Mê Thần Ký

Chương 11

/24


Về chiều, không gian trong Thệ Thủy trà hiên thật yên ả.

Đây là một nơi cổ quái, giá vảo cửa rất đắt. Người phục vụ là các thiếu nữ mười sáu mặc đồng phục, mang theo những ấm trà màu đồng cổ, để chân trần, đi êm không phát ra tiếng động trên lớp thảm màu biếc xanh.

Ở nơi đây, anh không cần phải gọi người ta châm trà, những thiếu nữ phục vụ đó luôn luôn nhận ra trà trong chén còn lại bao nhiêu trước anh.

Cao Thính Tuyền ngồi sau một tấm bình phong ở mé tây, trước mặt đặt một cây cổ cầm mà nước sơn đã mòn hết nhưng bóng như ngọc đen.

Hắn mặc một chiếc áo bào xanh nửa mới nửa cũ, chân xỏ hài mây, trông dáng vẻ vừa đen vừa gầy, không hề khiến người khác chú ý tới. Hắn không phải khách quen ở đây nhưng không rõ vì sao, ba ngày liền ngày nào cũng tới, mỗi ngày đều đúng giờ Thìn thì tới, đến tối mới đi, uống hết sáu tách trà chanh, ăn một đĩa bánh hoa quả cho bữa trưa.

“Sao rồi? Vẫn chưa quyết định?”, Điền tam gia chắp tay sau lưng, nhàn tản dạo bước tới cười nói. Ông ta là chủ của Thệ Thủy trà hiên, cũng là người kinh doanh có tiếng ở đất này, bán nhà, bán đất, bán đồ cổ, bán đồ dùng… cái gì cũng bán. Người lai vãng đến trà hiên đều là khách quý, chỉ cần có hàng trong tay, thông báo một tiếng, ông ta thường rất nhanh chóng tìm được người mua.

“Cầm kỹ của công tử siêu phàm, sao không tự mình tấu một khúc để làm rõ thật giả? Để bọn tục nhân chúng tôi cũng nhân tiện được sướng lỗ tai một phen?”, thấy Cao Thính Tuyền mấy ngày liền không đáp lời, cũng không ra giá, hắn không khỏi có chút cuống lên, đành phải thúc giục một chút.

“Đã có cái thú với đàn, cần gì phải động dây thành âm?”, Cao Thính Tuyền nhấp một ngụm trà, thong dong nói.

“Một nghìn năm trăm lượng, đây là giá chốt. Nếu không phải tri phủ đại nhân có chút chuyện, cần tiền lấp mấy chỗ thiếu thì cũng không đành bán.”

“Nếu đúng là hàng thật, thế đương nhiên không đắt”, Cao Thính Tuyền nói: “Điền tam gia không thể không biết, tôi cũng chỉ là một kẻ nghèo khó dựa vào chút tài hèn đi kiếm tiền”.

Điền tam gia nghe thế trong lòng cực kỳ hối hận, thật không biết mình ăn lộn thứ thuốc gì nữa. Vốn cho rằng trong trà hiên kẻ phú quý không ít, người tao nhã lại càng nhiều, làm sao biết ôm đàn đi hỏi một vòng, chẳng có ai đáp tiếng. Sau rồi cũng có người đồng ý giới thiệu một người thiện về đàn tới xem hàng, người đó mặt mày âm trầm, vào cửa rồi chỉ ngồi đơ ra đó, không nói nhiều một câu, hỏi hai câu hắn lại kêu nghèo. Mà cái tin tức này cũng theo đó dần truyền ra, đã có hai vị khách mua hào phóng ở phía sau, đợi kiếm hàng bàn giá, xem ra vẫn còn đất để đưa giá. Cho nên Điền tam gia đã quyết chủ ý, một nghìn năm trăm lượng là một nghìn năm trăm lượng, một phần tiền cũng không nhường.

