Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 48 - Chương 48

/49


Type: Mộc Du

Ba năm trôi qua.

Tôi vẫn làm việc cho công ty dịch thuật Thu Thủy, nằm trên tầng 2 của một tòa nhà văn phòng. Tổng cộng có 10 nhân viên chính thức, còn lại đều là cộng tác viên. Tiền lương của tôi chỉ bằng một nửa ở Bắc Kinh, nghe nói vẫn thuộc hàng cao ở Côn Minh. Tôi thuê nhà trong khu chung cư gần công ty, một phòng khách một phòng ngủ, khá rộng, tiền nhà cũng không cao không thấp.

Sau khi Lịch Xuyên về Thụy Sĩ, tôi quyết định đem tình yêu với anh chuyển thành tình yêu dành cho người tàn tật và bệnh nhân ung thư trong nước. Mỗi tháng lãnh lương quyên góp 500 tệ cho quỹ dành cho người tàn tật, 500 tệ cho quỹ dành cho bệnh nhân ung thư, hoàn toàn là nặc danh.

Cho nên, mặc dù thu nhập của tôi xem như cao, nhưng cuộc sống của tôi chẳng dư dả gì, bình thường như ai. Phúc lợi của công ty dịch thuật này không thể so sánh được với Cửu Thông hoặc CGP, nhưng cường độ làm việc lại ngang nhau, không bao cơm trưa. Có lúc tôi ăn cơm hộp, có khi ăn mì gói, rất ít khi ra tiệm ăn, tiết kiệm hết mức.

Có lẽ là ăn quá nhiều mì gói, hơn nữa công việc bận rộn, cuộc sống thất thường, nên tôi bị xuất huyết dạ dày, nằm viện 12 ngày. Tiểu Đông đang học Tiến sĩ ở Học viện Y học, nghe tin liền chạy về thăm, chăm sóc tôi được 5 ngày, bị tôi đuổi về Quảng Đông.

Tôi giữ lời hứa, chưa từng chủ động gọi điện thoại cho Lịch Xuyên. Nhưng lâu lâu Lịch Xuyên vẫn gọi điện thoại cho tôi, có đôi khi còn gửi email, khoảng 2,3 tháng một lần. Sinh nhật tôi, anh vẫn gửi bánh quy chocolate tặng. Ngày lễ, Tết cũng sẽ gọi điện thoại hỏi thăm. Tóm lại chúng tôi vẫn là bạn bè.

Ít khi anh kể về tình hình của mình, có lẽ là có khi tốt có khi xấu.

Năm thứ hai sau khi về Thụy Sĩ. Lịch Xuyên tìm được tủy phù hợp liền lập tức sang Mỹ ghép tủy. Kết quả là có một đống biến chứng, hơn bảy tháng trời không gọi điện thoại cho tôi. Sau đó tôi hỏi anh bệnh tình sao rồi, anh nói khỏe hơn rồi, nhưng chưa ổn định. Bị bệnh quá lâu, anh không còn tin tưởng vào sức khỏe của mình nữa. Dù đang khỏe, nhưng bất kỳ lúc nào cũng có thể chuyển biến xấu. Ngoại trừ nghe lời bác sĩ ra, anh không hi vọng gì nhiều.

Lịch Xuyên tựa như bong bóng trong tay, dù đã bay lên trời, cho dù xa đến mức không còn nhận ra màu sắc, nhưng hễ kéo nhẹ, thì vẫn ở đó. Giữa tôi và anh, có thể rất lạnh, cũng có thể rất nóng, cũng có thể không lạnh không nóng, nhưng sợi dây liên kết, sẽ không bao giờ đứt.

Lâu lâu cũng nhắc lại vấn đề cũ: “Em thì sao? Move on chưa? Có bạn trai mới chưa?”

Tôi trả lời bâng quơ: “Em đã đồng ý move on với anh rồi, đương nhiên sẽ giữ lời. Anh hỏi nhiều làm gì? Em không thèm kể anh nghe để anh vui vẻ đâu.”

Yêu một người, yêu suốt mười năm trời. Trái tim của mình, bị đẩy xuống vực sâu hai lần. Chỉ muốn nửa đời còn lại bình an. Chữ yêu này, không bao giờ muốn nhắc đến nữa.

Độc thân cũng tốt. Tự do tự tại, không ai quản lý.

Tôi đón sinh nhật năm nay trong bệnh viện. Tiểu Đông mua cho tôi một cái bánh kem to đùng, chúng tôi ăn hơn một nửa, còn lại chia cho các bệnh nhân cùng phòng.

Kể ra cũng buồn cười, lúc Tiểu Đông tới bệnh viện thăm tôi, vô cùng không hài lòng với tình trạng của tôi. Hôm sau liền đi ra ngoài mua quần áo về tặng tôi: “Chị, 27 tuổi thì mặc đồ của người 27, được không? Đừng mặc đồ của người 72. Cũng phải chăm sóc tóc đi. Đừng cắt tóc ngắn như tổ quạ nữa, không biết nam hay nữ. Còn nữa, chị hút thuốc nhiều quá đó, mau cai đi.”

