Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 45 - Chương 45

/49


Type: Mộc Du

Chắc là gọi nhầm số.

Tôi hơi nghi ngờ là Lịch Xuyên gọi, nên cứ cầm điện thoại trong tay đợi gọi lại.

Khoảng một giờ trôi qua, điện thoại vẫn không reo thêm lần nào.

Không biết tại sao, tim tôi đập càng ngày càng nhanh. Tuy nhiều khả năng là Lịch Xuyên gọi, nhưng tôi tự nhủ mình không cần nghe làm gì.

Tôi đã cho anh 3 tháng, giữa chúng tôi không còn gì nữa.

Lịch Xuyên, anh có biết chấm dứt mọi thứ, đối với em mà nói, khổ sở đến thế nào không?

Chẳng lẽ, chỉ vì một cuộc điện thoại, mọi chuyện lại bắt đầu lần nữa?

10 phút nữa trôi qua, vẫn không có động tĩnh gì, chẳng hiểu sao tôi lại càng lo lắng, tim đập thình thịch, đứng ngồi không yên. Cuối cùng, tôi không kiềm chế được nên gọi lại số vừa gọi nhỡ.

Lịch Xuyên, em cho anh cơ hội cuối cùng. Một lần cuối cùng!

Chỉ cần anh muốn em quay lại, dù chỉ là một ánh mắt, em cũng sẽ quay lại.

Tiếng chuông vang lên 3 lần, không có ai nghe máy. Tôi giận dữ, đinh ninh rằng có người cố ý nhá máy. Ngay sau đó, lại chuyển sang chế độ tin nhắn thoại tự động, cùng một câu được lặp lại bằng các thứ tiếng Trung, Anh, Pháp và Đức:

“Xin chào, tôi là Vương Lịch Xuyên, hiện tại tôi không thể nghe điện thoại, nếu có việc xin nhắn lại.”.

Giọng nam trầm trầm, vô cùng thu hút.

Quả thật là anh.

Tôi tắt điện thoại, gọi lại. Cứ gọi liên tục 10 lần, rốt cuộc cũng có người nghe máy.

Đầu bên kia có âm thanh ồn ào, một giọng nam đục hét lên: “Ai vậy?”

“Tôi tìm anh Vương Lịch Xuyên! Xin hỏi anh là ai?”

“Tôi không biết ai là Vương Lịch Xuyên,” Anh ta nói “Chỉ biết ở đây có một người say rượu, điện thoại cứ reo không ngừng. Chắc là bạn của chị!”

“Uống… uống rượu?” Tôi hoảng hồn “Xin hỏi anh đang ở đâu? Anh ấy là bạn của tôi, một người bạn vô cùng quan trọng! Vui lòng cho tôi biết địa chỉ!”

“Bar Sói Hoan, quán bar trên đại lộ H đó, chị có biết không?”

Sao không biết được? Ở gần quán cà phê tôi gặp Lịch Xuyên lần đầu tiên chứ đâu. Kỷ Hoàn là khách quen ở đó, trước đây Lịch Xuyên cũng hay đến đó.

“Biết biết!”

“Chị mau đến đón anh ta đi, hình như anh ta say quá rồi.”

Lịch Xuyên tuyệt đối không được uống rượu, dù chỉ là một giọt cũng không được, nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng. René và Tế Xuyên nhiều lần dặn dò tôi như thế. Tôi sợ kinh hồn khiếp vía. Quơ lấy túi xách, lao ra cửa quên mang theo nạng, suýt nữa ngã sấp xuống đất. Tôi ra đường cái bắt taxi. Vừa leo lên xe liền đưa cho tài xế 200 tệ, dặn ông ta đứng ngoài cửa Sói Hoan đợi tôi.

Vì tôi liên tục thúc giục lái xe, chỉ trong vòng 15 phút tôi đã đến Sói Hoan.

Quán bar không rộng lắm, đèn vàng mờ ảo, người đến người đi, tiếng nói xì xào. Toàn là khách nam, già có trẻ có, kể cả phục vụ cũng là nam. Tiếng trống của dàn nhạc trên sân khấu vang vọng khắp nơi, anh chàng ca sĩ nhìn giống sinh viên, đang hát một bài tình ca buồn xưa cũ bằng tiếng Anh bằng chất giọng quãng trung. Rất nhiều người đứng tụ tập xung quanh, vỗ tay cổ vũ.

Phục vụ dẫn tôi đến bàn của Lịch Xuyên trong góc phòng. Anh nằm sắp lên trên bàn, bên cạnh của một ly rượu nhỏ, trong ly có một trái ô liu.

Tôi hỏi phục vụ: “Ly này nhiều rượu không? Anh ấy uống hết rồi à?”

Phục vụ lắc đầu: “Đây là Martini, cũng nhẹ thôi, không nhiều lắm đâu, lúc bưng lên cũng chỉ có nhiêu đó, anh ta uống nhiều nhất là một ngụm.”

Tửu lượng của Lịch Xuyên rất khá, chắc chẳng phải chỉ uống một ngụm đã say. Nhưng anh đang nằm sấp trên bàn, không hề động đậy, giống như say thật.

Tôi đẩy nhẹ anh, cúi đầu xuống tại anh gọi: “Lịch Xuyên! Lịch Xuyên!”

Anh không tỉnh.

Tôi lại đẩy mạnh anh, đột nhiên anh ngẩng đầu, ánh mắt mông lung.

“Lịch Xuyên?”

Anh hé mắt, nhìn tôi mê man, dường không nhận ra tôi.

Tôi vỗ vỗ mặt anh, rồi sờ trán anh, hơi nóng, nhưng chưa tới mức sốt: “Lịch Xuyên, Lịch Xuyên, anh sao rồi?”