“Công tử hẳn đã xem giấy giám định của Tôn lão gia ở Thanh Hoan các. Đã qua pháp nhãn của lão gia, lẽ nào còn có thể là giả? Huống chi đàn này vốn là từ Thanh Hoan các bán ra, lúc ấy giá chào là bốn nghìn lượng, có hai vị tranh nhau mua, cuối cùng sáu nghìn bốn trăm lượng thành giao.”

Cao Thính Tuyền không mảy may lay động, mắt trợn lên, cứ như người đang đứng trước mặt mình là một gã lừa đảo chính hiệu: “Làm sao tôi biết đây là cây đàn ấy?”.

“Hay là công tử còn muốn đưa đi giám định một lần nữa? Tôn lão gia cũng không phải là không có thời gian, chỉ có điều tiền giám định của ông ấy đắt khiếp người, mỗi lần một trăm lượng. Công tử hẳn biết, năm nay cho dù có mời danh y tới đỡ cho một đứa trẻ sinh khoẻ mạnh lễ tạ chẳng qua cũng chỉ có mười lượng bạc thôi.”

“Trừ Tôn lão gia, các tiệm khác cũng có giám sư. Tiệm đồ cổ Vinh Ký hôm nay treo bảng cũng có hai vị mới, tôi tuỳ tiện mời một vị tới xem rồi”, Cao Thính Tuyền nói.

Điền tam gia nghe thế, tức giận khôn nguôi, gần như quát vào mặt người này: “Đồ cổ Vinh Ký, cái thứ cửa tiệm hạng bét ấy, công tử cũng đi?”.

Cao Thính Tuyền im lặng.

Nguyên nhân hắn tới đố chỉ vì chỗ ấy giá giám định rẻ, người mới lại càng rẻ.

Cảm thấy thái độ của mình có chút nôn nóng, làm mất giá cây cổ cầm trăm năm này, ừ thì cũng không sao nhưng làm mất khí độ của Điền tam gia thì nhất quyết không được: “Ừm… đương nhiên… đàn quý nhường ấy, thêm mấy người xem cũng chẳng có gì hại”, ông ta vừa giả bộ cười cười vừa qua quýt lấy lệ: “Có điều, chỉ sợ phải xin công tử nhanh nhanh quyết định. Người đợi xem hàng đằng sau còn có mấy vị nữa đấy”.

“Tam gia yên tâm, bất luận là mua hay không, hôm nay nhất định sẽ cho ông một câu trả lời.”

Vừa dứt lời thì thấy thị nữ dẫn một người thong thả đi tới chỗ bọn họ. Người này toàn thân ẩn trong lớp áo choàng to đùng, khó phân biệt được là nam hay nữ. Đến trước mặt họ, kéo mũ trùm xuống mới lộ ra một khuôn mặt thanh tú xinh đẹp, mày ngài khẽ đưa, mắt như nước mùa thu, bên trong mặc bộ áo mỏng màu trắng, thì ra là một người con gái.

Cao Thính Tuyền nhìn cô gái đánh giá, mày nhíu lại.

“Vị này là Cao công tử”, thị nữ chỉ hắn, nhẹ giọng nói: “Người cô nương muốn gặp là vị công tử này phải không?”.

“Tôi nghĩ chắc là đúng rồi”, cô gái cười nhẹ, chỉnh trang y phục thi lễ: “Tôi họ Tô, tên có hai chữ là Phong Nghi, giám sư của tiệm đồ cổ Vinh Ký. Là Vinh lão bản kêu tôi tới đây”.

“Vị này là Điền tam gia”, thị nữ lại nói.

“Điền tam gia cũng là bằng hữu của Vinh lão bản”, cô gái khẽ cười thi lễ.

Điền tam gia phải tốn rất nhiều sức lực mới khiến bản thân không bật cười ra tiếng. Làm cái nghề buôn đồ cổ, từ trước tới giờ chưa từng nghe có phụ nữ làm giám sư. Có là Lý Thanh Chiếu năm xưa viết Kim Thạch hậu lục cũng hẳng qua là viết chơi cho vui mà thôi. Với lại cô gái này không cài trâm đeo vòng, trên người không có đồ lạ, kể cả quần áo cũng chỉ là hàng phổ thông – người trong nghề ra mặt mà tới cả cái dáng cho ra hồn cũng không có – hèn gì không khiến người khác buồn cười.

