Hỏa Long Thần Kiếm

Chương 19 - Trận Thủy Chiến Kinh Hoàng Đẫm Máu

/29


Đây nói về phía Đường Luân, chàng đang ra sức lôi bè đi về phía trước, ba bề bốn bên sóng, gió ào ạt. Khang Huệ kêu chết luôn mồm, khóc than nức nở...

Nước biển bắn tung tóe lên bè làm cho mọi người ướt loi ngoi, lóp ngóp.

Đường Luân cố sức lôi chiếc bè đi được hơn nửa dặm thì tứ chi rũ rượi, gân cốt rã rời.

Ngẩng đầu nhìn ra phía trước thấy Tiêu Dao mập mờ ẩn hiện phía xa xa...

Chàng cố hớp một hơi dài dưỡng khí, ngừng lại một chút để phục hồi sức khỏe, chợt nghe Ngọc Đảnh chân nhân nằm trên bè gầm lên dữ dội :

- Con nữ ma đầu này thật là tàn ác...

Đường Luân cả sợ, nhóng cổ lên nhìn...

Thấy từ đàng xa có một chiếc thuyền bằng da bé tí teo, trương một chiếc buồm con đang tách sóng đuổi theo chàng.

Nhìn thấy rõ có hai người vạm vỡ đang đứng trên thuyền hươ binh khí trong tay, ra chiều giận dữ.

Đường Luân lúc bấy giờ mặc dầu tứ chi rũ rượi nhưng chàng cũng gắng gượng sờ lại thanh Hỏa Long thần kiếm đang đeo trên vai. Chàng nói với Ngọc Đảnh chân nhân :

- Đoạn đường phía trước còn nhiều vất vả, phiền đạo trưởng phí một ít hơi sức. Còn hai thằng khốn kiếp kia đạo trưởng cứ để cho tôi ra tay đánh đuổi.

Ngọc Đảnh chân nhân thở dài trả lời :

- Đường huynh khá tua cẩn thận!

Câu nói của Ngọc Đảnh chân nhân vừa dứt thình lình Đường Luân tháo mối dây trên cổ của mình ra rồi tách nước bơi đi.

Ngọc Đảnh chân nhân vội vàng nhảy xuống nước, bắt chước theo cách của Đường Luân mà giòng chiếc bè từ từ bơi về phía Tiêu Dao Độ.

Còn Đường Luân thì bơi thẳng về phía chiếc thuyền da. Vì chàng dùng hết mười phần công lực nên thân hình rẽ nước đi nhanh như tên bắn.

A Kiết và Xa Châu nhác trông thấy khí thế của Đường Luân trong lòng cả sợ. A Kiết cười rằng :

- Không ngờ thằng nhỏ này lại rành nghề bơi lội đến dường này!

Xa Châu nhổ bãi nước bọt xuống mặt biển nói câu khinh khỉnh :

- Mẹ kiếp... Hà tất phải khen người, hai đứa dùng thế gọng kềm, đánh ép hai bên. Ta nhứt định sẽ cho nó ăn đòn cay độc của đường giản của ta.

A Kiết liếc mắt một cách khôi hài nói :

- “Con cá” này chúng ta giải quyết xong còn phần con Côn Lôn Long Nữ kia thì để ta...

Xa Châu hốt hoảng nói :

- Không được... không được... Mi phải nhường cho ta...

Hai gã quắc mắt nhìn nhau một cách nảy lửa. A Kiết bỗng thay đổi thái độ, nói một câu hòa dịu :

- Thôi! Chúng ta đừng tranh nhau, để giải quyết “con cá” này trước đã.

Xa Châu vừa định há mồm trả lời thì Đường Luân đã ào ào bơi tới, cách chỉ còn năm trượng mà thôi.

Cả hai thảy đều vỗ tay đánh bốp, rồi đồng loạt tung mình nhảy xuống nước.

Thấy địch đã mở thế tấn công, Đường Luân vội vàng hớp hơi dài dưỡng khí rồi lặn sâu xuống đáy biển.

Thân hình của chàng vừa khuất mặt nước thì đã nghe tiếng người tách nước bơi nghe rào rạo. Đường Luân kinh tâm tán đởm, thò tay ra sau lưng rút thanh Hỏa Long thần kiếm.

Tên Xa Châu ỷ tài bơi lội bèn truy đuổi Đường Luân. Đường Luân nghĩ phải giải quyết ngay bọn địch vì chúng bơi lội giỏi hơn chàng nên bất ngờ đang bơi, chàng liền tung chưởng đánh xuống nước để mượn thế tung người lên khỏi mặt nước rồi lộn ngược về sau ngay phía trên của Xa Châu mà đâm xuống một kiếm. Đường kiếm của chàng cắt ngang người của Xa Châu thật là kinh rợn.

Vùng nước chỗ hai người giao chiến tức tốc biến sang đỏ ngầu. Thân hình của Xa Châu trôi nổi lều bều trong dòng nước đỏ...

A Kiết thấy vậy tức giận tràn hông, vội vàng rẽ nước bơi tới. Đường Luân quay đầu nhìn lại, lập tức vung ống tay áo ra. Một mũi ám khí lập tức thoát ra ống tay áo của chàng rẽ nước đi tới.

