Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 35: Muôn dặm đường

/64


Phần 3: Trở về Sakya

\

“Học giả dẫu bị gài bẫy,

Cũng không dễ dàng mắc mưu;

Kiến nhỏ dù không có mắt,

Nhưng bò nhanh hơn loài khác.”

(Cách ngôn Sakya)

35.1

Năm 1264 – tức năm Giáp Tý, Âm Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Cảnh Định thứ năm, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ nhất, Mông Cổ.

Bát Tư Ba ba mươi tuổi, Kháp Na hai mươi sáu tuổi.

Sau hành trình hai tháng vất vả trên vùng đồng bằng Hoa Bắc, chúng tôi đến Lan Châu, rồi tới Tây Ninh. Hai thành phố quan trọng này là nơi tập trung đông đảo các dân tộc ở biên giới phía tây. Trên những con phố chật hẹp, dòng người qua lại tấp nập với đủ loại trang phục có màu sắc khác nhau, họ trao đổi với nhau bằng rất nhiều thứ ngôn ngữ, quả thực vô cùng phức tạp. Cả Bát Tư Ba và Kháp Na đều tinh thông tiếng Mông Cổ, tiếng Tạng và tiếng Hán, nhưng ở đây họ còn nói tiếng Khương, tiếng Uyghur và các thứ tiếng địa phương khác. Thậm chí, trong cùng một ngữ hệ, khẩu âm của từng vùng cũng rất khác nhau, thế nên, thường xuyên xảy ra cảnh tượng ông nói gà, bà nói vịt.

Đúng lúc Bát Tư Ba đang đau đầu vì sự hỗn tạp của các loại ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp với cư dân địa phương thì Senge xuất hiện.

Khi đoàn chúng tôi dừng lại ở Tây Ninh để nghỉ ngơi, dưỡng sức thì một thanh niên người Tạng tên Senge tìm đến, nói rằng muốn theo hầu Bát Tư Ba. Vào thời thịnh trị của vương triều Tufan, tổ tiên của Senge được tán phổ phái đi trấn giữ vùng biên cương Thanh Hải, nhưng sau đó, vì đức vua không ban bố lệnh rút quân nên họ tộc của Senge đã cư trú đời đời trên mảnh đất này. Senge là người giỏi ngoại ngữ thiên bẩm, có thể nói lưu loát tiếng Hán, tiếng Tạng, tiếng Mông Cổ và tiếng Uyghur.

Bát Tư Ba để Senge làm thông dịch cho mình,, thường xuyên đề nghị cậu ấy thông báo về tình hình đời sống của người Tạng trên dải đất Thanh Hải. Senge là người năng đi, năng biết, kiến thức phong phú, lại thông mình, lanh lợi nên rất được Bát Tư Ba tín nhiệm.

Khoảng cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám, Senge đưa anh em Bát Tư Ba đến thăm hồ Thanh Hải. Nước biết dạt dào làm nổi bật vẻ đẹp của dãy núi Côn Luân uốn lượn, xanh ngút ngát phía xa xa. Cỏ hoa rì rào lay động trong làn gió nhẹ mùa hạ, cảnh tượng bát ngát, tươi đẹp ấy khiến người ta ngỡ ngàng, con tim rộn ràng hòa ca. Dùng tay vốc một vốc nước trong veo, tinh khiết, tâm hồn chừng như cũng được gột rửa, bỗng trở nên nhẹ nhõm, thanh thản lạ kỳ. Hai anh em họ lặng ngắm cảnh hồ, dãy núi tĩnh lặng phía xa, sóng nước lăn tăn, ánh hoàng hôn phủ lên bóng dáng gầy guộc của họ. Khung cảnh tuyệt đẹp ấy, bảy trăm năm sau vẫn in đậm trong trái tim tôi, mãi không phai nhòa.

