Bởi Vì Ta Thuộc Về Nhau

Chương 13

/21


Hạnh bần thần đứng nhìn nải chuối vàng ươm đặt trên một chiếc bàn bằng tre trong quán nhỏ bên đường. Cô nuốt nước bọt, ánh mắt thèm thuồng đang ẩn hiện sự đấu tranh quyết liệt. Túi đã không còn một đồng, bụng đói cồn cào đòi ăn trong khi lương tâm cô không cho phép cô được ăn trộm. Đã năm ngày từ khi cô bỏ bệnh viện, không nói một lời hay để lại một dòng nhắn gửi cho Việt. Cô biết rằng rồi Việt sẽ đi tìm cô, rồi Việt sẽ xuống tận nhà cô ở Hải Phòng. Với một người như Việt, anh sẽ không bao giờ bỏ mặc mẹ cô khi mẹ cô cần anh. Đành vậy, dù muốn dù không thì cô cũng chỉ còn anh là cứu cánh cuối cùng chăm sóc cho mẹ mình, thay cho đứa con gái bất hiếu và bất hạnh. Hạnh cũng không nhớ rõ làm thế nào mà cô có thể đến được đây? Chỉ biết là khi cô bỏ chạy khỏi viện, cứ thẫn thờ, lang thang bước vô định trên đường như người mộng du. Và khi qua một bến xe Bus, dòng người ào ào chen chúc nhau trèo lên xe Bus đã cuốn theo cô lên đó. Hạnh không biết chiếc xe Bus sẽ đi về đâu? Mãi đến khi người bán vé nhắc nhở mấy lần, cô mới choàng tỉnh và biết là mình đang ở bến cuối cùng, bến xe phía nam. Cô không biết rồi mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì? Nhưng điều duy nhất mà cô có thể biết là mình không thể ở lại Hà Nội được nữa, thành phố quá bé nhỏ, và rồi ngày nào đó cô sẽ gặp lại Việt, hoặc Phan hay Thảo, rồi cô biết nói gì với họ đây? Hạnh mặc kệ đôi bàn chân cứ bước lang thang không chủ đích, đưa cô tới đâu thì tới, cứ như một người say bơ vơ lưu lạc trong đêm tối mịt mùng. Không có đường đi, không biết phương hướng, chỉ có đôi chân là cứ bước mãi không thôi. Cô bước lên chiếc xe đầu tiên cô gặp, cũng không biết nó sẽ đi về đâu? Mặc kệ, với cô thì bây giờ đi về đâu cũng vậy mà thôi.

Chuyến xe đưa Hạnh đến thị xã biển khi chiều đã tắt nắng và đêm đang dần buông xuống. Thật tình cờ khi chuyến xe vô tình mà cô bước lên đưa cô tới thị xã Cửa Lò, nơi đã từng có lần Phan kể cho cô nghe về mùa đông ở biển. Thị xã ven biển nhỏ xíu chỉ hào nhoáng, sầm uất ở hai bên con đường Bình Minh chạy men theo bờ biển. Còn phía bên trong, những ngôi nhà cấp bốn tồi tàn nằm lẩn khuất sau những rặng Phi Lao trên những con đường đầy cát cho cô thấy một thị xã ven biển buồn tẻ, nghèo nàn nhưng tuyệt đẹp. Bốn hôm ở vùng đất du lịch tuyệt đẹp này, dù rất tiết kiệm nhưng số tiền mang theo cũng hết sạch. Và cô không biết phải làm thế nào, đã nguyên một ngày không có gì vào bụng. Chiều nay, khi một người khách du lịch thấy cô một mình lang thang trong công viên, hắn tưởng cô là một cô gái "ăn sương" và buông lời khiếm nhã. Hạnh ghê tởm nhìn gã thanh niên trông cũng lịch sự đẹp trai rồi bỏ chạy vào con hẻm nằm sau khách sạn Hoa Đồng Tiền. Và giờ cô đang đứng đây, trước một quán cóc nhỏ sơ sài chỉ có dăm gói bánh kẹo, vài gói thuốc và một nải chuối vàng ươm.

