Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 7 - Chương 7

/49


Đi tàu điện xong phải bắt xe buýt, nửa tiếng sau tôi mới về đến ký túc xá. Vì hôm nay thi, nên tất cả mọi người đều dậy sớm.

Phòng tôi thường hay có người đi qua đêm. Một là, trừ tôi và Tiêu Nhụy ra, những người còn lại đều là dân Bắc Kinh, nên họ thường về nhà. Hai là, Tiêu Nhụy cũng có bà con ở Bắc Kinh, họ thường kêu Tiêu Nhụy ở chơi qua đêm. Tuy tôi không có bà con ở đây, nhưng chưa từng có ai hỏi tôi chuyện tôi có bà con ở Bắc Kinh không. Đêm nào tôi cũng về trễ, mọi người đã quen rồi.

“Sắp thi rồi sao hôm qua không nghỉ làm sớm?” Ninh An An đến gần hỏi.

“Tan ca xong tôi đi xem phim suốt đêm.”

“Cậu học hết rồi chứ gì?”

“Tôi mệt quá, muốn thư giãn một chút.”

“Khi thi môn nghe tôi ngồi cạnh cậu được chứ?” Ninh An An hỏi nhỏ, “Máy walkman của tôi hỏng rồi, dạo này tôi ít nghe băng lắm.”

“Thi rớt thì đừng trách tôi.”

“Để tôi đi mua đồ ăn sáng cho cậu. Đúng rồi, tối nay trong phòng có party, mấy anh phòng 301 đến đây chơi.”

Lại là hoạt động “phòng kết nghĩa”.

“Cần mua gì không? Có cần tôi góp gì không?” Tối nay không đi làm, tôi phải tranh thủ tham gia hoạt động tập thể.

“Tối qua cậu không về, mọi người góp xong rồi. Phòng ngủ cũng được quét dọn sạch sẽ rồi. Phùng Tĩnh Nhi nói, để cậu đi lấy nước.”

“Được rồi.” Tôi cố gắng hòa đồng.

“Hôm qua anh Tu có đến tìm cậu mấy lần.”

“Buổi tối tôi phải đi làm.”

“Ban ngày mà.”

“À. Tôi không gặp.”

“Anh ấy lấy nước nóng cho cậu kìa.”

“Vậy ngại quá.” Tôi chợt nhớ ra, tôi đã rửa mặt rồi.

“Anh ấy hỏi mình có phải buổi tối cậu thường không lấy nước kịp phải không.”

“Ban ngày tôi đã lấy đủ rồi.”

“Người ta là anh trai. Anh trai phải chăm sóc cho em gái chứ.” Ninh An An nói không ngớt.

“Cậu làm bà mai từ khi nào vậy?”

“Tôi bị người ta hối lộ.”

“Hối lộ cái gì?”

“Mời tôi ăn cơm một lần.”

“Dễ vậy à? Tôi mời cậu ăn hai lần, sau này đừng làm bà mai cho anh ta nữa.”

Một đêm không ngủ, tinh thần đờ đẫn, không ngờ tôi lại thi rất tốt. Chỉ có điều hễ tôi nhắm mắt lại, là sẽ thấy Lịch Xuyên, thấy anh một mình đứng cạnh tủ lạnh, cúi người xuống, tư thế lấy sữa giống hệt vận động viên thể thao. Nhiều năm sau này, mỗi lần nghĩ đến Lịch Xuyên, hình ảnh lướt qua đầu tôi đầu tiên, luôn là hình ảnh này. Sau đó, tim tôi như bị một bàn tay vô hình bóp lại, đau ê ẩm, thở không nổi. Buổi chiều thi xong môn cuối, tôi xuống phòng nước lấy hai bình nước sôi, từ tốn về phòng, đang đi đột nhiên thấy Ninh An An lật đật chạy tới.

“Sao vậy?”

“Có trai đẹp đến tìm cậu. Ôi trời ơi, người đâu mà đẹp trai quá.” Dáng vẻ Ninh An An rất kích động: “Cậu làm ơn mời người ta vào phòng ngồi chơi một chút. Để mọi người chiêm ngưỡng thật kỹ, được chứ?”

“Thật sự là đến tìm tôi?” Lịch Xuyên sẽ không rảnh vậy đâu, nhưng tôi vẫn rảo nhanh bước chân.

“Bọn Phùng Tĩnh Nhi và mấy anh phòng 301 đã đứng quanh đó rồi. Phiền cậu nói giúp với anh ta, bây giờ là thời gian lấy nước, nếu anh ta tiếp tục đứng dưới ký túc xá nữ, sẽ xảy ra tai nạn, được không? Đã có ba sinh viên nữ vì mải nhìn anh ta, cầm phích nước sôi đụng vào người người khác…”

Tôi bật cười, tưởng rằng cô ta nói đùa thôi. Nhưng lúc tôi về ký túc xá, trên mặt đất có ánh bạc lấp lánh, quả nhiên mấy cái ruột phích bị bể. Bác bảo vệ đang cầm chổi, hùng hổ quét dọn chiến trường.