Sau khi rời Tây Ninh, theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ vượt núi Côn Luân, vượt sông Trường Giang ở thượng nguồn, sau đó tiếp tục vượt đèo Tanggula để vào đất Tạng. Đây chính là tuyến đường Thanh – Tạng. Tuyến đường này tuy khá cao so với mực nước biển nhưng đường đi không quá gập ghềnh, khó chịu. Năm xưa, đại sư Ban Trí Đạt đã dắt díu hai chú nhóc, vượt chặng đường này để đến đất Lương Châu. Nhưng Bát Tư Ba đã chọn hướng đi khác vào đất Tạng qua Dogans[1].

Vùng Dogans, từ nam chí bắc cắt ngang dãy Côn Luân, dãy Bayan Har và dãy Tanggula, đường đi là núi đồi trập trùng, muôn phần hiểm trở, những đoạn bằng phẳng hơn thì đều là mạng lưới đầm lầy dày đặc. Tuy vậy, nếu đi theo tuyến đường này, có thể rút ngắn thời gian vào đất Tạng một tháng. Vì nóng lòng trở về Sakya, Bát Tư Ba đã không nề hà chọn tuyến đường đầy gian nan này.

Ra khỏi thung lũng Huangshui với độ cao chỉ hai nghìn mét so với mực nước biển, chúng tôi bắt đầu phải đối mặt với cung đường vô cùng gian khổ, núi cao chồng chất núi cao. Cứ qua một khe núi là nhiệt độ lại giảm mạnh, vào tháng nóng nhất của mùa hè Trung Nguyên thì ở đây vẫn phải khoác áo dày cộm, nhiều lớp. Di chuyển trên con đường gập ghềnh, trắc trở chưa đầy chục ngày mà đám binh sĩ người Mông Cổ ai nấy đều sạm nắng, những đốm tròn sẫm đỏ rõ nét trên gò má. Như thế cũng chưa ăn thua. Kể từ ngày bắt đầu phải leo núi cao, các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn, thở gấp, phản ứng độ cao không thôi giày vò những con người đã quen sống ở miền đồng bằng.

- Kháp Na, uống thuốc nào.

Kháp Na gắng gượng hé mở đôi mắt sưng tấy, mệt mỏi quay đầu lại, gương mặt nhợt nhạt, khóe miệng phồng rợp, bờ môi tím tái, nứt nẻ như ruộng đồng mùa khô hạn, máu rỉ qua từng vết nứt. Cậu ấy tức ngực, khó thở, chẳng thiết ăn uống, nếu gắng gượng nuốt được vài miếng thì ngay lập tức lại nôn sạch. Buổi tối đau đầu buốt óc, cả đêm quằn quại không sao yên giấc. Thế nên, mới có mấy ngày mà cậu ấy đã hốc hác, héo hon trông thấy. Bát Tư Ba muốn nghỉ lại vài ngày để chữa bệnh cho Kháp Na và cậu ấy có thể tĩnh dưỡng, nhưng Kháp Na không muốn vì mình mà lỡ dỡ kế hoạch, cậu ấy cắn răng chịu đựng, cố lê lết thân thể ốm yếu của mình trên từng chặng núi cao trùng điệp.

- Tiểu Lam? – Cậu ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới bằng ánh mắt yếu ớt, rất đỗi ngạc nhiên. – Em cải trang đó à? Đôi mắt và mái tóc màu xanh của em đâu?

Tôi cúi xuống nhìn lại mình, kéo một lọn tóc vào lòng bàn tay, tươi cười đắc ý:

- Cuối cùng tôi cũng đã luyện được phép thuật biến mái tóc và đôi mắt màu xanh thành màu đen giống hai người! Rồi tôi vận đồ của người ở. Trông cũng giống con trai đấy chứ?

Tôi lè lưỡi tinh nghịch với cậu ấy:

- Nhưng mà tài nghệ chưa cao nên chỉ giữ được một, hai canh giờ. Tôi sẽ tu luyện thêm.

Kháp Na tròn xoe mắt, miệng kéo thành hình chữ O:

- Nhưng sao gương mặt của em cũng khác thế? Rõ ràng là em, nhưng không giống một cô gái mà hệt như chú bé xinh xắn đến ngỡ ngàng.