Lịch Xuyên lại nằm sấp xuống trên bàn, không để ý đến tôi nữa. Anh chàng phục vụ lại nói: “Ai say cũng vậy đó, chị đưa anh ta về nhà đi, uống ly trà đặc giải rượu là được.”

“Không phải, anh ấy còn chưa uống hết một ly, làm sao mà say được.”

“Anh ta đến đây để tìm bạn, chắc không chỉ uống rượu trong ly của mình… chắc chắn là say rồi, tôi khẳng định chín mươi chín phần trăm.”

Tôi cầm một ngọn nến khác trên bàn, quơ quơ trước mặt Lịch Xuyên. Anh đang đổ mồ hôi, cả người ướt. Tôi cầm tay anh, lòng bàn tay ướt sũng. Tôi lại lay anh, bỗng nhiên anh lại nói chuyện, toàn những câu vô nghĩa, một hồi tiếng Pháp một hồi tiếng Đức… nhiều thứ tiếng pha lẫn với nhau.

“Tôi đã nói là say mà, nói lung tung rồi kìa.” Phục vụ đứng cạnh nói.

Nói chung, phải đưa anh đi cái đã. Tôi nói: “Tôi kêu taxi sẵn rồi, nhờ cậu dìu anh ấy lên xe được không?”

“Anh ta… còn chưa trả tiền.”

“Bao nhiêu tiền, để tôi trả.”

“Để tôi đi kiểm tra.”

Một phút sau, cậu ta quay , nói: “Xin lỗi, anh ta là khách VIP, dùng thẻ năm, chị không cần thanh toán giúp đâu.” Dứt lời, cậu ta liền gọi hai bảo vệ cao to đến, vừa ôm vừa dìu đưa Lịch Xuyên lên taxi.

“Cô đi đâu?” Lái xe hỏi.

“Khách sạn Thụy Sỹ ở Trung tâm Hồng Kông Ma Cao.”

Xe liền chạy đi, nhưng dáng vẻ Lịch Xuyên ngày càng lạ. Anh từ nói mới lại chuyển qua thở dồn dập, dần dần dần nói không ra hơi, chỉ còn tiếng hít thở khó khăn.

Tôi gõ mạnh vào ghế tài xế, hét to: “Chú ơi! Không đi khách sạn nữa, anh ấy… anh ấy không ổn, đi bệnh viện ngay lập tức! Càng nhanh càng tốt!”

“Bệnh viện gần đây nhất là Hiệp Hòa.” Lái xe quay đầu nhìn chúng tôi, cũng biết tình huống nghiêm trọng: “Mong là không phải là ngộ độc cồn, chết người như chơi!”

Tim tôi đập thình thịch thình thịch, ôm chặt Lịch Xuyên. Thì thào gọi tên anh hết lần này tới lần khác: “Lịch Xuyên, Lịch Xuyên, Lịch Xuyên…”

Cả người anh mềm nhũn, dựa vào người tôi như đứa trẻ.

Tôi đưa tay lên mũi anh. Hơi thở dồn dập, vô cùng nặng nề.

Lúc này, tôi nhớ đến một người, liền gọi cho René.

Điện thoại vang một tiếng liền có người nghe.

“Annie.”

“René! Lịch Xuyên xảy ra chuyện rồi, anh ấy không ổn, em đang đưa anh ấy đến bệnh viện cấp cứu, anh đến đây đi! Nhanh lên!”

“Lịch Xuyên ở chỗ em? Anh đang đi tìm cậu ấy khắp nơi đây, bệnh viện nào?”

“Hiệp Hòa.”

“Annie, giữ bình tĩnh, anh sẽ tới ngay.”

Lúc đến bệnh viện, Lịch Xuyên đã hôn mê hoàn toàn.

Một nhóm người đưa anh vào phòng cấp cứu. Dẫn đầu là một bác sĩ trung niên, rất chuyên nghiệp, nhanh chóng kiểm tra cơ thể anh, dặn dò trợ thủ: “Suy hô hấp cấp. Lập tức cắm ống thở, cho dùng máy hô hấp nhân tạo.”

Nói xong câu này, tôi liền bị y tá ngăn ngoài cửa, cô ấy hỏi bệnh sử của Lịch Xuyên, tôi nói cho cô ấy tất cả những gì mình biết, viêm phổi cấp tính, thiếu máu nghiêm trọng, nhóm máu, nôn mửa… cô ta đưa một đống bảng biểu, bảo tôi điền vào.

Hai chân tôi như nhũn ra, cả người run bần bật, tình cảnh lúc bệnh tình ba tôi nguy kịch lại hiện ra trước mắt. Tôi chống nạng, dựa sát vào tường, há miệng thở dốc.

Chưa kịp định hồn, cửa phòng cấp cứu đột nhiên mở ra, bác sĩ trung niên gọi tôi: “Ai là Tạ Tiểu Thu?”

Tôi tiến lên trả lời: “Tôi… là tôi…”

“Tôi là bác sĩ Nghê, xin hỏi cô có quan hệ gì với bệnh nhân?”

“Bạn… bạn gái.”

“Như thế này, chúng tôi vừa cắm ống thở cho bệnh nhân, đã cho chạy máy hô hấp. Lúc chụp X quang xác định vị trí ống thở, phát hiện trong ngực bệnh nhân có ống dẫn nội tĩnh mạch trung ương, hình thái tổ chức của một bên phổi không hoàn chỉnh. Bệnh sử mà cô cung cấp không đề cập đến, xin hỏi cô biết bao nhiêu về bệnh tình của bệnh nhân?”

