Ma Câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn

Chương 12 - Thành Cổ Dưới Đáy Hồ

/20


Chuyến tàu quá tải nghiêm trọng, trong toa tàu chỗ nào cũng thấy người, thậm chí có người nằm cả trên khoang đựng hành lý, không khí ngột ngạt nồng nặc mùi người, tàu cập ga nào cũng dừng, vừa thay đầu tàu vừa thay nước. Bên ngoài trời tối như mực, đêm đã khuya, cũng chẳng biết là đang dừng lại ở ga nào, Điếu bát và Mặt dày đều ngồi bên cạnh tôi, túi hành lý kê dưới chân, một người ngủ gục đầu bên cửa sổ, chảy cả nước miếng, một người nằm rạp trên bàn ngáy như sấm, cả hai đều đang ngủ như chết. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mu bàn tay có vài vết xước, trong lòng kinh hãi vô cùng, cơn ác mộng ngày một thật hơn, tôi nhớ đến khuôn mặt nhăn nheo biến dạng của nữ thi Khiết Đan, rõ ràng là nàng bị cơn ác mộng nghìn năm làm cho sợ đến chết, tôi không thể để mình cũng có kết quả như vậy được.

Nhưng tại sao cô gái người Khiết Đan khi sống cũng mơ về ngôi mộ cổ ở núi Hùng Nhĩ? Quan ngọc, tượng vàng và người chết trong bộ dạng thủng bụng lòi ruột cũng trong ngôi mộ đó sao? Chúng tôi đi Dự Tây đào trộm mộ không lẽ sẽ gặp sự cố thi biến? Tất cả những nghi vấn đó tôi không tài nào lý giải nổi, nhưng theo nội dung trong bức bích họa thì sự cố thi biến xảy ra lúc nguyệt thực, ngay tại thời điểm mặt trăng hoàn toàn bị che khuất, nghe nói gần đây không có nguyệt thực nên tôi cũng an tâm phần nào. Một lúc sau, tàu lại chuyển bánh, hành khách trong toa đều đã ngủ cả, lòng tôi lo lắng không yên, không tài nào chợp mắt nổi, ngồi lâu khiến chân tê mỏi nên cố len ra bên ngoài giữa hai toa tàu để hít thở không khí trong lành. Tôi ngồi ở toa số chín, toa mười là toa nhà ăn, từ toa mười một trở đi là giường nằm cao cấp, bên đó thoáng đãng thoải mái, có tiền chưa chắc đã mua được vé toa đó. Nơi này có gió, không khí lưu thông tốt, cũng không có ai, tôi ngồi hút thuốc và lắng nghe tiếng tàu chạy xình xịch để giết thời gian. Lúc này mới để ý bên cạnh có một người khoảng ngoài ba mươi tuổi, dáng người tầm thước, mặt đầy mụn, râu để lún phún, hai tai nhọn mọc dựng lên trên. Anh ta ngồi trên bao hành lý, hai mắt nhìn chăm chăm vào tôi vẻ thèm thuồng, tôi đưa cho anh ta một điếu thuốc, anh ta vội đỡ lấy và cảm ơn rối rít, hóa ra là lên cơn nghiện mà thuốc đã hết, đồ trên tàu đắt không dám mua, đêm đến lại càng khó chịu hơn. Anh ta vội vàng bật diêm châm thuốc, hai mắt lim dim rít liền hai hơi. Chúng tôi ngồi nhả khói hút hết điếu này tới điếu khác, chuyện phiếm đông tây nam bắc. Người này cũng hay chuyện, anh ta có biệt hiệu Lư mặt rỗ, người Lão Giới Lĩnh, Dự Tây. Lão Giới Lĩnh cách núi Hùng Nhĩ không xa, nên tôi tiện miệng hỏi thăm về nơi đó luôn.

Tôi nghe Lư mặt rỗ nói, vùng Thảo Hài Lĩnh ở núi Hùng Nhĩ đất rộng người thưa, thế núi hiểm trở, cây cối um tùm rậm rạp, chim chóc thú dữ rất nhiều, cá dưới nước có những con rất to, xung quanh tứ bề đều là núi, khe núi sâu hun hút, mưa gió liên miên, mười ngày nửa tháng cũng không có lấy một ngày nắng, cứ như cô gái trong rừng sâu e thẹn không dám gặp người ngoài. Khi thời tiết đẹp, có thể nhìn thấy những con vích to như cái cối đá đang nằm bên bờ sông phơi nắng, chuột nặng hai ba cân là chuyện bình thường, còn có những con trăn dài mấy trượng, đó mới gọi là khủng khiếp. Lớp các cụ lớn tuổi đều cho rằng những con vật đó đều tu đắc đạo nên không ai dám động đến chúng, rừng trên núi Kê Lung rất rậm rạp, địa hình phức tạp, núi Thương Mã là nơi hiểm trở nhất, vì đó là chiến trường cổ. Thảo Hài Lĩnh lại nhiều hang động, có động Hoàng Sào là một động cạn, từ trước giải phóng đã cạn nước, còn được gọi là động Ngư Khốc, động đó rất sâu. Chuyện kể rằng, năm đó khi khởi nghĩa Hoàng Sào thất bại, quân lính không còn đường lui, bỗng xuất hiện một ông cụ đưa nghĩa quân tới trốn trong động.

Lần trước, tôi và Điếu bát đi Thông Thiên Lĩnh, chính là ngọn núi thuộc dãy Phục Ngư, nhưng vùng núi này quá lớn, Thông Thiên Lĩnh ở phía Bắc, Thảo Hài Lĩnh thuộc núi Hùng Nhĩ ở phía Nam, địa thế khác nhau cũng nhiều, hang động đá vôi như động Hoàng Sào này ở đây rất nhiều, lớn bé đều có, cái trên cạn cái dưới nước. Riêng động tên là Hoàng Sào cũng đã có mấy cái liền, nghe nói là sau này người dân tự đặt tên và cũng chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ hỏi thăm Lư mặt rỗ về địa thế ở đó, đặc biệt hỏi thăm kỹ càng về hồ Tiên Đôn.

Lư mặt rỗ lại kể, hồ Tiên Đôn trên Thảo Hài Lĩnh ba phía Đông, Tây, Bắc đều là núi, không có đường đi, mực nước đã thấp hơn rất nhiều so với hồi trước giải phóng, phía Nam là vùng đầm lầy lau sậy, chỗ đó gọi là Canh gà rừng , nhưng hoàn toàn không có gà rừng, mùa hè nước dâng thì vịt trời về đó sinh sống làm tổ. Lư mặt rỗ đã từng này tuổi rồi nhưng chưa lần nào tới hồ Tiên Đôn, nghe nói nơi đó rất bí ẩn, không rõ là có yêu ma quỷ quái gì hay không. Ví dụ, thời tiết vốn đang đẹp, bỗng nghe một tiếng nổ inh tai, sương mù bỗng dày đặc, những người vào trong hồ, hầu như không ai trở về. Năm hơn mười tuổi, có một lần Lư mặt rỗ theo bố anh ta vào đầm Canh gà săn vịt trời, thời tiết đang quang đãng bỗng mưa như trút nước, hai bố con sợ lũ tràn về, không dám ở lại săn vịt trời nữa mà vội vã ra về.

Tôi thầm thấy kỳ lạ, hỏi Lư mặt rỗ: Hồ Tiên Đôn có cái tên rất lạ, không lẽ trong hồ có một ụ đất tiên thật à?

Lư mặt rỗ nói: Có ụ đất tiên thật đấy, cụ nội tôi đã tận mắt nhìn thấy...

Tôi nghe thấy vậy vội hỏi: Thế là thế nào?

Lư mặt rỗ kể tiếp: Cậu em cho điếu thuốc nữa đi, tôi kể chuyện Tiên Đôn cho cậu nghe.

2

Tôi đoán dưới hồ Tiên Đôn chôn vị vương hầu nào đó thời Hán, không rõ vì sao mà bị thủng bụng chết thảm, trong hầm mộ có vô số châu báu, còn có nhiều người tùy táng. Đã có rất nhiều truyền thuyết về câu chuyện này, nhưng chưa ai giải được bí mật. Lư mặt rỗ sinh ra và lớn lên ở Lão Giới Lĩnh, để xem anh ta sẽ kể những gì, tôi đưa bao thuốc Hồng Tháp Sơn vẫn còn một nửa cho anh ta, bảo anh ta đi vào trọng tâm, đừng vòng vo Tam Quốc nữa.