Tôi phì cười, thu lại phép thuật, trở lại dung mạo quen thuộc:

- Trông tôi thế này, dù có vận đồ nam giới cũng chẳng thể giống họ. Nhưng tôi đã quan sát hai người rất lâu mới tìm ra cách che đi những đặc trưng của nữ giới đó.

Thấy tôi trở lại với hình hài cũ, Kháp Na thở phào. Tôi đỡ cậu ấy ngồi dậy, tựa lưng vào gối. Cậu ấy mỉm cười dịu dàng, nhìn tôi:

- Lúc chỉ có ta và đại ca, em không cần phải cải trang. Nhưng vận đồ nam giới, chỉnh trang dung mạo, hạ thấp âm điệu thì em có thể xuất hiện công khai với thân phận của một người hầu được đó. Vậy cũng hay.

Tôi gật đầu vui vẻ, cuối cùng tôi cũng có thể xuất hiện bên cạnh họ mà không cần phải lo lắng gì cả. Kháp Na hỏi tôi:

- Đại ca đâu rồi?

- Đang bàn chuyện với Senge trong lán. Bây giờ Lâu Cát rất tín nhiệm Senge.

Tôi đưa bát thuốc nóng hổi cho Kháp Na:

- Đây là thuốc do Senge mang tới, có tên gọi là Hồng Cảnh Thiên. Cậu ta bảo, thuốc này trị đau đầu rất tốt. Cậu mau uống đi!

Kháp Na nhăn mặt, nhấp một ngụm rồi thở dài:

- Không ngờ ta lại yếu đến vậy, ta gây cản trở cho đại ca rồi!

- Không phải chỉ mình cậu đâu, rất nhiều người bị đau đầu, khó thở, tim đập mạnh đó. Lâu Cát cũng chẳng khá hơn, chẳng qua chàng khỏe hơn cậu chút xíu. Vả lại, chàng có quá nhiều việc phải xử lý nên chẳng có thời gian bận tâm đến sức khỏe nữa.

Tôi giúp cậu ấy nằm xuống rồi ngồi bên giường, nhẹ nhàng xoa bóp huyệt thái dương cho cậu ấy.

- Cậu xa quê nhiều năm, từ lâu đã không thích nghi được với khí hậu vùng núi cao. Nơi đây khác hẳn Lương Châu, mà đường đi phía trước còn nhiều chặng gian nan. Sức khỏe cậu thế này, tôi lo lắm.

Kháp Na khẽ rùng mình, ngẩng lên, ánh mắt chiếu thẳng vào tôi. Ánh mắt mệt mỏi, vô hồn ban nãy bỗng lóe sáng, sóng mắt trong veo in bóng gương mặt ngẩn ngơ của tôi. Lúc nào tôi cũng có cảm giác ánh mắt cậu ấy nhìn tôi rất kỳ lạ, nhưng không sao lý giải nổi kỳ lạ ở điểm gì. Chúng tôi cứ lặng lẽ nhìn nhau như thế rồi cậu ấy nghiêng đầu sang bên, ho khan một chặp, khẽ đẩy cánh tay tôi đường vuốt lưng cho cậu ấy, giọng nói hờ hững:

- Ta không sao, mấy hôm nữa sẽ quen thôi. Em hãy dành nhiều thời gian cho đại ca, chăm sóc huynh ấy đi!

=========

[1] Nay là vùng đất Tạng giao giữa Thanh Hải và Tứ Xuyên.

Tôi ngán ngẩm ngồi xuống, ôm đầu vẻ bực bội:

- Hai anh em cậu làm sao thế? Sau khi rời khỏi Đại Đô, không ai thèm để ý đến tôi. Hai người cứ đùn đẩy tôi qua lại thế là thế nào?

Kháp Na giật mình, nhìn tôi dò hỏi:

- Đại ca bảo em đến chỗ ta ư?

Tôi ngồi xổm, đập tay vào đầu:

- Hai người cứ tiếp tục thế này, tôi sẽ bỏ về núi Côn Luân ngay, từ nay không làm phiền hai người nữa!

