Anh Chàng Bé Con

Chương 18

/28


Sau chuyến du hành đáng nhớ tới bệnh viện 108, đặc biệt là khi biệt danh “Tùng Thọt Tr…” ra đời, tôi tránh tiếp xúc với đám “anh cả”. Dù không biết chính xác đứa nào nhưng tôi biết chắc một trong ba thằng đã xì ra chuyện tôi “chạy gái” (bắt chước từ “chạy giặc”, tôi không tìm được từ nào thích hợp hơn để miêu tả tình huống ấy). “Chào Tùng Thọt Tr…”, “Mày làm bài chưa Thọt Tr…?”, “Ê, mày thọt thế liệu có phải lấy nhíp gắp ra không?”, đấy, lũ bạn học thi thoảng lại đâm chọt tôi như vậy. Đó là những lời châm chích đầy ác ý, bởi tôi thấy sự khoái trá trong ánh mắt của chúng nó, hoàn toàn không giống sự trêu chọc vô tư thời cấp hai cấp ba.

Sau này, mỗi khi nhớ chuyện cũ, tôi thấy mình yếu đuối thật. Vẫn còn cách khác để từ chối cô gái điếm nọ, hoặc thậm chí khỏi cần chối từ, he he! Nhưng biết sao được? Tôi lúc đó là con gà gô, mà loài gà thì không có tội. Thế nên dừng vấn đề “Tùng Thọt Tr…” ở đây nhé!

Suốt thời gian ấy, tôi không kết thân đứa bạn nào ở trường đại học. Đôi lúc tôi lại chán chường vô cớ, lòng tiếc nuối cho thời học sinh. Xung quanh tôi chẳng còn những đứa trẻ nữa, tất cả đều là người lớn, mọi hành động hay lời nói đều có mục đích hoặc động cơ riêng. Nhờ người ta một, người ta đòi bạn gấp đôi; người ta nhờ mình một, mình chẳng đòi lại được gì – tôi hay rơi vào trường hợp này. Ở đại học, tôi học không quá giỏi nhưng cũng khá, tụi bạn học rất hay nhờ vả. Mỗi khi có bài tập hoặc đồ án, chúng nó còn tôn trọng tôi, còn gọi tôi là Tùng đẹp trai hay Tùng men lì, chứ hết giờ là lại “Tùng Thọt Tr…”. Đi chơi hay đi ăn, cấm có bao giờ chúng nó gọi tôi. Tôi tồn tại như một cái bóng và chính tôi cũng chẳng bận tâm điều đó. Không có bạn mới? Chẳng sao! Tôi sẽ quay trở về với đám bạn cũ.

Nhưng ngay cả đám bạn cũ cũng thay đổi. Thằng Sĩ thì ngày một chải chuốt hơn. Nó thường xuyên kể về ông bác nó làm ở công ty lớn, rồi sau khi ra trường, nó sẽ có chỗ ở phòng marketing trong công ty, lương tháng 10 củ. Hết kể lể tương lai tươi sáng, nó lại khoe mấy cô em gái cùng trường xin nick Yahoo! làm quen. Lắm gái theo nó thật! Cái list nick Yahoo! của nó khiến mọi thằng con trai phải ghen tị, gái cấp hai cấp ba đại học có tất, chắc thiếu mỗi máy bay bà già. Sự nghiệp lẫn gái gú đều hơn tôi, thằng Sĩ nói chuyện với tôi cũng trịch thượng hơn nhiều. Mỗi khi tôi tâm sự chuyện vẽ, nó lại bóng gió chuyện tiền bạc công danh như gã trai ba mươi tuổi một vợ hai con nhà ba tầng xe bốn bánh. Mỗi lần nói chuyện với thằng Sĩ, tôi cảm thấy một nỗi khó chịu mơ hồ cứ lớn dần lên.

Thay đổi rồi… Thằng Sĩ đã thay đổi.

Thằng Cuốc lại không thay đổi mấy so với hồi cấp ba. Tiếng là nhiều ý tưởng kinh doanh nhưng nó chẳng biến ý tưởng nào thành hiện thực. Nhàn rỗi, nó quay ra chơi game, thích game và… không gì cả. Nó không giống tôi – một thằng mê game và muốn phát triển ý tưởng hoặc sáng tạo dựa trên nền tảng đó. Thằng Cuốc chỉ đơn thuần là thích chơi game và tận hưởng thú vui sau một ngày học tập căng thẳng. Ngoài game, nó rất chăm chỉ lướt mạng xã hội thu thập thông tin mấy ban nhạc Hàn Quốc, mấy chủ đề nóng hôi hổi (đa phần là các trang mạng cố tình đun lên cho sôi xình xịch). Hôm nay fan nữ gào rú gọi ca sĩ, ngày mai hot boy lên báo, ngày kia hot girl lộ hàng, thằng Cuốc biết tất. Nó bảo tôi như vầy:

-Biết mấy cái này, đi chơi với con gái có cái để nói ông ạ! Không biết thì chúng nó cười mình đấy!

