Thạch Kiếm

Chương 8: Vết chân dã thú

/85


Mặt trời mới lên khỏi con sào, cháu ngoại bà Hồ Điểu đã hốt hoảng chạy tới, tay xách dép, tay quệt mũi, thở hổn hển:

- Bà ơi, bà ! Trên chùa có chuyện !

Bà Hồ Điểu mãi quạt lò, tiếng quạt giấy phành phạch. Bà không lưu ý mà cũng hầu như không nghe tiếng thằng bé.

- Bà ! Có chuyện trên chùa !

- Chuyện gì ?

- Thạch Kinh Tử trốn rồi !

- Trốn rồi ? Thật hay bỡn ?

Trong cơn thảng thốt, bà vô tình để cây quạt bị lửa cháy táp một miếng. Bà lấy chân dậm tắt, hỏi lại:

- Chắc không ? Mày bịa chuyện đấy chứ ?

- Thì ai cũng nói vậy. Trên chùa đương rối loạn cả kia kìa. Oa Tử và thầy Đại Quán cũng biến mất luôn.

Mặt bà Hồ Điểu tái mét, chân tay run lẩy bẩy như bị trúng gió. Thằng cháu giương mắt ngạc nhiên nhìn bà và sợ hãi giật lùi ra cửa.

- Kỳ Ô Nô !

- Dạ.

- Chạy ba chân bốn cẳng tìm ba mày về đây. Rồi đến nhà cậu Ngô mời cậu lại ngay bà bảo. Nhanh lên, không được la cà dọc đường, chết ...chết đòn đấy !

Giọng bà có vẻ luống cuống.

Nhưng thằng bé chưa bước ra khỏi cổng ngoài, bà Hồ Điểu đã thấy một đoàn người lũ lượt kéo đến, đi đầu là cậu Ngô cùng con rể bà và một số lực điền trong xóm.

Họ xôn xao bàn tán:

- Oa Tử chắc theo thằng Thạch Kinh Tử rồi !

- Cả sư bác cũng không thấy đâu, lạ quá !

- Thì một đồng một cốt cả. Không biết bà già nghĩ sao đây ? Gia đình Hồ Điểu phen này cứ gọi là mất hết danh giá.

Cậu Ngô và rể bà Hồ Điểu mỗi người mang một ngọn giáo cũ, binh khí của tổ phụ để lại. Bên ngoài họ làm bộ hung hăng lắm nhưng trong lòng bối rối chưa có định kiến.

Họ kéo vào nhà báo tin bà Hồ Điểu hay để xem bà xử trí ra sao vì từ trước đến nay đối với họ, bà vẫn là tay cứng cỏi.

- Thạch Kinh Tử bỏ trốn rồi, bà biết chưa ?

- Biết rồi. Đợi đấy, ta ra ngay.

Hồ Điểu Anh thật không hổ là người cầm đầu đảng tộc. Khi biết chuyện Thạch Kinh Tử bỏ trốn, sau phút chấn động ban đầu, bà lấy ngay được bình tĩnh. Bà vào nhà trong, yên lặng quỳ trước bàn thờ gia tiên cầu xin phù hộ rồi đến bên tủ đựng đồ gia bảo, mở ngăn kéo lấy thanh kiếm cũ. Kính cẩn nâng ngang mày, bà lâm râm khấn vái và giắt kiếm vào thắt lưng. Rồi thay áo chẽn, đi dép cỏ, buộc chặt quai dép vào cổ chân, bà điềm tĩnh mở cửa bước ra nhà khách. Mặt bà đanh lại.

Đám gia nhân yên lặng đứng nhìn, lòng ngưỡng phục lộ ra trên những khuôn mặt rám nắng. Họ đã hiểu và tin tưởng:

gia chủ nhà Hồ Điểu không làm họ thất vọng.

- Chuyện đâu còn có đấy. Ta sẽ thân hành đi bắt nó đem về xử tội xứng đáng.

Hồ Điểu Anh bước ra cửa giữa hai hàng người đứng dạt ra hai bên. Một kẻ lên tiếng:

- Nếu bà già đi thì chúng ta đâu ở nhà được !