Mặc dầu ở dưới nước nhưng món ám khí của chàng cũng đi thật nhanh, trong chớp mặt đã tới trước mặt của A Kiết và nó kinh hoàng lộn mình né tránh.

Mũi ám khí đi phớt ngang A Kiết, làm cho chiếc khăn trắng vấn trên đầu của hắn bay thoát đi.

A Kiết tức giận tràn hông nhưng không làm gì được, hắn ta vội dùng một thế Lão Hổ Quy Sơn, như một con cá mập lòn ra sau lưng của Đường Luân, dùng mũi đinh ba đâm vào hậu tâm của chàng một nhát.

Lúc bấy giờ Đường Luân đã thấm mệt, tay chân rã rời nên các động tác bắt đầu chậm chạp. A Kiết thấy vậy trong lòng cả mừng, càng gia tăng thêm sức mạnh, ngọn đinh ba rẽ nước vun vút đi tới...

Đường Luân cố hết sức tránh mình sang cánh trái, mũi đinh ba trượt qua phía hông...

Chàng tránh thoát được trong đường tơ kẽ tóc.

Trong lúc kinh mang, Đường Luân cố hết sức thò tay của mình nhanh như chớp để kẹp chặt cánh tay của đối phương vào nách mình.

A Kiệt giựt mình, không ngờ Đường Luân lại to gan như vậy, hắn rút tay về không được, lại không biết phép điểm huyệt nên vội vàng chồm tới sau lưng của Đường Luân, thò hai tay ra bẻ cổ.

Hai người liều chết, xiết chặt với nhau dưới nước. Đường Luân hơi sức càng lúc càng yếu mòn. Chàng cố hết sức vận dụng một lần hơi từ dưới Đan điền xông lên cố chuyển nội lực để bẻ gảy cánh tay của đối phương.

Chàng cố tình vừa bẻ tay, vừa dùng ngón tay tả để điểm vào bụng của A Kiết. Nào ngờ khi chàng vừa thò tay ra thì tay chân rời rã, không còn chút sức lực nào nữa.

Tai ù mắt điếc, toàn thân của Đường Luân đau đớn như dần...

Đường Luân nghe thấy mình cơ hồ như nghẹt thở, mắt nổ đom đóm, tai ù đầu váng.

Chàng thấy nếu mình buông lỏng cánh tay hữu ra thì tức khắc sẽ bị đối phương đâm vào hậu tâm.

Vì vậy mà chàng cố thu hơi tàn, kẹp chặt cánh tay của A Kiết, chàng cứ siết chặt...

siết chặt mãi...

A Kiết bị Đường Luân siết càng lúc càng chặt, hắn rên rỉ, nghiến răng kèn kẹt. Dần dần... cơ thể của nó rã rời, hai cánh tay từ từ buông ra, để hở yết hầu...

Đường Luân chộp lấy cơ hội, hé miệng ra, đớp lấy một miếng vào yết hầu của hắn...

Nhưng A Kiết khôn ngoan, lách đầu né tránh và hắn bắt chước đớp vào vai Đường Luân, đớp trả một miếng vào vai chàng.

Đường Luân nghe thấy hàm răng của đối thủ cắn chặt vào vai mình, một tràng đau buốt truyền tận tâm can, làm cho chàng run lên bần bật...

Chàng uống phải một ngụm nước biển, mùi vị thật chua chát vô cùng.

Tay chân rã rời, Đường Luân buông đối thủ ra, từ từ nhoi lên mặt nước.

A Kiết vô cùng đắc ý, tay cầm đinh ba, cấp tốc lội theo, quyết tâm đâm Đường Luân một đòn cho bỏ mạng.

Nào ngờ, bỗng thình lình có một tràng đau nhức truyền thấu tâm can. A Kiết cúi đầu nhìn xuống, bất giác hồn phi phách tán, vì rằng một cánh tay của mình đã bị ai đớp một nửa, rơi lủng lẳng giữa giọng nước đỏ ngầu và món binh khí đã tuột mất khỏi tay.

Hắn rên rỉ luôn mồm, và nước biển tuôn ừng ực vào miệng.

Hắn đau quá, cựa quậy lồng lộn dưới nước như một con thú dữ vừa trúng đạn, sắp sửa lìa trần...

Nước biển cứ tuôn vào mồm hắn, và máu của hắn tuôn ra làm đỏ ối cả một vùng.

Hắn càng cựa quậy, thân hình càng từ từ chìm lĩm xuống đáy biển mênh mông vô tận.

Đường Luân nổi lên mặt nước, một cơn gió lốc thổi tới, giá lạnh như băng làm cho chàng giựt mình tỉnh táo.

Mở mắt nhìn quanh, thấy cách đó xa xa có một chiếc thuyền bằng da đang trôi nổi bềnh bồng. Một chiếc khăn màu trắng của người Hồi giáo bịt đầu đang quấn quít gần đó mà chẳng thấy tăm hơi của A Kiết.

