Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng

Chương 20

/38


Nhã Ca nhẹ nhàng nhưng không giấu được vẻ ngạc nhiên trong giọng nói:

− Dạ. Xin vui lòng giữ máy.

Không ai liên hệ với Nam Giao bằng số máy này. Trong số những người quen cũ không ai biết Nam Giao ở đây. Hình ảnh Uy Vũ thoáng qua. Nhã Ca trông thấy anh vài lần ở trung tâm. Cô bé thế chỗ Nam Giao níu lấy chị băn khoăn:

− Họ giận nhau hở chị? Em thấy tội nghiệp anh ấy quá. À, anh ấy hỏi cả chị nhưng em nói chị không còn dạy ở đây nữa.

Nhã Ca cũng ái ngại không kém nhưng ý nghĩ tỉnh táo giúp chị hiểu rằng sớm muộn gì việc này cũng xảy ra. Như vậy sớm vẫn tốt hơn bởi thời gian càng dài những cái gút giữa họ càng khó gỡ. Từ lúc đến làm việc ở chỗ Vĩnh Thông, Nam Giao vẫn lặng lẽ nhưng bình tĩnh và khuây khoả hơn rất nhiều.

Nam Giao nhìn đồng hồ rồi nhìn Nhã Ca như dò hỏi. Không nhận được tín hiệu từ chị, cô cố nghĩ xem ai gọi mình vào giờ này. Cả hơi thở Nam Giao cũng đậm đặc sự đề phòng:

− Alô.

Giọng đàn ông trầm ấm:

− Chào em.

− Dạ… xin chào.

− Tôi đã về đến nhà rồi.

− Dạ…?

− Chẳng phải em muốn biết tôi đã về nhà an toàn sao?

Có tiếng cười khẽ như vỡ ra của cô:

− Ồ không… chỉ vì tôi không nghĩ đến tận bây giờ anh mới về đến được nhà.

− Em khoẻ không?

Phong Châu biết lợi thế của mình vì không ít lần bạn bè trầm trồ “Thật tai hại nếu phụ nữ không biết lọc phần âm lấy phần ý khi nghe ông nói”. Giọng Phong Châu đặc biệt quyến rũ vì thế giọng thân mật có chủ ý của anh càng trữ tình đến độ vò nhàu lòng người chảy nhão những lạnh lùng kiêu ngạo. Nhưng lần này tác dụng của nó là làm cho khối đề phòng như tảng băng vừa chảy ra lập tức đông cứng lại:

− Cảm ơn anh, tôi khoẻ.

− Xin lỗi vì gọi em muộn nhưng thường giờ này tôi mới về đến nhà.

− Dạ.

− Thôi em ngủ đi. Muộn rồi.

− Cảm ơn vì anh đã gọi cho tôi.

− Vì tôi biết với em điều này rất quan trọng mà.

Anh cười và cô cũng cười. Một cách lạc quan, Phong Châu cảm nhận được sự gần gũi giữa họ. Anh trông thấy nụ cười đẹp rưng rưng buồn của cô. Phần Nam Giao, dù cố gắng vẫn không sao hình dung ra gương mặt người đàn ông có giọng nói ấm áp này.

− Em có chờ điện thoại của tôi không?

− Có. Tôi đã chờ rất lâu.

− Tôi xin lỗi.

− Không sao. Vì cuối cùng anh đã gọi.

Phong Châu tự giễu cảm giác lo lắng, căng thẳng rồi mừng rỡ, nhẹ nhõm khi lục tung mọi thứ và tìm ra chiếc card có dãy số nghuệch ngoạc không tên họ, không địa chỉ rồi hồi hộp bấm từng phím. Anh gần như nín thở khi nghe được thoáng ngần ngừ trong giọng nói của người phụ nữ và chỉ trút gánh nặng khi giọng nhỏ xíu dè dặt của Nam Giao thoảng vào tai.

− Thôi, em ngủ đi nhé. Chúc em ngủ ngon.

− Chào anh.

Cách cô chào là chấm dứt mối quan hệ mơ hồ, là cảm ơn hành động thiện chí mà cô chắc không lặp lại đến lần thứ hai. Nam Giao vẫn chưa quên nét lạ lùng, nghi hoặc khi lắng nghe lời đề nghị kỳ quặc của cô. Nam Giao nghĩ anh chợt nhớ và thực hiện vì một phút ngẫu nhiên cao hứng. Cô lầm. Hôm sau lại nghe giọng nói của anh.

