Tan Băng Rồi Đó Anh

Chương 35 - Tan Tác

/135


Chương 35

Chiếc xe khách từ từ vào bến. Thảo căng mắt nhìn xung quanh. Qua cửa kính xe là quang cảnh bến xe đông đúc. Chiếc xe dừng hẳn, cô cùng dòng người lục tục kéo xuống. Mùi bến xe xộc vào mũi khiến cái thân thể ốm rệu của cô lảo đảo. Cô ngồi thụp xuống cho qua cơn choáng váng, nôn nao. “Cố lên! Chỉ một lát nữa thôi, Phan sắp đến đây đón mình rồi!”. Cô tự trấn an mình trong cơn mệt muốn lả đi.

Quán nước nhỏ gần đó với cái biển “Điện thoại” khiến cô thở phào. Sự sống đây rồi! Cô như đứng giữa sa mạc mà trông thấy nước. Những ngày lo nghĩ không ăn không ngủ vừa qua đã khiến cô thấy việc đi ra ngoài cổng bến bây giờ là cả một chặng đường dài.

Đứng trước bàn phím điện thoại, cô chợt nhớ tới mẹ. Mẹ cô hẳn là đang lo cháy ruột! Cô phải báo tin cho mẹ trước, rồi sau mới đến Phan.

Cuộc điện thoại với bác nhà hàng xóm bên cạnh vừa mới bắt đầu thì Thảo đã nghe được những chuyện động trời ở nhà. Ông Mạnh đã lồng lộn lên tìm cô khắp nơi, còn mẹ cô thì chỉ có khóc và khóc. Lão còn điên lên quát cả mẹ cô và giờ thì đang gây gổ với cả mẹ Phan. Trong điện thoại cô còn nghe loáng thoáng tiếng mẹ Phan đang róng rít.

Trời ơi! Lão đúng là không coi ai ra gì hết! Lão còn xấu xa hơn cô tưởng. Chân cô muốn sụn xuống vì cơn uất ức. Cô lại lần nữa làm hại tới Phan rồi, cô không còn mặt mũi nào mà gặp Phan nữa.

Trở về để cho yên chuyện? Ngay lập tức có những tiếng “Không!” gào lớn trong lòng. Nhưng như thế là sai hay đúng đây? Cô rất muốn được chiều lòng mình. Vì cô hận lão lắm, căm thù lão lắm. Vậy cứ bỏ đi đi! Đây là cách duy nhất cô có thể dùng để trừng phạt lão.

Cảm giác căm phẫn như thổi vào cô nguồn sức mạnh, vực cô vượt lên cái thể trạng yếu ớt rệu rã. Cô sẽ tìm cách ở lại đây như đã viết, còn lão thì cứ việc mà phát điên hay phát dại. Nhưng sau đợt này chắc lão sẽ chừa, không còn dám giở trò ép cô cái gì nữa.

Nhìn tờ giấy dán trên tường ghi dòng chữ “Phòng trọ giá rẻ. Số điện thoại 01230202…”, lòng cô nghẹn ngào “Phan ơi, đừng có giận mình nhé, mình không thể nào gọi cho cậu được nữa đâu”.

***

Trạm chờ xe buýt lúc 10h sáng vẫn khá đông. Phan đứng nghển cổ ngóng từ xa từng cái xe buýt đang đi tới. Anh đang nóng lòng bắt xe buýt để ra bến xe khách về quê.

Hôm qua sốt ruột quá, Phan nhờ thằng bạn ở quê dò la tin tức Thảo và sáng nay nó đã báo tin Thảo hình như sắp cưới. Tin này khiến một người vốn nghiêm túc như Phan đang làm việc ở công ty, cũng không thể nào yên nổi nữa. Phan gác lại hết, xin phép về quê có việc gấp, lòng như lửa đốt, không biết lão ta đã giở trò gì với Thảo.

Bỗng có điện thoại của mẹ. Anh sững người khi nhận được tin mẹ báo Thảo đã bỏ trốn. Không những thế, người đầu tiên lão nghi ngờ dính líu chính là anh, và mẹ anh vừa mới một phen cãi nhau với lão đến khản cả giọng.

