Vụ Lừa Đảo Tại Ngân Hàng Wilshire

Chương 2 - Chương 2

/14


“Anh đọc đi, đây là tờ di chúc của một người tên là Trần Văn Thái, là chủ nhân của căn phòng 1408 trước đây. Ông ta có ghi rõ trong di chúc là nếu có chuyện gì xảy ra cho ông ta thì căn phòng sẽ được chuyển giao quyền sở hữu cho cháu của ông ta, bà Trần Thị Kiều Diễm, hiện đang sống tại Pháp. Anh hiểu tờ giấy có nghĩa gì không?”

Khang im lặng hồi lâu rồi nhướn mày: “Nếu tờ di chúc này là thực thì căn nhà anh đang muốn mua hóa ra thuộc sở hữu của người khác sao? Vậy sao công ty bất động sản còn chào bán nó cho anh? Mà sao anh có được tờ giấy đó vậy?”

“Tôi không biết, chỉ là sáng hôm qua đi làm thì thấy có ai để cái bìa hồ sơ ở bàn làm việc của tôi, hỏi người xung quanh thì không ai biết gì cả. Khi tôi đọc xong tờ di chúc thì cũng hơi hoang mang, bèn xin nghỉ nửa buổi, đến phòng công chứng hỏi chuyện. Tôi phải chờ tới chiều mới tới lượt mình, và hỏi ra thì họ xác nhận đây đúng là con dấu của phường Phú Thọ Hòa rồi, đã vậy còn có chữ kí của luật sư và hai người làm chứng mà.”

“Anh có đi tìm ông luật sư không?”

“Có chứ. Nhưng ông ta đã chết vào hai năm trước rồi nên văn phòng đã đóng cửa, chuyển sang làm cửa hàng bán băng đĩa nhạc.”

Khang phì cười, “Nếu phường đã xác nhận con dấu này là thật thì chắc hẳn tờ giấy này là thật rồi. Bây giờ anh tính làm sao? Mà tôi có liên can gì? Tôi chỉ là nhân viên tư vấn tài chính thôi mà.”

“Nghe này, sáng nay tôi đã gọi cho công ty địa ốc để hỏi chuyện, nhưng cô nhân viên cứ ậm ừ mãi không trả lời gì cả. Đến khoảng mười giờ sáng thì gã giám đốc tên Lâm đã gọi cho tôi, nói là cần gặp mặt để nói chuyện, bảo tôi mang theo giấy tờ luôn. Tôi tối qua đã copy tờ giấy này thành ba bản rồi, một để ở nhà, một mang theo đây, và một tờ còn lại tôi muốn anh giữ hộ.”

“Tôi? Sao lại là tôi? Anh có thể nhờ người khác mà.”

“Tôi…có linh cảm không ổn về chuyện sắp tới…” Minh ậm ừ, “Bởi vì tôi và anh không quen thân nên tôi mới nhờ tới anh, nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi thì anh hãy cầm tờ giấy này đi báo công an…À không, công an cũng không tin tưởng được…”

“Minh!” Khang nghiêm giọng, “Anh đừng có chơi trò tỏ vẻ bí ẩn nhé, có chuyện gì anh cứ nói thẳng ra đi. Úp úp mở mở không tốt đâu.”

“Anh không hiểu đâu…” Minh nhăn nhó rồi chợt đứng dậy, nhìn khắp xung quanh: “Mấy giờ rồi?”

“Gần mười hai giờ.”

“Nói cho chính xác xem, gần mười hai giờ mà thiếu mấy phút?”

Khang liếc nhìn máy tính của mình rồi đáp: “Mười một giờ bốn mươi hai.” Vừa nói xong thì anh nghe có tiếng ồn ào đâu đó bên ngoài, sau đó là tiếng vật va chạm vào nhau. Minh lúc đó bèn bỏ qua bên phòng Hon và nhìn ra phía cửa sổ, Khang thấy thế cũng đi theo. Từ cửa sổ, hai người nhìn xuống đường Ba Tháng Hai, thấy phía đối diện vừa xảy ra một vụ tai nản thảm khốc: một chiếc xe buýt mất thắng mà đâm vào cửa hàng điện máy.