Tôi thì không thích mớ nhạc nhẽo từ hàn thuổng. Tôi nghe rock – metal quá lâu, không thể dung nạp được những âm thanh nhàn nhạt đó nữa. Cơ mà hai thằng ngồi nói chuyện với mà một thằng cứ rốc rít, còn thằng kia cứ hot boy hot girl chắc? Phải có chung một thứ gì đấy chứ? Nghĩ rằng có thể lôi kéo bạn bè theo sở thích của mình, tôi bèn ngỏ ý dạy nó vẽ. Thằng Cuốc nhanh chóng theo học rồi nghỉ cũng rất nhanh. Sau một tuần, nó bảo tôi thế này:

-Chán chết ông ạ! Không có cách nào học nhanh hơn à? Dạy tôi vẽ mấy cái tranh mà bọn con gái thích ấy! Cái gì? Học hai tháng á? Thôi, thôi, nghỉ! Mà ông bớt vẽ đi, có kiếm ra được tiền đâu?

Thằng Cuốc quay về những thú vui game và mạng xã hội, tôi quay về việc vẽ. Lời thằng Cuốc khiến tôi nhận ra một điều: đam mê của người này là điều vớ vẩn với người khác.

Thay đổi rồi… thằng Cuốc đã thay đổi.

Đứa duy nhất không thay đổi là thằng Choác, hoặc tôi tự cảm thấy vậy. Trong mắt tôi, nó vẫn cao bằng tôi, vẫn tính cách bắng nhắng như thời cấp hai, vẫn sẵn sàng ngoạc mồm cãi nhau với tôi. Bạn thân là một thứ có thể khiến khái niệm thời gian gần như vô nghĩa. Nó sẵn sàng ngồi nghe tôi trình bày những ý tưởng điên khùng nhất, góp ý cho những dự định viển vông nhất, đại khái là chẳng khác thời học sinh. Nó làm tôi được an ủi phần nào. Nhưng thằng Choác đã đi làm thêm, không có nhiều thời gian để ngồi nghe tôi luyên thuyên.

Cuộc sống đang vận động, thằng Choác cũng phải vận động theo cuộc sống.

Bạn đang tự hỏi tại sao tôi lại lảm nhảm chuyện bạn bè, đúng không?

Bởi lẽ con người ta có thể chịu đựng sự cô đơn chứ không thể chịu đựng sự cô độc. Tôi cũng thế. Tôi có thể ế gái, không có nhiều bè phái để bù khú nhậu nhẹt, nhưng tôi cần người lắng nghe mình kể lể. Với tôi, chuyện vẽ vời không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Lúc bí, tôi cần chia sẻ ý tưởng với ai đó, cần họ góp ý hoặc phản bác. Nói một cách xa xôi hơn, ở cái tuổi nửa lớn nửa trẻ con ấy, tôi cần người tâm sự. Bạn có bao giờ thèm khát một bữa café với bạn bè, hay dong xe máy đi lang thang không mục đích chưa? Chính những lúc đó, bạn cần người tâm sự hơn bao giờ hết.

Niềm khao khát sẻ chia trong tôi càng lớn khi diễn đàn mà tôi tham gia tổ chức cuộc thi vẽ. Chủ đề cuộc thi là “niềm hạnh phúc”, thí sinh có thể vẽ tranh theo mọi trường phái. Sẽ có một ban giám khảo chấm thi và đánh giá, giải thưởng bằng tiền mặt. Tôi cũng đăng ký tham gia, phần vì hám tiền, phần vì ham danh tiếng. Có thằng chọi con tuổi mười tám nào không thích tiền bạc lẫn danh tiếng chứ?

Tôi mất kha khá thời gian lên ý tưởng. Vẽ một bức tranh mà ai nhìn vào cũng nhớ, để họ không nói rằng “copy tranh nước ngoài” là vấn đề khá khoai, cụ kỵ nhà khoai luôn! Vẽ tranh chân dung hay tranh phong cảnh đây? Hay là vẽ tranh trừu tượng cho chúng nó sợ? He he, đùa chứ tôi không được học vẽ chính quy nên chẳng hiểu quái gì về tranh trừu tượng. Tôi muốn vẽ một bức fantasy mà ở đó, người ta có thể thấy những hình ảnh không bao giờ xuất hiện ngoài đời thực. Tôi mường tượng ra đủ mọi khung cảnh ảo mộng, thậm chí phi lý. Chuyện này không khó bởi tôi vẽ chúng quá nhiều, vẽ thành quen tay, đặt bút xuống là vẽ được. Nhưng làm sao để người ta cảm thấy “hạnh phúc”?

