Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 45: Huyện Bình Nguyên, Thúc Bảo gặp may thoát chết, Chùa Đại Hải, Vạn Nhẫn vì nghĩa quên mình.

/100


Từ rằng:

Gặp may mới biết lòng trời

Khéo dun dủi cứu lấy người thất cơ

Trí tâm đâu dám lọc lừa

Gian hùng hiểm độc, mưu mô hại đời

Mắt xanh, máu lệ tuôn rơi

Anh hùng tụ nghĩa, đầy vơi rừng tùng

Kiên trinh một tấc cô trung

Ngư Dương trận ấy anh hùng chưa nguôi 1

Mắt còn than thở đôi lời

Ân ân, oán oán, ngược xuôi tình người.

Theo điệu "Lâm giang tiên"

Nói cho cùng ra, ở trên đời này, chẳng ai chết hai lần, đó chính là cách nghĩ của bậc trung thần khí tiết, anh hùng hào kiệt. Nhưng còn bọn đố hiền tật năng, đem cả lợi ích quốc gia làm lợi cho riêng mình, chỉ cần thỏa mãn sở thích cá nhân, chẳng cần nghĩ đến giang sơn dân chúng, như Phạm Thư chạy trốn sang Tần, mượn quân Tần đánh Ngụy để báo thù riêng, rồi Ngũ Viên chạy sang Ngô, làm cho Sở điên đảo để trả oán xưa, nếu bàn đến mục đích của hạng người này, thì cũng thế cả thôi. Hãy khoan nói chuyện người đời, khiến họ không đất dung thân, nên họ phải tìm cách đối phó với cách làm, cùng mục đích, hai chuyện khác nhau.

° ° °

Nói chuyện Đơn Toàn, cầm thư của Tần mẫu rời khỏi hang Đậu Tử của Giảo Kim, đi suốt ngày đêm tìm tới quân doanh, vừa may lúc Thúc Bảo đang ở trong trại, nghe tay chân vào thưa:

- Tần phu nhân sai người đưa thư đến.

Thúc Bảo nghĩ ngay đến chuyện mẫu thân bệnh tật gì chăng, giật mình kinh hãi, vội nói:

- Dẫn ngay người đưa thư vào đây!

Thúc Bảo nhìn kỹ, liền nhận ra Đơn Toàn, viên chủ quản quen biết của Đơn Hùng Tín, liền nghĩ: "Nhất định là Đơn nhị ca sai Đơn Toàn đến thăm ta đây mà?". Liền đon đả chào hỏi:

- Hay lắm! Cố nhân đâu rồi, ta cứ băn khoăn không hiểu khách nào, mời vào trong này!

Thúc Bảo dẫn Đơn Toàn vào thư phòng. Đơn Toàn vái chào xong xuôi, Thúc Bảo bèn tiếp:

- Hiền huynh không phải ai xa lạ, ta được gặp hiền huynh cũng như được thấy Đơn viên ngoại vậy thôi.

Rồi sai tay chân lấy ghế dựa, ân cần mời Đơn Toàn ngồi, Đơn Toàn từ chối:

- Xin đứng nói vài câu, còn phải đi ngay!

Thúc Bảo hỏi:

- Có phải Đơn viên ngoại có thư gửi thăm ta chăng?

Đơn Toàn đáp:

- Không phải!

Thấy Đơn Toàn đáp thế, Thúc Bảo đã thấy có chuyện khác thường, liền nói ngay với tay chân:

- Các ngươi hãy mau đi làm cơm rượu lên đây!

Đơn Toàn thấy chung quanh không còn ai khác mới lấy thư của Tần mẫu gói kỹ trong miếng giấy dầu để trong ngực ra, đưa cho Thúc Bảo. Thúc Bảo thấy ngoài viết: "Tần mẫu gửi cho con là Thúc Bảo tự tay mở". Thì hai mắt đã thấy nặng, càng xem càng ngẩn người. Đơn

Toàn nói:

- Phu nhân có nói rằng gia quyến đã bị bắt bớ như thế thì Tần tướng quân tất cũng không tài nào tránh khỏi vạ, không ngờ đến giờ vẫn được yên ổn. Nhưng sợ rằng ngay trước mắt, bọn nha lại Tế Quận, nhất định sẽ làm văn thư, trình rõ chuyện Sĩ Tín giữa đường trốn thoát, đánh bại quan quân, đem gia quyến theo Bá Đương, Huyền Thúy, đều là phường phản nghịch, chuyện càng ngày càng lớn, thì dẫu Trương Thông Thủ có bênh vực nữa, thì cũng khó mà cãi lại trăm người đều nói như một.

Thúc Bảo nghe nói thế, lòng ngổn ngang trăm mối, chưa biết nên đối phó ra sao, thì lại thấy tay chân vào thưa:

- Có người nhà là Lã Minh đang đứng chờ bên ngoài.

Thúc Bảo vội giục:

- Dẫn ngay vào đây.

Lã Minh vào, thấy Thúc Bảo, vừa quỳ lạy vừa khóc. Thúc Bảo nóng lòng:

- Ta biết rồi, ngươi hãy kể lại rõ ràng xem nào.

