Kỳ Sử Dương Hậu

Chương 18: Tết Nhâm Thân nói chuyện hoàng thất

/59


Lần thứ hai tôi đón tết trên quê hương Việt Nam thế kỉ X, lần đầu tiên tôi chứng kiến ngày tết nhộn nhịp ở thành Hoa Lư.

Mười tám năm của cuộc đời sống nơi Sài thành phồn hoa đến giờ khắc này tự nhiên thấy uổng phí. Ngày tết Nguyên Đán đối với tôi cũng không khác ngày thường là bao. Thành thị dân cư đông đúc, buôn bán tấp nập, đường phố xe cộ như mắc cửi. Đó chỉ là chiếc mặt nạ ngụy trang của Sài Gòn. Muốn nhìn thấy dung nhan đích thực của nó, xin mời bạn dừng chân tại đây vào những ngày lễ tết.

Khi mà bộ phận dân nhập cư đồng loạt trở về quê nhà ăn tết với gia đình, những con hẻm, những ngõ phố vắng tanh. Cửa hiệu, chợ búa đóng cửa im lìm. Ngày tết, Sài thành bỗng hiền dịu hẳn đi. Còn đối với những người dân bản xứ, sinh ra và lớn lên nơi đây, ngày tết của họ cũng rất thầm lặng. Gia đình tôi không có dây mơ rễ má, đếm sơ qua cũng có vài ba người thân trong dòng họ. Có cậu út luôn bận bù đầu vì công việc suốt 362 ngày. Ba ngày tết là dịp để cậu ấy ngủ thẳng giấc tới trưa. Con người ta đôi khi mải mê trong nhịp sống đô thị gấp gáp mà vô tình tự biến mình thành loài thiêu thân. Cả ngày lễ tết cũng không biết cách hưởng thụ.

Lễ tết với tôi trước giờ vẫn là một kiểu nghi thức qua loa. Phụ huynh nhà này lì xì cho con cháu nhà kia còn phải cân đo đong đếm, để vừa bằng số tiền phụ huynh nhà kia lì xì cho con cháu nhà mình. Họ có quan niệm “không muốn mắc nợ ai”. Chính sự tính toán chi li đó đã biến ngày lễ truyền thống dân tộc mất đi ý nghĩa sâu sắc.

Dường như cuộc sống cần hiện đại, tân tiến, người ta càng lãng quên nhiều giá trị văn hóa dân tộc, và dường như cũng quên đi cả chính mình.

Tôi cứ mơ hồ nhớ tới thế giới tương lai, không hay mình đã để hồn treo tận đẩu tận đâu.

Tết Nhâm Thân 972, tôi và Vân Nga tỉ có dịp chứng kiến cung đình vui ngày hội. Từ ngày 15 tháng chạp, chị đã lệnh cho nô tài, cung nữ quét tước dọn dẹp. Đích thân chị còn gói bánh chưng, bánh giày. Tết năm rồi tôi cũng từng trải qua cái hương vị dân tộc thân quen này nhưng vì ngày đó vừa chân ướt chân ráo “rớt” xuống Đại Cồ Việt, cuộc sống xa lạ, chưa thích nghi nổi mà sinh ra một chút lạc lõng. Hơn nữa, gia đình Dương Thế Hiển không phải hạng có tiền có của nên đón tết rất đạm bạc. Bây giờ đã sống trong cung, chị em tôi thỏa sức vui chơi ngày tết, ngắm bầu trời Đại Cồ Việt xưa.

Tây thành là chốn hậu cung của vương triều, tuy các cung điện đều được bao quanh chung một vòng tường nhưng mỗi nơi đều có cuộc sống riêng. Giống như những hộ gia đình trong một xóm. Các bà hoàng hậu đều ở yên trong tư điện, mỗi người tự quyết định nên tổ chức hoạt động gì cho ngày tết. Hai mươi chín tháng chạp, Đinh Tiên Hoàng ban lộc tết cho năm người vợ của ông. Ai cũng có váy áo thượng hạng, rương vàng hòm bạc, trâm tóc, vòng kiềng,… Ở điện Vân Sàng, nhà vua đem tới một cây hoa đào nở rộ, trồng xuống góc sân. Ngài nói rằng cây đào này mọc trên đất Nga My, vì sợ Dương hậu ngày tết nhớ nhà mà cho người đào lên đem về đây làm quà. Đối với tỉ tỉ, tất thảy vải vóc bạc vàng vua ban đều không quý bằng cây hoa đào ấy.

