Lưỡi Gươm Cứu Quốc

Chương 1

/10


Sau khi kéo quân sang đánh Việt Nam với danh nghĩa là phù Trần diệt Hồ . Trương Phụ và Mộc Thạnh diệt luôn nhà Hậu Trần bắt giết cả con cháu nhà Trần, chiếm được châu Thuận Hóa và Tân Bình rồi làm sổ biên số dân đinh hai châu ấy đặt quan cai trị để quân phòng giử biên giới Chiêm Thành và rút quân mang theo một số nhiều đàn bà, con gái về Tàu .

Hoàng Phúc ở lại cai trị An Nam (tên nước ta thời ấy) với chánh sách đồng hóa dân ta thành dân Tàu .

Phúc buộc dân ta lập ra miếu đền bắt dân ta thờ cúng như dân Tàu cho đến sự học hành, cách ăn mặc đều giống người Tàu cả . Phúc vơ vét sách vở của ta đem về Tàu cho sạch di tích.

Lúc bấy giờ vào năm Giáp Ngọ (1414) , dân ta khổ sở dưới ách cai trị của quân Minh, khắp nơi đều kêu ca thán oán bởi sự cai trị hà khắc.

Nhiều nơi loạn lạc nổi lên không một ai yên ổn làm ăn. Ðã vậy mà bọn tùng đảng của giặc càng ngày càng dựa uy thế cướp bóc hiếp đáp dân lành .

Trong dân gian khắp nơi nổi lên chống lại sự cai trị khắc nghiệt của quân Minh. Nhiều kẻ bị chúng giết hại cha anh, vợ, con nên thâm thù tận xương tủy, chỉ mong có dịp nào là trả thù cho hả dạ .

Quân Minh khó khăn về sự trị an, chúng thẳng tay tàn sát để diệt mầm cách mạng mọc trong lòng quần chúng nhưng chúng làm sao đè bẹp được một giống dân muốn vùng lên để sống.

Quan lại ta nhiều người theo nhà Minh. Những người ấy hiếp đáp dân lành hà khắc bóc lột , làm nhiều điều bạo ngược còn hơn cả quân Minh khiến lòng dân càng thêm căm thù oán giận.

Sau mấy năm cai trị của quân Minh dân Việt Nam càng ngày càng khổ sở, họ bị sưu cao thuế nặng có kẻ phải lên rừng lấy ngà voi, xuống bể mò trai trăm phần gian lao để phục dịch cho bọn quân Minh.

Những bậc anh hùng yêu nước tìm chỗ lánh thân, chờ ngày ra tay cứu quốc, có vẻ không chịu nổi sự tham tàn , không thể nhìn dân chúng trong vòng nước lửa nên tụ tập từng đoàn từng nhóm để chông lại quân Minh.

Một buổi chiều thu , giòng Lam Giang buồn lững lờ như hận sầu vong quốc . Mây buồn nhàn nhạt phản chiếu trên mặt sông , thỉnh thoảng một vài chiếc lá vàng trên hai hàng cây bên bờ từ từ rơi xuống giòng, gây cho nàng thôn nữ giặt lụa bên sông nỗi sầu mênh mông như biển cả .

Người thôn nữ bến Lam Giang ngồi bên bờ, bóng nàng ngà xuống giọng tan đi trong ngàn ánh bạc lấp lánh bởi đôi tay xinh đẹp của nàng khuấy nước giặt mảnh lụa vàng.

Bỗng nàng bỏ tấm lụa vào giỏ, đưa tay vuốt tóc , ngước mắt nhìn ngàn cây vàng rũ đứng im trên ngàn như chịu đựng cho qua múa tang tóc.

Vài cánh chim đơn cô quạnh trên khung trời xám bao la, thỉnh thoảng quác lên những giọng buồn loáng thanh âm buồn trong không khí cô tịch. Nàng thôn nữ bến Lam Giang khẽ thở dài, bao nổi sầu gia thế nước non sống mạnh trong hồn nàng trước cảnh buồn của trời mây sông nước.

Thôn nữ tên Lam Hà, ái nữ độc nhất của cụ Tú Lam thôn, một ông đồ nho nổi tiếng nhứt làng.

Cú Tú vốn là người khảng khái, không mến công danh, chẳng thích quan trường nên mang tài học về Lam Thôn dạy dỗ đàn trễ dại.

Môn đồ của cụ, nhiều tay nổi tiếng văn thơ khắp nơi làm danh cụ Tú Lam thôn được khắp vùng Nghệ An và Tây Ðô kính nể.

Lúc quân Minh kéo sang dầy đạp quê hương, xâm chiếm xóm làng, áp bức dân lành vô tội, cụ Tú Lam thôn rất đau lòng trước cảnh nhà tan nước mất.

Nghe danh cụ Tú là tay hay chữ, có nhiều người yêu mến Lương Như Hốt, một tên bán nước theo quân Minh cho người đến dỗ cụ Tú theo mình , nhưng cụ Tú một mực từ chối.

Vì khí tiết của một nhà nho, Cụ Tú không làm sao chịu luồn cúi quân địch nên Lương Như Hốt tức giận cho lệnh đến giết cụ Tú và cụ bà.

Cũng may hôm ấy Lam Hà đi vắng nên khỏi bị quân Minh làm hại, đến lúc nàng về thì nhà nàng đã là một đống tro mà cha mẹ đã tàn thân trong ngọn lửa. Thân gái bơ vơ gặp bước gian truân trong khi khói lứa tóc tang trùm khắp xóm làng. Lam Hà ngỡ đâu thân mình cũng không toàn vẹn, nhưng may mắn làm sao, nàng nhờ được môn đồ của cha là Từ Sinh đem nàng về giúp đỡ.

Từ Sinh là một chàng trai chí khí, mồ côi cha mẹ sống với người chị gái làm nghề ruộng nương đủ sống qua ngày.

Từ khi quê hương ly loạn Từ Sinh bỏ học văn, tập tành võ nghệ nhưng ngày ngày chàng vẫn cuốc cày để quân thù không thấy chí hướng chàng mà làm hại.