Hạnh phúc là gì? – Một câu hỏi nghe chừng… quá dễ. Lên google đánh dòng “hạnh phúc là gì” là ra cả mớ bài giảng giải hạnh phúc. Nào hạnh phúc ngay trước mắt ta, nào hạnh phúc trong tầm tay, bla bla bla… Cá nhân tôi thì thấy hạnh phúc chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, chứ một ngày mà hạnh phúc cả hai mươi tư tiếng thì cái thằng đó không còn là người nữa. Thật! Để định nghĩa từ hạnh phúc, tôi bới lại cuộc đời mình, rút ra những tập giấy mang tên “ký ức” vốn đã đóng bụi. Xem nào, hồi bé được bố mua cho máy bay đồ chơi, tôi sướng phát điên, đấy là hạnh phúc? Hồi đi học được nghỉ tiết và đi chơi điện tử, đấy là hạnh phúc? Đỗ đại học, đấy là hạnh phúc? Có thể lắm! Thời buổi này, cứ việc gì làm chúng ta vui vui nhộn nhộn là quy ra hạnh phúc hết. Có người định nghĩa đơn giản hơn: nhiều tiền là hạnh phúc. Cũng đúng!

Và khi truy tìm thứ định nghĩa về hạnh phúc, tôi chợt nhớ cơn mưa tháng mười một hồi cấp ba. Hình ảnh nàng Tallulah tuyệt vời lại xuất hiện. Tôi mỉm cười. Đó là hạnh phúc chăng? Không rõ, nhưng tôi cảm thấy thoải mái tâm hồn mỗi khi nhớ về cô gái ấy. Phải, giữa khung cảnh thần tiên tuyệt diệu là một cô bé nhỏ nhắn, gương mặt thả hồn theo cơn gió của vùng đất cổ tích. Sẽ là như thế…

Nhưng dòng hồi ức không bao giờ dừng nguyên một chỗ. Nó trôi qua thời cấp ba, chảy về thượng nguồn mang tên cấp hai và tôi lại tìm thấy cái nắm tay mùa đông năm nào. Liệu nó có phải là hạnh phúc? Tôi chỉ dám chắc rằng nó đơn thuần là chút thích thú thời thơ bé, cái thời xa quá xa rồi. Bỗng chốc tôi cảm thấy tiếc nuối. Tiếc nuối – nghe như ông cụ non, nhưng dẫu cụ non hay cụ già 80 tuổi cũng đều nhung nhớ người con gái đầu tiên mà thôi. He he, xin lỗi các cụ!

Lấn cấn mãi mà vẫn chưa hiểu được cái gọi là “hạnh phúc”, việc vẽ tranh của tôi trì trệ theo. Cuộc thi diễn ra trong bốn tháng, hai tháng đầu tôi phải thi và hoàn thành đồ án ở trường, một tháng sau thì chơi game tối ngày (thi thoảng điểm xuyết Sasha Grey với Alexis Texas). Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi giật mình nhận ra thời hạn nộp bài thi còn non một tháng nữa. Nhưng hết ngày thứ nhất, ngày thứ hai rồi ngày thứ ba, tôi vẫn chưa vẽ được tí nào. Thậm chí tôi còn chưa biết nên vẽ trên máy hay vẽ ra giấy rồi scan sau. Tôi đem chuyện này kể cho thằng Choác, con vẹo này vuốt vuốt cái cằm lún phún râu rồi chặt tay như đinh đóng cột:

-Thiếu ý tưởng? Thế thì mày phải có bạn gái thôi!

-Hả? Gái gú liên quan mẹ gì? – Tôi ngạc nhiên.

Thằng Choác nhìn tôi và chặc chặc lưỡi:

-Đan Mạch thằng thổ phỉ… Mày thổ phỉ lắm con ạ! Mày không thấy tình yêu đẻ ra mọi thứ à? Mày phải yêu thì mới biết thế nào là “hạnh phúc” chớ! Nắm tay gái sướng cực, bố thề! Vợ tao có con bạn này cũng được lắm, để tao giới thiệu cho! Mày cứ nghe lời lãnh tụ!

Nó bắn tía lia một hồi, chẳng cần xem tôi đồng ý hay không. Tiện nói luôn là lúc đó con hẹo Choác đã có bạn gái. Không phải thằng Sĩ đẹp mã, không phải thằng Cuốc trên thông thiên văn dưới tường thông cống, mà chính thằng Choác có bạn gái trước. Như đã nói, tôi mà là gái thì tôi ốp thằng này luôn và ngay, khỏi nghĩ ngợi nhiều. Nghe giang hồ đồn đại một ngày nọ có vị tiểu thư ghé qua tệ quán, bỗng trông thấy vị công tử Choác đang ngồi trong góc. Công tử Choác vận hoàng y rực rỡ (thực ra là cái áo đồng phục nhân viên màu vàng chóe), đương trầm ngâm một mình độc ẩm (nước lọc), tay cầm đàn guitar tấu khúc “Hòn đá cô đơn”. Thấy thế, vị tiểu thư nảy sinh hảo cảm, bèn gọi vị công tử phục vụ một ly trà sữa. Hoàng y công tử bèn cất bước phiêu dật ra sau quầy rượu, song quyền pha chế ly trà sữa nhanh tựa thiểm điện. Phục vụ tiểu thư xong, thấy quán vắng khách, vị công tử lại về chỗ cũ, tay ôm đàn xướng khúc “Đêm nằm mơ phố”, thần thái lẫm liệt vô cùng, khiến vị tiểu thư đằng xa lại thêm một phen rung động. Thế là thiên tình sử như phim Hàn Quốc của thằng Choác bắt đầu.