- Đừng đi, Tiểu Lam! – Kháp Na hốt hoảng tung chăn, chân trần nhảy xuống giường, ôm chầm lấy tôi, giọng nói cuống quýt, tha thiết. – Em bảo rằng sẽ theo chúng tôi suốt đời. Em đã hứa mãi mãi không rời xa ta kia mà!

Tôi cảm nhận được nỗi lo sợ khôn xiết trong giọng nói gấp gáp của cậu ấy, thấy thương vô chừng. Tôi vùi đầu vào khuôn ngực của cậu ấy, âm thầm sung sướng. Tôi đã giao hẹn với đại sư Ban Trí Đạt kia mà, chỉ cần họ còn sống, tôi sẽ đi theo họ, không bao giờ rời ra. Nhưng tôi vẫn giả bộ đáng thương, chớp chớp mắt, ngước nhìn Kháp Na:

- Cậu đừng xua đuổi tôi nữa! Tự tôi sẽ quyết định lúc nào ở bên cậu, lúc nào ở bên Lâu Cát, được không?

Kháp Na gật đầu lia lịa, siết tôi chặt hơn nữa:

- Ta nào muốn xua đuổi em, chẳng qua là...

Cậu ấy buông lửng câu nói, ánh mắt đột nhiên đượm buồn, không biết đang suy nghĩ chuyện gì rồi thở dài não nề. Tôi sợ cậu ấy để chân trần lâu sẽ cảm lạnh, bèn giật giật tay áo, nhắc nhở cậu ấy nằm xuống giường. Lúc này cậu ấy mới chợt nhớ ra mình đang ôm riết lấy tôi, lập tức buông tôi ra. Cậu ấy nghiêng sang bên, ho dữ dội, gương mặt đỏ rần.

Đầu tháng Chín, sau gần một tháng trèo đèo vượt núi, muôn phần vất vả, cực nhọc, cuối cùng thì những trảng cỏ rộng lớn mênh mông cũng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Hồ Zaling và hồ Eling nơi thượng nguồn sông Hoàng Hà mênh mông, bát ngát càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của đỉnh núi Anemaqen dưới nền trời xanh ngắt. Những đám mây lơ thơ, bầu bạn với lớp tuyết trắng ngàn năm tuổi trên đỉnh núi, chẳng thể phân biệt nổi đâu là mây, đâu là tuyết. Núi tuyết sừng sững, hồ nước bát ngát, những đồng cỏ trải dài bất tận, những đàn dê, đàn cừu nhẩn nha gặm cỏ, khung cảnh thơ mộng như tiên cảnh khiến những con dân của vùng đồng bằng phải thốt lên kinh ngạc.

Chúng tôi đi giữa không gian thần tiên ấy chừng mười hai ngày thì đến vùng Kapayu thuộc Dogans. Nơi đây chính là huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải ngày nay, cũng là một trạm nghỉ trên đường đi Tây Tạng. Hệ thống trạm nghỉ mà Bát Tư Ba xây dựng từ hai, ba năm trước nay đã đi vào hoạt động ổn định. Chế độ trạm nghỉ, với chức năng cung cấp lương thực, vật dụng cần thiết và nơi ăn chốn ở cho lữ khách tốt hơn nhiều so với việc đi đến đâu phải dựng lều trại đến đó. Bởi vậy, Bát Tư Ba đã hạ lệnh dừng lại nơi đây nghỉ ngơi dăm bữa để đoàn người được giải lao, hồi sức sau chặng đường mệt nhọc.

Trong thời gian đoàn chúng tôi dừng chân tại đây, một nhà sư đã đến xin được đi theo Bát Tư Ba. Người đó tên gọi Dampa, hồi nhỏ từng tới Sakya, theo đại sư Ban Trí Đạt học đạo. Trước khi đi Lương Châu, ngài Ban Trí Đạt đã cử nhà sư trẻ này tới Thiên Trúc tu học. Học xong, Dampa trở về sinh sống tại quê hương. Nghe nói Bát Tư Ba trên đường hồi hương có ghé qua Kapayu, Dampa liền đến xin gặp mặt. Cậu ta vốn là tín đồ của giáo phái Sakya, lại tinh thông Phật điển, kiến thức Phật pháp uyên thâm và chỉ hơn Bát Tư Ba bảy tuổi nên hai người trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Bát Tư Ba quyết định giữ Dampa lại.