Ngày ngày Lam Hà giúp Hương Lan, chị ruột của Từ Sinh về việc kéo tơ dệt cửi. Nàng thường mang lụa ra bờ Lam Giang giặt sạch đem về.

Nhìn bóng mình trên giòng nước Lam Giang nàng thầm nhủ: Ngày xưa Tây Thi giặt lụa trên bến Trữ La Thôn và rồi nàng phá tan cả sự nghiệp Ngô Vương để trả hờn vong quốc. Ngày nay ta có mong gì giết được quân Minh để rửa hờn non sông trả được thù nhà chăng? Hay rồi đời ta phải tàn tạ qua ngày tháng phôi pha.

Ðâu đấy có tiếng hát buồn văng vẳng lại:

Lam Giang nước chảy lững lờ

Hận hờn vong quốc bao giờ cho tan...

Lê dân đau khổ muôn vàn

Quyết trừ hết lũ tham tàn mới thôi

Lam Hà ngẩng đầu lên trông thấy bóng Từ Sinh đã hiện ra nơi đầu đường, chàng đang lầm lủi bước về phía nàng, mặt thoáng vẻ buồn tê tái.

Lam Hà bước mau về phía Từ Sinh, cất giọng dịu dàng:

- Ân huynh đi đâu mà có vẻ buồn bã thế ?

Từ Sinh nhìn Lam Hà trả lời:

- Em gọi làm gì tiếng ân huynh cho anh thêm thẹn. Anh có làm được gì để bảo vệ cho em sống yên thân đâu?

Lam Hà nhìn chàng, bốn mắt buồn nhìn nhau như cảm thông nhau nỗi sầu đau đớn của kẻ vong quốc đang sống trong cảnh lầm than.

Bỗng Từ Sinh lo lắng bảo Lam Hà:

- Kìa? Bọn quân Minh đi đâu mà có tiếng vó ngựa chạy về phía này? Chúng ta nên lánh đi là hơn.

Nhưng đâ trễ quá rồi, hai tên quân Minh ngồi trên ngựa đã phóng đến, chúng ghìm cương ngựa nhìn Lam Hà và cất giọng cười thích. Một tên bảo nàng:

- Cô kia lại đây theo ta.

Lam Hà run rẩy sợ sệt thì tên này nhẩy xuống ngựa sấn đến nắm tay nàng, toan kéo đi.

Từ Sinh run lên vì giận, chàng quên cả sự nguy hiểm có thể xẩy ra , nên sấn tới gạt tay tên giặc ra và quát to:

- Tên khốn kia chạm vào tay em ta thì mi mất mạng đó.

Tên Minh nổi giận trợn tròn xoe mắt lần đầu tiên bị người cản trở ý muốn, hắn gầm lên và rút phắt con dao giơ lên cao nhắm ngay dầu Từ Sinh bổ xuống mạnh.

Lam Hà kinh sợ rú lên.

Ðã đến nước liều, Từ Sinh như con hổ dữ , chàng rút phắt con dao dấu kín trong người vung lên đỡ và đâm mạnh một nhát vào ngựa tên giặc làm hắn buông dao ngã gục xuống máu trào ra lênh láng.

Tên kia thấy đồng bọn bị giết mau chóng như vậy, hắn vội phóng ngựa tới xéo lên người Từ Sinh và đâm thẳng ngọn giáo vào bụng chàng. Từ Sinh lẹ làng tránh qua một bên và đâm luôn con dao ngay lưng tên giặc khiến hắn bị thương nhào lăn xuống ngựa.

Ðang cơn tức tối, Từ Sinh hăng máu chụp con dao của tên kia và xốc tới chặt một dao ngay cổ tên giặc, rồi chàng ném dao nhìn hắn dây dụa trên vũng máu.

Lam Hà lần đầu tiên được chứng kiến cảnh giết người rùng rợn như vậy, dù kẻ bị giết là bọn thù địch nàng cũng không khỏi rùng mình sợ hãi.

Nàng không thể nào tưởng tượng nổi cảnh chết chóc như vậy trước đó năm mười phút. Giờ đây nàng đứng như chết lặng như pho tượng, hai tay ôm mặt tỏ vẽ sợ hãi.

Từ Sinh qua một phút điên cuồng của lòng thù hận, chàng hiểu ngay cảnh nguy hiểm có thể xẩy đến cho mình và Lam Hà.

Từ Sinh lật dật nói:

- Lam Hà em, em mau mau về nhà đưa chị Hương Lan lên đồi Bữu Minh để phòng sự nguy cấp xẩy đến.

Lam Hà tuy sợ sệt nhưng qua phút ấy , nàng bình tĩnh lại hói mau:

- Còn anh làm gì?

- Anh phải ở đây phi tang hai xác tên nầy và làm cho mất dấu vết chúng.

May mà anh làm kịp thì chúng ta và dân thôn ta thoát nạn. Em mau về làm theo lời anh. Nếu đêm nay lúc trăng đứng đầu mà anh không về đón em với chị Hương Lan trên đồi Bữu Minh thì em nên đưa chị trốn đi nơi khác kẻo vương tai vạ.

Từ Sinh nhìn sau trước, chàng vác hai cái xác chết đặt trên lưng ngựa cột chặt lại rối lấy lụa lau vết máu dưới cỏ , miệng bảo Lam Hà:

- Sao em không về ngay, còn đứng đó làm gì? Nhỡ quân Minh còn đến nữa thì ta nguy đó.

Lam Hà đã mấy lần toan đi , nhưng nàng lo sợ cho Từ Sinh bị nguy một mình nên chạy đến giúp chàng phi tang mấy vũng máu.

Nàng làm thật nhanh, thầm mong quân Minh không đến để thoát qua tai nạn.

Cũng may cho nàng và Từ Sinh , cả hai phi tang mấy vũng máu trên cỏ rồi mà không một ai trông thấy cả.

Từ Sinh lật đật nắm cương đôi ngựa lôi đi và bảo Lam Hà:

- Trăng đứng đầu anh sẽ đến đồi Bửu Minh.

Chàng đi thẳng vào rừng sâu trong khi Lam Hà mang giỏ lụa về nhà.