-Con đổi sim ngay! Không được để con Thảo nó víu vào con! Tuyệt đối là không! Nghe chưa!

Sau một thôi một hồi dặn dò kỹ lưỡng thì mẹ mới cúp máy. Phan đứng trời trồng giữa đám người chờ xe. Một xe buýt vừa trờ tới đỗ ngang trước mặt, người lên người xuống, đi qua hích cả vào vai anh, anh vẫn đứng trơ trơ không biết gì. Trong đầu anh bây giờ chỉ có mỗi chữ Thảo! Mẹ dặn gì cũng không vào tai nữa. Lão đe dọa ư? Chỉ nghĩ tới Thảo đã bị dồn đến cùng đường thì mới phải trốn chạy thế này, anh đã sôi sục muốn tìm lão đánh nhau rồi đây. Chợt nhớ tới hình ảnh Thảo bị lão ôm riết không rời ngày trước. Anh vội bấm điện thoại.

-Mẹ. Đã có chuyện gì xảy ra với Thảo thế? – Phan không giấu được nỗi lo.

-Thì nó trốn, ai mà biết.

-Nhưng tại sao lại phải trốn? Mẹ có biết không? – Phan sẵng giọng.

-Làm sao mẹ biết được!

-Mẹ. Có phải Thảo sắp cưới không? – Phan nghiêm giọng.

-Ơ hay. Chuyện nhà người ta ai mà biết được!

-Vâng, con hiểu rồi. Mẹ luôn như thế mà. – Giọng Phan đầy trách móc.

Phan mím môi tắt điện thoại. Chợt điện thoại lại réo. Phan nhìn màn hình thở dài. Là mẹ anh gọi lại.

-Phan, con có biết là mẹ lo cho con thế nào không. Giờ với con, bố mẹ con và em con là quan trọng hay con bé đó mới là quan trọng. Con trách mẹ bưng bít chuyện nó có phải không? Nhưng con biết thì con làm được cái gì? Mẹ nói cho con biết. Mẹ là mẹ nhất định không để con dính vào chuyện của nó một lần nào nữa. Đừng có làm mẹ tức chết!

-Mẹ… - Phan nghẹn giọng, lời của mẹ lại lôi lý trí anh trở về.

-Mẹ đang mừng vì nó cưới xong thì con có thể về nhà. Không sợ bị lão gầm gè nữa. Nhưng ai dè giờ lại thế này. Mẹ thì đang đứt cả hơi vì cãi nhau với lão. Thế mà con không thương, lại còn trách mẹ nữa sao? Mẹ phải làm thế nào đây? Chẳng lẽ mẹ lại ủng hộ con dính vào nó để lão ấy đánh con tiếp à? Hở Phan? Trời ơi! Con ơi là con!

Phan phải an ủi lại bà bằng những lời nói đi ngược với lòng mình. Nỗi thống khổ của bà đã làm thức tỉnh hiện thực tàn khốc trong anh. Lại một lần nữa, anh phải khổ sở với cuộc đấu tranh tư tưởng. Thảo, hay là mẹ?

***

Bến xe khách người và xe tấp nập. Thảo mặc áo chống nắng đeo khẩu trang kín mít một mình đi ra khỏi cổng. Bước chân trên vỉa hè với quán xá mọc hàng dài chen chúc, cô ngơ ngác nhìn dòng người đi lại như mắc cửi dưới lòng đường. Hà nội trong trí nhớ cô cách đây năm năm đã ồn ã đông đúc lắm rồi. Và bây giờ nó còn hơn thế nữa. Đâu đâu cũng thấy toàn là người với người, chen chúc, ầm ĩ, bụi bặm và vô cùng hối hả.

Hà nội là thế đấy. Cô cũng biết. Lúc ở quê, dù nghe ai kêu ca thế nào về cuộc sống nơi thành thị này, cô cũng giữ im lặng. Bởi cho dù thế nào, đây vẫn là nơi đã giành lại sự sống cho mẹ cô. Và cô yêu Hà nội. Vậy thôi.

