Bụi Hoa

Chương 34: Điều anh không nói

/43


Đó là một trong những cái tiệm đồ cổ lớn nhất Sài Gòn. Ngay từ khi bước vào, Mộc Chi đã bị choáng ngợp bởi hàng trăm thứ đồ vật mang màu sắc thời gian được sắp xếp san sát nhau. Một người đàn ông khoảng độ sáu mươi tuổi với mái tóc dài lãng tử đang ngồi trong quầy, săm soi những chi tiết nhỏ xíu được chạm khắc trên một cái bình sứ qua một chiếc kính lúp.

- Chào ông chủ.

Ông chủ ngước lên từ chiếc kính lúp, nheo đôi mắt già nua lại quan sát và đánh giá Mộc Chi.

- Tới cầm đồ hả? – Ông hỏi.

Ông hỏi vậy bởi những người bước vào đây chỉ với một trong hai lý do, hoặc muốn sưu tầm đồ cổ, hoặc muốn bán đồ. Hiển nhiên, ở Mộc Chi hoàn toàn không có cái dáng vẻ sâu sắc uyên thâm của một dân chơi đồ cổ, nên ông tự động xếp cô vào đối tượng thứ hai.

- Ông chủ xem giúp cháu thứ này được không? - Mộc Chi đẩy sợi dây chuyền của Mây đến trước mặt ông.

Ông chủ cầm lấy, mất một lúc lâu để nghiên cứu, biểu cảm trên gương mặt dần dần thay đổi từ trạng thái hờ hững sang phấn khích.

- Trời ơi, quá tuyệt vời, quá tuyệt vời! Đây chính là điêu khắc thời Lê, bao nhiêu năm mới có một cái thứ hai xuất hiện đó!

Mộc Chi hồi hộp hỏi:

- Cái thứ hai là sao vậy ông chủ?

- Rất lâu về trước tôi đã từng mua được một cái giống hệt như vậy. Cô nhìn đi, ở đây có một nửa vòng tròn quay về bên phải, cái lần trước lại có vòng tròn quay về bên trái. Tụi nó là thuộc một cặp đó!  – Ông chủ quay cái kính lúp về phía cô, chỉ cho cô chi tiết nửa vòng tròn nằm trong một góc của mặt dây chuyền.

Mộc Chi hít một hơi, hỏi:

- Bây giờ sợi dây chuyền kia đâu rồi ạ?

- Có một nhà sưu tầm cổ vật thời Lê đã mua lại rồi. Anh ta còn đặc biệt dặn tôi nếu tìm được cái còn lại thì báo cho anh ta. Cô có muốn bán lại không? Anh ta ra giá rất cao đó!

Mội Chi vội lắc đầu:

- Con tới đây không phải để bán. Sợi dây chuyền kia chính là của con, trước đây vì vài lý do nên mới bán đi. Bây giờ con muốn mua lại, ông giúp con liên lạc với người đó được không?

Ông chủ do dự:

- Chuyện này có vẻ khó lắm… anh ta là dân sưu tầm, không cần tiền đâu.

Mộc Chi cố sức thuyết phục:

- Làm ơn giúp con đi ông chủ, sợi dây chuyền đó rất quan trọng đối với con ông ơi.

Có lẽ là vì ánh mắt của cô quá thành khẩn, một lúc sau ông nói:

- Được rồi, cô để số điện thoại lại đi, nếu được tôi sẽ liên lạc.

Khi Mộc Chi bước ra khỏi tiệm đồ cổ, điện thoại của cô bỗng reo lên. Khi nhìn thấy cái tên hiển thị trên màn hình, cô ngay lập tức bắt máy:

- Anh Hải Đăng, có việc gì sao ạ?!

Đầu dây bên kia đáp:

- Em có thời gian không?



Vào buổi trưa, tiệm cà phê tương đối vắng khách. Lúc Mộc Chi bước vào, không mất quá nhiều thời gian đã có thể định vị được vị trí của Hải Đăng.

- Chào anh.

Anh điềm đạm hỏi:

- Em muốn uống gì?

- Gì cũng được ạ. – Mộc Chi chẳng còn tâm trí đâu để suy nghĩ.

Cho đến khi ly nước được người phục vụ đặt ngay ngắn trước mặt cô, Hải Đăng mới chậm rãi nói:

- Xin lỗi vì gọi em đến bất ngờ vào giờ trưa thế này.

- Có việc gì mà anh hẹn em ra gấp vậy anh? – Mộc Chi rất khẩn trưởng. Nếu Hải Đăng đã muốn gặp cô, chắc chắn là có gì đó liên quan đến Nam Khang.

Đúng như cô nghĩ, anh đáp:

- Là việc liên quan đến Khang.

- Khang đã xảy ra việc gì sao anh?!

- Khang đã bao giờ kể cho em nghe về quá khứ của mình chưa?

Mộc Chi lắc đầu.

- Em không thấy thắc mắc gì sao?

- Có chứ, nhưng em không muốn ép anh ấy nói khi anh ấy chưa muốn. Có lẽ em chưa tạo cho anh ấy đủ sự tin tưởng chăng... – Mộc Chi hạ giọng, đó cũng chính là nỗi băn khoăn cô luôn giấu trong lòng mình.

Hải Đăng chau mày:

- Mộc Chi, tình cảm của Khang dành cho em sâu đậm đến mức nào em là người hiểu rõ nhất, cho nên đó không phải là lý do. Khang không phải không tin tưởng em, mà là không tin tưởng chính mình.

- Ý anh là sao ạ?

- Em sẽ hiểu sau khi nghe câu chuyện này.