Thế là đám đông cùng ùa ra cổng, gặp gì cầm nấy. Dao gậy không đủ, họ chặt tre vót nhọn làm vũ khí, náo nhiệt ồn ào trong bầu không khí hỗn loạn. Họ theo chân Hồ Điểu lên núi, hăng hái đi không nghỉ. Đến trưa tới đỉnh đồi. Mặt trời đã đứng bóng, chỉ thấy nắng chói chang đổ trên đồng cỏ gianh xa tắp, không bóng người cũng như bóng vật.

- Trốn rồi ! Chúng nó trốn xa rồi !

Họ giận dữ sục sạo khắp nơi ra đến tận ranh tỉnh gần đồn thương chánh. Binh sĩ trong đồn cản lại không để số đông như vậy vượt ranh giới. Cậu Ngô bước ra giải thích:

- Thạch Kinh Tử là một tên tội phạm nguy hiểm, Oa Tử là gái mất nết, nếu không cho chúng tôi đuổi theo bắt chúng thì còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Gia đình chúng tôi mất hết thể diện, đến phải bỏ làng đi mất.

Viên đội trưởng thông cảm nhưng nhất quyết không để mọi người vượt ranh tỉnh.

Luật như vậy, muốn đi phải có giấy phép, mà xin được phép cũng lâu lắm. Hồ Điểu bàn cùng mọi người rồi quay lại nói:

- Thế ta và cậu Ngô, hai người đi được không ?

- Được ! Luật cho phép tới năm người.

Hồ Điểu Anh gật đầu vừa ý. Bà nói với gia nhân:

- Vậy mọi người hãy trở về. Không phải lo gì cả. Ta biết chuyện này trước khi đi nên đã khấn tiền nhân và mang sẵn gươm đây. Ta thề phải làm xong hai việc, một là bắt Oa Tử, nó bôi tro trát trấu vào danh dự nhà ta ; hai là tìm cho được thằng Mãn Hà Chí về để có người nối dõi, dù phải buộc dây lôi cổ nó về cũng không ngại. Ta sẽ tìm cho nó một con vợ đức hạnh gấp trăm lần con Oa Tử để bảo toàn danh giá nhà ta. Ta thề như vậy !

Tiếng hoan hô vang dậy, nhưng con rể bà cúi mặt không nói. Hồ Điểu Anh chăm chú nhìn hắn, tiếp lời:

- Ta và cậu Ngô nhiều tuổi rồi, đáng lẽ được quyền nghỉ ngơi, nhưng ý ta đã quyết.

Dù đôi ba năm ta cũng phải đi khắp, tìm bằng được nó. Trong khi ta không có nhà, anh là con rể hãy thay ta quán xuyến mọi việc. Còn các ngươi phải chịu khó chăm chỉ làm ăn, không được biếng nhác. Ai trễ nải việc chăn tằm, nhổ cỏ, ta sẽ không để yên đâu !

Các ngươi nghe rõ cả chứ ?

Cậu Ngô đã gần năm mươi, bà Hồ Điểu hơn cậu mười tuổi. Đám gia nhân ngại không muốn để hai người xông pha chống cự với một địch thủ hiển nhiên vừa khỏe, vừa trẻ hơn nhiều, lại có tiếng là hung bạo và khát máu như Thạch Kinh Tử.

- Hay bà với cậu mang thêm vài người chúng tôi nữa đi cùng. Họ cho phép tới năm cơ mà !

Bà lão lắc đầu quầy quậy:

- Không cần ! Không cần ! Ta đâu đã yếu sức ! Ai cũng cho là Thạch Kinh Tử khỏe nhưng ta không sợ. Nó là đứa con nít, ta biết từ khi còn ẵm ngửa. Nó trẻ và có sức mạnh thật, nhưng mình dùng mưu chứ ! Vả lại cậu Ngô cũng chưa già kia mà. Thế nào chúng ta cũng bắt được nó ! Giờ về đi, nhớ lời ta dặn đấy !

Hồ Điểu Anh làm hiệu xua mọi người trở lại rồi cùng cậu Ngô tiến qua hàng rào ranh tỉnh. Không ai ra cản, hai chị em bà thong thả qua cổng đồn. Có người còn bắt loa tay gọi lớn:

- Nếu đau ốm, nhớ báo tin anh em chúng tôi biết !

