Báu Vật Của Đời

Chương 25

/69


Mùa thu rục rỡ của vùng Cao Mật, nước lũ mênh mông cuối cùng rút đi. Những vạt cao lương đỏ một màu đỏ-đen, những vạt hoa lau trắng một màu trắng-vàng. Nắng sớm trải trên cánh đồng mênh mông lởn vởn làn sương nhẹ. Toàn bộ binh mã của trung đoàn 17 lặng lẽ chuyển quân. Họ dắt lừa dắt ngựa nhón bước qua cây cầu mục nát trên sông Thuồng Luồng rồi khuất sau con đê ngoại vi Hà Bắc, không bao giờ còn thấy bóng dáng của họ nữa.

Đại đội binh mã của trung đoàn 17 rút đi, nguyên trung đoàn trưởng của nó là Lỗ Lập Nhân thì chuyển ngành, giữ chức vụ huyện trưởng kiêm đại đội trưởng dại đội của huyện Cao Mật mới thành lập. Thượng Quan Phán Đệ được bổ nhiệm làm khu trưởng khu Đại Lan, Thằng Câm được đề bạt làm tiểu đội trưởng tiểu đội của khu. Thằng Câm dẫn tiểu đội đến nhà Tư Mã Khố, khuân hết bàn ghế giường tủ của nhà Tư Mã chia cho các nhà trong thôn, nhưng ban ngày chia cho thì ban đêm họ lại đem trả ở cổng nhà Tư Mã. Thằng Câm sai người khênh đến nhà tôi một cái giường chạm trổ rất đẹp.

Mẹ bảo:

- Tôi không cần, khiêng về đi!

Thằng Câm bảo: - Cởi, cởi, cởi!

Mẹ quay sang bảo chị Phán Đệ:

- Con đem cái giường đi cho mẹ?

Trưởng khu Phán Đệ nói:

- Mẹ ơi, đây là phong trào, mẹ không nên từ chối?

Mẹ nói:

- Phán Đệ, Tư Mã Khố là chồng của chị Hai, mẹ đang nuôi con trai và con gái chúng nó ở đây. Rồi đây khi trở về nó sẽ nghĩ thế nào!

Những lời của mẹ khiến chị Phán Đệ suy nghĩ. Chị bỏ cái tất đang mạng dở xuống, dắt theo khẩu súng lục, vội vã đi ra cổng. Tư Mã Lương lén đi theo, trở về nói:

- Dì Năm lên huyện!

Tư Mã Lương còn nói, có một cỗ kiệu hai người khiêng, ngồi kiệu là một nhân vật cỡ bự, mười tám lính cầm súng đi bảo vệ. Huyện trưởng Lỗ trông thấy ông ta run cầm cập như chuột thấy mèo, cung kính như Tôn Tử gặp ông nội. Nghe nói ông này là chuyên gia nổi tiếng về cải cách ruộng đất.

Thằng Câm dẫn một số người đến khiêng cái giường đi.

Mẹ thở dài cất được gánh nặng. Tư Mã Lương nói:

- Ngoại ơi, ta chạy thôi! Cháu cảm thấy có chuyện lớn sắp xảy ra!

Mẹ nói:

- Phúc hay họa, là họa thì có chạy cũng không thoát! Lương này, con cứ yên tâm đi, dù thiên binh thiên tướng xuống trần thì cũng chẳng làm gì mẹ góa con côi nhà mình!

Nhân vật cỡ bự chưa thấy ló mặt. Trước cổng nhà Tư Mã có hai lính bồng súng đứng gác, các cán bộ huyện, khu ra vào như mắc cửi.

Một hôm, khi chúng tôi đi chăn dê về, gặp tiểu đội của khu và mấy cán bộ huyện, khu áp giải ông bán quan tài Hoàng Thiên Phúc, thợ đắp lò Triệu Giáp, chủ hiệu dầu Hứa Bảo, chủ hiệu dầu thơm Kim- Một-Vú, giáo viên tư thục Tần Nhị, đi trên đường. Những người bị bắt mặt mày ủ rũ. Triệu Giáp vươn cổ cãi

- Anh em ơi, thế này là thế nào? Nợ tôi cả bao tiền mà lại sổ toẹt là thế nào!

Một người nói giọng vùng Ngũ Liên, răng đồng vàng chóe, giang thẳng cánh tát Triệu Giáp một cái tát nảy lửa, chửi:

- Đ. mẹ mày! Ai nợ mày cả bao tiền? Tiền của mày từ đâu mà có?

Những người bị áp giải không dám hé răng, lùi lùi bước đi, đầu cúi gằm. Đêm, mưa lạnh rả rích. Một bóng người vượt qua tường, mẹ trầm giọng hỏi:

- Ai đấy!

Người đó bước nhanh mấy bước, quì xuống lối đi, nói:

- Thím ơi, cứu tôi mấy!

Mẹ hỏi:

- Có phải ông Cả đấy không?

Tư Mã Đình nói:

- Chính tôi, thím ơi, thím cứu tôi mấy! Ngày mai họ họp mít tinh xử bắn tôi? Chỗ dân làng với nhau, thím cứu cái mạng chó của tôi mấy?

Mẹ rên lên, mở cửa buồng, Tư Mã Đình lẻn vào. Ông ta run cầm cập trong bóng tối, nói:

- Thím ơi, cho tôi ăn chút gì đi, tôi đói chết mất!

Mẹ đưa cho ông ta cái bánh, ông ta vồ lấy nhai ngấu nghiến. Mẹ thở dài. Tư Mã Đình nói:

- Hừ, chỉ trách thằng Hai nhà tôi gây thù chuốc oán với Lỗ Lập Nhân. Thực ra họ còn là thân thích với nhau nữa đấy!

Mẹ nói: - Đừng nói nữa, đừng nói gì nữa, ông trốn vào trong này đi, hay dở gì thì tôi cũng là mẹ vợ của anh ấy!