Lư mặt rỗ nói: Cậu em đúng là phóng khoáng, có cơ hội mời về nhà tôi chơi. Đừng xem thường nhà tôi nghèo, món mì đặc sản ở chỗ tôi không phải ở đâu cũng có đâu. Vợ tôi ngoài việc sinh con chẳng có tài cán gì khác, ngày ngày làm bạn với cái bếp, món mì cô ấy làm nổi tiếng khắp vùng đấy, cậu phải ăn thử mới được. Mà cậu cứ nghe anh kể đã, ông nội của ông nội của ông nội... cũng không rõ là từ đời nào, nói chung là từ mấy đời trước rồi, đúng năm nạn đói, nhiều làng không có thứ ăn, phải ăn vỏ cây, rễ cây, rất nhiều người chết đói. Hồi đó ở Dự Tây khắp nơi đều có thổ phỉ, thợ săn các vùng đều không dám vào rừng săn bắn. Tổ tiên nhà tôi có người không tin tà ma, cũng vì đói quá hóa liều, đã tới đầm Canh gà trên núi Hùng Nhĩ để săn vịt trời. Ở đó có một điều rất lạ, cá trong hồ rất nhiều nhưng không ai dám đánh lên ăn, chỉ dám săn bắn đàn vịt trời làm tổ trong đám lau sậy và lấy trứng vịt, nhưng cũng rất mạo hiểm, nếu bị sa vào đám sình lầy thì khó mà thoát ra được.

Tôi hỏi: Lạ thật, sao không ai dám ăn cá trong hồ? Cá ở đó hình thù rất kỳ dị sao?

Lư mặt rỗ nói: Cậu cứ nghe anh kể tiếp thì biết ngay. Năm đó, ông tổ nhà tôi một mình vào trong đầm Canh gà đợi ở đó một ngày cũng chẳng thấy bóng dáng con vịt trời nào, đói lép cả bụng, ông tìm đường đi sâu vào bên trong, không chừng kiếm được con vịt nào trốn sau đám lau sậy, nghĩ vậy liền vạch đám lau sậy tiến sâu vào bên trong, đang đi bỗng thấy phía xa có một ngôi mộ to khác thường, xung quanh ngôi mộ đó là vô số nhà cửa, nếu không có những ngôi nhà này chắc ông cũng chẳng dám bước vào trong. Trông thấy có nhiều nhà, hơn nữa cũng có nhiều người đi lại bên trong, nên ông cụ cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, đang lúc đói mờ cả mắt chỉ nghĩ vào tạm nhà nào đó xin miếng cơm ăn, cho dù là bát canh thôi cũng được. Nhưng khi tới nơi thì hỏi ai người ta cũng chẳng trả lời, trong lòng băn khoăn không hiểu đây là nơi nào mà lạ vậy, hay là họ ngại tiếp xúc với người lạ nên thấy người ngoài đến thì không tiện chào hỏi. Ông định bụng mình cứ vào nhà lấy đồ xem mấy người kia có giả vờ không biết nữa hay không. Nghĩ vậy liền đi vào trong nhà mở chum gạo ra lấy rất nhiều gạo, nhưng những người kia cũng chẳng thèm để ý đến ông. Sau khi lấy được gạo rồi ông trở ra, đi tới gần đầm Canh gà mà trong lòng vẫn chưa hết kỳ lạ, quay đầu lại nhìn thì hồn vía lên mây, phía sau lưng ông ngoài nước ra thì chỉ có nước, ngôi mộ và những gian nhà kia đã biến mất tự bao giờ, ông vội mở túi gạo ra xem, chỉ thấy bên trong là đất sét xanh lè hôi thối như vừa mới móc dưới đáy hồ lên.

Tôi hơi nghi ngờ, hỏi lại: Chắc là gặp ma rồi! May là rời khỏi chỗ đó sớm, nếu không thì chắc không giữ được tính mạng.

Lư mặt rỗ nói: Chứ còn gì nữa! Sau khi chạy thoát về nhà, nghe các cụ lớn tuổi nói, rất nhiều năm trước khi còn chưa có hồ, thì ở đó có một ngôi mộ cổ, xung quanh có rất nhiều mộ nhỏ, chôn rất nhiều người, sau đó thì đều chìm dưới đáy hồ. Những người mà cụ tổ nhà tôi nhìn thấy toàn là ma, âm dương cách biệt nên số gạo đó mang ra ngoài thì hóa bùn hết. Thời đó, khoảng một phần hai nấm mộ lộ ra trên mặt nước, vì vậy mới gọi là hồ Tiên Đôn. Tương truyền cá trong hồ đều ăn thịt người chết nên mới to như vậy. Nếu cậu biết bọn cá này ăn thịt người thì cậu có dám ăn chúng nữa không?

Tôi lắc đầu nói: Không dám ăn... , nhưng trong lòng nghĩ: Bọn vịt trời chẳng phải cũng ăn tôm cá trong hồ sao? Người dân chẳng phải vẫn thường xuyên ăn thịt vịt đấy thôi?

Lư mặt rỗ tiếp tục nói: Phần là vào sâu bên trong không có đường, phần là nơi đó rất bí hiểm nên người ngoài ít khi lui tới, dân trong núi cùng lắm cũng bắt vài con vịt, vài con rái cá ở đầm Canh gà thôi, chẳng ai dám đi sâu vào bên trong.

3

Tôi dò hỏi: Trong ngôi mộ hoang đó chắc là có báu vật, sao nhiều năm vậy rồi mà không ai dám đi đào? Giờ chẳng phải đang thịnh hành một câu nói: Muốn làm giàu thì đi đào mộ cổ đó sao, trong một ngày đã trở thành giàu có rồi?

Lư mặt rỗ nói: Tôi đã bảo rồi, nơi đó bí hiểm lắm, ai mà chán sống mới đi vào đó. Con người ta sợ nghèo nhưng vẫn sợ chết hơn. Đào được bảo vật thì cũng mất mạng, hơn nữa vẫn còn pháp luật cơ mà.

Tôi nói: Đúng thế, tôi cũng chỉ nói vậy thôi, cho dù có hận xã hội cũ đến mấy thì chúng ta cũng không thể làm bừa được, đúng không?

Đang nói chuyện với Lư mặt rỗ, bỗng tôi có cảm giác như có người đứng bên cạnh, trong lòng chột dạ: Không hay rồi. Mấy câu này không thể để cho người ngoài nghe thấy được . Tôi quay đầu lại nhìn, sau lưng là một cô gái rất xinh xắn, khoảng hơn hai mươi tuổi, chắc là đi ăn bên toa số mười, bây giờ cô ấy quay lại toa mười một để nghỉ ngơi. Đêm đã khuya, không còn ai đi lại trên toa tàu, để ngồi cho thoải mái hơn nên tôi đã lôi bao tải hàng của Lư mặt rỗ để ra ngoài hành lang rồi ngồi vắt chân chữ ngũ nói chuyện rôm rả, quên mất là đã chắn mất đường đi của người khác. Tôi thấy cô gái đang nhìn tôi như kiểu đã nghe thấy tôi và Lư mặt rỗ nói về chuyện đào trộm mộ. Bước chân của cô ấy rất nhẹ, không biết là đã đứng sau lưng tôi bao lâu rồi, tới lúc này tôi mới phát hiện ra, vội ngậm miệng không nói nữa, dịch chân tránh đường. Cô gái nói Cảm ơn! rồi cúi đầu đi qua để lại một mùi hương thơm thoang thoảng. Nhưng Lư mặt rỗ lại nói: Hây, xinh thì làm được gì cho đời, như cái gối thêu thôi, chỉ đẹp mà chẳng có tác dụng gì, lấy vợ thì phải chọn người như vợ tôi ấy, trông hơi thô một chút nhưng nấu nướng, sinh con, việc đồng áng, việc gì cũng giỏi... . Cô gái mới đi được mấy bước, nghe thấy Lư mặt rỗ nói vậy thì quay đầu lại nhìn chúng tôi. Lư mặt rỗ lúng túng, anh ta biết mình đã lỡ lời, vội cúi gằm mặt xuống, giống như vừa làm việc gì sai trái bị bắt quả tang vậy. Tôi thì chẳng để ý, ngẩng đầu lên nói với cô gái: Bọn anh không nói em đâu, em cứ đi đi! 'Em gái cứ mạnh dạn tiến về phía trước về phía trước'[1]... cô gái đỏ ửng mặt, quay lưng đi về phía toa mười một. Lư mặt rỗ thở hắt một hơi dài: Cậu được đấy! . Tôi nói: Con nhỏ này cho mình là giỏi, coi thường dân lao động chân tay chỉ ngồi được ghế cứng như anh em mình . Lư mặt rỗ gật đầu: Đúng thế! Anh cũng chưa nói gì mà cô ta đã trợn mắt lên nhìn rồi, chắc hẳn cô ta nghĩ anh là dân lưu manh .