- Nhớ giữ gìn sức khỏe !

Họ quay lại nói với nhau:

- Bà già thế mà còn gan dạ lắm !

Cậu Ngô sống về nghề thợ săn, lúc trẻ cũng là tay giang hồ tham dự nhiều trận chiến đẫm máu. Giờ có tuổi nhưng trông cậu vẫn còn trang kiện, tóc chưa bạc, da chưa mồi. Cậu là em bà Hồ Điểu, chính tên là Ngô Gia Kế, dân làng gọi tắt là cậu Ngô. Trước những biến cố mới đây làm nhục gia phong, cậu Ngô rất quan tâm nên hết lòng nghe theo những quyết định của bà chị.

- Chị Hồ Điểu này !

- Gì thế cậu ?

- Chị đi xa đã sắp xếp trước, còn tôi chẳng có gì, vẫn đeo bộ quần áo thường ngày.

Phải dừng chân chỗ nào cho tôi kiếm đôi dép và cái nón đã chứ !

- Ờ, gần đây hình như có quán trà.

- Chắc quán của chú Mã Khôi. Quán khá lớn bán đủ đồ nhật dụng.

- Vậy ta tạt qua đấy, cần gì thì mua.

Gần đến quán, họ ngạc nhiên thấy trời đã về chiều. Trên núi, ánh sáng vẫn còn thịnh, họ tưởng còn lâu mới tối, nhất là đương mùa hè, ngày dài đêm ngắn.

Hai chị em rảo bước vào quán, gọi trà uống và nghỉ ngơi. Bà Hồ Điểu nói:

- Từ đây tới Takano còn xa, cứ mửng này đi hết đêm chưa chắc tới. Hay ta qua quán Thiên Phúc trọ tạm, cậu nghĩ thế nào ?

- Thì cứ đi được đến đâu hay đến đấy.

Nghỉ ngơi và mua đồ nhật dụng xong, cậu Ngô cầm nón đứng dậy, nhưng nghĩ sao lại để xuống.

- Chị đợi tôi một chút.

- Cậu đi đâu ?

- Tôi đi lấy nước mang theo phòng khi khát.

Cậu Ngô tháo ống tre đeo vai, lần theo sân ra suối. Dìm ống tre xuống dòng nước đợi cho bong bóng không sủi lên nữa, cậu mới xách ống, men theo phòng trọ trở về. Qua cửa sổ hé mở, tò mò nhìn vào, cậu ngạc nhiên thấy có người nằm đắp chiếu trùm chăn.

Tuy không rõ mặt, nhưng nhìn mớ tóc đen dài xõa ra hai bên, cậu cũng đoán chừng là phụ nữ. Mùi thuốc sắc hăng hăng cay từ trong phòng bay ra đến tận cửa ngoài.

Tiếng bà Hồ Điểu sốt ruột gọi:

- Cậu Ngô ! Làm gì lâu thế ?

- Xong rồi đây.

- Mau lên còn đi chứ !

Cậu Ngô bước vội đến gần bà, rụt rè giải thích:

- Hình như có người ốm nằm trong phòng.

- Trong phòng có người thì có gì lạ ! Quán trà mà ! Cậu chỉ để ý những chuyện đâu đâu, chẳng khác gì trẻ nít !

Cậu Ngô cười bẽn lẽn. Cũng như mọi người, cậu thường bị bà Hồ Điểu nạt nộ, nhưng khác với số đông, cậu biết tính bà nên tìm cách khôn khéo tránh né không để bà giận dữ.

Hai người lầm lũi theo đường đồi dốc, hướng về phía thị trấn Harima. Vì là con đường hàng ngày có nhiều người và lừa ngựa tới lui khu mỏ bạc nên mặt đường lồi lõm rất khó đi.

- Chị cẩn thận kẻo ngã !

- Chà ! Giờ trứng lại khôn hơn vịt đấy ! Đường này ta nhắm mắt đi cũng được. Có cậu phải dè chừng thì có !

Đột nhiên có tiếng vó ngựa và tiếng nói sau lưng:

- Hai bác đi nhanh gớm nhỉ !