Chàng có ngờ đâu, ban nãy chàng đã cách cái chết trong đường tơ kẽ tóc.

Sau khi Đường Luân bỏ đối thủ của mình nhoi lên mặt nước, thì A Kiết thu hết hơi tàn để đuổi theo, ngõ hầu kết liễu tính mạng của Đường Luân, nào ngờ chính vào lúc đó, con cá mập băng mình lội tới, đớp một miếng thần tốc vào cánh tay của A Kiết.

Nhờ đó mà Đường Luân thoát nạn và A Kiết chìm lĩm xuống lòng biển cả để làm mồi cho cá.

Từng cơn gió lạnh của biển cả đem lại cho chàng một sinh khí mới. Chàng không đếm xỉa gì tới A Kiết nữa, thanh Hỏa Long thần kiếm trong tay nặng trĩu như một hòn đá.

Trong trí chàng chỉ cố tìm cách để gặp lại Ngọc Đảnh chân nhân để rồi leo lên chiếc bè con đó để ngơi nghỉ, lấy lại sức khỏe...

Trong lúc đó thì Ngọc Đảnh chân nhân cố sức gióng chiếc bè con lặn lội vào đất liền và Tiêu Dao Độ đã mập mờ ẩn hiện ở phía xa xa...

Trong lònh ông khấp khởi mừng thầm, vì lúc bấy giờ sóng gió đã bắt đầu dịu lại và cuộc hành trình chắc không có gì trở ngại nữa.

Nhưng mà trong lòng ông ta vẫn lấy làm lo lắng vì lẽ Đường Luân đi quá lâu mà chưa thấy trở về, không biết có xảy ra điều chi bất trắc hay chăng.

Còn đang thấp thỏm bồi hồi bỗng nghe Khang Huệ nằm trên bè kêu lên ầm ỉ :

- Nhị sư thúc ơi... Đường ca ca trở về.

Tiểu Ngũ run rẩy nhóng cổ lên nhìn. Chỉ có Kim Lăng Thiên vẫn còn tỏ vẻ hậm hực lắm.

Ngọc Đảnh chân nhân quay đầu nhìn lại, quả thật thấy Đường Luân đang cố hết sức bơi về phía bè của mình.

Ông thấy Đường Luân mặt mũi bơ phờ hốc hác, tay chân chậm chạp, cơ hồ như sắp sửa không còn cựa quậy nữa.

Từng đợt sóng... từng đợt sóng nổi lên dồn dập cái thể xác của Đường Luân lềnh bềnh trôi nổi.

Khang Huệ kêu lên :

- Đường ca ca... lội nhanh lên.

Câu nói của Khang Huệ đã lọt vào tai Đường Luân và đem đến cho chàng một nguồn sinh lực, chàng cố gắng bơi tới...

Và thân hình của chàng còn cách Ngọc Đảnh chân nhân không bao xa. Thu hết hơi tàn, Đường Luân đưa lưỡi Hỏa Long thần kiếm về phía Ngọc Đảnh chân nhân...

Ngọc Đảnh chân nhân biết Đường Luân sức đã cùng, lực đã kiệt nên không dám chần chờ, mặc dầu lưỡi kiếm bén hơn nước nhưng ông ta vận nội công lên năm ngón tay chộp tới một đường mạnh bạo...

Đó là miếng Vân Long Thám Trảo của Côn Lôn phái, năm ngón tay ông ta chạm vào sắt thép vang lên một tiếng “cảng” rợn người.

Ngọc Đảnh chân nhân toát hơi lạnh từ trong đan điền, ra sức kéo Đường Luân vào lòng mình...

Chính vào lúc đó thì một lượn sóng ồ ạt từ đàng xa phủ tới, đẩy mạnh Đường Luân trôi giạt ra ngoài.

Sóng vỗ tung trời.

Bọt bay trắng xóa.

Ngọc Đảnh chân nhân kêu lên một tiếng kinh hoàng vì trong tay của ông ta nhẹ như bấc. Sóng gió vừa tan thì hình bóng của Đường Luân đã mất dạng.

Ngọc Đảnh chân nhân thất kinh biến sắc, buột mồm gọi to :

- Đường huynh... Đường huynh đệ...

Chỉ có tiếng ào ạt của sóng gió, mà không có tiếng trả lời. Ngọc Đảnh chân nhân đâu lòng lắm, ông ta không ngờ đó là sự thật. Ông ta không ngờ một người trẻ tuổi, thuộc hạng kỳ tài trong thiên hạ mà hôm nay lại bị sóng thần cuốn đi vào lòng biển cả.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, Ngọc Đảnh chân nhân tâm can tan nát. Lưỡi Hỏa Long thần kiếm đã cắt đứt bàn tay của ông ta mà ông ta vẫn chưa hay.

Phía sau lưng có tiếng Khang Huệ khóc lên nức nở, hòa lẫn với tiếng rên rỉ của thằng Tiểu Ngũ :

- Đại thúc ơi... đại thúc!

Ngọc Đảnh chân nhân biết nghề bơi lội của mình quá kém, nếu buông ra mà đi cứu Đường Luân thì có khác chi mò kim đáy biển!