[1] Lời một bài hát.

Sau đó, tôi lại hỏi thăm Lư mặt rỗ một số lời đồn, về núi Hùng Nhĩ, nhưng phần nhiều là thông tin không mấy hữu dụng. Ngày thứ hai, chúng tôi xuống tàu tại ga Nam Dương. Lư mặt rỗ phải qua đập nước Áp Hà Khẩu rồi ngồi xe đi Lão Giới Lĩnh. Nơi đó cách núi Thông Mã ở phía Đông hồ Tiên Đôn không xa và cũng là con đường duy nhất tới đầm Canh gà. Nhưng chuyến đi này của chúng tôi càng ít người biết càng tốt nên chúng tôi dự định đi vòng sang hướng Bắc phía Thảo Hài Lĩnh, là nơi thưa người sinh sống. Cũng không nói cho Lư mặt rỗ biết chúng tôi định đến hồ Tiên Đôn, cả hai bèn chia tay nhau ở Áp Hà Khẩu. Ba người chúng tôi chuẩn bị đầy đủ lương khô, hỏi rõ đường đi rồi ngồi xe lên núi. Khi đã vào sâu trong núi, không còn đường đi nữa, phải đeo ba lô trèo đèo lội suối, dựa vào tấm bản đồ và la bàn, đi hai ngày mới tới Thảo Hài Lĩnh. Bên kia ngọn núi là hồ Tiên Đôn, nhưng thế núi cao hiểm trở, giống như bức bình phong bằng núi khó mà vượt qua được.

Chúng tôi tới nơi trước khi trời tối, tưởng rằng phải ngủ lại trong núi, không ngờ ở đây có một ngôi nhà hoang, tứ bề đều giáp rừng núi, cỏ dại và cây cối mọc um tùm xung quanh, trên nóc nhà và các bậc thang đều mọc đầy cỏ, lá rụng dày trên mặt đất, chiếc khóa trên cánh cửa đã hoen rỉ nặng. Xem ra, nhà trọ này đã bỏ hoang nhiều năm.

Mặt dày nói: Trời sắp tối rồi, có chỗ này qua đêm thì tốt quá rồi.

Điếu bát lên tiếng: Đêm hôm giữa nơi thanh vắng lại có quán trọ bỏ hoang trông có vẻ ghê ghê...

Anh ta còn chưa nói hết thì Mặt dày đã phá xong khóa cửa, dẹp đống lá và cỏ dại sang hai bên rồi đi vào trong. Hai gian nhà phía đông và phía bắc, cái thì sập một nửa, cái thì thủng nóc, chỉ còn gian phía tây, tuy mái hiên bên ngoài đã hỏng nhưng tường nhà vẫn còn kiên cố, bên trong bám đầy mạng nhện và bụi bặm, ẩm thấp. Chúng tôi bật đèn pin lên thì nhìn thấy ba cỗ quan tài nằm trong phòng.

Mặt dày chửi um lên: Ai mà thất đức thế không biết, quan tài không mang đi chôn lại để giữa nhà dọa nhau thế này.

Tôi nói: Trên tàu tôi có nghe Lư mặt rỗ nói, người dân ở Tấn Dự trước giải phóng có một phong tục là những hộ gia đình lớn thường để quan tài trong nhà.

Điếu bát nói: Ừ, người dân miền núi mê tín, để như vậy là có hàm ý thăng quan phát tài đấy.

Tôi nói: Nói thế cũng đúng! Nhà giàu năm thê bảy thiếp, vợ chết lại không thể chôn ở nghĩa trang họ tộc ngay, quan tài đành để trong nhà cho tới khi người chồng chết thì mới được chôn cùng. Cũng có người mua sẵn quan tài cho mình, quan tài trong phòng này có khi chỉ là cỗ quan tài rỗng thôi.

Điếu bát bực bội càm ràm: Gặp quan không, huyệt trống là không may chút nào. Nghe nói quan tài không là sẽ đòi mạng người đấy, trong phòng này lại có đúng ba cỗ quan tài, bọn mình cũng ba đứa, đừng có... đừng có để nó đòi mạng mình đi đấy!

Mặt dày thì chẳng tin: Quan tài có nhúc nhích được đâu, vài tấm gỗ mục còn ăn thịt người được chắc?

Điếu bát nói: Cậu không biết thì thôi! Quan tài không huyệt trống mà vị trí đặt không đúng thì lấy mạng người như chơi. Ông cố anh ngày trước là một địa chủ, ưng ý một mảnh đất ngoài thành nên đã mua về, ông chủ bán đất tham lam, muốn tăng giá đất nên đã đào tám cái huyệt trên mảnh đất đó, nói là tổ tiên nhà ông ta đều chôn ở đó, vốn định lừa tiền ông cố nhà anh. Nào ngờ, từ khi đào mấy cái huyệt kia thì nhà ông ta bắt đầu có người chết, chết hết người này tới người khác cho tới khi đủ tám người, đúng với số huyệt mà ông ta đã đào. Cậu thấy chuyện này có đáng sợ không? . Anh ta lại nói với tôi: Cậu cũng biết chuyện huyệt trống đòi mạng người đúng không? . Tôi gật đầu: Có nghe lão Nghĩa mù nói qua... , nhưng khi tới gần quan tài, tôi thấy trên nắp có đóng đinh, chứng tỏ đây không phải là quan tài rỗng.

4

Trong núi trời thường tối sớm hơn, khi chúng tôi vào trong phòng thì bên ngoài trời cũng đã chập choạng tối, bọn tôi ai cũng mệt mỏi, chẳng có sức mà đi tìm nơi khác nghỉ chân, đã có gan đi đào trộm mộ thì có lẽ gì lại sợ mấy cỗ quan tài trong nhà hoang. Vậy là, chúng tôi nghỉ đêm tại ngôi quán trọ hoang trong rừng. Mấy cỗ quan tài đều đặt ở sát tường của gian phòng phía Tây, gỗ đã mục cho thấy không phải là loại gỗ tốt. Nghe nói theo phong tục của vùng này, linh cữu để lâu trong nhà không chôn là để tránh mộ bị đào trộm lấy đồ. Chúng tôi cũng không dám làm kinh động tới người chết, chỉ ngồi lại ngoài cửa phòng, lấy lương khô ra ăn.

