Âm Dương Giới

Chương 1: Máu nhuộn Hạ Lan sơn

/73


Hạ Liên Sơn một chiều thu ảm đạm! Gió tây thổi từng cơn cuốn theo người mảnh lá vàng rơi rụng bay lả tả.

Triền núi nghiêng nghiêng tắm nắng chiều càng đượm vẻ thê lương.

Hàng vạn cây cổ tùng san sát bao la cả triền đồi muôn dặm. Cành lá sầu mờ in bóng từ chân đồi Long Vân đến đồi Hạ Lan kéo dãi mãi tận đàng xa nối liền với ngàn trùng tưởng chừng vô tận.

Lưng chừng đồi Hạ Lan, sau mấy hàng cây cổ thụ là một tòa dinh thự đồ sộ nguy nga, kiến trúc cổ kính.

Mái nhà cong vút lợp ngói úp đã trở màu cùng tuế nguyệt, nhuộm đầy rêu phủ.

Trước dinh thự, tại ngay cổng vắt ngang một tấm biểu thiết vàng lấp lánh năm chữ cổ tự “Võ Lâm đệ nhất gia”.

Liền trên tấm biển phủ một vuông lụa đỏ như máu bằng quả lê để rủ xuống như vành khăn tang.

Xa xa, đằng trước đồi, cách toà nhà mấy trăm thước, một đoàn người rất đông đang từ từ tiến tới chính giữa là một cổ quan tài đỏ màu máu.

Bàn hoa quả khiêng đi trước và những hàng liễng đủ màu cao vòi vọi.

Một hàng nến cắm dọc trên cỗ quan tài đang cháy chập chờn lung linh theo nhịp bước của các âm công.

Đám tang từ từ tiến đi về phía chân núi Hạ Lan trong tiếng nhạc trầm bổng du dương như nức nở khóc than người quá cố.

Phía sau quan tài là một thiếu phụ độ tứ tuần đi cạnh một thanh niên vào khoảng hai mươi, mặc đại tang, rõ là hai mẹ con.

Cả hai đều nhìn xuống đất, thỉnh thoảng đưa tay gạt lệ rồi tiến tới.

Đoàn người vừa qua một khúc quanh bỗng thấy đàng xa hiện lên hàng người đứng hàng ngang chận hẳn lối đi.

Năm nhân vật này ăn mặc khác nhau, hình dáng tuổi tác khác nhau, bên hông đều có mang vũ khí.

Đoàn người dừng lại, tiếng âm nhạc cùng tắt ngang. Thiếu phụ biến sắc, cùng người con trai tiến tới phía trước xem.

Dẫn đầu là hai vị hòa thượng, kế đến là một đạo sĩ, một ni cô, một người mặc thường phục. Cả năm người tuổi tác trên lục tuần, trông rắn rỏi, lầm lì nhìn thẳng vào cỗ quan tài một cách rất trang nghiêm.

Hai mẹ con nhìn nhau thoáng qua như hội ý rồi lẳng lặng bước tới hai bên đường cạnh chiếc linh cữu.

Một vị lão tăng trong số năm người ấy từ từ bước lại gần chắp tay xá dài một cái, miệng lẩm bẩm nói :

- Bần tăng biết tin muộn nên đến đưa đám quá trễ, xin Văn phu nhân rộng lòng tha lỗi cho.

Thiếu phụ vội vàng đáp lễ và nhỏ nhẹ thưa :

- Tiên phu tài mọn chức hèn, đâu xứng đáng làm bận lòng quý Chưởng môn của năm đại môn phái phải đến đây!

Thì ra năm người đây là Chưởng môn của năm môn phái lớn đương thời.

Đại sư cao niên nhất là Nguyên Tỉnh hòa thượng, Phương trượng phái Thiếu Lâm, tôn sư chấp tay nói :

- Mô Phật, xin phu nhân chớ khiêm nhường như thế, Văn đại hiệp trước đây ba năm đại thắng quần hùng trong kỳ đại hại võ lâm đoạt chức Thiên hạ đệ nhất gia, khác nào vị Minh chủ của các phái, lẽ ra bần tăng phải... phải...

Thiếu phụ buồn rầu cắt ngang :

- Chao ôi! Thiên hạ đệ nhất gia! Danh vị ấy cao quý thật đấy. Xưa kia chỉ vì tiên phu không am hiểu đương thời, say sưa cái chức vụ hảo huyền ấy trở thành cái đinh cho hào kiệt võ lâm, mang đại họa vào mình mà không biết.

Thở dài một cái, Văn phu nhân buồn buồn nói tiếp :

- Cũng vì quan niệm sai lầm ấy mà ngày nay tiên phu phải bỏ mình khiến mẹ con tôi phải cam phận góa bụa côi cút không nơi nương tựa.

Nói đến đây phu nhân nghẹn ngào nấc lên, nói không ra tiếng.

Thanh niên đứng bên cạnh là con trai duy nhất của đại hiệp Văn Tử Ngọc tên là Văn Thiếu Côn.

Nãy giờ Văn Thiếu Côn lẳng lặng theo dõi câu chuyện, nét mày đăm chiêu suy nghĩ.

Chàng rất ngạc nhiên trước thái độ quá đột ngột và ngôn ngữ khác thường của lão tăng cùng mẹ mình, thỉnh thoảng quắc mắt nhìn ngang như muốn tìm kiếm, tay phải lăm lăm nắm chặc chuôi kiếm dài bên hông trong bộ áo tang súng sính.

Nguyên Tỉnh đại sư của phái Thiếu Lâm nhíu đôi mày bạc phếu chớp mắt mấy cái rồi thở dài nói :

- Thôi trăm đường không sao tránh khỏi số, xin phu nhân nguôi thương bớt cảm, đừng than trách nữa làm gì.

Văn phu nhân gạt lệ nói :

- Đa tạ đại sư và quý vị, kẻ vô phước này rất cảm kích thịnh tình chiếu cố của năm vị. Bây giờ xin quý vị nhường đường cho chúng tôi đi.

Nguyên Tỉnh đại sư không nói ai, bước tránh qua bên cạnh.

Nhưng Không Tâm trưởng lão phái Nga My, Bồ Tâm sư thái phái Võ Di, Tam Dương đạo trưởng phái Võ Đang và Cửu Hoa lão nhân phái Hoa Sơn cùng gằn giọng hú một tiếng và quát lớn :

- Hãy khoan!