Quay lại, bà Hồ Điểu thấy chủ quán trà cưỡi ngựa gần tới.

- Phải ! Chúng tôi mới nghỉ ở quán xong nên khỏe thêm được chút. Còn bác đi đâu đấy ?

- Đi Tatsumo.

- Đi Tatsumo giờ này hả ?

- Ở đó mới có thầy lang. Đi ngựa thì chừng nửa đêm sẽ tới.

- Bác gái đau hả ?

- Không. Chủ quán hơi cau mặt. Nếu vợ con thì còn nói gì. Đây là khách qua đường đấy chứ !

- À, người đàn bà nằm trong phòng ấy phải không ? Lúc lấy nước ở suối về tôi có thấy.

Cậu Ngô đỡ lời chị. Lần này đến lượt bà lão cau mặt.

- Phải đấy. Cô ta tạt qua quán nghỉ chân nhưng trông có vẻ sốt nặng. Tôi mời vào phòng trong nằm, đến bây giờ cũng không đỡ. Tôi sợ còn nặng thêm !

Hồ Điểu Anh cắt ngang:

- Có phải cô bé khoảng mười sáu mười bảy tuổi, người mảnh dẻ không ?

- Dạ phải, cỡ tuổi ấy. Cô ấy bảo từ Miyamoto đến.

Bà lão đưa mắt nhìn cậu Ngô rồi lấy tay sờ vào thắt lưng như muốn tìm vật gì. Lúng túng một lát, bà thất vọng kêu lên:

- Thôi rồi ! Lại quên rồi !

- Chị quên gì ?

- Chuỗi tràng hạt. Tuổi già lú lấp quá, bây giờ mới nhớ ra, hình như ta để trên ghế đẩu ở quán trà. Lúc đi vội, quên khuấy mất !

Chủ quán nhanh nhẩu đỡ lời:

- Thế để tôi quay ngựa lại lấy giúp.

- Không sao, không dám phiền bác. Bác đương đi tìm thầy thuốc kia mà. Cứu bệnh như cứu hỏa, chớ nên trì hoãn. Để chúng tôi trở lại lấy cũng được.

Dứt lời, Hồ Điểu Anh liếc nhìn cậu Ngô, rồi bước vội theo đường cũ trở lại quán nước.

Hai người hối hả đi trong bóng chiều bắt đầu đổ xuống nhanh trên thung lũng. Họ thở hổn hển, không ai nói với ai lời nào. Trong thâm tâm, cả hai đã biết chắc đó là Oa Tử.

Sau khi bị nhiễm lạnh vì trận mưa ngoài sân chùa mấy hôm trước, Oa Tử vẫn chưa bình phục. Nàng đã cố gắng rất nhiều để cứu Thạch Kinh Tử và trên đường đi trốn, bản năng sinh tồn đã làm nàng quên hết mệt mỏi. Nhưng từ khi Thạch Kinh Tử bỏ đi, sự chán nản về tinh thần và đau đớn về thể chất đã làm nàng không chịu đựng được nữa.

Cơn sốt hừng hực kéo đến, nàng thất thểu đến gần quán trà, đầu nhức như muốn vỡ, chân tay rời rã.

Oa Tử chỉ nhớ mang máng đã vào trong quán, nhưng không biết tại sao lại nằm đây và nằm đây từ bao giờ. Trong cơn mê sảng, nàng chỉ thấy khát, xin nước uống luôn miệng. Hình như chủ quán có nói gì và cho nàng uống thuốc nhưng Oa Tử không nhớ rõ.

Da khô, miệng đắng, nàng thì thào:

- Có ai đấy không, cho tôi xin hớp nước:

Không thấy trả lời, nàng chống tay ngồi dậy bò ra cửa. Đến bên lu nước, với tay cầm chiếc gáo tre, nàng bỗng nghe ngoài cửa có tiếng động như tiếng liếp sập xuống.

Quán trà tuy lớn nhưng vẫn là một ngôi hàng miền sơn cước, cửa ngõ đến khuya mới khóa, khách vãng lai chỉ cần đẩy chiếc then gỗ cài lỏng lẻo là vào được dễ dàng.