Hạnh nuốt nước bọt một lần nữa rồi quay mặt đi với thái độ hết sức dứt khoát. Thà rằng cô chết đói, chứ không đời nào cô làm một đứa kẻ cắp. Hạnh vừa dợn chân bỏ đi thì có tiếng ai đó gọi phía sau làm cô dừng bước. Hạnh quay lại, một bà lão với gương mặt già nua đầy nếp nhăn vừa xuất hiện và nhìn cô với ánh mắt hết sức hiền từ. Ánh mắt làm cô chạnh lòng nhớ tới mẹ mình, bà lão cất tiếng, nhẹ nhàng và khoan thai:

- Đáng lẽ ra cháu có thể lấy nải chuối đó rồi bỏ đi mà không ai có thể đuổi kịp, tại sao cháu lại không làm vậy? Nhìn ánh mắt của cháu kìa, nó cho bà thấy là cháu đang hết sức đói rồi đấy.

- Cháu xin lỗi - Hạnh bối rối, không phải là vì cô không hiểu bà lão đang nói gì. Quãng thời gian thân thiết với Phan và Thảo giúp cô không gặp quá nhiều khó khăn với giọng nói Miền Trung dễ thương nhưng hết sức khó nghe này. Hạnh cúi gằm mặt xuống đất, dù chưa lấy trộm cái gì, nhưng dù sao cô cũng đã có ý nghĩ xấu xa đó - Nhưng cháu không thể làm thế, cháu không phải là một tên trộm.

- Bà cũng đoán cháu không phải là một kẻ hư hỏng, nhất là khi nhìn vào đôi mắt của cháu, vào đây nào, vào đây và ngồi xuống. Cháu thích gì thì cứ lấy mà ăn, bà đoán cháu là một khách du lịch bị lỡ độ đường, tội nghiệp, bà thấy cháu là người rất tử tế.

- Cảm ơn bà, nhưng thú thực là cháu không có tiền, cháu không có gì để trả cho bà cả.

- Đừng lo - Bà lão bật cười, nụ cười phúc hậu và ánh mắt vui vẻ - Bà cũng đoán được điều đó mà, coi như bà cho cháu nợ, cháu quả là người rất tử tế, đôi khi người tử tế cũng cần nhận được sự đền đáp xứng đáng, phải không? Coi như bà thưởng cho cháu vì đã giữ được lòng tự trọng và sự chân chính của mình.

- Nhưng cháu ...

- Nào, ngồi xuống đây - Bà lão thân tình kéo tay Hạnh ngồi xuống - Cứ ăn những gì cháu thích, và đợi bà ở đấy, chỉ một chút thôi.

Không đợi Hạnh phản đối, bà lão lại tất tả bỏ vào trong nhà, một lúc sau, bà lão trở lại với một tô cơm to, và dúi nó vào tay cô.

- Ăn đi con, đừng khách sáo, bà rất quý những người có lòng tự trọng như con. Đừng có ngại gì hết, bác cũng chỉ có thể giúp được con đến thế thôi.

- Con cảm ơn bà - Hạnh cầm lấy tô cơm, nước mắt cô ứa ra, thế giới vẫn còn thật nhiều người tốt và cô nếu cô từ chối lòng tốt của bà lão này, thì chẳng phải là cô thật có lỗi hay sao? - con cảm ơn bà.

- Ơn huệ gì? Nếu con có thể, thì nói cho bà biết vì sao con lại ra nông nỗi này được không? Có phải con bị kẻ trộm lấy hết tiền không? - Bà nén tiếng thở dài, nhìn Hạnh với ánh mắt hối lỗi như thể chính mình đã lấy trộm tiền của cô - Thị xã này từ khi chuyển sang làm du lịch đâm ra có nhiều kẻ gian lắm. Thật buồn!