Người thân là thế. Người thân rất dễ thương. nhưng hay càm ràm. Tiểu Đông còn thêm một tật nữa, là ngang ngược. Nó nghèo rớt mùng tơi, còn đòi đưa hai ngàn tệ cho tôi. Cháo nấu dở muốn chết, tôi vẫn phải cố cười mà ăn. Nó ở năm ngày, tôi chỉ muốn nó về nhanh một chút.

Xuất viện, nhận được một đống tin nhắn của Lịch Xuyên.

Tin thứ nhất: “Tiểu Thu! Sinh nhật vui vẻ! Anh gửi quà cho em đó, em nhận được chưa? Hy vọng em thích.”

Tin thứ hai: “Tiểu Thu, em đi công tác hả? Tại sao bảy ngày liên tục không có ai nghe điện thoại, ngay cả email cũng không trả lời?”

Điện thoại của tôi chỉ lưu được hai mươi tin nhắn, ngập cả hộp tin.

Dù là bệnh nhân, vẫn thiếu kiên nhẫn như xưa. Tôi cười khổ, xóa hết tin nhắn.

Ngày đầu tiên sau khi xuất viện, tôi liền đi làm. Tôi làm ở phòng tiếng

Anh, vô cùng tích cực. Lương tính theo năng suất, dịch càng nhiều, tiền thưởng cuối năm càng nhiều, cho nên tôi bạt mạng kiếm tiền.

Vất vả cả ngày, tôi đạp xe về nhà. Ngoài trời đang mưa, hiên nhà tối đen, tôi thấy có người, yên lặng đứng đó, dáng vóc quen thuộc.

“Hi, Tiểu Thu!”

Tôi hoảng sợ, vỗ tay, đèn cảm ứng tiếng động sáng lên, tôi nhìn anh.

Lịch Xuyên vẫn đẹp trai. Râu cạo sạch sẽ, hơi gầy, nhưng vẫn tốt hơn lúc rời Côn Minh nhiều, khí sắc cũng tốt hơn. Anh chống nạng đôi, dưới chân có một vali cỡ trung.

Tôi ngơ ngác nhìn anh, không biết là mơ hay thật, đầu óc trì độn. Anh cười với tôi, nhưng tôi cứ ngơ ngác.

Kể từ khi Lịch Xuyên rời đi, tôi sống không có quy luật, gần như trở lại thời nguyên thủy.

Thấy tôi vẫn ngây ngốc không nói gì, Lịch Xuyên nói: “Xin lỗi, không thông báo trước với em, anh tìm em không được, nghĩ là em xảy ra chuyện, gọi điện thoại tới công ty dịch thuật, họ nói em bị xuất huyết dạ dày phải nhập viện.”

“À, em khỏe rồi.” Tôi nói.

“Xuất viện hồi nào?”

“Hôm qua.”

“Em vừa xuất viện liền đi làm? Cả ngày trời?”

“Ừ.”

Áo mưa vẫn nhỏ nước tí tách.

“Cởi áo mưa ra đi.” Anh nhỏ nhẹ nói, sau đó giúp tôi kéo áo mưa lên từ đỉnh đầu.

Đèn cảm ứng lại tắt, tôi giậm chân mấy cái.

Dáng vẻ tôi xơ xác, tóc lại cắt ngắn ngủn, rối bời. Lịch Xuyên nhìn tôi, nói: “Sao?Không tính mời anh vào nhà hả?”

“Có chứ.” Tôi nói: “Đợi chút, em tìm chìa khóa đã.” Tìm mãi cũng không thấy. Bực mình, tôi ngồi xổm trên đất, dốc ngược túi xuống, đổ ra một đống đồ linh tinh: ví tiền, tiền xu, son môi, son dưỡng, giấy ăn, khăn giấy, băng vệ sinh, nửa gói ô mai, kẹo cao su, nửa gói thuốc lá, bật lửa, gương bỏ túi, một chai nước khoáng, hai cây bút bi, một cây bút chì, di động... đang tính tìm đèn lại tắt. Lần này là Lịch Xuyên vỗ tay đèn sáng lên.

Tôi tìm được chìa khóa, mở cửa, bật đèn phòng khách

“Mời vào.”

Lịch Xuyên kéo vali đi vào, đứng giữa phòng, nhìn quanh một lượt, hít một hơi thật sâu.

Số là, một hai tháng tôi mới dọn phòng một lần. Trên sàn, mặt bàn, giá sách, đều bám đầy bụi. Vì không muốn người ta vừa nhìn liền nhận ra, nên bình thường tôi chỉ mua đồ gia dụng màu xám. Trên sô pha đầy quần áo bẩn, sàn đã lâu chưa lau, mấy chiếc dép vứt chỏng chơ, thêm chiếc tất bẩn vắt vẻo.

Tôi quơ tay, gạt chiếc tất bẩn qua một bên, chừa ra chỗ ngồi không rộng bao nhiêu: “Mời ngồi.”

Lịch Xuyên không ngồi mà hỏi: “Em ngại anh cởi chân giả ra bây giờ không?”

“Không.”

Lúc anh từ phòng ngủ đi ra, chỉ còn một chân.

Tôi đột nhiên nhớ ra, Lịch Xuyên từng nói, nếu bệnh ung thư tái phát, rất có khả năng sẽ bị cắt tiếp chân kia, liền hỏi: “Lịch Xuyên, chân của anh… là thật à?”

