Kỷ Nguyên Máu

Chương 2 - Chương 2: Món Quà Kì Lạ Từ Ông Nội

/63


“Đinhhhhh...!”

Có tiếng chuông cửa vang lên, Trần Phong liếc nhìn đồng hồ.

“8h sáng!”

Hắn vậy mà miệt mài tập luyện suốt năm tiếng đồng hồ. Trần Phong điều chỉnh hơi thở của mình lại cho đều. Từng giọt mà hôi đua nhau chảy trên từng cơ bắp săn chắc của hắn.

Trần Phong có chút khó hiểu nhìn về phía cửa chính, đứng dậy đi ra ngoài. Mới sáng sớm thế này, hắn cũng không thường xuyên mời khách đến nhà, vì vậy tiếng chuông cửa vang lên vào giờ này thì rất là lạ. Trần Phong tiến đến gần cánh cửa, vừa chuẩn bị mở nó ra thì chợt nghe có tiếng người ở ngoài nói vọng vào.

_Chuyển phát đảm bảo AB, có ai ở nhà không? Nhanh ra nhận bưu kiện!

_Ra đây, ra đây...

_Mời cậu ký vào đây… đây là bưu kiện của cậu. Cám ơn rất nhiều.

_Cám ơn anh!

Chốt cửa lại cẩn thận, Trần Phong đưa mắt quan sát gói bưu kiện. Nó khá nhỏ, cỡ hộp cơm Bento kiểu Nhật Bản, được gói cẩn thận phẳng phiu, phía ngoài còn có dán kèm theo một bức thư tay.

Gửi Phong! Ông nội

Quà từ ông nội?

Trần Phong nghi ngờ tự hỏi bản thân. Ông hắn là một nhà khảo cổ, từ nhỏ ông đã có một đam mê cuồng nhiệt với thế giới, con người, các sinh vật, sự việc trong quá khứ xa xăm. Từ lúc hắn hiểu chuyện đến nay thì số lần gặp được ông có lẽ còn chưa đến năm mươi lần.

Lần cuối ông gọi về đã là hơn một năm về trước. Nghe nói ông và đồng nghiệp đã phát hiện ra một tàn tích lãng quên của người cổ đại ở vùng rừng rậm nhiệt đới Châu Mĩ. Ông cũng không quên dặn mình sẽ rất bận trong thời gian sắp tới, có thể sẽ không có thời gian gọi điện, hoặc quay trở về nhà ăn Tết.

Trần Phong chợt nhớ đến những gì ông nói, trong lòng rất hiếu kì về món quà này. Sinh nhật hắn sắp đến, ông nội đã hứa sẽ tặng cho hắn một món quà sinh nhật đặc biệt. Những món quà của ông cho hắn từ trước đến nay không bao giờ đụng hàng, món nào món nấy đều rất quý hiếm và độc đáo. Trong nhất thời sự lo lắng về những giấc mơ kì lạ của Trần Phong bị món quà này gạt sang một bên.

Xé lớp giấy gói quà, thứ đầu tiên lộ ra lại là một bức thư. Trần Phong cũng không nóng lòng tiếp tục mà cầm nó lên đọc trước. Bức thư vừa mở. từng dòng chữ viết nghiêng đều đặn cũng theo đó hiện ra, chính là nét chữ quen thuộc của ông hắn.

Cháu của ông, đã lâu rồi chúng ta không được gặp nhau. Dạo này cháu thế nào? Còn bị những giấc mơ kì quái kia quấy rầy hay không? Ông hy vọng cháu của ông luôn luôn khỏe mạnh. Ông đã về Việt Nam từ mấy tháng trước vì đồng nghiệp của ông mới phát hiện ra một di tích bị vùi lấp của người Việt cổ đại trong khu vực rừng già U Minh. Ông nghe tin liền vội vã về ngay. Cháu biết không, người dân địa phương của khu vực đó rất kì lạ, họ không thuộc dân tộc nào trong 54 dân tộc của người Việt Nam ta mà ông từng biết. Họ tuy lạc hậu nhưng rất thông minh, nói được nhiều ngôn ngữ, thậm chí còn có ngôn ngữ riêng của họ. Di tích kia bị tìm thấy cũng là một cách tình cờ, những người dân tộc này lúc đầu còn ngăn cản không cho chúng ta lại gần nghiên cứu nhưng không biết tại sao sau đó họ lại đổi ý. Ông đã có cơ hội được gặp mặt và nói chuyện với già làng của họ. Cháu không biết đâu, ông lão này nhìn già gấp mấy lần tuổi ông đấy nhé, cũng có thể vì ông của cháu vẫn còn rất trẻ, khụ khụ, quay trở lại vấn đề chính…”