Văn phu nhân biến sắc, run run hỏi lại :

- Sao, chả lẽ quý vị...

Chưởng môn phái Nga My trầm giọng nói :

- Mô Phật, bần tăng đang có một điều thắc mắc, cảm phiền Văn phu nhân chỉ giáo cho.

Văn phu nhân lạnh lùng hỏi :

- Xin đại sư cứ nói.

Không Tâm trưởng lão long cặp mắt sáng như sao quét nhìn khắp chung quanh rồi trang trọng nói :

- Xin hỏi Văn đại hiệp võ công cái thế đang độ thanh xuân, công lực hùng hậu chưa hề nghe mắc bệnh gì, cớ sao thình lình quá cố? Sự bất ngờ này đã gieo mối ngờ vực trong các giới võ lâm!

Trưởng lão im lặng một phút, tằng hắng lấy giọng rồi hỏi tiếp :

- Vừa rồi Văn đại hiệp đang ở miền Tây trở về, cớ sao chỉ một đêm rồi chết?

Xin phu nhân phải chứng minh rõ ràng.

Cửu Hoa lão nhân, Chưởng môn Hoa Sơn tiếp lời :

- Theo thông lệ của võ lâm xưa nay, đáng lẽ phu nhân phải bố cáo cho anh em chúng tôi biết rồi ít ra cũng phải quàng lại một trăm ngày để quần hùng có đủ thời giờ về chiêm ngưỡng và phúng điếu chứ?

Tam Dương đạo trưởng phái Võ Đang cũng cất giọng rề rề hỏi thêm :

- Phải đấy, vì sao phu nhân không báo tin cũng không quàng linh cữu mà phát tang rồi đi chôn ngay trong một ngày. Vì lẽ gì đến nỗi phải hấp tấp như vậy?

Như thế chả hóa ra đã làm mai một thanh danh của một vị Minh chủ võ lâm và Văn đại hiệp đã gây dựng hồi còn sinh tiền đấy ư?

Rồi vung đôi tay áo rộng lên, đạo trưởng gằn giọng hỏi tiếp :

- Việc này có nhiều điểm đáng ngờ, phải trình bày cho minh bạch.

Văn phu nhân tái mặt vì quá tức, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh lớn tiếng đáp :

- Đây là lời di huấn của tiên phu lúc lâm chung.

Bồ Tâm sư thái cười nhạt một tiếng, nói :

- Phu nhân dự định chọn nơi nào để an táng Văn đại hiệp?

Không ngần ngừ, Văn phu nhân đáp ngay :

- Tại hang Vô Nhân cốc ở núi Kỳ Liên sơn.

Vừa nghe xong cả năm vị Chưởng môn đều “a” lên một tiếng rồi nhìn nhau ngơ ngác không ai nói tiếng nào.

Phút nặng nề trôi qua, Nguyên Tỉnh đại sư chau mày nói :

- Kỳ Liên sơn ở xa xôi cách đây mấy trăm dặm! Vô Nhân cốc là nơi hang cùng hiểm trở, dữ nhiều lành ít, vì lẽ gì phu nhân lại chọn nơi đó làm chốn an nghỉ cuối cùng cho Văn đại hiệp? Chỉ e rằng...

Văn phu nhân lạnh lùng nói ngay :

- Đây cũng là di mệnh của tiên phu mà thôi. Phận làm vợ chỉ biết tuân theo di mệnh ấy.

Nguyên Tỉnh đại sư đứng đó, người hnìh như gặp phải một sự việc quá bất ngờ trọng đại, không nói một lời.

Bồ Tâm sư thúc chép miệng cười chua chát và nói kháy :

- Đấy chẳng qua là lời thuật lại của phu nhân mà thôi. Đại hiệp có di ngôn hay không ai mà dám biết. Rất tiếc người đã khuất bóng rồi, lấy chi mà chứng minh cho được. Chả lẽ đi đối chất với một thây ma ư?

Ngừng một chặp, sư thái nói tiếp :

- Việc này chả rõ có phải di mệnh hay là... hay là...

Văn phu nhân tái mặt quát :

- Hay là sao?

Bồ Tâm sư thái chậm rãi đáp :

- Hay là do ý kiến của phu nhân? Lòng người rắn rít vô lường, chưa biết chừng Văn đại hiệp chết vì nguyên nhân nào khác mà biết đâu là do tay phu nhân.

Văn phu nhân khóc sướt mướt rồi ngậm ngùi nói qua dòng lệ :

- Trên đời có ai bằng chồng vợ, sao sư thái nở buông tiếng hồ đồ như vậy?

Nói xong hai tay ôm mặt gục vào quan tài khóc mãi.

Văn Thiếu Côn nãy giờ đứng cạnh lắng tai nghe, bỗng dựng đôi mày kiếm, đôi mắt quắc lên nhìn Bồ Tâm sư thái rồi đảo qua bốn người khác. Không nén được cơn thịnh nộ từ nội tâm đang bốc lên, soẹt một tiếng, thanh trường kiếm trong bộ tang phục đã tuốt ra khỏi vỏ. Chàng sấn tới mấy bước, thét lớn :

- Trước khi từ trần, ngoài mấy lời di chúc trên còn dặn thêm một việc nữa, các người có muốn nghe ta sẵn sàng kể lại cho.

Nguyên Tỉnh đại sư giật mình vội hỏi :

- Văn đại hiệp còn trối những gì nữa?

Văn Thiếu Côn trợn mắt nghiến răng đáp :

- Người muốn ta chặt đầu hết năm tên già của bè lủ môn phái chúng bay.

Thấy tình trạng quá gay cấn, Văn phu nhân phóng mình chận trước mặt con trai khẽ quát :

- Con không được lỗ mãng như thế mà thất lễ với các vị tiền bối.

Cả năm vị đùng đùng nổi giận, cùng quát to lên một tiếng “súc sanh” rồi bao nhiêu gươm đao đều tuốt ra khỏi vỏ, phi thân phóng tới cạnh chiếc quan tài.

Từ phía sau, hàng mấy chục đệ tử của năm môn phái nấp sau mấy gốc tùng, cũng từ từ rời chỗ ẩn bước tới thành một vòng tròn khá lớn!

Trong nháy mắt cục diện đã thay đổi, lực lượng hai bên phân biệt rõ ràng.