Hương Lan thấy Lam Hà về với vẻ mặt kinh hoảng sợ hãi, nàng lo sợ nhìn Hà và hỏi:

- Sao thế em, có việc gì vậy?

Lam Hà run sợ thuật lại việc vừa xây ra và nói thêm:

- Chúng ta mau mau lên đồi Bửu Minh kẻo tai họa tới chị ạ !

Hương Lan là một cô gái đã đứng tuổi, nàng có vẻ khôn ngoan hơn Lam Hà nên bình tĩnh nói:

- Em không nên sợ quá như vậy mà nguy hiểm. Ví dù quân Minh có đến đây ta cũng thản nhiên như không hay biết chuyện gì mới được . Nếu em để sự lo sợ ra mặt như vậy thì chúng ta nguy lắm, hãy bình tĩnh em ạ?

Nàng mĩm cười và vỗ vai Lam Hà, cất giọng êm dịu nói tiếp:

- Lam Hà em ? Cha mẹ em đã chết vì tay giặc bởi người không quy lụy kẻ thù cướp nước. Chúng ta trả thù cho cha mẹ em là lẽ dĩ nhiên. Có gì mà em đầy vẻ sợ sệt quá như vậy. Chúng ta là gái thời loạn, ta sợ gì cảnh chết chóc như em vừa thấy. Chị đã từng chứng kiến bao cảnh tàn sát của quân Minh đối với dân ta. Từ Sinh làm như thế phải lắm em ạ. Nếu không thì giờ này em có lẽ nguy hiểm tính mạng với hai tên giặc ấy rồi.

Trước sự bình tĩnh dịu dàng của Hương Lan , Lam Hà thấy mình dịu lại sự khiếp sợ, dù cảnh máu đổ người chết vẫn còn in sâu trong lòng nàng.

Hương Lan bảo Lam Hà:

- Ta nên đi bây giờ em ạ! Mang khí giới đi, phòng có điều chi trắc trở thì ta đi luôn.

Lam Hà , Hương Lan thay áo gọn ghẽ, cả hai giắt khí giới trong người rối cùng đi về phía đồi Bửu Minh.

Lúc bấy giờ màn đêm buông xuống, ánh trăng đã trên không buông những giọng buồn lạnh lẽo.

Lam Hà và Hương Lan đi chầm chậm trên đường vắng vẻ, cá hai cầm tay đi sát vào nhau, lòng phập phồng lo sợ những sự không may có thể xẩy đến.

Bỗng Hương Lan và Lam Hà giật mình vì có tiếng vó ngựa ồn ào phía đầu thôn nơi đồn lính quân Minh, tiếng vó ngựa nỗi lúc một gần và đôi bạn nhận rõ bọn kỵ mã quân Minh đi tuần đêm, chúng phi ngựa tay cầm đuốc cháy sáng rực.

Lam Hà và Hương Lan kinh sợ, hai nàng biết nếu để chúng trông thấy mình thì làm sao cho khỏi chúng dở thói ngang ngạnh, nên vội kéo nhau chạy vào núp sau lùm cây, lòng hồi hộp sợ bọn kia trông thấy.

Toán kỵ mã qua rồi, Hương Lan bảo khẽ Lam Hà:

- Chúng ta phải đi đường tắt em ạ. Ði đường lớn sao cho khỏi gặp chúng trở về nữa.

Lam Hà gật đầu, nàng đứng lên cùng Hương Lan rẽ vào con đường nhỏ đầy gai góc.

Bóng đen như vây chặt hai nàng, lùm bụi cao ngất che khuất ánh trăng mờ. Cá hai như đi trong hang sâu thăm thẳm. Một tiếng chim cú rúc đâu đấy nghe rờn rợn làm sao.

Lam Hà sực nhớ mình đang đi vào con đường nguy hiểm, nàng dừng lại và bảo khẽ Hương Lan:

- Này chị . . . Ðường này. . .

Nàng không muốn nòi thêm nửa, sợ gieo sự sợ hãi cho Hương Lan nhưng Lan đâ thừa hiểu, nàng quả quyết:

- Ðường này tuy có thú dữ nhưng đường kia quân giặc còn nguy hiểm hơn thú dữ em ạ?

Hai bóng người lầm lủi bước đi, lướt tràn trên gai góc nguy nan.

Ðâu đây tiếng vượn hú não nùng, gieo nỗi buồn trong đêm tối âm u.

Ðàn đom đóm chớp chớp như muôn ngàn đốm lửa hiện lên dọa nạt người nhát gan. Thỉnh thoảng chim đêm bị động vụt bay ra, quác lên vài tiếng khô khan và bay về phía khác.

Bỗng Lam Hà nắm tay Hương Lan đứng ngay lại vì trước mặt hai nàng đốm lửa xanh lè đang từ từ tiến lại.

Hương Lan rùng mình, nàng hiểu đây là đôi mắt thú dữ nên liều lĩnh rút dao ra bảo Lam Hà:

- Em lùi vào góc cây kia để mặc chị.

Lam Hà tuy sợ nhưng không đành bỏ mặc Hương Lan , nàng cũng rút dao ra quyết liều chết như Hương Lan.

Một tiếng gầm rung rinh cả bầu không khí của rừng đêm u tịch. Lam Hà và Hương Lan run sợ, hai nàng lùi lại trong khi con hổ từ từ tiến tới . . .

Một tiếng gầm nữa nổi lên con hổ đập mạnh đuôi và phóng tới chụp xuống đầu Lam Hà.

Trong cơn thập phần nguy cấp thì tách một tiếng, mũi tên từ đâu bay vút đến cắm phập vào ngay mặt hổ làm hổ nhảy chồm lên hộc vang cả rừng núi .

Vụt một tiếng cây giáo nhọn từ đâu phóng vụt tới ghim ngay bụng hổ và con hổ gục xuống chết ngay không còn dãy dua nữa.

Hương Lan biết có ai giúp mình bắn chết con hổ, nàng không ngờ con hổ ghê gớm như vậy mà chết ngay khi bị tên với ngọn giáo.

Lam Hà hãy còn kinh sợ, nàng đứng lùi lại xa xác hổ mắt vẫn nhìn nó không thôi.