Tôi ngay đơ, lắp bắp hỏi: “Cái gì là ống dẫn… nội? Tôi… tôi không biết bệnh sử của anh ấy, anh ấy không cho tôi biết.”

“Xin lỗi, bây giờ chúng tôi không có thời gian giải thích, bệnh nhân còn người nhà khác không?”

“Có, có một người nước ngoài, đang trên đường đến, để tôi gọi điện thoại.”

Tôi lấy điện thoại ra chuẩn bị gọi thì thấy René đầu đầy mồ hôi chạy vào. Tôi gọi René “René! Mau đến đây! Bác sĩ muốn biết bệnh sử của Lịch Xuyên.”

René vội vàng hỏi tôi bằng tiếng Anh: “Bác sĩ biết nói tiếng Anh không?”

“Em là phiên dịch, anh nói đi, em dịch.”

“Đúng, đúng, anh quên mất.”

“Alex bị Osteosarcoma giai đoạn hai.”

Trời ạ, nói cái gì không nói lại nói cái này, trước kia tôi có học một vài thuật ngữ y học, nhưng kể từ khi vào CGP, đầu óc toàn là từ vựng về kiến trúc, nhất thời không nhớ ra được. May mà tôi cũng biết phân tích gốc từ “Osteo” là xương “Sarcoma” là u ác tính, kết hợp lại với nhau có nghĩa là gì, thuật ngữ chuyên môn có nghĩa gì khác, tôi cũng không biết.

Thấy tôi chần chờ, René bổ sung thêm: “Bone cancer”. (*)

(*) Ung thư xương.

Người tôi bất động, nạng rơi xuống đất đánh “cạch”, René đỡ tôi “Em có sao không?”

Tôi lắc lắc đầu. René quá coi thường tôi, lúc này làm sao tôi dám ngất.

Lấy lại bình tĩnh, tôi dịch lại: “Bệnh nhân bị ung thư xương, Osteosarcoma, giai đoạn hai” Tôi lặp lại một lần nữa bằng tiếng Anh, Hiệp Hòa là bệnh viện tốt nhất Bắc Kinh, chắc bác sĩ cũng biết thuật ngữ y học bằng tiếng Anh.

“Năm Alex 17 tuổi phát hiện ung thư xương, làm phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị. Năm 25 tuổi phát hiện di căn qua phổi, phải cắt phổi.” René tiếp tục nói

Tôi chết lặng tiếp tục dịch, giống tử tù đang nghe lời tuyên án cuối cùng.

“Sau ba năm hóa trị, ung thư tạm thời khống chế được, không tái phát nữa.” René tạm dừng, liếc tôi “Nhưng, trong quá trình hóa trị, bác sĩ phát hiện bạch cầu giảm, suy giảm miễn dịch, sau đó hồng cầu cũng giảm, thiếu máu nghiêm trọng.”

Dịch tới đây, bác sĩ đã hiểu hơn phân nữa, hỏi: “Có phải là em MDS không?”

Tôi không biết MDS là gì, nhìn nhìn René, đương nhiên René biết từ này, gật đầu “Đúng vậy.”

“Loại nào?”

“RA.”

Vẻ mặt bác sĩ trầm trọng, kéo tôi qua một bên, đưa cho tôi một tờ giấy, trầm giọng nói: “Bệnh tình của bệnh nhân rất nguy cấp, người nhà phải chuẩn bị tâm lý, đây là thông báo bệnh tình nguy kịch, cô ký đi.”

Nói xong, ông ta về lại phòng cấp cứu.”

Tôi nhận lấy tờ giấy, chỉ thấy đầu óc choáng váng, cả buổi không đọc được trên đó viết gì, tôi dụi dụi mắt, bắt mình phải đọc.

Thông báo bệnh tình nguy kịch

Chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp.

Kính gửi bệnh nhân và người nhà:

Xin chào, bệnh nhân hiện tại đang được chữa trị tại bệnh viện chúng tôi, hiện thời bệnh tình nghiêm trọng, có thể chuyển biến xấu bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng, do đó xin thông báo cho người nhà biết. Xin thông cảm và tích cực phối hợp việc chữa trị của bệnh viện. Cho dù như thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ luôn chữa trị hết sức mình, nếu có yêu cầu gì, xin lập tức nói cho bác sĩ sau khi nhận được thông báo này.

Bệnh nhân hoặc người nhà ký tên:

Bác sĩ thông báo ký tên: Nghê Vĩnh Khang.

Tôi dịch thông báo cho René. René cười khổ, nói bệnh tình Lịch Xuyên nguy kịch, không phải lần một lần hai. Người nhà và bạn bè anh ấy, ngoại trừ người già ra, đã được rèn thành tinh thần thép hết rồi.

Tôi ngã xuống ghế chờ, cả người run bần bật, sợ hãi đến mức cả buổi không nói nên lời.

René vẫn ôm chặt lấy tôi, nói tiếng Trung đứt quãng: “Alex sẽ không sao, Alex phúc lớn mạng lớn, nhất định sẽ không sao.”

Tôi nhìn lên ánh đèn mờ mờ trong phòng cấp cứu, lặng lẽ nguyện cầu.

Dù sao đi nữa, loại chờ đợi này vô cùng đáng sợ, bất kỳ động tĩnh gì từ trong truyện ra đều làm cho tôi kinh hoảng. Đồng hồ trên tường lặng lẽ di chuyển, mỗi cây kim đồng hồ đều là một thanh kiếm, đâm sâu vào ngực tôi.

Đợi thật lâu thật lâu, gần như là nửa thế kỷ, đồng hồ trên tường chỉ mới qua 10 phút.