-Đùa chứ mày rống lên mấy bài đấy mà cưa được gái á? – Tôi hỏi.

-Sao không? – Thằng Choác tự tin trả lời – Lãnh tụ như tao thì cưa gái kiểu gì chẳng xong?

-Thế cái con bé mày định giới thiệu cho tao như thế nào? Đừng bảo là nặng hơn tao ba chục cân hơi nhé?

-Cứ gặp rồi biết!

-Cơ mà tao đã tán gái bao giờ đâu? Nói cái vẹo gì với nó đây?

-Đ.M thằng thổ phỉ, thổ phỉ đến thế là cùng! Nghe này, trước tiên mày phải tạo ấn tượng với nó, úm ba la xì, í ba la xùm…

Nói thì ngượng, nhưng quả thực tôi không biết tán gái. Thằng Choác huyền thuyên chí tướng chiến thuật thế nọ, sách lược thế chai, nghe cứ như binh pháp Tôn Tử. Nghe lắm song tôi chẳng tiếp thu được chút tinh hoa nào của nó. Nhiều năm sau, tôi ngộ ra những thằng tán gái giỏi thực chất cóc có bí quyết mẹ nào hết, tự thân chúng nó sẵn có khả năng hút gái rồi. Tất cả mấy sách lược tán gái trên mạng toàn tào lao bố láo hết. Cơ mà hồi ấy tôi vẫn chưa ngộ ra chân lý đó.

Thằng Choác có đưa địa chỉ Yahoo 360 của cô nàng nọ cho tôi. Tôi lướt qua vài dòng trên blog, ngó vài tấm ảnh, trong lòng thầm đánh giá đối tượng. Ngày đó, blog 360 là thứ phản ánh cá tính chủ nhân; người dùng ra sao, blog y hệt hoặc là họ cố tỏ ra như vậy. Cô nàng ưa nhìn, không xấu không xinh, cá nhân tôi nghiêng sang phần “xinh” một chút. Nhưng có vẻ em là người sống nội tâm bởi avatar blog (ảnh đại diện) là hình hoa cỏ chứ không phải ảnh tự sướng như các cô gái khác. Ngôn ngữ em xài trong blog cũng không xì tin – tức là không có ký hiệu, thuần Việt, không màu mè và có – thể – đọc – được, lại là gái Hà Nội. Tuyệt! – Tôi vỗ tay. Kiếm được đứa con gái không tru mỏ giơ điện thoại, viết chữ không chèn ký hiệu lung tung thực là của hiếm. Ăn ngay không phải nghĩ! – Tôi thầm cảm ơn lãnh tụ, à nhầm, thằng bạn quý hóa của mình.

Hồi hộp! Hồi hộp! Buổi gặp gỡ đầu tiên làm tôi đừng ngồi không yên. Mở đầu bằng câu gì? Kết thúc như thế nào? Làm sao để gây ấn tượng với gái? Làm sao để gái muốn gặp mình lần hai? Tổ sư nó phức tạp vãi! Tôi không hỏi thằng Choác nữa mà hỏi một người mà tôi vốn không bao giờ nghĩ đến – mẹ.

-Ngày xưa mẹ quen ông già thế nào? – Tôi hỏi (ngày trước mẹ sẽ tát vỡ mồm nếu tôi gọi “ông già” hoặc “bà già”, cơ mà tát mãi tôi vẫn chứng nào tật nấy nên bà mặc kệ).

-Mày hỏi làm gì? – Mẹ ngạc nhiên.

-Để biết thôi! – Tôi gãi đầu.

-Ờ thì ông ngoại dẫn mẹ đi xem mặt. Xem thế thôi chứ chục năm sau mới lấy!

Tôi cười sặc:

-Chục năm sau mới lấy là sao? Hồ hồ hồ, ông già cưa kém vậy à?

-Mày nhầm con ạ! Bố mày ngày xưa học giỏi nhất vùng, không ngu như mày đâu! Gái theo ầm ầm. Nhưng mà có nhiều chuyện không như ý, rồi sau bố mày lại lấy mẹ.

Tôi cười sằng sặc:

-Để bây giờ lại ngồi than thở “sao ngày xưa mình lại lấy cái lão già ấy” hả?