Trong lúc ăn, tôi kể lại những chuyện đã hỏi được từ Lư mặt rỗ cho hai người kia nghe. Hai người họ nghe xong rất hồ hởi, bàn chuyện ngày mai đi Thảo Hài Lĩnh, Mặt dày nói: Ngọn núi này vừa cao vừa hiểm trở, ngày mai làm sao mà vượt qua được? Điếu bát nói: Cậu chẳng động não gì cả, bọn mình thống nhất rồi còn gì, đầu tiên sẽ đi theo hướng động Hoàng Sào như trong bản đồ của Chu Ngộ Cát để lại . Mặt dày nói: Lúc trước nói là động Ngư Khốc cơ mà, sao giờ lại là động Hoàng Sào? Cùng là một cái động à, đừng có đi sai đường đấy. Tôi nói: Cùng là một động, chỉ là tên gọi khác nhau, mới đầu gọi là động Ngư Khốc, sau đó khởi nghĩa Hoàng Sào thất bại, có một ông cụ chỉ đường cho nghĩa quân lên trốn trong động, vì thế sau này hang động đó còn có tên là Hoàng Sào . Mặt dày lại hỏi: Tôi chỉ biết yến sào thôi còn Hoàng Sào là ai? Điếu bát giải thích: Hoàng Sào là thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa vào cuối đời Đường, còn được gọi là Xung Thiên Tướng quân, thống lĩnh hàng trăm nghìn quân khởi nghĩa đánh vào Lạc Dương, Tràng An. Đúng là giết người như ngóe! Nên mới có câu nói Hoàng Sào giết tám triệu người, hàm ý đã gặp ông ta thì khó mà thoát chết . Mặt dày nói: Tôi chưa nghe nói đến bao giờ, xem ra người này cũng không nổi tiếng lắm . Điếu bát nói: Thế lực của Hoàng Sào rất mạnh, nhưng dù sao cũng chỉ là đội quân ô hợp, chuyện hoang đường gì cũng dám làm, ông ta không những đem quân đi đào trộm mộ, mà khi quân lương cạn kiệt ông ta còn cho binh lính ăn thịt người. Cuối cùng khởi nghĩa thất bại, chết thảm ở núi Lang Hổ. Mặt dày nói: Hóa ra Hoàng Sào cũng là dân đào trộm mộ, cùng nghề với bọn mình. Tôi nói: Hoàng Sào tuy cũng đi đào trộm mộ nhưng không phải dân đổ đấu chuyên nghiệp. Ông ta thống lĩnh hàng trăm nghìn quân đi đào Càn Lăng, đào hẳn một đường hào rõ to trong núi mà chẳng tìm thấy đường hầm của ngôi mộ đâu, cho thấy ông ta chẳng có khả năng xem xét địa hình. Điếu bát lại nói: Nghe nói một ngày hành quân tiếu tốn hàng nghìn lạng vàng. Các cậu thử nghĩ xem, bao nhiêu người cùng đi đào mộ, cho dù trong mộ có nhiều vàng bạc tới mấy thì cũng không đủ mà chia nhau. Mặt dày nói: Đi theo đại ca đúng là học được nhiều. Nhưng có một chuyện tôi vẫn không rõ, động Hoàng Sào sao lại còn có tên gọi là động Ngư Khốc. Tên này rõ là lạ, cá mà biết khóc sao?

Câu hỏi này làm khó Điếu bát, anh ta ấp úng: Cái này, cái này... cá ở trong nước, ai mà biết được nó có khóc hay không?

Tôi giải thích: Người dân phía nam và phía bắc Thảo Hài Lĩnh có cách gọi khác nhau về cái động này. Phía nam Thảo Hài Lĩnh gọi là động Hoàng Sào, phía bắc mới gọi là động Ngư Khốc. Về cái tên động Ngư Khốc, Lư mặt rỗ cũng kể cho tôi nghe rồi. Thế nào nhỉ? Nghe nói thời xưa thì cái động này vẫn có nước. Thời đó, có hai mẹ con nhà nọ nhà nghèo rớt mồng tơi, ngày không có nổi một bữa ăn. Một hôm, có ông cụ tới xin nghỉ nhờ, bà cụ tốt bụng đã dành chút gạo cuối cùng trong nhà nấu cháo cho ông cụ ăn. Ông cụ cảm động vô cùng, đã lén dặn dò anh con trai ngày mai lên hang động trong núi chờ, đến giờ này thì cá trong động sẽ bơi ra ngoài, cậu ta có thể bắt cá, nhưng tuyệt đối không được động đến con cá đầu đàn. Anh con trai nửa tin nửa ngờ nhưng ngày thứ hai vẫn tới ngoài cửa động ngồi chờ. Đến giờ ông cụ nói, quả nhiên có đàn cá vàng lũ lượt bơi ra. Anh con trai quá mừng rỡ, quên béng lời dặn của ông cụ, nhắm chuẩn con cá đầu đàn to nhất quăng lưới. Về nhà đánh vảy định làm một bữa cá tươi cho mẹ già, tới khi mổ bụng thấy những hạt cháo trong bụng cá còn chưa kịp tiêu hóa, mới vỡ lẽ con cá chính là ông cụ hôm qua hóa thành. Hai mẹ con hối hận vô cùng, đến tối hôm đó thì họ nghe thấy tiếng cá khóc ở xa xa. Từ đó trở đi, nước trong động cạn dần, cá cũng ít đi. Tới trước giải phóng thì trở thành một chiếc động cạn. Cho tới ngày nay người dân phía bắc Thảo Hài Lĩnh vẫn quen gọi đây là động Ngư Khốc. Thế mới thấy khi lòng tham của con người đã trỗi dậy thì chẳng còn để ý tới gì sất. Mặt dày hỏi: Nghe cậu nói vậy thì ông lão cứu Hoàng Sào cũng chính là do con cá thần biến thành? Điếu bát nói: Cá thần cứu ai không cứu, lại đi cứu đúng Hoàng Sào, chắc tại Hoàng Sào giết người quá nhiều, phạm vào luật trời, vì vậy nên cá thần sau khi cứu Hoàng Sào đã phải chịu hậu quả.

Nói tới đó thì chúng tôi đi đun nước ngâm chân, đóng cánh cửa cài then rồi mặc nguyên quần áo nằm lên đống cỏ. Đêm hôm giữa núi rừng hoang vắng không sợ gặp người, chỉ sợ bị bọn dơi bay tới, đêm còn dài, trời thì lạnh, ánh trăng từ bên ngoài rọi vào không cần phải thắp nến. Mặt dày vừa đặt lưng là đã ngủ, Điếu bát thì lo sợ người chết trong quan tài nửa đêm mò ra nên không ngủ được, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Tôi thấy những cỗ quan tài đó được đóng đinh cẩn thận, chắc mấy chục năm nay chưa từng mở ra, người chết bên trong có khi xương cũng đã mục rồi, chẳng có gì phải sợ. Để cho chắc ăn, tôi ghim khẩu súng săn và thuốc nổ xuống dưới ba lô, rồi gối đầu lên ba lô ngủ. Một đám mây đen che khuất mặt trăng, quán trọ hoang bỗng chốc tối đen, không nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe thấy phía bên ngoài dường như có tiếng trẻ con khóc.

5

Tôi giật mình, mở to mắt lắng nghe, xung quanh lại im ắng như tờ, không thấy động tĩnh gì nữa.

Điếu bát thì thầm: Cậu có nghe thấy gì không, vừa nãy có tiếng trẻ con khóc bên ngoài.

Tôi nói: Thảo Hài Lĩnh hoang vắng thế này, quanh đây lại không có nhà dân, làm gì có trẻ con, không chừng là tiếng mèo kêu.

Điếu bát nói: Chắc là nghe nhầm, nhưng mèo đêm tới nhà là điềm gở. Ban đêm mèo mò vào nhà là để đếm lông mày của người, đếm xong rồi là sẽ bị hút mất hồn...

Trong lòng tôi thì biết rõ đó không phải là tiếng mèo kêu, tiếng khóc vừa rồi vọng lại từ phía xa nhưng rõ ràng là tiếng của đứa trẻ tầm hai ba tuổi, chỉ nghe thấy vài tiếng rồi im bặt luôn, đêm hôm giữa rừng sao lại có tiếng trẻ khóc?

Mải nghĩ như vậy cũng chẳng để ý Điếu bát nói với tôi chuyện mèo đêm đếm lông mày của người rốt cuộc là như thế nào. Mặc dù thấy kỳ lạ, nhưng vì leo núi cả ngày đã quá mệt nên tôi không muốn nhúc nhích động đậy nữa. Nhắm mắt lại là ngủ, cũng không biết đã ngủ được bao lâu, bỗng tiếng trẻ con khóc lại vang lên, nghe gần hơn, thật hơn, khiến người ta phải sốt ruột.

Tôi và Điếu bát cùng mở trừng mắt, mây đen đã trôi đi, ánh trăng lại chiếu vào bên trong, tôi nhìn thấy vẻ mặt Điếu bát hết sức kinh ngạc, anh ta nói: Đây không phải là tiếng mèo... . Tôi gật đầu, hơi nhổm người dậy, nhòm qua cửa sổ nhìn ra ngoài, chỉ thấy dưới ánh trăng cảnh vật tĩnh lặng, không một bóng người.