Cảm thấy người tôi đang run bần bật, René đi mua một lon nước trái cây cho tôi, kêu tôi uống một ngụm, nói như thế giảm được áp lực.

Đầu tôi đầy mồ hôi lạnh, tôi nhìn René, tinh thần dường như sắp sụp đổ. Tôi lắc đầu từ , không muốn uống bất kỳ thứ gì. Thậm chí cảm thấy dạ dày đang sôi lên, có cảm giác buồn nôn.

Để dời sự chú ý, tôi hít sâu một hơi, lay lay René đang đọc kinh bằng tiếng Pháp, giọng run run: “René, bệnh của Lịch Xuyên, anh kể cụ thể đi.”

René hồi phục tinh thần, hỏi lại: “Lúc nãy em nghe chưa đủ hả? Chưa sợ à?”

“Chưa đủ. Anh nói một đống thuật ngữ, em miễn cưỡng nghe hiểu được một nửa.” Tôi nói “Nói vậy, chân của Lịch Xuyên, không phải do tai nạn xe cộ?”

“Được phát hiện nhờ tai nạn.” René nói “Năm đó, mẹ Lịch Xuyên chở cậu ấy đi mua sắm, trên đường đi xảy ra tai nạn. Bác ấy mất, cậu ấy thì bị thương nhẹ ở đùi, nhưng qua thời gian lâu chưa lành, còn rất đau, sau đó kiểm tra phát hiện là ung thư xương. Ung thư ác tính. Lúc đó, bác sĩ nói, bệnh tình quá nghiêm trọng, cho dù phẫu thuật thì cơ hội sống cũng rất thấp. Thế là tiến hành xạ trị.”

“…”

“Lúc đó, ai cũng nghĩ Alex chỉ sống được vài tháng nữa, cả nhà rất buồn. Không ngờ sau khi xạ trị, lại gặp may, bệnh tình dần khá lên. Thế là bố cô ấy liền đưa cậu ấy sang Mỹ cho một bác sĩ nổi tiếng khám. Bác sĩ cho rằng có thể mạo hiểm làm phẫu thuật. Thế là, Alex làm phẫu thuật cắt cụt. Sau khi phẫu thuật lại tiếp tục hóa trị, hồi phục rất nhanh. Suốt 8 năm trời không thể tái phát. Thời gian đó, ngay cả bác sĩ cũng nói cho tụi anh là bệnh của Alex đã trị tận gốc. Mặc dù đi lại không tiện lắm, nhưng cõi có thể sống như một người bình thường, không phải lo lắng bị thần chết bắt đi.”

Trong nháy mắt, tất cả mắt xích của câu chuyện trong ký ức tôi liền nối lại với nhau: “Sáu năm trước, Lịch Xuyên đột nhiên bỏ em đi, là do tình hình sức khỏe anh ấy xấu đi đúng không?”

René gật đầu: “Cứ nửa năm Lịch Xuyên về bệnh viện làm kiểm tra định kì một lần. Năm đó cậu ấy về Thụy Sĩ, phát hiện ung thư di căn tới phổi. Em biết đó ung thư xương di căn qua phổi tỷ lệ sống vô cùng . Chuyện này không khác gì án tử hình với cậu ấy. Cậu ấy nói, lúc đó em đang yêu say đắm. mới 17 tuổi, không đành lòng cho em biết, sợ em đau lòng. Cậu ấy lại càng không muốn em nhìn thấy bản thân chịu khổ, thà để em hận cậu ấy cả đời. Cho nên cậu ấy quyết tâm rời đi.”

Tôi cắn răng, không để mình nức nở thành tiếng: “Vậy anh ấy… năm năm đó… có phải rất đau khổ đúng không?”

René thở dài một hơi, gật gật đầu: “Bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần phổi bị di căn, sau đó cậu ấy phải làm hóa trị ba năm. Cả người gầy xọp, tóc cũng rụng hết, yếu ớt vô cùng, không đứng dậy nổi. Nói thật, dẫn vẽ cậu ấy thay đổi hoàn toàn, cho dù em có nhìn thấy cũng không nhận ra. Tác dụng phụ của hóa trị thật đáng sợ, ngoài ra, cậu ấy còn bị đau xương và đau chi, có mấy lần, vì đau quá nên cậu ấy muốn chết đi cho xong, nhưng sợ bố và ông bà nội đau buồn. Tóm lại… ba năm đó, nếu không có email của em, anh thật sự không biết cậu ấy có gắng gượng nổi không.”

Bất trị bất giác, mặt tôi đã tràn đầy nước mắt: “Vậy tại sao anh ấy lại không hồi âm? Ít nhất em cũng có thể khuyên nhủ anh ấy, trò chuyện với anh ấy, giúp anh ấy bớt buồn!”

“Chuyện gì Alex đã hạ quyết tâm rồi, thì sẽ không thay đổi.” René nói tiếp: “Ý chí của Alex kiên cường lắm, nếu không đâu có đấu tranh với ung thư nhiều năm như thế. Annie, em chuẩn bị tâm lý đi, lát nữa cậu ấy tỉnh lại, biết em đã biết mọi chuyện, cậu ấy sẽ vẫn không thay đổi ý kiến, vẫn muốn em đi.”

Tôi nhìn René, hít một hơi, tiếp tục hỏi: “René, MDS là gì?”

“ Myelodysplastic Syndrome.” (*) Do một loại tế bào tạo máu tăng bất thường gây khó khăn cho chức năng tạo máu. Anh không biết dịch ra tiếng Trung như thế nào.”

(*) Hội chứng tăng sản tủy xương bất thường, là một loại bệnh thiếu máu không do thiếu sắt.

“Khó khăn cho chức năng tạo máu?” Tôi vẫn không hiểu.