Hai mẹ con Văn phu nhân đã bị các cao thủ võ lâm vây kín. Số gia nhân và người đi đưa đám tuy đông nhưng phần nhiều là trai bạn nông dân không biết võ công nên trước khí thế ồ ạt oai dũng của các phái, đã thất kinh đứng dồn lại một nơi, mặt mày xám ngắt, không một ai có cử chỉ chống cự hay tìm cách tẩu thoát.

Văn phu nhân ngước mắt nhìn trời cười lớn rồi trợn mắt thét hỏi :

- Các ngươi muốn gì, hãy nói lên ta nghe thử. Hôm nay ta cũng quyết liều thân này để bảo vệ uy danh của nhà họ Văn và vạch mặt bọn phản loạn.

Tam Dương đạo trưởng cướp lời nói :

- Chúng ta đến đây chỉ muốn biết hiểu nguyên nhân cái chết quá đột ngột của Văn đại hiệp, có thế thôi! Nói thật hay che đậy là tùy nơi các người.

Không Tâm trưởng lão gằn giọng tiếp lời :

- Với thanh danh “Võ lâm đệ nhất gia”, đứng đầu thiên hạ bá chủ quần hùng dù có chết cũng phải minh bạch chứ?

Văn phu nhân rầu rầu nói :

- Quý vị đã có lòng tưởng đến tiền nhân, gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích. Song là chúng tôi chỉ ngại hành động này còn bao hàm nhiều âm mưu khác nữa.

Bồ Tâm sư thái cười khanh khách nói :

- Phàm một cao thủ võ lâm nội ngoại thần công tinh nhuệ đâu có kể gì thời tiết nóng lạnh. Một người như Văn đại hiệp tài nghệ đã vào hàng tuyệt đỉnh, một đêm ngộ cảm dễ gì chết nỗi. Bần tăng dám quả quyết là chứng đau tim bộc phát chỉ là điều dối trá mà Văn đại hiệp đã mất mạng vì độc thủ của phu nhân.

Văn phu nhân nổi xung nhưng cố nén rồi cười nhạt hỏi :

- Lão sư thái căn cứ vào đâu mà dám cả quyết như vậy?

Bồ Tâm sư thái nói :

- Nếu không có điều gì ám muội, tại sao không dám qùng đủ trăm ngày, bố cáo thiên hạ để anh hùng tứ phương về chiêm ngưỡng và phúng điếu?

Văn phu nhân đáp :

- Thiếp đã nói từ lúc đầu, là do di mệnh của tiên phu cơ mà.

Bồ Tâm sư thái cười gằn :

- Đó chỉ là ngụy biện để che đậy một sự thật. Bao nhiêu anh hùng trong thiên hạ đâu dễ bưng bít và qua mặt như người lầm tưởng.

Tam Dương đạo trưởng phất chưởng nói :

- Sư thái bất tất phải nhiều lời! Mô Phật, muốn tìm ra sự thật, chúng tôi chỉ cần phá quan tài nhìn thi thể tự nhiên sẽ thấy rõ.

Văn phu nhân tái mặt xông tới ba bước trợn mắt thét lớn :

- Phá quan tài à, các ngươi vì thù oán gì mà nỡ đem phơi xác một người đã quá cố? Thật ta không ngờ các ngươi nỡ nhẫn tâm và trở mặt như vậy!

Tam Dương đạo trưởng cau mặt nói :

- Ngoài biện pháp ấy, không còn cách nào khác rồi. Chúng ta biết làm sao hơn nên phải đành vậy! Nam mô A di đà Phật!

Nói xong đạo trưởng sà người lướt tới nhanh như chớp, vung quyền toan đập vào cỗ quan tài.

Văn phu nhân tung hữu chưởng chận lại, đôi mày dựng ngược, mím môi thét lớn :

- Các ngươi dám... dám...

Văn Thiếu Côn hét lên một tiếng, vung mạnh thanh trường kiếm vạch nên một đạo hào quang lóe mắt tỏa khí lạnh ghê người rồi luôn trớn phóng mạnh vào lưng Tam Dương đạo trưởng. Lưỡi kiếm xé gió véo véo, khí thế vô cùng mãnh liệt.

Để cứu lấy thân mình, Tam Dương đạo trưởng phải rút tay về phóng mình qua một bên né tránh rồi trả lại luôn hai chưởng liên tiếp.

Ngay lúc đó hai tiếng bộp bụp khô khan vang lên. Bồ Tâm sư thái thừa lúc hai mẹ con đang lo chống đỡ những thế võ của Tam Dương đạo trưởng, tung chưởng vào chiếc áo quan.

Do sức mạnh của chưởng lực, nắp áo quan tài bật tung lên, văng ra một bên.

Mọi người nhìn vào bên trong thấy rõ ràng một thây ma nằm im dưới lớp vải liệm, mặt mũi đen xì trông rất dễ sợ, chứng tỏ người trong quan tài đã chết vì trúng độc.

Cả năm nhân vật các phái võ cùng dừng tay ngẩn người. Hình như các vị Chưởng môn không ngờ tình trạng bất ngờ này, cùng ngó nhau một chập lâu không nói gì.

Nguyên Tỉnh đại sư lắp bắp nói :

- Mô Phật, việc này, việc này...

Văn phu nhân bật lên một chuỗi cười lanh lảnh rồi thét lớn :

- Ta chỉ e rằng, ngay trong lúc tiên phu còn đi thị sát miền Tây chưa về, năm vị đã dẫn người về bao vây Hạ Lan sơn từ trước rồi.

Tam Dương đạo trưởng thét lớn :

- Ác phụ đừng nói bậy, chúng ta dự định về đây hội ý cùng Văn đại hiệp chọn địa điểm triệu tập đại hội võ lâm kỳ tới, không ngờ lại gặp chuyện này.

Liếc mắt nhìn qua xác đen sì trong chiếc áo quan, đạo trưởng nói tiếp :

- Âu cũng do lòng trời xui khiến, cơ mưu của ngươi bại lộ để nỗi oan đại hiệp được giãi bày và ác phụ phải đền tội trước đại hội anh hùng thiên hạ.

Văn phu nhân chỉ cười nhạt rồi lắc vai phóng thẳng tới trước, hai chưởng cùng tung ra một lượt, ập vào ngực Tam Dương đạo trưởng, khí thế mạnh như vũ bảo.

