Ác Hán

Chương 317: U Châu Mục Lữ Bố

/500


Lưu Ngu bị bệnh, hơn nữa bệnh tình còn rất nặng.

Người này trong diễn nghĩa cũng không xuất hiện nhiều, hơn nữa thái độ đối với dị tộc cũng mềm yếu theo Hán thất. Có điều khi già thái độ đột nhiên lại trở nên cứng rắn, khiến rất nhiều người mở rộng tầm mắt.

Đương nhiên Đông Hán lại không có tầm mắt...

Thật ra ngẫm kĩ lại cũng không khó hiểu vì sao Lưu Ngu lại nhu nhược với Tiên Ti như vậy.

Ngoại có dị tộc, nội có Viên Thiệu nhìn chằm chằm như hổ đói, phương diện triều đình cũng không ủng hộ đầy đủ. Điều này khiến cho sự trung tâm của Lưu Ngu với triều đình nhà Hán lung lay. Dù thế nào thì lão cũng từng là dòng chính, mặc kệ ai làm hoàng đế, điều lão muốn làm chính là nắm vững U Châu trong tay.

Trên thực tế trước khi Lưu Ngu chết, quả thật U Châu luôn được sống trong bình yên.

Lư Thực từng nói với Đổng Phi một câu:

- Bá An sinh không gặp thời, nếu như vào trị thế thì cũng có thể trở thành một nhân vật khai cương khoách thổ. Chỉ tiếc Bá Khuê cương liệt, chỉ biết dùng vũ lực giải quyết vấn đề, không biết cương nhu mới là chính đạo. Bá Khuê đã cương liệt, Bá An đành phải tỏ ra nhu nhược, có điều trong nội tâm rất nhiệt huyết.

Bá An là tự của Lưu Ngu.

Đương nhiên trong thiên hạ này người có thể gọi tự của lão cũng không nhiều, Lư Thực là một trong số đó.

Công Tôn Toản ngang ngược kiêu ngạo, vì để duy trì ổn định của U Châu Lưu Ngu đành phải tỏ ra nhu nhược, nhưng như vậy không có nghĩa Lưu Ngu là người bất lực. Theo cách nói của Lư Thực, thì trong ngực của Lưu Ngu cũng chứa một trái tim thiết huyết.

Công Tôn Toản chết, Lữ Bố tới...

Lưu Ngu biết muốn kinh sợ Tiên Ti, U Châu không thể thiếu nhân vật như Công Tôn Toản hoặc Lữ Bố.

Hơn nữa thực tế nếu tiếp nhận Lữ Bố, Lưu Ngu sẽ được lợi rất lớn. Chìm nổi trong triều đã lâu, thủ đoạn lung lạc lòng người của Lưu Ngu không phải hai người Đổng Trác, Đinh Nguyên có thể bằng được. Lưu Ngu đã biến một người cứng đầu như Lữ Bố trở nên ngoan ngoãn dễ bảo.

Lữ Bố nhìn cao ngạo, thật ra trong lòng cực kỳ tự ti.

Một là hắn có huyết thống người Hồ, hai là sinh ở biên tái. Chỉ hai điểm này đủ khiến Lữ Bố cảm thấy kém người khác một bậc.

Có thời gian hắn vô cùng tự ti, nhưng biểu hiện ra ngoài lại vô cùng cao ngạo.

Mà người như vậy khi đắc ý sẽ rất càn rỡ, nhưng khi thất ý sẽ không thể gượng dậy nổi.

Lưu Ngu xem Lữ Bố như con trai, về mặt quân sự để Lữ Bố hoàn toàn làm chủ, vô cùng tín nhiệm và tôn trọng Lữ Bố.

Loại đãi ngộ này thậm chí khi còn bên người Đổng Trác cũng chưa từng có được.

Cảm kích của Lữ Bố đối với Lưu Ngu vì vậy không thể nói được bằng lời.

Đầu năm Hưng Bình đầu tiên, Lữ Bố bái Lưu Ngu làm nghĩa phụ, Lưu Ngu cũng đối với Lữ Bố càng thêm thân thiết, còn mời trí sĩ đã về quê U Châu danh sĩ Ngụy Du tới trợ giúp riêng cho Lữ Bố.

Ngụy Du này tự Thái Sơ, từng đảm nhiệm đông tào duyện dưới trướng Lưu Ngu, là một nhân vật cực kì có bản lĩnh.

Ngay cả mưu Điền Trù của Lữ Bố cũng từng là môn hạ của Ngụy Du.