Anh lắc đầu: “Không phải.”

“Còn lại bao nhiêu?” Tôi sợ quá, liền chạy tới sờ chân anh.

“Chọc em thôi.” Anh sờ đầu tôi “Đương nhiên là thật. Anh chưa xui xẻo tới mức đó.”

Tôi thở dài nhẹ nhõm, ngồi sụp xuống sàn nhà.

“Tiểu Thu trong nhà lung tung quá, anh phải dọn dẹp cho em một chút. Cây lau nhà ở đâu? Giẻ lau ở đâu? Anh kéo tôi đứng dậy, để tôi ngồi lên sô pha.

“Trong bếp.”

Anh vào bếp, liền đi ra ngay, sém chút nữa hét ầm lên: “Tiểu Thu, trong bếp có gián.”

“Anh sợ hả?”

“Có thuốc xịt gián không?”

“Không.” Sau đó tôi nghe thấy tiếng bẹp bẹp: “Vậy đành phải dùng sức người vậy.”

Lịch Xuyên lớn lên ở khu nói tiếng Đức, luôn theo thói quen kỷ luật của người Đức, rất sạch sẽ. Anh dọn dẹp phòng khách, mất một tiếng dùng khăn mềm lau từng góc phòng. Lau sàn ba lần, tôi sợ anh trượt chân, đòi giúp, anh không cho. Quần áo thì phân loại bỏ vào hai giỏ riêng.

Lúc lau nhà, anh lôi ra hai con gián. Đã bị anh dùng nạng đập bẹp dí.

“Vậy em làm gì?”

Anh ném cho tôi điều khiển tivi: “Xem tivi.”

Anh dọn dẹp bếp, rửa sạch sẽ mớ chén tôi ăn sáng quên rửa. Mặc dù bếp nhỏ, nhưng hơi bẩn, anh mất hơn hai tiếng mới lau chùi sạch sẽ.

“Tiểu Thu, mỗi lần nấu ăn xong, phải chà đít nồi, nếu không sẽ bị đen.”

Tôi choáng váng, đít nồi đen sẵn từ trước tới giờ mà, nên người ta mới nói đen như đít nồi chứ. Không thèm tranh luận với anh, dù gì cũng chỉ ở mấy ngày, mọi chuyện sẽ trở lại như cũ, nên buộc miệng: “Biết rồi, biết rồi.”

Qua một hồi lâu vẫn không thấy ra khỏi bếp, tôi hỏi: “Anh làm gì vậy? Lâu quá mà chưa xong?

“Chà gạch men, gạch dính dơ.”

“Đúng là tự hành xác, nhưng dù sao cũng là tạo phúc cho nhân loại, anh từ từ làm đi.”

Anh lấy dao nhỏ cạo rột rột. Mệt gần chết.

Rốt cuộc, hình như làm xong rồi, anh lại hỏi: “Em ăn cơm chưa?”

“Chưa, anh thì sao?”

“Cũng chưa. Anh đứng bên ngoài đợi em lâu lắm đó.”

“À. Vậy anh đặt khách sạn chưa?”

“Ở lại chỗ em được không?”

“Cái gì?” Tôi nhảy dựng lên, vọt vào bếp la anh: “Vương Lịch Xuyên, chỗ của em, anh muốn tới thì tới, muốn ở thì ở hả?”

“Gì mà dữ vậy?” Anh nói: “Anh hỏi em, lần trước em đi Zurich, anh cho em ở chỗ nào? Có qua có lại, đúng không? Anh không có ý gì khác, bệnh của em chưa khỏi hẳn, anh sang đây, vì muốn chăm sóc em một thời gian.”

“Liên quan gì tới anh? Em kêu anh chăm sóc hồi nào?” Tôi lại gào thét,

“Em khỏe lại từ lâu rồi!”

“Sao tức giận dữ vậy?” Anh đè vai tôi xuống, “Nhìn em kìa, còn nói hết bệnh rồi. Vừa tức giận là mặt mũi trắng bệch, không có tí huyết sắc. Ngồi xuống, ngồi xuống.”

Tôi thở phì phì ngồi xuống, anh tiếp tục nói: “Trước kia toàn là em chăm sóc anh. Lần trước em gãy xương, anh chàng tiến sĩ ngày nào cũng ngồi cạnh em, không tới lượt anh. Lần này ít nhiều cũng phải có phần của anh chứ?”

Không nhắc chuyện gãy xương thì thôi, nói tới tôi càng giận: “Sao anh biết em không có người khác?”

Anh có tật giật mình, cười: “Gọi điện thoại cho công ty dịch thuật, đồng nghiệp của em nghe máy. Cô ấy nói em rất khó tính, tới bây giờ cũng không có bạn trai. Bị bệnh không có ai chăm sóc. Em trai em chỉ ở lại vài ngày rồi đi.”