Ngày 23 tháng chạp, quan thần của Đinh triều tập họp tham gia lễ dựng cây nêu. Một cây tre dài gần 40 tấc được chuẩn bị sẵn. Đinh Tiên Hoàng đích thân treo lên ngọn tre tấm nhiễu điều [1] và một đồng Thái Bình hưng bảo. Đinh quốc công Nguyên Bặc bện bầu rượu bằng rơm, Ngoại giáp Đinh Điền (丁佃) chuẩn bị vàng mã, Độ hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ (劉基) viết bùa trừ tà, Quan sứ Trịnh Tú (鄭琇)cắt giấy hình cá chép. Cứ như thế, Đinh Tiên Hoàng cùng “tứ trụ” của ngài cột mọi thứ vào ngọn tre, cùng nhau dựng cây nêu sừng sững giữa sân triều. Mọi người tin rằng cây nêu này sẽ xua đuổi tà khí, bảo vệ nhà Đinh thêm một năm hưng thịnh.

Tết Nhâm Thân này, mai cổ thụ trên núi Mã Yên [2] đúng hẹn ngày mồng một mà trổ hoa vàng rực. Nghe nói cây mai già ấy đã hơn trăm tuổi, là biểu tượng của vùng Hoa Lư. Thuở nhỏ hoàng đế cùng bốn người bạn thân có lần giở trò nghịch ngợm bẻ gãy cành mai, khiến nhiều năm về sau, cây chẳng trổ hoa. Sau khi nhà vua lên ngôi, ngài đem nước từ sông Sào Khê đến tưới cho gốc mai ấy. Tương truyền lời vua bảo rằng: “Phàm tục, lòng người ích kỷ nhỏ nhen. Không ngờ một cổ thụ như mi cũng hờn giận lâu như thế. Nay trẫm đã là hoàng đế Đại Cồ Việt. Ngươi sống trên đất của trẫm, chính là bá tánh của trẫm. Giang sơn này trẫm nhất định dùng hết đời mà trấn hưng, bảo vệ.”

Thế là tết năm ấy, mai cổ thụ ra hoa.

Ngày 27 tháng chạp, Vân Nga cho bày mực tàu giấy đỏ. Tôi đứng bên vừa mài mực vừa nhìn bàn tay tài hoa của chị vẽ nên đôi dòng câu đối:

“Xuân tha hương sầu thương về quê mẹ

Tết xa nhà buồn bã nhớ quê cha”

Mực vừa khô, tỉ tỉ cẩn thận cuộn giấy lại rồi sai thị vệ lập tức khởi hành đem món quà này vượt 20 dặm đến cho phụ thân ở vùng Nga My. Nghe nói tết này ông ấy được nhà vua thưởng lộc hậu hĩnh, Vân Nga cũng không muốn biếu cha thêm bạc vàng nên chỉ viết đôi câu đối, xem như tấm lòng hiếu thuận gửi về quê nhà.

Ở sân triều Hoa Lư cũng có treo câu đối trên hai cái cột lớn nơi cổng vào. Bút tích của Đinh Tiên Hoàng uốn lượn như rồng bay phượng múa:

“Ba vạn sáu ngàn ngày góp lại chốc đà trăm bận tết

Một năm mười hai tháng ước chi đủ cả bốn mùa xuân”.