Dampa ngỏ ý mời Bát Tư Ba tổ chức pháp hội trong thời gian đoàn chúng tôi lưu lại Kapayu. Tin tức này vừa truyền đi, người Tạng ở khắp nơi lập tức thông báo cho nhau. Ngày tổ chức pháp hội, hơn một vạn tăng nhân, tín đồ và thường dân nườm nượp đổ về nơi Bát Tư Ba đăng đàn thuyết pháp. Lúc này, Kapayu chỉ là một thị trấn nhỏ trên vùng thảo nguyên bao la, dân số chỉ là một nghìn người. Phần lớn tăng ni, Phật tử đổ về đây trong ngày pháp hội là người từ những thôn làng, thị trấn ở vùng lân cận. Một số tín đồ ở những nơi xa xôi hơn cũng vội vã lên đường, đi suốt ngày đêm không ngừng nghỉ để kịp dự pháp hội.

Để kỷ niệm sự kiện trọng đại này, về sau, địa danh Kapayu được đổi thành “Chindu”, trong tiếng Tạng có nghĩa là “vạn người tụ hội”. Nơi đây chính là khu tự trị Chindu của tộc người Tạng ở huyện Ngọc Thụ ngày nay.

Cuối tháng Chín, nhiệt độ tiếp tục giảm mạnh, những đợt tuyết nhỏ bắt đầu lả tả rơi trên thảo nguyên vùng cao giá lạnh. Bát Tư Ba chào từ biệt Chindu để lên đường đi La-ta. Lúc này, đoàn chúng tôi đã ở trên cao nguyên được hơn hai tháng, khi cả đoàn còn chưa kịp thích nghi với hiện tượng sốc độ cao thì một thử thách khác đã xuất hiện: băng giá.

Nhiệt độ càng ngày càng xuống thấp, thảo nguyên đìu hiu, cỏ cây héo úa, lạc đà và ngựa chẳng kiếm nổi thức ăn. Cuối tháng Mười, thời tiết bắt đầu bước vào kỳ đại hàn. Thường mỗi sớm tinh mơ, khi thức giấc và mở cửa lán trại, chúng tôi đã thấy lớp tuyết dày ngang bụng người tích tụ bên ngoài. Tuyết dày phủ kín đường, việc đi lại vô cùng khó khăn. Binh lính thường phải xúc tuyết, dọn đường cho cả đoàn người ngựa. Ngày lại ngày di chuyển trong mù trời tuyết trắng, trên cao nguyên mênh mông băng giá không có lấy một bóng người, cũng may trước đó chúng tôi đã tích trữ lương thực, thuốc men đầy đủ. Nhưng ngày nào cũng phải gặm thịt bò khô và những miếng bánh nướng rắn đanh, nguội ngơ nguội ngắt, quả thực là bụng dạ rất khổ sở. Nước rất khó sôi, chúng tôi phải đun rất lâu mới có được một nồi canh thịt bò nho nhỏ. Nồi canh quý hiếm ấy, Bát Tư Ba chẳng nỡ ăn, chàng dành cả cho em trai đang đau ốm.

Hành trình gian nan, khắc nghiệt là thế, cộng với căn bệnh sốc độ cao mãi không khỏi, không chống đỡ nổi, cuối cùng Kháp Na đổ bệnh. Bát Tư Ba, lòng như lửa đốt, quyết định dừng lại nghỉ ngơi nhiều ngày tại trạm nghỉ ở Xương Đô và cho người tìm thầy thuốc người Tạng khắp nơi, tìm mua cho Kháp Na những thứ thuốc quý nhất. Chỉ cần có thể chữa khỏi bệnh cho em trai, chàng không tiếc bất cứ thứ gì.