Hạnh bật khóc, như một đứa trẻ bị oan ức cố nín nhịn và rồi vỡ oà trong lòng mẹ. Không biết vì sao, có lẽ bởi ánh mắt quan tâm thông cảm hiền từ của bà cụ, khiến cho cô có cảm giác như ngày xưa được vùi đầu vào lòng mẹ, mà trút hết tâm sự. Hạnh dốc lòng kể hết, từ những chuyện của cô với Hoàng Việt, rồi với Thái Việt và những gì Thùy đã làm với cô. Tất cả cứ như một cuốn phim quay chậm từ từ chạy qua trước mắt cô, xiết vào lòng cô rướm máu. Bà lão im lặng, thở dài thông cảm, để mặc cho Hạnh với những tâm sự của mình. Mãi sau, bà bóc một quả chuối, đỡ lấy bát cơm trong tay Hạnh rồi đưa quả chuối cho cô, bàn tay bà vuốt nhẹ lên tóc cô, âu yếm.

- Ăn đi con. Con thật là bất hạnh và đáng thương, vậy là con không còn chỗ nào để đi về nữa - Bà lão lại thở dài - Bà có một đề nghị, bà chỉ có một mình, nếu con không chê, thôi thì cứ ở lại đây với bà, con đừng ngại, chúng ta nương tựa vào nhau mà sống.

- Nhưng thưa bác ...

- Đừng ngại, đằng nào thì bác cũng có mỗi một mình, chẳng biết khi nào sẽ nhắm mắt xuôi tay, cuối đời có một người bên cạnh cũng đỡ lẻ loi, hiu quạnh. Đừng ngại ...

- Vậy còn ...

Hạnh định hỏi thăm về những người thân của bà lão nhưng rồi cô dừng lại được. Cô nghĩ, có thể bà lão sẽ không muốn nhắc tới những điều đó. Nhưng dường như bà đọc được ý nghĩ của cô, bà thở dài, đôi mắt nhìn xa xăm ra phía biển:

- Họ đã chểt cả, mất xác trên biển, cả chồng, cả hai đứa con của bà, sống dựa vào biển, và cũng vùi xác ở biển. Ở đây có nhiều gia đình như vậy lắm. Bà sống một mình cũng lâu rồi, bà không phải dân gốc vùng này, quê bà ở một vùng núi cách đây không xa lắm... Bà và ông ấy gặp nhau khi chúng ta đi thanh niên xung phong. Bom đạn không giết nổi ông ấy, chỉ có Biển là làm được điều đó. Bà sống một mình cũng buồn, vì vậy muốn con ở cùng cho vui cửa vui nhà. Đừng từ chối. Coi như con tội nghiệp cho một bà lão sắp quá cố, con nhé.

- Sao anh lại về? Sao anh không gọi trước cho em? Muốn làm em bất ngờ hả? Phan không nhìn vào gương mặt đang cười rạng rỡ của Thảo. Anh lặng lẽ ngồi xuống cầu tàu, lơ đãng thả hai chân xuống nước mặc cho dòng nước lạnh buốt bao quanh đang khiến chân anh trở nên tê cóng lại. Cũng như những con sông miền núi khác, dòng sông Hiếu cũng mang trong mình sự hiểm nguy, hung dữ với đầy những thác ghềnh và dòng nước chảy xiết. Nhưng khi dòng sông chảy tới cù lao Tình yêu của Phan thì cù lao cứ như một ngọn núi nhỏ, chắn ngang và khuất phục sự hung dữ của dòng sông. Rồi thuần phục nó trở nên ngoan ngoãn, hiền hòa như một đứa trẻ, tặng cho thị trấn một vực nước sâu bên cạnh và bãi cát vàng êm đềm và thơ mộng ở phía sau. Phan ném một hòn sỏi xuống lòng sông, chỗ hòn sỏi rơi xuống, những vòng tròn sóng nước cứ loang ra, loang rộng ra mãi cho đến khi bị những cơn sóng dù nhẹ lăn tăn cũng đủ sức phá vỡ nó vỡ ra và tan biến đi mất. Phan lặng yên cúi đầu ngắm nhìn cho đến khi những dấu hiệu cuối cùng của vòng sóng nước tan biến hết rồi buông thõng:

- Anh nhận được điện thoại của Vũ.