“Công tử muốn tôi giám định, chính là cái đàn này?”, Tô Phong Nghi chỉ vật nằm trên bàn nói tiếp.

Hai người kia đồng thời gật đầu.

“Giá giám định của tôi là ba mươi lượng, trả trước giám định sau. Bạc trắng, ngân phiếu đều được. Bạc trước tốt nhất là ba đĩnh bạc mười lượng, ngân phiếu chỉ lấy của ba hiệu Đại Thông, Hợp Thuận, Bảo Xương, nơi khác đều không dùng”, cô gái báo giá cực kỳ lão luyện.

Cao Thính Tuyền mặt mũi nặng trịch giao ngân phiếu ba mươi lượng ra. Điền tam gia chỉ đứng một bên cười khẩy.

“Đa tạ”, Tô Phong Nghi đếm xong ngân phiếu, cất vào túi, rồi nói tiếp: “Đây là vụ làm ăn một đổi một của Cao công tử với đồ cổ Vinh Ký, không phải Điền tam gia cũng có hứng thú nghe chứ?”.

Điền tam gia vuốt chòm râu nói: “Quy củ của Tô cô nương quả nhiên rất nhiều. Có điều, đúng là tôi muốn nghe xem cây đàn này được phán ra làm sao”.

“Một lần nghe cũng là ba mươi lượng”, trong mắt cô gái ngập ý cười, nói tới tiền liền một xu không bớt, không hề khách khí.

Điền tam gia không biết làm sao đành thấp giọng sai, một thị nữ nhanh nhẹn tới phòng sổ sách lấy ngân phiếu đem lại.

Thu tiền ổn thoả, Tô Phong Nghi lấy trong người ra một đôi găng tay tơ tằm mỏng như cánh xe, thong thả đeo vào rồi hỏi: “Có thể thắp thêm hai cây nến trên bàn được chăng?”.

“Đương nhiên.”

Nàng quan sát cây đàn một lúc, xem mặt trước mặt sau. Sau đó cởi găng tay, cẩn thận rửa sạch tay, tỉ mỉ sờ hai cạnh của cây đàn mấy lượt, rồi “tinh” một tiếng, nàng gẩy dây đàn.

Khách trong trà hiên đều là người tao nhã, nói chuyện rất khẽ khàng. Không để ý kỹ thì còn cho rằng mấy nhóm người túm năm tụm ba này đang tụ lại thương lượng âm mưu gì đó. Cây cổ cầm bỗng dưng cất tiếng, âm thanh vang vọng trong trẻo, ở cái nơi phòng trà tĩnh lặng này thật chẳng khác gì bất chợt có tiếng sấm đánh, khiến mọi người phẫn nộ, ánh mắt đổ hết sang. Điền tam gia vội vàng chắp tay vái vái, cười xoà một tiếng.

Trầm ngâm hồi lâu, Tô Phong Nghi ngẩng đầu lên, nhìn Cao Thính Tuyền hỏi: “Cây đàn này ra giá bao nhiêu?”.

“Một nghìn năm trăm lượng.”

“Trong đó hẳn chí ít có hai phần là tiền hoa hồng của Điền tam gia, đúng chăng? Vậy giá thực đại khái là một nghìn hai trăm lượng.”

Cao Thính Tuyền nói: “Nói tiếp đi”.

“Đây là đàn giả, không đáng ngần ấy tiền. Theo tôi thấy, hai trăm ba chục lượng là đủ rồi.”

Điền tam gia giận tím mặt, thét lên: “Nói xằng nói bậy!”.

Cao Thính Tuyền trong lòng hơi chấn động, nhưng mặt vẫn không đổi sắc: “Sao cô lại thấy thế?”.