Bà Hồ Điểu và cậu Ngô bước qua ngưỡng cửa. Trong nhà tối đen như mực. Bà lão rỉ tai em:

- Tối quá ! Nó nằm ở đâu vậy ?

- Để tôi đi nhóm lửa. Hồi chiều tôi thấy nó ở bên này.

Khi mồi lửa đã gây xong, ánh sáng vàng vọt càng làm tăng thêm sự trống trải của gian phòng rộng. Hai chị em bước nhẹ sang căn bên:

chiếc chiếu vẫn còn nguyên đó nhưng trên chiếu chỉ trơ trọi một túi vải thô. Oa Tử không còn nằm đấy nữa !

Bà Hồ Điểu nhìn cánh cửa hé mở phía sau và bóng Oa Tử thấp thoáng cạnh lu nước. Bà kêu lên:

- Kia kìa ! Nó kia kìa !

Oa Tử giật mình, tiện tay cầm chiếc gáo ném ngay vào mặt bà lão rồi bỏ chạy xuống đồi, vạt kimono xòe rộng như cánh hạc trắng trong đêm tối. Hồ Điểu Anh vuốt nước lạnh trên mặt, gọi rối rít:

- Cậu Ngô ! Cậu Ngô ! Đuổi theo nó đi !

- Nó chạy rồi hả ?

- Dĩ nhiên nó chạy rồi ! Tại cậu mở cửa làm rơi tấm liếp, nó thấy động chạy mất rồi. Thật chẳng được cái tích sự gì !

Bà dậm chân tức giận, cầm gậy đuổi theo. Trong màn đêm bắt đầu xuống dày đặc ở ven rừng, bóng Oa Tử thấp thoáng trên đồng cỏ gianh như một con nai vừa vượt thoát khỏi tay đám thợ săn tàn ác.

- Không sao ! Chị để tôi. Nó đang ốm mà chân con gái bì với tôi thế nào được. Bắt lại khó gì !

Cậu Ngô hít một hơi dài, phóng theo. Tiếng bà Hồ Điểu chạy sau dặn với:

- Dùng gươm dọa nó chứ đừng giết. Đem nó về đây cho ta hỏi tội !

Nhưng mới được một quãng, cậu Ngô kêu lên kinh ngạc. Hồ Điểu Anh lo sợ hỏi:

- Cái gì thế ?

- Chị coi kìa !

Bà lão chạy đến:

ngay dưới chân hai người, sâu chừng một trượng là một khe đất hở khá rộng chạy dài mãi đến tận khu rừng kế cận, bụi gai và tre chen nhau mọc chi chít.

- Sao ? Nó nhảy xuống đấy à ?

- Vâng. Chắc cũng không sâu lắm !

Hồ Điểu Anh nắm vai câu em lắc mạnh:

- Vậy cậu còn đợi gì nữa ?

Có tiếng sột soạt trong lòng khe như tiếng vải bị xé rách và tiếng chân đạp cành khô tìm chỗ đứng.

- Trời tối như thế, chị thử nhảy xuống coi ! Phải về quán đốt đuốc mới tìm được chứ !

oo Thạch Kinh Tử khoanh tay ngồi trên phiến đá lớn, chăm chú nhìn đồn Hinagura bên kia thung lũng. Chị hắn đang bị giam tai đó. Hắn ngồi từ sáng đến chiều hôm trước, rồi gần như cả ngày hôm nay vẫn chưa tìm được cách gì cứu Ô Nhiên. Hắn nhất định không chịu rời khỏi nơi này khi chưa cứu được chị. Binh sĩ trong đồn có đến trên dưới năm chục người canh gác. Nhìn địa thế xung quanh, cân nhắc đường tiến thoái, hắn thấy khó quá. Sau đồn có khe núi sâu hiểm trở; trước đồn, hai lần cửa gỗ dày kiên cố.