Hà huống... Ông ta rời khỏi chiếc bè này thì ba nhân mạng trên bè tất chết...

Rầu rĩ, ông ta ném thanh Hỏa Long thần kiếm lên bè và lại lặng lẽ giong chiếc bè đi, để hoàn thành cuộc hành trình đầy gian lao nguy hiểm.

Và sau hai tiếng đồng hồ chống cự với sóng gió, với gian khổ chiếc bè đã bơi dần vào đất liền. Đang cơn lo lắng, hai bàn chân ông ta chợt đạp nhằm đất ở phía dưới.

Ông ta mừng rỡ kêu lên mấy tiếng để báo tin cho Khang Huệ và từ từ lôi chiếc bè cập vào bờ biển.

Thế rồi đoàn người lặng lẽ lên bờ, bước đi mà cõi lòng tan nát.

Thằng Tiểu Ngũ nước mắt như mưa.

Chợt Ngọc Đảnh chân nhân dừng lại kéo chiếc áo dài của mình ra, vắt cho ráo nước và nhìn chiếc bè.

Thằng Tiểu Ngũ cũng cởi áo của mình trãi xuống để ngã lưng ngơi nghỉ.

Kim Lăng Thiên đi gần đến bên Khang Huệ :

- Huệ muội chớ khá thương tâm, dù sao thì thằng Đường Luân cũng không phải là người trong Côn Lôn phái.

Câu nói này làm cho Khang Huệ nổi nóng, nạt :

- Dang ra... không phải người trong Côn Lôn phái thì sao?

Kim Lăng Thiên trờ tới một bước, dịu dàng nói :

- Huệ muội...

Câu nói bị một đòn Ngọc Nữ Xuyên Thoa của Khang Huệ cắt đứt. Và Kim Lăng Thiên trúng đòn vào giữa huyệt Thiên Trì lảo đảo thối lui.

Khang Huệ nạt :

- Đi cho khỏi mắt ta...

Rồi bỗng nàng khóc lên nức nở, chạy như bay về phía một khu rừng rậm rạp gần đó.

Kim Lăng Thiên vội vã tung mình đuổi theo nhưng hai bàn chân của hắn vừa rời khỏi mặt đất năm tấc thì chéo áo của hắn bị một người níu trở lại. Bên tai của hắn vang lên câu nói của Ngọc Đảnh chân nhân :

- Đuổi theo làm gì... vô ích!

Khang Huệ chạy đến bìa rừng, chọn một miếng đá phẳng phiu ngã xuống. Mái tóc của nàng bồng bềnh trong gió quấn vào cây tùng gần đó, nước mắt của nàng tuôn không dứt, rơi xuống như xâu chuỗi ngọc...

Nàng lẩm bẩm :

- Đường Luân là một con người tốt... nhưng chàng lại chết oan uổng.

Nước mắt nàng vẫn rớt tầm tả, miệng bắt đầu khô, cổ bắt đầu đau, nàng thấy một nguồn thất vọng ê chề, tứ chi rời rã. Nàng muốn khóc nữa cho hả, nhưng không thể nào khóc được. Nước mắt cơ hồ cạn cả rồi, nàng nghe thấy mình cần gặp mặt Đường Luân yêu dấu.

Gió nổi lên ào ào, dường như đe dọa, nàng hốt hoảng...

Nàng ngẩng đầu lên vì thoáng thấy có ai đi về phía mình.

Lòng nàng bỗng dịu lại vì nàng phải sẵn sàng để đối phó một người mà nàng chưa biết là bạn hay là thù. Nàng muốn đứng dậy chạy về phía Ngọc Đảnh chân nhân nhưng tứ chi lại rũ rượi...

Thình lình, có tiếng gió nổi lên, và một chiếc bóng mờ mờ hiện ra trước mắt. Nàng thở phào một hơi nhẹ nhõm, lẩm bẩm :

- Ngỡ là ai, té ra là lão già gầy gò khẳng khiu.

Thì ra, đó là lão già trong Hiệp Nghĩa tông Trần Như Phong!

Lão già họ Trần cười nham nhở, nói rằng :

- Ngỡ là ai, té ra là một người đẹp như hoa.

Nghe người ta khen mình đẹp, mặc dầu đang trong cơn đau đớn, nhưng nàng thấy thích lắm.

Nàng gượng cười, và Trần Như Phong lại nói tiếp :

- Người đẹp kia ơi, xem sắc phục thì cô nương là người trong làng võ, chẳng biết sư phụ là ai? Quê quán ở nơi nào?

Thật ra, Trần Như Phong đã nhìn thấy vành ống tay áo của Khang Huệ thêu màu sặc sở, dấu hiệu riêng của Côn Lôn phái.

Khang Huệ mỉm cười hỏi một câu :

- Ta với mi chẳng quen chẳng biết, cớ sao mi hỏi gốc rễ của ta làm gì?

Trần Như Phong ôm bụng cười ngặt ngoẻo :

- Nếu người đẹp không nói... thì tôi mạn phép bói một quẻ.