Người đang đứng cạnh cửa, mặc áo sơ mi trắng và quần jeans kia, quả nhiên là Lịch Xuyên.

“Hi.” Anh chào tôi từ xa.

“Hi.”

Anh đi tới, thuận tay xách bình thủy của tôi: “Thi xong chưa?”

“Xong rồi.”

“Làm bài được không?”

“Cũng được.”

“Tiểu Thu, mời bạn Vương lên lầu uống trà đi.” Tiêu Nhụy nháy mắt với tôi.

Mới vài phút mà bọn họ đã biết tên người ta rồi. Tiêu Nhụy không khác gì mấy đứa mê trai, đúng là yêu râu xanh.

“Không được.” Tôi lo anh phải leo lầu, huống chi anh còn cầm hai bình thủy “Mình ra căn tin đi.”

“Đừng đi căn tin, tối nay có party, đã chuẩn bị thức ăn xong hết rồi.” Phùng Tĩnh Nhi nhiệt tình chen vào. Cô ta đối xử với tôi lúc nóng lúc lạnh, tôi đoán không ra ý đồ.

“Bạn Vương nể mặt chút đi mà.” Ngụy Hải Hà vừa đấm vừa xoa.

Mấy người này, không bắt cóc được Lịch Xuyên lên lầu thì không cam lòng mà. Cầu thang ký túc xá nữ dốc hơn cầu thang rạp chiếu phim nhiều, tôi kêu mọi người lên lầu trước, sau đó cùng Lịch Xuyên leo lên từng bậc thang một.

Suốt đường đi, anh nhiệt tình xách bình thủy giúp tôi: “Buổi sáng sao không gọi tôi dậy?”

“Còn sớm quá nên để anh ngủ thêm chút nữa.”

“Sau này không được lén lút bỏ đi như vậy nữa!”

“Tại sao?”

“Lỡ mất tích thì làm sao?”

“Lịch Xuyên.” Tôi nhìn anh, nói: “Nhớ kỹ, cho dù tôi thật sự mất tích cũng không có liên quan gì đến anh… Anh không có trách nhiệm gì với tôi hết.”

Anh đang đi, nghe câu này xong, đột nhiên dừng lại. Sau đó, anh bỏ bình thủy xuống, xoay người đi xuống lầu.

“Haiz! Đợi chút!” Tôi đuổi theo.

Anh không để ý tới tôi, tiếp tục xuống lầu.

Tôi chặn đường anh lại: “Anh biết tôi chỉ nói sự thật thôi mà.”

Anh lạnh lùng nhìn tôi, trầm mặc một lát, đoạn nói: “Em không biết chút gì về thành phố này hết, em cũng không biết chút gì về tôi hết.”

“Vậy thì sao? Bắc Kinh chỉ là một thành phố, anh cũng chỉ là một con người mà thôi.”

“Vậy tại sao hôm qua em chịu đi theo tôi.”

“Bởi vì anh sẽ không hại tôi.”

“Làm sao em biết?”

“Anh tưởng chỉ có thành phố mới nguy hiểm hả? Tôi hỏi anh, giữa thành phố và nông thôn, chỗ nào hay có thú dữ hơn? Về mặt đề phòng nguy hiểm, trực giác của dân quê như tôi càng mạnh hơn.”

Anh đang muốn cãi tiếp, đột nhiên nửa khuôn mặt của Tiêu Nhụy ló ra từ cầu thang: “Sao chưa lên vậy? Có người mang phích nước lên giúp cậu rồi. Anh Vương, nhanh lên đi!”

Lịch Xuyên nhíu mày. “Anh Vương?”

“Ở đây ai cũng là anh trai hết. Đi, đi lên ngồi chơi chút đi, tối nay trong phòng mở party. Anh ăn chút thôi, đừng ăn nhiều, sau đó mình xuống căn tin tầng dưới, tôi mời anh ăn tiệc.”

Anh kéo tôi lại.

“Sao vậy?” Tôi hỏi. Tay anh lạnh lẽo, giống thời tiết mùa đông.

“Em chắn đường người ta.” Thì ra có người muốn lên lầu. Sau đó, một tiếng cạch vang lên, cô gái đang đi lên lầu la thất thanh.

Lại vỡ một cái ruột phích nữa.

Anh tiếp tục leo từng bậc từng bậc một, bộ dạng khá vất vả, tôi nhìn mà xót xa: “Tiếc là không có thang máy.”

“Nếu có thì bọn em lấy nước nóng tiện hơn nhiều.” Anh nói.