Điếu bát hỏi: Thấy gì không? Có đứa bé nào không?

Tôi quay đầu vào: Bên ngoài không có ai cả...

Điếu bát lại nói: Hay mình đi ra ngoài xem sao?

Tôi nhìn vào ba cỗ quan tài trong góc nhà, nói: Không được ra ngoài. Nơi này có chút tà ma, nửa đêm ra ngoài không ổn, tốt nhất là đừng mở cửa, đợi trời sáng là ổn thôi.

Điếu bát cũng không yên tâm mấy cỗ quan tài trong phòng, lại hỏi: Theo cậu có phải là... mấy con ma trong cỗ quan tài kia giở trò không?

Tôi nói: Tôi thấy mấy cỗ quan tài kia không phải là quan tài trẻ con, anh đừng nghi ngờ linh tinh.

Điếu bát nói: Tại sao trong quan tài có người chết mà lại để ở đây lâu như vậy, tới tận bây giờ vẫn không dời vào nghĩa trang của dòng họ sao?

Tôi nói: Mới đầu tôi cứ nghĩ là của gia đình giàu có nào đó để quan tài ở đây chờ đưa vào nghĩa trang, nhưng nhìn kỹ thì gỗ quan tài là loại gỗ rẻ tiền, chắc là người chết không có ai đến nhận, chỉ là tạm thời đặt ở đây. Nghe nói đất vùng Hùng Nhĩ ở Dự Tây vừa sâu vừa cứng, người chết không thể chôn ngay, nếu không thi thể sẽ biến thành bạt gây hạn hán, vì vậy người chết phải để trong quan tài vài năm mới đem đi chôn. Tôi nghĩ nơi đây sau đó bị bỏ hoang nên chẳng ai quan tâm những cỗ quan tài này nữa.

Lúc này Mặt dày ngồi dậy, lấy tay dụi mắt, mơ mơ màng màng hỏi xảy ra chuyện gì?

Tôi hỏi anh ta: Ông có nghe thấy tiếng trẻ con khóc không?

Anh ta trả lời: Chẳng nghe thấy gì cả, chỉ thấy hai người đi tới đi lui trong phòng làm tôi ngủ chẳng yên. Đêm hôm giữa rừng núi hoang vu lấy đâu ra trẻ con, cậu đang nói mơ đấy à? Không phải là tôi nói xấu cậu đâu, nhưng mà cậu hơi căng thẳng quá đà rồi đấy, có thể cậu không phát hiện ra, nhưng cậu ngày nào cũng gặp ác mộng, sắc mặt ngày một kém đi. Đợi lúc nào về, tôi kiếm cho cậu cái bầu dục của lừa, đừng có ngại ăn sống, cái món đó phải ăn sống mới có hiệu nghiệm, cắt lát ra trộn với tỏi ăn, đảm bảo có hiệu quả.

Tôi nghe nói thì giật mình, trong lòng hiểu rõ dạo này tôi bị ác mộng hành hạ, cô gái Saman có khi cũng chết trong tình trạng như vậy. Tôi đã kể chuyện này cho Điếu bát và Mặt dày nghe nhưng hai người họ không tin, tôi đang định nói tiếp chuyện của mình thì bên ngoài lại vọng vào tiếng trẻ con khóc, lần này càng gần hơn, tiếng khóc ngay ngoài cửa, đứa trẻ đó dường như gặp phải chuyện gì đáng sợ, tiếng khóc nghe rất thê thảm.

Mặt dày nói: Đúng là có tiếng trẻ con khóc thật, con cái nhà ai mà lại đi lạc vào trong núi thế này?

Tôi nói: Không đúng, từ lúc chúng ta lên núi, dọc đường không có nhà dân, ngoại trừ quán trọ hoang này.

Mặt dày nói: Rõ ràng là tiếng trẻ con khóc mà, tôi phải ra ngoài xem sự thể thế nào.

Tôi nói với Mặt dày: Ông đừng mở cửa, không chừng bên ngoài là thứ gì đang khóc cũng nên, bọn mình cứ mặc kệ nó đi.

Mặt dày nào có chịu nghe lời tôi, nói xong là rút then cài cửa, một trận gió lạnh thổi vào bên trong, tôi nổi hết cả da gà. Mặt dày đạp cửa thò đầu ra ngoài nhìn trái nhìn phải. Bên ngoài quán trọ bỏ hoang chỉ có lá khô cỏ dại chứ không thấy ai. Anh ta có to gan mấy cũng thấy ớn lạnh, nói một câu Lạ thật rồi định đóng cửa. Bỗng trong đám cỏ phát ra tiếng kêu the thé.

6

Chúng tôi nghe thấy tiếng đứa bé khóc phát ra từ trong đám cỏ dại nơi chân tường, ánh trăng sáng vằng vặc nhưng vì cỏ mọc cao um tùm nên cũng chẳng nhìn thấy gì.

Mặt dày lắm chuyện, không màng tới lời khuyên của tôi và Điếu bát, cứ đòi ra đó xem thế nào.

Tôi phát hiện ra tiếng khóc của đứa bé giống như đang sợ hãi, nhưng vừa the thé vừa lạ, thông thường tiếng trẻ con khóc lúc to lúc nhỏ, khóc lâu rồi thì hơi thở sẽ không đều đặn nữa, nhưng tiếng khóc trong bụi cỏ kia phát ra thì đều đều như nhau, dường như không có cảm xúc gì cả mà như đang giả vờ.

Lúc Mặt dày chạy ra ngoài xem xét, tôi mới nhớ ra súng săn vẫn để dưới túi đồ, đang định vào trong lấy thì thấy đám cỏ xào xạc lay động, một con vật trông như rắn nhưng có bốn chân đang bò ra, con vật đó dài gần một mét, đầu hình tam giác, đầu lưỡi chẻ đôi đang thò ra thụt vào, miệng phát ra tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc, cả ba người chúng tôi đều giật mình kinh hãi, lão Mặt dày hét lên một tiếng: Rắn mối!

Người dân vùng núi gọi loài rắn có bốn chân là rắn mối chỉ vì nó có hình thù giống rắn, nó không có dây thanh quản, không phát ra tiếng kêu, nhưng trong đêm người ta vẫn nghe thấy rắn phát ra tiếng xì xì đó là tiếng kêu phát ra từ trên thân họ nhà rắn mối, điều đó không có gì là lạ, có điều con rắn mối này có tiếng kêu như trẻ con khóc thì đúng là hiếm thấy. Tôi nghĩ trong bụng, giữa nơi hoang vắng không người này, rắn mối phát ra tiếng kêu như tiếng khóc để dụ người tới thật chẳng khác gì yêu quái, con rắn mối này toàn thân bạc thếch, hai mắt đỏ ngầu, không hề giống so với những con rắn mối khác, rõ ràng trên người nó có độc, nghĩ vậy tôi bất giác lạnh người.

Trong tay Mặt dày vẫn đang cầm thanh gỗ cài cửa, thấy con rắn mối há miệng bò ra liền giơ thanh gỗ lên đánh. Con rắn mối phản ứng nhanh đến kinh ngạc, thanh gỗ của Mặt dày đánh hụt vào không khí.

Tôi thấy trước mắt mình mờ đi, một làn khói bay thẳng vào bên sườn Mặt dày, tôi vội túm lấy tay anh ta giật về phía sau. Con rắn mối đớp ngay vào thanh gỗ, độc dịch chảy ra thấm vào khúc gỗ phát ra tiếng kêu xèo xèo. Nếu để con rắn mối cắn phải thì giờ này toàn thân Mặt dày đã đen sì nằm vật ra đất rồi, anh ta kinh hoàng vứt vội thanh gỗ xuống đất. Điếu bát kêu lên: Mau... Mau vào trong nhà đi! , anh ta còn chẳng kịp quay người lại, lộn một vòng lăn thẳng vào trong nhà. Tôi và Mặt dày vừa lùi vừa đóng cửa, cứ nghĩ con rắn mối đó có ghê gớm đến mấy thì đóng cửa phòng lại rồi là yên tâm. Không ngờ mới đóng cửa chưa kịp cài then thì con rắn mối đã nhả ra một làn khói màu vàng, hôi thối kinh khủng, tôi và Mặt dày thấy tình hình không ổn vội vàng lùi lại né tránh, may mà lùi kịp không bị làn khói đó phả vào mặt nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi thối như cá chết, máu mũi lập tức chảy ra thành dòng, lấy tay bịt lại cũng không được, trước mắt bỗng tối sầm. Chỉ chậm vài giây vậy thôi mà chúng tôi không kịp đóng cửa, chỉ nghe thấy tiếng khóc lại thét lên, con rắn mối đã đi vào bên trong, dưới ánh trăng thấy nó vẫn không ngừng nhả ra từng làn khói, trông thấy mà ớn lạnh cả sống lưng.