Tôi tức giận nói: “Mệt ghê, ai nhiều chuyện dữ vậy? Mấy chuyện đó kể anh nghe làm gì?” Thẳng thắn mà nói, tôi không ngờ mình nhanh chóng gia nhập hàng ngũ quá lứa lỡ thì quá nhanh. Công ty dịch thuật, ngoại trừ giám đốc ra thì đều là người trẻ tuổi, mọi người đều gọi tôi là “chị Thu”. Nghe tưởng người ta kính trọng người có thâm niên, nhưng tôi cứ cảm thấy sau đó có chút ý trào phúng. Thật ra có một nguyên nhân quan trọng làm tôi về Côn Minh, chính là trốn tránh Ngải Tùng. Sau khi từ Gia Châu về, anh ta gọi điện thoại cho tôi rất nhiều lần, còn nói dối là đi họp, một mình bay đến Côn Minh thăm tôi. Thấy tôi hoàn toàn không thích, cứ lảng tránh, nên mới buông tha.

“Anh nói anh là chú em, sống ở nước ngoài. Ba mẹ em đều đã mất, nên anh là người lớn trong nhà. Huống chi, trong toilet có nửa hộp bao cao su hiệu Zurich. Quá hạn ba năm rồi, em cũng không chịu vứt đi.”

“Em giữ lại làm bao tay cao su. Khi nào chùi rửa gì đó thì mỗi tay mang một cái.”

Anh cười to, một cái chén rơi xuống, vỡ đánh “cạch”.

“Oops!”

Lịch Xuyên dọn dẹp phòng khách và bếp xong, nhà tôi có thể sánh ngang với khách sạn 5 sao về mức độ sạch sẽ.

Buổi trưa bận quá, tôi chưa kịp ăn cơm, đợi tới khi thấy đói, đã là 4 giờ chiều. Chạy qua tiệm cơm đối diện công ty, mua một hộp, lùa vội mấy miếng. Chẳng còn món gì ngon, chỉ có mấy miếng xương gà gì đó, tôi vội vội vàng vàng nuốt xuống, đến bây giờ vẫn nhợn bụng.

Toilet là chỗ sạch nhất trong nhà, vì tôi chỉ chú ý phương diện vệ sinh cá nhân. Lịch Xuyên dọn dẹp chưa tới 10 phút. Anh đi ra hỏi tôi: “Trong tủ lạnh có thức ăn không? Anh đói bụng muốn nấu cơm.”

“Không có. Có mì ăn liền, đủ hiệu. Hương vị Hàn Quốc cũng có.”

Anh đang tính nói tiếp, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa.

Chúng tôi cùng nhau ra mở cửa, là bà Quan nhà đối diện. Bà Quan hơn 60 tuổi, sống cùng con trai và cháu gái. Chúng tôi khá thân. Bà bưng một cái tô to, thấy Lịch Xuyên hơi giật mình.

“Bà Quan!”

“Haiz, Tiểu Thu, mới xuất viện à?”

“Dạ.”

“Nghe nói là xuất huyết dạ dày, có sao không?”

“Không sao, cảm ơn bà quan tâm.”

“Dạ dày không khỏe, đừng ăn đồ lung tung. Thanh niên tụi con chỉ biết làm việc, không chú ý sức khỏe. Bà nấu cho con một tô cháo thịt bằm, có rau xắt nhỏ nữa, con ăn cháo vài ngày cái đã, đợi tới khi dạ dày lành hẳn rồi hãy ăn cơm. À, cậu này là...”

Tôi không biết nên giới thiệu Lịch Xuyên như thế nào liền nói: “Dạ… đây là anh Vương, là giúp việc theo giờ con mới mướn, đến dọn dẹp nhà cửa giúp con.”

“À à, cháu Vương nhờ cậu.”

Trò chuyện thêm vài câu, tôi những cháo, cảm ơn, vào lại trong nhà, chia cho Lịch Xuyên một chén, tôi ăn phần còn lại.

Cháo bà Quan nấu thật thơm!

Lịch Xuyên nhìn vẻ mặt hưởng thụ của tôi, cười khổ nói: “Em thường ăn chực cơm nhà người ta hả?”

“Ừ… em dạy thêm tiếng Anh cho cháu của bà, mấy lần thôi. Kém xa số lần ăn chực.”

Ăn xong, Lịch Xuyên đi rửa chén, tôi ngồi ngay ra trong phòng khách xem tivi, trò chơi truyền hình chán ngắt, tôi ngáp lên ngáp xuống.

Tôi cảm thấy, gặp lại Lịch Xuyên sau nhiều năm, tôi không hề xúc động, không hề hưng phấn nữa, chỉ chết lặng.

“Anh tắm giúp em.” Lịch Xuyên nói.

Anh dìu tôi vào phòng tắm, trong khoảnh khắc, loã thể đứng trước mặt nhau. Tôi nhìn anh, thở dài một hơi, nói: “Bồn tắm trơn lắm, anh cẩn thận một chút.”

“Vậy em đỡ anh đi.”

Tôi nhẹ nhàng vòng tay quanh người anh, đầu tựa lên ngực anh. Anh vẫn đeo chiếc vòng ngọc trừ tà tôi tặng anh, miếng ngọc đã lên nước sáng bóng. Tôi ngậm vào miệng, mặn đắng.

Lịch Xuyên nhẹ nhàng gội đầu cho tôi, gội đi gội lại, còn rửa vành tai cho tôi.

“Mấy ngày chưa gội rồi?” Anh hỏi tôi.