Cô vẫn nghĩ vậy, dù kỷ niệm của cô với Hà nội chỉ là những ngày chăm mẹ trong bệnh viện cách đây năm năm, và trong tương lai cô cũng chưa bao giờ có một ước mơ gì về nó. Lần ra Hà nội này lại là đột xuất và không bao lâu nữa cô sẽ phải trở về. Cất mẩu giấy ghi địa chỉ phòng trọ vào túi áo, cô rẽ vào một quán cơm, những tấm biển số nhà ở đây cho cô thấy rằng cô còn phải đi một chặng đường khá dài nữa. Giờ cô phải cố cho vào bụng chút gì, dẫu rằng lúc này thức ăn đối với cô thật vô cùng đáng sợ.

Quán cơm đó chỉ cách trạm dừng xe buýt vài mét. Một xe buýt đỗ xịch đến. Vài người bước xuống, trong đó có Phan.

Phan đi nhanh vào trong bến xe. Nháo nhác tìm khắp bến, những cô gái có dáng người cao cao là anh đều gọi tên Thảo rồi xông đến nhìn tận mặt người ta. Rồi anh thất thểu đứng chờ xe về kế tiếp. Anh không biết rằng người mà anh đang ra sức tìm kiếm đang ngồi một mình trong quán cơm bên ngoài bến. Với đĩa cơm trước mặt, cô ấy đang cố sức nuốt lấy từng thìa một.

Thảo chỉ cố được nửa suất, vậy là đủ, cô cũng không thể cố hơn được nữa. Bước ra khỏi quán, cô lại tiếp tục con đường của mình.

Chợt Phan lao ra khỏi cổng bến. Anh đi một lượt xung quanh khu vực quán xá bên ngoài. Nhưng lúc này thì Thảo đã đi khỏi khu vực đó một quãng khá xa rồi.

Phan đứng giữa cái nắng gay gắt tầm trưa, mồ hôi túa ra như tắm. Kia rồi, từ xa tít, một cái xe khách mang biển Thái bình đang tiến về. Anh khấp khởi quay vào bến mong có thể đón được Thảo.

***

Xóm trọ nghèo nàn và nhếch nhác với những mái nhà xập xệ, đủ các chủng loại vật liệu rẻ tiền từ vải bạt, ngói, tấm lợp pro, rồi tôn, rồi nhựa… Những “bức tường” cũng đa chủng loại không kém. Cũng là gỗ ép, tấm lợp, tôn, nhựa vá víu đan xen, “sang” nhất là những bức tường gạch cũ nát, ẩm thấp. Con đường dẫn vào cũng tồi tệ không kém, những túi rác lăn lóc bên rìa, những vũng nước đọng, mỗi khi có người đi qua là từng đám ruồi muỗi bay tung lên.

Trong phòng trọ, Thảo ngồi ở mép giường, túi xách để bên cạnh. Thảo đưa mắt nhìn khắp gian phòng.

Phòng ẩm mốc, tường tróc từng mảng, chật chội, ba cái giường đôi cũ kỹ kê gần sát nhau. Một cái giá gỗ chất đầy túi ni lông, túi xách to nhỏ các loại. Hai cái bàn nhỏ sát cạnh nhau để kín chai lọ đựng nước, cốc, bát… dưới gầm bàn là xong, chảo, bếp ga mini… Tất cả đều cáu bẩn tạm bợ. Nền nhà cũng bị mấy bao tải lùng bùng chất đống, lấn chiếm gần hết, chỉ để hở ra khoảng trống đủ để đi lại và len chân lấy đồ đạc. Ngoài kia, qua cái cửa sổ đã bị tận dụng giăng đầy quần áo, có chút ánh sáng ngoài trời len lỏi chen được vào. Thứ ánh sáng khiêm tốn ấy chỉ đủ để trong này phân biệt được bây giờ là ngày hay đêm. Căn phòng này, thực là có thể gọi được với nhiều cái tên. Là nhà kho, là bếp, là gác ngủ, đều đúng cả.