Nhân vật bí ẩn, cuối cùng đã xuất hiện. Ông ta ngồi chính giữa mái che, tay trái nghịch chiếc nghiên mực màu chu sa, tay phải nghịch cây bút lông. Trên cái bàn trước mặt ông ta có bày một nghiên mực cỡ đại, chạm trổ rồng phượng. Nhân vật bự đeo kính gọng đen, hai má gần như không có thịt, cằm nhọn hoắt, mũi gầy nhọn, cặp mắt ti hí lấp lánh sau cặp kính. Ngón tay vờn trên nghiên vừa mảnh vừa dài, trắng như bột.

Hôm ấy, đại biểu của những người nghèo nhất ở mười tám thôn trấn vùng Cao Mật chen chúc trên một nửa sân phơi nhà Tư Mã. Xung quanh đoàn người, ba bước một trạm gác, năm bước một trạm tuần tra, đều do đại đội trên huyện và tiểu đội trên khu đảm nhiệm. Mươi tám vệ sĩ đứng trên bục đất, người nào cũng mặt lạnh như tiền, đằng đằng sát khí, y hệt mười tám La hán trong truyền thuyết. Phía dưới im phăng phắc, những đứa trẻ đã biết sợ thì không dám khóc, những đứa chưa biết sợ thì vừa oe lên là mẹ chúng nhét vú vào miệng.

Chúng tôi ngồi vây quanh mẹ. Khác với những người nhớn nhác xung quanh, mẹ bình tĩnh đến kinh người, chăm chú xe chỉ để khâu đế giày. Những tơ gai trắng lăn tròn trên bắp dùi mẹ, săn vào nhau đều đặn dài ra mãi. Hôm ấy trời lạnh, gió đông bắc như cắt vào da thịt, hơi nước từ ngoài sông Thuồng Luồng tràn vào, những người trên sân phơi run lập cập.

Trước khi đại hội chính thức khai mạc, có sự lộn xộn phía ngoài sân. Thằng Câm và mấy đội viên của tiểu đội khu áp giải Hoàng Thiên Phúc, Triệu Giáp... cộng mười tám người đợi phía ngoài sân phơi. Những người bị giải đều bị trói theo kiểu trọng tội, sau gáy cắm lá chỉ bài, gạch chéo đỏ trên chữ đen. Trông thấy những người này, dân chúng vội cúi đầu xuống, không ai dám bàn tán nửa câu.

Nhân vật bự ngồi bệ vệ trên ghế, đưa mắt nhìn một lượt những người trên sân. Mọi người rụt cổ lại, chỉ sợ ông ta nhìn thấy mặt mình. Trước sự uy hiếp của nhân vật bự, mẹ vẫn thản nhiên xe chỉ, làm như dồn hết tâm trí vào đó. Tôi cảm thấy rất rõ rằng: ánh mắt của nhân vật bự dừng lại trên khuôn mặt mẹ tôi khá lâu.

Lỗ Lập Nhân buộc chiếc khăn đen trên đầu, diễn thuyết một hồi trước đám đông, nước bọt bắn tung tóe. Anh ta bị chứng đầu thống, mặt luôn đỏ quạch ánh lên sau cặp kính như nụ hoa hồng. Nói xong, anh ta đến bên nhân vật bự xin chỉ thị. Nhân vật bự chậm rãi đứng lên. Lỗ Lập Nhân nói:

- Hoan nghênh đồng chí Trương Sinh chỉ thị cho chúng ta.

Anh ta vỗ tay trước, dân chúng ngơ ngác nhìn lên bục, không hiểu ý tứ ra sao.

Nhân vật bự đằng hắng một tiếng, chậm rãi, mỗi tiếng đều kéo dài ra y như những sợi mì kéo của mục sư Malôa năm xưa. Giọng ông ta lê thê như lá cờ phướn bay lượn trong gió đông bắc. Trong suốt mấy chục năm, mỗi khi nhìn thấy lá cờ phướn bằng giấy trắng viết tên tuổi người chết trong buổi lễ cầu hồn, tôi lại nhớ lần nói chuyện của nhân vật bự. Những lời của ông ta bay lượn trong gió như lá cờ phướn. Ông ta ngồi xuống đã lâu mà lá cờ ấy vẫn bay lượn, thậm chí còn nghe thấy tiếng nghiến răng kèn kẹt trong đó.

Tiếp theo, Lỗ Lập Nhân ra lệnh, Thằng Câm và những đội viên của tiểu khu và mấy cán bộ súng pạc-hoọc đeo trễ đít, giải những người bị trói lên bục. Họ đứng chật cả cái bục, che khuất tầm nhìn lên khán đài của những người dưới sân. Lỗ Lập Nhân ra lệnh:

- Quì xuống!

Trong số họ, người hiểu thì quì ngay, người còn đứng lớ ngớ thì bị đá vào khoeo chân, khuỵu xuống.

Những người đứng dưới sân đều cúi đầu, đưa mắt nhìn sang hai bên. Người nào dám mạnh dạn nhìn lên thì lại vội cúi đầu xuống khi trông thấy những giọt nước mũi chảy dài từ chóp mũi những người đang quì. Mẹ không xe chỉ nữa, kéo ống quần xuống che bắp đùi lạnh tím, thở dài. Lúc này, một người gầy gò rụt rè đứng lên, cất giọng khàn khàn run rẩy nói:

- Thưa bà trưởng khu, tôi có chuyện oan ức muốn tố cáo...

- Tốt! - Chị Phán Đệ phấn khởi kêu lên: - Đừng sợ, có chuyện oan ức thì nói, chúng tôi sẽ giải oan cho anh!

Quần chúng đều nhìn về phía người gầy. Đó là Thằng Gật. Chiếc áo ngoài của anh ta đã rách như tổ đỉa, thậm chí một ống tay áo gần như mất hẳn, bờ vai đen đủi lộ hẳn ra ngoài. Đường ngôi vốn thẳng như kẻ chỉ, bây giờ rối như tổ quạ. Anh ta run lẩy bầy trước gió lạnh, cặp mắt mờ đục lo ngại nhìn ra xung quanh.

- Lên trên này mà nói - Lỗ Lập Nhân nói.