Tôi nhớ lại một chuyện, hỏi: “Anh ở cao quá, lỡ tòa nhà cúp điện thì làm sao?”

“Thắp nến.”

“Nếu có chuông báo cháy?”

“Ở yên trong nhà là được.”

“Nếu cháy thật thì sao?”

“Tới nay chưa từng có cháy mà.”

Trong phòng chật kín người. Mọi người dành chỗ tốt nhất cho anh.

“Trước giờ không biết Tiểu Thu có bạn trai, chả trách tối nào cũng về khuya.” Tiêu Nhụy rót trà cho anh.

“Chúng tôi chỉ quen biết bình thường thôi.” Tôi và Lịch Xuyên đồng thanh nói.

“A, anh Vương, anh mua quần jeans này ở đâu? Hiệu gì? Sao đẹp quá vậy?” Ninh An An hỏi.

“Đúng rồi, hiệu gì vậy? Hàng hiệu bán ở Bắc Kinh em đều nhận ra, cái này chắc chắn là mua ở nước ngoài rồi.” Tiêu Nhụy nói tiếp: “Quần Levi’s không có đường viền này. Áo sơ mi của anh cũng rất đẹp. Kết hợp với cà vạt màu lam sẽ đẹp lắm đó.”

Lịch Xuyên nhìn tôi bằng ánh mắt cầu cứu, tôi ra hiệu anh cứ ráng chịu chết đi.

“Tiểu Vương, cậu học khoa nào?” Tu Nhạc hỏi.

“Tôi không phải là sinh viên, tôi đi làm rồi.”

“Đi làm rồi?” Tiêu Nhụy nghiên cứu gương mặt của anh, lắc đầu: “Không giống, giống sinh viên cao học hơn!”

“Anh Vương làm ngành gì?” Tu Nhạc lại hỏi.

“Kiến trúc.”

“Xây dựng hay thiết kế nội thất?”

“Thiết kế kiến trúc.”

“A, anh là kiến trúc sư hả?” Tiêu Nhụy hỏi. Hôm nay nhìn Tiêu Nhụy có vẻ rất hứng thú, tôi cũng không biết tại sao.

“Có thể xem là vậy.”

“Anh trai em cũng vậy. Anh ấy học trường Đồng Tể, anh thì sao? Không chừng hai người là bạn học đó.”

“Tôi không học trường Đồng Tể.” Anh nói “Tôi từng đổi nghề.”

“Đổi nghề? Vậy trước kia anh làm gì?”

“Hồi đại học tôi học khoa kinh tế.”

Mắt Phùng Tĩnh Nhi sáng lên: “Kinh tế hả? Lộ Tiệp cũng học khoa kinh tế. Lộ Tiệp, nhanh tới đây, có người cùng ngành với cậu đó.”

Lộ Tiệp nãy giờ luôn ngồi im lặng uống cà phê. Bình thường anh ta chính là trung tâm của đám con gái, hôm nay nhìn thấy cảnh này thì vô cùng ủ rũ.

“Vậy à? Khoa kinh tế trường tôi cũng tạm được. Bố tôi lúc trước kia giảng dạy ở Đại học Phục Đán[1], bây giờ chuyển qua Đại học Nhân Dân Trung Quốc[2]. Anh Vương học đại học nào?”

“Đại học Chicago[3].”

Lộ Tiệp hít sâu, mắt lộ vẻ hoài nghi: “Đại học Chicago? Theo tôi biết, khoa Kinh Tế đại học Chicago đứng đầu thế giới.”

“Cũng không được xem là tốt nhất đâu.” Lịch Xuyên nói “MIT[4] và Havard[5] cũng khá nổi tiếng. Yale[6] và Princeton[7] cũng được. Còn Học viện Kinh Tế London[8] ở Anh nữa?”

“Lúc bố tôi đến Đại học Chicago để phỏng vấn, có gặp giáo sư Becker[9]. Ông ấy nhận giải Nobel năm nào?”

“Chuyện này… không nhớ rõ lắm.” Lịch Xuyên ngẫm nghĩ: “Năm 93? Không đúng, Fogel[10] mới năm 93, Becker năm 92.”

[1] Cơ sở chính ở thành phố Thượng Hải, là một trong những trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất Trung Quốc.

[2] Cơ sở chính thức ở Bắc Kinh, giống như Đại học Phục Đán, khoa Kinh Tế Quốc Tế, Quan Hệ Quốc Tế của trường này được đánh giá khá cao.

[3] Là trường đại học tư có cơ sở chính ở thành phố Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ; được tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller thành lập năm 1890. Trường từng có 85 giáo viên nhận được giải Nobel.