Hương Lan bước lại bảo Lam Hà:

- Vị ân nhân nào đấy giúp ta giết hổ. Nêu không chị em ta nguy với hổ rồi .

Chúng ta lên đường cho kịp. Ðây cũng gần đến đồi Bửu Minh rồi.

Lam Hà hỏi nhỏ Hương Lan:

- Sao không một ai cả mà ai bắn hổ cứu ta.

- Người ân nhân ấy không muốn xuất đầu lộ diện chớ gì, ta nên đi đừng làm phiền người.

Hai nàng bước tới đi ngang quan con hổ to vằn vện, Lam Hà tuy biết chết mất rồi nhung nàng vẫn sợ, còn Hương Lan tỉnh trí hơn Lam Hà nàng rút mũi tên ghim ngay mắt hổ và bước đi.

Lần nầy hai nàng tin tưởng có một người len lỏi đâu đây giúp mình nên không còn sợ chi nữa nên đi thẳng lên đồi Bửu Minh.

Một lúc sau Lam Hà và Hương Lan đã ra khỏi đường nguy hiểm, đến vùng đất bằng và bắt đầu trèo đường đất lên đồi Bửu Minh.

Ðồi Bửu Minh là một đồi hơi cao, trên đồi có cây cao bóng mát có ao giếng thiên nhiên suốt năm đầy nước ngọt, eo suối chảy bốn mùa thấm nhuần cây xanh lá.

Trên đỉnh đồi có một ngôi chùa to lớn lập ra từ đời nhà Lý đến nay. Trải bao ly loạn tháng năm. Ngôi chùa Bửu Minh vẫn đứng vững với nắng mưa sương gió bốn mùa.

Lúc đất nước yên lành thì những ngày tết , những ngày vía phật , bá tánh kéo lên chùa đông như hội nên chùa Bửu Minh sung túc vô cùng.

Nhưng ngày nay chùa Bửu Minh lạnh lùng quanh năm tháng. Ly loạn đau đớn đã làm lòng dân nghĩ đến diệt quân thù cứu quê hương mà không còn nhớ Phật hiền từ , không cử động trong cửa thiền.

Dân lành Lam thôn vì gánh nặng trên hai vai , sưu cao thuế nặng có còn dư dã đâu mà cúng vào chùa , họ đói khát đau khổ dưới ách tham tàn, thực tế giết mất lòng tin tưởng không đâu như ngày trước.

Ánh trăng sáng dịu dàng soi mờ đồi Bửu Minh, ngàn cây đứng im lìm dưới trời sương trắng.

Lam Hà và Hương Lan dừng lại bên bờ ao, cả hai nép dưới bóng cây đa to lớn mắt nhìn quanh như chờ đợi.

Lam Hà nhìn nóc ngôi chùa Bửu Minh, nàng khẽ hỏi Hương Lan:

- Không biết anh Từ Sinh đã đến chưa?

- Không đâu em ạ! Nếu đến thì Từ Sinh phải gặp ở đây vì anh ta thừa hiểu đây là nơi mà ta yêu thích.

Lam Hà im lặng nhìn bóng vàng lấp lánh trên mặt ao to rộng , thỉnh thoảng cá đớp mồi làm mặt nước chấp chói sáng ánh phản chiếu trông đẹp mắt làm sao.

Vài cơn gió thoảng lùa qua ngàn cây lá, gieo âm thanh buồn lạnh khắp nơi khiến Hương Lan rùng mình đứng sát vào Lam Hà và nói:

- Ðêm nay trời lạnh quá. Còn trong thu mà lạnh lẽo như tiết đông.

Lam Hà tưởng đến ngày mai nàng và Hương Lam phải lìa xa làng mạc thân gái bơ vơ trong đời lạnh lẽo và phải chịu cánh hãi hùng như đêm nay cả một đời .

Ánh trăng khuất trong vầng mây đen, vạn vật trở nên u buồn lạnh lẽo.

Tiếng mõ, chuông trên chùa vang xuống buồn và lạnh lẽo hơn cả cái buồn lạnh của đêm sương mù mịt, u sầu.

Về phần Từ Sinh bảo Lam Hà về nhà còn chàng dẫn hai ngựa đem xác giặc vào rừng.

Chàng đi vào đường Truông nhỏ dành cho kẻ lên rừng sâu, dù chàng biết giờ ấy đi vào đường đó là nguy hiểm.

Sau một hồi len lỏi Từ Sinh đem hai xác giặc vào sâu trong rừng.

Chàng lấy dao đào lỗ để dập xác hai tên kia.

Sau nửa giờ đào hối hết sức, chàng đã đào xong một lỗ to đủ sức dập hai tên nọ. Chàng mở dây lôi xác chúng xuống lục soát trong người chúng và gặp phong thư.

Ðộ chừng đấy là văn thư quan hệ chi đó nên Từ Sinh cất thư vào người và ném hai tên giặc xuống lổ lấp đất lại.

Sau khi trải trên đám mồ hai tên giặc một lớp cỏ để không còn ai nhận biết đó là đâu, Từ Sinh nhìn hai con ngựa và nghĩ thầm:

- Hai con vật này ta phải tính sao cho nó , thả nó vào rừng là hơn cả, nhưng nhỡ chúng nhớ trại mà tìm về thì nguy cho ta, cho làng xóm.

Từ Sinh còn đang ngẫm nghĩ bỗng nghe tiếng động đâu đây, chàng giật mình nhìn quanh nhưng rừng bụi yên lặng đầy sự bí mật bao trùm.

Lúc bây giờ hoàng hôn đã giăng màn khắp chốn...

Từ Sinh toan đuổi đôi ngựa đi, nhưng một giọng nói oang oang làm chàng giật mình kinh sợ , sờ tay vào chuôi dao mắt ngơ ngác nhìn .

- Chớ đuổi đôi ngựa mà uổng phí , hãy để ta dùng làm vật đỡ chân.

Dứt lời một người cao lớn, mặt bao khăn đen từ trên cạnh cây nhẩy xuống đứng chống tay vào sườn, nhìn Từ Sinh chăm chú.

Từ Sinh nhìn người kia, chàng thấy đấy là một thanh niên khỏe mạnh, hông người lại đeo gươm trường, vai đeo ná, lưng đeo ống tên, đôi mắt anh ta nhìn chàng sáng quắc lên.