“Nói đơn giản, chính là một loại bệnh thiếu máu khó chữa. Có thể là vì Alex phải hóa trị trong thời gian dài. Bệnh này có 30% khả năng chuyển sang bạch cầu cấp tính. Cho nên khả năng miễn dịch của Alex rất yếu, phải đặc biệt cẩn trọng trong mọi sinh hoạt. Dù chỉ bị nhiễm trùng hoặc xuất huyết, đều có thể dẫn tới tử vong.”

Tôi nhớ lại lần Lịch Xuyên nhảy vào thùng rác, tay chảy máu, sau khi Tế Xuyên biết liền nổi điên mắng anh.

“Vì vậy ngày nào Lịch Xuyên cũng phải uống thuốc? Uống xong làm anh ấy nôn mửa?”

“Đúng vậy, sáng nào cậu ấy đều phải uống để phòng xốp xương. Vì ung thư xương và hóa trị khiến cho xương bị biến tính, rất dễ vỡ. Mỗi ngày trước khi ăn 30 phút còn phải để bụng rỗng uống thuốc để loại bớt sắt.”

Tôi cảm thấy, sự hiểu biết của René đối với các thuật ngữ này, làm sinh viên y khoa phải xấu hổ.

“Loại bớt sắt? Tại sao phải loại bớt sắt?”

“Để trị liệu MDS, Alex phải truyền máu định kỳ. Truyền máu trong thời gian dài sẽ khiến cho nồng độ sắt tăng mạnh. Để đề phòng ngộ độc sắt, Alex phải uống thuốc loại bớt sắt. Loại thuốc này tên là Deferasirox, gây kích thích dạ dày. Uống xong rất dễ buồn nôn, nôn mửa.” René lại thở dài “Alex đặc biệt không muốn em biết cậu ấy bị MDS, vì em có chứng sợ máu, mà cậu ấy, lại hay đi xét nghiệm máu, truyền máu, lúc nặng còn truyền một tuần một lần.”

“Không có cách nào trị tận gốc à?” Tôi sốt ruột hỏi, nhớ tới các bộ phim truyền hình sướt mướt đã xem trước đây, “Huyến ngưng” (*) gì gì đó “Ví dụ như ghép tủy gì gì đó? Anh ấy còn anh trai mà?”

(*) Một bộ phim truyền hình của Nhật, trong đó nhân vật nữ chính bị bệnh bạch cầu năm 17 tuổi, qua nhiều lần được một sinh viên y khoa truyền máu, từ đó nảy sinh tình yêu.

“Muốn ghép tủy thì kháng nguyên HLA phải phù hợp. Tế Xuyên sẵn sàng cho tủy, nhưng tủy anh ấy không phù hợp. Cho dù có ghép đi chăng nữa, thì xác suất thành công cũng rất thấp. Alex đã tiến hành xin tủy, nhưng cho tới bây giờ cũng chưa tìm được tủy phù hợp.” Chắc là bị tôi hỏi đến mệt, René cứ cúi đầu chăm chú nhìn đầu ngón tay cái của mình.

Tôi ký tên vào thông báo bệnh tình nguy kịch, thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi, tóc bạc trắng, vội vàng đi về hướng phòng cấp cứu, vừa đi vừa khoác áo blouse vào. René đứng dậy, đi đến đón ông ta: “Dr.Gong!”

Hình như tôi đã gặp ông ta ở đâu rồi, nhìn kỹ lại, tôi mới nhớ đó là ông cụ uống cà phê với Lịch Xuyên mấy năm trước, tôi còn nhớ Lịch Xuyên gọi ông ta là bác Cung.

Người kia đứng lại, gật đầu với tôi một, nói tiếng Anh với René: “Thế nào rồi? Đang cấp cứu à?”

“Vâng,” René nói “Sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp.”

“Vì nhiễm trùng đường hô hấp?”

“Có thể. Thời gian vừa rồi cậu ấy ho rất nhiều, cháu kêu cậu ấy đi bệnh viện, nhưng cậu ấy không chịu, còn nổi giận với cháu. Chắc là tâm trạng không tốt.”

“Để bác vào xem đã rồi nói.” Nói xong, ông ta đi vào phòng cấp cứu.

Tôi hỏi René đó là ai.

“À, ông ấy là giáo sư Cung Khải Huyền của bệnh viện Hiệp Hòa, chuyên gia ung bướu. Là bác sĩ điều trị chính của Lịch Xuyên ở Bắc Kinh, trước kia bố Lịch Xuyên lên cơn đau tim ở Bắc Kinh, giáo sư Cung đã cứu mạng ông ấy, cho nên hai người có tình bạn sâu đậm. Lúc nãy sau khi em gọi điện thoại cho anh, anh lập tức gọi điện thoại cho ông ấy, nhờ ông ấy tới đây. Ông ấy biết rõ bệnh tình của Lịch Xuyên…”

Đang nói, cửa phòng cấp cứu đột nhiên mở ra, Cung Khải Huyền đi ra.

Tôi và René đồng thời nhảy dựng lên: “Sao rồi ạ?”

“Tình huống tạm thời ổn định. Đã đưa vào phòng ICU tiếp tục quan sát. Trước mắt Lịch Xuyên phải dựa vào máy hô hấp để duy trì hô hấp, dựa vào thuốc thăng áp để duy trì huyết áp. Vì sử dụng máy hô hấp, nên họ dùng thuốc an thần, cho nên nó vẫn hôn mê… Lần này may mà đưa tới đúng lúc, nếu không thì khó giữ tính mạng.”