Sự việc xảy ra quá đột ngột, tôi chưa kịp lấy súng ra thì con rắn mối đã bò vào bên trong, chúng tôi không ngừng lùi lại, nhưng gian phòng này chỉ có một cửa, tiếp tục lùi nữa là tới chỗ mấy cỗ quan tài và cũng là đường cùng. Con rắn mối đã tiến lại gần, vẫn tiếp tục nhả khói vàng, mặt Điếu bát đã xám xịt: Xong rồi! Xem ra hôm nay... không qua khỏi kiếp nạn này rồi! Tôi bịt lấy mũi vẫn đang không ngừng chảy máu, nói với Mặt dày: Vừa nãy ông mà nghe lời tôi thì bọn mình không đến nỗi chết ở đây. Mặt dày cãi lại: Cậu đâu phải là người ra lệnh, việc gì tôi phải nghe cậu? , rồi lại quay sang nói với Điếu bát: Đại ca thấy chưa, chết đến nơi rồi mà nó còn tranh giành quyền lực . Điếu bát nói: Hai người có ân oán gì thì đợi kiếp sau giải quyết được không?

Phía sau lưng tôi đã là cỗ quan tài, không còn chút đường lui nào, nhưng không cam tâm chịu chết, trong đầu bỗng vụt qua một ý nghĩ, tôi vội gọi hai người kia: Mau đẩy mấy cỗ quan tài kia ra! , Mặt dày nói: Đúng rồi, đẩy mấy cỗ quan tài này ra đè chết nó đi! rồi ba người chúng tôi vội đẩy những cỗ quan tài đó ra. Vì để ở đây đã nhiều năm, trần nhà lại dột, gỗ quan tài đã mục từ lâu, chúng tôi ai cũng cố hết sức để đẩy. Nhưng con rắn mối này rất nhanh nhẹn, tránh được cỗ quan tài đổ xuống, nháy mắt đã vòng sang phía chân tường, há miệng chực đớp Mặt dày. Bọn tôi vì đẩy quá mạnh nên đều bổ nhào ra trước cùng với cỗ quan tài. Con rắn mối bò nhanh như bay, đớp trượt vào không khí nhưng nó không quay đầu lại, xoay một vòng quanh cỗ quan tài chạy ra phía trước mặt chúng tôi, ngẩng đầu lên lại chuẩn bị nhả khói vàng. Tôi đành phải tiếp tục đẩy quan tài, có điều cỗ quan tài để đã lâu, mưa gió vùi dập nên gỗ đã mục, mới đẩy một cái chỉ nghe thấy tiếng kêu răng rắc rồi cả nắp quan tài bật ra gãy làm mấy khúc. Tôi cầm lấy một khúc nắp quan tài, chẳng kịp nghĩ ngợi gì ném thẳng vào mặt con rắn mối. Con rắn mối nhanh nhẹn tránh được chiếc nắp quan tài đang bay tới, rồi nó bất ngờ trèo lên cỗ quan tài, đứng đối diện với chúng tôi, miệng không ngừng phát ra tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc. Khoảng cách gần trong gang tấc, cho dù nó nhả khói vàng hay là cắn thì chúng tôi cũng không còn chỗ mà tránh.

Ai ngờ lúc con rắn mối trèo lên quan tài chuẩn bị nhả khói thì bỗng thét lên một tiếng dài kinh hãi rồi quay đầu bỏ chạy nhanh như một cơn gió, chớp mắt đã không nhìn thấy bóng dáng đâu nữa, đám khói vàng nó nhả ra cũng đã tan hết.

Ba người chúng tôi vẫn đứng đờ tại chỗ, miệng há to mãi vẫn không ngậm lại được, không hiểu vì sao con rắn mối đó lại đột ngột bỏ đi.

Tôi nghĩ chắc là khi nắp quan tài bị bật ra, con rắn mối nhìn thấy người chết trong quan tài, nên đã sợ quá mà bỏ chạy tháo thân. Nhưng trong quan tài là người chết đã nhiều năm, đâu có gì đáng sợ, tại sao lại khiến con rắn mối đã thành tinh kia hoảng hốt dường vậy. Nghĩ tới đó, tôi bất giác ngó vào cỗ quan tài.

7

Tôi nhớ lại, có đi xem hát ở Độc Thạch Khẩu, tích Trương thiên sư chém xà tinh , đó là loại rắn có bốn chân, đêm đến phát ra tiếng kêu như tiếng con gái để dụ chàng thư sinh trong ngôi miếu cổ vào trong núi rồi ăn thịt, đúng lúc Trương thiên sư đi ngang qua, thấy xà tinh đang ăn thịt người liền rút chiếc thước thần ra để trừ yêu. Con rắn tinh dài mười trượng, mỗi lần bị đánh một roi đều ngắn đi một thước, cho tới khi rút hết số năm mà nó đã tu luyện, sau đó bị Trương thiên sư hàng phục, nhốt trong chiếc hộp sắt bên ngoài có dán lá bùa rồi đem chôn xuống đất. Nhiều năm sau, một người nông dân cuốc phải trong lần đi làm đồng, rắn tinh lại thoát ra gây hại cho bách tính. Có thể hình thù các loại yêu quái trong truyền thuyết dân gian cũng bắt nguồn từ các loại động vật như rắn mối chúng tôi gặp phải ngày hôm nay, gọi nó là rắn tinh cũng không quá lời chút nào. Điếu bát và Mặt dày không nói gì, có thể họ cũng đang nghĩ như tôi, ba người cùng nhìn vào trong quan tài, lúc này mặt trăng lại bị mây đen che khuất, trong phòng tối thui, không nhìn được thi thể bên trong quan tài.

Bốn bề tĩnh mịch, đến tiếng tim của tôi và hai người kia đập thình thịch đều nghe rõ mồn một, trước mắt lại tối đen như mực, nhìn được gì đó có khi lại tốt hơn, càng không nhìn thấy lại càng nghĩ ngợi nhiều, trong lòng không yên chút nào, tôi càng sợ con rắn mối kia sẽ quay trở lại, hẫng một lúc mới mò ra được hộp diêm bật một que lên, tôi đi ra đóng cửa, thanh gỗ vừa rồi đã vứt ở bên ngoài, chúng tôi tìm một thanh khác cài cửa. Nghe nói loại rắn mối này chỉ xuất hiện vào ban đêm, sau khi trời sáng thì không cần phải sợ nữa. Lúc này, hai người kia cũng đã tìm thấy đèn pin, trong phòng sáng hẳn lên, mọi người đều cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Điếu bát nhìn thấy tôi và Mặt dày vẫn đang chảy máu cam, trong lòng sợ hãi: Nghe nói bọn rắn mối này hay giao phối trên mái nhà, nếu người nhà không biết đi ngang qua phía dưới bị tinh dịch của nó rơi trúng thì toàn thân sẽ tan chảy thành máu, người dân miền núi sợ rắn mối như sợ cọp. Bọn mình gặp phải con rắn mối này cũng quá kinh khủng, ngửi mùi hôi nó thở ra mà đã chảy máu mũi rồi, may mà nó đột ngột bỏ đi, nếu không thì... hậu quả khôn lường! Mặt dày nói: Hình như nó nhìn thấy xác chết trong quan tài sợ quá nên bỏ chạy. Điếu bát nói: Rắn mối có nhìn được đâu, làm sao mà thấy xác chết trong quan tài được? Chắc là khi bọn mình mở nắp quan tài, nó đã ngửi thấy tình hình không ổn nên đã bỏ chạy, trong quan tài có thứ gì mà khiến nó hoảng sợ như vậy? . Mặt dày nói: Rắn mối không nhìn được mà chỉ ngửi được thôi à? Điếu bát nói: Đương nhiên rồi, cậu không nhìn thấy trước mũi nó có hai cái lỗ à? Mặt dày nói lại: Nhưng nó cũng có mắt cơ mà, phải nhìn được mới đúng chứ?