Từ Sinh không hiểu người kia thuộc vào hạng người nào , chàng lo lắng nghĩ thầm:

- Nếu tên này tiết lộ việc ta thì ta nguy mất. Có lẽ anh ta là người do thám cho giặc Minh.

Người lại cười dòn và nói:

- Giữa ban ngày nhà ngươi cả gan dám giết hai quân sĩ của Thượng quốc thì ghê gớm thật. Bây giờ nhà ngươi liệu sao đây, hỡi người tráng sĩ Lam Giang ?

Từ Sinh bừng bừng nổi giận, chàng quắc mắt nhìn kẻ kia và hỏi:

- Anh muốn làm gì ta?

Người kia bước tới một bước cất giọng oai vệ làm sao:

- Ta muốn bắt người nạp cho quan trên vì mi là quân phạm pháp.

Từ Sinh cười gằn nói:

- Té ra người là tên phản quốc làm chó săn cho giặc, hãm hại đồng bào. Ta sẽ giết mi nơi nầy chớ hòng thoát. Chàng tuột ngay lưỡi dao ra chém ngang cổ người ấy một nhát nhưng anh ta nhào qua một bên tránh khói và tuốt gươm ra.

Nhanh như chớp Từ Sinh chém ngoái lại một phát ngang hông kẻ địch, nhưng người kia né tránh khỏi luôn. Từ Sinh tức tối đâm vèo tới ngực người kia một nhát nhưng anh ta vùng gươm gạt mạnh làm thanh đao của Từ Sinh văng xuống đất và quát to lên một tiếng rồi đâm mạnh lưỡi gươm vào yết hầu Từ Sinh...

Từ Sinh kinh hồn, chàng không ngờ kẻ địch ghê gớm như vậy nên ngả mình lăn xuống đất tránh nhát gươm độc hiểm ấy.

Chàng lăn mau lại chỗ thanh đao thì kẻ địch đã sấn đến bên chàng.

Từ Sinh lập tức chém ngang chơn người kia một đao làm anh ta nhẩy lùi lại và cười nói:

- Này Từ Sinh, anh không biết tài anh sao còn hòng đối chọi với ta nữa. Hãy theo ta về trại là hơn. Còn mi kháng cự, ta sẽ giết ngay đó.

Từ Sinh đứng ngay dậy, chàng cười và nói:

- Tên khốn kia, ta đường đường một trượng phu há đi lòn cúi tên gian tặc Lương Như Hốt để cầu vinh sao? Ta dù chết thì thôi, quyết không hề theo bọn ác gian đó. Còn mi hãy liệu giữ hồn kẻo chết đó.

- Tốt lắm, mi muốn so gươm ta cũng sẵn lòng. Ta cho mi mượn thanh gươm trường để đấu với ta vì đoản đao của mi không có lợi cho mi tí nào. Cố thắng được ta để mà sống, nếu mi không chịu theo ta về với đại quan Lương Như Hốt.

Từ Sinh thấy tên kia phóng lưỡi gươm trường trước mặt mình liền cầm đốc gươm rút mũi lên khỏi mặt đất và nói:

- Ta liều với mi một phen còn mất. Từ Sinh nấy không là kẻ phản quốc được.

Nói xong, chàng xuất bộ đưa ngay vào ngực người kia một nhát gươm thật mạnh, nhưng anh ta né khỏi một cách dễ dàng và trả lại chàng một nhát.

Từ Sinh đưa gươm đỡ, nhưng kẻ địch lại chém tới tấp khiến không không làm sao đở kịp nữa.

Từ Sinh cố hết sức đem bao nhiêu tài học ra đón đỡ mong hạ kẻ địch, nhưng chàng không làm sao hơn mà phần nguy chắc phải đến.

Từ Sinh không còn tin mình thắng chàng tức tối cho kẻ phản quốc như tên kia sao lại có tài như vậy nên đâm liều lăn xả vào chém như gió.

Người kia cười và nhủ thầm:

- Khá lắm, con người có khí tiết đáng mặt tu mi nhưng tiếc thay võ nghệ chưa được bao nhiêu, chưa có thể ra giúp nước được việc khá.

Nghĩ vậy anh ta vung gươm đánh mạnh vào gươm Từ Sinh làm gươm chàng rơi xuống đất. Ngươi kia lướt tới đá chân chàng làm chàng ngã quay xuống đất. Anh ta đạp một chân lên ngực chàng đưa mũi gươm vào cổ và trợn mắt quát to:

- Từ Sinh, Mi có đầu hàng ta không? Nếu không ta hạ mũi gươm thì sinh mạng mi không còn.

Từ Sinh tuy thất thế, nhưng có bao giờ chịu hèn hạ lòn cúi kẻ thù địch nên quát mắng lại :

- Tên phản quốc kia. Mi đừng nói giọng mãi quốc làm bẩn tai ta. Ta không cần nghe giọng hèn hạ của mi.

Tên kia gầm lên như hổ đói gặp mồi anh ta đưa gươm lên cao nhắm ngay đầu Từ Sinh bổ mạnh xuống.

Từ Sinh chỉ còn có chờ chết vì sức mình hết phương cự nổi nhưng bầng kẻ kia ngừng tay lại, tra gươm vào vỏ và lấy chân ra khỏi ngực chàng , cất giọng :

- Khen cho ngươi đó, nhưng ta không giết mi làm gì, ta chỉ cần lấy phong thư lại là hơn.

Nói xong anh ta lấy lại bức thư của hai tên giặc mà Từ Sinh đoạt được khi nãy. Nhảy lên mình ngựa kẻ kia tra gươm vào vỏ và bảo Từ Sinh:

- Ta để tặng người Tráng Sĩ Lam Giang thanh gươm trường kia, hãy giữ nó để luyện tập chờ ngày tái ngộ mà đấu với ta. Trời tối rồi, ta cần phải đi vì bận lắm. Nơi đây hùm beo không thiếu chi ta ngại bị phiền. Xin giã từ hẹn ngày tái ngộ.