“Không nhớ nữa.” Tôi ngáp liên tục.

“Mệt à?”

“Ừ.”

“Đi ngủ sớm đi.”

Chúng tôi đi vào phòng ngủ, chăn mền không gấp, vẫn y hệt lúc tôi dậy buổi sáng. Lịch Xuyên vừa leo lên giường, lại lôi tôi xuống: “Giường không sạch.”

“Không thể nào, em mới dọn hôm qua xong mà.”

“Có vụn bánh quy và khoai tây chiên.”Anh đi tìm ga giường.

“Hay anh thay cả ga giường và bao gối luôn đi.” Tôi chỉ chỗ cất cho anh. Đúng là thiếu gia, sao mà khó hầu hạ dữ vậy không biết.

Quả nhiên anh liền thay ga giường sạch bong.

Tôi chui vào chăn, Lịch Xuyên ôm tôi thật chặt, hôn lên mặt tôi. Tôi ngây người nhìn anh, không động đậy. Một lát sau, tôi nói: “Lịch Xuyên em buồn ngủ.”

Anh dịu dàng vuốt ve tôi, nhẹ nhàng nói: “Tiểu Thu… không lẽ chuyện này, em cũng quên rồi à?”

“Quên rồi. Theo anh nhiều năm, chỉ số thông minh của em bằng con ruồi rồi.”

Nửa đêm, Lịch Xuyên nằm trong lòng tôi khóc, nói: “Anh xin lỗi, Tiểu Thu, anh sai rồi. Anh làm em lỡ làng quá nhiều năm.”

Hôm sau ngủ dậy, Lịch Xuyên đã rời giường. Anh đi mua đồ ăn sáng.

Anh nói một lát sau anh mới ăn được. Anh vẫn phải uống thuốc cứng xương.

8 giờ rưỡi tôi đi làm, anh tiễn tôi tới cổng công ty, đưa tôi cái túi nhỏ, trong túi có mấy hộp nhỏ: “Lunch của em.”

Tôi cầm lấy, hỏi: “Trong tủ lạnh không có thức ăn, anh nấu bằng gì vậy?”

“Chợ họp từ sáng tinh mơ, anh ra ngoài mua, còn nhờ bà cụ nhà đối diện chỉ cách nấu cháo. Hy vọng em thích.”

“Cảm ơn anh.” Tôi đi làm, Lịch Xuyên về nhà, anh nói phải dọn dẹp tiếp.

Tôi rất muốn hỏi anh định ở lại đây bao lâu, nhưng Lịch Xuyên lúc nào cũng vậy, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, hỏi cũng như không, nên không hỏi nữa.

Buổi trưa Lịch Xuyên gọi điện thoại hỏi tôi: “Ăn lunch chưa?”

“Ăn, ăn lâu rồi.”

“Em có hâm không?”

“Không, sao phải hâm?”

“Sao không cần hâm? Em đúng là đồ con ruồi!” Anh tức giận tắt máy.

Lúc ăn trưa tôi mở hộp cơm ra, đồng nghiệp ai cũng ngạc nhiên. Hai mặn một cháo, một rau một thịt, còn có salad hoa quả và tráng miệng. Tay nghề của Lịch Xuyên làm tôi kinh ngạc biết bao.

5 giờ rưỡi tan tầm cùng với đồng nghiệp, thấy Lịch Xuyên đứng ngay cổng chờ tôi.

Anh bắt tay với đồng nghiệp của tôi, tự giới thiệu nửa đùa nửa thực: “Xin chào, tôi là Vương Lịch Xuyên, là giúp việc theo giờ của cô Tạ, phụ trách dọn dẹp, nấu cơm và đưa đón.”

Tôi xấu hổ muốn chết. Vì Lịch Xuyên mặc vest, mang giày da, vô cùng chỉn chu, anh đứng ngay đó, ai cũng tưởng là có đoàn phim đến quay phim.

Lịch Xuyên lái xe đưa tôi về nhà, cơm tối đã bày sẵn trên bàn. Ba mặn một canh, tôi vẫn phải ăn cháo.

“Em xem, như vầy, là sống có quy luật rồi đúng không?”

“Đúng vậy.” Tôi liền gật đầu.

Ăn cơm xong, anh nắm tay tôi ra ngoài đi dạo, nói: “Sao chân em vẫn hơi cà thọt vậy.”

Tấm nẹp trong đùi tôi, sau 1 năm mới được tháo ra, bác sĩ nói xương liền rồi. Tôi vẫn rất thích tập thể dục, ngày nào cũng đạp xe đi làm.

“Sao em không thấy. Cũng đâu có ai nói gì đâu.”

“Chỉ có một chút, một chút xíu thôi.”

“Vậy vẫn là tàn tật.”

“Anh đưa em qua Thụy Sĩ mổ.”

“Em không đi đâu hết.”

Vào lại nhà, anh cầm một chiếc giỏ nhỏ, trong đó đựng chocolate và một túi bánh quy to do anh tự làm, kéo tay tôi qua gõ cửa nhà đối diện.

Anh trả tô đựng cháo cho bà Quan, đưa cho bà giỏ quà, đưa thêm hai bao lì xì, trịnh trọng cảm ơn bà, còn nói: “Bà ơi, lúc con không ở đây, cũng nhờ bà chăm sóc cho Tiểu Thu. Đây là quà gặp mặt con tặng cho cháu gái, bà nhận giùm con.”