- Chuyện thì không lớn - Thằng Gật nói - tôi đứng dưới này nói cũng được!

- Lên đi - Phán Đệ giục - Anh tên là Trương Đức Thành phải không? Tôi nhớ là mẹ anh từng xách làn đi ăn xin, khổ lớn thù sâu mà, lên kể đi!

Trương Đức Thành hai chân ríu vào nhau, lẩy bẩy ra khỏi đám người đang chú mục nhìn anh ta. Cái bục đất cao một thước, anh ta nhảy lên nhưng bị trượt, đất bám đầy ngực. Một vệ sĩ đứng trên bục cúi xuống thò tay lôi anh ta lên. Hai chân anh ta như đứng trên lò xo, lắc lư một hồi mới dừng lại. Anh ta nhìn xuống dưới thấy bao nhiêu ánh mắt phức tạp đang nhìn mình thì bủn rủn cả tay chân, mặt nổi lên từng đám màu xám nhạt, lắp bắp hồi lâu không nói được câu nào. Anh ta định chạy xuống thì Phán Đệ với thân hình to béo, khỏe không kém đàn ông, túm lấy vai đẩy ngược lại khiến anh ta loạng choạng suýt ngã. Anh ta trông rất thảm hại, van xin:

- Bà trưởng khu tha cho tôi, tôi chỉ là một cái rắm, bà hãy tha cho tôi?

Phán Đệ nói:

- Trương Đức Thành, anh sợ gì cơ chứ?

Trương Đúc Thành nói:

- Tôi sống độc thân, quanh ra quanh vào chỉ có một mình, chẳng sợ cái gì hết?

Phán Đệ nói:

- Chẳng có gì làm anh sợ, vậy tại sao anh không nói?

Trương Đức Thành nói:

- Chuyện chẳng to tát gì, thôi không nói nữa.

Phán Đệ nói:

- Anh tưởng đây là chuyện đùa hay sao?

Trương Đức Thành nói:

- Xin bà đừng nổi nóng để tôi nói. Hôm nay tôi coi như không có cái mạng tôi được chưa?

Trương Đức Thành đi đến trước mặt thầy giáo Tần, nói:

- Thầy Nhị, ông cũng coi là có học, cái hồi tôi học ông, đã có lần tôi ngủ gật, đúng không? Ông đã dùng thước kẻ đánh dập bàn tay tôi, còn đặt biệt hiệu cho tôi, khi ấy ông nói những gì, ông còn nhớ không?

- Hãy trả lời đi! - Phán Đệ nói to.

Thầy giáo Tần ngẩng lên, bộ râu vểnh ra phía trước như râu dê, lẩm bẩm:

- Lâu quá rồi, không nhớ

- Tất nhiên là ông không nhớ, nhưng tôi thì nhớ cho đến lúc chết - Thằng Gật hăng lên, lời lẽ bắt đầu trôi chảy. - Ông già, khi ấy ông nói như vầy: Trương Đức Thành cái gì anh, tôi gọi anh là Thằng Gật. Chỉ một câu ấy của ông mà suốt đời tôi mang cái tên Thằng Gật. Ông già gọi tôi là Thằng Gật, bà lão gọi tôi là Thằng Gật. Ngay cả những đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch cũng gọi tôi là Thằng Gật? Vì gánh trên lưng cái biệt hiệu ấy mà đến nay ba mươi tám tuổi tôi vẫn chưa vợ! Ông nghĩ coi, ai đời lại gả con gái cho Thằng Gật! Khốn nạn thân tôi, rủi ro suốt đời vì cái biệt hiệu này?

Cơn xúc động dâng lên, Thằng Gật nước mắt nước mũi ràn rụa. Tay cán bộ huyện có hàm răng đồng túm tóc hoa râm của thầy giáo Tần giật ngược để thầy ngửa mặt lên, bộ râu dê rung rung.

- Nói? - Tay cán bộ huyện nghiêm giọng hỏi - Trương Đức Thành tố cáo có đúng không?

- Đúng, đúng ạ! - Thầy giáo Tần vâng dạ luôn miệng.

Tay cán bộ huyện dúi tay một cái, ấn đầu thầy xuống, miệng thầy đầy đất.

- Tiếp tục tố cáo - Cán bộ huyện nói.

Thằng Gật dùng mu bàn tay dụi mắt, vắt mũi bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ rồi vẩy một cái, mũi dãi như một bãi cứt chim bay vèo tới nóc rạp. Nhân vật bự cau mày ngán ngẩm, rút khăn tay lau kính. Ông ta lạnh lùng như một hòn đá tảng. Thằng Gật nói:

- Tần Nhị, ông còn nhớ khi Tư Mã Khố học ông, hắn bắt cóc bỏ vào lọ của ông, đặt vè chửi ông rồi trèo lên dầm nhà mà đọc, ông có đánh hắn roi nào không? Có chửi hắn câu nào không có đặt biệt hiệu cho hắn không?

- Không, không, hoàn toàn không!

- Hay lắm! - Phán Đệ phấn khởi nói - Trương Đức Thành đã tố ra một vấn đề sâu sắc. Vì sao Tần Nhị không phạt Tư Mã Khố? Vì Tư Mã Khố nhiều tiền! Tiền của gia đình Tư Mã Khố do đâu mà có? Hắn không trồng mạch nhưng ăn bánh mì, không nuôi tằm nhưng mặc đồ tơ lụa, không nấu rượu nhưng ngày nào cũng say, thưa bà con, chính là mồ hôi xương máu của chúng ta đã nuôi sống bọn địa chủ. Chúng ta phân chia đất đai của chúng, của cải trong nhà chúng, thực tế là chúng ta thu hồi những gì của chúng ta!

Nhân vật bự vỗ tay khẽ tỏ ý tán thưởng lời lẽ khảng khái của Phán Đệ. Trên bục, các cán bộ huyện, khu và các đội viên vũ trang vỗ tay theo.