Mẹ tôi cũng cười, bà trả lời:

-Ờ thì cái duyên cái số nó thế, biết sao được?

-Ơ nhưng mà ông già tán mẹ kiểu gì mà sau chục năm vẫn cưới được là thế nào?

-Ờ thì cứ thế mà tán. Bố mày làm quân y trên Hà Nội, thi thoảng về dúi cho mẹ được tí quà, thế thôi!

-Mỗi tí quà mà mẹ đã đổ á? – Tôi nghi ngờ – Chắc phải tán cái gì chứ?

-Hỏi gì hỏi lắm thế? Hỏi đường ngang quán chỉ, hỏi con đĩ bán hàng cơm! Mày đang tán gái à? – Mẹ nạt tôi.

Tôi lắc đầu chối biến rồi ù té quyền, tránh để bà cụ căn vặn thêm. Vậy là chỉ cần tặng quà thôi sao? Nếu thế thì tôi đã tặng quà rất nhiều lần, tôi dám nói đống quà của tôi tặng Hoa Ngọc Linh nhiều gấp mấy lần đống quà của bố tặng mẹ. Nhưng với cô gái sắp gặp mặt thì sao? Không lẽ cũng phải tặng quà? – Tôi ngẫm nghĩ.

Nói lắm là vậy, lên kế hoạch chu đáo là vậy chứ buổi gặp mặt ấy nhạt nhẽo chưa từng thấy, nếu không muốn là tệ hại. Nguyên do cũng bởi tôi mù tán gái. Theo sự sắp xếp của thằng Choác, tôi hẹn gặp cô gái nọ ở một quán café. Cổ không phải các cô gái thích làm đỏm ưa tới trễ. Tôi ngồi được năm phút thì nàng xuất hiện. Nàng ở ngoài đời xinh hơn trong ảnh. Tốt, quá tuyệt! – Tôi tự nhủ. Em bước tới, nhìn tôi và nở nụ cười mỉm:

-Chào bạn, bạn là Tùng phải không?

Trong tâm trạng lo lắng, tôi luống cuống đáp:

-Ờ… ờ, mình là Tùng. Chào bạn! Bạn là Trang à? Ừ, bạn… bạn ngồi đi!

Cái ngu thứ nhất lộ ra: tôi chỉ nói vậy và chẳng chạy ra kéo ghế mời nàng ngồi. Nàng ngồi xuống và gọi một cốc nâu đá. Trông nàng thật tự nhiên, như thể đã quá quen với những buổi gặp mặt thế này. Còn với tôi, đây là lần đầu tiên, tinh thần bấn loạn không thể tả. Bình tĩnh! Bình tĩnh tự tin không cay cú! – Tôi tự nhủ. Cố gắng nhớ lại kế hoạch tác chiến mà thằng Choác đã vạch ra, tôi nói:

-Bạn học trường nào nhỉ?

-Mình học ở… Bạn học trường nào?

-À, ở trường… Bạn học ngành quản lý hả? Có vất vả lắm không?

-Cũng bình thường! – Trang cười.

-Mình nghe quản lý cũng học cả kinh tế đúng không? Thế à? Mình cũng đang học mấy môn kinh tế này!

Tôi hỏi hăng say về chuyện học hành, Trang cũng nhã nhặn trả lời. Được đà lấn tới, tôi chém gió tưng bừng nào kinh tế vĩ mô, nào kinh tế vi mô, nào thế giới phẳng. Cái ngu thứ hai lòi ra: đi chơi với gái mà nói chuyện Đảng và nhà nước, nhà nước và Đảng (bắt chước tiến sĩ Lê Thẩm Dương tí, he he). Nghĩ lại chuyện này, nếu lúc ấy tôi mà là Trang, hẳn tôi đã túm đầu thằng Tùng Teo Tóp mà đấm đá thật lực: này thì kinh tế, này thì vĩ mô, này thì vi mô, bà mày cần nghe chắc?

Nói chuyện học hành và kinh tế chán, không khí giữa hai người chúng tôi chìm vào im lặng. Nếu đó là Châu hay Linh, sự im lặng này đơn thuần chỉ là nốt trầm trong một khúc nhạc tràn đầy giai điệu vui tươi. Nhưng Trang là cô gái hoàn toàn xa lạ, sự im lặng có nghĩa là… chúng tôi đã hết chuyện để nói. Nếu hứng thú với tôi, Trang sẽ chủ động bắt chuyện trước. Đằng này, nàng lại nhìn lên màn hình ti vi và chẳng có vẻ muốn kéo dài câu chuyện. Hỏng! Thế này là hỏng! – Tôi cuống cuồng tìm chủ đề mới. Bỗng thấy trên ti vi có ban nhạc Hàn Quốc, tôi bèn nói:

-Cái đám này hát chán nhỉ? Tớ chẳng thấy hay gì cả!