Ở đây ai cũng văn hay chữ tốt, chả bù với tôi chỉ thuộc có hơn trăm chữ hán, vài ba chữ nôm chẳng viết lách gì được. Bánh chưng Vân Nga gói vừa ngon vừa khéo, ngày mồng một tết chị đem bánh tới biếu bốn vị hoàng hậu kia. Kiểu Quốc hoàng hậu nhận quà mà mặt không chút biểu cảm. Cồ Quốc hoàng hậu tươi cười đôn hậu, khen chị ấy khéo tay khéo chân. Đan Gia hoàng hậu cũng nhận quà, chúc tỉ tỉ năm nay sớm có quý tử nhưng vẻ mặt của bà không mấy thật tình. Ca Ông hoàng hậu thì trừng trừng hai mắt, bảo a hoàn thay cô ta lấy quà còn lẩm bẩm nói chị tôi “bày vẽ”.

Sau một buổi sáng theo Vân Nga đi khắp các cung điện, chân tôi đã mỏi rã rời. Hai chị em về điện Vân Sàng, nghỉ ngơi tới xế chiều lại chuẩn bị váy áo đi dự dạ tiệc ở Đông Thành.

Người Việt có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy.” Các con trai con gái của nhà vua cả ngày hôm nay đều quanh quẩn bên phụ hoàng. Tiệc tối nay, họ cũng sẽ có mặt đông đủ. Các hoàng thân và cận thần cũng sẽ tới dự. Đây là lần đầu tôi chứng kiến đại gia đình của Đinh Tiên Hoàng cùng ở một chỗ.

Mang phong thái uy nghiêm nhất, và cũng là quyền thế nhất chính là Đan Gia hoàng hậu – Đan Đỗ Linh. Tết này bà đã 44 tuổi, gương mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn nhưng đôi mắt thì vẫn rất sáng, rất minh mẫn. Vị hoàng hậu họ Đan này được xem là vợ cả của vua, xuất thân là một tiểu thư con nhà gia giáo. Họ cưới nhau từ trước thời loạn lạc, sinh cho ông con trai cả Đinh Liễn và nhị công chúa Đinh Minh Châu. Mới năm rồi, Minh Châu công chúa được gả cho Trần Thăng, vậy mà giờ cô ấy đã có thai 5 tháng. Xem ra nhà vua sắp làm ông ngoại rồi.

Sau Đan hậu là Cồ Quốc hoàng hậu Trần nương, nghe nói bà về làm vợ vua sau người vợ cả một năm. Trần Nương là người phụ nữ hiền dịu, tính cách mấy phần giống Vân Nga. Bà chỉ có hai cô con gái là Đinh Quế Hương và Đinh Phất Kim. Đinh Quế Hương là đại công chúa, được gả cho Nguyễn Bồ – em trai út của Nguyễn Bặc. Trong trận đánh với sứ quân Nguyễn Siêu, Nguyễn Bồ tử mạng, công chúa vì thương tiếc chồng mà tuyệt thực qua đời, năm đó cô vừa 21 tuổi. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng truy tặng cho nàng danh hiệu Trung Trinh quận chúa. Còn công chúa út Phất Kim thì càng lớn càng xinh đẹp. Bình thường cô ấy luôn hòa nhã đáng yêu nhưng mỗi khi có Ngô Nhật Khánh ở gần là lại giống con mèo cụp đuôi. Thiếu nữ 19 tuổi này rõ ràng đang yêu, tiếc là Nhật Khánh đối với nàng có phần lạnh lùng vô tâm. Nghĩ lại thấy cũng phải, hắn vốn dĩ luôn bất mãn với hoàng đế, không chừng còn xem ngài là kẻ thù. Nhật Khánh bị ràng buộc về tình thân, mẹ mình là vợ vua, vợ mình lại là con gái vua, cho dù muốn tạo phản cũng sẽ bị hai lớp thâm tình này ngăn trở…

Vị hoàng hậu thứ ba, mẹ Khánh và cũng là vị hoàng hậu có tuổi nhất là Dương Hân Nga – Kiểu Quốc hoàng hậu. Trước kia, bà là vợ Ngô Xương Văn nhưng không được phong hậu. Về với Đinh Tiên Hoàng, bà chưa có thêm mụm con nào, chắc là vì tuổi tác quá cao. Nếu triều Ngô không sụp đổ thì Dương hậu này biết đâu đã làm Thái hậu rồi.

