Hành Trình Của Biệt Ly

Chương 1: Tôi viết

/31


Tên tôi là Vũ. Tôi sinh ra tại thành phố Cẩm Phả, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nơi tôi sống không được nhiều người biết đến cho lắm, cơ bản vì họ để ý đến Hạ Long nhiều hơn. Hờ, phải, là vịnh Hạ Long – một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Có một điều đặc biệt khó tin là tuy tôi sinh ra ở Quảng Ninh, nhưng tôi chưa bao giờ tới vịnh Hạ Long. Có vẻ như tôi không có duyên với nó. Tôi từng có nhiều lời mời đi tới đó, nhưng lần nào cũng gặp trở ngại. Một phần là vì ba mẹ, còn lại một phần cũng là do vận mệnh.

Sau này khi tôi ra ngoài xã hội làm việc, có rất nhiều người hỏi tôi rằng tại sao lại không thử tới đó, tôi đều cười trừ rồi bỏ qua. Thực ra có những câu chuyện khi nói ra thì sẽ thành nhảm nhí, sẽ không có ai tin cả. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ bỏ ý định đến Hạ Long, cũng từng tính tới chuyện nói một lời khước từ nó với cuộc đời của tôi. Một lời khước từ mà không một ai biết cả.



Tôi với Vân đi qua con đường Thanh Niên. Cô ấy là một nhà văn, viết lách cũng khá. Tôi thích những câu chuyện của Vân. Nó khá đời thường, bình dị nhưng lại luôn mang một nỗi lòng của riêng cô ấy. Vân viết truyện vì bản thân cảm thấy cần phải viết nó ra, chứ không phải là viết vì đam mê. Đôi khi cô thường nói với tôi rằng: “Tớ muốn bỏ nó, ném nó đi. Tớ cần được yên tĩnh. Nhưng yên tĩnh quá lại hóa cô đơn”. Rồi cô ấy sẽ hút thuốc. Đó là một thói quen xấu của Vân, tôi không thích chuyện này, nhưng cũng chẳng ngăn cấm được cô ấy.

Bởi Vân là một cánh chim tự do.

Bản thân tôi thì không phải là một nhà văn, tôi học báo. Tuy nhiên, trong lòng tôi luôn có một câu chuyện. Mà tôi nghĩ trong lòng ai cũng thế thôi. Tôi muốn viết nó, như viết ra những dòng hồi ký vậy. Có lẽ tôi là một con người hoài niệm, luôn thích sự ố vàng của thời gian và mùi vị cổ điển đeo trong từng năm tháng. Vân không biết chuyện tôi viết lách, cô ấy sẽ không ủng hộ tôi, nên tôi chỉ có thể viết một mình.

Viết lách một mình cũng có thể coi là cô đơn. Khi viết, dễ sinh ra một cảm giác tủi thân. Rằng bạn sẽ không có ai để san sẻ câu chuyện này cùng. Không có ai là người đưa ra ý kiến cho bạn. Rằng họ có thích nó hay không, họ có muốn được đọc những chương tiếp theo hay không. Khi tôi nghĩ đến chuyện này, tôi đã muốn bỏ dở.

Đường Thanh Niên là một con đường khá nổi tiếng ở Cẩm Phả. Nó nằm ở phường Cẩm Thành. Dọc con đường luôn có các hàng quán. Quy mô nhỏ lẻ, một số rất vắng khách. Tôi và Vân mỗi khi rảnh rỗi thường đi tới đó. Hôm nay cũng vậy. Chúng tôi sẽ đi từ đầu con đường cho tới cuối con đường. Đi bộ. Chúng tôi sẽ nói chuyện phiếm với nhau, những câu chuyện tẻ nhạt rất khó để cười nổi, nhưng vẫn phải tiếp tục. Bởi nếu như gặp nhau mà không nói chuyện gì, thì giống như chuyện tự đưa nhau vào trong sự xa cách vậy.