Lã Minh đứng dậy thưa:

- Ban đầu Chu Quận thừa đến bắt gia quyến. La tướng quân không cho. Chu Quận thừa bèn lập kế, bắt trói La tướng quân, tối đến nhà bắt cả gia quyến. Ngay đêm hôm đó, tiểu nhân trốn đi báo cho đại nhân, nhưng cửa thành không cho ai ra, chỉ để bọn quan quân giải ngay La tướng quân cùng gia quyến đi. Mãi đến gần trưa, bọn quan quân này trở về, trình La tướng quân đã trốn được, lấy đá lớn đánh chết bảy tám đứa cả lính cả quan. Cửa thành càng được canh giữ nghiêm ngặt. Chẳng ngờ đến sáng ngày hôm sau, thì Chu Quận thừa bị giết ngay tại phủ đường, một viên thư lại già bị giết ngay ở cổng miếu thổ địa, lúc này cửa thành rộng mở, tiểu nhân mới ra được để đi tìm đại nhân. Chỉ sợ ngay chiều nay sẽ có văn thư đến soái phủ của Trương Thông Thủ rồi.

Thúc Bảo nói:

- Bây giờ ta phải làm gì đây! Ta cũng muốn đem thân này đền nợ nước, sau đó báo ơn tri kỷ, chẳng ngờ xảy chuyện tày trời. Tấm lòng của ta giờ chỉ có thể giãi bày với trời cao nữa thôi.

Đơn Toàn bàn:

- Tướng quân đừng nói chi việc giãi bày. Bọn thù oán với tướng quân còn ở triều đình, dẫu có hàng trăm Trương Thông Thủ, cũng chẳng gỡ nổi cho tướng quân. Thêm chuyện đang đêm giết quan, cắt cổ lại đâu chỉ liên lụy riêng gì La tiểu tướng. Nếu cứ do dự, chuyện đến chân rồi, thì ngay cả Trương Thông Thủ giữ cho riêng ngài cũng khó. Tính mạng của tướng quân thật nguy khốn không chừng, nói gì đến chuyện cảm tạ tri kỷ cho được. Nay nhân lúc sự chưa vỡ lỡ, chi bàng dẫn quân bản bộ của tướng quân cùng về sơn trại. Với võ nghệ tuyệt luân của tướng quân, lại có thêm anh em phò trợ, lớn thì thành vương, nhỏ thì thành bá. Sao lại chịu ngồi ngậm miệng để chờ bị giết sao?

Thúc Bảo nghe ra, thở dài mà than:

- Ta nay bất hạnh mà gặp chuyện tang thương dâu bể này, kéo cả nhà đi làm phản, còn lòng nào mà kéo cả binh lính cùng làm giặc nữa. Ta chỉ viết một lá thư, từ biệt Trương Thông Thủ, đêm nay cùng hiền huynh trốn đi, chỉ cốt sao mẹ con cùng đoàn tụ là tốt rồi.

Một mặt bày rượu khoản đãi Đơn Toàn, còn mình thì ngồi cạnh viết thư để lại cho Trương Thông thủ, thư viết rằng:

Xin trình dưới trướng ân chủ Trương Thông Thủ đại nhân:

Quỳnh này đội ơn mắt xanh đại nhân thương đến đã hơn năm nay, cứu Quỳnh này khỏi vạ chết trước mắt. Nhưng mong lấy da ngựa bọc thây để báo ơn riêng đó, nhưng lúc tuổi trẻ nghĩa hiệp, giết kẻ quyền thế dâm ác ở Trường An, nên kết oán ngày càng sâu với Vũ Văn Thuật. Gần đây định khép Quỳnh này vào cùng một bọn với nghịch đảng, may được ân chủ chiêu tuyết đỡ cho, nhưng khổ thay, bọn cừu thù lại bắt cả gia quyến, trói giải trên đường về kinh, thế cũng đủ thấy lũ này thật hiểm độc khôn lường, chưa giết được Quỳnh này, chưa chịu thôi. Nghĩa đệ Sĩ Tín không cam chịu, phá cũi sổ lồng, trốn theo thảo dã. Việc tuy chẳng có tay Quỳnh này, nhưng thực lại chồng thêm tội cho Quỳnh vậy! Quyền gian tại triều, biết được việc này, tất không thoát khỏi tử tội, lại thêm lão mẫu lưu lạc, lòng không thể nào yên. Cũng là cẩn thận học theo Từ Thứ về Tào 2 nhưng ngửa trông thì phụ ơn sâu của ân chủ, lòng những thẹn thùng.

Mong rằng nước bèo trôi dạt, vẫn còn có lúc, dẫu đầu lìa khỏi cổ, cũng mong được báo ơn này.

Cũng là chuyện bất đắc dĩ phải làm, xin được ân chủ xét soi cho.

Mạt tướng Tần Quỳnh cúi đầu lạy. "

Thúc Bảo viết xong, dán kín lại, ngoài đề: "Trình dưới trướng Trương đại nhân", rồi đặt ngay trên án, chận kỹ, đem những vàng bạc mà mình được thưởng lâu nay, bỏ vào khăn gói, xách đôi giản, cùng Đơn Toàn, Lã Minh với tay chân thân tín bốn năm người, lên ngựa, ra khỏi quân doanh, nói với bọn quản doanh:

- Trương đại nhân có văn thư, lệnh cho ta đi xem xét địch tình, hai ngày sau mới về, phải để tâm xem xét quân doanh cẩn thận, không được náo động.

Rồi cả bọn cưỡi ngựa đi ngay.