- Kháp Na, uống chút canh thịt bò nào!

Thời gian này, tôi thường xuyên hóa phép giấu đi màu mắt xanh và tóc xanh, cải trang thành người hầu đi theo Kháp Na và Bát Tư Ba. Sức khỏe của Kháp Na không tốt nên dọc đường đi, tôi luôn ở bên, chăm sóc cậu ấy. Tôi đỡ Kháp Na ngồi dậy, tựa lưng vào gối, đút cho cậu từng thìa canh thịt bò nhỏ. Nhìn gương mặt suy nhược vì đau ốm, hai má hóp lại và chiếc cằm lún phún râu của cậu ấy, tôi không khỏi xót xa:

- Cậu gầy đi trông thấy!

Cậu ấy vừa ho khan vừa uống canh thịt bò hầm đông trùng hạ thảo. Chừng như đắng miệng, cậu ấy ngậm một lúc mới gắng gượng nuốt vào bụng. Tôi lựa lời động viên:

- Dù thế nào cũng phải cố gắng ăn thật nhiều, nếu không, cậu không đủ sức để chống chọi với bệnh tật đâu.

Loài người thật yếu ớt, cuối cùng cậu ấy cũng uống hết bát canh, sắc mặt hồng hào lên đôi chút. Cậu ấy lấy hơi, nhìn tôi, hỏi:

- Có phải đại ca đã ra lệnh cho cả đoàn dừng lại không?

Tôi gật đầu:

- Chàng sai Senge đi tìm thêm Hồng Cảnh Thiên.

Kháp Na lắc đầu, xoay người, muốn rời khỏi giường:

- Chúng ta đã tới Xương Đô, chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới La-ta. Đại ca vẫn muốn đến La-ta vào dịp năm mới của người Tạng, ta không thể cản trở kế hoạch của huynh ấy.

Tôi vội kéo cậu ấy lại:

- Cậu làm gì thế?

Chỉ mới cử động đôi chút mà cậu ấy đã thở không ra hơi, nhưng vẫn cố chấp đòi ra ngoài:

- Nói với đại ca tiếp tục lên đường, đừng vì ta mà kéo dài thời gian.

Tôi vừa bực mình vừa lo lắng, giữ cậu ấy lại:

- Cậu cứ như vậy thì hồi phục sao được?

Cậu ấy quay lại nhìn tôi, đôi đồng tử đen sẫm thấm đẫm nỗi bi ai:

- Tiểu Lam à, ta vốn chẳng giỏi giang, tài cán gì, ta chỉ muốn nhân chuyến đí này, dốc sức trợ giúp đại ca. Nếu cơ thế tàn tạ này của ta trở thành vật cản huynh ấy, ta thà bỏ nó đi còn hơn!

Tôi thở dài, níu lấy tay áo cậu ấy:

- Cậu ngang ngạnh quá đấy! Đành vậy! Cậu ngồi xuống đây, tôi có cách giúp cậu bình phục.

Cậu ấy nhìn tôi ngơ ngác, vẻ nửa tin nửa ngờ. Tôi đỡ lấy gương mặt Kháp Na, khẽ cắn môi, rồi chầm chậm áp môi mình lên bờ môi tím tái của cậu ấy. Khi môi chúng tôi chạm nhau, cậu ấy khẽ rùng mình, hai mắt mở to như chiếc chuông gió, ngỡ ngàng, sững sờ, bất động trong thoáng chốc rồi lập tức đẩy tôi ra. Tuy không mạnh nhưng hẳn là cậu ấy phải gạn hết sức tàn của người đang bị bệnh.

Cậu ấy thở gấp, giọng run rẩy:

- Tiểu Lam, em... em... em làm gì vậy?

- Truyền linh khí của tôi cho cậu thôi mà! Cậu biết đấy, loài yêu rất hiếm khi chịu truyền linh khí cho người khác, vì việc đó khiến cho phép thuật của chúng tôi bị tổn hại. Nhưng tôi sẵn lòng làm việc đó vì cậu. – Tôi phụng phịu vì cảm thấy oan ức. – Cậu muốn lên đường ngay kia mà! Nếu với tình trạng này, chưa đến La-ta, cậu đã mất mạng rồi!