Ngoài đường, xe cộ kẹt kín vào nhau, bóp kèn inh ỏi, người bị thương nằm la liệt khắp nơi. Rồi chợt chiếc xe buýt phát ra tiếng nổ lớn khiến hai người giật mình mà nằm xuống nền nhà. Được vài phút thì Minh đứng dậy và đỡ Khang lên, miệng mỉm cười điều gì đó mà ra vẻ khoái chí lắm. Hai người lúc này nhìn qua cửa sổ thì thấy cửa hàng lúc này đang bắt đầu chìm trong khói lửa, vì các đồ đạc điện tử bị chập mạch mà bốc cháy. Những người đi đường gần đó thấy lửa thì hốt hoảng rồ máy xe bỏ chạy cho nhanh.

Bất chợt chuông báo cháy vang lên khắp tòa nhà ngân hàng khiến mọi người nháo nhào cả lên. Khang lúc đó ngước nhìn lên và nhún vai, bảo: “Cái chuông đó mới thay tháng trước mà nhạy ghê nhỉ? Bên kia đường cháy mà bên đây nó reng, hay thật!”

Minh không đáp, chỉ lẳng lặng quay lại phòng Khang, thu nhặt giấy tờ rồi cùng Khang đi xuống tầng dưới. Bấy giờ thì tất cả nhân viên cùng ngài Kim đều đang đứng trước tòa nhà, trông qua bên kia đường, nơi mà ngọn lửa khổng lồ đang bùng cháy dữ dội hơn, khói đen tỏa lên mù mịt. “Kẹt xe vậy chắc cứu hỏa tới không kịp mất. Khéo nó cháy lan qua đây thôi.” Kiệt, nhân viên tư vấn khách hàng, nói. Cô Trinh khi đó bèn mắng anh ta nói chuyện xui rủi, anh ta bèn cãi lại khiến Đức phải lên tiếng can ngăn hai người.

Ngài Kim bấy giờ đang đứng nói chuyện với Hon, thấy Minh cùng Khang đi ra thì đi lại nói chuyện vài câu và bắt tay nhiệt tình. Minh nói vài câu cám ơn và khởi động máy xe, theo đường Ngô Quyền đi mất hút.

“Gần mười hai giờ rồi, chúng tôi nghỉ ăn trưa luôn được không?” Hon hỏi ngài Kim và ông gật đầu.

“Bộ ông ra sân bay mà không ăn uống gì sao?” Khang hỏi.

“Sân bay mắc lắm ông, một tô mì trứng hết sáu mươi ngàn rồi còn gì?” Hon cười méo xệch, “Thôi vào chợ ăn nhé? Hôm trước tui về trễ, có ghé tiệm kia ăn ngon lắm.”

Khang gật đầu rồi quay trở vào trong lấy nón bảo hiểm xuống leo lên xe Hon. “Ở đây chạy xe bắt buộc phải đội mũ à?” Ngài Kim hỏi.

“Vâng, là luật rồi. Nhưng chỉ với xe máy thôi, còn tôi đi xe đạp không bị bắt buộc nhưng cũng đội cho an toàn.” Khang đáp, “Tôi không chạy xe máy được vì hồi nhỏ, có lần được ba chở đi chơi, không may hai cha con bị một chiếc xe hơi tông vào đến gãy chân. Từ đó tôi ngại ra đường lắm, đi học cũng chọn trường gần nhà, bạn bè có rủ đi đâu thì đều từ chối. Đến lúc học đại học thì bốn năm chỉ toàn đi xe buýt thôi, tới khi vào làm việc tại đây rồi bất đắc dĩ phải mua xe đạp ấy chứ.”

“Nhà cậu có xa đây không?”

“Nhà tôi ở chung cư Ngô Gia Tự, chắc ngài không biết đâu. Nếu đi xe đạp thì mười lăm phút, còn đi bộ thì ba chục phút, và không có tuyến xe buýt nào đi ngang đây cả.”

“Đạp xe cũng tốt, cho khỏe người.” Ngài Kim bật cười.

“Tui khuyên ổng đi bộ hoài cho giảm cân mà ông không chịu ấy chứ.” Hon nói chêm vào, rồi cả ba người cùng cười lớn. Hon quay sang hỏi Đức cùng đồng nghiệp mình có muốn đi chung không, thì ai cũng nói có mang theo đồ ăn rồi, Đức thì nói là cần chỉnh lại cái chuông báo cháy, cứ để nó reng inh ỏi thế cũng tốn điện lắm. Hon nhún vai rồi rồ ga, chở Khang lao vút đi.

Hon rẽ phải rồi rẽ trái qua nhiều con đường, Khang phía sau hỏi vọng lên: “Hình như qua khỏi chợ rồi mà ông? Sao lúc nãy nói vào chợ ăn?”