[4] Học viện Công Nghệ Massachusetts: tọa lạc Cambridge, bang Massacchusetts, Hoa Kỳ, được thành lập năm 1865, từng có 76 giáo sư đạt giải Nobel.

[5] Cũng tọa lạc Cambridge, bang Massacchusetts, Hoa Kỳ, được thành lập từ năm 1636, là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài của Hoa Kỳ như tổng thống, nhà văn, nhà thơ, chính trị gia, nhà kinh tế, học giả...

[6] Trường đại học tư thục ở New Haven, bang Connecticut, Hoa Kỳ; được thành lập vào năm 1701, được xem là đối thủ cạnh tranh chính của Đại Học Harvard.

[7] Trường đại học tư thục tọa lạc ở Princeton, bang New Jersey, Hoa Kỳ; được thành lập năm 1746. Các trường Harvard, MIT, Yale và princeton là 4 trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ.

[8] The London School of Economics and Political Science (viết tắt là LSE): tọa lạc tại Westminster, trung tâm thành phố London, Anh; được thành lập năm 1895, có 17 giáo sư của trường từng đoạt giải Nobel.

[9] Gary Stanley Becker (1930-) là nhà kinh tế học Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về hành vi xã hội của con người như phân biệt chủng tộc, tội phạm, tổ chức gia đình, nghiện ma túy, dân chủ, nhập cư.

[10] Robert W. Fogel (1926-) là nhà kinh tế học Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu những tác động kinh tế, xã hội và công nghệ đối với những thay đổi nhanh chóng của cơ thể con người.

“Chắc chắn nghiên cứu ở Đại học Chicago là tốt nhất.”

Lịch Xuyên cười, không trả lời.

Phùng Tĩnh Nhi nhân cơ hội hỏi tiếp: “Vậy anh Vương xin nhập học như thế nào? Cũng thi GRE hả?”

“Đương nhiên GRE rất quan trọng.”

“Khoa Kinh tế Đại học Chicago, tương lai quá xán lạn, sao anh Vương lại đổi nghề.”

“À… lý do cá nhân.”

“Anh Vương có thể cho tôi địa chỉ email được không? Sau này, nếu Lộ Tiệp xin nhập học gặp khó khăn, có thể nhờ anh không?” Phùng Tĩnh Nhi nhất quyết hỏi tới, còn lấy viết ra.

“Được chứ.” Anh lấy viết ra, viết địa chỉ email.

“Anh Vương không có danh thiếp sao?” Tiêu Nhụy ngồi trên giường ló đầu ra hỏi.

“Không có, tôi không cần danh thiếp.”

“Anh Vương chắc quen nhiều người ở Đại học Chicago lắm?” Phùng Tĩnh Nhi mời anh ăn đậu phộng muối, thấy anh lắc đầu, lại lột vỏ cam cho anh.

“Không dám nói có người quen… tôi chỉ là sinh viên thôi.”

“Nghe nói xin nhập học thì chọn giáo sư hướng dẫn là quan trọng nhất, đúng vậy không?”

“Đúng là rất quan trọng… nhưng cũng phải xem thành tích học tập và thư đề cử.”

Anh biết bảo vệ bản thân, chỉ đưa những câu trả lời ngắn gọn. “Vợ chồng” Phùng Tĩnh Nhi cố nài ép anh tư vấn hơn một tiếng đồng hồ, tôi hoàn toàn không có cơ hội nói xen vào.

Tu Nhạc liền nhân cơ hội bắt chuyện với tôi, hỏi thăm tình hình quê tôi câu được câu mất.

“Ở Vân Nam mưa nhiều lắm phải không?”

“Đúng vậy.”

“Ngày nào bọn em cũng ăn nấm hả[11]?”

[11] Đặc sản nổi tiếng của Vân Nam chính là các loại nấm rừng.

“Không phải.”

“Vậy bọn em hay ăn gì nhất.”

“Bún.”

“Đúng rồi, nhắc đến Bún Qua Cầu, hôm qua anh có lên mạng tra được, ở Bắc Kinh có vài quán ăn Vân Nam, quá gần trường nhất là…”

Anh ta không nói tiếp nữa, vì thấy tôi không chú tâm.

Đúng lúc này, Ninh An An vốn đang ngồi im lặng kế bên bỗng nhiên chen vào một câu: “Đúng rồi, Tiểu Thu, cậu kể nghe thử cậu và anh Vương quen biết nhau như thế nào?”

Phùng Tĩnh Nhi nhìn Ninh An An với vẻ khó chịu. Ninh An An quá lớn tiếng, hầu như phá tan buổi trao đổi nhẹ nhàng của cô ta và Lịch Xuyên.

“Anh ấy hay đến quán cà phê tôi làm.” Tôi nói.

“Vậy thôi hả? Không lãng mạn chút nào hết! Thêm chút gia vị đi!”