Cậu ấy sững sờ, lúng túng cúi đầu, không dám nhìn tôi:

- Nhưng... nhưng mà... chẳng lẽ không có cách nào khác sao?

Những yêu tinh phép thuật cao siêu thì chỉ cần đặt ngón tay lên trán người khác là có thể truyền được linh khí, nhưng tôi chưa tu luyện được tới trình độ đó, phải dùng cách trực tiếp và đơn giản nhất.

Ngó thấy cậu ấy vẫn cúi gằm, chẳng chịu ngẩng lên, chiếc cổ dài đỏ au một cách khó hiểu, tôi bực bội trách:

- Cậu ngại ngùng gì chứ! Tôi là yêu tinh, không giống loài người các cậu, tôi không quá coi trọng chuyện đó đâu. Nếu cậu không chịu thì cứ ở đó mà chờ cho đến khi nào hết bệnh. Tôi tin rằng Lâu Cát cũng sẽ quyết định như vậy!

Cậu ấy vẫn do dự:

- Nhưng làm vậy có gây tổn hại cho em không?

Tôi mỉm cười:

- Đừng lo, chỉ truyền cho cậu chút ít linh khí thôi mà, tu luyện một thời gian là có thể lấy lại được.

Tôi đã nói dối. Linh khí tiêu hao phải mất rất nhiều thời gian khổ công tu luyện mới bù đắp được. Đây chính là nguyên nhân vì sao loài yêu thường không bao giờ chịu truyền linh khí cho người khác.

Cậu ấy cúi đầu, cắn môi, quệt tay vào y phục, mãi sau mới chịu ngẩng đầu lên nhìn tôi, ánh mắt trong veo, long lanh. Cậu ấy hít thở thật sâu, chừng như phải quyết tâm ghê lắm, rồi chầm chậm ngẩng đẩu, từ từ khép mắt lại. Tôi nhẹ nhàng bước đến, hai tay giữ lất gương mặt cậu, nhẹ nhàng chạm vào làn môi cậu.

Tôi vừa truyền linh khí vừa sinh lòng tà tâm. Hơi thở gấp gáp của cậu ấy phả vào má tôi, cảm giác gai gai. Hàng mi dài trên cặp mắt khép chặt khẽ rung động. Bờ môi tím ngắt dần hồng hào trở lại, không biết vì được truyền linh khí hay còn bởi nguyên nhân nào khác. Ngắm nhìn gương mặt tuấn tú, đáng yêu ấy, không biết vì sao trái tim tôi đột nhiên loạn nhịp.

Tôi vội rời khỏi bờ môi cậu ấy, đằng hắng một tiếng, thông báo:

- Xong rồi!

Cậu ấy mở mắt, sắc diện ốm yếu hoàn toàn tan biến. Kể từ lúc khởi hành, cậu ấy cứ đau yếu mãi, dung mạo tuấn kiệt bị những trận ốm giày vò, trở nên nhàu nhĩ, ảm đạm. Nhưng giờ đây, vẻ hồng hào đã trở lại trên gương mặt cậu ấy, ánh mắt sống động, long lanh, rạng rỡ. Tôi mừng thầm, linh khí của tôi quả nhiên rất công hiệu. Đây mới là dung mạo thật sự của Kháp Na chứ!

Hai tay Kháp Na túm chặt mảnh chăn, chừng như muốn kéo cho rách, khuôn ngực phập phồng, cúi đầu lí nhí:

- Tiểu Lam, đừng nói với đại ca rằng em... rằng em...

Tôi vội ngắt lời cậu ấy, ngước mặt nhìn trần nhà:

- Tôi biết rồi, yên tâm, tôi sẽ không nói.