“Tui quên, giờ này chợ đông người lắm, còn cái tiệm mà tui kể với ông thì không ở trong chợ.”

Sau khi rẽ qua vài con đường, cả hai đến trước một con hẻm rộng rãi với những tán cây cao rợp bóng xanh mát, tiệm cơm thì là căn nhà thứ hai từ ngoài đầu hẻm vào, có giăng bạt phía trước, xe của khách thì dựng ở bức tường đối diện. Khang nhảy xuống để Hon dắt xe vào, anh liếc nhìn thấy có ba bốn chiếc xe nên nghĩ quán cũng không đến nổi ế ẩm, bèn mỉm cười tháo mũ ra đưa cho Hon bỏ vào cốp xe.

Tiệm cơm là một căn nhà nhỏ hai tầng khang trang, trước tiệm có một tủ inox bán cơm, bên trong để hơn chục khay đồ ăn với màu sắc bắt mắt. Cạnh tủ là những thùng inox giữ nhiệt, mở ra thì toàn cơm trắng nóng hổi, bốc khói. Bên trong quán có sáu cái bàn nhỏ, mỗi bàn có ba tới bốn chiếc ghế con, trên bàn thì đũa muỗng, khăn giấy đều có sẵn, không gian nói chung nhìn sạch sẽ và thoáng đãng.

Hai người họ vừa đi tới gần xe bán cơm thì một phụ nữ trẻ bước tới, nhoẻn miệng cười rồi cất giọng ngọt như mía lùi, hỏi cả hai muốn ăn gì?

Cả hai còn đang suy nghĩ thì ông chủ tiệm vừa ra khỏi nhà bếp, tay xách thau đựng thịt sống. Hon thấy thế bèn chào hỏi anh ta rồi nói: “Bây giờ mới nướng thịt liệu có trễ không đấy?”

“Đâu có, do sáng giờ bán hết thịt nướng rồi tui mới phải chạy đi mua, xong thì rửa sạch, ướp ngâm cho đã rồi giờ mới đem ra nướng đây này.” Chủ tiệm đáp, trông anh ta chỉ khoảng ba mươi tuổi, thân hình cao lớn, vai rộng, trán cao, mặt vuông, chân mày đậm, mắt một mí, nở nụ cười thân thiện.

Hon làm ra vẻ suy nghĩ rồi nói: “Cho tôi một dĩa cá kho nhé, canh thì canh khổ qua đi.”

“Còn anh này?” Cô chủ hỏi Khang, anh phân vân một lúc rồi nói: “Tôi ăn chả trứng và lạp xưởng, còn canh thì… canh cải chua cũng được.” Xong thì cả hai vào trong, chọn một bàn và ngồi xuống, lúc này Khang lại nói tiếp:

“Chưa thấy ai trớt quớt như ông, đi hỏi thịt nướng xong rồi ăn cá kho.”

Hon bật cười: “Chứ chờ ổng nướng thịt tới bao giờ đây?” Vừa khi đó, cô gái phụ việc cho quán cơm vừa đi ngang qua, Hon thấy thế thì nhìn chằm chằm theo khiến Khang ngạc nhiên. Sau đó thì Khang hiểu ra mà gật đầu: “Hóa ra ông mời tui đi ăn là vì vậy.”

“Đâu có, tui “rủ” ông mà. “Mời” có nghĩa là tui bao tiền, còn “rủ” thì phần ai nấy trả à.” Hon đáp.

Khang nhướn mày cười rồi xoay người lại để nhìn cô gái, thấy cô ta da dẻ trắng trẻo, tay chân mảnh khảnh, dáng người nhỏ bé thon gọn, thảo nào Hon chẳng điên đảo tâm hồn. Rồi khi anh quay người lại thì bỗng không còn thấy Hon đâu nữa.

“Ủa?” Khang kêu lên rồi xoay người nhìn khắp quán một lượt, xong anh nhìn ra phía ngoài quán, vừa xoay người lại thì lại thấy Hon đang ngồi đối diện, tay cầm khăn giấy lau muỗng đũa, “Ông vừa đi toilet đấy à?” Khang hỏi.

“Đâu có đâu?” Hon nói với vẻ mặt tỉnh rụi, đưa cho Khang cái muỗng, “Nãy giờ tui ngồi đây mà.”

“Lúc nãy tui không thấy ông, tưởng ông đi toilet, chả lẽ tui hoa mắt à?”