Anh ta đưa tay chào và thúc chân vào hông ngựa, một tay dắt cương con ngựa kia chạy theo.

Chỉ trong một loáng anh ta khuất dạng trong rừng sâu dắt theo với hai con ngựa của bọn giặc để lại.

Từ Sinh nhìn theo con người ấy chàng nhủ thầm:

- Lạ quá, không lẻ anh ta là người của tên giặc Lương Như Hốt sao? Không có lý, bọn đó là lũ ác độc, giết người như giết kiến có đâu tha ta dễ dàng như vậy kìa?

Từ Sinh ngẫm nghĩ giây lâu, chàng tin tưởng người kia là một người có trong tổ chức chống lại quân Minh, chàng gật đầu chép miệng: Có lẽ như vậy . Ngày nay rất nhiều nơi nổi lên chống lại quân Minh. Người này chắc một người ở trong tổ chức nào đó. Anh ta có trách nhiệm đón hai tên giặc khi nãy để đoạt phong thư, nhưng ta đã vô tình ra tay trước nên anh ta đùa chơi và đoạt lại thư kia.

Từ Sinh gật đầu thầm nhủ: Anh ta đeo khăn bao ngang mặt để ta không nhận được, chắc anh ta có quen biết với ta rồi. Ðúng lắm, anh ta còn rõ tên ta nữa.

Từ Sinh lật đật trở về, vì trời đã tối mịt. Chàng cầm thanh gươm trường của người kia để lại và mang bên hông, quyết sẽ cố gắng luyện tập võ nghệ để ngày mai kia đem thân ra giúp nước cho khỏi thẹn kiếp làm người.

Sau những cơn hỗn loạn vừa qua, Từ Sinh hơi mệt nhưng không chậm trễ chút nào, chàng đi ngay lên đồi Bữu Minh. Ánh trăng sáng lấp lánh trên nền trời soi sáng vạn vật một màu buồn êm dịu, gợi Từ Sinh nhớ lại lúc thanh bình trên đất nước thuở xưa.

Hương Lan và Lam Hà đứng dưới bóng đa, cả hai hồi hộp đợi chờ mà vẫn không thấy Từ Sinh, lòng bối rối và phập phồng lo sợ.

Tiếng hùm xa xa vọng lại như hăm dọa , tiếng vượn hú đêm trường lạnh lẽo buồn bã làm sao gieo vào lòng người nỗi buồn cô độc. Bỗng Lam Hà nắm tay Hương Lan và nói mau:

- Kìa chị dường như có ai đến.

Hương lan nhìn xuống chân đồi nàng trông rõ một bóng người tiến về phía mình nên ngước mặt nhin trăng thi trăng đã lên gần đỉnh đầu.

Có tiếng chim đêm đâu đấy rúc lên những điệu buồn ghê rợn và gió nhẹ lay làm những chiếc lá lìa cành rơi loạt xoạt dưới đất tăng thêm vẻ khô khan lạnh lẻo của màn đêm u tịch.

Từ Sinh bước thẳng lên đồi, chàng tiến về phía tàng đa và đưa mắt nhìn quanh . Hương Lan se sẽ gọi:

- Từ Sinh em !

Từ sinh tiến lại chàng nhìn chị và Lam Hà cất giọng dịu dàng:

- Sóng gió qua rồi ta nên trở về là hơn.

Hương Lan nhìn cậu em trai và hỏi:

- Em đã phi tang xác hai tên giặc rồi chứ?

- Xong cả rồi chị ạ? Chúng ta về ngay kẻo gặp bọn lính tuần mà khốn.

Hương Lan kể lại đoạn đường lên đây nàng gặp bọn lính tuần và hổ cho Từ Sinh nghe thì vừa lúc ấy có tiếng vó ngựa dồn dập dưới chân đồi.

Mọi người giật mình nhìn xuống thì nhận rõ một tốp lính giặc ngồi trên ngựa tay cầm đuốc cháy sáng rực cả.

Tử Sinh kinh sợ lo lắng cho chị và Lam Hà. Chàng nói mau:

- Mau chạy đi kẻo nguy mất.

Chàng nắm tay hai người và chạy nhanh ra phía sau vườn chùa, nhưng họ kinh hoảng vì đường đất mặt sau đồi cũng có một toán lính giặc kéo lên.

Từ sinh nghe rõ tiếng lệnh thét của tên giặc:

- Vây cả đồi, bắt tên giặc. Bắt lấy chúng, đừng để thoát. Bọn lính rập lên la lớn.

- Bắt hết chúng, đừng để tên nào tẩu thoát. Bắt lấy nó.

Từ Sinh thấy bọn chúng vây cả đồi và vây chùa chàng cảm thấy mười phần nguy cả mười, nên liều lĩnh bảo Hương Lan và Lam Hà:

- Dù sao cũng chết. Chúng ta liều với bọn nó một phen. Không lý ta đứng chịu chết à?

- Khoan em ạ ! Ta chống là chết ngay. Giặc trên trăm còn ta chỉ vài người không khí giới dài nào có gì mà chống lại chúng. Tìm chỗ ẩn , khi nào cùng đường lắm sẽ hay. Dù sao ta cũng có lợi hơn là chống ngay.

Lam Hà cũng sợ sệt nói:

- Chị Hương Lan tính như vậy là phải anh ạ!

Từ Sinh không còn nói gì nữa được, chàng nhìn quanh và kéo chị với Lam Hà chạy vụt vào một gian nhỏ sau hậu liêu. Ðấy là một nhà chứa củi của chùa, bên trong toàn là củi khô đã cưa chẻ sẵn, khô ráo làm sao.

Lam Hà và Hương Lan nép vào góc trong cùng, còn Từ Sinh núp một phía kín đáo chàng xô cửa để trống cho bọn kia không nghi ngờ. Vừa đúng lúc đó bọn linh giặc đã tràn tới ánh đuốc sáng rực của chúng bên ngoài đỏ hồng lên làm mọi người tăng thêm sự hồi hộp.

Từ Sinh bảo khẽ mọi người:

- Dù chúng có vào cũng phải cho trầm tĩnh nhé. Khi nào tôi ra tay là biểu xông ra.