Lúc tôi vẫn cùng Sách Ni Nhi đi đào vàng trong núi, từng nghe cô ấy kể rắn mối rất giống rắn, có thể thè lưỡi ra để nhận biết mùi vị trong không khí, cũng chẳng có gì phải suy luận cả. Tôi vừa lấy súng trong ba lô ra vừa nói với Điếu bát và Mặt dày: Giờ nắp quan tài đã bị bật ra rồi, nhân tiện xem bên trong có gì mà khiến cho con rắn mối đó sợ như vậy, chắc là có gì đó rất cổ quái. Mặt dày nói: Đúng! Không chừng có bảo vật, truyền thuyết xà tinh trộm bảo trong dân gian đã được nghe rồi, nhưng chỉ mới nghe chứ chưa được tận mắt thấy, hôm nay đúng là được mở mang tầm mắt... Lão ta nói tới đó, nhận thấy không làm sao để tiếp lời được nên đành im miệng, cầm lấy đèn pin đi trước tới chỗ cỗ quan tài.

Tôi cầm chắc lấy khẩu súng đã lên nòng, cũng tiến về phía trước. Điếu bát dù không dám tiến tới quá gần nhưng vẫn hiếu kỳ, nấp phía sau lưng chúng tôi thò đầu ra nhòm, còn không quên nhắc nhở chúng tôi: Khéo nhỏ máu vào trong quan tài đấy!

Tôi và Mặt dày bịt lấy mũi, ngửa cổ một lúc để cầm máu. Vừa nãy mất máu tương đối nhiều, giờ hơi choáng váng một chút. Thay bộ quần áo dính đầy máu, sau đó tôi cầm đèn pin mạnh dạn soi vào trong cỗ quan tài, bên trong là một xác chết có khuôn mặt màu xanh lét rất kỳ quái, dài gần gấp đôi mặt người bình thường. Tôi thấy đầu nổi da gà, tóc dựng đứng: Thi thể trong quan tài này có phải là người không?

8

Điếu bát và Mặt dày cũng lộ rõ vẻ sợ hãi, không ngờ mặt của xác chết trong quan tài lại có màu xanh, khuôn mặt không những dài mà diện mạo lại mờ mờ rất kỳ quái, nhìn thế nào cũng không giống người, nhưng xác chết vẫn có hai tay hai chân, toàn thân đen thùi lùi. Chúng tôi soi đèn nhìn một lúc lâu thì phát hiện ra người chết đeo một chiếc mặt nạ bằng vỏ cây, do để quá lâu nên chiếc mặt nạ đã dính vào với thi thể, không thể lấy ra được nữa.

Mặt dày hỏi: Mặc dù bộ dạng người chết trong quan tài trông rất khó coi, nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi, làm sao có thể khiến con rắn mối kia sợ bỏ chạy được?

Điếu bát nói: Không chừng ông cụ này có đạo hành!

Tôi nói: Người chết cũng như ngọn đèn đã tắt, còn đạo hành gì nữa. Theo tôi, con rắn mối đó sợ chiếc mặt nạ này.

Điếu bát nói: Trên mặt xác chết là mặt nạ à? Hình như là... vỏ cây khô.

Tôi giải thích: Dùng vỏ cây làm mặt nạ, bên trên gắn thạch hoàng, là loại hùng hoàng mà loài rắn sợ nhất.

Điếu bát giờ mới vỡ lẽ: Hóa ra là thạch hoàng, chúng ta lên núi trộm mộ cũng nên mang theo thứ này, có gặp phải rắn cũng không sợ nữa.

Chúng tôi nhận ra xác chết trong núi phần nhiều không phải chết rồi mới đưa vào quan tài, vì khi mở quan tài không thấy có mùi tử khí bốc ra, có thể là được đào từ trong mộ cũ trên núi. Nhưng người chết đeo mặt nạ vỏ cây này là ai? Tại sao lại để trong núi hoang ở Thảo Hài Lĩnh?

Tôi chợt nhớ ra, lúc ngồi trên tàu, Lư mặt rỗ có kể cho tôi nghe một chuyện. Trước giải phóng, năm đó trời hạn hán, động Hoàng Sào ở Thảo Hài Lĩnh đã cạn nước, những nơi trước đây không tới được thì giờ đều vào được, người dân phát hiện trong động có cương thi. Khi trong động còn nước thì chẳng ai tới đó, chắc là lúc lũ lụt, nước hồ Tiên Đôn dâng lên đã đẩy thi thể vào đây, không biết đã chìm trong nước bao nhiêu năm, người dân lo sợ đây là bạt nên không dám chôn xuống đất, cho hết vào quan tài để vài năm rồi mới đem đi chôn. Lúc đó, nghe Lư mặt rỗ kể tôi cũng không mấy chú ý, giờ nghĩ lại thấy ở đây có ba xác chết, cũng có thể là do người dân đào được trước giải phóng, do bị ngâm trong hồ nhiều năm nên vỏ cây mới biến thành màu xanh.

Nghe nói cương thi đeo mặt nạ vỏ cây này có rất nhiều dưới lòng hồ, có thể là người tùy táng trong lăng tẩm ở hồ Tiên Đôn. Chỉ cần nhìn độ dốc của núi, nhìn ngọn núi là biết được hầm mộ nông sâu thế nào, xung quanh địa cung của Tần lăng, Hán lăng đều có hố chôn tượng đất mang ngựa xe, binh lính, nhưng chôn nhiều người đeo mặt nạ vỏ cây như thế thì dưới vòm trời tuyệt chưa thấy bao giờ. Trước đây, mỗi lần đào mộ trong núi đều phải huy động lực lượng rất lớn, dùng trâu dùng ngựa để kéo từng khối đá to ra khỏi đường hầm, rồi dỡ bỏ nhiều tầng cửa mới tới được hầm mộ lấy bảo vật. Sau thời Dân quốc, lại thịnh hành dùng thuốc nổ, nhưng dẫu vậy với khối lượng công việc lớn như vậy chỉ dăm ba người không thể nào làm được. Cho dù có khả năng tìm được long mạch thì việc đào núi Hùng Nhĩ để vào được hầm mộ còn khó hơn lên trời. Tôi ý thức được ba chúng tôi đã nghĩ sự việc quá đơn giản, đúng là lực bất tòng tâm, khác nào rắn nuốt voi, nhưng một khi đã giương cung lên rồi thì không thể hạ xuống được nữa, chưa tới Hoàng Hà chưa nhụt chí, chỉ cần ngôi mộ đó không ở dưới nước thì chưa chắc đã không có cơ hội ra tay. Còn việc chủ nhân ngôi mộ dùng quan ngọc tượng vàng này là ai thì chúng tôi vẫn chưa có manh mối gì. Tôi đang định ngày mai khi tới động Hoàng Sào có khi lại tìm được thông tin gì đó. Đêm đó, tôi cùng với Mặt dày đóng lại nắp quan tài, ba người thấp thỏm ngồi trong quán trọ cho tới khi trời sáng.

Đêm đó, tôi nhẩm lại một lượt cuốn Âm dương bảo kíp về phương pháp đào mộ cổ và những kiến thức mà lão Nghĩa mù truyền lại. Khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi cạy mấy miếng thạch hoàng trên mặt nạ vỏ cây xuống mang theo bên mình để đuổi rắn, sau đó đào mấy cái huyệt sau núi chôn ba cỗ quan tài kia rồi lên đường. Theo hướng dẫn trong bản đồ, chúng tôi tìm ra một hang động trên Thảo Hài Lĩnh, cửa hang rất nhỏ hẹp, nhưng khi đi vào bên trong lại rất sâu.