Chính là:

Thân này mày thoát lưới giăng

Lòng vương mây trắng mấy tầng xa xa.

° ° °

Lại nói chuyện đoàn lâu la của Địch Nhượng, Hùng Tín về đến Ngõa Cương, gặp Huyền Thúy, Mậu Công. Hùng Tín đem chuyện Tần mẫu bị bắt, Sĩ Tín thoát khỏi xe tù, gặp Vưu Thông, Giảo Kim về hang Đậu Tử... kể lại. Huyền Thúy nói:

- Cứ từ những chuyện này mà luận ra, thì Thúc Bảo đại huynh sớm muộn gì rồi cũng phải nhập bọn với chúng ta. Nhưng còn Tần mẫu ở chỗ Giảo Kim, lẽ nên đón lên Ngõa Cương này để mẹ con sớm được đoàn tụ.

Mậu Công bàn thêm:

- Việc này chưa vội lắm, vì chưa chắc Vưu Thông, Giảo Kim đã chịu để Tần mẫu đi. Hãy cứ đợi Thúc Bảo đến đã, ta sẽ bàn cũng chưa muộn, Gần đây có người đến mách, ở Vinh Dương thuộc Lương Quận, buôn bán thịnh vượng. Ta người ngày càng nhiều, lương thảo dự trữ cũng phải lớn hơn, ai có thể tới đó kiếm ít nhiều, làm giàu thêm cho sơn trại.

Địch Nhượng đáp:

- Tiểu đệ đi có được chăng?

Mậu Công đáp:

- Đại huynh mà đi, thì nên để Huyền Thúy, cùng với Bá Đương, Đương Nhân, dẫn hai nghìn người ngựa đi trước, đại huynh cùng Nguyên Chân, Như Khuê, dẫn hai nghìn người ngựa theo sau tiếp ứng, thế mới là kế vạn toàn.

Lại nói với Hùng Tín:

- Xin nhị ca ở lại sơn trại, còn có chuyện phải bàn, Hai cánh người ngựa lục tục lên đường. Mậu Công sai người dò thăm tin tức Thúc Bảo, thì thấy Đơn Toàn trở về thưa:

- Tần đại huynh viết thư từ biệt Trương Thông Thủ, bỏ quân doanh, về hang Đậu Tử, gặp Tần mẫu rồi.

Hùng Tín hỏi:

- Sao không mời Tần hiền huynh về đây đã rồi hãy cùng đến đón Tần mẫu.

Mậu Công lên tiếng:

- Thúc Bảo nóng lòng gặp mẫu thân, so sao được với chuyện bạn bè, nên trước tìm đến đó là phải lễ. Giờ xin nhờ Đơn viên ngoại cùng Nhuận Phủ tới hang Đậu Tử một phen.

Rồi ghé tai Hùng Tín, nói nhỏ mấy câu, Hùng Tín gật đầu rồi cùng Nhuận Phủ lên đường.

° ° °

Lại nói Thúc Bảo chia tay với Đơn Toàn, cùng với Lã Minh và mấy tay chân thân tín, sợ đi đường lớn gặp người quen, cho nên cứ theo đường mòn mà đi, qua Trường Gia phố, chuyển sang Độc Thụ Cương, bỗng nghe có tiếng người gọi đằng sau:

- Có phải Tần đại huynh phía trước không?

Thúc Bảo dừng ngựa, quay lại nhìn, thì thấy Hùng Tín cùng Nhuận Phủ, đem theo hai ba chục lâu la, đang ruổi ngựa đi tới. Thúc Bảo vội vàng xuống ngựa, Hùng Tín, Nhuận Phủ cùng xuống ngựa.

Hùng Tín cầm tay Thúc Bảo hỏi:

- Hiền huynh lập được nhiều công lớn cho nhà Tùy lắm phải không?

Thúc Bảo đáp:

- Cũng chẳng buồn nói tới chuyện này nữa. Xin tới sơn trại của Trình Giảo Kim sẽ kể tỉ mỉ. Đơn nhị ca định đi đâu bây giờ?

Hùng Tín đáp:

- Cũng chẳng có việc gì khác, Đơn Toàn quay về, nói rõ mọi chuyện, Hùng Tín này tìm tới đây để chờ hiền huynh vậy thôi.

Mọi người đều lên ngựa, thấy một người trên sườn núi phi ngựa bay xuống, trông thấy Thúc Bảo, liền lớn tiếng:

- Hay lắm! Đại ca đến rồi!

Thúc Bảo nhận ra Sĩ Tín liền vội hỏi:

- Hiền đệ, mẫu thân sức khỏe ra sao?

Sĩ Tín đáp:

- Sức khỏe bá mẫu nay vẫn bình thường, chỉ có quá lo cho đại ca, ngày bắt tiểu đệ ra đường trông ngóng ba lần. Nay thì tha hồ mà mừng, tiểu đệ xin chạy về báo trước, đại ca cùng mọi người cứ thong thả về sau.

Nói rồi, quay ngựa phi về sơn trại. Tần mẫu được tin, muốn trông thấy mặt Thúc Bảo ngay bèn dắt cháu Hoài Ngọc, Trương Thị, Trình mẫu cùng đi ra tận Nghi Đường đón Thúc Bảo. Trương Thị thấy trên Nghi Đường đông người, vội nép sau mọi người cùng vào.