Phan quay lại nhìn Thảo, ánh mắt anh nhìn cô dò xét. Thảo cúi xuống bứt cọng cỏ nước mọc dưới chân cầu tàu. Yên lặng một lúc lâu.

- Em chưa bao giờ đồng ý.

Phan nhìn sâu vào mắt Thảo, Thảo nghiêng đầu tựa vào vai Phan, nhưng anh ngồi thẳng người dậy, đẩy đầu cô ra trong ánh mắt mở to ngỡ ngàng của Thảo.

- Vũ không có vẻ gì là đang đùa, và anh biết là anh ấy chẳng mấy khi đùa, nhất là với những chuyện như thế này.

- Em không biết Vũ đã nói gì với anh, nhưng đó chỉ là chuyện giao ước ngày xưa giữa hai nhà. Có lẽ Vũ yêu em, nhưng em chưa bao giờ và không bao giờ đồng ý, em tưởng anh biết điều đó mà?

Yên lặng, chỉ có những tiếng sỏi rơi xuống nước nghe "chõm, chõm".

- Vũ nói với anh sẽ lấy Thạch Thảo nhà ông Hòa, - Phan phá vỡ sự im lặng - anh hi vọng là em có một cô em gái song sinh.

- Còn em thì đã hi vọng rằng anh sẽ luôn tin tưởng và ở bên em kia đấy.

Phan không đáp lại, anh lơ đãng ném từng hòn sỏi xuống sông, những tiếng "chõm, chõm" vang lên không ngớt. Mãi lâu sau, anh đứng dậy, lội hẳn xuống nước, vung tay thật mạnh ném hòn sỏi bay lia thia trên mặt nước. Hòn sỏi lướt trên mặt nước mấy lần rồi chìm hẳn. Phan bước lên bờ, anh cởi quần áo dài, đặt lên một tảng đá.

- Phan!

- Tắm thôi, anh muốn tắm.

- Trời lạnh lắm, mà em thì muốn nói chuyện với anh.

Phan bước lại gần, đặt hai tay lên vai Thảo, nhìn sâu vào mắt cô, âu yếm.

Anh tin em.

Im lặng, tất cả như đứng yên, chỉ còn bờ môi quyện vào nhau.

- Phan! Lạnh lắm đấy, đừng tắm mà anh, anh sẽ ốm mất thôi.

- Em có biết là anh chờ đợi giây phút này bao lâu rồi không? Gần năm năm anh không được hòa mình xuống dòng nước này, anh rất nhớ nó. - Phan bước xuống nước, nước rất lạnh.

- Vậy thì em sẽ tắm cùng anh.

- Đừng có ngốc thế, đây không phải phòng tắm nhà mình. Mà, em về nhà đi, mai anh sẽ sang nhà em, anh sẽ nói chuyện với ba em về chuyện của chúng mình.

- Không! Xin anh, nếu bây giờ anh mà đến, ba sẽ giết anh đấy. Hãy cho em thời gian, em sẽ nói chuyện với ba trước, ba cần được chuẩn bị tinh thần.

- Chuẩn bị tinh thần để gặp anh ư? - Phan phá lên cười - Anh đâu phải là tội phạm? Hoặc một tên cướp sông cướp chợ?

- Nhưng anh ở bên kia sông, Phan! Anh hiểu điều đó có ý nghĩa thế nào mà, phải không?

- Nhưng tụi mình yêu nhau, và bây giờ đâu phải như ngày xưa?

- Em biết, nhưng Ba em, anh cũng biết tính ông ấy rồi đấy. Việc em sẽ từ chối Vũ, có thể làm Ba em phát điên, rồi thì lại thêm anh tới nữa, chắc là ...

Thảo rùng mình, cô không dám nghĩ tới phản ứng của người cha nóng tính và gia trưởng của mình khi biết chuyện cô phản đối Vũ chỉ vì cậu em họ của anh, và là một kẻ bên kia sông. Dù bây giờ chuyện thù hằn giữa hai bờ sông không còn gay gắt như trước, nhưng chuyện rào cản yêu đương giữa đôi bờ thì vẫn chưa thể nào gỡ bỏ đi được. Nhất là khi chuyện của ba mẹ Phan vẫn còn nóng hổi ngay trước mắt.