“Ôi, khách sáo quá rồi. Đưa 2 bao lì xì làm gì, bà chỉ có một đứa cháu gái thôi.”

“Dạ bao này con gửi bà, chỉ là chút lòng thành, để bà mua quần áo mặc ạ.”

Bà Quan vui vẻ nhận, còn hỏi: “Lịch Xuyên à, con mặc toàn đồ mắc tiền, không lẽ con là người giúp việc theo giờ thật à?”

“Dạ đúng vậy ạ.”

“Vậy một tiếng bao nhiêu tiền?”

“Cháu… đó là nghĩa vụ ạ.”

Bà Quan cuối cùng hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nở nụ cười, nói: “Tiểu Thu, con có phúc quá nha!”

“Không phải cô ấy có phúc mà là con có phúc.” Lịch Xuyên mỉm cười chỉnh lại.

Chúng tôi nắm tay nhau về nhà, Lịch Xuyên đưa cho tôi một tờ giấy.

Tôi nhìn nhìn, trên đó có mười bài toán.

“Cho em 10 phút, em có thể giải hết không?”

“Gì vậy, em đâu còn nhớ gì về đại số nữa.”

“Em là thủ khoa đại học của Cá Cựu mà.”

“Được rồi.”

Anh ấn đồng hồ, tôi cầm bút, 5 phút liền làm xong. Lịch Xuyên nhìn đáp án, nói: “Chỉ số IQ vẫn rất cao, không biết có vấn đề ở đâu. Sao nhìn em cứ ngơ ngơ ngáo ngáo vậy.”

Tôi cầm điều khiển, tiếp tục xem tivi.

Lịch Xuyên ôm tôi, tôi liền dựa vào lòng anh, xem phim tình cảm khóc lóc sướt mướt. Buổi tối, chúng tôi lên giường sớm, Lịch Xuyên rất dịu dàng, chúng tôi lại ngọt ngào như xưa.

Đang trêu đùa nhau, dưới gầm giường bỗng nhiên có tiếng rột rột, Lịch Xuyên nhìn trần nhà thở dài: “Tiểu Thu, trong nhà ngoài dán ra, còn có chuột nữa à?”

“Ừ, có hai con, hình như là vợ chồng. Em còn cho tụi nó ăn bánh quy. Kỳ cục, sao hôm nay chỉ nghe tiếng của một con à?”

“Thôi xong.” Lịch Xuyên vội vàng lấy tay bịt mắt tôi lại.

“Anh bắt một con? Đập chết rồi?”

“Lúc sáng…” Người nào đó không dám nói tiếp.

“Lịch Xuyên, anh không có lương tâm. Con ở dưới giường, chắc là đang hát.”

“Hát bài gì?”

“Tình là chi hỡi thế gian, câu thể sinh tử đang mang một đời…” (*)

(*) Câu thơ mà nhân vật Lý Mạc Sầu trong tiểu thuyết “Thần Điêu Hiệp Lữ” của Kim Dung hay đọc.

“Nó hát kệ nó, mình cứ làm chuyện mình.”

Hôm sau, Lịch Xuyên vẫn đưa tôi đi, vẫn đưa tôi một đóng hộp cơm như hôm qua. Lần này, trên mỗi hộp đều dán một tờ giấy:

“Mình là cháo thịt số 1, nhớ hâm 1 phút.”

“Mình là cà tím số 2, nhớ hâm 45 giây.”

“Mình là cá kho số 3, nhớ hâm 30 giây.”

“Mình là salad hoa quả số 4, ăn liền, không cần hâm.”

Mấy cô đồng nghiệp nữ hâm mộ quá, nói Lịch Xuyên biến công ty thành nhà trẻ.

Lúc tan tầm thấy Lịch Xuyên, ai cũng nói: “Tiểu Thu, phụ huynh tới đón kìa.”

Theo tôi được biết, từ nhỏ đến lớn, Lịch Xuyên đều được người ta phục vụ, chưa phục vụ ai bao giờ. Sau đó, ngày nào Lịch Xuyên cũng làm như vậy, tôi nghĩ, không biết thiếu gia có thể kiên trì bao lâu.

Một năm trôi qua, mà anh vẫn làm như vậy, mỗi ngày tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, loại hạnh phúc rạng ngời.

Đương nhiên, hạnh phúc của tôi trước nay không lâu bền. Lần này Lịch Xuyên về, tôi cũng không ôm nhiều hy vọng.

Chúng tôi chìm trong ngọt ngào mà không hi vọng gì cả năm trời. Hạnh phúc vô cùng. Năm đó, Lịch Xuyên không làm việc, không vẽ một bản vẽ nào. Ngoại trừ nấu cơm, đưa đón tôi đi làm, đi dạo với tôi, đi xem phim ngoài rạp ra, anh không làm gì nữa.

Chỉ có điều, nhà tôi trong chung cư chật chội, Lịch Xuyên cử động không tiện lắm.

Cuối cùng, có một ngày, tôi nói với anh: “Lịch Xuyên, hay mình không ở đây nữa. Tìm một căn nhà rộng hơn chút ở đi.”