Thằng Gật nói tiếp:

- Chỉ riêng thằng Tư Mã Khố đã lấy bốn vợ, còn tôi thì một vợ cũng không. Như vậy có công bằng không?

Nhân vật bự cau mày, lắc đầu.

Lỗ Lập Nhân nói:

- Trương Đức Thành, không nói những chuyện này?

- Không, đây mới là nguồn gốc nỗi khổ của tôi! Thằng Gật tôi cũng là thằng đàn ông, phải vậy không? Giữa hai đùi cũng lủng lẳng cái của ấy...

Lỗ Lập Nhân đứng chắn trước mặt Thằng Gật, không cho nói nữa. Anh ta cất cao giọng, át cả tiếng gào của Thằng Gật, nói:

- Thưa bà con, Trương Đức Thành tuy nói năng có đôi chút thô lỗ, nhưng đã nêu lên một lý lẽ, vì sao có người lấy đến bốn vợ, thậm chí nhiều hơn, còn những người như Trương Đúc Thành một vợ cũng không.

Dưới sân bàn tán sôi nổi, rất nhiều ánh mắt nhìn về phía mẹ. Mặt mẹ xanh mét, con mắt vô cảm, không thù không oán, phẳng lặng như nước hồ thu.

Phán Đệ đẩy nhẹ Thằng Gật một cái, nói:

- Anh có thể xuống được rồi!

Thằng Gật tiến lên hai bước định bước xuống, nhưng lại chợt nhớ ra điều gì, quay lại xách tai Triệu Giáp đánh một bạt tai, chửi:

- Đ. mẹ mày! Mày cũng có ngày hôm nay, mày còn nhớ những khi theo đóm ăn tàn, dựa vào thế lục Tư Mã Khố khinh rẻ người khác chứ!

Triệu Giáp dùng đầu húc Thằng Gật một cú vào bụng dưới. Thằng Gật kêu thét lên, ngã lăn mấy vòng xuống sân phơi..

Thằng Câm xông tới đá Triệu Giáp ngã lăn ra rồi dùng chân chặn cổ Triệu Giáp. Khuôn mặt Triệu Giáp co rúm lại một cách đáng sợ. Anh ta thở phì phò gào thét như điên: - Tôi không phục, tôi không phục. Các người là đồ vô lương tâm, trời hại các người?...

Lỗ Lập Nhân cúi xuống hỏi nhân vật bự. Nhân vật bự cầm nghiên mực gõ xuống bàn đánh chát một tiếng. Lỗ Lập Nhân lôi ra một mảnh giấy, đọc:

- Xét phú nông Triệu Giáp, sống bằng bóc lột, thời kỳ Nhật ngụy hắn đã cung cấp cho ngụy quân khối lượng lớn lương thực. Thời Tư Mã Khố thống trị, hắn đã nhiều lần tiếp tế bánh bao cho bọn phỉ. Từ cải cách ruộng đất đến nay, hắn tung ra bao nhiêu lời đồn nhảm, công khai chống lại chính quyền nhân dân. Với phần tử ngoan cố như vậy không triệt đi thì không xoa dịu được sự căm phẫn của dân. Tôi thay mặt Chính phủ nhân dân huyện Cạo Mật tuyên bố tử hình Triệu Giáp, lập tức thi hành!

Hai đội viên khu đội lôi Triệu Giáp như lôi một con chó chết đến mép đầm đầy rác rưởi và cỏ mục. Hai đội viên tránh sang hai bên, Thằng Câm nhằm gáy Triệu Giáp nổ một phát súng. Nhanh như chớp, Triệu Giáp lộn đầu xuống đầm. Thằng Câm cầm khẩu pạc-hoọc miệng súng vẫn còn nhả khói, trở lại chỗ bục đất.

Những người quỳ trên bục dập đầu lạy như tế sao, sợ vãi cứt đái ra quần. Mùi hôi thối xông lên, những người trên bục và những người ở gần dưới sân đều bịt mũi.

- Tha cho tôi, tha cho tôi? - Chủ hiệu dầu thơm Kim-Một-Vú lết hai đầu gối đến trước mặt Lỗ Lập Nhân, hai tay ôm chặt lấy chân anh ta, vừa nói vừa khóc - Ông huyện trưởng tha cho tôi, tôi nguyện đem toàn bộ đầu thơm, toàn bộ số vàng, toàn bộ gia sản, ngay cả cái máng cho gà ăn cũng không để lại, chia hết cho bà con, chỉ cần tha cho mạng sống nhỏ nhoi của tôi. Tôi không bao giờ buôn bán để bóc lột mọi người nữa!...

Lỗ Lập Nhân muốn rút chân ra khỏi vòng tay của Kim-Một-Vú, nhưng chị ta cứ ôm riết lấy chân anh ta. Mấy cán bộ huyện ùa tới gỡ các ngón tay Kim-Một-Vú đan vào nhau như gọng kìm, giải phóng cho huyện trưởng Lỗ. Kim-Một-Vú lại lết đến bên nhân vật bự. Lỗ Lập Nhân kiên quyết:

- Lôi nó đi!

Thằng Câm quay ngược khẩu pạc-hoọc gõ một phát vào thái dương Kim-Một-Vú, chỉ một cái gõ chị ta đã ngã lăn ra, mắt trợn ngược, bầu vú duy nhất chĩa thẳng lên bầu trời u ám.

- Ai còn nỗi khổ nào không? - Phán Đệ hỏi to.

Dưới sân một người cất tiếng khóc. Đó là ông già Từ Tiên Nhi, tay chống cây gậy trúc vàng óng.

- Đỡ ông già lên bục! - Phán Đệ nói to.

Không ai đến dìu ông ta. Ông mù khóc, dùng gậy dò đường, mò mẫm bước lên bục. Cây gậy của ông ta dò đến đâu mọi người tranh nhau dãn ra đến đó. Hai cán bộ bước xuống kéo ông ta lên.

Từ Tiên Nhi cầm gậy bằng hai tay, vì uất hận, ông ta chọc gậy liên hồi xuống mặt đất. Mặt đất lỗ chỗ những vết gậy.