“Chúng tôi chỉ… quen biết sơ sơ thôi.” Tôi đỏ mặt.

Biết nói sao đây, thành thật mà nói, nếu không phải bạn trai thì sẽ không được vào phòng ký túc xá.

Lịch Xuyên biết điều đứng dậy: “Cảm ơn mọi người nhiệt tình tiếp đón. Tôi còn chút việc, xin tạm biệt. Mọi người chơi vui vẻ.”

Ninh An An la lớn: “Anh Vương, thường xuyên đến chơi nha! Phòng em tuần nào cùng có vũ hội!” Nói xong, nhớ ra chân anh bị tật, sợ là không thể khiêu vũ, liền nhăn mặt le lưỡi “Xin lỗi anh, em không cố ý.”

Tôi đưa Lịch Xuyên xuống lầu. Xuống tới tầng trệt, tôi hỏi anh: “Anh có việc thật à? Qua căn tin ăn tối rồi hãy về, được không? Nhất định tôi phải mời anh.”

“Không có chuyện gì, chỉ không muốn bị người khác điều tra thôi. Căn tin xa không? Cần tôi lái xe không?”

“Ở đằng trước kìa. Tầng 1 là căn tin sinh viên, tầng 2 có thể chọn món, ai cũng nói nói đồ xào ở đó ngon lắm. Tôi chưa lên tầng 2 ăn lần nào.”

“Vậy đi tầng 2.”

Chúng tôi lên tầng 2, tìm bàn cạnh cửa sổ ngồi xuống. Nhân viên phục vụ đưa thực đơn, ánh mắt nhìn Lịch Xuyên không chút kiêng nể: “Hai bạn muốn uống gì?”

“Em uống gì?” Anh hỏi tôi.

“Coca.”

“Một ly Côca, một ly nước khoáng.”

“Gọi món gì? Bạn nam?” Nhân viên phục vụ nữ vẫn nhìn Lịch Xuyên, giọng rất thân thiết, giống như chỉ có một mình anh là khách.

“Em ăn gì?” Lịch Xuyên nhìn tôi.

Tôi liếc qua thực đơn, nhanh chóng quyết định: “Gà xào ớt, dưa leo xào.”

Cô phục vụ ghi rồi lại nhìn anh: “Bạn nam, bạn thì sao?”

“Cần tây xào bách hợp[12].”

[12] Củ của hoa lily.

“Chỉ mấy món thôi sao?”

“Tiểu Thu, em còn muốn gọi thêm gì không?”

Tôi trừng mắt nhìn anh: “Anh muốn ăn chay, hay là muốn tiết kiệm tiền giùm tôi? Gọi cần tây xào bách hợp, chi bằng để tôi xào cho anh ăn.”

“Tôi không thích ăn thịt, thật mà.”

“Anh thích ăn cá không?” Ở quán cà phê, anh luôn ăn sandwich cá.

“Rất thích ăn cá.”

“Vậy tôi gọi thêm cá chẽm hấp.” Bữa cơm này là để cảm ơn anh, đương nhiên phải có món ngon chứ.

“Cá chẽm tính tiền kiểu khác, tính theo trọng lượng.”

“Lấy một con vừa đi. Cho thêm hai chén cơm.”

“Con nhỏ là được rồi.” Lịch Xuyên nói.

“Cũng được.” Tôi thở dài.

Còn lâu mới tới giờ cao điểm sinh viên ăn tối, trong căn tin không một bóng người. Đồ ăn nhanh chóng được bưng lên.

Tôi uống một hớp Côca, bắt đầu ăn gà xào ớt.

“Buổi sáng lúc đi về, có gặp bạn của anh.” Tôi nói.

“Bạn của tôi?”

“Anh ta nói tên là Kỷ Hoàn.”

“À. Cậu ấy ở tầng 42, tôi gặp cậu ấy ở bể bơi, rồi dần quen nhau.”

“Anh thích bơi lội?”

“Rất thích.”

“Tôi cũng thích. Tôi còn là quán quân bơi tự do 400m thiếu niên ở huyện đó nha. Nhà tôi cạnh bờ sông. Mùa hè đến ngày nào tôi cũng đi bơi. Tiếc là tới chỗ này, hồ bơi ở trường chỉ mở cửa mùa hè, tôi đành phải đổi sang chạy bộ buổi sáng.

“Hèn gì tinh thần em rất tốt, sắc mặt luôn hồng hào.” Anh nhìn tôi chăm chú.

“Con nít nông thôn là vậy đó. Ăn đi, sao anh không ăn? Ăn thêm chút đi chứ!”

Anh có ăn, nhưng lâu lâu mới động đũa một lần.

“Yên tâm, phần của tôi, tôi sẽ ăn hết.” Anh vẫn ăn từ từ, nuốt từng miếng nhỏ, giống như đang có vấn đề.