“Cổ cầm lấy vân đoạn[1] làm bằng chứng, chưa đủ năm trăm năm thì không có vân đoạn. Tuổi càng nhiều vân đoạn càng lắm. Vân đoạn có mấy bậc, như hoa mai là hạng nhất, hình lông trâu xếp sau, vân bụng rắn là hạ phẩm. Vân đoạn mai hoa cực cổ, không dư ngàn năm thì không thể có. Hai thứ sau lại dễ làm giả. Một cách là lấy lửa hơ nóng, sau lại ngâm trong tuyết, gỗ theo đó mà có vết nứt, dạng như hoa văn bụng rắn; một cách khác là lấy lòng trắng trứng hoà với tro thoa lên rồi lấy chõ đem chưng, xong treo ra hong gió cho khô, cũng có thể tạo ra một chút đoạn. Làm giả dễ nhất chính là loại vân đoạn lông trâu, chỉ cần dùng dao nhỏ hoặc ngân châm vạch lên, rồi lại dùng sơn bóng mài lên lập tức sẽ thật giả khó phân. Cao thủ nổi tiếng trong nghề làm đàn giả tổng cộng có sáu vị, cây đàn này chắc hẳn phải là từ họ Thư ở Hàng Châu thuở trước. Lão thái của Thư gia năm nay thọ đã bảy mươi, vốn là hoa khôi bến Tần Hoài, tinh thông cầm nghệ. Vân đoạn lông trâu bà làm ra chuyên dùng tóc của nữ đồng năm tuổi đánh bóng, lại dùng sáp nến chêm vào cho nên rất khó phân biệt. Dùng tay sờ đi sờ lại thật kỹ mới có thể nhận ra vết nứt. Nếu là hàng thật, phải là nhìn thì có vân nhưng sờ thì không thấy vết, kín kẽ không rạn, cũng không lan rộng. Nay trên thị trường, khi xem cổ cầm thì coi đàn do ba nhà Lôi, Trương, Triệu chế tác những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo[2]thời Đường là quý giá nhất. Mắt đàn phỏng kiểu Long Trì Phượng Chiểu này chính là phép của danh sư Lôi Tiêu. Trong bụng đàn lại có lạc khoản ‘Khai Nguyên Quý Sửu tam niên chước’, quả thật to gan nhưng tinh tế, không chút sơ sẩy”, nói liền một mạch, đôi mắt nàng chuyển một cái: “Có điều, cây đàn này trên là gỗ đồng dưới là gỗ thị, dùng là dùng dương tài[3] thượng hạng, tấu lên sớm đục tối trong, nắng đục mưa trong. Âm của nó du dương trong sáng, trong cái thuần đạm có tiếng đá vàng, vẫn không uổng là một cây đàn tốt… Cho dù không đeo lên cái danh cổ cầm thì giá cũng vẫn ở mức hai trăm lượng trở lên”.

[1] Tức đoạn văn: Chỉ các vết nứt trên bề mặt đàn cổ do nhiều năm phong hoá và những chấn rung khi diễn tấu hình thành nên. Văn ở đây là hoa văn.

[2] Niên hiệu thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ của Trung Quốc.

[3] Cách cổ yếu luận có viết: “Cổ cầm có âm, dương tài. Cây đồng hướng mặt về mặt trời là dương, quay lưng lại mặt trời là âm… Đàn làm bằng dương tài thì sớm tiếng đục tối tiếng trong, nắng tiếng đục, mưa tiếng trong; làm bằng âm tài thì sớm trong tối đục, nắng trong mưa đục, cái này có thể kiểm nghiệm được” (Tài ở đây tức chỉ vật liệu).

Một phen diễn thuyết này khiến người trước mặt á khẩu câm tiếng. Ngớ ra hồi lâu, Điền tam gia cười ha ha, nói: “Cô nương cao mình, Điền tam bội phục lắm. Nhưng mà cây đàn này đã kinh qua kim nhãn của Tôn lão gia ở Thanh Hoan các, thư giám định cũng là do ông ấy đưa ra. Với địa vị và danh tiếng của lão gia tử trong nghề này, chắc không dễ gì nhìn nhầm chứ?”.