“Ông ác lắm, vì ông mà tôi phải ở thế này đây. Nhưng không sao. Tôi chịu được”. Thảo oán giận trong lòng sau khi ngắm nghía một hồi.

Một phụ nữ mặt mũi đen đúa, chừng trên năm mươi từ ngoài cửa lệt xệt đi vào, mang theo nước ướt lép nhép trên nền từ đôi dép tông cũ xỉn dưới chân, hai tay bà lau lau vào hai hông quần. Rồi để nguyên cả bộ bảo hộ lấm lem, bà ngả lưng xuống giường khoan khoái.

-Nghỉ đi thôi. Nhìn làm gì. Tiền nào của ấy thôi. Chỉ là cái chỗ để ngủ thôi mà.

Thảo rụt rè.

-Bác Thơ ơi, chỗ bác có cần người nữa không, cho cháu làm với ạ.

Bà Thơ nghển cổ, dụi mắt nhìn Thảo.

-Không, đủ người rồi. Mà trẻ đẹp như cô thì khối việc để làm, chứ việc gì phải đi vặt lông vịt.

-Ở đây… kiếm việc thế nào bác nhỉ. - Thảo lo lắng.

-Có gì đâu. - Bà Thơ vẩy tay - Nhưng cô còn lạ nước lạ cái thì tốt nhất cứ ra trung tâm môi giới. Chịu mất chút phí, có việc tử tế ngay.

Thảo do dự.

-Phí nhiều không bác?

Bà Thơ nhắm mắt, tay che miệng ngáp.

-Không biết. Tối hỏi cô Đào ý. Cô này hay qua bọn môi giới. Cứ yên tâm đi. Rồi sẽ có việc.

Thảo muốn hỏi tiếp nhưng trông bà đã muốn ngủ lắm rồi. Cô đành ngả lưng xuống giường, lấy túi đồ làm gối đầu. Cô nhắm mắt lại.

***

Phan ngồi một mình trong phòng trọ, điện thoại để trước mặt. Suốt cả ngày vừa lăn lộn ở bến xe, vừa nháo lên nhờ bạn bè tìm tung tích Thảo, bây giờ vẫn bặt vô âm tín. Anh thấy giận Thảo, giận Thảo chán rồi lại thấy thương, nhưng đau khổ nhất là Thảo đã nhất quyết rời khỏi anh, ngay cả lúc khó khăn nhất cũng không cho anh cơ hội giúp đỡ. Đấy không phải là vì tuyệt tình mà vì Thảo quá trân trọng nâng niu anh. “Thảo ơi, giờ em đang ở đâu? Em bỏ đi đâu? Sao em không tìm đến anh, sao em không dựa vào anh? Thảo ơi, xin em đấy, hãy gọi cho anh đi. Gọi cho anh ngay đi, để anh được lo cho em!”. Phan đau đáu nhìn vào cái điện thoại, lòng tê tái khi luôn hiểu mình đang chờ đợi một điều không có khả năng xảy ra.

***

-Con không thể nói chỗ con ở được... Mẹ đừng lo. Con ở chỗ tử tế mà... Dạ. Mai có lẽ con đi kiếm việc... Con qua trung tâm môi giới việc làm ạ. Ở đây rất nhiều việc... Dạ, nhà không có chuyện gì nữa là con yên tâm rồi. Giờ con phải tắt máy, con gọi nhờ mà, đây là điện thoại của bác cùng phòng. Bác ấy là bác Thơ. Có gì buổi tối mẹ cứ gọi cho con qua số này. Thôi, mẹ đừng lo gì nữa nhé. Con chào mẹ.

Thảo cúp máy, cô rưng rưng nhìn cái điện thoại. Mẹ của cô ngày hôm nay đã phải trải qua cơn xúc động lớn. Đáng ngạc nhiên nhất là, người một đời hiền lành nhẫn nhịn như bà bây giờ cũng đã ủng hộ việc cô bỏ đi. Sự thay đổi lớn này chắc chắn là do lão. Ngày hôm nay, trong cơn giận, không biết lão đã trút lên mẹ cô những gì? Đăng bởi: admin


/135

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status