“Vậy tôi không nói chuyện nữa, tránh cho anh cứ lo trả lời, không ăn cơm.”

Một lát sau, thấy anh ăn rất chậm, tôi nói thêm: “Đừng cố nữa, ăn không hết tôi có thể bỏ hộp mang về, làm cơm trưa ngày mai.”

“Phòng em có tủ lạnh không?”

“Không có. Để qua một đêm không hư đâu.”

“Qua đêm chắc chắn sẽ hư.”

“Tôi để cạnh cửa sổ, ban đêm trời lạnh, sẽ không sao.”

“Đâu phải cá muối mà không hư.”

Anh ăn được một chút, tôi ăn phụ anh, rốt cuộc cũng ăn hết cần tây xào bách hợp. Sau đó chúng tôi ăn đến món cá.

“Cá ngon lắm.” Anh ăn nhanh hơn một chút “Buổi tối em làm gì? Khiêu vũ hả?”

“Không có.”

“Tại sao?”

“Tôi không thích hoạt động tập thể, mặc dù tôi cố gắng hòa đồng với mọi người. Tôi thà quấn mền nằm một mình đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, ăn đồ ăn vặt.”

“Hoặc xem phim kinh dị một mình.” Anh chêm vào.

“Cũng đúng.”

“Giường có dán hai tờ giấy trắng trên màn là giường em?”

“Sao anh biết?”

“Mấy giường khác đều có nét đặc trưng của con gái.” Anh nói.

“Đặc trưng gì?”

“Đầu giường ít nhất có một con búp bê.”

Tôi cảm thấy buồn cười: “Sao trước nay tôi không chú ý đến điểm này nhỉ?”

“Trên tờ giấy đó viết gì?” Anh hỏi.

“Nhất âm nhất dương chi vị đạo, lạc thiên tri mệnh cố bất ưu[13].” Tôi nói tiếp “Là một câu trong Kinh Dịch, bố tôi là giáo viên dạy văn.”

[13] Đạo là sự cân bằng âm dương, thấy rõ mệnh thì được an nhiên.

“Ừ…” Anh khen “Có học thức.”

“Kinh dịch nói tiếng Anh như thế nào?”

“Book of Changes. Cũng có người gọi là I-ching.”

“Nhắc đến Kinh Dịch, em biết bói toán không?” Anh lại hỏi.

“Không. Văn thì không biết bói toán, võ thì không biết xay lúa.” Tôi lấy đũa chọt chọt đầu con cá, nghiên cứu xem còn chỗ nào có thể ăn không.

Anh cười. Nụ cười ấm áp, không ra tiếng: “Nói vậy. Tiểu Thu, tối nay, em có muốn đến chỗ tôi bơi không?”

“Nếu anh ăn hết con cá này, tôi sẽ đi.”

Anh từ từ ăn hết con cá chẽm không còn một miếng, chỉ chừa lại một đống xương cá, sạch sẽ tới mức có thể dùng làm tiêu bản.

Lúc nhân viên phục vụ đưa hóa đơn, tôi lấy bóp tiền ra, anh nhanh tay lẹ mắt đưa 2 tờ 100 tệ ra: “Cảm ơn, khỏi thối.”

“Ê, ai cho anh trả tiền?” Tôi la lên.

“Em là sinh viên. Vẫn đang đi làm thêm.”

“Nhưng hôm nay tôi mời mà! Chị ơi, phiền chị trả tiền lại cho anh ấy!”

Anh giữ tay tôi lại: “Sau này mỗi lần chúng ta đi ăn, sẽ luôn do tôi trả tiền. Let’s make it a rule, clear[14]?”

[14] Qui định là vậy nhé, hiểu chưa?

Tôi há mồm ra định cãi lại, lại bị ánh mắt anh ngăn lại.

“Hôm nay không thèm so đo với anh.” Tôi nói, mừng thầm trong bụng, thì ra sau này vẫn còn có cơ hội đi ăn với nhau.

Anh tiễn tôi xuống dưới ký túc xá rồi chờ tôi lấy đồ bơi. Hoạt động phòng kết nghĩa đang tiến hành vô cùng sôi nổi. Tôi vội vàng nói với Ninh An An mấy câu, Phùng Tĩnh Nhi hỏi nhỏ: “Tối nay đi khiêu vũ không? Mọi người đều đi. Con trai mua vé. Cậu không đi, Tu Nhạc không có cặp.”

“Tôi có việc.”

“Anh Vương đâu rồi? Anh ấy có đi với cậu không?”

“Không đi… tôi và anh ta cũng không phải là bạn bè gì, chỉ quen biết sơ sơ thôi.” Tôi sửa lời cô ta.