Tô Phong Nghi cười nhạt, không lấy thế là phải: “Nhà giám định xẩy tay cũng là chuyện bình thường. Tôn lão gia tuy xem nhiều biết rộng, đáng tiếc lại là nam nhân, tuổi tác cũng cao rồi, cảm giác ở tay không khỏi kém đi. Vân đoạn lông trâu mô phỏng tinh vi nhường này, chỉ có làn da mềm mại của đàn bà con gái mới có thể sờ ra. Cho nên Thư gia trong nghề đồ cổ nhiều đời lấy việc chế đàn làm nghiệp, chỉ là một đám thợ mộc mà thôi, sao có thể thoắt cái biến thành cự phú?”.

Điền tam gia nghe thế tức đến nỗi trong đầu bốc lửa, muốn cãi nhưng lại không tìm ra lời mà cãi, chỉ hận không thể một quyền đấm ngã nữ nhân có cái miệng quạ đen này. Kế đó đôi mày nháy một cái, hừ lạnh một tiếng, quay mặt sang hỏi: “Công tử, người nghe lời cô ta hay là tin lời Tôn lão gia vậy?”.

Cao Thính Tuyền thong thả nhấp một ngụm trà, nhai lá trà trong miệng, “phi” một tiếng nhổ trở lại chén rồi lãnh đạm nói: “Rất xin lỗi, cây đàn này tôi không lấy nữa”.

“Cuộc nói chuyện vừa rồi xin hai vị kín miệng hộ cho, đằng sau vẫn còn mấy vị khách hàng muốn xem. Hai vị thong thả, tôi xin cáo từ trước”, Điền tam một mặt đặt cây đàn vào hộp, mặt khác thấp giọng sai người hầu: “Chuẩn bị ngựa, đi Thanh Hoan các”.

Thoắt cái, trà hiên lại trở về với vẻ yên tĩnh như cũ. Tô Phong Nghi cười nói: “Hình như Điền lão bản thẹn quá hoá giận rồi”.

“Có lẽ thế.”

Nàng đột nhiên rút từ ngân phiếu nọ đặt lên trên bàn: “Phải rồi, ngân phiếu của công tử, xin nhận lại”.

Cao Thính Tuyền sững ra, không đón lấy: “Đấy là tiền của cô nương”.

“Lần này miễn phí, cảm ơn công tử tin tôi”, nàng thản nhiên rời đi.

Lúc Tô Phong Nghi sải bước đi ra cửa, nàng không hề biết hành động của bản thân đã cứu được mấy mạng người.

… Cao Thính Tuyền vốn tên là Cao Việt, ngoại hiệu “Lục nhàn đao”, là đao thủ nổi tiếng một dải Xuyên Thục. Người này cả ngày say đắm trong rượu ngon đàn hát, chưa đến mức trong vò không gạo, dưới bếp hết muối thì sẽ không đi kiếm tiền. Chỉ cần trong túi còn mấy lượng bạc, cho dù anh có đem vạn lượng ra mời, hắn cũng không động đậy. Nhưng đến khi cùng quẫn rồi thì hắn lại chẳng hề kén cá chọn canh, thường chỉ cần mấy trăm lượng bạc là hắn sẽ đi giết người. Cho nên vừa rồi nếu hắn mua cây cổ cầm ấy về thì sẽ lập tức tiêu hết tất tần tật tích luỹ. Chẳng được mấy ngày hắn sẽ xách đao ra khỏi cửa đi kiếm tiền tiêu nửa năm còn lại.



“Tuý luý mà nghe đàn, sao bằng so đao dưới mưa? Đao của ta như giai nhân đôi tám bẽn lẽn phòng khuê, lấy việc được lọt vào mắt xanh của các hạ làm vinh hạnh. Mười bảy tháng Tư, giờ Thân nhị khắc, đợi hầu ngài ở Tùng Phong cốc, Đường Hành.”