Vưu Thông cùng Giảo Kim ra đón Thúc Bảo, Hùng Tín, chào hỏi xong xuôi, Thúc Bảo mới thấy mẫu thân ra vội vàng bái lạy, thấy Trình mẫu lại lạy chào. Trình mẫu cầm tay Thúc Bảo mà xuýt xoa:

- Thái Bình Lang, về sớm một ngày là đỡ một ngày, nếu chậm vài hôm nữa, thì cháu làm cho mẫu thân đến héo mòn vì trông đợi.

Tần mẫu thấy được con về quỳ lạy dưới gối, mắt nhỏ giọt ngắn dài, nói với Thúc Bảo:

- Con đứng dậy đi? Người đứng ở kia, có phải là Đơn viên ngoại không?

Thúc Bảo đáp:

- Đúng rồi?

Hùng Tín cùng Nhuận Phủ thấy Thúc Bảo đã đứng dậy, cả hai liền lại chào Tần mẫu, thăm hỏi Trình mẫu. Tần mẫu gọi Hoài Ngọc lại, bái nhận Hùng Tín là bác, hỏi Hùng Tín:

- Lệnh ái có lẽ đã lớn nhiều rồi?

Hùng Tín đáp:

- Cháu tên là ái Liên, lớn hơn Hoài Ngọc này một tuổi. Tuy cũng còn nhỏ, nhưng cùng đã hiểu biết ít nhiều.

Tần mẫu tiếp:

- Nhất định là xinh đẹp, nết na lắm!

Trình mẫu cười nói với Tần mẫu:

- Ngày tháng trôi mau, mới lúc nào Thái Bình Lang cùng Giảo Kim còn nhỏ xíu mà nay đã vợ con. Cả cháu Hoài Ngọc này nữa cũng đã lớn từng này rồi!

Giảo Kim gắt:

- Mẫu thân, nay Tần đại ca đã làm quan rồi, sao mẫu thân vẫn còn gọi cái tên thời để tóc trái đào ấy?

Trình mẫu cười:

- Chỗ đi lại thân thiết, dẫu Thái Bình Lang có làm tới hoàng đế chăng nữa, thì ta cũng chẳng sợ, cũng chỉ gọi thế đấy thôi.

Ai nấy cả cười, Tần mẫu nói với Thúc Bảo:

- Con hãy vào trong kia gọi Trương Thị ra đây, rồi chúng ta cùng về trại sau.

Rồi cùng Trương Thị chuyện trò một lát, thì đã thấy trong Nghi Đường đã bày cơm rượu sẵn sàng. Vưu Thông mời mọi người ngồi vào, nâng chén chúc mừng gặp gỡ. Vưu Thông hỏi Thúc Bảo về chuyện chinh Liêu đã qua, Thúc Bảo kể qua một lượt, ai nấy đều ngậm ngùi phàn nàn, Thúc Bảo hỏi Vưu Thông:

- Vưu viên ngoại đang sống yên ổn ở Vũ Nam trang, sao lại bỏ lên đây?

Giảo Kim vội đáp:

- Cũng bởi chuyện ở rừng Trường Điệp rối tung lên, nên Vưu viên ngoại mới phải lên đây, nếu không đời nào viên ngoại chịu đi, để cùng chúng tiểu đệ làm những chuyện này.

Vưu Thông cãi:

- Cũng không phải thế, Đơn nhị ca có Nhị Hiền trang còn đường hoàng hơn nhiều, nay thấy bọn Huyền Thúy như vậy, cũng kéo lên Ngõa Cương cả. Thì cũng là anh em chúng ta tìm cách gây dựng nghiệp cho mỗi người chứ?

Nhuận Phủ tiếp:

- Thời thế như thế này, chẳng cần sơn trại, mà ngay ở miếu đường cũng vậy thôi, phải cùng nhau đồng tâm góp sức, thì mới có thể làm nên. Vì vậy, anh em chúng ta cũng nên dồn về một nơi mới là kế lâu dài.

Giảo Kim đáp:

- Nay đã có Tần đại ca, lại có thêm cả Đơn viên ngoại, cùng họp mặt ở đây, vốn là anh em tâm phúc cả, ta hãy cùng nhau gây dựng thật lớn, thua gì Ngõa Cương nào. Địch đại huynh làm được hoàng đế, thì Tần đại ca, Đơn viên ngoại sao lại không làm được hoàng đế?

Mọi người được dịp cười vang, rồi cùng nhau nâng chén say sưa mãi cho tới trăng lên đầu ngọn cây.

Sáng ngày hôm sau, ai nấy đang ngồi ở Nghi Đường chuyện trò, thì thấy lâu la vào báo:

- Ở Ngõa Cương sai người tới, cần gặp Đơn đại vương.

Hùng Tín vội sai tay chân ra dẫn vào. Chẳng bao lâu, một tên lâu la vào thưa:

- Từ đại vương có một phong thư mật, sai tiểu nhân đưa tận tay Đơn đại vương:

Hùng Tín cầm, xé ra xem thì thấy trong thư viết:

"Vừa ngày hôm kia do thám kỹ lưỡng, nghe nói Đông Đô cho lệnh cho Hà Bắc Thảo bộ đại sứ Bùi Nhân Cơ, lãnh hai vạn binh mã, hiệp đồng cùng Sơn Đông Thảo bộ đại sứ Trương Tu Đà, để tiễu phạt lũ phản nghịch Lý Mật, Vương Bá Đương, cùng là truy bắt bọn Tần Quỳnh vì tội giết quan, sát lại, tóm hết gia quyến cùng quét sạch sào huyệt. Sắp tới thế nào hai viên tướng này cũng kéo đến. Đơn nhị ca tức tốc hồi trại để bàn kế cự địch. Hai vị Vưu, Trình cũng phải định sẵn mưu sách. Thúc Bảo đại huynh, lâu nay khát khao gặp gỡ, chưa được bái chào, nếu cùng về càng hay, rất mong, rất mong!"