Học vấn và tu dưỡng của Lữ Bố chưa đủ, nhưng lại là người biết tiếp thu.

Vì vậy việc được Ngụy Du chỉ điểm, dẫn dắt đối với Lữ Bố là phúc phận khó có thể tưởng tượng.

Cũng bởi vậy Lữ Bố mới càng thấy Lưu Ngu đối với hắn tốt thế nào, cho nên để báo đáp hắn lại càng liều mạng cống hiến.

Đánh bại được Viên Thiệu, Lưu Ngu có cảm giác vui sướng chưa từng có bao giờ.

Bày yến chúc mừng chư tướng U Châu, trong yến hội còn uống rất nhiều, đêm đó còn cùng tiểu thiếp mới nạp nóng hổi một phen.

Nhưng dù sao tuổi lão đã cao. Không bao lâu sao thì Lưu Ngu ngã bệnh, hơn nữa bệnh tình càng lúc càng nặng, hiện tại đã đến mức nguy kịch.

Đang giữa tháng 7, tuy đã lập thu nhưng nắng vẫn gay gắt, nhiệt độ còn rất cao.

Thế nhưng trong phòng ngủ lại đang đặt chậu than hừng hực cháy.

Lưu Ngu nằm trên giường, sắc mặt vàng như nghệ không có chút huyết sắc, hình dung tiều tụy.

Trên người đắp một tấm chăn dày, trong phòng tràn ngập mùi thuốc, mấy thị hầu cung kính đứng ở một bên, một vị lão giả ngồi trên ghế gấm cạnh giường, thần sắc ngưng trọng, tay đặt trên cổ tay Lưu Ngu, hai mắt khép lại.

- Thái Sơ, bệnh ta...

- Bá An chớ có lo nghĩ, chỉ là bệnh vặt... Tuổi lớn không thể tránh khỏi... Điều trị một chút là tốt thôi.

Lưu Ngu khẽ ho khan hai tiếng:

- Thái Sơ hà tất giấu diếm ta? Bệnh của ta ta rõ nhất, sợ là không còn lâu nữa...

- Bá An...

- Thái Sơ, ngươi hãy nghe ta nói. Ta chết chỉ là chuyện nhỏ, nhưng U Châu không thể một ngày vô chủ. Huyền Vũ tuy là con ta, nhưng tính tình vô cùng nhu nhược, khó có thể kế thừa y bát của ta để trấn thủ U Châu. So với việc khiến nó không được chết tử tế, chi bằng cho nó yên ổn sống ở quê nhà... Thái Sơ, ta muốn để Phụng Tiên thay ta lĩnh U Châu, không biết ý ngươi thế nào?

Huyền Vũ là con trai Lưu Hòa của Lưu Ngu, luận thân phận còn là thúc phụ của Hán đế Lưu Hiệp, hiện nay đang lưu thủ tại Trường An.

Vì sao lại ở Trường An?

Thì ra lúc trước Hán Linh Đế Lưu Hoành nói là tín nhiệm Lưu Ngu nên để lão làm U Châu mục, thực ra lúc đó Lưu Hoành sợ rằng đang không hề tín nhiệm ai. Vì vậy mặc dù Lưu Ngu đến U Châu, nhưng con trai Lưu Hòa của lão vẫn phải ở Lạc Dương, quan bái thị trung, nói trắng ra chính là làm con tin.

Sau khi Đổng Trác bị giết, Lưu Hòa theo Hán đế Lưu Hiệp, bị hai người Lý Giác, Quách Tỷ cưỡng ép di chuyển từ Lạc Dương tới Trường An.

Hai người Lý Quách đối với Lưu Hòa không tệ. Dù sao Lưu Hòa cũng là hoàng thúc, cha lại là chư hầu một phương, Lý Giác, Quách Tỷ cũng không phải kẻ ngu si, tiếp xúc với Lưu Ngu trước sau vẫn giữ hòa khí, vì vậy quan hệ với Lưu Hòa cũng không tệ.

Ngụy Du lấy làm kinh hãi, ngơ ngác nhìn Lưu Ngu, không dám tin vào tai của mình.

Từ xưa cha truyền con nối là thiên kinh địa nghĩa, nhưng không ngờ Lưu Ngu lại muốn giao cơ nghiệp cho một ngoại nhân.