“Nói câu này cậu đừng khó chịu, sau này có đau khổ, đừng trách tôi không nhắc nhở cậu.” Cô ta nói, giọng thản nhiên: “Đừng chìm quá sâu. Hai người không có kết quả đâu.”

Tôi không hỏi cô ta tại sao, vội xách túi đi xuống dưới lầu.

Lịch Xuyên vẫn đứng đó chờ tôi. Chúng tôi bước song song, có người vứt vỏ quýt trên mặt đất, suýt nữa tôi bị té, anh kéo tôi lại đúng lúc: “Cẩn thận.”

“Tôi thường xuyên đi mà không nhìn đường.” Tôi nói.

“Tôi thì nhìn đường thường xuyên, tôi sẽ nhìn thay em.” Anh nói “Tuy nhiên, em phải luôn nắm tay tôi mới được.”

Nói xong câu này, anh đưa tay sang nắm tay tôi, như lúc nào cũng phải chăm sóc tôi, tránh cho tôi té ngã.

“Hôm nay tôi tìm được một chỗ đậu xe gần hơn, không cần đi ra cổng trường.” Anh chỉ vào một tòa nhà màu đỏ cách đó không xa.

Tôi nhìn anh, hoảng hồn.

“Sao vậy?”

“Anh đậu xe ở chỗ đó?”

“Ừ. Có chuyện gì sao? Bãi đậu xe bên đó vừa rộng vừa vắng.”

“Chết chắc rồi, đó là văn phòng hiệu trưởng, ba chiếc xe của hiệu trưởng đều đậu ở đó.” Tôi nói “Anh đi từ từ thôi, để tôi đi trước quan sát, coi xe anh có bị kéo đi chưa.”

“Em đi đi, tôi ngồi đây nghỉ một chút.”

Trường tôi thiết kế theo kiểu hoa viên, chỗ nào cũng có ghế dựa. Anh ngồi xuống một cái ghế, mặt hơi trắng bệch.

Chân anh bị cắt từ giữa đùi, đeo chân giả mà phải đi bộ quá xa, sao không mệt cho được. Tôi không đi, cùng anh ngồi xuống, lấy một chai nước khoáng trong túi ra: “Muốn uống nước không?”

Anh lắc đầu.

Ngồi nghỉ một lát, lại đứng lên đi tiếp. Đúng lúc này, tôi thấy một chiếc xe màu đen lướt nhanh qua. Khi chúng tôi đến bãi đậu xe, chiếc xe kia cũng quẹo vào bãi. Tôi liếc qua là thấy xe của Lịch Xuyên, liền nhéo tay anh thật mạnh.

“Lại sao nữa?”

“Bạn Lịch Xuyên, đậu xe mà không tìm chỗ tốt hơn. Chỗ anh đậu là chỗ của hiệu trưởng đó.”

“Chỗ đó là chỗ dành cho người tàn tật mà.” Anh nói.

“Ở đây không phải nước Mỹ, bạn ơi.”

Chiếc xe ngừng trước mặt chúng tôi, tựa hồ đang chờ chúng tôi lái xe ra để lấy chỗ đậu.

Tôi nói nhỏ: “Lịch Xuyên, nhanh lên xe, chúng ta đi mau.”

Không còn kịp nữa rồi. Cửa xe vừa mở, một người đàn ông tóc bạc bước ra, trong tay cầm một chiếc cặp táp.

“Là hiệu trưởng Lưu.” Tay tôi run run.

“Thầy hiệu trưởng thôi, chứ đâu phải là ma, em sợ cái gì?” Lịch Xuyên nắm tay tôi, mỉm cười với người đàn ông tóc bạc: “Chào thầy hiệu trưởng!”

Tôi không nói câu nào.

“Chào cậu, cậu là…”

“Vương Lịch Xuyên. Đây là em họ tôi, Tạ Tiểu Thu. Sinh viên năm nhất.”

Tôi đỏ mặt, nói: “Em chào thầy hiệu trưởng.”

“Em tìm tôi có việc gì không?” Hiệu trưởng Lưu thân thiện bắt tay Lịch Xuyên, sau đó bắt tay tôi.

Tôi không nói gì, lại nhéo mạnh Lịch Xuyên.

“Là như thế này. Tiểu Thu mới vào trường, chưa kịp thích nghi với sinh hoạt trong trường. Em ấy cho rằng còn một số vấn đề về trang thiết bị, chế độ trong trường chưa được hoàn thiện, nên muốn kiến nghị với thầy.” Lịch Xuyên từ tốn nói, hoàn toàn không để ý tới tôi.

Anh Lịch Xuyên ơi, anh đẩy tôi vào hố lửa đó!

“À, chúng tôi rất xem trọng ý kiến của sinh viên mới vào, em Tạ, em muốn vào văn phòng tôi nói chuyện không?”