Hùng Tín đọc to một lượt, mọi người đều kinh ngạc. Giảo Kim cất tiếng:

- Việc gì phải lo nghĩ nhiều, chờ chúng nó tới đây, cứ vác hai lưỡi búa sắt này, cho chúng nó một trận biết tay nhau.

Thúc Bảo nói:

- Giảo Kim hiền đệ không nên bàn đại khái cho xong việc. Trương Tu Đà vừa hữu dũng hữu mưu. Bùi Nhân Cơ lại là một viên túc tướng, cả hai đều kéo theo hai vạn binh mã, sức có thể lật núi lấp biển. Giờ ở sơn trại này, nếu tính cả anh em Sĩ Tín này nữa, chỉ có bốn người. Gia quyến Đơn nhị ca cùng Nhuận Phủ lại đều ở Ngõa Cương, nên nhất định còn về Ngõa Cương trông coi. Mấy người như thế này, xếp đặt ra sao?

Vưu Thông bàn:

- Trước đây Địch đại huynh cũng có gửi thư tới, mời anh em chúng tôi, nhân lúc ấy cả hai vị Tần, Đơn đều chưa lên sơn trại, nên chúng tôi không nghe. Nay Đơn viên ngoại gia quyến đã ở Ngõa Cương. Tần đại huynh cùng gia quyến lại hiện đang ở dây, sao không nghĩ tới chuyện hai nơi dồn một, lâu chóng thế nào, xin tùy anh em bàn bạc.

Thúc Bảo tán đồng:

- Như thế thì tốt rồi? Nhưng không hiểu nhà ở trên Ngõa Cương, liệu có đủ chăng?

Hùng Tín đáp:

- Hùng Tín này mới tới sơn trại, thì đã thấy mọi người dựng liền một lúc ở hậu trại bốn năm chục gian nhà, phía trước còn xây thêm cả bờ đập, gác cao, các nhà kho, rào tường, đều được tu bổ thường xuyên. Chẳng nói gì ba bốn nhà, mỗi nhà mấy gian liền cũng vẫn đủ chán.

Giảo Kim giục ngay:

- Nếu đã như vậy, chúng ta mau thu thập đi thôi!

Hùng Tín nói với Nhuận Phủ:

- Hiền đệ về ngay Ngõa Cương, báo cho Từ Mậu Công biết trước, ba vị ở đây cùng gia quyến sẽ cùng về sơn trại sau.

Nhuận Phủ vội lên ngựa đi ngay. Vưu Thông, Giảo Kim cùng Thúc Bảo sai phái gia đinh, thu thập tế nhuyễn riêng tư, cắt đặt lâu la đóng gói lương thảo, rồi cả đoàn khoảng hơn hai nghìn người, cùng kéo về nhập với anh em ở Ngõa Cương.

Chính là:

Cọp mạnh thêm nanh vuốt

Rồng thiêng gặp gió mây.

° ° °

Lại nói chuyện Địch Nhượng, Lý Mật kéo hai cánh người ngựa, đi cướp lương thảo của bọn khách thương, đồng thời chiếm thành, lấy đất nên thanh thế ở Ngõa Cương càng ngày càng mạnh mẽ, rộng lớn. Lúc này Trương Thông Thủ vẫn còn ở Bình Nguyên, nhân ba bốn ngày không thấy mặt Thúc Bảo, nghĩ rằng Thúc Bảo ốm đau ra sao, liền sai Phàn Kiến Uy tìm đến quân doanh Thúc Bảo xem sao. Quản doanh thưa:

- Hai ngày trước đây, Trương đại nhân sai Tần tướng quân đi do thám địch tình chưa về.

Kiến Uy vội quay về thưa với Trương Thông Thủ, Thông Thủ băn khoăn:

- Ta có sai đi đâu bao giờ? Có chuyện gì khác thường đây!

Đang bàn luận, Tế Châu sai người đưa công văn tới, mở ngay ra xem. Thông Thủ kinh hoàng vội nhảy lên ngựa, cùng Kiến Uy, Vạn Nhẫn phi ngay đến quân doanh Thúc Bảo, vào thư phòng thấy phong thư trên án. Trương Thông Thủ vội xé ra xem, kinh ngạc nói:

- Thì ra Thúc Bảo oán cừu với Vũ Văn Thuật, nên bị họ Vũ Văn mấy lần tìm cách hãm hại, cuối cùng phải bỏ ra đi. Khá tiếc cho con người này, vừa có dũng vừa có mưu, một kẻ giúp việc đắc lực cho ta. Nay Thúc Bảo đã đi rồi, ta làm thế nào đây?