Cuối cùng là cô ả họ Phạm _ Ca Ông hoàng hậu. Tối nay cô ta còn đặt biệt bế theo tiểu hoàng tử Đinh Hạng Lang (丁項郎) vừa tròn 3 tháng tuổi. Vẻ mặt đắc ý lắm. Phạm Kiều Oanh cố tình ngồi vào cái ghế gần Vân Nga nhất, cô ta làm ra vẻ thân thiết nói với chị con trai mình đáng yêu ra sao, xinh đẹp thế nào. Tôi ngồi hầu bên cạnh trông thấy mà ngứa mắt!

Đinh Tiên Hoàng ở trên ngai vàng cao cao, cặp mắt ông ánh lên niềm hân hoan. Ông nhìn gia đình của mình, cảm thấy rất mãn nguyện. Bên dưới đại sảnh là hai hàng bàn xếp ngay ngắn, ghế thấp tựa lưng không chân. Mọi người đều ngồi xếp bằng bên dưới. Các hoàng hậu, hoàng tử, vương gia, công chúa, phò mã được sắp xếp chỗ có thứ bậc và ở gần vua nhất. Bên dưới nửa là bàn cho các quan thần. Tuy hoàng đế thoải mái cho phép họ đem theo người thân nhưng không ai dám kéo vợ con tới dự tiệc, trừ gã họ Lê!

Vân Nga có uống một ít rượu, mặt chị ửng đỏ nhìn rất xinh. Chị quay đầu lại thì thầm hỏi tôi:

- Kiều Nga, muội xem nhị phu nhân của Lê tướng quân có đẹp không?

Tôi đưa mắt nhìn về chiếc bàn ở dãy đối diện, phía xa xa. Lê Hoàn hôm nay vẫn mặc màu đen, tết nhất mà không hoa hòe gì cả. Anh ta liên tục nốc rượu, cứ như uống nước. Ngồi bên trái chính là một cô gái trẻ đẹp động lòng người. Cô ấy có mái tóc đen dài, tạo kiểu đơn giản, cài một trâm ngọc. Khuôn mặt trắng trẻo và đôi mắt to đen nhánh.

- Đó là Lê nhị phu nhân sao?

Tỉ tỉ cười gật đầu:

- Phải, tên nàng ấy là Đỗ Nghi Lan, con gái út của quan sứ Đỗ Cảnh Thạc (杜景碩).

Tôi giật mình ngạc nhiên.

- Đỗ Cảnh Thạc? Làm sao có thể?

Tỉ tỉ thân thiết nắm tay tôi, bắt đầu kể tườm tận:

- Chuyện này là tỉ nghe bệ hạ kể lại. Cô gái họ Đỗ này là một người rất tốt, hết lòng hết dạ với tướng quân. Năm đó, trong trận đánh lớn ở Đỗ Động Giang [3], quân sĩ của bệ hạ thua lớn. Có hai tướng tử mệnh và một người bị bắt sống. Người đó là Lê Hoàn. Đỗ Cảnh Thạc biết Lê Hoàn là anh tài hiếm có, là vị tướng trẻ và giỏi nhất của nhà vua. Ông ta bắt giữ Lê Hoàn, phần vì muốn uy hiếp, phần vì muốn thu phục. Tiếc là Lê tướng quân trước sau như một, thà chết không theo. Y sai lính đem cởi quần áo, ném Lê Hoàn xuống giết sâu. Đêm hôm trời không trăng không sao, con gái út của y đột nhiên lẻn ra khỏi phòng, đánh ngất lính gác, lần ra chỗ giếng mà kéo Lê Hoàn lên. Nhờ vậy mà Lê Hoàn giữ được tính mạng. Sau khi Lê Hoàn trốn ra khỏi doanh trại của Đỗ Cảnh Thạc, y điên tiết ra lệnh ném Đỗ Nghi Lan xuống giếng, coi như sự trừng phạt đích đáng. Hai ngày sau lại có trận đánh lớn. Lần này thì Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên chết tại trận, toàn bộ doanh trại, binh sĩ đều thuộc về hoàng thượng. Lê Hoàn tìm khắp nơi mà không thấy Nghi Lan đâu, ngài ấy đột nhiên nhớ ra cái giếng. Khi tới nơi thì Đỗ tiểu thư đã ngất từ lâu, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Suốt nửa năm sau nàng ốm nặng, Lê Hoàn hết lòng chạy chữa và hứa chờ nàng khỏe lại sẽ lập tức thành thân. Tỉ tỉ cảm thấy họ là một đôi trời sinh. Đỗ Nghi Lan là thê tử hiền dịu đảm đang, chả trách Lê Hoàn lại nặng lòng với nàng như vậy. À đúng rồi, vừa nãy tỉ nghe nói Lê nhị phu nhân đang mang thai. Bệ hạ rất vui, mong chờ một nữ oa nhi. Nếu là con gái thì lập tức hứa hôn với Hạng Lang hoàng tử.