Kể từ hôm đó, không hiểu sao, mỗi khi nhìn thấy Kháp Na là tôi lại nhớ đến cảm giác tim đập thình thịch khi áp môi vào môi cậu ấy. Đây đâu phải là lần đầu tiên tôi và cậu ấy làm chuyện đó, nhưng vì sao cảm giác của lần này lại mãnh liệt như vậy? Tôi bực dọc cốc đầu mình, tự trừng phạt. Tiểu Lam à, cô càng ngày càng giống con người rồi đó, sao cứ mãi bận tâm về chuyện môi chạm môi ấy chứ?

~.~.~.~.~.~

Tôi đưa mắt về phía lò than đang cháy lép bép, suy nghĩ vẩn vơ, lát sau mới cất tiếng:

- Về Sakya lần này, Bát Tư Ba đã thu nạp Senge làm người hầu cận và thu nhận Dampa làm đệ tử. Khi ấy, chúng tôi đều không biết rằng, ngày sau họ sẽ trở thành hai nhân vật quyền lực trong triều đình nhà Nguyên... Bát Tư Ba cử Senge đến Trung Đô. Chàng trai trẻ tuổi, thông minh, mẫn cán này rất được lòng Hốt Tất Liệt. Nhà vua đã giữ cậu ta ở lại và phong tước. Cậu ta nhanh chóng nhận ra vấn đề khiến Hốt Tất Liệt đau đầu nhất kể từ khi dời đô về Trung Nguyên đến nay là nhu cầu về quốc khố quá lớn nên thường hiến kế thu gom tiền bạc giúp Nhà vua. Hốt Tất Liệt vì vậy đặc biệt trọng dụng cậu ta, phong Senge làm thượng thư hữu thừa tướng. Về sau, Senge trở thành bậc trọng thần, nắm giữ quyền lực rất lớn trong triều đình nhà Nguyên, là người Tạng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc làm quan đến chức tể tướng ở Trung Nguyên.

Chàng trai trẻ vừa lắng nghe vừa gật đầu:

- Tôi không thuộc lắm lịch sử triều Nguyên, chỉ biết có tên nịnh thần Ahama, mà không biết còn có một tể tướng người Tạng nổi tiếng như vậy.

- Số phận của Senge cũng giống như Ahama, đều bị liệt vào những câu chuyện kể về gian thần, sau cùng đều bị Hốt Tất Liệt chém đầu cả nhà. Nhưng thực ra, nếu xét một cách khách quan, cả Senge lẫn Ahama đều là công cụ vơ vét tài sản của Hốt Tất Liệt. Vì Hốt Tất Liệt cần tiền nên cả Senge và Ahama đều trổ tài giúp ông ta kiếm thật nhiều tiền. Nhưng hành vi đục khoét, vơ vét của cải của họ khiến rất nhiều người bất mãn. Để yên lòng dân, Hốt Tất Liệt đã đẩy họ ra làm vật thế thân cho mình.

- Vậy Senge có phải là gian thần như sử sách đã chép?

Tôi thở dài:

- Senge quá thông minh, mẫn cán, lại giỏi chính sự. Thực chất thì cậu ta không xấu, chí ít cậu ta chính trực hơn Ahama rất nhiều, nếu không, sao có thể gây dựng được lòng tín nhiệm nơi Bát Tư Ba đến thế? Sau khi được phong làm tể tướng, cậu ta đã làm tròn bổn phận, cúc cung tận tụy, chỉnh đốn vấn đề tài chính. Cậu ta tra xét ra Trung thư tỉnh làm thâm hụt một khoản tiền khổng lồ trong quốc khố, dâng sớ đòi bãi miễn chức vụ của những người đứng đầu Trung thư tỉnh.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Chắc chắn có rất nhiều người phản đối.

Tôi thở dài:

- Bởi vậy, chàng trai trẻ người Tạng được Bát Tư Ba rất mực yêu mến, tiến cử với Hốt Tất Liệt, người mà ngày sau đã trải qua một giai đoạn huy hoàng, quyền thế nghiêng ngả triều chính này phải chịu một kết cục vô cùng bi thảm.


/64

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status