Bức thư viết trên giấy Quỳ hoa dát vàng toả mùi hương nhè nhẹ, cả ngày không tan.

Chữ viết trên đó là lối hành khải nhẹ nhàng uyển chuyển tựa như dương liễu phất phơ bên đình, tay áo nhẹ rung; lại như hoa rơi tuyết rụng, theo gió bay lượn.

Bức thư ngắn này là do một tiểu nhị hôm trước đưa tới, Cao Việt không hề quen biết người viết thư. Cho nên hắn chỉ đành tới Thệ Thủy trà hiên mua một tập Giang hồ đao phố lục bản mới nhất. Lật trang đầu tiên thì thấy tên của chính mình:

“Thứ mười, Cao Việt, người Gia Định, còn gọi là ‘Lục nhàn đao’. Đao của người này dài hai thước chín tấc, hẹp mà cong, giống kiếm của Đông Doanh, không biết xuất xứ. Tuổi tác: không rõ; sư môn: không rõ.”

Lật liền hai trang tiếp theo, cuối cùng cũng tìm thấy tin tức hắn muốn biết:

“Thứ hai mươi tám, Đường Hành, xuất thân Đường môn đất Thục. Dùng ‘Khinh Vân Lạc Nhạn đao’, là tác phẩm do kiếm sư đất Đông Ngô xưa Lỗ Tam Quan chế tạo, kiểu dáng xem hình vẽ kèm. Tuổi tác: mười chín. Phụ thân: Đường Tiềm; tổ phụ: Đường Ẩn Tung, đã qua đời; tổ mẫu: Hà Tiềm Đao, đã qua đời. Công phu học từ phụ thân. Chuyện khác về phụ thân cho tới tổ phụ, tổ mẫu, xem Giang hồ kiến văn saocủa Phần Trai tiên sinh.

Mấy cái danh tự vang dội đằng sau Đường Hành lọt vào tai Cao Việt cũng chỉ bình bình thế thôi. Trước giờ đối với mấy thứ màu mè của giang hồ này, hắn đều không cảm thấy hứng thú. Có điều, nước có phép nước nhà có luật nhà, người tại giang hồ chính là không ngừng nhận được sự khiêu chiến của lớp người mới, tuỳ tiện cự tuyệt sẽ bị xem là kẻ hèn nhát. Huống chi thu nhập của Cao Việt lại hoàn toàn trông vào thứ hạng của hắn trong đao phổ, nếu trong một năm mà tỷ đấu ít hơn ba lần thì thứ hạng sẽ nhanh chóng tụt xuống. Năm kia hắn kiếm được một khoản lớn, dẫn đến việc năm rồi bệnh lười phát tác, ít khi động tới đao, thứ hạng liền rơi ngay lập tức từ thứ năm xuống thứ mười. Nếu còn tụt thêm một bậc nữa, tên của hắn sẽ xuất hiện ở trang thứ hai mất rồi.

Hắn vẫn khá thích danh tự của mình tiếp tục được bảo lưu ở trang đầu, dù có là ở vị trí sau chót.

Cho nên đầu giờ Thân, hắn ở trong nhà không còn hứng thú, tịch tịch tinh tinh đàn một khúc Ly biệt tháo, khiến cho nhị tẩu sống kế bên đứng cách vách chửi bới tơi bời rát cả mặt một trận, rồi xách đao ra khỏi cửa cưỡi ngựa phi một mạch ba trăm dặm tới nơi đồng hoang.

Trời bỗng đổ cơn mưa nhẹ.

Trong mưa, cảnh sắc núi non mông lung, khói mây nồng cuộn, cây dại khắp chốn, cỏ mọc um tùm.

Lần đầu tiên Cao Việt nhìn thấy Đường Hành, hắn đang ngồi trên lưng ngựa. Cao Việt cảm thấy bộ dạng hắn giống như con vẹt sặc sỡ… Cái cảm giác này nhiều năm về sau vẫn y nguyên như thế.

