Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 6: Quyền Thần

/100


Lý Hạo quét mắt nhìn hồi lâu, thấy quần thần phía dưới vẫn im phăng phắc, không ai mảy may động đậy. Lý Hạo ngầm tức giận, chẳng lẽ mấy tên ôn thần đồng loạt cấm khẩu, cố ý muốn làm xấu mặt mình.

Lát sau, một người có vóc dáng thấp bé đứng ra khỏi hàng, người đó là bộ thị lang Đào Thưởng đứng ra lên tiếng: “Vi thần xin có ý kiến.”

Lý Hạo lộ ra vẻ mặt ngây ngô, ngoác miệng nói: “Chuẩn tấu.”

Bộ thị lang bộ hộ Đào Thưởng chắp hai tay cung kính, mà rằng: “Theo ý kiến của hạ thần, đầu tiên triều đình sẽ trợ giúp từng lộ một, giải quyết đến lộ nào, thì dứt điểm lộ ấy, mới có thể tiếp tục trợ giúp tới lộ khác. Theo như vi thần thấy, lộ Diễn Châu gần kinh thành hơn cả và hứng chịu hậu quả của thiên tai nặng nề nhất, ta nên chú trọng đầu tiên vào lộ này, rồi sau đó mới đến các lộ tiếp theo.”

Ngự sử đại phu Lý An Khang, nghe bộ thị lang hộ hộ Đào Thưởng nói như thế, có điều phật ý, liền xin phép Lý Hạo, rồi buông lời can gián: “Thần trộm nghĩ, việc các vùng không cần phân chia trước sau, cần cứu tế tai dân cùng một lúc để tránh cho nạn dân ở các nơi còn lại phải chịu cảnh chờ đợi, sống trong khổ sở, làm ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh.”

Rồi bộ thị lang bộ binh Đỗ Nguyên lại đứng ra xin tâu, người này hình dáng cao to, mày rậm, mắt sâu, nhưng đôi môi lại mỏng, gây cho người đối diện cảm giác áp bức khó dò, hắn nói: “Thần thiết nghĩ, cảnh thiên tai, năm nào chẳng có, việc đó cần để sau. Việc trước mắt bây giờ là giặc cướp nổi lên như ong, hầu như châu, lộ nào cũng xuất hiện vài đám tặc tử, từ bọn mã tặc, đến sơn tặc, và cường đạo nơi nơi xuất hiện, ngày đêm cướp bóc, khiến cho thương nhân kêu khóc thấu trời. Điều cần thiết nhất bây giờ là phải cử quân triều đình đi dẹp loạn đám cường đạo đó, để tạo phúc cho lê dân bá tánh, dương oai triều ta.”

Lý Hạo gật gù, ra chiều đắc ý lắm, vỗ mạnh lên tay ngai vui vẻ mà phán: “Các khanh tâu đều có lý cả, không biết còn vị đại thần nào khác có cao kiến gì hay chăng?”

Giờ đây, thái úy Đỗ Kính Tu mới từ từ ra khỏi hàng cúi đầu xin nói, lão là cựu thần hai triều, đức cao vọng trọng, lời lão nói luôn được sự ủng hộ của cựu thần triều trước, lão chậm rãi tấu rằng: “Theo ý của lão thần, triều ta nên vì bách tính mà giải họa thiên tai, cần kiểm tra vùng nào bị nặng nhất thì đi cứu trợ vùng đó trước, các vùng chịu sự tàn phá nhẹ hơn thì để sau.”

Thái úy Đỗ Kính Tu vẫn còn đang có lời muốn nói thì đột nhiên một người đứng hàng trên cùng, từ đầu đến cuối một mực không để ý ai, chỉ lo nhắm mắt, chăm chú dưỡng thần, lại chen ngang nói không màng phép tắc, người ấy là thái úy phụ chính Tô Trung Từ, giọng hắn oang oang cất tiếng như giữa chốn không người: “Ý của thần chính hợp ý của Đỗ thái úy đại nhân, thần đã tìm hiểu và biết được lộ Long Hưng là chịu thiên tai nhiều nhất, nên cứu trợ ở đây trước tiên.”