- Nói đi, bác Từ! - Phán Đệ nói.

Từ Tiên Nhi nói:

- Thưa trưởng quan, quả thực các ông báo thù cho lão chứ?

Chị Phán Đệ nói: - Cụ cứ yên tâm. Vừa nãy chẳng phải chúng tôi đã báo thù cho Trương Đức Thành rồi đấy sao?

Từ Tiên Nhi nói:

- Để tôi nói. Cái thằng khốn kiếp Tư Mã Khố đã bức tử vợ tôi, khiến mẹ tôi uất mà chết, hắn nợ tôi hai mạng người?...

Nước mắt ứa ra từ cặp mắt ông già mù.

- Bác cứ nói. - Lỗ Lập Nhân nói.

- Năm Dân quốc thứ mười lăm, mẹ tôi đã bỏ ra ba mươi đồng bạc trắng cưới vợ cho tôi, đó là con gái của bà ăn xin ở thôn tây. Mẹ tôi bán bò, lợn, hai tạ lúa mạch, đổi lấy ba mươi đồng bạc trắng đưa cho bà ăn mày. Ai cũng bảo vợ tôi xinh xắn, nhưng chính cái đẹp đã gây tai họa! Khi ấy Tư Mã Khố cũng khoảng mười sáu mười bảy chứ mấy. Hắn không chịu học, ỷ vào quyền thế của gia đình, cứ đến nhà tôi xoành xoạch, hát xướng, chơi hồ cầm, rồi đưa vợ tôi đi xem hát, trên đường trở về hắn cưỡng đoạt vợ tôi... Sau đó vợ tôi nuốt thuốc phiện tự tử, mẹ tôi uất quá thắt cổ chết.. Tư Mã Khố nợ tôi hai mạng người, xin Chính phủ phân xử việc này cho tôi?...

Ông mù quì trên bục.

Một cán bộ khu kéo ông ta đứng dậy. Ông ta nói:

- Không trả thù cho tôi thì tôi cứ quì ở đây!

- Bác ơi - Lỗ Lập Nhân nói - Tư Mã Khố chạy đâu cho thoát bắt được nó chúng tôi sẽ giải oan cho bác!

Ông mù nói:

- Tư Mã Khố như con chim diêu bay cùng trời cuối đất, các ông không bắt được nó đâu? Tôi yêu cầu Chính phủ cứ là mạng đổi mạng, bắn bỏ con trai và con gái nó. Thưa ông huyện trưởng, lão biết ông và Tư Mã Khố có hơi hướng gia đình, nếu ông là Bao Thanh Thiên thì xin ông chuẩn y lời đề nghị của tôi. Nếu ông còn tình nghĩa riêng tư thì tôi xin về nhà treo cổ tự vẫn, để Tư Mã Khố khỏi hành hạ tôi khi hắn trở lại!

Lỗ Lập Nhân đắng họng, cố phân bua:

- Bác ơi, nợ có đầu oan có chủ, ai làm người ấy chịu. Tư Mã Khố hại người thì chỉ có thể là Tư Mã Khố phải đền mạng, trẻ con không có tội!

Ông mù chọc gậy xuống đất nói:

- Bà con đã nghe rõ chưa? Đừng bao giờ bị mắc lừa, Tư Mã Khố chạy rồi, Tư Mã Đình trốn rồi, con cái của chúng chả mấy chốc mà lớn lên, huyện trưởng Lỗ với hắn là anh em cọc chèo, phải thân với nhau chứ! Bà con ơi, lão Từ này sống với một cây gậy, chết thành thức ăn cho chó, bà con không bì được với tôi đâu. Bà con, đừng mắc lừa..

Phán Đệ giận dữ quát:

- Thằng mù ăn nói bậy bạ cái gì thế?

Từ mù nói:

- Cô nương Phán Đệ, họ Thượng Quan nhà cô quả là giỏi! Thời Nhật thì có chàng rể Sa Nguyệt Lương đắc thế, thời Quốc dân đảng có rể thứ hai Tư Mã Khố đắc thế, bây giờ có cô và Lỗ Lập Nhân đắc thế. Gia đình cô không bao giờ bị mất ngọn cờ, không bao giờ bị lật thuyền. Rồi đây người Mỹ chiếm Trung Quốc, gia đình cô còn có chàng rể tây...

Tư Mã Lương mặt trắng nhợt, túm chặt tay mẹ. Tư Mã Thượng và Tư Mã Hoàng rúc vào nách mẹ. Sa Tảo Hoa khóc, Lỗ Thắng Lợi cũng khóc. Chị tám Ngọc Nữ là người khóc cuối cùng.

Tiếng khóc của chúng khiến người trên bục và dưới sân để ý. Nhân vật bự cũng nhìn chúng chằm chằm. Từ Tiên Nhi tuy mù nhưng rất chuẩn xác quì trước mặt nhân vật bự, gào khóc:

- Thưa trưởng quan, hãy phân xử cho lão mù này?

Lão vừa khóc vừa dập đầu lia lịa, trán lão dính đầy đất.

Lỗ Lập Nhân nhìn nhân vật bự bằng con mắt cầu cứu. Nhân vật bự lạnh lùng nhìn anh ta, cái nhìn sắc như dao. Lỗ Lập Nhân mồ hôi chảy đầy mặt, mất hẳn cái vẻ ung dung thanh thoát, khi thì cúi nhìn cái đầu ngón chân, chốc lại ngẩng nhìn những người dưới sân phơi anh ta không đủ dũng khí nhìn thẳng vào mặt nhân vật bự.

Thượng Quan Phán Đệ cũng mất đi vẻ oai vệ của một trưởng khu, mặt đỏ như gấc, môi dưới run bần bật như lên cơn sốt. Chị chửi bới như một mụ nhà quê đanh đá:

- Lão Từ kia, lão định làm loạn phỏng? Gia đình ta có chỗ nào đắc tội với lão? Con vợ thối thây của lão đã mồi chài Tư Mã Khố, bậy bạ với nhau trong ruộng lúa mạch bị người ta tóm được không còn mặt mũi nhìn mọi người, nên mới uống thuốc phiện mà chết! Ta còn nghe nói lão cắn xé cô ta suốt đêm như một con chó. Vợ lão đã cho biết bao nhiêu người xem những vết cắn thâm tím ở ngực, lão có biết không. Bức hại vợ lão chính là lão. Tư Mã Khố có tội nhưng thủ phạm là lão. Nếu tử hình, trước tiên đem lão ra bắn bỏ!