Tam Dương đạo trưởng cầm đầu phái Võ Đang xưa nay nổi tiếng là cao thủ võ lâm tài nghệ siêu phàm nhưng cũng không dám xem thường, vội trầm người thấp xuống, đẩy hai chưởng ra chống đỡ.

Hai luồng chưởng phong xoáy va chạm vào nhau, “bùng” một tiếng, cát bụi bay mịt mù. Thân hình Văn phu nhân lắc lư rồi đứng yên vị. Tam Dương đạo trưởng bị dội ngược lại, loạng choạng mấy cái ngã ngửa trên đất, hộc ra một búng máu, thần sắc tái nhợt. Quả nhiên đạo trưởng đã thọ thương vì đòn tấn công đầu tiên rồi.

Ngay lúc ấy Văn phu nhân cũng kêu “ối”, thân hình lảo đảo xiêu qua một bên.

Thì ra cùng lúc ấy Nguyên Tỉnh đại sư và Không Tâm trưởng lão, hai bên nhất tề phóng chưởng cùng một lúc tấn công vào cạnh sườn tả và vai hữu của Văn phu nhân.

Thấy mẹ thọ thương, Văn Thiếu Côn hét lên một tiếng, vũ lộng thanh trường kiếm chém thẳng vào cổ họng Bồ Tâm sư thái.

Bồ Tâm sư thái điềm nhiên cười nhạt một tiếng, tung người tránh qua một tấc, khẽ dùng ngón tay búng vào mũi kiếm kêu cong một tiếng, rồi tung cước đát thốc vào bụng dưới của Thiếu Côn.

Ghê thay, một cái búng tay của sư thái đã đẩy bật thanh trường kiếm sút khỏi tay Thiếu Côn bay vút ra tận đàng sau như ánh sao sa.

Tiếp theo đó một tiếng bịch vang lên, Thiếu Công lãnh cú đá như búa bổ, dội ngược ra sau như chiếc diều đứt dây.

Cửu Hoa lão nhân cũng phóng chưởng quét mạnh theo, khiến thân hình Thiếu Côn vừa ngã xuống phải lăn lông lốc mấy vòng nằm bất động.

Ngay lúc đó Tam Dương đạo trưởng từ từ đứng dậy, hít một hơi dài, trợn mắt nhìn vào Văn phu nhân rồi phóng luôn hai chưởng “Đại lực kim cương”, thần chưởng khét tiếng của phái Võ Đang đập mạnh vào đầu nàng.

Trong lúc đã bị trọng thương vì hai đòn ác liệt của Nguyên Tỉnh đại sư và Không Tâm trưởng lão, Văn phu nhân vô phương tránh né, lãnh đủ đòn “Đại lực kim cương chưởng” bay bổng lên cao rơi xuống bãi cỏ, khắp người đầy máu, run lên lẩy bẩy rồi nằm im bất động.

Văn Thiếu Côn đau đớn quá rít lên :

- Mẫu thân! Trời!

Nhưng vì đã bị nội thương nặng, chàng lại hộc một ngụm máu tươi, lảo đảo rồi ngất luôn.

Bồ Tâm sư thái trổi lên một chuỗi cười rùng rợn, thét lớn :

- Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, giết rắn phải dứt nọc, trừ kẻ ác phải hết giòng.

Ác phụ đã đền tội thì thằng ranh con này cũng cho theo quách cha mẹ nó về chầu Diêm chúa.

Nói dứt lời, bà vận đủ mười thành công lực, quật một chưởng ngay vào thiên linh cái của Văn Thiếu Côn.

Bỗng ngay lúc đó, một bóng áo vàng lao tới ôm Văn Thiếu Côn bỏ chạy.

Bồ Tâm sư thái quát lớn :

- Hòa thượng kia mau bỏ thằng nhóc xuống.

Bà ta phi mình như bay theo, nhưng thân pháp của hòa thượng quá nhanh nên đành dõi mắt trông theo.

Tam Dương đạo trưởng lẩm bẩm :

- Hòa thượng này trông quen quen, phải rồi! Hắn ta là Niệp Sát hòa thượng.

Bồ Tâm sư thái hằn hộc nói :

- Dù hắn là ai đi nữa, chúng ta hãy hạ sào huyệt của Văn Tử Ngọc. Hãy nổi lửa thiêu cháy đi!

Lửa bốc cao ngùn ngụt, thiêu cháy một nơi từng là “Võ lâm đệ nhất gia” vang danh một thời.

Lửa đã lụi dần, cả tòa nhà đồ sộ nguy nga biến mất vào làn lửa, chẳng để lại một chút gì, vách tường đen thui thui.

Bao nhiêu gia nhân, tôi tớ, kẻ trước người sau lần lượt kéo nhau lẫn trốn hết, còn lại bốn lão bộc bên cạnh xác Văn phu nhân đẫm máu thút thít.

Chập sau, một trong bốn lão bộc nghẹn ngào nói :

- Lúc này không phải lúc khóc than, hãy lo chôn cất tướng công và phu nhân đã chết. Chẳng lẽ chúng thiêu lầm nữa hay sao?

Ba tên kia ngậm ngùi hỏi lại :

- Theo ý anh, chúng ta nên làm thế nào?

Người kia chau mày thở dài đáp :

- Việc cần thiết nhất là nên an táng thi hài chủ nhân cùng phu nhân, rồi sau sẽ tìm xem tiểu chủ nhân phiêu bạt nơi đâu.

Ba lão kia gật đầu đồng ý.

Họ dùng cán đòn khiêng trong nháy mắt đã đào xong một cái huyệt sâu độ một trượng.

Trong lúc cả bọn định dời thi hài vợ chồng chủ nhân hạ huyệt, thình lình có tiếng gọi se sẽ phều phào qua hơi thở :

- Kim... Trung... Nhứ...

Bốn lão bộc thất kinh, dáo dác nhìn bốn phía, chỉ ngó thấy Văn phu nhân đầy máu thịt, thấy tay chân có vẻ nhúc nhích cử động.

Hình như bà ta còn sống.

Người lão bộc tên Kim Trung Nhứ lập tức lại gần cúi mình gần khẽ gọi :

- Thí chủ mu ơi, chủ mẫu!

Ba người kia mặt mày tái xanh vì quá sợ đứng tận đằng xa không dám đến.