Về đến soái phủ, làm công văn phúc đáp phủ Tế Châu, lại thấy thánh chỉ điều sang làm thông thủ Vinh Dương, lệnh tiễu trừ bọn Địch Nhượng. Trương Tu Đà đành đem theo bọn Kiến Uy, Vạn Nhẫn cùng bộ hạ người ngựa, về Vinh Dương nhận chức. Kiến Uy, Vạn Nhẫn tuy xuất thân ở chốn công môn, nhưng bản lĩnh sao bằng Thúc Bảo. Cả hai cùng đều là bậc trượng phu nghĩa khí, vốn thân thiết cùng Thúc Bảo, thuở Trương Tu Đà đang còn làm quận thừa, cũng đã nhiều lần giúp đỡ tận tâm, nên giờ nghiễm nhiên trở thành tay chân tin cẩn của Trương, cùng nhau bàn cách tấn công Địch Nhượng. Nhưng không ngờ anh em Ngõa Cương cũng không phải kém cạnh gì ai, chỉ riêng một cánh quân của Huyền Thúy, chỉ gồm hơn một nghìn người ngựa, đánh phá cửa Kim Đề xong, kéo tới tiếp viện cho Vinh Dương. Giữa lúc Địch Nhượng đang coi sóc lâu la bao vây thành, bất ngờ Trương Thông thủ, theo sau là Kiến Uy, Vạn Nhẫn, cùng năm trăm tinh binh, mở cửa thành xông ra.

Địch Nhượng tuy dũng cảm, cũng không địch nổi ngọn thần thương của Trương Thông thủ, thần xuất quỷ một, Nguyên Chân, Như Khuê cũng đành bỏ chạy. Địch Nhượng bị cả hai Kiến Uy cùng Vạn Nhẫn hiệp sức đánh, phải ruổi ngựa chạy dài. Trương Thông thủ đuổi theo đến hơn mười dặm, may được đội quân của Huyền Thúy, Bá Đương kéo đến tiếp viện, Trương Thông thủ mới rút quân quay về.

Ngày hôm sau, Huyền Thúy bày mưu: xếp người ngựa mai phục bốn phía. Địch Nhượng dẫn quân dụ Trương Thông thủ đến chùa Đại Hải, thì thấy hai bên rừng hò hét xông ra, Huyền Thúy, Bá Đương, Đương Nhân cầm đầu. Kiến Uy cùng Vạn Nhẫn đã biết Huyền Thúy, Bá Đương ở lần chúc thọ Tần mẫu nhưng đến lúc quan hệ đến tính mạng cũng chẳng còn cách nào khác, phải cùng Trương Thông thủ phá vòng vây mà thoát, thì không thấy Vạn Nhẫn đâu cả. Trương Thông thủ ra lệnh:

- Phải đợi ta vào tìm Vạn Nhẫn đã!

Kiến Uy cùng Trương Thông thủ lại phải xông vào vòng vây, thấy Vạn Nhẫn bị bọn lâu la bắt trói chặt, rồi chập mấy cây trường thương lại khiêng đi. Trương Thông thủ vội xông tới, giơ thương đâm ngã mấy lâu la, khỏi vòng vây lại chẳng thấy Kiến Uy đâu. Trương Thông thủ lệnh cho bộ hạ:

- Hãy đưa Đường Vạn Nhẫn về thành, ta phải quay vào tìm Kiến Uy đã, chứ không thể về một mình được!

Lúc này Trương Thông thủ đã mỏi mệt lắm rồi, nhưng cũng vì thương tiếc kẻ dưới trướng tận tụy, nên lại cố quay vào vòng vây lần nữa, không ngờ trước đó Kiến Uy ngã ngựa, bị ngựa xéo chết, tìm sao cho được. Huyền Thúy lúc đầu thấy Kiến Uy cùng Vạn Nhẫn ở bên phía Trương Thông thủ, cũng đã có ý "ném chuột tránh đừng vỡ đồ quý", đã có nghiêm lệnh không được dùng cung tên. Nay thấy Trương Thông thủ chỉ một người một ngựa, lập tức lệnh bốn phía cùng chĩa cung tên vào, kín đặc như một đàn ong, dù Trương Tu Đà có kín người khôi giáp đi nữa, cũng chằng thể nào che hết được. Khá thương cho Trương Thông thủ, một lòng vì nước vì dân, một mực dũng cảm trung trinh, cũng đành bỏ mạng nơi chiến địa?

Chính là:

Sông Vị ánh sao chìm

Đài mây việc đành hỏng.

Địch Nhượng, Huyền Thúy bắn chết được Trương Thông thủ, đại thắng trở về. Từ Nội Hoàng, Vi Thành cho đến Ung Khâu, giờ thuộc bọn anh em Ngõa Cương, Huyền Thúy sai người về sơn trại báo tin thắng trận, hào kiệt nghe tin, đều vỗ tay vui mừng. Chỉ riêng Thúc Bảo, nghe tin Trương Thông thủ tử trận, không ngăn được nước mắt mà nghĩ: Thông thủ đãi ta vừa có tình vừa có lễ, những mong mình cùng họ Trương hoạn nạn cùng chịu, vinh hoa cùng chia. Khó khăn thì họ Trương đã đứng ta cáng đáng thay mình, ơn nghĩa bao nhiêu. Không ngờ xảy ra chuyện này, mình lại bỏ đi tìm lấy riêng đường sống, để đến nỗi họ Trương bị người khác giết chết. Thế là thây phơi chiến địa, xương cốt không biết giờ ra sao? Liền đứng dậy nói với Hùng Tín:

- Đơn nhị ca, tiểu đệ từ khi về đây, chưa một lần ra mắt Địch đại huynh, tưởng cũng có chỗ không tiện. Xin cho tiểu đệ đi Vinh Dương, để gặp Địch đại huynh, cũng là chào hai hiền đệ họ Lý họ Vương một lần, liệu có nên chăng?