Người ngồi trên ngựa dáng người cao to khôi vĩ, mày rậm mắt sắc, mũ cao giày ống, áo khoác màu đỏ nhạt, gió thổi phần phật, lộ ra trường bào nền trắng có hình hoa điểu, màu sắc sặc sỡ tươi sáng.

Nhìn thấy có người tới, Đường Hành thung dung xuống ngựa, hỏi: “Cao Việt?”.

“Chính ta”, Cao Việt cẩn thận gật đầu: “Đường Hành?”.

“Không sai”, hắn cười, ánh mắt thâm trầm mà chăm chú, một chút lo lắng như có như không thoảng qua: “Ta tới từ lâu lắm rồi, phát hiện chỗ này khắp nơi đều là dâu tây. Ta hái được một túi lớn, người ăn không?”.

Giọng của hắn thư thái mềm mỏng, khiến người ta nghe mà say sưa.

“Không ăn”, Cao Việt hờ hững đáp một câu, rồi mới nhận ra – có lẽ là vì ăn quá nhiều dâu tây – đôi môi người trước mặt đỏ mọng, cứ như thoa một lớp son môi. Tiếp đến hắn kỳ dị phát hiện ra lông mày của gã này không phải là tự dưng lởm chởm như đám cỏ mà là do được cắt tỉa kỹ càng. Lúc nói chuyện Đường Hành đứng thẳng tắp, tỏ ra thung dung chừng mực nhưng hai tay từ đầu đến cuối vẫn luôn đeo một đôi găng da mềm mỏng màu đen, đại khái là ưa sạch sẽ.

“Được rồi”, Đường Hành bỏ một quả dâu vào miệng, từ từ nhai mấy cái sau đó “phụt” một tiếng nhổ thủng một phiến lá trên cây dâu.

Cho rằng đấy là ám khí của Đường môn, Cao Việt cảnh giác nhích sang một bên nhanh như chớp.

“Yên tâm, lúc chính thức tỷ thí trước giờ ta đều không dùng ám khí”, hắn cười nhạo báng một tiếng, nhấc cái chân dài của mình đặt lên bàn đạp yên ngựa, bắt đầu buộc dây giày cẩn thận.

Lúc ấy, Đường Hành quay lưng về phía Cao Việt, phải trái trước sau đều lộ ra sơ hở rất lớn, Cao Việt chỉ cần đưa nhẹ một đao là có thể xuyên thủng tim hắn, hoặc là cắt cái đầu hắn xuống.

Đấy đương nhiên là chuyện mất sạch thanh danh, Cao Việt tuyệt đối sẽ không làm.

Đường Hành buộc xong giày chân trái, lại buộc sang giày chân phải, cuối cùng cũng đứng thẳng người, nói: “Ở đây luôn nhé, được không?”.

“Được”, Cao Việt đã đợi tới có chút bực bội rồi.

“Phải rồi, nếu ta không may bại trận, liệu có thể phiền ngươi mang xác ta về Đường môn không?”, hắn đột nhiên hỏi.

Cao Việt chỉ chỉ một cái rãnh tích đầy nước mưa cách đó không xa, nói: “Trước giờ ta không làm chuyện ấy… Nhiều nhất là đem ngươi quăng xuống cái rãnh ấy thôi”.

Đường Hành đi tới nhìn hắn lắc mạnh đầu: “Nếu quả thực ngươi định làm thế, lại phiền ngươi lột hết y phục của ta ra trước”.

“Vì sao?”

“Bộ y phục này là do thợ nổi tiếng làm ra. Để may đúng theo đồ hình ta muốn, thợ may đã phải bận bịu suốt một năm… Ta không hy vọng bộ y phục quý giá nhường này phải lặn ngụp trong cái rãnh vừa bẩn vừa thối ấy.”

“Rất xin lỗi, xưa nay ta không lột y phục của người chết. Nếu người thật sự không nỡ, vậy tốt nhất là bây giờ cởi luôn đi.”