Thật là một chuyện không ngờ và cũng không ai dám nghĩ tới.

Một người bị đánh quá nặng, sứt mũi, xẻ tai lại mặt mày bê bết máu, tưởng đã chết từ lâu sao còn có thể sống lại được nữa?

Sự thực đã khác hẳn trí xét đoán của mọi người. Thi hài Văn phu nhân bỗng cựa quậy một lúc, đôi mắt mở nhìn rồi cất tiếng khàn khàn qua hơi thở đứt quảng :

- Kim Trung Nhứ!

Kim Trung Nhứ vừa mừng vừa sợ cúi xuống gần đáp :

- Chủ mẫu, thưa chủ mẫu cần gì đến lão nộ, xin cứ dạy. Lúc nào lão nô cũng ở bên cạnh chủ mẫu đây.

Văn phu nhân khẽ hỏi :

- Sao chúng mày không trốn đi còn lẩn quẩn nơi đây ích gì?

Ba tên lão bộc kia thấy chủ mình quả thật chưa chết, không còn sợ hãi na, vội vàng chạy lại cúi rạp xuống đất đồng thanh thưa :

- Bọn lão nô chúng tôi tuy thân phận hèn mọn, nhưng không bao giờ sợ chết.

Văn phu nhân thở hổn hển, nuốt ực một giòng máu muốn trào ra cổ họng rồi nói tiếp :

- Hãy tìm ở phía dưới quan tài, có lọ thuốc, mau mau mang lại đây.

Kim Trung Nhứ vừa nghe xong vội chạy lại sờ vào quan tài, thấy phía dưới chân thây ma của chủ có đặt một cái lọ sứ nho nhỏ. Miệng lọ đậy nắp thật kỹ, xung quanh bao sáp ong kín mít. Y vội dùng dao nhỏ gọt hết sáp cạy nắp ra.

Bên trong có một chất thuốc màu đen quánh, lấp loáng như loại cao lâu năm, ngửi có mùi hôi thối.

Kim Trung Nhứ nhăn mặt đứng tần ngần suy nghĩ thì Văn phu nhân gắt lớn :

- Mau đưa thuốc lại đây!

Giọng nói vó vẻ mệt nhọc và thiếu hơi sức.

Kim Trung Nhứ vội vàng mang lọ thuốc lại cầm hai tay trao cho phu nhân.

Văn phu nhân bị đánh quá nặng, mũi và môi trên bị sứt một miếng, hai hàm răng trắng lộ ra ngoài, mặt mày bê bết những vết máu khô bầy nhầy.

Vừa trông thấy thuốc, phu nhân không còn đủ sức tiếp lấy, chỉ hả mồm ra dấu bảo đổ vào.

Kim Trung Nhứ khẽ rót thuốc vào mồm, phu nhân thở hào hển nhưng vẫn cố gắng nuốt xuống.

Nằm nghỉ một chập bà ngẩng lên nhìn bốn lão bộc khẽ hỏi :

- Sao chúng nó chạy hết rồi ư?

Kim Trung Nhứ buồn rầu thưa :

- Dạ, bọn nó toàn phường tham sanh húy tử, trong tình thế nguy biến đã bỏ chạy trốn mất cả rồi.

Văn phu nhân lắc đầu, nói :

- Không, ta có hỏi đến chúng bây đâu. Ta muốn hỏi kẻ thù là năm tên đầu lãnh các môn phái cơ mà.

Kim Trung Nhứ vội thưa :

- Dạ! Mấy tên đầu trọc và ni cô đã bỏ đi cả rồi.

Văn phu nhân nhìn ngơ ngác hỏi :

- Cón thiếu chủ đâu?

- Thiếu chủ nhờ một lão hòa thượng cứu mạng đi từ lúc mới bắt đầu cháy.

Văn phu nhân nhướng mắt hỏi :

- Hòa thượng nào? Có biết rõ lai lịch của y không?

Kim Trung Nhứ thưa :

- Lão nô chưa hề gặp hòa thượng ấy bao giờ.

Sau một hồi cau mày suy nghĩ, Kim Trung Nhứ bỗng sực nhớ nói tiếp :

- Lão nô có nghe bọn kia gọi hòa thượng này là Niệp Sát. Chẳng hay phu nhân có từng quen biết với gã không?

Vừa nghe xong, Văn phu nhân tươi hẳn sắc mặt, phá lên cười :

- Á, Niệp Sát hòa thượng. Tốt quá, nếu đúng là gã thì thật là điều may mắn. Ông ta đã đến thật vừa đúng lúc đấy!

Ngừng một chập bà nói nho nhỏ :

- Kể ra là điều may, nhưng giá hòa thượng không đến thì bọn chúng cũng không giết chết thiếu chủ đâu.

Lúc bấy giờ trời gần chen núi, ngọn lửa cháy gần tới nơi. Kim Trung Nhứ gãi tai xoa tay thưa :

- Thưa chủ mẫu, trời sắp tối, ngọn lửa chưa tàn. Giữa cảnh này còn làm một xác chết và phu nhân bị trọng thương, biết làm sao được chu toàn bây giờ, xin phu nhân chỉ dạy!

Văn phu nhân nhìn người lão bộc, cảm động nói :

- Giờ phút nguy nan mới hiểu được lòng ngươi. Trong khi gặp tai nạn các ngươi không nỡ bỏ vợ chồng ta, thật là điều quý hóa, biết chừng nào đền đáp cho xứng đáng.

Cả bốn người cùng chắp tay thưa :

- Chủ nhân và chủ mẫu đã ban cho bọn lão nô này rất nhiều ân huệ, dù phải xả thân để đền đáp cũng không nề hà.

Văn phu nhân gật đầu tươi cười nói :

- Tấm lòng vàng của các ngươi ta xin ghi tạc khi tai qua nạn khỏi, ta quyết chẳng phụ lòng các ngươi đâu!

Suy nghĩ một lát bà nhìn Kim Trung Nhứ bảo nhỏ :

- Đem số thuốc còn lại trong lọ đổ vào mồm chủ nhân.

Kim Trung Nhứ ngạc nhiên lắp bắp nói :

- Thưa chủ nhân đã chết từ sáu bảy ngày rồi sao còn đem thuốc đổ vào mồm làm chi nữa.

Văn phu nhân lắc đầu gắt :

- Thôi đừng nhiều lời. Các ngươi cứ làm theo ý ta cho mau, kẻo muộn rồi.