Phan bế đứa cháu mới hơn bốn tuổi đi loanh quanh trong nhà bếp trong khi mẹ nó lúi húi nấu cơm. Anh rể Phan là bộ đội, đóng quân cách nhà cả vài trăm cây sổ, lâu lâu mới về thăm vợ con một lần. Phương đang hết sức bận rộn khi vừa phải nêm nếm thức ăn vừa quay qua trò chuyện, thăm hỏi cậu em mình. Trong khi đó, Phan thậm chí còn bận hơn cô bởi thằng bé đang quay anh như chong chóng bằng những câu hỏi "tại sao, thế nào, ở đâu?" của nó:

- Cậu ơi, vì sao cậu về?

- Vì cậu nhớ Bảo.

- Sao cậu lại nhớ Bảo?

- Vì cậu yêu Bảo.

- Mẹ cũng yêu Bảo.

- Dĩ nhiên rồi.

- Nhưng bạn Yến Nhi không yêu Bảo.

- Sao lại thế?

- Bạn ý không cho Bảo ăn kẹo cùng.

- À ...

- Cậu ơi - thằng bé lại bi bô, dù là lần đầu tiên nó gặp Phan, nhưng thằng bé không hề tỏ ra lạ lẫm - Cậu gửi áo đẹp cho Bảo phải không cậu?

- Ừ! Bảo có thích không?

- Có ạ. Nhưng ... - Mặt thằng bé hơi phịu xuống - áo bị cũ rồi.

- Rồi cậu sẽ mua cho Bảo cái mới - Phan cười to khi thấy gương mặt phụng phịu thật đáng yêu của thằng bé. Không gì có thể ngăn anh đặt vào má nó một cái hôn. - Sáng mai cậu sẽ đưa Bảo đi mua áo mới nhé. Món đồ chơi cậu mua cho Bảo lúc nãy không thích à?

- Có ạ. Bảo yêu cậu nhất nhà.

- Cha bố anh - Phương mắng yêu con - Ai cho cái gì là y như rằng yêu nhất.

- Thằng bé đáng yêu quá.

- Cậu cũng tính đi chứ? Sắp 30 rồi còn gì? Đến như anh Vũ cũng sắp lấy vợ đấy.

- Thế ạ? - Phan cười mỉm, giá mà Phương có thể hiểu vì sao anh cười - Ai bảo chị thế?

- Thì anh ấy khoe mà, thi thoảng anh ấy lại sang chơi, mua quà cho thằng Bảo, anh Vũ rất quý nó - Cô bỏ đôi đũa xuống, vặn nhỏ lửa bếp gar rồi đón thằng bé khỏi tay anh - Anh ấy sẽ cưới cô Thảo nhà bác Hòa, anh Vũ rất yêu cô ấy.

- Anh ấy đã nói thế à? - Tự nhiên trong Phan bùng lên một điều gì đó thật lạ lùng, vừa như ghen tức, vừa như thấy có lỗi với người anh họ mà anh vô cùng yêu quý.

- Cần phải nói sao? Khi người ta yêu, chẳng ai giấu được. Từ khi cô Thảo về thực tập, lúc nào qua đây anh Vũ cũng nói về cô ấy. Và khi họ quyết định cưới nhau, anh ấy không nén được vui mừng. Cả Thị Trấn ai mà chả biết chuyện thân thiết giữa hai gia đình họ?

- Họ quyết định cưới nhau à? Là Ba mẹ họ quyết định, hay họ quyết định? - Phan không nhận ra là mình đang trở nên gay gắt- Liệu Thảo có đồng ý không?

- Làm sao mà chị biết được? Mà cậu gặp Thảo chưa nhỉ? Dạo này cô ấy rất xinh, cậu mà gặp chắc gì đã nhận ra?

- Vậy ạ? - Phan chợt nhận ra mình đã cáu giận vô lý, anh cố nhịn cười trước câu hỏi của Phương - Vâng! Chắc gì đã nhận ra

/21

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status