Nghe nói đến bói, Khang Huệ thích thú lắm, nàng reo lên ròn rã :

- Nào... bói thử một quẻ xem nào...

Trần Như Phong thấy vậy vuốt râu cười khà, rồi bỗng xăn tay áo lên, rồi lại nhắm nghiền mắt lại. Hai bàn tay của lão chộp ra ba bề bốn bên, trông thật buồn cười, như một con vượn...

Mồm của lão lẩm bẩm :

- Châu Việt Văn Vương, Khổng Tử thánh nhân, Đào Hoa nữ tiên sinh, Quỷ Cốc tiên sinh... đến trình diện hết ra đây để cho già này bói một quẻ...

Rồi bất thình lình, lão mở bừng mắt dậy, đưa tay trỏ thẳng vào mặt của Khang Huệ mà nói :

- Ta bói cha mi là thằng Oai Trấn Bát Phương Khang Bá Phương gì đó... còn thầy của mi là con ma Chưởng môn Côn Lôn phái, mi là Côn Lôn Long Nữ gì đó... tên là Tiểu Khang Huê.... có phải hay chăng?

Khang Huệ giật mình nhảy nhổm lên, mở to cặp mắt nói chẳng ra lời.

Trần Như Phong cười híp mắt, hỏi lại :

- Khang cô nương, già này nói có đúng hay không?

Khang Huệ ngơ ngác :

- Sao ông biết?

Trần Như Phong chớp nhanh cặp mắt, cười khoái trá, trả lời rằng :

- Thì ta đã bảo ta biết bói cơ mà. Ngày xưa ta phải tam bộ nhất bái lên núi Quan Âm, cầu thần thánh mới học được nghề này...

Khang Huệ thơ ngây, bị ông ta qua mặt. Nàng có ngờ đâu Trần Như Phong là một lão già lão luyện giang hồ, lại quản lý một tiêu cục to lớn nhất Trung Nguyên, lại là người có chân trong Hiệp Nghĩa tông, nên các môn phái thảy đều hiểu rành. Vì vậy mà lai lịch của Khang Huệ, ông ta đoán ra không khó.

Trong lúc Khang Huệ đang sững sờ kinh dị thì Trần Như Phong lại hỏi :

- Khang cô nương chẳng phải đi chung với Ngọc Đảnh chân nhân hay sao? Chắc có lẽ lén trên trốn ra ngoài đùa giỡn, sa chân mà rơi xuống biển chứ gì?

Câu hỏi này lôi Khang Huệ trở về thực tế, nàng đưa mắt ngắm nhìn thân hình ướt loi ngoi của mình mà nhớ lại tấm bi thảm kịch mà nàng vừa mới trải qua ban nãy.

Hình ảnh của Đường Luân bị những lượn sóng thần cuốn đi sâu vào lòng biển cả, đem đến cho nàng một nỗi buồn đớn đau chua xót.

Nước mắt lại rơi tầm tả, vẻ mặt của nàng sầu thảm vô ngần.

Trần Như Phong lấy làm lạ hỏi :

- Cô nương vừa khóc vừa cười, chắc có lẽ vừa gặp một việc gì bất như ý?

Khang Huệ nức nở :

- Không, không!... Đường ca ca... đã chết!

Như một người bị điện giật, Trần Như Phong nhảy nhổm lên, sắc mặt kinh hoàng.

Ông ta hỏi như thét :

- Sao?

Khang Huệ chư kịp trả lời thì sau lưng nàng có tiếng chân người đạp lên lá khô nghe rào rào. Có tiếng ho của Ngọc Đảnh chân nhân vang lên, tiếp theo đó là tiếng nói của thằng Tiểu Ngũ :

- Khang cô nương trốn ở đây, báo hại tôi đi tìm hết hơi hết sức!

Rồi nó chạy tới sà vào lòng của Khang Huệ. Ngọc Đảnh chân nhân nói :

- Ngỡ là ai, té ra là Trần lão tiền bối.

Trần Như Phong đảo mắt một vòng thật nhanh, nhìn về phía Ngọc Đảnh chân nhân, ông ta khẽ kêu lên một tiếng kinh hoàng, dường như một người đang sa chân từ trên lầu cao muôn trượng, rơi về mặt đất.

Vì rằng ông ta vừa nhác trông thấy trong bàn tay của Ngọc Đảnh chân nhân đang cầm một lưỡi bảo kiếm sáng ngời :

Hỏa Long thần kiếm!

Nhưng ông ta gượng lấy lại bình tĩnh, niềm nở xá chào Ngọc Đảnh chân nhân.

Ngọc Đảnh chân nhân cũng gượng cười, vì rằng ông ta là một người có danh vọng mà bấy giờ râu tóc rối bời, quần áo ướt loi ngoi lóp ngóp.

Trần Như Phong mới bắt đầu vào đề :

- Vừa nghe Khang cô nương nói rằng có một người trẻ tuổi trong Hiệp Nghĩa tông sa chân chết nơi giữa biển, chuyện này có thật hay chăng?