Kim Trung Nhứ không dám cãi lời, vội cầm chiếc lọ chạy đến cạnh quan tài, run run đưa tay cạy răng Văn Tử Ngọc.

Thật là điều rất kỳ lạ, Văn Tử Ngọc chết đã gần bảy ngày, lẽ ra thì đã trương sình, thối nát, thế mà sờ vào vẫn không thấy gì lạ. Lúc kề lưỡi dao con nạy được hai hàm răng hình như có một làn hơi âm ấm thoát ra.

* * * * *

Văn Thiếu Côn nói với Niệp Sáp hòa thượng :

- Phụ mẫu thâm thù, tiểu bối xin thề cùng trời đất chứng minh thế nào cũng giết cho bằng hết năm phái võ kia để đền nợ máu.

Niệp Sáp hòa thượng lắc đầu nói :

- Khí khái nhà ngươi đáng khen thật, nhưng mọi việc đừng hấp tấp. Năm đại môn phái này đang hùng bá thiên hạ oai trấn núi sông, nhà ngươi bao nhiêu tài cán mà dám lộng ngôn.

Văn Thiếu Côn khích động nói :

- Thắng hay bại không phải điều cháu quan tâm, vì cháu nghĩ khi xả thân báo thù, dù phải chết dưới tay bọn chúng, phụ thân cũng ngậm cười nơi chín suối.

Niệp Sáp hòa thượng cười ha hả nói :

- Muốn chết cũng dễ, chỉ ngại nhà ngươi không muốn chết.

Văn Thiếu Côn ngạc nhiên hỏi :

- Lão thiền sư nói sao cháu không hiểu?

Niệp Sáp hòa thượng từ từ giải thích :

- Hiện nay năm phái võ lâm đã bố trí vây cánh khắp nơi kiểm soát chặt chẽ trên trăm dặm, chẳng khác nào lưới sắt, dễ gì thoát ra khỏi hang này. Chỉ một hành động nho nhỏ cũng làm cho chúng phát giác, đến vây bắt ngay. Chừng đó ngay thân mình đã bảo toàn được chưa mà hòng nghĩ đến việc báo thù. Ngay lão hòa thượng này cũng chưa chắc thoát được.

Văn Thiếu Côn chau mày nói :

- Thân cháu dù chết cũng không đáng tiếc vì khi phục thù không được, dù có sống sót cũng thẹn mặt với núi sông. Cháu nghĩ một nỗi vì việc mình mà gieo họa đến lão thiền sư.

Niệp Sáp hòa thượng cười xòa :

- Dù trốn thoát được hay không đó là việc sau,chưa cần quan tâm đến, để mặc cho phần số và định mệnh an bài. Giờ đây ta có một vấn đề cần hỏi ngươi.

Văn Thiếu Côn vội hỏi :

- Xin sẵn sàng trả lời. Chẳng hay đó là vấn đề gì?

Niệp Sáp hòa thượng nói :

- Việc này có liên quan đến thân thế của ngươi, và song thân ngươi nữa.

Văn Thiếu Côn đang ngơ ngác thì hòa thượng nói tiếp :

- Nhà ngươi còn nhớ ngày còn thơ ấu, trong cuộc đời của mình có điều gì đặc biệt đáng ghi không?

Văn Thiếu Côn suy nghĩ rồi lắc đầu đáp :

- Cháu còn nhớ là cùng song thân sống tại nhà cũ dưới Lăng Vân, mọi việc bình thường, không có gì đáng ghi nhận và nếu có là ngày hôm nay.

Niệp Sáp hòa thượng thở dài rồi gật đầu nói :

- Lẽ dĩ nhiên là thế! Dù có việc gì đại sự tới đâu mà trí óc của trẻ thơ hai tuổi đầu làm sao nhớ nổi!

Văn Thiếu Côn càng ngạc nhiên hơn nữa, vội hỏi :

- Lão thiền sư nói vậy là sao, cháu chẳng hiểu gì hết, xin cho biết.

Niệp Sáp hỏi :

- Bây giờ nhà ngươi được bao nhiêu tuổi rồi?

Chàng đáp :

- Cháu mới có mười sáu tuổi!

Niệp Sáp hòa thượng hỏi luôn :

- Với tuổi này, cha mẹ ngươi vẫn hết dạ yêu thương ngươi như lúc còn thơ ấu đấy chứ?

Văn Thiếu Côn ngơ ngác tự hỏi :

- “Quái, sao lão hòa thượng lại hỏi vặn thế nhỉ? Cha mẹ ai chẳng hết lòng yêu thương con trẻ, chắc có điều gì bí mật trong gia đình ta đây chăng?”

Bỗng hòa thượng xua tay nói :

- Ta chỉ hỏi thế thôi chứ không có điều gì đáng thắc mắc đâu nhé!

Đoạn ông hỏi thêm :

- Mấy lúc sau này cha mẹ ngươi có bao giờ kể hay nhắc nhở đến một chuyện cũ cho ngươi nghe chưa?

Văn Thiếu Côn nóng ruột quá hỏi tiếp :

- Nếu lão thiền sư có điều gì cần xin cứ hỏi ngay. Chuyện gì phải bận tâm suy nghĩ và thắc mắc. Cháu xin trình bày tất cả những gì đã biết, không bao giờ giấu diếm.

Niệp Sáp lặng thinh một hồi rồi nói :

- Đây là một trong ba câu chuyện quan trọng mà hòa thượng ta đang thắc mắc. Nói ra thì quá dài dòng, nhưng...

Văn Thiếu Côn tiếp lời :

- Xin lão tiền bối cứ nói.

Niệp Sáp nhìn chàng hồi lâu, gãi tai vò đầu rồi đi lại trong hang đá mấy vòng, suy nghĩ hồi lâu mới nói :

- Hang Vô Nhân cốc trong núi Kỳ Sơn là mấu chốt thứ nhất của câu chuyện này.

Thiếu Côn hỏi :

- Vô Nhân cốc là hang không người có phải không?

Hòa thượng đáp :

- Đó cũng là một điều khó giải thích, vì Vô Nhân cốc cùng Tích Lịch cốc, Khủng Bố cốc, mỗi tên đều có một lai lịch của nó, nhưng chưa nghe ai giải thích rõ ràng.