Mậu Công thay lời:

- Xin đại huynh cứ đi. Cả chúng tiểu đệ cũng xin theo, nay nhiều quận huyện quy thuận, ở đấy Địch đại huynh không đủ người lo liệu, chúng ta cần phải theo giúp một tay. Ở đây thành quách kiên cố chỉ cần một hai vị trông coi là đủ rồi. Vưu Thông viên ngoại, vốn là một điền chủ giàu có, xin ở lại giữ trại cùng với Cự Chân, cũng là trông coi gia quyến mọi người. Lại cử thêm Đơn Toàn làm tổng lãnh cho viên ngoại, trông coi lũ lâu la trên sơn trại, ngày đêm tuần tiễu sau trước, lo việc xuất nhập lương thực, khí giới.

Xếp đặt xong xuôi, Mậu Công, Quốc Viễn, Giảo Kim, Nhuận Phủ làm tiền đội, Hùng Tín, Thúc Bảo, Sĩ Tín làm hậu đội, đều trang bị cung tên nhẹ nhàng, lên ngựa, dẫn lâu la rời khỏi Ngõa Cương.

Đến địa phận Trinh Châu, thì thấy tiêu mã báo người ngựa của Địch Nhượng đang đi tới. Thì ra Địch Nhượng cùng Huyền Thúy, sau khi tiến công Dĩ Thủy, Trung Mâu, thu được rất nhiều ngọc lụa, đàn bà con gái, đang muốn quay về Ngõa Cương say sưa một chuyến, nên Địch Nhượng liền chia quân cho Huyền Thúy rồi lên đường về sơn trại trước. Hai cánh quân gặp gỡ. Địch Nhượng lâu nay đã nghe danh Thúc Bảo nên chào hỏi rất thân thiết, Hùng Tín hỏi sự tình, biết Địch Nhượng có ý quay về Ngõa Cương, bèn nói:

- Địch đại huynh này, nếu chúng ta chỉ nghĩ tới việc làm cường đạo để cả đời ít ngọc lụa cùng mấy cô gái đẹp, thì đúng là chỉ cần đóng giữ ở Ngõa Cương cũng được. Nhưng định mưu đồ vương bá, thì phải cùng với Huyền Thúy, bàn cách chiếm cứ lấy châu huyện đã hàng phục mới xong.

Địch Nhượng nghe thế, nhưng cũng chưa ưng thuận ngay, lại thấy tiêu mã thưa tiếp:

- Lý đại vương đã thu phục được vùng Hàn Thành, được rất nhiều kho tàng, Lý đại vương nghe tin các đầu lĩnh kéo binh mã xuống núi, sai tiểu nhân thưa cùng Đơn đại vương, nếu có Tần Quỳnh cùng đi, thì xin dẫn ngay binh mã tới cùng Lý đại vương gặp gỡ.

Hùng Tín đáp:

- Biết rồi!

Vì vậy Địch Nhượng cũng đành thôi hẳn ý định về Ngõa Cương mà cùng kéo quân đi gặp Huyền Thúy. Qua đường Vinh Dương, Tần Thúc Bảo liền nhờ Liên Minh tìm thi thể Trương Tu Đà, thì biết rằng bọn bộ hạ bởi cảm ơn nghĩa Thông thủ họ Trương đã khâm liệm đâu đấy cùng với quan tài của Phàn Kiến Uy, đều đang được quàn trong chùa Đại Hải. Thúc Bảo bèn nói với Hùng Tín:

- Phiền nhị ca nói với Địch đại huynh, xin chư vị cứ dẫn quân đi trước, tiểu đệ xin ở lại đây một hai ngày.

Hùng Tín biết ý, nói ngay với Địch Nhượng, mọi người tiếp tục lên đường, còn lại mỗi Hùng Tín, Thúc Bảo cùng Sĩ Tín. Ngày hôm sau, sai tay chân bày biện đủ lợn dê cùng các thứ đồ lễ khác trong chùa Đại Hải, chính giữa hương án là bài vị, ghi rõ: "Tùy triều, cố Thông thủ Vinh Dương Trương Công chi vị". ở bên cạnh cũng thêm một bài vị viết: "Tùy triều, tử tiết thiên tướng Tế Châu Phàn Hổ chi cữu" Thúc Bảo cùng Sĩ Tín không ngăn nổi thương cảm, ngay cả Hùng Tín cũng không giữ nổi thổn thức.

Ba người đương lúc than vãn, thấy bên ngoài có đến bốn năm chục người khoác mũ áo tang trắng, tiến vào. Sĩ Tín trông ra, chưa rõ người xấu người tốt ra sao, tuốt ngay kiếm quát lớn:

- Các người kéo đến đây làm gì?

Bọn người này đáp:

- Chúng tôi cảm ơn sâu của ân tướng, rủ nhau đến đây trông coi linh cữu, sau lễ một trăm ngày, sẽ mỗi người đi mỗi nơi. Hôm nay biết được Tần tướng quân tới tế lễ, vì vậy tới để gặp mặt.