Ngọc Đảnh chân nhân thở một hơi dài áo não. Tiếng thở dài đó như một lưỡi dao, đâm Trần Như Phong một nhát xuyên tâm. Nhưng lão vẫn gắng gượng nói một câu bình thản :

- Nhà ngươi thật là ngớ ngẩn, tám phần mười chắc có lẽ mi hại chết thằng nhỏ đó...

Báo cho mi biết, thằng Trần Như Phong này liều chết mời bọn Hiệp Nghĩa tông để chọi với Hải Ma. Bây giờ mi hại chết thằng nhỏ đó thì bảo Trần Như Phong này làm sao ăn nói với bọn Hiệp Nghĩa tông... thật là khó xử, ta sẽ báo cho họ biết, để họ tìm Côn Lôn phái mà thanh toán.

Bị dụ vào một tình thế khó xử, Ngọc Đảnh chân nhân đành phải kể rõ đầu đuôi tự sự cho Trần Như Phong nghe. Càng nghe Trần Như Phong càng thở vắn than dài.

Ông tự trách mình thật không nên vì tánh hiếu kỳ mà đuổi theo Bích Cơ Ma Nữ, cùng Mộ Dung Ngọc để cho Đường Luân đơn thân độc mã đi gánh một công việc hiểm nghèo.

Ông bảo với Ngọc Đảnh chân nhân :

- Nói thật cho mi biết, thằng họ Đường đó chính là đứa học trò cưng của Vô Tông Khách... bây giờ nó đã chết rồi thì mi phải trao thanh bảo kiếm này cho ta, để ta mang nó trình với Vô Tông Khách làm bằng chứng.

Ngọc Đảnh chân nhân xoay đốc kiếm lại, trao tận tay của Trần Như Phong mà nói :

- Mọi việc đều nhờ Trần lão tiền bối liệu lượng mà thu xếp cho, và xin chuyển lời với Hiệp Nghĩa tông rằng, trong một ngày gần đây bần đạo sẽ đích thân tìm đến để tạ tội.

Trần Như Phong trả lời :

- Thì ta cố gắng thuyết cho xuôi, bây giờ lão đạo sĩ mi muốn đi đâu đó?

Ngọc Đảnh chân nhân buồn bã trả lời :

- Nếu việc này đã có Hiệp Nghĩa tông gánh vác thì bần đạo không muốn nhúng tay vào đó làm gì, bây giờ bần đạo trở về núi Côn Lôn.

Khang Huệ bỗng cắt ngang câu nói :

- Tôi không về...

Ngọc Đảnh chân nhân nhướng mắt nói :

- Tại sao?

Khang Huệ ngoe nguẩy trả lời :

- Như thế chẳng hóa ra chuyến đi này chúng ta chẳng thu hoạch việc gì... đến bây giờ mà ta chưa thấy mặt con Bích Cơ, để xem nó đẹp đến dường nào!

Ngọc Đảnh chân nhân quắc mắt, cáu kỉnh :

- Mi thật là trẻ con.

Trần Như Phong giải hòa :

- Việc này dễ xử, chờ khi mọi việc xong xuôi rồi ta sẽ nhờ trong Hiệp Nghĩa tông vẽ một bức tranh truyền thần, ghi lại nét đẹp của con Bích Cơ Ma Nữ đưa lên núi Côn Lôn cho mi là xong.

Khang Huệ hờn dỗi :

- Ta không bằng lòng xem người giả.

Trần Như Phong gải đầu... trả lời :

- Thôi được... để ta tìm cách bắt cóc con Bích Cơ đưa lên tận núi Côn Lôn để cô nương xem cho hả, cô nương nghĩ sao?

Khang Huệ bĩu môi :

- Mi đừng phỉnh ta, làm sao bắt cóc nó cho được?

Kim Lăng Thiên chen vào nói :

- Trần lão tiền bối là một vị giám đốc của một phiêu cục to nhất Trung Nguyên, lẽ tự nhiên là có cách, dưới tay ông ta nhân tài vô số... bắt một con Bích Cơ như bắt một con cá nằm trên thớt có chi là khó...

Ngọc Đảnh chân nhân thét :

- Lăng Thiên, đừng nói nhảm...

Trần Như Phong ngửa mặt lên trời cười ha hả rồi thình lình nghiêm sắc mặt nói :

- Ta cần phải đi trao một bức thư thượng khẩn, vậy xin cáo biệt.

Nói rồi không chờ cho mọi người trả lời, lão ta quay phắt mình lại, trổ thuật phi hành lẩn vào khu rừng âm u bí hiểm...

Ngọc Đảnh chân nhân nắm tay thằng Tiểu Ngũ, nói một câu rầu rĩ :

- Chúng ta đi thôi!

Thằng Tiểu Ngũ ngơ ngác, ngẩn đầu lên :

- Đi đâu?

Ngọc Đảnh chân nhân ngửa mặt lên trời, trả lời một câu rắn rỏi :

- Đi về núi Côn Lôn.

* * * * *

Cách Tiêu Dao Độ không đầy nửa dặm, trong một cái vịnh cảnh trí xinh tươi, trăm hoa đua nở, nghìn tía muôn hồng, người ta không ngờ ở một nơi vắng vẻ đó lại có một ngôi nhà bé bé xinh xinh, kiến trúc cực kỳ trang nhã.