Hơn nữa tứ bề đều là bãi hoang, cỏ thấp và cằn cỗi, không một lùm cây hay bụi rậm khả dĩ len lỏi trốn tránh. Vào một ngày trong sáng như ngày hôm nay, tấn công vào đấy chỉ làm bia cho tên đạn trong đồn bắn ra. Có lẽ phải đợi đến đêm. Nhưng Thạch Kinh Tử quan sát thấy cửa đồn đóng sớm lắm, ngay sau khi mặt trời lặn. Ban đêm, bò đến gần mở cửa, chắc chắn sẽ làm cho đường dây báo động rung các mõ gỗ đánh thức cả đồn dậy. Suy đi tính lại mãi mà không tìm được kế gì tạm gọi là an toàn để lẻn vào đồn một cách êm thấm. Thạch Kinh Tử buồn bã vì bất lực.

“Cách gì cũng nguy hiểm vừa cho chị ta và cũng cho ta nữa. Mà không biết có kết quả gì không !”. Hắn thở dài. “Sao bây giờ ta hèn quá ! Trước đây đâu có vậy, cần gì đắn đo sống chết !”.

Hôm sau hắn lại ra chỗ cũ, ngắm đồn Hinagura, bồn chồn lo lắng. Hắn không dám lại gần, chỉ quanh quẩn bên hốc núi, tự trách mình mất hết can đảm. Chưa bao giờ hắn thấy kém cỏi như vậy, phân vân không biết như thế là hèn nhát hay thận trọng. Hắn đăm chiêu suy nghĩ về những lời khuyên của Đại Quán:

bạo hổ băng hà tử nhi vô hối.

Hắn có một mình phải đương đầu với mấy chục người, thất bại là chết. Hắn chết, chị hắn chết. Hai cái chết vô ích. Hắn trở lại bình tĩnh hơn, tính chất nghiêm trọng của vấn đề làm hắn tự thấy mình có trách nhiệm phải đắn đo, cân nhắc.

Dũng cảm không phải là hung bạo. Đột nhiên hắn thấy rõ ý nghĩa của những lời nói khôn ngoan ấy.

Thạch Kinh Tử thở phào nhẹ nhõm như vừa giải quyết xong được một chuyện khó khăn, như vừa trút bỏ được cái xác nặng nề của một con vật để trở thành người dũng cảm, không ngoan, không bị những hành động hiếu thắng nhất thời chi phối.

Như viên ngọc thô, mạng sống của hắn là một vật báu vô giá, nếu không được giũa mài, viên ngọc chỉ là đồ vô dụng.

Thạch Kinh Tử ngửa mặt nhìn trời cao, màu xanh trong vắt huyền diệu. Tâm hồn hắn hôm nay cũng giống như màu xanh kia, không bị một đám mây thù hận nào làm vẩn đục. Nhưng nghĩ đến chị, lòng hắn lại dạt dào thương xót. Không lẽ để Ô Nhiên cứ bị giam mãi trong đó ! Hắn nhất định cứu chị ra, dù lần này có phải dùng đến những hành động trái với bài học hắn vừa mua bằng nhiều đau thương nhục nhã. Hắn quyết định thi hành kế hoạch.

“Đợi đêm khuya, ta vòng ra sau núi. Ghềnh đá dốc như vậy mà lại hay, chắc chúng ỷ vào địa thế thiên nhiên hiểm trở không canh gác kỹ. Chờ xem động tĩnh ra sao, ta sẽ trèo vào đồn sau”. Vừa nghĩ đến đó, một mũi tên bay đến cắm phập xuống đất, cạnh chỗ hắn ngồi chừng vài bước. Bên kia thung lũng, lính canh lố nhố chỉ trỏ. Chắc chúng đã trông thấy hắn và bắn thử một mũi tên xem phản ứng.

Hắn yên lặng, ngồi nguyên chỗ cũ.

Mặt trời sắp lặn. Từ sau những chỏm núi về phương tây, ánh nắng chiếu lên các tầng mây hắt xuống tỏa ra thành những tia sáng như nan quạt vàng rực. Một con chim bay ngang, Thạch Kinh Tử cầm đá ném. Con vật bất hạnh rơi xuống cỏ, hắn nhặt lên vặt lông ăn bữa chiều. Cắn vào thịt chim bê bết máu và nóng hổi, hắn lại thấy khơi dậy bản năng dã thú, lòng sôi sục đau thương và căm giận, hắn muốn giết.