Đường Hành gật đầu, nói: “Ta rõ rồi”.

“Ngươi rõ rồi?”

“Ta không thể chết dưới tay ngươi.”

Khi Đường Hành nói hết những câu vớ vẩn nhảm nhí ấy xong, sự khinh bỉ của Cao Việt đối với cái gã áo quần chăm chút này đã lên tới cực điểm. Hắn chỉ muốn nhanh chóng rút đao, chém gã chết dưới ngựa, cho hắn trước khi nhắm mắt còn thấy được máu tươi của mình nhuốm đầy bộ y phục màu mè ấy.

“Ùng” một tiếng sấm rung, ánh chớp loé cùng ánh đao, tiếng sấm át đi tiếng đao chém.

Hai bóng người chập chờn trong mưa, nước mưa vốn lất phất rơi, lại bị đao khua qua khua lại khiến chúng rơi nhanh hơn gần như biến thành mưa rào. Cao Việt chỉ thấy đao của Đường Hành như hình với bóng bám theo mình, giống như một con bươm bướm cứ dập dờn trước ngực hắn, thêm chút nữa là sẽ xả xuống đầu hắn. Hắn miễn cưỡng tiếp được mười chiêu đã cảm thấy đuối sức hết bài, đành phải liên tục lùi tránh công kích như chớp giật của Đường Hành. Đến chiêu ba mươi lăm, Cao Việt ngỡ mình đã tìm thấy một kẽ hở, nhắm chuẩn cổ họng Đường Hành một đao lia tới!

Lúc ấy, hắn đã bị ép tới rìa rãnh nước nọ, cảm thấy có trượt đường trơn, bốn phía đều là bùn lầy.

Nhưng nhát đao kia chỉ sượt qua cổ Đường Hành, chẳng lưu lại được dấu vết gì, tay của chính hắn thì lại bị chấn động mạnh, cảm thấy có một luồng kình lực như dời núi lấp biển xô tới, tay trái của Đường Hành đã một chưởng vỗ ra, đánh trúng ngực hắn.

“Keng” một tiếng, đao của Cao Việt vuột tay bay tung lên, người đổ xuống, rơi vào cái rãnh nước sâu ngang eo.

Trong lúc luống cuống, hắn uống phải mấy ngụm nước bùn, chỉ cảm thấy khí huyết nhộn nhạo, toàn thân mềm nhũn, không làm sao đứng dậy được. Lụp ngụp trong nước mất một lúc mới tóm được túm cỏ bên rìa rãnh, ngoi đầu lên khỏi rãnh nước, vừa lúc thấy Đường Hành gập người ngồi ở bên, lạnh lẽo nhìn mình.

Mưa giăng khắp trời. Hắn bất giác nhắm mắt lại đợi đao cuối cùng.

Đợi một lúc, hắn cảm thấy có cánh tay túm lấy tay mình, dùng sức kéo hắn ra khỏi rãnh nước.

Cao Việt mở mắt, nghi hoặc nhìn Đường Hành, ánh mắt lại chuyển sang bàn tay đối phương.

Đường Hành đã cởi găng tay, mười đầu ngón tay thon dài đều được thoa sơn đỏ.

Hất bàn tay ấy ra như bị điện giật, hắn quay đầu lại, nôn mửa xuống cái rãnh nọ, sau đó khàn giọng hỏi: “Sao ngươi không giết ta?”.

Đường Hành yên lặng đợi hắn nôn xong, đứng thẳng dậy, từ tốn chỉnh trang y phục cho ngay ngắn, nhạt giọng nói: “Đuổi tận giết tuyệt là trò nam nhân thích làm, ta không thèm làm thế”.

Tiếng ngựa hý xa dần, khi hắn mở mắt ra lần nữa, nơi này chỉ còn lại độc mình hắn.

Hắn đột nhiên nghĩ, tên ở trang thứ hai so với không có tên nữa thì còn tốt chán.


/24

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status