Tôi và René thay đồ, đeo khẩu trang, tiến hành các quy trình khử trùng đặc biệt, cùng nhau đi vào phòng ICU. Quả nhiên giống hệt trong giấc mơ của tôi, Lịch Xuyên nằm trên giường, sắc mặt tái nhợt, hai mắt nhắm nghiền, cả người cắm đầy ống dẫn.

“Hai đứa có thể ở cạnh chăm sóc, tuy nhiên, đừng chạm vào nó. Sẽ có hộ lý chuyên môn chăm sóc. Bác đề nghị hai đứa ngồi một lúc rồi đi, mai lại đến. Dù sao thì chưa tháo máy hô hấp, nó chưa tỉnh lại đâu, ở lại cũng không làm gì được.” Ông chỉ vào hai chiếc ghế bên cạnh, ý bảo chúng tôi ngồi xuống “Bác còn một bệnh nhân ở tầng 2, lát nữa sẽ quay lại, có việc gấp thì gọi điện thoại cho bác.”

Mọi người đều thở dài nhẹ nhõm một hơi, René nhìn chân tôi, rốt cuộc hỏi “Annie, chân em bị sao vậy?”

“Em bị tai nạn. Gãy chân. Lịch Xuyên không kể anh nghe, đúng không?”

“Không.” René nói “Hèn gì dạo này tâm trạng cậu ấy không tốt, giống như ăn phải bom. Ngày nào cũng kéo anh đi bar. Cậu ấy không uống rượu được, cứ ngồi ngây ra trong quán, cả đêm không nói lời nào. Sau đó anh bận đọc tài liệu không đi cùng cậu ấy nữa, cậu ấy thường xuyên đi một mình.”

“Em biết,” Tôi thở dài, “Anh ấy khổ sở trong lòng… nên tự giày vò mình”. Trong phòng ICU chỉ cho phép một người nhà vào thăm, René nói với tôi: “Chân em chưa khỏi hẳn, hay là mình về đi, sáng mai lại tới thăm cậu ấy.”

“René, anh về trước đi. Em ở đây thêm một lát nữa. Lần nào gặp Lịch Xuyên, anh ấy cũng đuổi em đi. Bây giờ cứ để em được ở bên cạnh anh ấy.”

Tôi ngồi cạnh Lịch Xuyên, đến tận khi trời sáng. Thật ra, tôi không cần lo lắng gì cả. Cứ cách 10 phút hộ lý vào thăm anh một lần, kiểm tra tình trạng truyền dịch và dẫn tiểu. Cứ cách 3 tiếng, lại truyền đạm dinh dưỡng một lần. Cứ cách 2 tiếng, lật người cho anh một lần. Miệng Lịch Xuyên nửa ngậm nửa mở, có một ống dẫn dài 40cm đang cắm vào cuống họng, ngực nhờ sự trợ giúp của máy hô hấp cũng dần trở lại bình thường. Tôi thấy một bác sĩ đi vào, kiểm tra bệnh tình của anh, lại nhét thêm một ống dẫn mềm dài tương tự vào miệng anh để hút đờm định kỳ. Tuy đau đớn như vậy, nhưng Lịch Xuyên vẫn không hề hay biết. Anh chỉ nằm lặng lẽ ở đó, làn da trắng xanh gần như trong suốt, thậm chí giống như phát ra một tầng sáng màu lam nhạt.

Mãi một lúc lâu sau, tôi mới ý thức được, tầng sáng màu lam nhạt đó là từ màn hình hiển thị của máy hô hấp, những con số cứ nhảy lên nhảy xuống, rất sinh động, rất vui vẻ, giống như phim hoạt hình. Một đêm này, tôi hầu như nhìn Lịch Xuyên không chớp mắt. Nhìn anh nằm im như người sáp, sự sống như đang dần dần rời đi. Tôi không thể kiềm chế được, cứ cách một giờ lại xoa xoa tóc anh, xoa xoa gương mặt anh qua lớp bao tay tiệt trùng, để chắc chắn rằng anh vẫn còn sống.

5 giờ sáng, bác sĩ Cung đi vào, nói với tôi: “Cháu về nhà nghỉ ngơi đi, hay là đi ăn gì đó đi. Dưới lầu 2 có nhà ăn.”

Tôi cười với bác: “Dạ thôi ạ, cháu không đói.”

Từ nhỏ đến lớn, tôi không tin vào máy móc. Tôi chú ý nghe tiếng máy hô hấp, sợ nó bị hỏng hóc, không thể cung cấp oxy cho Lịch Xuyên. Còn sợ ống dẫn dài 40cm bị tắc, làm anh ngạt thở. Tôi quan sát lượng truyền dịch, sợ tốc độ nhanh quá, cũng sợ tốc độ chậm quá. Mỗi lần tiếng chuông báo động vang lên, tôi liền lao ra tìm y tá, khi ai cũng thấy tôi phiền phức.

Lịch Xuyên nằm trong phòng ICU tổng cộng bảy ngày. Ngày thứ ba, huyết áp mới dần dần ổn định, bác sĩ bỏ thuốc thăng áp. Ngày thứ bảy khả năng hô hấp mới có chuyển biến tốt, bỏ máy hô hấp, bỏ thuốc an thần, Lịch Xuyên tỉnh lại rất nhanh. Nhưng nhất thời anh chưa nói chuyện được, nhìn thấy tôi, ngón tay khẽ nhúc nhích, tôi cầm chặt tay anh.