-Nghe cũng hay đấy chứ! Đâu đến nỗi? – Trang phản đối.

-Nhìn đứa nào cũng giống đứa nào, toàn âm thanh điện tử, giọng thì bóp méo, có gì hay chứ? – Tôi phẩy tay – Để mình giới thiệu vài band cho!

Blog rốt cục không phải là nơi phản ánh đúng bản chất con người. Trên blog, Trang không nói mình thích nhạc Hàn song thực chất lại rất hâm mộ dù chưa tới mức fan cuồng. Tôi vướng phải cái ngu thứ ba: chê bai sở thích của người khác. Đúng như lời thằng Choác nói, tôi đã gây ấn tượng cho Trang bằng ba cái ngu không thể sửa chữa kể trên. Trang chẳng thèm nghe mấy band nhạc mà tôi giới thiệu, nàng nhìn tôi bằng con mắt kinh ngạc pha lẫn khiếp sợ khi tôi mô tả không khí cuồng loạn ở đại nhạc hội Wacken. Chừng mười phút sau, nàng đứng dậy, chào tôi một cách miễn cưỡng, tự trả tiền cốc café của mình rồi bỏ về. Đợi lúc bóng nàng khuất sau cửa, tôi mới ngả người trên ghế, thở ra một hơi nặng nhọc. Thất bại! Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi kết thúc như vậy đấy!

Hôm sau, tôi nhận được lời phản hồi của Trang thông qua lời thằng Choác. Nó nói:

-Mày làm cái đếch gì mà cái Trang kêu thế?

-Nó nói với mày à? – Tôi hỏi.

-Không, nó kể cho vợ tao. Nó bảo mày nhạt, lại vô duyên bỏ mẹ! Mà nó bảo mày là thằng lập dị đấy! Ai bảo mày kể mấy cái nhạc rốc rít cho nó làm gì?

-Thích thì kể chứ có sao đâu? – Tôi chống chế.

Thằng Choác cười sặc:

-Đ.M thằng thổ phỉ! Nghỉ nghe nhạc gào rú đó đi, gái nó không thích đâu!

Tôi nheo mắt:

-Bảo tao nghỉ nghe rock metal á? Thế thì bố mày dí… vào!

Hai thằng cười sằng sặc trước buổi gặp gỡ tệ hại của tôi. Đằng thẳng mà nói, tôi là thằng tán gái tệ. Nhưng suốt buổi gặp mặt đó, tôi không có lấy một giây phút thoải mái hay tự tin. Cô gái tên Trang đó quá xa lạ, quá khác biệt so với Hoa Ngọc Linh hay Trâu điên. Trong thoáng chốc, tôi bỗng biến thành một thứ nửa nạc nửa mỡ, khi như ông bô già nói chuyện Đảng và nhà nước, khi thì như thằng trẻ trâu phân tích âm nhạc. Cho nên trong mắt Trang, tôi biến thành một đống dị hợm mà nàng chẳng muốn gặp lại lần hai. Một điều khá tức cười là vài năm sau, tôi thấy facebook của nàng có khá nhiều ảnh chụp đại hội Rock Storm, cũng áo rock cũng xòe tay metal-horns như ai. Con gái dễ thay đổi mà! He he!

Không tìm được bạn gái, khát khao tìm hiểu hai chữ “hạnh phúc” của tôi tan thành mây khói, việc vẽ thành thử vẫn đình trệ. Khoảng ba tuần trước hạn nộp bài dự thi, tôi tự giam mình trong phòng, tâm hồn ngụp lặn trong hàng trăm bản nhạc rock – metal. Lên đại học, tôi nghe metal nhiều hơn rock, nghe mọi thể loại, từ những thứ kinh điển nhất, bác học nhất, sâu lắng nhất cho tới những âm thanh bạo lực nhất, những ngõ cùng hẻm cụt đen tối kinh khủng nhất của thế giới metal rộng lớn. Nhưng nghe nhiều như thế, tôi vẫn không ngộ ra được thế nào là “hạnh phúc”. Không hiểu được, biết vẽ thế nào đây? Chẳng lẽ cứ phải có bạn gái mới hiểu được “hạnh phúc”? Có lẽ thằng Choác nói đúng, không tình yêu thì chẳng cái vẹo gì tồn tại trên đời hết.

Qua một tuần nhạc nhẽo, tôi vẫn chẳng vẽ được cái gì mà hạn nộp bài còn nửa tháng. Tôi quyết định quay trở lại ý tưởng ban đầu về một cô gái bé nhỏ đang hòa mình trên mảnh đất fantasy tuyệt đẹp. Tuy vậy, tôi vẽ chỉ để nộp bài đúng hạn chứ không hề cảm thấy thỏa mãn. Tôi vẽ hết sức chậm chạp, lòng trông đợi một ý tưởng nào đó bất chợt xuất hiện. Nhưng dường như bộ óc của tôi đã đi đến giới hạn.