Lưu Ngu nói:

- Thái Sơ thấy lạ cũng phải, nếu như thiên hạ thái bình ta đương nhiên sẽ giao châu mục cho Huyền Vũ, nó tính tình nhu nhược, không có khả năng khai cương khoách thổ, nhưng cũng đủ để gìn giữ cái đã có. Có điều hiện nay Hán thất phiêu diêu rung chuyển, thiên hạ đại loạn, nếu không có hùng chủ thì sớm muộn U Châu cũng sẽ thành phế thổ.

Vừa nói Lưu Ngu vừa kéo tay của Ngụy Du.

- Phụng Tiên vũ dũng, ngoại có Điền Trù, nội có Phó Tốn, còn có Thái Sơ tương trợ, có thể bảo vệ cho U Châu. Bản Sinh cũng cực kỳ kính phục Phụng Tiên, vì vậy U Châu không đến mức phân liệt. Giữ U Châu nguyên vẹn, sau này mới có cơ hội phục hưng Hán thất.

Ngụy Du không nói lời nào.

- Còn nữa, ta tặng châu mục cho Phụng Tiên, Phụng Tiên nhất định sẽ không bạc đãi Huyền Vũ... Thái Sơ, việc này ta xin nhờ ngươi, ta nghĩ 10 ngày sau chiêu cáo việc giao châu mục cho Phụng Tiên. Công văn này phải phiền ngươi nhọc sức.

Ngụy Du gật đầu:

- Bá An yên tâm, ta nhất định sẽ an bài thoả đáng.

Lữ Bố lúc này vẫn còn đang ở Ngũ Nguyễn quan.

Ngụy Du phái người suốt đêm tới thông tri cho Lữ Bố, mệnh hắn mau chóng chạy về Kế huyện, chuẩn bị tiếp nhận chức vụ châu mục.

Lữ Bố sau khi nghe tin này thì cầm thư ngơ ngác, đầu óc trống rỗng đứng trong đại sảnh hồi lâu.

Khi Đổng Phi nhận được tin này cũng không kịp phản ứng.

Đã vào tháng tám, khí trời bắt đầu chuyển lạnh. Hôm nay trời trong gió mát, thời tiết vô cùng đẹp, Trương Dịch lại bước vào mùa thu hoạch.

Nói là mùa thu hoạch không hề ngoa.

Thu hoạch của năm nay so với năm rồi ít nhất cao hơn 3, 4 phần. Đối với nhân khẩu đang tăng nhanh của Tây Vực thì quả là tin tức tốt. Năng suất năm nay tăng cao phần lớn là nhờ sự mở rộng của ruộng thí nghiệm. Năm ngoái Đổng Phi cho người bón phân trên một số thửa, sản lượng hoa mầu của những thửa này liền hơn hẳn các thửa khác. Cho nên đến đầu xuân, Phí Ốc lấy Cư Diên thành làm trung tâm, khai mở thêm ba mươi vạn khoảnh ruộng, theo phương pháp của Đổng Phi tiến hành trồng trọt.

Dù sao cũng là thử nghiệm mới, mặc dù ruộng thí nghiệm của Đổng Phi đã thành công, nhưng vẫn phải cẩn thận tiến hành.

Ba mươi vạn khoảnh ruộng đối với cả Hà Tây chẳng khác nào chín trâu mất một sợi lông mà thôi, nhưng lại mang đến năng suất khiến rất nhiều người cảm thấy kinh ngạc.

Năm nay mưa thuận gió hoà, cũng không có thiên tai nào xảy ra.

So với Lương Châu loạn thành một đống, thậm chí là cả Tam phụ, thì Hà Tây tứ quận, Tây Vực đã biến thành lạc xứ nhân gian.

Đổng Phi đã hạ quyết tâm, năm sau sẽ triển khai toàn diện ruộng thí nghiệm tại Đê Trì.

Tha Kiền thành đang trùng kiến, đốc thúc là đại tượng tên Khương Quýnh, là người Thiên Thủy quận Hán Dương. Khi Đổng Phi đại di dời đến Trương Dịch thì cũng cùng người nhà đi theo. Người này thiếu niên có học võ, sau đó vứt võ theo văn, nhưng cuối cùng văn ương võ dở, cho nên dồn hứng thú vào phương diện khác. Từng học qua tạo cơ quan, y thuật, thậm chí còn từng làm thú y.

Sau khi đến Trương Dịch Khương Quýnh vì biết nhiều, hơn nữa mọi mặt đều có lý giải, cho nên thành tá quan của Phí Ốc. Có điều cũng chính từ lúc này tài năng của hắn mới bộc lộ ra.

Một mình đảm đương một phía Khương Quýnh không làm được.