Mái ngói đỏ như son, nằm giữa một vùng cây lá xanh um, với những nét kiến trúc huy hoàng lộng lẫy làm cho người ta có cảm giác như đó là Tiên cung Nguyệt điện.

Lúc bấy giờ có một cặp nam thanh nữ tú đang chầm chậm rảo bước bên bờ biển...

Người con trai trẻ đẹp kia đầu đội một chiếc mũ màu trắng tuyệt đẹp, trước ngực chàng có hai hàng nút, kết toàn bằng những hạt ngọc lóng la lóng lánh.

Người này mặt trắng môi son, phong độ cực kỳ trang nhã, bên lưng cùng mang một thanh gươm Thái Nguyệt.

Người con gái kia có một nhan sắc tuyệt vời, mình mặc một bộ quần áo màu hồng nhạt, bước đi dịu dàng yểu điệu thật đúng với câu Thiên kiều bá mị.

Người kiếm khách trẻ tuổi kia cất giọng sang sảng ngâm nga một bài thơ cổ để ca tụng sắc đẹp của người ngọc bên mình...

Bài thơ vừa dứt, thanh niên quay sang người đẹp hỏi :

- Bích Cơ, thơ hay không nhỉ?

Bích Cơ trả lời một câu lạnh nhạt :

- Thơ còn non... không có một vẻ hào hùng của người nam tử...

Mộ Dung Ngọc bẽn lẽn, lâu lắm mới gượng cười ha hả, rồi bỗng thình lình chàng ta dang tay ra ngăn nàng lại.

Nhanh như thoắt, Bích Cơ xoay lại đưa lưng về phía Mộ Dung Ngọc.

Mộ Dung Ngọc giương mắt ngắm nhìn cái dáng thon thon của Bích Cơ, dịu dàng nói :

- Cơ muội, em đẹp thật!

Rồi trờ tới hai bước, hắn thèm thuồng hít lấy hương thơm ngào ngạt của người đẹp.

Một mái tóc đen huyền óng ả, được cuốn gọn lên, búi trên đỉnh đầu, để lộ ra một chiếc gáy trắng tinh như ngà ngọc. Cái màu sắc thật là hấp dẫn, đem đến cho chàng một ý nghĩ mới lạ về Bích Cơ...

Mộ Dung Ngọc có trực giác rằng sức hấp dẫn như một ngôi hỏa diệm sơn của người vợ chưa cưới của mình đang đốt cháy tâm can của người trẻ tuổi.

Chàng sẽ nhướng chân mày, hổn hển gọi :

- Bích Cơ...

Rồi hớp một hơi dài dưỡng khí, hắn vươn mình tới định chộp ngang eo của người đẹp.

Bích Cơ liếc nhìn xuống mặt nước, thoáng thấy bóng dáng hùng hổ của Mộ Dung Ngọc, bất giác giật nẩy mình...

Tràng mình né tránh, Bích Cơ thất sắc gọi :

- Mi...

Bằng một động tác cực kỳ lanh lẹn, Mộ Dung Ngọc nhẹ nhàng vồ chặt lấy bả vai của nàng, ghì sát tấm thân uyển chuyển, chàng cơ hồ như muốn nuốt trửng lấy cặp mắt lấp lánh như kim cương kia.

Chàng cũng muốn nuốt trửng luôn cái sống mũi đẹp, hai vành môi đỏ mọng như đóa hoa anh đào vừa mới nở.

Quả tim chàng đập mạnh, hơi thở chàng gấp rút muốn lấy hương thơm người đẹp một cách tham lam, man dại.

Như một người nổi cơn điên, Mộ Dung Ngọc thình lình đưa năm ngón tay xòe ra như gấu ó xé toạt lấy vạt áo trước của nàng, cùng trong một lúc ghì chặt lấy thân hình của Bích Cơ...

Trên gương mặt của Bích Cơ thoáng hiện lên một thoáng hoang mang, nhưng rồi lấy ngay lại bình tĩnh như không hề có vẻ gì cả. Nàng đảo nhanh hai tròng mắt đen lánh của mình, nở một nụ cười ngọt ngào, tươi tắn...

Cánh tay mềm mại như một con rắn, nàng thò qua cổ của Mộ Dung Ngọc. Hai tràng mi đen mượt từ từ khép lại, trong một cử chỉ gợi tình đến tột đỉnh...

Mộ Dung Ngọc thần trí mơ màng, tâm can dao động, vừa muốn đặt vành môi của mình xuống hút lấy hai bờ môi mọng đỏ của nàng, thì...

Sau lưng chàng bỗng có tiếng tuốt gươm vang lên ròn rã và nhanh như chớp một đường gươm sáng ngời lóe lên, ém chặt vào huyệt Tỏa Hầu của chàng.

Mộ Dung Ngọc là con của một danh gia kiếm thủ, được trui rèn võ nghệ ngay từ nhỏ.

Cái nước bình tĩnh của chàng thật là đáng sợ.