Chàng nhìn đống củi đã cưa sẵn, lóng nào cũng bằng bắp chân nên nghĩ ngay đến sự dùng nó mà phang vào đầu bọn giặc nếu chúng xông vô bất ngờ.

Ðến nước cùng Từ sinh không còn sợ chi cả, chàng khinh thường bao nhiêu nguy nan, sẵn sàng chờ kẻ tử thù đến để một phen sống chết cùng bọn chúng.

Tiếng ồn ào phá vỡ của lũ giặc bên ngoài làm tăng bầu máu nóng của chàng tráng sĩ Lam Giang. Từ Sinh cầm chặt thanh gươm trường và quyết tử chiến vời bọn tham tàn kia. Bên ngoài một giọng nói trăm phần là người dân ta theo giặc:

- Thưa tướng quân, bọn nó chỉ có ba tên mà thôi. Chúng tài giỏi lắm tuy vây được nhưng ta phải phòng chúng chạy thoát. Có tiếng cười the thé và giọng nói ngọng nghịu của người khách nói tiếng ta.

- Ðã có ta đích thân mang quân tới thì dù cho nó tài trời cũng không thể thoát được. Ngươi há không biết tài Hoàng Thành tướng quân sao? Ta đã ra tay thì dù cho nó có tài trời cũng không khỏi chết.

Từ Sinh nghe đến tên Hoàng Thành chàng kinh sợ nghĩ thầm :

- Hoàng Thành là tướng giặc ghê gớm sao hắn lại đi tìm bắt ai kìa Chắc chắn không phải chúng tìm ta đâu.

Hoàng Thành mà đi như vầy chắc là chuyện đại sự chớ không phải đùa. Nếu gặp tay hắn phen nầy thì sanh mạng của bọn ta hết kể . Thân ta là trai không nói làm gì chỉ e chị ta và Lam Hà bị nhục thì còn chi...

Từ Sinh sôi máu lên, chàng cắn chặt răng cố đè nén niềm uất hận. Vờ lúc ấy ánh đuốc sáng rực lên ngay cửa nhà chứa củi làm Từ Sinh, Hương Lan và Lam Hà kinh sợ phập phồng với giờ phút nguy cơ sẽ tới.

Hai tên lính giặc hiện ra ở cửa, chúng cầm đuố giơ cao, một tên cầm chiếc giáo dài chĩa mũi nhọn vào trong như sắp sửa giết người vậy.

Hắn tiến vào một bước là Từ Sinh đã toan dùng thế cuối cùng thì vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng la to lên:

- Bặt lấy nó, chúng đây rồi.

Thế là bọn kia vụt chạy ra khi nghe như vậy. Cùng lúc đó tiếng binh khí chạm vào nhau chan chát kinh hồn, vang động bên ngoài khích lòng hiếu kỳ của Từ Sinh.

Chàng bảo thầm:

- Ba kẻ nào mà khiến đích thân Hoàng Thành phải đi truy nã kia? Chắc họ là những tay tài giỏi lắm?

Chàng rón rén bước ra cửa và đưa mắt nhìn ra. Một cảnh tượng mạnh mẽ hùng tráng diễn ra linh động làm sôi nổi máu thanh niên của chàng. Một toán lính giặc vây chặt ba chàng thanh niên nhưng họ một người một gươm mà vẫn chiến đấu mãnh liệt với bọn chúng.

Họ quả là những tay giỏi vô cùng, đường gươm họ loang loáng bảo vệ quanh người họ và đã làm bọn lính giặc chết ngổn ngang.

Nhờ ánh đuốc sáng rực như ban ngày nên Từ Sinh trông rõ mặt ba người kia, họ có hai người đứng tuổi, một người trẻ đẹp trai; người nầy , đường gươm tuy linh động nhưng không bằng hai người kia.

Bỗng người lớn tuổi hơn hết quát to:

- Hoàng Minh em hãy lên ngựa.

Từ Sinh hiểu ngay hai người kia liều thân ở lại cự giặc để người trẻ chạy trốn. Người trai trẻ vung rộng đường gươm sấn tới đánh bọn giặc rãn ra và thình lình nhào đến bên tên giặc ngồi trên mình ngựa và đưa hắn một gươm làm hắn ngã gục xuống đất.

Người trai trẻ nhảy gọn gàng lên mình ngựa và phá vòng vây chạy ra.

Hai người đứng tuổi lật đật đem hết sức ra mở đường trống cho chàng kia chạy.

Từ nảy giờ Hoàng Thành chỉ đứng nhìn những kỵ binh của mình chiến với kẻ địch giờ không thể chần chờ nữa ông ta tuốt gươm , thúc ngựa tiến vào và hét to:

- Hai tên giặc kia mi chớ hoành hành nữa mà bỏ mạng. Mau mau chịu trói cho rồi, nếu để tướng quân Hoàng Thành nầy ra tay thì mi tan tành tro bụi .

Hai người kia thấy chàng trai trẻ chưa ra khỏi vòng vây mà Hoàng Thành đã xông vào nên lật đật rút mỗi người mấy con dao nhỏ lao mạnh vào phía ấy.

Mấy tên lính vây thanh niên ngã gục xuống để trống một đường nên chàng ta thúc ngựa chạy như bay xuống đồi.

Hoàng Thành giận lắm thét kỵ binh đuổi theo, còn mình giục ngựa sấn tới vung chiếc giáo dài đâm thẳng vào cố người có râu. Người có râu đưa gươm gạt mạnh và lẹ làng làm sao . Ông ta đâm ngay vào mình ngựa của Hoàng Thành một nhát làm con ngựa nhảy dựng lên hất Hoàng Thành xuống đất.

Người có râu quay lại bảo người mặt xương:

- Hiền đệ dẹp bọn kia để ta cho tướng quân Hoàng Thành một mé để hắn biết tướng võ dân ta cũng không kém gì ai.

Hoàng Thành cười gằn, hắn ném giáo dài, tuốt gươm trường ra và nói :

- Tên khốn kia. Ta không giết được mi thề không làm tướng nữa.

Anh ta vung gươm nhảy đến chém một nhát vào ngay cổ họng người có râu, nhưng ông ta tránh ngay và trả lại một nhát vào ngực hắn.