Tôi nhìn cậu nhóc bé xíu đang ngủ say trong lòng Kiều Oanh rồi lại nhìn Nghi Lan bụng vẫn còn phẳng lì. Thành thật chia buồn cùng hai bé, chưa kịp ú ớ đã bị xách đi ghép đôi. Với tâm hồn lãng mạn của chị đây, chị hy vọng hai nhóc có thể lớn lên bên nhau, làm một đôi thanh mai trúc mã thật đẹp. Nếu chẳng may bé kia cũng là con trai, chị vẫn chúc hai nhóc sẽ lớn lên bên nhau, viết thành một bộ đam mỹ kinh thiên động địa >_
Tiếng đàn hát vẫn náo nhiệt, vũ nữ yểu điệu lượn qua lượn lại. Những lão quan thần bàn luận gì đó rất rôm rả. Cồ Quốc hoàng hậu lấy cớ mệt mỏi mà xin lui trước. Công chúa Phất Kim đỡ mẹ rời khỏi đại điện, để lại Ngô Nhật Khánh một mình uống rượu. Y cũng không đoái hoài gì tới mẹ mình cách đó mấy bàn. Tôi lại đưa mắt nhìn một đôi nam thanh nữ tú khác. Công chúa Minh Châu và phò mã đô úy Trần Thăng có vẻ hạnh phúc hơn. So về tư sắc, công chúa không nổi bật bằng cô em út Phất Kim. Trần Thăng cũng là một nam tử bình thường, nét mặt không có gì đáng chú ý. Anh ta trong khá trẻ, chắc cũng hơn 30 thôi. Trần Thăng lấy một cái bánh cốm xanh lục đưa cho vợ, cô ấy lắc đầu. Anh lại lấy một ít mứt dừa đưa cho vợ, cô ấy vẫn lắc đầu. Minh Châu công chúa chỉ chỉ vào đồ ăn trên bàn, nói gì đó khiến phò mã cười rất dịu dàng. Anh ta thong thả rót trà vào tách, đưa lên miệng thổi cho bớt nóng rồi mới chuyển qua tay Minh Châu. Công chúa không nói gì, thản nhiên uống một ngụm. Cứ một chốc lát, công chúa lại mỉm cười sờ sờ bụng. Xem ra đôi uyên ương này rất mong chờ đứa con chào đời. Tôi có nghe nói sơ qua về lai lịch của phò mã Trần Thăng. Anh ta là em của sứ quân Trần Lãm (陳覧). Sau khi huynh trưởng bạo bệnh qua đời, Trần Thăng tự mình đem binh phù trao cho Đại Thắng Minh Hoàng đế. Có thể thấy con người này biết nhìn xa trông rộng, là kẻ thức thời. Về sau gia nhập vào hàng ngũ tướng lĩnh của Đinh Tiên Hoàng, Trần Thăng tỏ ra trung thành và tận tụy. Trần Thăng chưa cưới thê tử nào, nhà vua gả con gái cho anh cũng là hợp lý hợp tính. Bây giờ họ sắp có con đầu lòng, tình cảm có vẻ thấm thiết. Xem ra Minh Châu công chúa có phúc hơn Phất Kim và Quế Hương rất nhiều.