“Chuyện này… Tiểu Thu hơi hồi hộp, hay là đứng ở đây nói luôn. Tiểu Thu, em nói chuyện với thầy hiệu trưởng đi, anh lái xe ra trước. Xin lỗi thầy hiệu trưởng, tôi chỉ đậu ở đây một lát thôi.”

“Không sao, ở đây còn thừa nhiều chỗ lắm, lái xe của tôi sẽ tìm được chỗ đậu thôi.” Hiệu trưởng từ tốn nói, rất có phong độ.

Tim tôi đập tốc độ 300 lần một phút, lắp bắp nói: “Thưa thầy, em cho rằng thời gian cấp nước cho ký túc xá nữ… là quá ngắn. Một ngày chỉ có ba lần, căn bản là không đủ dùng. Nghe nói trường làm vậy để giành danh hiệu tiết kiệm nước.”

“Chúng tôi đang bàn bạc vấn đề này. Tháng sau chắc chắn sẽ có thay đổi.”

“Em từ vùng sâu vùng xa đến đây học đại học, tiêu chuẩn ở căn tin cao quá. Giá thức ăn cũng quá mắc. Bọn em không đủ khả năng.”

“Ừ.” Hiệu trưởng nói “Anh họ của em nhìn có vẻ khá giàu. Nói anh ấy giúp em một chút. Còn em thì cố gắng học tập giành học bổng.”

“Để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày, sinh viên nghèo bọn em phải đi làm thêm, không có nhiều thời gian học tập, nên cũng không giành được học bổng. Em cho rằng… em cho rằng… cơ chế xét học bổng của trường có vấn đề.” Tôi nói thẳng ra hết, kệ bà nó chứ.

“Cơ chế có vấn đề?” Hiệu trưởng nheo mắt.

“Học bổng nên chia làm hai loại, một loại là học bổng để giúp sinh viên vượt khó. Loại thứ hai mới là học bổng cạnh tranh, xét theo điểm số.

“Trường vẫn có học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà. Em chưa xin lần nào sao?”

“Bố em là giáo viên trường làng, tiền lương rất thấp. Ông vốn là sinh viên Thượng Hải, lúc còn trẻ hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, từ bỏ cuộc sống thành phố, xin đến vùng biên giới Vân Nam dạy học. Nhưng con ông lớn lên, tới Bắc Kinh học đại học, còn phải làm thêm để kiếm tiền sống, thầy không thấy chuyện này hơi bất công sao?” Tôi càng nói càng rõ ràng mạch lạc.

“Em học khoa nào?” Hiệu trưởng hỏi.

“Khoa Ngữ Văn Anh.”

“Vậy em viết proposal[15] bằng tiếng Anh đi. Em nộp xong thì Ban giám hiệu sẽ họp lại thảo luận. Thầy sẽ thông báo kết quả với em sau.” Thầy hiệu trưởng vẫn mỉm cười: “Thầy còn có cuộc họp, tạm biệt em.”

[15] Đề án.

Thầy hiệu trưởng đi rồi, Lịch Xuyên đứng cạnh xe, khoanh tay nhìn tôi, cười cười.

Tôi nghiến răng: “Vương Lịch Xuyên, xem tôi xử anh như thế nào!”

“Em xem, em nói rất hay mà? Cái này gọi là hạt giống tốt chỉ cần một chút ánh mặt trời là nảy mầm.” Anh lại trêu tôi.

“Em căn bản không biết viết proposal.”

“Em viết đi, tôi sửa giúp em. Tôi chỉ sửa từ vựng, em tự sửa ngữ pháp.”

“Anh biết viết?”

“Tôi thường xuyên viết. Tôi làm kiến trúc, lúc đấu thầu phải viết thư xin dự thầu. Hình thức cũng tương tự.”

“Tôi cảm thấy, tiếng Trung không phải tiếng mẹ đẻ của anh.” Tôi công kích.

“Tôi nói tiếng Trung dở lắm à?”

“Không phải. Anh không biết dùng đũa.”

“Sao tôi không biết dùng đũa? Lúc ở nước ngoài tôi rất thích ăn sushi, phải dùng đũa gắp mà.”

“Lâu lâu dùng một lần khác bản chất với dùng hàng ngày.”

“Bản chất khác chỗ nào?”

“Điều khác biệt thể hiện lúc ăn cá. Không thể cá vừa dọn lên liền lấy đũa tách ra thành hai miếng. Phải ăn xong một mặt, lật con cá lại, mới ăn mặt kia.”

“May là mỗi lần dự tiệc tôi không phải ăn cả con cá, chỉ ăn từng miếng, sợ phiền. Lần sau em dạy tôi đi.”

“Anh phải mời tôi.”

“Không thành vấn đề.”


/49

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status