...Ở trong di tích đó chúng ta tìm được rất nhiều vật dụng kì lạ. Có lư đỉnh, có tranh đá chạm khắc, có vũ khí đá thô sơ, có tượng lớn hình thù kì quái, nhiều lắm.

Hơn một tuần sau khi ta đến đó, già làng của họ bỗng yêu cầu ta đến gặp mặt, sau đó ông ta đưa cho ta hai vật, dặn ta không được cho người trong đoàn biết rồi ra hiệu đuổi ta đi.

Vật đầu tiên là một cuốn sách, nhìn qua rất bình thường, có khác chăng là bìa sách được bọc bằng da cũ. Cuốn sách bằng da này ông đã nghiên cứu qua, nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ kì lạ không nằm trong bất cứ loại ngôn ngữ nào mà loài người chúng ta từng nhận biết. Thậm chí ông đã gửi một đoạn sao chép ngắn của nó đến các nhà sử học gia và dịch thuật gia nổi tiếng nhất thế giới để hỏi nhưng không ai có thể nhận ra nổi. Trong sách ngoài nội dung được viết bằng thứ ngôn ngữ kì lạ kia còn có một số chữ tượng hình và tranh vẽ bí ẩn mà ông không thể hiểu nổi ý nghĩa.

Vật thứ hai chính là một chiếc nhẫn cổ. Chiếc nhẫn cổ này rất đẹp, có điều không biết thuộc niên đại nào, được làm bằng một loại nguyên liệu khá kì lạ vừa giống ngọc vừa giống đá, ngoài đục trong rỗng, không nặng không nhẹ. Mặt của chiếc nhẫn có khắc một đồ hình kì quái phức tạp. Tiếc là ta không có đủ thời gian và thiết bị để nghiên cứu thêm về nó. Đoàn chúng ta hiện tại đang rất bận rộn khai quật cái di tích cổ kia

Ta biết tính cháu hiếu kì, cũng như thích tìm hiểu các sự vật, sự kiện kì lạ, vì vậy sau khi suy nghĩ ta quyết định gửi hai thứ này tới cho cháu, cũng coi như là món quà sinh nhật sớm. Đừng lo, cuốn sách này thuộc sở hữu của ta, không liên quan gì đến nhóm khảo cổ cả. Hơn nữa lão già làng kia đã dặn ta không được tiết lộ cho người trong đoàn biết nhưng vậy chẳng phải có một ý tứ khác là nếu không phải người trong đoàn thì ta có thể tiết lộ sao? Khà khà, nếu có phát hiện gì hay ho đừng quên kể cho ông trong lần gặp mặt tới. Yêu cháu thật nhiều cháu yêu của ta. Ký tên: Ông nội đẹp trai phong độ nhất vịnh Bắc Bộ.

Đọc đến câu cuối, Trần Phong không kìm được khẽ bật cười. Ông nội hắn lúc nào cũng vậy, hài hước, tình cảm, luôn làm hắn cảm thấy vui vẻ khi nghĩ đến. Đặt bức thư sang một bên, Trần Phong tiếp tục xé nốt lớp giấy gói, phía trong là một cái hộp nhỏ màu nâu.

Trần Phong mở hộp nhỏ ra, đập vào mắt hắn đầu tiên chính là trước nhẫn cổ. Nó nằm yên lặng trên cuốn sách, chiếc nhẫn có màu ngọc thạch, mặt hình vuông dẹt, phía trên đúng như lời ông nội nói có khắc một đồ hình kì lạ phức tạp.

Khá là đẹp, thẩm mĩ của người tạo ra trước nhẫn này rất cao, có điều đồ hình kì quái này có ý nghĩa là gì?