Hoàng Thành đưa gươm lên gạt mạnh, hắn tê chồn cả cánh tay nên kinh sợ cho sức mạnh kẻ địch. Còn người có râu cũng tê chồn cánh tay, ông ta cũng gờm tên tướng giặc, nhưng đã lâm vào vòng chiến còn sợ gì nữa nên liền đập tiếp một nhát vào bụng Hoàng Thành.

Tướng giặc họ Hoàng nhảy sang một bên né tránh và vung gươm như gió quyết áp đảo người có râu, nhưng nào dễ hơn được.

Cả hai chiến đấu hằng mấy thục hiệp mà bất phân thắng bại, khiên quân sĩ xem mà ngơ ngẩn.

Bỗng Hoàng Thành thét to một tiếng, hắn chém xả xuống đầu người có râu, nhưng ông ta tràn mmh né tránh. Không để kẻ địch kịp trở tay Hoàng Thành tiến theo đâm mạnh một gươm vào cổ họng người có râu.

Người có râu vẫn bình tĩnh như thường, ông ta ngả đầu về phía sau tránh khỏi và chém tạt từ dưới lên trên làm Hoàng Thành kinh sợ nhảy lùi lại tránh. Bây giờ Hoàng Thành thấy rõ mình khó lòng thắng được bằng cách đấu sức với nhau , nên hắn đưa tay ra hiệu cho bọn lính , tức thì chúng ào vào vây người có râu. Dù tài giỏi đến đâu, người có râu cũng không làm sao thắng nỗi vừa Hoàng Thành và bọn lính.

Ðến người em của ông ta cũng không thể nào cự nổi nữa. Ðã mấy phen họ cố chạy , đã mấy lần họ muốn cướp ngựa của lính để bỏ chạy , nhưng bọn chúng đã thấy người trai trẻ khi nẫy thi hành thủ đoạn đó rồi , nên đề phòng không hơ hỏng nữa khiến họ không làm gì được theo ý muốn.

Sau một hồi kháng cự hai người ấy đành để cho Hoàng Thành và quân lính bắt trói lại. Chúng ném họ lên mình ngựa, những tên tính giặc tức tối vì bị họ đánh khi nảy , nên lấy cán giáo đập đầu họ trả thù.

Từ Sinh tức tối bọn giặc và cảm phục hai tay anh hùng kia , chàng nhìn họ lúc sa cơ như hai con hổ vào rọ bị lũ chồn giỡn mặt.

Hoàng Thành phóng lên mình ngựa và ra lệnh cho quân lính kéo đi tức thì bọn chúng ném những cây đuốc vào nhà chùa, nóc chùa , dù lúc họ đánh nhau với hai người nọ thì bọn khác đã chia nhau vào chùa cướp những gì họ thích , dù nhà chùa đã bị mấy lần như thế rồi.

Bọn lính giặc thúc ngựa xuống đồi thì lửa bắt cháy dữ dội. Từ Sinh lật đật gọi Lam Hà và Hương Lan chạy ra thì thấy sư cụ Bữu Minh và mấy vị tăng ni múc nước chữa lửa.

Từ Sinh, Hương Lan với Lam Hà cũng giúp hộ chữa lửa. Cũng may cho nhà chùa là lửa kia chỉ mới bén lên mà nước chữa thì đâu có sẵn gần đó , nên sau một lúc mọi người gắng sức thì ngọn lửa hạ xuống rồi tắt hẳn.

Sư cụ Bửu Minh nhìn tấm biển treo trên cửa chánh điện bị cháy mất chữ Bửu chỉ còn lại chữ Minh mà lòng cụ chua xót.

Cụ quay ra cám ơn Từ Sinh và hai nàng. Từ Sinh vốn thật từ xưa nay không mến tăng ni chàng không phải là người giàu có , thừa thì giờ nghĩ chuyện không đâu, cũng chẳng dư tiền để giúp họ chi chi. Cái nghề làm ruộng của cha mẹ chàng để lại thật rất khó khăn, chàng sống với nó khổ sở rồi .

Thực tế của đời sống đã làm cho Từ Sinh mạnh khoẻ cả tinh thần thể xác, không mơ mộng viển vông.

Sư cụ Bửu Minh biết mặt Lam Hà, cụ cầm tay nàng và Hương Lan rồi nói:

- Cám ơn mấy cháu giúp.

Cụ không còn nói lời gì được, cụ nhìn trầm ngâm nghĩ ngợi như nhớ lại ngày thanh bình thuở xưa muôn người đến cúng chùa vào những ngày trăng tròn giữa tháng mười , tháng bảy.

Cụ có lẽ nhớ Lam Hà lúc ấy hãy còn nhỏ hơn bây giờ nhiều, nàng theo mẹ lên chùa dù nàng không hiễu gì cả.

Bây giờ cha mẹ nàng đã khuất, sư Bửu Minh mất một người bạn văn thơ tuyệt diệu, cụ oán giận quân giặc đã cấu xé tình cảm của lòng cụ tan tành, không cho cụ ước mong cuộc đời như ý muốn.

Từ Sinh đứng im nhìn sư cụ Bửu Minh, chàng như cảm thông được nổi lòng nhà sư già và nhủ thầm:

- Ta lấy việc chống lại kẻ xâm lăng làm lý tưởng mà sống trong tình đất nước, còn sư già lấy việc thờ Phật trong trí tưởng mà làm chân lý. Nhà sư có lẽ đau đớn về cảnh quê hương bị tàn phá và đã bị thực tế làm cho sư đau lòng, lý tưởng nhà sư đã lung lay, mầm sống khác đã chen vào cõi lòng nguội lạnh chán đời ấy chăng?

Từ Sinh không muốn kéo dài thì giờ ấy, chàng cất giọng nói:

- Thưa sư cụ chúng con phải về kẻo giặc bắt gặp thì phiền hà cho sư cụ .

Lam Hà nhìn sư cụ như trìu mến, nàng rời ông và run run nói:

- Thưa sư cụ con về.

Sư cụ đưa tay lau nước mắt , nhìn theo ba bóng người khuất trong bóng đêm mờ .


/10

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status