ở nước Tề, hai người nói chuyện hay đề cập đạo binh pháp, Tôn Vũ tuy không nói gì nhiều, cứ cố gắng giữ im lặng, nhưng về chuyện hành quân đánh trận, cứ lên tiếng là có ý kiến độc đáo, Khánh Kỵ càng sinh lòng muốn chiêu dụ.
Tôn Vũ đang bắt tay vào viết một cuốn binh thư, chỉ là còn rất nhiều lí luận còn phải chỉnh lí, suy nghĩ trong lòng còn chưa tìm được câu cú diễn đạt sao cho phù hợp. "Tôn tử binh pháp" dùng từ ngữ viết văn, người xưa lúc viết văn không những ngữ pháp tinh tế, từ ngữ cũng rất khác với cách nói thường ngày, thế nên Khánh Kỵ tuy nghe hắn nói nhiều kiến giải độc đáo về việc dụng binh, nhưng chưa một lần nghe được nguyên văn trong "Tôn tử binh pháp", thật không dám tin người trước mặt đây chính là "Binh thánh".
Con đường nhỏ hẻm núi bên phải, vừa có một nhóm lính chân cột bao cát chạy xuống, nằm lê lết khắp mặt đất. Khoảng đất trống bên phải có hai trăm tên lính đang tập bắn nỏ, lúc này chưa được trang bị tên, họ chỉ đang tập đội hình bắn nỏ thôi, dưới hiệu lệnh của đội trưởng, binh lính chia ra đứng thành ba hàng, hàng đầu tiên bắn, hàng thứ hai đặt tên, hàng thứ ba kéo cung, khi hàng đầu tiên bắn xong lui xuống thành hàng thứ ba, hàng thứ hai tiến lên thành hàng thứ nhất, hàng thứ ba thành hàng thứ hai, cứ thế hoán đổi liên tục.
Số binh lính tập bắn nỏ này mới tuyển vào chưa lâu, lúc chiêu mộ thấy họ vung gươm múa gậy nhìn oai lắm, lúc này trên tay chúng cầm thanh gỗ thay cho chiếc nỏ, thay đổi vị trí liên tục theo đội hình thì rối cả lên, không người này đụng vai người kia, thì là dẫm đạp lên nhau, làm nhốn nháo cả đội hình, may mà đội trưởng được huấn luyện qua như vậy rồi, biết khi mới bắt đầu sẽ như thế nên cũng không bực bội, tiếp tục lớn tiếng giải thích cho họ hiểu trình tự di chuyển đội hình.
Khánh Kỵ mỉm cười hướng về phía ấy, quay lại hỏi Trần Trưởng Khanh đứng sau lưng:
- Trưởng Khanh huynh, huynh thấy cách luyện binh của ta thế nào?
/374
|