Tiếng la hét từ chân núi theo chiều gió vang đến tai Thạch Kinh Tử. Một toán chừng hai chục binh sĩ trong đồn cầm vũ khí ào ào leo đường mòn đến gần chỗ hắn đứng. Họ chỉ trỏ bao vây hắn.

- Nó đấy ! Nó đấy ! Bắt lấy nó !

- Thạch Kinh Tử ở Miyamoto đấy. Cẩn thận, nó khỏe lắm !

Thạch Kinh Tử chưa ăn hết con chim. Đưa mắt nhìn toán lính, ánh mắt hắn đầy tức giận như mắt của loài dã thú nguy hiểm bị quấy rối lúc đang ăn.

Hắn ngồi xổm xuống, hai tay quơ hai hòn đá lớn.

- A ...á ...á Sau tiếng thét ghê hồn, hai hòn đá bung ra, thây người ngã xuống. Hàng rào binh sĩ dạt ra hỗn loạn. Bóng Thạch Kinh Tử như lằn chớp phóng xuống chân đồi chạy thẳng đến cổng đồn.

Không ai kịp phản ứng, lúc sau mới ùa theo la hét. Thạch Kinh Tử đã như con hổ bị thương, nhảy đến cổng đồn vượt qua lần cửa thứ nhất. Hắn say máu không để ý đến toán binh sĩ đuổi phía sau, đấm một quả như trời giáng vào đầu tên lính gần đó định nhảy lại cản hắn. Tiện tay hắn nhổ luôn cây cột rào, vung loạn xạ, gặp gì đánh nấy.

Không cần biết là người hay vật, hắn đập liên hồi trong tiếng kêu thất thanh của bọn lính, phá tung lần cổng gỗ thứ hai chạy vào các phòng giam.

- Ô Nhiên ! Chị Ô Nhiên ! Em đây, Thạch Kinh Tử ! Em vào cứu chị ...

Mắt hắn đổ lửa, nhìn láo liên. Phòng nào cửa đóng, hắn lấy cây cột rào đập tan nát. Trong bóng đêm chập choạng, những tiếng kêu đau đớn lẫn với tiếng chân sầm sập chạy tứ tán, điên cuồng như trong một trận hỗn chiến.

- Ô Nhiên ! Ô Nhiên ... ! Ô Nhiên ... !

Không thấy Ô Nhiên, tiếng Thạch Kinh Tử kéo dài và lạc đi như tiếng hú.

Trong bóng tối một gian phòng giam bẩn thỉu, có người đương tìm cách chui ra ngoài. Thạch Kinh Tử nhảy bổ tới, lấy chân chặn cổ. Hình thù nhỏ thó ấy kêu thất thanh, lạy van rối rít. Thạch Kinh Tử nắm cổ áo gã xách lên, gầm như rống:

- Chị tao đâu ? Ô Nhiên đâu ? Không nói tao đập chết !

- Dạ ...dạ ...Ô Nhiên không ở đây nữa, bị giải đi nơi khác rồi.

- Bao giờ ? Ở đâu ?

- Dạ ... hôm kia, đi Himeji.

- Himeji ?

- Dạ phải.

- Mày nói láo tao giết.

Thạch Kinh Tử nắm tóc hắn. Hắn rên rỉ:

- Dạ dạ ... tôi không nói láo ... Tôi thề ...

- Vậy được. Mong mày nói đúng, nếu không ...

Toán lính ập tới cửa. Thạch Kinh Tử tung người đó ra như một võ khĩ, ném vào đầu bọn lính rồi lẩn vào bóng tối nhà giam, thoát ra cửa sau chạy trốn.

Hàng chục mũi tên bắn theo veo véo. Một mũi tên trúng vào vạt áo hắn như một cây kim khâu lớn. Thạch Kinh Tử vụt qua sân, nhảy lên hàng rào rồi nhanh như chớp, vượt ra khỏi đồn. Đằng sau hắn, tiếng súng nổ hồi vang dội trong đêm tối.

Thạch Kinh Tử tụt nhanh xuống ghềnh đá. Hắn nghe văng vẳng lời khuyên của Đại Quán:

“Người hiệp sĩ yêu cuộc sống ... Hung tợn là sức mạnh của loài thú ... Phải sợ những điều đáng sợ ...”.

/85

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status