Thế nhưng khi ngươi an bài sự tình thỏa đáng, rồi để Khương Quýnh từng bước chấp hành thì người này làm rất xuất sắc.

Cho nên khi đoạt lại Tha Kiền thành, Phí Ốc liền đề cử Khương Quýnh với Đổng Phi, lệnh hắn trùng kiến Tha Kiền thành.

Đương nhiên Tha Kiền thành lúc này không thể gọi là Tha Kiền thành nữa, nếu không chẳng khác nào vẫn là thành của người Quy Tư. Mà Đổng Phi đã quyết định làm Quy Tư vĩnh viễn biến mất khỏi Tây Vực, nên không thể để tên Tha Kiền thành xuất hiện trên bản đồ.

Tây Vực, là biên tái Đại Hán.

Đổng Phi là Tây Vực đô hộ, chức trách bao gồm thú vệ biên cương, vì vậy đổi tên thành Thú huyện, thành trị sở của Đổng Phi, cùng với Hán An thành hai nơi hô ứng lẫn nhau, cố thủ trung tâm Tây Vực, kinh sợ các tộc dương uy vũ Hán quân.

(thú: đóng giữ, phòng thủ)

Đổng Phi lúc này đang ngồi ngay ngắn trong phủ nha Thú huyện, trước mặt có đặt hai phần công văn.

- Lưu Ngu làm vậy chỉ sợ sẽ khiến cho Viên Bản Sơ đau vỡ đầu.

Gia Cát Cẩn cười nói:

- Xem ra chúng ta trước giờ đều nhìn lầm Lưu Ngu, người này không những thức thời, thủ đoạn còn rất cao minh.

Là tham quân của Đổng Phi, Gia Cát Cẩn cũng đi theo đến Thú huyện.

Lý Nho tọa trấn Cư Diên thành, Giả Hủ đang bận việc di chuyển trị sở, vì thế hai người không thể đến đây. Mà bên người Đổng Phi cũng cần phải có người bày mưu tính kế, Gia Cát Cẩn mặc dù trẻ tuổi nhưng làm tham quân cũng vừa sức.

Đối với việc Lữ Bố tiếp chưởng U Châu mục, Đổng Phi cũng không ngờ đến.

Có đôi lúc lịch sử thật thú vị, thân phận gia nô ba họ của Lữ Bố hiện giờ không thể có nữa rồi.

Lữ Bố hiện tại không hề giống với Lữ Bố trong diễn nghĩa, hơn nữa từ thái độ của hắn xem ra, thì hắn cũng thuộc hệ thân Đổng.

Lữ Bố tiếp chưởng U Châu, chính như lời Gia Cát Cẩn nói vậy, Viên Thiệu có lẽ sẽ cảm thấy đau đầu.

Đổng Phi cũng không nghĩ nhiều về Lữ Bố, mà y đau đầu vì một phần công văn khác.

- Công Tôn Độ này rốt cuộc có lai lịch thế nào? Có quan hệ gì với Công Tôn Toản?

Hoa Hùng gãi đầu trả lời:

- Công Tôn Độ... có vẻ có quan hệ rất tốt với Từ Vinh, hai người là người cùng thôn. Người này trước kia vẫn ở dưới trướng của Đại Phương, khi chúa công xuất binh Sóc Phương, bởi phía Liêu Đông không ổn định nên lão chủ đã phái Công Tôn Độ đến phủ an Liêu Đông. Thứ nhất hắn là người Từ Vinh tiến cử, thứ hai cũng vì người này vô cùng quen thuộc Liêu Đông.

- Thế nhưng... Sao hắn lại đánh Phàn Trù?

Phàn Trù là lão nhân dưới trướng Đổng Trác, gia nhập vào Đổng Trác khi Bắc Cung Ngọc làm loạn Lương Châu.

Người này rất thành thật, hơn nữa có mưu lược, lão luyện thành thục. Lúc trước Đổng Trác chính là sợ Công Tôn Độ ở Liêu Đông một mình một cõi, cho nên khi cắt cử Công Tôn Độ đến Liêu Đông làm thái thú thì đồng thời cũng phái Phàn Trù đến Lạc Lãng, nói là hiệp trợ, thực ra là giám sát.

Đổng Phi không biết nhiều về Công Tôn Độ này, mà có lẽ y chưa từng nghe nói tới.