Nói tới phụ nữ mang thai, tôi lại nhìn về phía Đỗ Nghi Lan. Lúc này nàng ấy đang đưa tay giữ cốc rượu của phu quân lại, mỉm cười lắc đầu. Lê Hoàn đã ngà ngà say, Anh ta tài thật, uống nhiều như thế mà mắt vẫn còn thần sắc. Lê Hoàn nhìn Nghi Lan, có chút không cam mà buông cốc rượu xuống. Tốt, chồng biết nghe lời vợ là ngoan! Vẫn nụ cười hiền dịu trên môi, Nghi Lan đẩy bình rượu ra xa khỏi tầm tay phu quân, và kéo đĩa bánh nếp đến trước mặt. Nàng nói gì đó với Lê Hoàn. Chắc là nhắc nhở chuyện ăn uống đây mà. Lê Hoàn hơi mỉm cười, một tay bốc lấy bánh, tay kia choàng qua, đặt hờ trên vai Nghi Lan, vỗ nhẹ. Nhìn động tác của hắn tự nhiên tôi thấy trốn mắt. Thế là tôi bắt đầu đánh giá Nghi Lan kĩ hơn. Tóc cô ấy khá đẹp, nhưng vẫn không đen bóng bằng Vân Nga tỉ. Mắt cô ấy to tròn nhưng không mê hồn như tỉ tỉ. Khuôn mặt nhỏ xinh xắn nhưng thiếu nét mị hoặc như chị của tôi. Về tư chất, dĩ nhiên thua xa Dương Vân Nga rồi…

Cứ nhìn qua nhìn lại một lát tôi còn phát hiện ra một điều: nếu Đỗ Nghi Lan không đẹp bằng tỉ tỉ thì tức là nàng ta cũng không thể đẹp như tôi!

Chỉ nghĩ tới đó, tôi đã thấy đắc ý. Còn vì sao đắc ý, tôi cũng chẳng biết. Tôi hài lòng nở một nụ cười sáng loáng. Với cái khăn trên mặt, dù tôi có cười bành miệng cũng không ai biết, thoải mái đi!

Trong lúc tôi cười một cách ngu ngốc đột nhiên bắt gặp ánh mắt của Lê Hoàn. Khoảng cách xa như vậy mà đôi mắt đó vẫn có sức sát thương rất lớn. Tôi lập tức cúi đầu, vội vã nhét thức ăn vào miệng. Khụ khụ… tôi vừa ăn cái gì thế nhỉ? Mùi vị nồng cay xộc vào mũi, hóa ra là mứt gừng!!!

Trời sinh tôi ghét nhất là gừng, mùi của nó rất khó chịu. Tôi đau khổ quay mặt đi chỗ khác, ho khan. Vân Nga phát hiện thấy bất thường, liền vỗ lưng tôi, đưa tới một cốc nước:

- Muội làm sao vậy? Uống tí nước đi…

Tôi nhận lấy, uống ừng ực. Sau khi mùi gừng tan đi dần tôi mới vuốt ngực ngồi lại ngay ngắn.

Trời đất! Gã họ Lê vẫn cứ nhìn từ nãy giờ! Hắn ta không thấy mỏi mắt à?

Tôi bặm môi, trừng trừng đáp trả. Cắp mắt đen kia hơi híp lại, giống như đang cười, cũng giống như đang ngâm cứu. Trong lúc không gian rộn rã tiếng đàn, người người cười nói, không ai phát hiện hành động khác lạ của tôi và hắn ta. Chỉ có Nghi Lan là nhạy cảm, thấy tướng công cứ nhìn về một hướng, nàng cũng nhìn theo. Đôi mắt trong veo kia chạm vào đáy mắt tôi. Ở đó có một chút mờ mịt, một chút đề phòng.

Tôi chưa kịp nhìn thấy hết biểu cảm trong mắt nàng thì Nghi Lan đã cụp mắt xuống, kéo kéo ống tay áo Lê Hoàn, thành công dời đi sự chú ý của hắn ta. Lê Hoàn lập tức nhìn vợ, nàng nói gì đó khiến chân mày Lê Hoàn nhíu lại. Tôi chưa thấy anh ta nhìn ai bằng đôi mắt quan tâm và dịu dàng như thế.

Lại thấy bực bội!