Tôi ở cạnh Lịch Xuyên bảy ngày bảy đêm, ngoại trừ ăn cơm và đi toilet ra, tôi không rời phòng ICU dù chỉ một giây, mỗi ngày chỉ ngủ hơn ba tiếng, toàn là chợp mắt trên sôpha. Ban ngày René tới thăm tôi, cảm thấy tôi hết thuốc chữa. René nói, ở Thụy Sĩ tất cả đều có y tá lo, người trong nhà và thân thích cùng lắm chỉ thay phiên nhau tới thăm, trò chuyện với anh ấy mà thôi. Mọi người đều bận bịu, chuyện Lịch Xuyên nằm viện như cơm bữa, thăm anh xong liền đi lo việc của mình. Không có ai giống tôi, chẳng phân biệt ngày đêm, ngồi cạnh giường bệnh nửa bước không rời, René nói là tôi lo lắng thừa, phí thời gian mà thôi.

“Em quan tâm kiểu Trung Quốc, làm sao anh hiểu được?” Tôi trách móc.

“Cho nên ngày nào anh cũng đến thăm em nè, anh thấy Alex không cần, nhưng em cần.” René trêu.

Tôi hỏi René: “Tế Xuyên có biết Lịch Xuyên bị bệnh không?” René lắc đầu: “Anh không dám nói cho Tế Xuyên biết, anh ấy là bạo chúa. Nếu anh ấy biết Alex lại vào ICU nằm, chắc chắn sẽ giam lỏng Lịch Xuyên ngay ngày đầu tiên về Zurich. Hai anh em họ sẽ cãi nhau tiếp, trước kia mọi người còn đứng về phía Lịch Xuyên, lần này chắc chắn sẽ không, cả nhà đều tuyên chiến với Alex.”

Tôi ngơ ngác: “Tại sao vậy?”

“Hai người là một đôi uyên ương ngốc, Alex vì em mặc tuyên bố với cả nhà cậu ấy không về Thụy Sĩ nữa. Cậu ấy nói, thời gian còn lại không nhiều lắm, nguyện ý chết ở Trung Quốc, chôn ở Bắc Kinh. Cậu ấy đã chọn vị trí mộ sẵn rồi, ngay cả lời khắc trên bia cũng chọn luôn rồi.” René nhắm mắt lại, giống như trước mặt là một cỗ quan tài, sau đó giả giọng mục sư nói: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Vương Lịch Xuyên, sinh ra ở Thụy Sĩ, học tập ở Mỹ, vì yêu một cô gái Trung Quốc, nên chết ở Trung Quốc. Amen.”

Giống như phối hợp với hoàn cảnh của René, Lịch Xuyên vẫn nằm trên giường không động đậy, hai mắt nhắm chặt, nhẹ nhàng thanh thản.

Lòng tôi chua xót vô cùng.

Lúc tỉnh lại Lịch Xuyên rất yếu, vẫn chưa nói chuyện được, mặc dù không cần máy hô hấp, nhưng vẫn cần thở oxy. Y tá bận rộn đi qua đi lại xung quanh anh. Tôi xếp bằng hai chân, ngồi trên sô pha bên cạnh, tiếp tục chớp mắt.

Khoảng một tiếng sau, có một bệnh nhân khác được đưa vào phòng ICU, tiếng rên rỉ đau đớn đánh thức tôi.

Tôi mở mắt ra, thấy y tá đang giúp Lịch Xuyên lật người. Da anh tái nhợt, không có chút sức sống, trên người đầy các loại ống. Lật người xong, y tá dùng cồn lau phần cơ thể bị đẻ của anh, tôi đi qua vuốt phẳng ga giường, giúp y tá nhét mấy chiếc gối sau lưng Lịch Xuyên.

Đúng lúc này, Lịch Xuyên đột nhiên mở miệng nói với y tá mấy câu, y tá nghe không rõ, anh nói lại một lần nữa. Y tá liền đi ra. Chúng tôi đối diện nhau, trong nhất thời không nói lời nào.

Một lát sau, anh nói: “So, em là người nhà của anh,” Giọng rất nhẹ, thanh âm khàn khàn, gần như nhấn từng chữ một. “Since when?” (*)

(*) Từ khi nào?

Không ngờ vừa mở mắt liền tra hỏi ép người, tôi nghẹn lời.

“Không phải nói em sẽ rời Bắc Kinh à?” Anh thở dốc nói “Tại sao chưa đi?”

“Anh nói ít vài câu đi được không?” Tôi cũng không có tâm trạng và can đảm đấu võ mồm với bệnh nhân vụ được cấp cứu xong.

Y tá trưởng vào, do dự nói với tôi: “Thật xin lỗi, cô Tạ. Bệnh nhân nói cô không phải là người nhà của anh ta, yêu cầu cô rời khỏi phòng ICU ngay lập tức.”

Tôi đứng dậy, tức đến sôi máu, gần như muốn đánh anh. Đột nhiên trước mắt tối sầm, quơ quơ tay.

Y tá trưởng đỡ tôi, đưa nạng bên cạnh cho tôi. Tôi tức giận tới mức tay run run, nhặt lấy túi xách trên sô pha, gom đồng hồ, di động, chìa khóa, ly uống nước trên tủ đầu giường vào túi xách.

Y tá trưởng cố gắng giải thích giúp tôi: “Anh Vương, chắc anh không biết rõ tình hình. Anh được cô ấy đưa vào cấp cứu. Cô ấy canh anh bảy ngày bảy đêm, gần như không chợp mắt. Vậy mà anh nói, cô ấy không phải người nhà à.” Y tá trưởng chỉ cụ già nằm đối diện, giọng nói hơi kích động “Anh thấy cụ già kia không? Ba cậu con trai của cụ ấy đều tới đây, đứng trước giường bệnh, cãi nhau ầm ĩ vì tiền viện phí, chưa đầy 15 phút đều quay lưng đi hết. Bọn họ là người nhà chân chính đấy, anh thấy có giống người nhà không?”