− Tôi về đến nhà rồi.

Nam Giao bật cười:

− Anh không cần phải gọi cho tôi mỗi ngày đâu.

− Nhưng tôi thích cảm giác có ai đó quan tâm đến mình.

May mà Nam Giao không trông thấy nụ cười của anh. Kiểu cười nhếch môi đa ngôn, đa nghĩa thường khiến người đối diện bối rối không biết hắn nghĩ gì. Cười kín đáo khiêm tốn không bộc lộ nhưng thật ra xem cả thiên hạ bằng vung.

− Hôm nay công việc của em thế nào? Có tốt không?

Nhã Ca luôn dè dặt khi hỏi câu này. Chị vẫn như thế mỗi lần nhắc đến Vĩnh Thông. Anh là rào cản vô hình giữa họ. Dù Vĩnh Thông mở lời trước nhưng phải nhờ anh là nỗi khổ tâm của chị, như lợi dụng tình cảm vậy. Không cần thuyết phục, Nam Giao nhận lời đi làm ngay. Cô không muốn Nhã Ca khó xử. Thỉnh thoảng chị lại hỏi − ra vẻ bâng quơ:

− Anh Thông có tốt với em không?

Nếu Nam Giao gọi “Anh Thông” ở nơi làm việc, đồng nghiệp không biết cô nói đến ai. Mọi người gọi chung chung “Ông Giám đốc” vừa kính trọng vừa xa lạ. Thỉnh thoảng gặp anh, thường là đi cùng khách xuống tham quan các phân xưởng, họ ngồi thẳng lưng như trẻ con trong tiết học dự giờ. Mệnh lệnh từ anh xuống đến công nhân phải qua nhiều cấp nên họ không quan tâm đến anh. Họ nể sợ những người có chức vụ nho nhỏ trực tiếp quản lý. Nam Giao lọt thỏm trong số đông ấy. Hoạ hoằn cô trông thấy Vĩnh Thông từ xa. Thường anh không trông thấy cô. Anh không giống người đàn ông vẫn đến đây mỗi ngày.

Dù câu hỏi chỉ là cái cớ theo kiểu vô thưởng vô phạt nhưng Phong Châu kiên nhẫn chờ và thấy lạ lùng vì trước giờ thành công của anh còn nhờ vào một nguyên nhân không giống ai. Đó là, không bao giờ để mất thời gian vào việc xã giao, anh luôn đi thẳng vào vấn đề không vòng vo rào đón. Nhưng giờ Phong Châu biết có những việc không thể vỗ một tay mà thành tiếng được và anh chờ đợi sự hưởng ứng mà anh tin chắc sẽ đến từ cô. Chìm đắm trong niềm phấn khích của trí tưởng tượng, Phong Châu quên giờ anh đang ngồi câu như ông Lã Vọng chờ thời.

Trong đầu Nam Giao xuất hiện những vòng tròn lẩn quẩn. Một cách vô thức cô đi theo sự dẫn dắt của chúng. Miên man trong chuỗi sự kiện nối đuôi nhau đến khi những vòng tròn mờ dần rồi mất hút, Nam Giao mới sực tỉnh. Cô cuống quýt:

− Alô… Alô.

Giọng anh điềm tĩnh, nhẹ nhàng:

− Tôi vẫn còn ở đây. Tôi chờ nghe em nói.

− Xin lỗi anh, tôi vô duyên quá.

Phong Châu cười:

− Không sao, tôi hiểu mà.

Nam Giao ngớ ngẩn:

− Anh hiểu gì?

− Tôi hiểu khi người ta không lắng nghe mình nói, không phải mình nói to là được.

− Lúc nãy anh vừa bảo gì nhỉ?

− A, tôi hỏi em có chờ điện thoại của tôi không?

− Tôi không chờ vì tôi không nghĩ anh sẽ gọi.

− Vậy từ mai em chờ đi nhé vì tôi sẽ gọi cho em mỗi ngày đấy.

− …………

− Sao em không nói gì cả vậy?

− À… Tôi vẫn như thế mỗi khi có việc cần suy nghĩ.

− Em đang suy nghĩ gì vậy?

− Không…

Nhưng anh biết, như con cá đổi màu Nam Giao chui vào lớp rong rêu nghi ngờ và dè dặt. Im lặng là đồng ý, có thể là không đồng ý nhưng không nói ra. Dù sao cô không phản đối cũng là tín hiệu lạc quan. Phong Châu đánh giá hành động của mình như mang hoa đến tặng nhưng một cách cao ngạo anh không thích chỉ đi nửa đoạn đường đã được đón nhận. Tính Phong Châu vốn thế, buộc anh thay đổi khác nào bắt con cua đi dọc.