Hon im lặng vài giây rồi à lên một tiếng: “Lâu lâu nó vậy đó ông, đừng hỏi mất công.”

“Cái gì lâu lâu? Cái gì… ông nói cho tui hiểu xem nào?”

“Ông không hiểu đâu.”

Khang im lặng rồi trề môi: “Tui bực rồi đó, hôm nay có hai người nói với tui cùng một câu như thế. Ông không nói thì mốt có việc gì cũng đừng nói nhé.”

Hon im lặng cười cười, vừa lúc cô gái phụ quán bưng hai dĩa cơm tới chỗ hai người. Cô ta đặt dĩa cá kho trước mặt Hon và đặt dĩa lạp xưởng, chả trứng trước mặt Khang, xong lại bảo sẽ đem canh tới.

“Khoan!” Khang lên tiếng, “Làm sao cô biết tôi ăn chả trứng, còn anh này ăn cá kho vậy?”

“Chắc cô chủ nói, ông thắc mắc làm gì?”

“Cô chủ không có nói, em đoán vậy thôi.” Cô gái cất giọng nói trong trẻo đáp lại.

“À, ý cô là tui nhìn béo nên chắc hẳn là phải ăn mấy món chiên xào đầy dầu mỡ, còn anh này ốm nhách nên chỉ ăn đồ kho thôi đúng không?”

“Dạ, đâu có đâu anh, em đoán thôi mà.”

Khang bật cười nhìn Hon, xong lại nhìn cô gái, nói cô ta đem canh ra. Cô gái bưng hai chén canh tới để đúng như cả hai người đã gọi: Hon là canh khổ qua, còn Khang thì là canh cải chua.

“Bái phục, bái phục.” Khang giả bộ chắp tay, bắt chước theo mấy động tác trong phim Tàu, “Cô tên gì, để chúng tôi dễ xưng hô?”

“Em tên Huyền ạ, cô chủ cũng tên Huyền luôn đấy. Trước đó ông chủ tính đặt là “Huyền lớn”, “Huyền nhỏ” cho dễ phân biệt nhưng cô chủ lại ghen, bảo là anh tính cưới vợ bé hay sao mà đặt lớn nhỏ. Ông chủ thấy vậy nên thôi mà chuyển qua gọi cách khác.”

“Gọi thế nào?”

“Ông chủ gọi em là Huyền, còn cô chủ thì ổng gọi là “Vợ” hay “Vợ yêu”.”

Cả hai liền phá lên cười khiến vài vị khách trong quán ngạc nhiên, lúc đó thì ông chủ cũng mang hai ly trà đá tới để lên bàn, rồi quay sang bảo cô gái: “Hay thật, ai đời lại đi nói xấu chủ mình thế?”

“Vui mà ông, trước khi ăn mà cười nhiều thế này cho mau đói, ăn mới ngon chứ?” Hon đáp.

“Anh nói hay đấy. Hai anh tên gì xin cho tôi biết?”

“Tôi là Lý Hon, còn đây là Khang.”

“Hon à, tên gì lạ vậy?” Ông chủ hỏi lại.

“Tên cha mẹ đặt mà, biết sao giờ? Mà tên tui không phải chỉ là Hon mà là Lý Hon, Nguyễn Lý Hon.”

Ông chủ à lên một tiếng rồi hắng giọng: “Tôi tên Công, Vương Thành Công, rất vui được gặp hai người.”

“Hèn chi ông đặt tên quán là Vương Ký, làm tôi cứ tưởng là giống mấy quán ăn Tàu chuyên bán cơm chiên, mì xào dòn gì chứ?” Khang nói chêm vào. Lúc đó thì bàn bên cạnh bảo tính tiền, ông chủ bèn xin phép rồi đi qua bàn bên, còn cô gái giúp việc cũng bỏ vào bếp.

Hon vừa tính bảo Khang ăn thử thì Khang lúc này đã ăn được hai, ba muỗng rồi. Hon nhún vai, cầm muỗng xắn miếng cá béo ngậy cho vào miệng. Khi đó anh thấy có thêm một người vừa tới mua cơm, anh này trông có vẻ lực lưỡng nhưng mặt mũi hơi lem luốt, bận một cái áo công nhân đã sờn cũ.