Lịch Xuyên không động đậy, hai mắt nhìn lên trần nhà, thở nặng nề: “Tôi muốn cô ấy… đi ngay lập tức.”

Mặt anh đau đớn run run, chuông liền reo loạn lên. Một nhóm y tá vọt vào, dẫn đầu là bác sĩ phụ trách.

Y tá trưởng vội vàng nói với tôi: “Cô Tạ, cảm xúc của bệnh nhân không tốt, tình huống cũng không khả quan, cô vẫn nên tránh ra đi.”

Dứt lời, y tá trưởng liền kéo tôi ra khỏi ICU.

Qua một tiếng, y tá trưởng đi ra. Thấy tôi vẫn đứng ngoài cửa, không chịu ngồi, chống nạng rướn cổ nhìn vào trong, cười khổ lắc đầu.

“Anh ấy thế nào rồi? Có sao không?” Tôi vội vàng hỏi.

“Tạm thời không nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi đã chuyển anh ta vào phòng thường. Cô vẫn nên về nhà nghỉ đi, ít nhất cũng nên ngủ một giấc.”

“Phòng nào?” Tôi hỏi.

“407.”

“Tôi đi xem.” Tôi vội vàng đi.

“Haiz. . .” Phía sau truyền đến tiếng thở dài của y tá trưởng.

Tôi len lén đi vào, Lịch Xuyên đang nằm trên giường số 1, đang ngủ. Không ngờ, anh lại mở mắt ra, liền phát hiện tôi.

Do dự một lát, tôi đi tới trước, nhẹ nhàng vuốt ve trán anh.

“Hi,” Tôi đau lòng muốn chết, dù vẫn còn giận, giọng nói bất trị bất giác dịu dàng đi rất nhiều “Anh thấy khỏe hơn chưa?”

Anh mở miệng nói vài tiếng, tôi nghe không rõ, cuối đầu xuống nghe.

Anh nói: “Đi về… ngủ.”

Rốt cuộc vẫn quan tâm tôi, trong lòng hơi ấm áp, hốc mắt liền đỏ lên: “Em không đi đâu hết, chỉ ở đây với anh thôi.”

“Anh có… y tá.”

“Em biết.”

Bỗng dưng một cơn đau ập tới, anh cố sức cắn chặt răng, cả người cong lại, tay túm chặt ga giường, mồ hôi mướt trán.

“Không thoải mái hả?” Tôi lo lắng nhìn anh “Em đi gọi bác sĩ.”

“Không…” Anh thở dồn dập, giống như đang bị mắc đờm, muốn ho, nhưng họ không ra, ngực phát ra tiếng khục khặc, mặt đỏ bừng.

Tôi lao ra gọi y tá, y tá đi vào, chỉnh giường cao lên, ôm nửa người anh, nhẹ nhàng vỗ lưng anh, giúp anh nhổ đờm. Chật vật hơn 10 phút, anh sức cùng lực kiệt, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ.

Tôi vốn đã mệt mỏi chịu không nổi, nhìn anh yếu ớt bất lực mặt người ta làm gì thì làm, giống như có thể gặp chuyện không may bất cứ lúc nào. Tôi vừa lo vừa sợ, không còn thấy buồn ngủ nữa. Tôi đi xuống nhà ăn ở tầng hai ăn lót dạ, lại uống một ly cà phê nóng. Lúc về, thấy René trong phòng bệnh. Bên cạnh còn có một anh chàng cỡ 27, 28 tuổi mặc đồ hộ lý.

“René, đây là?” Tôi bưng cà phê, không thèm để ý người khác nghĩ gì, chỉ vào anh chàng kia mà hỏi.

“Hộ lý do anh Giang Hạo Thiên giới thiệu, tên là Tiểu Mục. Lúc bố ông ấy bệnh nặng nhờ cậu ấy chăm sóc, rất chuyên nghiệp và cẩn thận. Mình sợ y tá bận quá. Hơn nữa, lúc Alex bệnh cũng rất khó hầu hạ, tính tình rất khó chịu, còn hay giận dỗi. Lúc ở Zurich bố cậu ấy và Leo bị hành hạ dữ lắm. Chỉ có ông nội cậu ấy đến thăm dỗ dành một hai câu, may ra mới có tác dụng.

Tôi mỉm cười, mấy câu này hoàn toàn phù hợp với ấn tượng về Lịch Xuyên trong lòng tôi. Lịch Xuyên không muốn bất kỳ ai nhìn thấy anh lúc anh yếu ớt, nhất là tôi. Chuyện này thì anh vô cùng ngoan cố, tôi đã được lĩnh giáo nhiều lần rồi.

“Haiz, Tiểu Thu, mắt em như mắt gấu trúc rồi, mau về nhà ngủ một lát đi. Có anh ở đây rồi, mai em hẵng đến.”

Tôi kiên quyết lắc đầu: “Em lo lắm, không đi đâu cả, chỉ đợi ở đây thôi.”

“Đã bảy ngày bảy đêm em chưa ngủ đủ giấc rồi.” René nhìn tôi “Đừng để tới khi Lịch Xuyên hết bệnh, đến phiên em ngã xuống.”

“Không phải em không muốn ngủ, nhưng mà, lỡ may có chuyện gì ngoài ý muốn xảy ra…” Giọng tôi bắt đầu run run “Em sẽ không tha thứ cho chính mình!”

René suy nghĩ một chút, nói: “Như vậy đi. Ngoài phòng ICU có phòng nghỉ cho người nhà, em tới đó nằm nghỉ đi.”

“René,” Tôi đột nhiên nói “Em phải đi tắm một.”

/49

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status