Cuối tuần, lúc đang loay hoay vẽ, tôi nhận được cuộc gọi từ thằng Choác. Thằng hẹo oang oang:

-Này, tối nay có dạ hội ở trường… đấy! Đi không? Đi hai xe nhé, tao phải đèo đứa khác! Đi đi, ru rú ở nhà làm giè? Giè, mày cãi lời lãnh tụ à?! Đi!!!

Nghe lời rủ rê của thằng Choác, tôi tham dự dạ hội cùng nó. Số là có một cô em quen biết thằng Choác, nàng ta muốn tham dự dạ hội nhưng lại chưa có bạn trai nên nhờ thằng Choác làm tay vịn. Thằng cu to cao lại bô giai nên cô em khoái lắm, đem ra khoe cho bạn bè lác mắt chơi.

Lễ hội ở trường đại học cũng khác cấp ba nhiều. Người ta trang trí đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, nhìn chả khác gì những buổi dạ hội lung linh lấp lóa như trong phim. Ở đó, người ta ăn mặc đẹp hơn nhiều, ai nấy đều ra dáng người lớn. Những cô gái xinh đẹp trong bộ váy kiều diễm thu hút ánh nhìn của tôi, những anh chàng đỏm dáng trong bộ suit bóng lộn khiến tôi thêm căm ghét bọn đẹp trai (tổ sư mày Choác ạ!). Cũng có một cơ số khá đông những anh chàng như tôi, đi dự dạ hội để ngắm gái. Tất nhiên chẳng có chuyện làm quen như phim ảnh, vì hoa đẹp xứ này đều có chậu hết rồi, không dư phần cho những thằng như tôi.

Không có bạn gái mà đi dạ hội thì đúng là việc tẻ nhạt nhất đời. Ngay cả thằng Choác cũng không thể nói chuyện thoải mái với tôi. Cứ đi chục bước, nó lại bị cô em nọ lôi đi ra mắt bạn bè. Vì chấp nhận làm tay vịn nên thằng ôn chẳng thể từ chối. Tôi đành mặc nó với lũ con gái, trong lòng tính đi về. Còn hai tuần nữa để nộp bài mà tôi chửa vẽ được cái gì nên hồn. Vẽ cái gì đây? Tôi tự hỏi, chân nhẩn nha bước, bước mãi, bước mãi mà không để ý đường đi cho tới khi dẫm lên chân một cô gái. Cổ quát lên:

-Đi đứng kiểu gì thế?

Mả bà mày có va tí thôi mà kêu gào gì thế? – Tôi chửi thầm. Nhưng thấy cổ đi cùng một nhóm bạn nên tôi không cự cãi, chỉ giơ tay xin lỗi rồi chuồn thẳng. Nhưng chưa đi được bao xa, một cô gái từ nhóm bạn nọ chạy tới túm vai tôi rồi hỏi:

-Bạn gì ơi đứng lại đã!

Gặp phải chó dại rồi! – Tôi thầm than khổ. Chắc hẳn cái giày của con nhỏ kia đẹp lắm, bọn này tính bắt mình đền bù gì đây! Tôi quay lại nói:

-Xin lỗi rồi mà, còn gì nữa thế?

-Có phải bạn tên Tùng không nhỉ? – Cô gái kia hỏi.

Tôi hơi ngỡ ngàng. Cô gái trước mặt tôi có mái tóc dài nhuộm màu nâu, gương mặt trang điểm nhẹ nhàng, đại khái là có thể điều khiển ánh mắt của thằng đàn ông. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra gương mặt này có chút thân quen nhưng không thể nhớ là đã gặp ở đâu. Tôi ngờ ngợ:

-Ờ mình tên Tùng, nhưng sao bạn biết?

Cô gái ấy mỉm cười rồi đưa tay lên buộc lại tóc thành mái tóc đuôi ngựa, sau đó lấy giấy thấm chùi bớt lớp son trên môi. Không nhiều cô gái dám chùi hết son như thế sau khi đã trang điểm kỹ càng. Và rồi cô gái ngẩng mặt lên nhìn tôi:

-Nhận ra chưa? Sao Tùng hay quên thế?

Ngay lúc đó, đôi tai tôi chẳng còn nghe thấy tiếng nhạc xập xình phía trên sân khấu nữa. Những dòng hồi ức về mùa đông tưởng chừng đã biến mất nay lại sống dậy trong tôi. Một lần nữa, tôi lại trở thành một cậu bé khờ dại năm nào. Chúng tôi đã nói chuyện lâu, rất lâu. Tôi nói, tôi cười, tôi trở lại là chính tôi, không phải thằng vẹo hôm gặp gỡ cô nàng tên Trang nữa.