Đỗ Kính Tu thấy Tô Trung Từ ngắt lời mình, lão cả giận phản đối: “Sao Tô thái úy biết rõ ở đó là chịu thiên tai nặng nhất.”

Tô Trung Từ điềm nhiên đáp: “Bổn quan đã điều tra rõ rồi, không cần Đỗ thái úy bận tâm.”

Lúc Tô Trung Từ nói đến lời này, hắn không biết được trong mắt Lý Hạo xẹt qua một tia lạnh lẽo.

Tô Trung Từ có bộ dạng to cao, vạm vỡ, đường đường chính chính, khí thế ngút trời, mặt đen râu dài, có dáng dấp của người miền biển. Khoảng thời gian trước khi xảy ra loạn Quách Bốc, hắn làm chức quan nhỏ trong triều, có quen biết với thái tử Lý Sảm. Về sau, nhờ Tô Trung Từ và Trần Lý phò trợ đánh dẹp Quách Bốc giúp, nên Lý Sảm mới có cơ hội bước lên đỉnh vương vị như vậy.

Hiện tại chương thành hầu Trần Tự Khánh cũng ra góp lời: “Bẩm hoàng thượng, chuyện lộ Long Hưng bị thiên tai tàn phá trầm trọng nhất là xác thực, vi thần cũng đã cho người điều tra cặn kẽ.”

Kế tiếp thái bảo Trần Thừa cũng ra góp vui ứng tiếng: “Các châu lộ khác đều là hồi tai nạn nho nhỏ, đâu bằng một góc thiên tai của lộ Long Hưng, tiếng ai oán vang vọng, người người đều biết. Chuyện này đã rõ, thiết nghĩ bệ hạ nên quyết định luôn, không cần phải bàn lui nữa.”

Rồi một đám quan lại thân tín bên gia tộc họ Trần nhao nhao phát biểu, dị khẩu đồng thanh, xưng lời của Tô Trung Từ đại nhân là chí phải. Lý Hạo cười cười đưa ra quyết định: “Nếu như chư vị bá quan văn võ đều đã cho rằng như thế, thì trẫm xuống chỉ, trợ giúp lộ Long Hưng đầu tiên, sau đó sẽ đến các lộ khác thì bàn sau, mọi chuyện giao cho trung thư thị lang Cao Quang Viễn toàn quyền xử lý.”

Tuy rằng Lý Hạo biểu hiện ra ngoài như vậy nhưng trong lòng không ngừng cười lạnh, hắn biết rõ gia tộc họ Trần đánh chủ ý giúp đỡ cho vùng quê của bọn chúng mà thôi. Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh, Trần Thừa đều là người một nhà cả. Ba người đều làm quan to trong triều, ngoài ra còn nhiều người nữa của gia tộc họ Trần đều đang đứng trong điện Thiên An. Tô Trung Từ là cựu phụ của hai huynh đệ Trần Tự Khánh và Trần Thừa. Nguyên phi Trần Thị Dung cũng là bào muội của hai người họ.

Hay cho một gia tộc họ Trần, anh em trong nhà vô cùng đoàn kết, thao túng triều đình như nắm vững trong lòng bàn tay. Có thể hiểu gia tộc họ Trần sau này đoạt được thiên hạ cũng là lẽ đương nhiên.

Nghĩ đến đây, bất giác Lý Hạo siết chặt nắm tay trái, hắn cười khẩy trong lòng: “Ông Trời đã cho Hạo Chín Ngón vào vai diễn này, thì tất nhiên Hạo ta phải diễn cho tốt, hươu chết về tay ai, còn chưa rõ.”


/100

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status