Hai vị khách bàn bên gồm một nam, một nữ, ăn mặc chải chuốt và người nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền. Người đàn ông rút tờ bạc xanh đưa chủ quán rồi bảo không cần thối lại, xong thì đứng dậy, vòng tay khoác eo cô gái và bước ra ngoài. Vừa lúc hai người họ đi ngang người công nhân kia thì người đàn ông chợt kêu lên một tiếng, rồi buông cô gái ra mà nắm lấy cổ áo anh công nhân nọ: “Mày vừa đâm tao à?”

Anh công nhân hốt hoảng: “Đâu có, tôi đâm anh làm gì chứ?”

“Tưởng tao không đọc báo à? Họ nói có mấy thằng nghiện hay dùng kim tiêm tẩm máu nhiễm Sida rồi lén đâm người khác trong rạp phim, nhìn tướng mày chắc cũng nghiện phải không?”

“Anh ơi, người ta nghiện thì ốm nhách, chứ anh này nhìn đô con vậy mà?” Cô gái đi chung hỏi lại khiến người đàn ông đỏ mặt, rồi nghiến răng rôm rốp, giơ nắm đấm lên.

“Khoan đã! Anh thử kiểm tra lại xem, nếu có vết đâm thì anh hẵng đánh, còn không lại đánh oan đấy? Anh nói đọc báo nhiều lắm mà không biết là dạo này có nhiều vụ đánh oan người khác lắm sao?”

Người đàn ông đành buông anh công nhân kia ra rồi cởi áo sơ mi ngoài, để lộ ra phần bụng với những cơ bắp săn chắc. Cô gái đi chung thấy thế bèn ồ lên phấn khích khiến người đàn ông cũng nguôi ngoai phần nào; anh ta sờ khắp bụng mình, lại bảo cô gái xem xét hộ thì đúng là không có vết kim đâm hay chảy máu nào cả. “Có chắc là anh chỉ đau có phần bụng thôi không? Còn phần dưới thì sao?” Cô gái hỏi.

Người đàn ông hiểu ý, mặc áo vào rồi nháy mắt với cô gái: “Hay ta đi chỗ nào kiểm tra mấy phần dưới cho kỹ lưỡng nhé?” Rồi anh ta quay lại quát anh công nhân, khiến anh này nhận lấy hộp cơm xong, trả tiền rồi chạy ra xe vọt đi trong tích tắc.

Người đàn ông có vẻ thỏa mãn với cái uy quyền của mình, rồi quay qua nhìn cô gái với ánh mắt tình tứ, lại vòng tay qua eo cô ta mà kéo lên xe mình.

Hon và Khang ngồi trong quán chứng kiến hết mọi việc nhưng không ý kiến gì. Hon chỉ nhún vai còn Khang chỉ chăm chú ăn cho mau. Được vài phút thì bỗng nghe có tiếng đổ ngã, rồi tiếng con gái la thất thanh. Mọi người trong quán đều kéo ra xem, thì là thấy cặp nam nữ ban nãy, vừa ra khỏi con hẻm được vài mét thì người đàn ông bị lạc tay lái, khiến xe và người đều ngã chỏng gọng giữa đường.

Cô gái đứng dậy rên rỉ, rồi miệng cứ thế mà rủa xả người đàn ông không thôi nhưng anh này không đáp lại lời nào. Anh ta đứng dậy, bước đi loạng choạng vào trong vỉa hè, hai tay ôm bụng, mặt nhăn nhó đau đớn. Cô gái sấn lại tính mắng anh ta thêm vài câu thì anh này lập tức nôn thốc nôn tháo lên vỉa hè, bao nhiêu thức ăn ban nãy đều ói ra ngoài hết. Rồi chưa dừng lại, anh ta nôn tiếp ra những bãi máu đỏ ngòm cùng những thứ “thịt” tởm lợm không ra hình thù gì cả, khiến cô gái và người đi đường thấy cảnh đó đều sợ xanh mặt không dám nhìn tiếp.

“Tui ăn không nổi nữa rồi.” Hon nói sau khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên.

“Tui cũng thế.” Khang đáp, “Nhưng bỏ thì phí lắm, cô chủ cho tui xin cái hộp đem về được không?”

Cả đám người trong tiệm cơm đều trố mắt nhìn Khang một cách ngạc nhiên. Còn về người đàn ông khốn khổ kia, sau khi dừng cơn nôn thì khuôn mặt trắng bệch đi, hai mắt lờ đờ, chân tay bủn rủn. Rồi anh ta té gục xuống vũng máu mà mình vừa ói ra, mắt trợn ngược, máu trong miệng tiếp tục trào ra không dừng... Đăng bởi: admin


/14

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status