- Thưa trưởng quan! - Từ mù nói - Ông nghe thấy chưa, cháy nhà ra mặt chuột.

Lỗ Lập Nhân vội đỡ đòn cho Phán Đệ. Anh ta định kéo Từ Tiên Nhi xuống nhưng Từ Tiên Nhi như cục kẹo kéo, lôi dậy người dài ra, buông tay người vón cục. Lỗ Lập Nhân nói:

- Bác ơi, bác đề nghị bắn bỏ Tư Mã Khố là đúng, nhưng đòi bắn bỏ con cái của Tư Mã Khố là sai, trẻ con không có tội!

Từ Tiên Nhi cãi:

- Triệu Giáp làm gì có tội? Triệu Giáp chẳng qua chỉ là anh thợ bếp lò? Chẳng phải Triệu Giáp có chút tư thù với Trương Đức Thành đấy sao? Chẳng phải là các người nói bắn là lôi ra bắn đó sao? Thưa ông huyện trưởng, không bắn chết con cháu Tư Mã Khố thì lão không chịu!

Những người dưới sân bảo nhau:

- Bà cô của Triệu Giáp là mẹ đẻ Từ Tiên Nhi, hai người là anh em họ.

Lỗ Lập Nhân cười ngượng, dè dặt tới bên nhân vật bự, lúng búng điều gì đó với ông ta. Nhân vật bự xoay xoay cái nghiên mục, không nói nửa câu, nhưng hai vết hằn bên khóe miệng kéo dài xuống tận dưới cằm và cái bĩu môi của ông ta thì đầy sát khí. Lỗ Lập Nhân lại lúng túng trình bày gì đó. Lúc này cặp mắt trắng đã của ông ta ngước lên nhìn Lỗ Lập Nhân, cất giọng rè rè nói rất to:

- Cái chuyện vặt này mà phải làm hộ anh sao?

Lỗ Lập Nhân rút khăn tay lau mồ hôi trên trán, hai tay quài ra sau thắt chặt dải vải đen, mặt vàng bệch, ra phía trước bục, lớn tiếng tuyên bố.

- Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, thực hiện ý nguyện của nhân dân. Bây giờ tôi xin trưng cầu ý kiến của các vị, ai đồng ý bắn bỏ các con của Tư Mã Khố thì giơ tay lên?

Phán Đệ giận dữ chất vấn Lỗ Lập Nhân:

- Anh điên hay sao?

Phía dưới, mọi người cúi gằm, không ai giơ tay, cũng không ai nói gì.

Lỗ Lập Nhân đưa mắt hỏi ý kiến nhân vật bự.

Nhân vật bự thoáng nét cười nhạt trên khuôn mặt, bảo Lỗ Lập Nhân:

- Anh hỏi lại lần nữa, ai không đồng ý bắn bỏ các con của Tư Mã Khố?

Lỗ Lập Nhân hỏi: - Ai không đồng ý bắn bỏ các con của Tư Mã Khố thì giơ tay?

Quần chúng vẫn im lặng, đầu cúi gằm, không giơ tay, không ai nói câu gì.

Mẹ chậm rãi đứng lên, nói:

- Từ Tiên Nhi, nếu dứt khoát phải đền mạng thì xin bắn chết tôi! Mẹ ông không thắt cổ chết, mà chết vì băng huyết. Nguồn gốc bệnh của bà là từ thời loạn thổ phỉ để lại.

Nhân vật bự đứng dậy đi vào phía trong.

Lỗ Lập Nhân vội vã đuổi theo.

Trên một khoảnh đất trống phía sau bục, nhân vật bự lúc nói chậm lúc nói nhanh, cánh tay khẳng khiu mềm oặt của ông ta lúc giơ lên lúc hạ xuống, như một lưỡi dao chém vào không khí.

Các vệ sĩ xúm xít xung quanh, hộ tống ông ta bỏ đi. Lỗ Lập Nhân đứng như trời trồng, đầu cúi gằm. Anh ta đứng rất lâu rồi như sực tỉnh, lê những bước nặng nề, đờ dẫn trở về vị trí huyện trưởng của anh ta. Anh ta nhìn chúng tôi bằng ánh mắt điên dại, nhìn rất lâu, trông thật đáng thương. Lâu lắm, anh ta mới mở được miệng, ánh mắt thì như con bạc khát nước, nói:

- Tôi tuyên bố, tử hình con trai Tư Mã Khố là Tư Mã Lương, lập tức thi hành; tử hình hai con gái Tư Mã Khố là Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng, lập tức chấp hành!

Người mẹ chúi một cái, nhưng mẹ vẫn đứng vững. Mẹ nói:

- Để ta xem mày có dám không?

Mẹ ôm chặt Tư Mã Thượng và Tư Mã Hoàng. Tư Mã Lương nhanh nhẹn nằm rạp xuống đất rồi bò lùi. Mọi người lắc lư làm như không để ý, che khuất cho Tư Mã Lương bỏ trốn.

- Tôn Bất Ngôn? - Lỗ Lập Nhân quát to - Sao không chấp hành mệnh lệnh của tôi?

Phán Đệ chửi: - Anh lú lẫn rồi, lệnh gì mà như thế!

Lỗ Lập Nhân nói:

- Tôi không lú lẫn, tôi rất tỉnh? - Anh ta vừa nói vừa đấm vào đầu.

Thằng Câm ngần ngại buộc xuống bục, theo sau là hai đội viên của tiểu khu.

Tư Mã Lương bò ra khỏi đám đông, lách giữa hai trạm gác rồi chạy vụt lên đê.