Vì vậy mà lâm nguy lòng không biến, hai gót chân của chàng khẽ nhún một cái, thân hình đã bay vù ra phía sau hơn một trượng...

Nhưng mà, thân hình của Bích Cơ như bóng theo hình, bám chặt theo chàng, và phen này, từ trong ống tay áo bên phía tả của nàng có một lưỡi dao găm sáng ngời thò ra, kề sát giữa ngực của chàng.

Mộ Dung Ngọc gượng cười hỏi :

- Muội muốn giết ngu huynh ư?

Nghe Mộ Dung Ngọc nói chuyện phân tâm, lưỡi dao găm trong tay của Bích Cơ bất thình lình rọc một đường xuống dưới...

Chiếc nút bằng ngọc trước ngực của Mộ Dung Ngọc bị đứt rơi trên mặt cát, để rồi bắn ra tung tóe, lóng lánh sáng ngời dưới ánh thái dương.

Lưỡi đao thật khéo, chỉ cách làn da của Mộ Dung Ngọc như tờ giấy mỏng. Nếu mạnh tay một chút thì Mộ Dung Ngọc đổ gan ruột như chơi.

Người kiếm sĩ họ Mộ Dung thất sắc kinh hoàng. Bích Cơ Ma Nữ trong cơn giận dữ nở nụ cười chua chát :

- Chúng ta đều lớn cả rồi, phải thành thật với nhau.

Mộ Dung Ngọc rùng vai, trả lời :

- Tánh của ta thì Cơ muội đã biết, ta chỉ đùa tí thôi. Ban nãy nhất thời cao hứng không ngờ Cơ muội lại nổi giận.

Ngừng một chút, hắn lại cười nham nhở :

- Thật ra thì việc hôn nhân giữa đôi ta đã định, chỉ còn chờ làm lễ cưới mà thôi. Chúng ta có đùa giỡn một chút cũng chẳng can hệ gì!

Bích Cơ cau mày, dí mũi Thủy Vân đoản kiếm vào ngực của Mộ Dung Ngọc, còn thanh Thái nguyệt kiếm thì cũng lăm le chực đâm vào huyệt Khí Hải của hắn. Nàng xẵng giọng :

- Ai bảo với mi rằng việc hôn nhân của chúng ta đã định?

Mộ Dung Ngọc giật mình ngơ ngác :

- Thì phụ thân của hai ta chứ ai?

Bích Cơ giá giá lưỡi Thái Nguyệt kiếm vào đầu của Mộ Dung Ngọc mà rằng :

- Mi đừng nói nhảm!

Mộ Dung Ngọc toát mồ hôi lạnh. Chàng hiểu Bích Cơ từ thuở nhỏ nên biết rõ tánh tình của nàng hễ nói được thì làm được.

Vào giữa lúc hắn ta đang bần thần ngơ ngác thì...

Víu...

Một đường gươm sáng ngời lóe lên, thanh Thái Nguyệt cổ kiếm bị Bích Cơ Ma nữ trổ một đòn Thần Tiễn Viễn Xạ ném vù ra ngoài bảy trượng, để rồi rơi tỏm xuống mặt biển...

Mộ Dung Ngọc thoáng thấy, rú lên một tiếng kinh hoàng :

- Thôi chết rồi...

Bằng một động tác nhanh không thể tả, hắn với theo chộp một cái, nhưng không thể nào bắt kịp lưỡi kiếm.

Thế rồi thân hình của hắn vù theo lưỡi gươm như một mũi tên thoát khỏi vành ná cứng. Khá khen cho Mộ Dung Ngọc đến nơi thân hình của hắn đảo nhẹ một vòng, xử một thế Bồ Phong Tróc Ảnh, rồi rơi tỏm xuống biển, như một con rái hắn lặn vào bờ.

Khi hắn ta từ dưới nước trồi lên, tay cầm bảo kiếm, mình mẩy ướt loi ngoi lóp ngóp thì Bích Cơ Ma nữ đã ở trên bờ biển ôm bụng mà cười ngặt ngoẻo :

- Mộ Dung Ngọc, ngày hôm nay thú nhỉ? Mi muốn đùa ư? Thì ta tìm cho mi một con bạn. Ta có một đứa em bạn dì với ta là Tần Lệ Quân, thơ ngây đáo để. Để ta giới thiệu cho hai đứa mi đùa với nhau, đỡ khỏi phải uống nước biển...

Mộ Dung Ngọc hậm hực nhổ một bãi nước muối lên mặt cát, nhìn thấy Bích Cơ Ma Nữ lặng lẽ thu lưỡi Thủy vân đoản kiếm vào ông tay áo và xoay mình bỏ đi...

Chính vào lúc đó, từ trong bìa rừng có một tiếng kêu lên thất thanh, nghe giọng kêu rất kinh dị. Từ phía bên kia bìa rừng có một người con gái mặc một bộ quần áo trắng tươi, tất tả chạy ra. Nàng thấy Bích Cơ và Mộ Dung Ngọc đứng gần đấy nên vội vàng dừng chân đứng lại, thở hổn hển mà nói :

- Chị ơi! Mau sang bên kia mà xem, có một người chết đuối...


/29

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status