Chập sau ông kể tiếp :

- Vô Nhân cốc ẩn khuất tận lòng núi Kỳ Liên trùng điệp, quanh năm tuyết trắng bao phủ, không vết chân người lai vãng. Có lẽ là nguyên nhân của tên đặt.

Nhưng điều quan trọng là Vô Nhân cốc lại là mục tiêu của bao nhiêu giáo phái võ lâm đang theo dõi và để ý. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Văn Thiếu Côn hỏi :

- Hay là hang này có che giấu sự bí mật về một cái gì quý báu từ đời thượng cổ, hay có kỳ nhân ẩn tích tu luyện chăng?

Niệp Sáp hòa thượng lắc đầu đáp :

- Võ lâm chưa có ai nói gì nhiều về bí mật của Vô Nhân cốc. Câu chuyện bắt đầu từ năm mươi năm về trước.

Ngừng lời, ông liếc mắt nhìn chàng rồi kể tiếp :

- Hồi đó, khi bắt đầu có danh vị “võ lâm đệ nhất gia” đã gợi đến lòng tự phụ của một cao thủ đương thời là Vưu Bá Đạt, Chưởng môn Thái Cực phái ở Nhữ Nam. Vưu Bá Đạt có biệt tài về Thái Cực kiếm và Thái Cực chưởng, do đó y xem thường tất cả thiên hạ dưới mắt không nể một ai. Trong một cuộc tranh tài, Vưu Bá Đạt đã thắng quần hùng đoạt được thịnh danh “Võ lâm đệ nhất gia” hiên ngang đứng đầu thiên hạ. Từ đó cuộc sống của Vưu Bá Đạt đã dần dần đổi thay, kẻ hầu người hạ giảm bớt, mỗi khi ra đi chỉ đem theo một vài tên đồ đệ chân truyền mà thôi. Nhưng dịp đi thị sát miền Tây biên thùy và không có người dẫn đường nên Vưu Bá Đạt cùng hai đồ đệ đã lạc vào giữa lòng núi con hiểm trở.

Văn Thiếu Côn hỏi :

- Chắc đó là Vô Nhân cốc rồi!

Niệp Sáp hòa thượng gật đầu đáp :

- Đúng, đấy là Vô Nhân cốc, cửa hang bị tuyết băng đóng quanh năm, lối đi vào vô cùng hiểm trở. Tuy nhiên nhờ có thính giác hơn người, Vưu Bá Đạt đã phát giác được việc khác thường nơi đây.

- Thưa lão thiền sư, chuyện gì thế?

- Thứ nhất là từ trong hang sâu có một thứ tiếng la phát ra liên miên như sấm động. Thứ hai là có một mùi thơm thoảng nhưng rất đặc biệt của một loài hoa nào đó. Cháu thử nghĩ xem, với một vùng núi quanh năm tuyết phủ mà có tiếng sấm động, hương thơm, làm sao không gợi được tính hiếu kỳ của một cao thủ như Vưu Bá Đạt.

Thiếu Côn nói :

- Có lẽ ông ấy đã vào hang thám hiểm tìm hai điều bí mật chứ gì?

Niệp Sáp hòa thượng đáp :

- Vưu Bá Đạt bố trí hai tên đồ đệ đứng gác ngoài cửa hang, còn một mình xách kiếm đi vào.

Nghe tới đây, Văn Thiếu Côn thấy hứng thú bèn hỏi dồn :

- Vào đấy, ông ta có phát hiện được nguyên nhân của hai việc lạ này không?

Niệp Sáp hòa thượng lắc đầu đáp :

- Chỉ biết ông ta vào hang thôi. Còn việc tìm ra được gì thì tuyệt nhiên không ai biết nữa.

Chàng ngạc nhiên hỏi :

- Ủa, thế ra ông ta quyết giữ bí mật không chịu tiết lộ?

Niệp Sáp trầm ngâm đáp :

- Không, không phải. Dù ông ta muốn nói cũng không được nữa.

Văn Thiếu Côn trố mắt ngạc nhiên nói :

- Thực ra ông ta đã gặp điều gì trở ngại khi vào hang này chăng?

Niệp Sáp hòa thượng nhìn chàng nói tiếp :

- Quy luật của Thái Cực phái vô cùng nghiêm ngặt. Lúc vào hang, Vưu Bá Đạt ra lệnh cho đồ đệ đứng gác bên ngoài nhất thiết không được đi theo, nếu chưa có lệnh mới. Họ gác đấy luôn trong ba ngày ba đêm tuyệt nhiên không biết được gì về Vưu Bá Đạt mà cũng không nghe thấy điều gì khác lạ. Cả hai nóng ruột quá đành tìm cách vào hang. Một điều rất lạ lùng là tuy bên ngoài tuyết băng che phủ nhưng khi đi sâu vào hang độ tám chục trượng thì khí hậu trở nên ôn nhuần ấm áp như mùa xuân. Phía trước mặt có một cửa ải chắn ngang, còn hai bên núi đá cao vòi vọi, vách đứng sững thẳng tắp tận mây xanh, không thể nào vô lọt. Phía trước đấy đứng sừng sững một tảng đá vuông khổng lồ có khắc bốn chữ lớn “Vô Nhân cốc”, phía dưới thêm một hàng chữ nữa “Thiện nhân giả từ”.

Văn Thiếu Côn hỏi vặn :

- Đã gọi là Vô Nhân cốc, tại sao còn có người vào đây khắc chữ vào đá nhỉ? Kẻ nào đã viết các dòng chữ ấy, lão tiền bối có biết không?

Niệp Sáp hòa thượng cau mày nói :

- Cháu đừng hấp tấp, để ta nói dần cho nghe. Như ta đã từng nói, lúc trước cho cháu nghe một trong ba vấn đề thắc mắc nhất trong đời ta đấy ư.

Nhưng hiện nay còn rất nhiều điều bí ẩn và phức tạp chưa thể nhất thời giải đáp hết mọi thắc mắc được.

Rồi ông kể tiếp :

- Cửa ải bị mây mù che phủ phía trên, còn phía dưới chỉ thấy lờ mờ bóng cây cối rậm rạp, cỏ hoa mọc kín. Đi sâu vào trong mấy trượng nữa lại có một tảng đác lớn khác, cũng hình vuông đứng sừng sững với ba chữ lớn “Âm Dương giới”.