Anh lập tức cầm bút lên, nói: “Tìm cái gì? Để anh vẽ cho em. Muốn kiểu gì, em nói đi.”

“Rộng một chút.”

“Chỉ có yêu cầu này thôi à?” Buồn bực.

“Ừ. Trong phòng tắm phải lắp các thiết bị an toàn.”

“Còn có yêu cầu nào khác không?”

“Không.”

Hai ngày sau, Lịch Xuyên đã thiết kế xong một ngôi nhà hai tầng màu trắng, anh vẽ tay từng chi tiết, đưa tôi xem từng tờ một.

“Có rườm rà quá không?” Tôi nhíu mày “Công ty nào chịu xây một căn nhà như vầy cho anh.”

“Ví dụ như, công ty của anh?”

“À… Vậy anh sẽ mệt lắm. Sức khỏe của anh không tốt, không làm mấy việc này được.”

“Không mệt.” Anh vui vẻ nói.

“Không được, anh còn phải nấu cơm cho em nữa.”

“Cũng đúng.” Anh trầm tư, sau đó vào phòng ngủ gọi điện thoại, lúc trở ra nói với tôi: “Anh Tế Xuyên nói sẽ tìm người đến xây giúp anh, điều kiện là anh ấy và René phải được thiết kế một phần.”

“Được, em không có ý kiến.”

“Anh có ý kiến,” Anh nghĩ nghĩ, mắt sáng lên “Anh cho hai người đó thiết kế tầng hầm.”

“Lãng phí tài năng quá nha. Haiz!”

Ba tháng nữa trôi qua, Lịch Xuyên vẫn làm giúp việc theo giờ, một ngày ba bữa, bữa nào cũng do anh nấu. Lúc về nhà tôi chỉ biết xem tivi và đọc tiểu thuyết. Lâu lâu rửa chén một lần, còn bị ai chê là chưa sạch, anh đem đi rửa lại.

Nhà của chúng tôi nằm ở khu dân cư tựa chân núi, trong khu đó có rất nhiều nhà, nhà của chúng tôi là căn nhà đẹp nhất. Lúc xây xong, Lịch Xuyên dẫn tôi đi xem, trên đường về anh hỏi tôi thích không, tôi nói:

“Tầng trên tầng dưới gì em đều thích hết! Vườn hoa em cũng thích!”

“Thích chỗ nào nhất?”

“…Tầng hầm.”

Lịch Xuyên đau khổ nói: “Xong rồi, anh bị đã kích… phải tìm anh của anh tính sổ mới được.”

Tôi cảm thấy, cần phải an ủi anh.

Hôm đó, trời xanh nắng ấm, gió thổi vi vu.

Tôi hỏi anh: “Lịch Xuyên, hôm nay đẹp trời quá nhỉ?”

“Đúng vậy.”

“Hôm nay có phải là ngày lành không?”

“Đúng luôn.”

“Vậy hôm nay, mình đi đăng ký kết hôn được không?”

Giật mình, im lặng.

Một lát sau, anh khó xử nói: “…Nhất định phải đăng ký hả? Cứ tiếp tục như vầy không được sao? Không phải anh không muốn, anh chỉ sợ mình chết sớm, em lại thành quả...”

“Anh nghiêm túc chút coi.” Tôi không vui.

“Ừ.”

“Ừ là sao?”

““Ừ” nghĩa là được, nếu em kiên quyết đòi đăng ký thì anh không có ý kiến.”

“Nói vậy mà nghe được hả? Không quỳ xuống cầu hôn hả?” Không công bằng, sao lúc nào tôi cũng thiệt hết vậy! Sau này anh sẽ nói là, tại tôi đòi lấy anh.

“Người ta chỉ có một chân… em thông cảm chút đi mà”.

Tôi kéo anh đến Cục dân chính. Người phụ trách làm thủ tục kết hôn là một bác gái trung niên, nhìn hiền dịu.

“Có đủ giấy tờ chưa? Có ảnh chụp không?”

Tôi lấy giấy tờ từ trong túi ra: “Đây là hộ khẩu, chứng minh thư của cháu. Anh ấy là người nước ngoài, đây là hộ chiếu và thẻ tạm trú của anh ấy. Đây là bản sao, còn có ba tấm hình 2x3 chụp chung gần đây.” Thật ra ảnh chụp chung không phải mới chụp mà là ảnh từ mười năm trước. Tôi lấy tờ giấy ra, có cảm giác như mình đã âm mưu từ trước.

Bác gái kiểm tra giấy tờ xong, thấy nãy giờ Lịch Xuyên không nói gì, hỏi tôi: “Cậu ta không biết nói tiếng Trung à?”

“Dạ biết… anh ấy xúc động quá, nên nói không nên lời đó mà.” Tôi kéo tay anh, tỏ ra thân mật.

“Cậu ta là người Thụy Sĩ, phải nộp thêm “Giấy chứng nhận độc thân” có công chứng nữa, để chứng minh cậu ta chưa kết hôn.” Bác gái rất rành thủ tục.

Tôi và Lịch Xuyên đều trợn tròn mắt.

“Thấy chưa, đã bảo em đừng đi mà em một hai đòi đi.” Anh nghiêm túc nhìn tôi “Bây giờ thấy phiền chưa?”