Trong một thời gian rất dài, y thậm chí còn cho rằng Công Tôn Độ thân thiết với Công Tôn Toản, sau đó mới biết người này là bộ hạ của lão cha. Có điều Liêu Đông, Tây Vực đường xá xa xôi, Đổng Phi cũng không có sức tìm hiểu lai lịch người này.

Nếu không có việc Công Tôn Độ khai chiến với Phàn Trù, nói không chừng Đổng Phi đã quên hai người này rồi.

Gia Cát Cẩn cũng không rõ Công Tôn Độ là người thế nào, nhưng hắn có thể trả lời vấn đề của Đổng Phi.

- Thái sư vừa chết, Lý, Quách không có thời gian quan tâm đến Liêu Đông. Liêu Đông ở chỗ xa xôi, chư hầu Quan Đông lại đang hỗn chiến, ngay cả Lưu Ngu cũng không thể quản được hắn phát triển. Vì thế Công Tôn Độ ở Liêu Đông trở thành địa đầu xà, không muốn có kẻ bên cạnh giám thị hắn... Cho nên giữa Công Tôn Độ và Phàn Trù sớm muộn cũng sẽ một hồi tử đấu.

Đổng Phi khẽ gật đầu: nói trắng ra chính là đánh nhau vì lợi ích.

Đều là bộ khúc của lão cha, trong lòng Đổng Phi cũng hi vọng hai người họ không đánh nhau. Nếu như muốn phân thân sơ thì Đổng Phi sẽ nghiêng về Phàn Trù. Chỉ tiếc lúc này y đang ở Tây Vực, không thể với tay tới sự vụ Liêu Đông.

Trầm ngâm một lát, Đổng Phi nói với Gia Cát Cẩn:

- Không bằng ta tự viết một phong thư, mời Ôn hầu đứng ra hòa giải một phen?

- Cái này... cũng không chắc có được không, nhưng cũng có thể thử một lần.

- Hi vọng là có tác dụng.

Đổng Phi dứt lời thở phào một cái. Dù sao thì việc nên làm y cũng đã làm hết sức, về phần hai người có nghe khuyên hay không thì đành phó mặc cho số phận. Nghĩ tới đây y liền quẳng hai công văn sang một bên, bắt đầu nói về Tây Vực.

Tình hình Tây Vực hiện nay rất phức tạp.

Đổng Phi sau khi hạ Quy Tư đã khiến Đại Uyển, Ô Tôn thấp thỏm lo âu.

Nhất là Ô Tôn, Khất Hoạt quân đã đánh tận vào trong lãnh địa, đối với Khất Hoạt quân như châu chấu, Ô Tôn vương cũng bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Dưới sự kiến nghị của Tướng Đại Lộc Ô Tôn, bắc đi cầu viện Chất Chi thành Bắc Hung Nô Hô Đồ Thiền Vu, tây kết minh với Khang Cư quốc... Khang Cư, lại là một quốc gia Đổng Phi chưa từng nghe nói.

Kỳ thật trong Hán Thư cũng có ghi lại về Khang Cư.

Có người nói Khang Cư là một chi của người Hung Nô, vương trì ở Ti Điền thành. Nếu phân chia chính xác, thì Khang Cư không thuộc 50 nước Tây Vực.

Đã từng có thời vô cùng cường thịnh, mấy lần làm loạn tại Tây Vực, còn có địch ý rất lớn với Hán thất.

Đổng Phi không nghĩ đến vừa mới đánh vỡ liên minh năm nước thì lại xuất hiện liên minh ba nước, thật là ngoài ý muốn.

Tây Vực chưa bình định, Bắc Hung Nô và Khang Cư lại chạy ra.

Nếu như Đại Nguyệt thị kia mà tham gia thì Đổng Phi quả thật đau đầu, nếu vậy thì muốn bình định Tây Vực thật tốn không ít sức.

- Nguyên Tiến, ngươi xem có nên xa thân gần đánh với Khang Cư chăng?

Đối với vấn đề của Tây Vực, y vẫn cần muốn thỉnh giáo chuyên gia Tây Vực Ban Chỉ.

Sau khi nghe Đổng Phi hỏi, Ban Chỉ trầm ngâm chốc lát rồi khẽ lắc đầu:

- Chỉ sợ là không thể... Khang Cư này quốc lực không yếu, khi gia tổ bình định Tây Vực thì nhân khẩu của nó đã hơn trăm vạn, Khống Huyền 20 vạn. Hai năm nay Quý Sương quốc suy bại, sợ rằng Khang Cư càng thêm cường thịnh. Sở dĩ Đại Nguyệt thị muốn kết minh với chúng ta, chỉ sợ cũng vì đang bị Khang Cư uy hiếp. Từ thái độ mà xem, thì bọn họ đang bắt đầu thân cận với người Hung Nô.