Vân rủ tôi đi ăn tiết hầm, một món rẻ nhưng chưa chắc đã sạch. Dạo gần đây có rất nhiều tin báo được đưa lên về an toàn thực phẩm, người dân đã chán chường và mất niềm tin vào những thứ mà bản thân cảm thấy cần phải ăn. Chỉ riêng chúng tôi là vẫn bỏ ngoài tai, giống như đem mạng sống bản thân ra đặt cược vậy.

Người chủ quán là một phụ nữ chừng hơn năm mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, ăn mặc bân bẩn nhưng vẫn luôn nở một nụ cười chất phác. Bà bưng cho chúng tôi hai bát tiết hầm lá ngải. Mùi lá ngải hầm thuốc bắc đặc trưng tỏa ra, khiến dịch vị cồn cào. Chúng tôi cùng nhau ăn trong im lặng, cơn đói dần lắng xuống. Tôi hay có nhã hứng vừa ăn vừa ngắm nhìn đường phố. Con đường Thanh Niên này cũng khá tấp nập. Ở ngoài cổng bệnh viện gần đó luôn ồn ào, chỉ có cái lõi bên trong là yên tĩnh.

Một bà già mặc đồ bệnh nhân từ đó bước ra. Tay bà xách một chiếc cặp lồng nhỏ, chắc là để đựng cơm canh. Những bước đi dò dẫm như sắp đổ gục, tuy nhiên ý chí thì vẫn còn mạnh mẽ lắm. Có lẽ đó là bản năng sinh tồn trong mỗi con người. Là một bản năng đặc biệt. Cho dù có cô đơn thì vẫn phải duy trì sinh mệnh của bản thân.

Tôi luôn có cảm giác sợ bệnh viện, là sợ thật sự. Tôi nghĩ tôi sẽ dễ dàng chết đi như trong phim. Rằng nhận thấy sự thay đổi đến kỳ dị của bản thân nhưng lại không muốn tới cái nơi sặc mùi thuốc tẩy trùng ấy. Tôi sẽ để mọi thứ cứ thế sinh sôi, trừ khi mẹ tôi phát hiện ra nó. Và cứ thế, tôi sẽ chết đi như mấy diễn viên máu trắng. Vì giấu người tình mà phải ra đi.

Đúng thế. Có người hỏi tôi thấy cái chết nào dễ dàng hiến dâng nhất, thì tôi nói là cái chết trong phim. Người ta luôn nghĩ cái chết thật nhẹ nhàng, giống mấy vị anh hùng hảo hán thời xưa. Cứ động một chút là người này bệnh, cứ động một chút là tai nạn, chỉ vì một lý do đó là sóng gió. Đây là kiểu phim thịnh hành nhưng rẻ tiền. Thật! Một cái chết, vài giọt nước mắt gào thét và hết phim. Không ai biết số phận đằng sau của những con người còn lại.

Chúng tôi ăn xong, tự trả tiền cho bản thân. Đó thể hiện sự thân thiết công bằng. Nhưng đa số người ta không có khái niệm ấy. Họ thấy đã là bạn thân thì cần phải làm tất cả cho nhau, kể cả về vật chất.

Vân nói: “Tớ sẽ viết một câu chuyện về cái chết!”

“Ừ!”

“Chỉ là cái chết của một cuộc tình. Mạng sống tớ không dám động vào, nó là một thứ thiêng liêng. Và tớ yêu nó.”

“Một cuộc tình? Sẽ chết?”

“Ừ, nó chết đi như thế, không thể cứu vãn được. Thật đau buồn!”

“Cậu không để họ chết chứ?”

Vân nhìn tôi, cau mày: “Tớ đã nói không dám động vào sinh mệnh mà. Chẳng ai muốn đem thứ bản thân yêu tha thiết ra làm một cuộc thí nghiệm khó có thể thành công được.”

Tôi gật đầu, tự thấy bản thân cũng yêu đời như vậy. Tôi rất sợ chết, nhưng không biết giới hạn của bản thân. Tôi đã nói rồi, một kẻ sợ bệnh viện thì dễ chết hơn những kẻ khác rất nhiều. Nó mang vẻ của một cái chết phim ảnh.

Và có lẽ, ông đạo diễn của tôi chính là ông Trời.

/31

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status