“Lịch Xuyên, đừng nói với em là anh có vợ rồi nha?” Tôi nổi điên.

“Làm gì dám?”

Anh lấy di động ra bấm số.

- Anh, em cần “Giấy chứng nhận độc thân” có công chứng.

- Anh nói thử xem dùng làm gì?

- Gấp nha!

- Ừ, vậy nhé.

Bốn câu là dặn dò xong, anh tắt máy, nói với tôi: “Hôm nay anh trai anh đi làm, tối bay, mai tới Côn Minh.”

“Được rồi, hiệu suất rất cao.” Tôi tặng bác gái một hộp chocolate Thụy Sĩ

“Cô ơi, ngày mai tụi cháu lại đến.”

Hôm sau, tôi vẫn đi làm bình thường, đến chiều, chúng tôi tay trong tay, lại đến Cục dân chính. Lịch Xuyên nói, René và Tế Xuyên đều đến, sẽ cầm

“Giấy chứng nhận độc thân” đứng trước cổng Cục dân chính chờ chúng tôi. Tới cổng quả nhiên thấy hai người đều mặc lễ phục nghiêm túc. Tôi và Lịch Xuyên chỉ mặc đồ bình thường.

Tôi hơi buồn bực, nói với Lịch Xuyên: “Đáng lẽ mình phải mặc trang trọng hơn, đúng không?”

“Không cần. Hai đứa mình mặc gì cũng là trai tài gái sắc hết.”

Mọi người ôm nhau, René và Tế Xuyên chúc mừng chúng tôi. Tôi và Lịch Xuyên đi vào làm thủ tục kết hôn. Lúc đi ra, tôi phát hiện ngoài cổng có rất nhiều người, già có trẻ có, nam có nữ có, còn có người nước ngoài, tất cả đều mặc lễ phục trang trọng. Ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt kích động.

Tôi quay đầu nhìn Lịch Xuyên, phát hiện Lịch Xuyên cũng giật mình.

Sau đó, hai cô bé con lai độ tuổi học sinh cấp 3 bỗng nhiên hét to lên: “Alex! Tiểu Thu! We love you!”

Lịch Xuyên gật đầu với hai cô bé đó, kéo tay tôi nói: “Tiểu Thu, để anh giới thiệu người nhà và họ hàng của anh.”

Chân tôi run run, trước mặt có tới hơn 30 người lận. Tôi hỏi nhỏ: “Đông quá… toàn bộ người nhà anh à?”

“Chỉ một nửa thôi… những người thân nhất đều đến hết.”

“Đây là ông bà ngoại.” Hai ông bà cụ rất hiền “Khăn quàng cổ của em do bà ngoại đan. Bà ngoại có tổng cộng năm cháu trai, bà đan cho mỗi cháu dâu một chiếc khăn, cả René cũng có một cái. Ha ha.”

Bà ngoại Lịch Xuyên là người Pháp, ôm tôi nói một tràng tiếng Pháp, sau đó hôn má tôi liên tục.

“Đây là ông bà nội và bố anh.”

Tôi đã biết ông nội Lịch Xuyên từ trước, ông cụ cười haha mấy tiếng, nói: “Thì ra Annie chính là Tiểu Thu! Chết rồi, ông vừa gặp đã đắc tội cháu rồi. Không sao, sau này ông sẽ dẫn cháu đi chơi khắp Zurich. Cháu đừng đi theo Lịch Xuyên, về mặt ăn chơi, ông là số một trong nhà họ Vương.” Bố Lịch Xuyên cũng cao gầy, nhìn ra được, lúc còn trẻ ông cũng rất đẹp trai. Bà nội anh thì không cao lắm, hơi mập, mái tóc bạc hơi quăn, cười tươi hớn hở, rất dễ gần. Bà nội nắm chặt tay tôi không buông, nói liên tục: “Cháu dâu của bà vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, mấy năm nay Lịch Xuyên có lỗi với con, Lịch Xuyên đúng là rất có phúc.”

Lịch Xuyên giới thiệu từng người một: “Đây là chú, bác, cậu... đây là em họ, cháu gái của anh…”

Mọi người đều chúc mừng tôi, ôm tôi.

Tiếp theo, tôi thấy có một thằng nhóc đeo ba lô chạy tới: “Chị! Chị!”

A… Tiểu Đông!

“Tiểu Đông, sao em lại tới đây?”

“Có người gọi điện thoại tới văn phòng khoa em, nói đã đặt vé máy bay cho em rồi, kêu em về dự đám cưới của chị… Em nghe không hiểu tiếng Trung của người đó, chắc là anh rể.”

Tôi sờ đầu nó, nói: “Không phải anh rể đâu, là René.”

Lịch Xuyên cười bắt tay với nó: “Chắc em là Tiểu Đông, anh là Lịch Xuyên. Chị em luôn nhắc tới em, cuối cùng cũng gặp nhau.” Ngay sau đó, lại có một chiếc taxi trờ tới, bốn người đi xuống xe cũng là người quen của tôi và Lịch Xuyên.

Chúng tôi vội vàng đi đến chào: “Dì! Dượng! Chị họ! Anh rể!”


/49

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status