Hòa thượng trầm ngâm suy nghĩ một chập rồi tiếp lời :

- Vừa nhìn xuống dưới chân tảng đá, hai đồ đệ của Vưu Bá Đạt giật mình suýt rú lên vì sau lưng tảng đá có một bộ xương vắt ngang qua.

Hai đồ đệ nhìn nhau cùng nghĩ :

- “Bộ xương này có phải là sư phụ Vưu Bá Đạt đã chết, chả lẽ mới ba ngày mà thi thể đã hóa thành bộ xương hay sao? Một người như sư phụ có võ công xuất chúng, lẽ nào bỏ thây một cách dễ dàng như vậy sao? Ai đã hạ sát người?”

Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng mãi trong óc hai người mà không giải đáp được.

Khi cả hai ngần ngừ muốn chạy đến hốt bộ xương khô đem mai táng, bỗng một trận gió lạnh thoáng qua, bộ xương khô đã biến thành một đống bột theo gió cuốn bay tứ tung, phút chốc không còn vết tích gì nữa.

Văn Thiếu Côn ngạc nhiên quá hỏi :

- Thật là chuyện phi thường. Có lẽ hang này còn có nhiều điều thần bí và nguy hiểm nữa. Một nơi như thế này mà tại sao phụ thân lại dặn đem táng thi hài người vào. Lạ thật!

Chàng đang suy nghĩ miên mang bỗng Niệp Sáp hòa thượng cao giọng kể tiếp :

- Hai tên đồ đệ Thái Cực bang lo nghĩ sợ sệt chưa biệt nên làm gì thì thấy cách nơi đó không xa, phía bên này lằn xanh có một chiếc giày, trên có ghi mấy chữ bằng máu đỏ tươi: “Mau ra khỏi chốn này”.

Chúng bàn cùng nhau :

- Có lẽ chủ nhân gặp chuyện bất trắc và chết, người lưu lại chiếc giày này để cánh cáo cho chúng ta? Chiếc giày đã văng ra ngoài lằn xanh của Âm Dương giới, nhờ vậy nên không bị tiêu tan ra tro bụi.

Hai tên đồ đệ bàn tán xa gần rồi cũng chưa rõ thế nào là sự thật. Cuối cùng chúng xách chiếc giày trở về Thái Cực môn.

Nói tới đây Niệp Sáp hòa thượng cau mày lặng thinh.

Văn Thiếu Côn nóng ruột quá nhắc :

- Rồi sao nữa lão tiền bối?

Niệp Sáp hòa thượng nhướng mắt nhìn nóc hang than rằng :

- Từ khi Vưu Bá Đạt mất tích, Thái Cực phái không người điều khiển, bộ hạ thì đông nhưng người nào cũng tự cho mình là giỏi. Chúng chẳng chịu nhường nhịn tùng phục kẻ khác. Thế rồi bao nhiêu chuyện xảy ra khiến lực lượng ngày càng giảm sút, từ một môn phái mạnh nhất võ lâm đã dần dần tan biến trong giới giang hồ. Ngày nay tuy cũng còn một số cao thủ, nhưng họ chỉ sống cầu an với gia đình không còn nghĩ tới chuyện tranh đua cùng thiên hạ.

Hòa thượng chắc lưỡi mấy cái rồi nói tiếp :

- Còn Vô Nhân cốc, sau khi tin Vưu Bá Đạt mất tích, trở thành một vấn đề lạ lùng cho thiên hạ bàn tán sôi nỗi và là mục tiêu của những kẻ tò mò, nuôi nhiều tham vọng cao xa. Nhiều nhân vật trong các phái tìm đến tận nơi để dò xét thám hiểm, nhưng bí mật của Vô Nhân cốc vẫn hoàn toàn bí mật. Trên năm chục năm qua chưa kẻ nào có thể hiểu hơn được một điều gì mới mẻ ở hang này và dần dần Vô Nhân cốc đã chìm lắng trong sự quên lãng của võ lâm. Bao nhieu cao thủ đi vào Vô Nhân cốc đều có đi mà chẳng thấy trở về.

Văn Thiếu Côn hỏi thêm :

- Thưa lão tiền bối, trong những người đi tìm Vô Nhân cốc chẳng lẽ không một ai được trở về để thuật lại những gì đã thấy sao?

Niệp Sáp hòa thượng nói :

- Chỉ có một người, người ấy là một trong số ba bạn thân của hòa thượng này tên là Mộ Dung Nhã, biệt hiệu Độc Nhãn Thần Cái, hơn mười bốn năm về trước vào Vô Nhân cốc và theo lời truyền tụng của thiên hạ, y là người duy nhất đã trở về được. Biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đã lũ lượt kéo nhau đi tìm y để hỏi thăm về Vô Nhân cốc.

Văn Thiếu Côn nói :

- Nếu vậy thì Vô Nhân cốc đâu còn là bí mật nữa.

Hòa thượng mỉm cười nói :

- Khi Độc Nhãn Thần Cái từ Vô Nhân cốc trở về Cái bang, lập tức từ chức Bang chủ rồi bỏ đi biệt tích. Cả đến đồ đệ thân tín nhất của ông cũng không biết đã đi đâu. Thế rồi từ ấy đến nay màn bí mật lại bao trùm Vô Nhân cốc.

Văn Thiếu Côn thất vọng thở dài một cái, nhìn hòa thượng không nói gì hết.

Niệp Sáp hòa thượng lại tiếp lời :

- Nửa tháng sau hòa thượng này bỗng nhiên được thư của Độc Nhãn Thần Cái mời cùng đến hang Vọng Ngã ở núi Mộng Sơn.

Thiếu Côn ngạc nhiên hỏi lại :

- Hang Vọng Ngã?

Niệp Sáp hòa thượng nói :

- Đúng! Hang Vọng Ngã, ngươi nghe cái tên ấy có vẻ quái chăng?

Chàng gật đầu nói :

- Kỳ quái thật.

Hòa thượng nói :

- Hang này tên thật là Thanh Phong cốc. Còn Vọng Ngã cốc chỉ là cái tên sau này do Độc Nhãn Thần Cái tự đặt ra mà thôi.

Văn Thiếu Côn giật mình lẩm bẩm :

- À ra thế.

Niệp Sáp hòa thượng liền đứng dậy bước đi.

Văn Thiếu Côn thơ thẩn rồi bước theo sau.

/73

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status