Hai người họ rủ rỉ với nhau một lúc thì Lê tướng quân ngẩn đầu nhìn nhà vua. Thấy Đinh Tiên Hoàng còn đang chơi đùa với tiểu hoàng tử, anh hơi do dự rồi chậm rãi kéo Nghi Lan đứng dậy, lặng lẽ đi ra cửa điện. Lúc này các vũ nữ đang múa điệu ba tư vô cùng cuốn hút, chẳng ai để ý tới động tĩnh của hai người.

Bên ngoài sân triều có hàng trăm ngọn đuốc sáng rực, tôi dõi theo bóng dáng nho nhỏ của Nghi Lan nép vào người phu quân. Đi xa thêm một tí, nàng ta lại có vấn đề gì đó, không muốn bước tiếp. Lửa đuốc rất sáng, khiến tôi không bỏ sót bất cứ cử chỉ nào của họ. Lê Hoàn lại quay đầu nhìn vào trong điện đông đúc quan thần, rồi một cách dứt khoát anh ta xoay người, bế bổng Nghi Lan lên, bước rất vội. Hướng của họ, tôi đoán là tới Ngự y phòng.

Khi không còn nhìn thấy đôi vợ chồng nọ, tôi lại tập trung vào những vũ công. Điệu múa có vẻ cuốn hút lắm vì nghe thấy tỉ tỉ cứ luôn miệng trầm trồ. Tôi thì lại không có cảm giác gì…

Tôi nhớ tới cái lần Lê Hoàn đưa Phạm Kiều Oanh đang la hét chạy về điện Nguyệt Yên, tác phong của hắn cũng mạnh mẽ và dứt khoát như thế. Không hiểu sao tôi có suy nghĩ cánh tay của hắn thích hợp để ôm nữ nhân hơn là cầm kiếm giết người.

Haizzz… chết mất thôi… Dương Kiều Nga! Cô làm ơn đừng nghĩ vớ vẫn nữa! Lê Hoàn kia là người rất rất không tốt, là kẻ đạo đức giả, là người phản bội, đa mưu, xảo quyệt, không đáng tin. Tôi nhớ lại hết những “hành vi phạm pháp” của Lê Hoàn mà mình biết: bày mưu sát hại Đinh Tiên Hoàng, thâu tóm quyền lực của Đinh Phế Đế [4] dưới vỏ bọc “nhiếp chính”, khởi binh giết hết trung thần của triều Đinh, dẹp sạch góc rễ gây cản trở để rồi ép Dương Vân Nga tôn hắn thành Hoàng đế. Đó! Tội danh của Lê Hoàn là vậy đó.

Con người này không thể không đề phòng. Tội nghiệp nhất chính là tỉ tỉ của tôi. Nàng chỉ yêu Đinh Tiên Hoàng thôi, làm sao chịu nổi cảnh bị cưỡng ép trở thành hoàng hậu của người khác?

Không thể được, bằng mọi cách tôi phải bảo vệ chị ấy, dù có phải thay đổi lịch sử. Chí ít thì tôi có thể xúi giục Vân Nga trốn đi, sống cuộc đời thôn nữ bình lặng như ngày trước.

Cung đình là chốn thị phi, là nơi sinh tồn của tham vọng và xảo trá. Bước chân vào trong này, nếu không có bản lĩnh, không có thủ đoạn thì khó bề an ổn. Vân Nga tuy thông minh sắc bén nhưng tấm lòng thì quá nhân từ, chắc chắn sẽ bi ức hiếp. Khi đó, vị muội muội đến từ tương lai là tôi đây sẽ hết lòng phò trợ, bảo vệ tỉ ấy.

Chính xác! Đây là mục đích tôi xuyên không tới Đại Cồ Việt!

[1] nhiễu điều: vải đỏ

[2]Núi Mã Yên: thuộc Lạng Sơn ngày nay, gọi là Mã Yên vì từ xa trông giống hình yên ngựa. Về sau là nơi chôn cất Đinh Tiên Hoàng.

[3] Đỗ Động Giang: Thanh Oai, Hà Nội ngày nay.


/59

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status