- Cái này, nếu như cho bọn chúng nhiều lợi ích cũng không được sao?

Ban Chỉ cười khổ nói:

- Chúa công, vương đình Chất Chi thành Bắc Hung Nô bên bờ Đô Lại Thủy, mà Đô Lại Thủy lại trong lãnh địa của Khang Cư. Năm đó khi Cam Diên Thọ Trần Thang Công đánh Chất Chi thành, Khang Cư liền liên thủ với Hung Nô. Nói trắng ra Khang Cư cùng Bắc Hung Nô là một thể... Mà Ô Tôn thì xưa nay có quan hệ mật thiết với Bắc Hung Nô.

- Như vậy nghĩa là chỉ cần Bắc Hung Nô xuất binh thì Khang Cư nhất định sẽ xuất binh sao?

Ban Chỉ gật đầu:

- Điều này không thể nghi ngờ.

Khang Cư 20 vạn Khống Huyền, Hung Nô ít nhất cũng 20 Khống Huyền, hơn nữa Ô Tôn và Đại Uyển...

Đổng Phi không khỏi hít một hơi khí lạnh.

Y chợt nhận ra, địch nhân càng đánh càng nhiều, quân địch hiện nay y phải đối mặt không ngờ đã đến cả trăm vạn.

Hà, trận này càng đánh càng lớn rồi.

Gia Cát Cẩn lúc này đứng dậy nói:

- Chúa công, kì thật muốn giải quyết liên minh tam quốc cũng không phải quá khó khăn.

Đổng Phi vội hỏi:

- Sao? Tử Du có chủ ý rồi?

- Giải quyết liên minh tam quốc, trọng điểm không ở Ô Tôn, không ở Bắc Hung Nô, càng không ở Khang Cư kia.

- Chỉ giáo cho?

- Ô Tôn tìm giúp đỡ, kì thật chúng ta cũng có giúp đỡ... Chúa công, lúc đó chúng ta để Đại Nguyệt thị vương xuất một phần lực. Lúc trước khi chúng ta đánh Quy Tư, bọn họ cũng di chuyển nhân mã, nhưng không chính thức tham gia. Lúc này chúng ta yêu cầu bọn họ cùng tiến, quan trọng là lúc nào công chiếm Đại Uyển.

Lúc này Đổng Phi đã hiểu ý tứ của Gia Cát Cẩn.

Công chiếm Đại Uyển, sau đó liên thủ Đại Nguyệt thị kiềm chế Khang Cư, sau đó lại kìm giữ binh mã Hung Nô, sau đó mới quay sang giết chết Ô Tôn.

Nghe ra đúng là một kế hoạch rất tốt.

Đổng Phi nhớ tới một bộ tiểu thuyết về chiến tranh đời trước từng đọc qua, là Đại quyết chiến.

Trong đó có một câu nói: Ăn một người, kẹp một người, nhòm một người...

Nếu mang những lời này vận vào Tây Vực: chính là ăn Đại Uyển, kẹp Ô Tôn, nhòm Bắc Hung Nô, đề phòng Khang Cư...

Nhưng nếu như vậy, thì sợ là phải điều động toàn bộ lực lượng của Tây Vực.

Trong tình huống đó mà xuất hiện sơ hở, thì Đổng Phi sẽ phải đối mặt với nguy cơ còn đáng sợ hơn cả sau khi Đổng Trác chết.

Nhắm mắt lại, Đổng Phi không nói được một lời, chỉ là lẳng lặng suy nghĩ.

Trong đại sảnh cũng có ai nói, mọi người cũng đều đã hiểu kế hoạch của Gia Cát Cẩn, nói trắng ra chính là đánh bạc.

Thắng, Đổng Phi không chỉ chiếm lĩnh toàn bộ Tây Vực, thậm chí còn có thể cắm đại kì Hán quân trên lãnh thổ ngoại vực.

Nhưng nếu thất bại, không chỉ không chiếm được Đại Uyển, Ô Tôn, mà Thú huyện cùng Hán An thành sẽ rơi vào vòng nguy hiểm. Đây không phải là một vấn đề nhỏ, trên thực tế việc này quan hệ trọng đại, liên quan đến tương lai của Tây Vực.

Đổng Phi không thể thua, nếu không sẽ không gượng dậy nổi.


/500

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status