Thúc Bảo mời mọi người vào, thầm nghĩ: "Binh lính là phường dân đen nghèo khổ, mà hãy còn nghĩa khí như thế, ta là loại người gì mà dám vong ân bội nghĩa?" Liền mặc áo tang, đồ lễ cũng đã bày biện tươm tất, Thúc Bảo cùng Sĩ Tín vào tế, khóc lóc một hồi, bọn lính tráng đứng sau cũng dậm chân, lăn lộn ra đất khóc than, tiếng vang cả ra bên ngoài. Hùng Tín cũng ăn mặc chỉnh tề bước vào vái lạy. Đang lúc lộn xộn như thế, thấy bên ngoài một người đi vào, đầu đội mũ gai, nước mắt ngắn dài, theo sau là mấy người bạn bè, tiến vào trước linh cữu. Bọn lính mặc áo tang đứng đó, nhận ra, bảo nhau:

- Đường tướng quân đến!

Thúc Bảo lúc này mới nhận ra Đường Vạn Nhẫn, liền cầm tay Vạn Nhẫn nói:

- Hiền đệ tới đúng lúc lắm!

Vạn Nhẫn như không trông thấy, cũng không nghe thấy, điềm nhiên tới trước linh sàng khóc lớn, vừa gõ vào hương án vừa kể:

- Tướng công lúc sống chính trực, lúc mất thần minh. Đường Vạn Nhẫn này vốn bậc tiểu nhân. Ơn được tướng công lấy vào dưới trướng, đặt trên những người khác. Mấy năm gần đây, cùng nhau chia đắng xẻ bùi, nhường cơm cởi áo, ơn nghĩa của tướng công đến thế là cùng cực. Vẫn biết người tướng công yêu dấu hơn còn lắm kẻ, nhưng vì chúng tôi hai người mà rút kiếm dấn thân, để đem lại cái sống chúng tôi, nhưng tướng công thì lại mất giữa trận tiền, Đường Vạn Nhẫn này đâu dám yên tâm trộm sống, khi mà tướng công đã không còn ở đời!

Thúc Bảo đứng ở bên cạnh, thấy Vạn Nhẫn vừa khóc vừa than đến mấy câu cuối, như người mất hồn, điệu bộ ngơ ngẩn, không ai dám lại can để khuyên nhủ một lời. Hùng Tín cùng bộ hạ cũng nước mắt ngắn dài, thấy dáng điệu Thúc Bảo đầy vẻ thảm thương, nên đang định tiến lên an ủi Vạn Nhẫn, thì thấy Vạn Nhẫn gõ mạnh vào hương án mà tiếp:

- Ân tướng! Ngài vốn là thần, tất linh thiêng, Đường Vạn Nhẫn này đã không được cùng chết ở chiến trường, hôm nay xin được theo ngài về nơi địa phủ.

Nói xong, chỉ thấy ánh kiếm sáng loáng, người đã ngã lăn ra phía sau, kiếm văng một nơi, máu phun đầy đất. Thúc Bảo vội ôm lấy thi thể mà gào lớn:

- Đường Vạn Nhẫn hiền huynh, hiền huynh tìm được một cái chết thật xứng đáng! Hiền huynh đã cùng ân tướng về tuyền đài cả. Tần Quỳnh này cũng xin được học theo gương hiền huynh!

Nói rồi nhặt ngay thanh kiếm của Vạn Nhẫn vừa rơi, định đâm vào cổ, phía sau Sĩ Tín vội ôm lấy mà hét lớn:

- Đại ca ơi! Đại ca quên mẹ già rồi sao?

Sĩ Tín giằng ngay lấy kiếm, đưa cho thủ hạ mang đi chỗ khác, Thúc Bảo khóc lóc một hồi, xếp đặt lính tráng, lo liệu việc tống táng. Sau đó phân phát đồ tế, rồi cùng với Hùng Tín, Sĩ Tín, lên đường đuổi theo bọn Mậu Công.

Chính là:

Nào đòi đáp nghĩa bụi lau 3

Kia danh Phiếu mẫu phải nào hư danh.

--------------------------------

1Nể Hành, tức Nể Chính Bình thời Tam Quốc, nổi tiếng đức hạnh. Tào Tháo mời đến làm nhục. Nể Hành cởi truồng đánh trống theo điệu Ngư Dương, "nhịp nhàng nghe hay lắm, ầm ầm như có cả tiếng chuông tiếng khánh đua theo. Khách ngồi ăn yến ai nghe cũng phải bi thương rỏ nước mắt". (Tam Quốc diễn nghĩa). 2Từ Thứ làm quân sư cho Lưu Bị đánh thắng Tào Tháo, Tháo bắt Tử Mẫu dọa giết. Từ Thứ phải bỏ Lưu Bị để về hàng Tháo mong cứu mẹ. Nhưng Từ Mẫu tức giận, thắt cổ chết. Từ Thứ thề không bao giờ bày mưu kế gì cho Tào Tháo. (Tam Quốc diễn nghĩa). 3Ngũ Viên bỏ trốn khỏi nước Sở, được ông già chống thuyền nấp trong bụi lau, chở trộm cho sang sông. Ngũ Viên xin ông già giữ kín chuyện cho. ông già liền nhảy xuống sông tự tử để Ngũ Viên khỏi nghi hoặc, lo lắng. (Đông Chu Liệt Quốc)

/100

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status