- Chạy rồi, chạy rồi. - Các đội viên trên bục kêu lên. Các lính gác hạ súng trên vai xuống, kéo cơ bẩm, đẩy đạn lên nòng, rồi bắn mấy phát chỉ thiên. Tư Mã Lương mất hút trong những lùm cây lúp xúp trên đê.

Thằng Câm dẫn các đội viên, gạt những tấm lưng đen đủi ken nhau, đến trước mặt chúng tôi. Hai đứa con câm của hắn - Câm Anh, Câm Em - giương đôi mắt cô độc và ngạo mạn nhìn hắn. Hắn giơ vuốt trước như thép nguội ra, mẹ nhổ vào mặt hắn một bãi nước bọt. Hắn rụt tay lại chùi nước bọt trên mặt, chùi xong lại chìa tay ra, mẹ lại nhổ bãi nữa nhưng lần này súc yếu hơn, nước bọt chỉ đến ngực hắn. Hắn ngoảnh lại nhìn những người đứng trên bục. Lỗ Lập Nhân hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại. Phán Đệ thì ngồi xổm, hai tay bưng mặt. Các cán bộ huyện và khu thì nét mặt vô cảm như tuồng đất. Cái cằm dưới rắn như thép của Thằng Câm lập bập như thường ngày, miệng quát:

- Cởi, cởi, cởi?

Mẹ ưỡn ngực, thét lên chói tai:

- Thằng súc sinh, giết tao trước đi!

Mẹ xông tới trước mặt Thằng Câm cào vào mặt hắn. Mặt hắn xuất hiện bốn rãnh màu trắng, sau đó máu từ trong rãnh tứa ra.

Thằng Câm vuốt mặt một cái rồi đưa ngón tay ra trước mặt ngây ra mà nhìn, hình như để xem cái gì dính trên ngón tay. Xem xong, hắn lại đưa ngón tay lên mũi - cái mũi sư tử - để ngửi, hình như để biết trên ngón tay có mùi gì. Ngửi xong, hắn thè lại liếm đầu ngón tay như để xem mùi vị nó ra sao. Lát sau, hắn ầu ầu lên mấy tiếng, đấm mẹ một quả, mẹ ngã bay về phía chúng tôi.

Chúng tôi vừa khóc vừa phủ phục trên mình mẹ.

Thằng Câm xách từng đứa chúng tôi quẳng sang một bên. Tôi rơi trên lưng một phụ nữ, Sa Tào Hoa rơi trên bụng tôi. Lỗ Thắng Lợi rơi trên lưng một ông già. Chị Tám rơi trên vai một bà lão. Câm anh đeo dưới cánh tay của bố nó, bố nó vẩy rất mạnh cũng không rơi, nó bám chặt cổ tay không nhả. Câm em thì ôm chặt chân Thằng Câm Bố, cắn vào gối của bố. Bố nó hất chân, Câm em bay vào đầu một ông trung niên. Thằng Câm Bố giằng mạnh tay, Câm Anh văng ra, kéo theo trong miệng một miếng thịt của Câm Bố, rơi đánh bộp vào lòng một bà lão

Thằng Câm tay trái xách Tư Mã Phượng, tay phải xách Tư Mã Hoàng đi như đi trong bùn lầy, chân giơ cao rồi mới đặt xuống. Hắn đi đến trước cái bục, giơ tay trái quẳng Tư Mã Phượng lên, giơ tay phải quẳng Tư Mã Hoàng lên. Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng gào khóc, miệng gọi bà ngoại. Hai đứa muốn trườn xuống nhưng bị thăng Cầm chặn lại. Mẹ lồm cồm bò dậy loạng choạng chạy tới nhưng vừa được hai bước, mẹ ngã lăn ra.

Lỗ Lập Nhân dừnglại, giọng thê thảm:

- Các ông các bà nghèo khổ ơi, các vị nói đi, Lỗ Lập Nhân tôi có còn là con người hay không Bắn chết hai đứa trẻ này, trong lòng tôi như thế nào? Tôi đau lắm, xót xa lắm! Chúng nó là trẻ con, huống hồ lại là thân thích với tôi! Nhưng chính bởi vì chúng là họ hàng, tôi buộc phải rớt nước mắt mà tử hình chúng! Các ông các bà ơi, hãy tỉnh lại, tử hình con cái Tư Mã Khố là chúng ta không còn đường lui nữa. Thoạt nhìn, chúng ta bắn hai đứa trẻ, kỳ thực không phải là đứa trẻ, mà là chế độ lạc hậu cũ kỹ, chúng ta bắn là bắn cái chế độ đó, bắn hai dấu hiệu đó? Các ông các bà ơi, hãy vùng lên, không cách mạng thì là phản cách mạng, không có còn đường thứ ba!

Anh ta nói to quá nên ho sặc sụa, mặt đỏ gay, nước mắt ràn rụa. Một cán bộ huyện bước tới định đấm lưng cho anh ta, nhưng anh ta khoát tay từ chối. Rồi anh ta cũng điều khiển được nhịp thở, nhổ nước bọt, hổn hển như mắc bệnh lao, nói:

- Chấp hành đi!

Thằng Câm nhảy lên bục, hai tay kẹp hai đứa trẻ rảo bước đến bờ đầm. Hắn đặt hai đứa xuống rồi lùi lại hơn chục bước. Hai đứa trẻ ôm lấy nhau, khuôn mặt hẹp và dài như bôi lên lớp phấn vàng, bốn con mắt nhỏ xíu kinh hoàng nhìn Thằng Câm. Thằng Câm rút khẩu pạc-hoọc ra từ từ giơ lên, bàn tay hắn đầy máu run run như khẩu súng nặng đến hai mươi cân, vất vả mới giơ được lên. Pằng, hắn bắn một phát, cổ tay cầm súng nẩy lên một cái đầu nòng bốc khói, cánh tay hắn lập tức nhũn ra, viên đạn bay trên đầu hai đứa trẻ, làm bắn tung một chỗ bùn trên đầm.