Thảo Hài Lĩnh được đặt tên theo địa thế ở đây, dốc núi hiểm trở, có chắp thêm cánh cũng không bay được, trong núi lại có động Hoàng Sào xuyên suốt trong lòng núi thông ra tận hồ Tiên Đôn, mấy chục năm trước trong động vẫn có nước nên tạo thành kỳ quan các động thông nhau, trong động có động, trong động có núi, trong núi có sông , mặc dù thời đó có cách nói: Thượng hà thông thiên, hạ hà nhập địa[2] , nhưng vì nước quá sâu nên không ai vào được, từ xưa nơi này hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Giờ nơi đây đã thành động cạn, chứng tỏ mực nước ở hồ Tiên Đôn cũng không còn sâu nữa. Tôi đưa cho Mặt dày một khẩu súng săn phòng gặp thú dữ, ba người chuẩn bị xong xuôi thì đốt đuốc đi vào bên trong động. Đoạn đầu, trong hang chật hẹp, uốn khúc, đi lại rất khó khăn, trước mắt toàn là những nhũ đá hình thù kỳ quái. Theo truyền thuyết, năm xưa con cá thần biến thành ông lão cứu Hoàng Sào chính là ở trong động này, cuối cùng đã bị người ta quăng lưới đánh lên mổ bụng làm thịt, chết rất thê thảm. Trong động vọng lại những tiếng kêu như tiếng khóc, chẳng trách người dân còn gọi động này là động Ngư Khốc.

[2] Thượng hà thông thiên, hạ hà nhập địa : Nghĩa là thượng nguồn sông lên trời, hạ nguồn xuyên xuống đất.

9

Điếu bát giơ cao bó đuốc, vừa đi vừa lẩm bẩm: Động Hoàng Sào sâu như vậy, trong này có yêu ma quỷ quái, thần tiên thì cũng chẳng có gì là lạ.

Tôi nói: Trong dân gian truyền rằng trước đây có cá thần ở trong động thì đây là nơi ở của thần tiên, làm gì có quỷ quái.

Mặt dày nói: Cậu nói thế cũng không đúng. Thần tiên phải ở trên trời chứ, con cá biến thành ông lão cùng lắm cũng chỉ là yêu quái trên núi thôi.

Tôi nói: Ai bảo với ông cứ ở trong hang động thì đều là yêu ma quỷ quái. Các đạo sĩ đều tu luyện trong động phủ, rời khỏi sơn động sao còn gọi là động phủ được?

Điếu bát nói: Đúng là có cách lý giải như vậy. Chưa kể đến thứ khác, riêng Tử Tiêu cung, động phủ của Hồng Quân lão tổ, người đứng đầu trong các vị tiên, chính là ở khuỷu núi Tạ Gia vùng Đông Bắc. Hai năm trước, tôi tới đó thu mua đồ, đó là một ngọn núi đồ sộ ở vùng Liêu Ninh, Hồng Quân lão tổ đã tận dụng hang động trên núi làm cung điện. Sở dĩ Hồng Quân lão tổ chọn nơi đây làm động phủ là có nguyên nhân. Nghe nói, Hồng Quân lão tổ là con Khúc Thiện tu luyện đắc đạo, sinh ra và sống trong đất nên không thể rời hang động được, nếu xảy ra sự cố, trốn trong động mới có cơ hội thoát thân.

Mặt dày hỏi: Sinh ra trong đất và sống trong đất... lão ta là thứ gì thế?

Điếu bát nói: Nói trắng ra Hồng Quân lão tổ là một con giun đất, đã trải qua kiếp nạn khai thiên lập địa, sau đó đắc đạo.

Mặt dày nói: Nếu nói vậy thì Hồng Quân lão tổ là do con giun đất biến thành, chẳng phải là một lão quái tu luyện thành tinh sao?

Tôi nói: Thực ra tiên cũng là yêu quái, đắc đạo thành tiên hay thành tinh thì cũng chỉ là cách nói của con người thôi, chưa hiện nguyên hình thì là tiên, hiện nguyên hình rồi thì là yêu ma quỷ quái.

Điếu bát nói: Nói vậy cũng đúng! Thần tiên hay quỷ quái đều trong ý nghĩ của con người, nhưng động Hoàng Sào đã khô cạn nhiều năm, vậy mà sâu bên trong lại có tiếng u u, chẳng lẽ là bọn cá đang khóc thật sao?

Động Hoàng Sào còn có tên là động Ngư Khốc. Tương truyền, cá thần trong động bị người ta giết thịt nên thường nghe thấy tiếng con cháu của con cá thần đó khóc. Điếu bát nhớ lại chuyện tối qua, nên trong lòng vẫn thấy sợ hãi. Tôi và Mặt dày nghe ngóng thấy như tiếng gió, có gió không có gì là lạ. Đi tới đây thì không gian trở nên thoáng đạt rộng rãi hơn, tôi phát hiện trên đỉnh động có thứ gì đó phát ra tiếng động, giơ đuốc lên soi thì không nhìn thấy gì, trên đó quá cao, ánh sáng không soi tới nơi, chỉ một màu tối đen, tôi cố mở to mắt ra nhìn bỗng thấy phía trên đỉnh động đen ngòm có hàng loạt những đốm xanh lè, tiếng u u phát ra càng lúc càng mạnh hơn.

Ngẩn ra một lúc, chúng tôi mới nhìn thấy rõ quanh thành động cũng chi chít những đốm xanh lè, đó là hàng ngàn hàng vạn con dơi. Chúng tôi vội vàng ôm lấy đầu nằm rạp xuống. Lúc này đàn dơi bị kinh động, kêu ré lên nháo nhác bay ra ngoài, đuốc đều bị chúng tạt cho tắt hết. Dơi trong động Hoàng Sào đều màu trắng, to bằng lòng bàn tay, số lượng nhiều không kể xiết, chúng tôi nhắm mắt ôm đầu nằm im, một lúc sau, lũ dơi mới bay hết ra ngoài. Tôi và Mặt dày lôi Điếu bát dậy, thắp đuốc lên, trong này là một hang động mọc đầy măng đá, cứ như đứng giữa một rừng măng, trong lòng động có nước, sâu khoảng một thước, nước trong nhìn thấu đáy, rất nhiều con cá mình trong suốt đang bơi lội.

Tôi nghĩ truyền thuyết cá khóc trong động chắc là bắt nguồn từ tiếng kêu của lũ dơi, may mà bọn này không tấn công người.

Mặt dày nói: Mấy ngày trên núi, mồm miệng nhạt quá rồi, hay là bắt vài con cá ăn tạm, còn tiết kiệm được lương khô nữa.

Điếu bát nói: Dân trong vùng còn không dám ăn cá ở đây, vì dưới hồ có cương thi, bọn cá này đều ăn thịt người đấy.

Mặt dày nói: Toàn mấy lời đồn mê tín của dân bản địa, có bao nhiêu cương thi cho bọn cá này ăn bao nhiêu năm như vậy chứ.

Tôi nói: Bọn cá dưới hồ Tiên Đôn có ăn xác người chết hay không thì không biết, nhưng bọn cá trong động này rõ ràng là không được tiếp xúc với ánh mặt trời, nếu không đã không trở nên trong suốt thế kia, chỗ này lại chẳng có thứ gì khác mà ăn, chắc là chỉ ăn xác chết và phân dơi thôi. Ông mà muốn ăn cá thì cứ xơi tự nhiên, bọn tôi chẳng dám hưởng phúc đó đâu.

Mặt dày nghe đã thấy buồn nôn, ngay lập tức từ bỏ ý định ăn cá, lại lý luận: Hai người đừng tưởng thật, tôi cũng chỉ nói thế thôi, tiết kiệm là đương nhiên nhưng không nhất thiết phải mạo hiểm tính mạng.

Động Hoàng Sào là một dòng sông chảy ngầm trong lòng đất thông ra tới hồ, dài mấy cây số, nối thông với rất nhiều lòng động to nhỏ khác nhau, trong đó vài nơi vẫn còn nước, nhiều lúc tới những vị trí tương đối cao còn nhìn thấy những bức họa vẽ hình thiên cẩu ăn mặt trăng, nội dung không còn nguyên vẹn, hình thù kỳ dị, thậm chí còn có phần khủng khiếp chúng tôi, đứng trong lòng động hàng vạn năm, âm u lạnh lẽo này mà không dám tiến lên.


/20

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status