Anh đoán Nam Giao rất nhạy cảm. Xưa nay người nhạy cảm thường cô độc vì họ khiến người khác bối rối nên làm cho chính mình bị cách ly. Một tinh cầu chưa ai khám phá. Phong Châu thấy hào hứng. Nhưng tín hiệu Nam Giao nhận được vẫn là giọng nói từ tốn, quan tâm:

− Tôi gọi muộn thế này có phiền em không?

− Tôi nghĩ… à không, không phiền đâu ạ.

− Vậy ngày mai tôi lại gọi nữa nhé?

− Nhưng… à, tôi vẫn chưa biết tên anh.

− Tôi tên Phong − Câu trả lời vọt ra trước khi anh kịp ý thức mình đùa với sự hào hứng kỳ lạ như bắt đầu một cuộc phiêu lưu − Thôi, muộn rồi. Em ngủ đi. Chúc em ngủ ngon.

Nói thế nhưng Phong Châu biết ngày mai anh sẽ không gọi. Căn cứ vào tâm lý phụ nữ và diễn tiến của sự việc, không gọi sẽ tốt hơn. Cô sẽ chờ đợi, sẽ thấy vắng anh và nghiễm nhiên anh có chỗ đứng trong lòng Nam Giao. Nhưng thực hiện điều này chẳng dễ chút nào. Phong Châu quan sát bản thân như quan sát một người khác. Anh thấy mình nôn nóng, thấy mình thỉnh thoảng nhìn đồng hồ rồi đoán già đoán non xem cô đang làm gì, có chờ điện thoại của anh không?

Phong Châu thuộc người không để lộ tình cảm thật của mình, không, nói chính xác anh thích bộc lộ những tình cảm khiến người khác dễ chịu − dù đôi khi anh không cảm thấy hoặc cảm thấy rất ít để dẫn dắt họ theo ý của anh. Vì thế cáu kỉnh, giận dữ, thất vọng là những thứ không bao giờ Phong Châu bộc lộ. Nhưng anh không nén nổi cảm giác thất vọng khi chuông điện thoại chưa kịp reo là giọng nói gần như lập tức của Nam Giao, giống như cô chờ sẵn bên máy và vồ lấy nó vậy:

− Alô. Phải anh không? Sao hôm qua anh không gọi? Anh không sao chứ?

Đúng như dự đoán nhưng Phong Châu thấy nguồn cảm hứng tụt xuống phân nữa.

− Tôi bận. Xin lỗi đã để em chờ.

− Tôi lo quá. Tôi sợ có việc gì xảy ra với anh. Không có việc gì xảy ra với anh chứ.

Bị hẫng như người dùng hết sức để nhấc một vật nặng lên chợt nhận ra nó nhẹ hơn rất nhiều. Phong Châu uể oải:

− Việc gì là việc gì?

− Nhưng anh không sao phải không?

Phong Châu cáu kỉnh:

− Tôi không sao cả. Em không có chuyện gì nói ngoài chuyện này sao?

− Dạ…?

Anh chán.

− Em đã ngủ chưa?

− Dạ chưa, vì anh bảo sẽ gọi điện thoại nên tôi lo lắng và chờ.

− Em có hay lo lắng thế này không?

Giọng cô trầm xuống như nhận lỗi:

− Tôi hay lo lắng lắm dù bác sĩ bảo không tốt cho sức khoẻ của tôi.

− Vậy à?

− …………

− Thôi em ngủ đi nhé.

− Dạ.

− À, có thể cho tôi biết lần đó tại sao em lại đi theo tôi không?

Nam Giao ấp úng:

− Tại vì… vì trước đó anh chạy qua tôi và nhắc tôi mở đèn xe.

Phong Châu lạ lùng:

− Chỉ vậy thôi sao?

− Dạ… nên tôi đi theo anh.

Sao cô không nghĩ ra lý do nào hấp dẫn và đáng tin hơn nhỉ? Anh nhớ cô gái nhìn vào mắt anh, thẳng thắn “Nếu tôi chiêm ngưỡng và thán phục một gương mặt đẹp thì đâu có gì quá đáng, phải không?. Đặt điện thoại xuống, Phong Châu nhận ra dường như anh đã ảo tưởng hay nhầm lẫn điều gì đó.

/38

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status