Một phụ nữ với hai bàn chân không bị bó, người hơi nghiêng như thuyền buồm ăn gió, chạy như bay theo con đường mòn kẹp giữa hai vạt cỏ rậm, vừa chạy vừa gào thét như con gà mái chạy đến bảo vệ cho đàn con. Tôi nhận ra đó là chị Cả, vì chị từ chân đê chạy tới. Chị được coi là tâm thần không bình thường nên không dự đại hội đấu tranh. Là vợ chưa chết của Hán gian Sa Nguyệt Lượng, chị đáng bị đem xử bắn. Nếu mọi người biết chị đã từng nhất dạ phong lưu với Tư Mã Khố, chị đáng bị bắn hai lần. Tôi lo thay cho chị. Chị đang đâm đầu vào lưới. Chị chạy thẳng đến ven đầm, đứng chặn trước mặt hai đứa trẻ:

- Bắn tôi đi, giết tôi đi! - Chị gào thét điên cuồng - Tôi đã từng qua đêm với Tư Mã Khố, tôi chính là mẹ của chúng.

Cái hàm dưới của Thằng Câm lại lập cập dữ dội, chứng tỏ sóng gió đang nổi lên trong lòng hắn. Hắn chĩa súng, quát bằng giọng khàn khàn:

- Cởi, cởi, cởi!

Không chút do dự, chị Cả cởi nút áo để lộ cặp vú tuyệt mỹ của chị, Thằng Câm giương to mắt, cằm dưới của hắn như rơi xuống đất vỡ thành từng mảnh, to như cục gạch, nhỏ như mầu gạch. Hàm dưới mà mất, Thằng Câm trông thật dáng sợ. Hắn lấy tay nâng hàm dưới, chỉ sợ nó rơi xuống, nói mà không phải nghĩa như thế:

- Cởi, cởi, cởi?

Chị Cả ngoan ngoãn cởi bỏ áo, mình trần. Mặt chị đen nhưng mình thì trắng, trắng như ngà. Trong bầu không khí u ám, chị thi gan với Thằng Câm. Thằng Câm ngập ngừng đi tới, đi tới ngay trước mặt chị, một thằng đàn ông như đúc bằng thép phút chốc tan ra nước như người tuyết dưới ánh nắng mặt trời, chân một nơi tay một ngả, ruột lòng thòng như những con rắn, chỉ còn mỗi trái tim đỏ rực được nâng bằng hai tay là đang đập. Gắng gượng lắm những bộ phận đó mới trở về vị trí cũ thành hình người nguyên vẹn. Thằng Câm quỳ trước mặt chị Cả, hai tay ôm vòng mông của chị, hôn lấy hôn để cái rốn của chị.

Trước tình huống bất ngờ đó, bọn Lỗ Lập Nhân giương mắt nhìn nhau, miệng như bị bỏng, tay như chạm phải gai nhím. Dân chúng nhìn trộm về phía đầm, không hiểu tâm trạng của họ ra sao.

- Tôn Bất Ngôn! - Lỗ Lập Nhân ngán ngẩm cất tiếng gọi, nhưng Thằng Câm không thèm để ý.

Phán Đệ nhảy xuống bục chạy tới ven đầm nhặt chiếc áo cánh khoác lên người chị Cả. Chị định lôi chị Cả đi, nhưng nửa người dưới của chị Cả đã gắn chặt vào Thằng Câm, Phán Đệ gỡ ra sao được? Phán Đệ quay ngược báng súng đập vào vai Thằng Câm. Thằng Câm ngẩng mặt lên, nét mặt dịu dàng, nước mắt lưng tròng.

Sự việc xảy ra sau đó cho đến nay vẫn còn là một ẩn số có đến mười mấy nghiệm, không ai biết đích xác thật giả như thế nào. Giữa lúc chị Phán Đệ ngẩn người trước cặp mắt đầy lệ của Thằng Câm; giữa lúc chị em con Phượng líu ríu ôm nhau đứng dậy tìm bà ngoại, giữa lúc mẹ tỉnh lại - vừa kêu vừa chạy tới ven đầm; giữa lúc Từ Tiên Nhi nói: Ông huyện trưởng, đừng giết chúng, mẹ tôi không thắt cổ chết, vợ tôi chết không phải hoàn toàn do Tư Mã Khố, giữa lúc hai con chó hoang đang cắn nhau trong căn nhà bỏ hoang của người đàn bà Hồi; giữa lúc tôi đang nhớ lại khung cảnh ngọt ngào mà ấm ức bên máng cỏ, miệng tôi mặn mùi bụi đất ở đầu vú chị Cả và cái đầu vú nẩy như cao su của chị, thì có hai người cưỡi ngựa lướt tới như một cơn lốc. Hai con ngựa, một con trắng như tuyết, một con đen như mun. Người cưỡi ngựa trắng mặc áo đen, che nửa mặt dưới bằng vuông vải đen, đầu đội mũ đen. Người cưỡi ngựa đen mặc áo trắng, che nửa mặt dưới bằng vuông vải trắng, đầu đội mũ trắng. Mỗi người hai tay hai súng, tài cưỡi ngựa thì tuyệt diệu, hai chân thẳng băng trên mình ngựa, người hơi ngả về phía trước. Khi gần đến ven đầm, họ bắn một băng lên trời, các cán bộ huyện khu hoảng sợ đến nỗi nằm rạp dưới đất. Họ điều khiển dây cương cho ngựa lượn một vòng, thân ngựa hơi nghiêng vẽ thành một vòng cung đẹp mắt. Mỗi người trong họ nổ một phát súng rồi bỏ đi, đuôi ngựa bay bay, như sương như mù, chỉ chớp mắt đã biến mất, quả là đến như gió xuân, đi như gió thu, hư hư thực thực y như một giấc mộng! Họ đi rồi, mọi người mới dần dần định thần lại. Kết quả cuối cùng là Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng mỗi đứa bị một phát đạn vào đầu viên đạn từ trán chui ra gáy, lỗ đạn không sai nhau mảy may, mọi người ngạc nhiên thán phục mãi.


/69

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status