Tối hôm đó, tôi trở về nhà với nụ cười tủm tỉm luôn thường trực trên môi. Tôi không vẽ ngay mà ngẩn người trên ghế, thoáng chốc lại tự cười, thoáng chốc lại phóng mắt ra ngoài cửa sổ. Sau nhiều năm, người ta xây nhà cao tầng chi chít, bầu trời trước mắt tôi đã bé hơn nhiều. Nhưng chẳng hề chi, bầu trời tháng 7 năm ấy mới đẹp làm sao. Kệ mẹ luôn mấy con muỗi thi thoảng chích vào đùi. Đốt thoải mái đi chúng mày, tao đang vui! – Nếu bọn muỗi hiểu tiếng người, tôi sẽ nói với chúng như vậy.

Tự cười một hồi, tôi mở giấy bút rồi vẽ tranh – một bức tranh mới hoàn toàn. Tôi lại mở máy tính, lục lọi kho nhạc rồi nhấp vào folder mang tên “Alcest” và tìm bài “Ciel Errant – Lang thang giữa bầu trời”. Người ta gán cho ban nhạc Alcest chơi theo dòng black metal – thứ nhạc tăm tối rợn tóc gáy. Không, tôi không nghĩ thế. Ờ thì họ dùng kỹ thuật tremolo picking thật đấy, ờ thì họ vặn treble của amply lên cao đấy, nhưng tôi chẳng thấy sự tăm tối nào hết. Với tôi, đó là thứ âm nhạc đưa tôi về tuổi thơ. Và trên mặt giấy trắng tinh, tôi bắt đầu vẽ một cô gái bé nhỏ.

“Là Linh, Hoa Ngọc Linh đây, còn nhớ không?”.

“Thật à? Sao khác thế? Nhìn không ra luôn!”
.

Tôi vẽ một cậu bé đang nắm tay cô bé, cả hai đang bước trên một cây cầu đá. Cây cầu ấy đã cũ, những khối đá đã nứt vỡ như ký ức không còn rõ ràng, nhưng cây cầu lại vững chắc hơn bao giờ hết, bởi ký ức theo ta suốt cuộc đời, mãi mãi không thể quên.

“Tùng còn nghe rock nữa không?Biết band nào hay không, giới thiệu cho mình?”.

“Có chứ, sao không? Cơ mà cô trốn kỹ quá, tôi không tìm ra!”.

“Mình có để lại địa chỉ Yahoo! và số di động, tại Tùng không để ý đấy chứ!”
.

Phía dưới cây cầu đá nọ, tôi vẽ ra một vùng thảo nguyên xanh rì. Ở nơi ấy, những bông hoa đủ mọi hình thù chen nhau đua sắc, những cây cổ thụ cao ngất xòe bóng che mát một thời tuổi trẻ. Đó là vùng đất cổ tích, nơi chỉ dành cho những đứa trẻ vui đùa, nơi mà mọi chuyện bắt đầu.

“Thế cô có người yêu chưa?”.

“Chưa! Yêu đương gì chứ? Tìm mãi không ra!”.

“Thật chứ?”.

“Thật!”
.

Cây cầu đá ấy dẫn thẳng lên bầu trời xa xôi, ở nơi ấy là những tầng mây muôn hình vạn trạng, những ánh sao đêm đón chờ cô bé và cậu bé nọ, như đón chờ câu chuyện tuổi thơ xa xôi thuở nào trở thành hiện thực. Trong nét vẽ, trong tiếng nhạc của Alcest, bỗng dưng tôi cảm thấy cay cay mắt. Đùa chứ có cần thiết phải vậy không?

Cần chứ.

Bởi cuộc sống đã thay đổi nhưng hồi ức thời trẻ con vẫn không hề thay đổi. Nó hiện ra trước mắt tôi, cho tôi trở thành một cậu bé chứ không phải loại dở ông dở thằng. Chút gì đó rịn ra từ đôi mắt của tôi, nhưng nó không buồn, nó là sự hạnh phúc. Chỉ giản đơn vậy thôi. Tuổi thơ không ai giống ai, có người vui, có người buồn, nhưng tôi dám chắc một điều: những giấc mơ thời đó luôn khiến ta hạnh phúc, dù nó chưa chắc đã thành sự thật.

Mùa đông năm đó, có một cô bé đã thổi bay trái tim tôi qua những tầng mây. Tôi đã cố công tìm kiếm nhưng bất khả.

Rồi nhiều năm sau, cô bé ấy lại xuất hiện, cho tôi về với bầu trời, cho tôi tìm kiếm trái tim mình.

Bạn đã bao giờ “Ciel errant – Lang thang giữa bầu trời” chưa?

J'aime alors contempler le ciel

Avoir l'impression de m'envoler

Vers les nuages qui passent puis s'effacent

Dans le bleu d'une mer sans fin

(Tôi chiêm ngưỡng bầu trời trên cao

Và tưởng như mình đang bay

Bay qua những tầng mây trùng điệp

Rồi chìm trong biển xanh vô tận)
.


/28

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status