Trần Phong thầm nghĩ, cầm chiếc nhẫn quan sát một lúc rồi đặt sang bên cạnh. So với chiếc nhẫn, hắn cảm thấy hiếu kì với cuốn sách kia hơn. Cuốn sách này nhìn qua khá cũ kĩ, giống như là sách cổ, bề mặt phía ngoài tương đối thô ráp, sờ vào có cảm giác sần sùi như da thuộc, phía trên vẽ một số ký tự loằng ngoằng kì lạ. Trần Phong lần ngón tay qua bìa sách, lật sang trang đầu tiên.

Ngôn ngữ trong sách thực sự là rất kì lạ, nhìn qua có phần giống chữ Hán cổ, có chỗ lại giống như chữ Ai Cập, ồ, đoạn này thậm chí nhìn giống như chữ cái Latinh, đúng rồi, có dấu sắc nữa này.

Trần Phong gãi gãi đầu, ngôn ngữ trong cuốn sách này nhìn qua cực kì khó hiểu, cảm giác như nó là một sự pha trộn của rất nhiều ngôn ngữ với nhau, cả hiện đại lẫn cổ đại. Hắn chau mày suy nghĩ, để quyển sách xuống bàn rồi rời đi, lúc quay lại đã thấy trên tay cầm một chồng sách dày cộp, một chiếc máy tính bàn loại nhỏ và một tập giấy trắng.

Trần Phong liếc nhìn cuốn sách cũ kĩ, bàn tay nhanh chóng sao chép lại rất nhiều từ ngữ trong đó xuống mặt giấy, đếm sơ qua cũng phải hơn một trăm từ. Tiếp đó hắn lại viết xuống hơn một trăm từ ngữ thông dụng bằng tiếng Trung mà hắn chép được từ một trang web trên mạng, qua thêm vài lượt nữa, thêm một trăm từ ngữ thông dụng tiếng Ai Cập, Ấn Độ… một vài loại tiếng cổ, thậm chí cả của Tiếng Việt cũng bị hắn viết xuống.

Xong xuôi công việc cũng mất đến vài tiếng, Trần Phong đưa mắt nhìn đồng hồ. Bây giờ đang là buổi trưa, hắn không có thói quen ngủ trưa, một phần cũng vì hễ ngủ là sẽ gặp những giấc mơ đáng sợ kia, còn lại thì tại vì hắn cảm thấy đây là một việc hết sức lãng phí thời gian.

Mấy chục tờ giấy, mấy chục loại ngôn ngữ khác nhau được Trần Phong chép xuống, đây đều là những ngôn ngữ được hắn lựa chọn cẩn thận từ các loại ngôn ngữ thông dụng hiện nay, ví dụ Anh, Đức, Pháp, Trung, Ấn Độ, Ai Cập, Nga...vv… và một vài ngôn ngữ cổ mà hắn có tài liệu trong tay, tất nhiên Tiếng Việt là ngoại lệ, nên nhớ cuốn sách có lẽ xuất xứ ở Việt Nam đấy, ai biết được liệu có liên quan gì hay không?

Phương pháp mà hắn đang thực hiện là một phương pháp khá thông dụng trong ngành ngôn ngữ học. Khi các nhà ngôn ngữ gia gặp được một loại ngôn ngữ mới, họ sẽ lập ra một bảng tóm tắt với khoảng một trăm đến hai trăm từ ngữ thông dụng của các loại ngôn ngữ mà họ biết. Sau đó so sánh với bảng tóm tắt một trăm từ ngữ của loại ngôn ngữ chưa biết đến kia. Nếu có điểm giống nhau với bất kì loại ngôn ngữ đã biết nào trên ba mươi phần trăm thì có nghĩa nó có liên quan đến nhau, trên năm mươi phần trăm là có họ hàng gần, còn trên bảy mươi phần trăm thì khỏi phải nói, nhất định là rất quen thuộc rồi. Khi đó họ có thể dựa vào loại ngôn ngữ giống kia để mò mẫm rồi phiên dịch thêm các từ ngữ khác, từ đó lập ra một bảng chữ cái và từ ngữ có hệ thống. Đó là cách mà các nhà ngôn ngữ học có thể dịch thuật được các loại ngôn ngữ cổ đại đã thất truyền hoặc ngôn ngữ lạ của người dân bản địa vùng nào đó.

/63

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status