Việt Nam những năm đầu thập niên tám mươi chứng kiến giai đoạn ảm đạm nhất của nền kinh tế sau giải phóng. Nam Thịnh và Hưng Khởi là những người thanh niên có tư duy tiến bộ, sống trong cảnh đói nghèo triền miên của chế độ quan liêu bao cấp, họ sớm nhận thức được sai lầm của chính sách kinh tế đương thời. Gặp nhau ở các diễn đàn thanh niên tiên tiến, họ bắt tay nhau trở thành những người anh em tri kỷ, quyết tâm phải đóng góp tiếng nói vào công cuộc cải tổ đất nước.

Trong khi đó, Hưng Khởi và Uy Quyền gặp nhau khi họ cùng kết hôn với hai chị em ruột. Hưng Khởi nhanh chóng phát hiện ra Uy Quyền cũng là một người thanh niên có tư duy kinh tế tài giỏi, đã ngỏ lời mời ông tham gia lập nghiệp cùng mình và Nam Thịnh.

Năm 1986 được xem là bước ngoặc lịch sử trọng đại của Việt Nam khi nhà nước quyết định thực hiện đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, cho phép kinh tế tư nhân được tự do phát triển. Tình trạng “ngăn sông cấm chợ” được dẹp bỏ, các khu chợ rục rịch mọc lên.

Bộ ba góp vốn thành lập công ty thương mại TKQ do Nam Thịnh là người đứng đầu, khởi nghiệp bằng việc xây dựng một khu chợ nông sản lớn nhất miền Nam để bà con tiểu thương trên khắp Nam Bộ tập trung về đó buôn bán. Chỉ trong vòng 3 năm, công ty thương mại TKQ đã trở nên vô cùng lớn mạnh và chiếm tỉ trọng không hề nhỏ trong thành phần kinh tế tư nhân. Bộ Ba đã trở thành những nhà tài phiệt giàu nhất Nam Bộ, nếu không muốn nói là cả nước.

Năm 1989, biến cố bắt đầu xảy đến khi toàn thể bà con tiểu thương trong chợ nông sản đồng lòng ký vào đơn khởi kiện công ty TKQ vì đã ăn chặn, bóc lột và cướp đoạt tài sản của họ. Trước sức ép khủng khiếp từ dư luận, chính quyền nhà nước vào cuộc. Từ đó, một loạt bê bối tài chính của TKQ bị lộ ra, bao gồm trốn thuế và chênh lệch thu chi trầm trọng. Nam Thịnh thân là giám đốc điều hành đã bị bắt tạm giam để điều tra. Sau đó, tất cả những văn bản tài chính phi pháp của TKQ đều được phát hiện do chính Nam Thịnh ký tên.

Trong thời gian bị tạm giam, Nam Thịnh bỗng nhiên vượt ngục. Sau một thời gian truy đuổi, cảnh sát tìm thấy ông ở một ngôi nhà bỏ hoang nằm sâu trong núi, ngay bên cạnh xác chết của người bạn thân nhất của mình – Hưng Khởi với một con dao găm trực tiếp vào bụng.

Cuối cùng, Nam Thịnh bị cáo buộc đã giết chết Hưng Khởi để phi tan chứng cứ phạm tội trong vụ việc TKQ. Với các tội danh được thành lập, Nam Thịnh bị kết án tù chung thân.

Sự việc đó đã làm rúng động truyền thông miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong suốt một thời gian dài. Người ta thi nhau đặt cho nó những cái tên gọi mỹ miều như “Sự lụi tàn của một đế chế.” hay “Ông trùm tư bản sa ngã.” Rốt cuộc, trong ba người, chỉ còn một mình Uy Quyền bình yên sau tất cả mọi việc, một mình một cõi thống trị kinh tế Sài Gòn cho đến tận ngày nay.



Khi Hải Đăng kết thúc câu chuyện, Mộc Chi lặng thinh không nói nên lời.

- Sao vậy, em sợ rồi sao? – Hải Đăng hỏi.

Rất lâu sau đó, cô lên tiếng:

- Năm 1989… khi đó Khang chỉ mới bảy tuổi thôi. Làm sao một đứa bé có thể chịu đựng được tất cả những chuyện này chứ…

Hải Đăng ngạc nhiên:

- Em không quan tâm đến việc ba của cậu ta là một tên tù nhân bị cả xã hội quay lưng sao?

Mộc Chi lắc đầu:

- Tất cả những gì em quan tâm là Khang đã sống như thế nào khi việc đó xảy ra.

Có chút gì đó anh lên trong mắt Hải Đăng, sau đó anh thở dài:

- Em nói đúng. Khang đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng đen tối. Gia đình cậu ta, bao gồm cả mẹ và anh trai, đi đến đâu cũng bị chửi bới xua đuổi, thậm chí đi mua thức ăn cũng chẳng ai chịu bán cho. Khang và anh trai không những phải nhịn đói nhiều ngày, mà đến trường còn bị bạn bè kỳ thị, hùa nhau đánh đập. Sau đó anh trai của Khang không chịu được áp lực đã tự sát, mẹ của cậu ta cũng chết theo vì quá sốc. Họ hàng hai bên ruồng rẫy, không một ai chịu đón Khang về nuôi, kết quả là cậu ta được đưa vào trại mồ côi. Chỉ một tháng sau khi cậu ta vào trại mồ côi thì nhận được tin ba mình đột quỵ trong tù.

Mộc Chi nghe lòng mình quặn thắt như có hàng ngàn mũi dao đâm vào tim, cô cố kìm lại những giọt nước mắt đang trực chờ trào ra. Hải Đăng nhận ra điều đó, nói:

- Em đang thương xót Khang đúng không? Nhưng sau khi biết sự thật này, có thể em sẽ thay đổi suy nghĩ.

Mộc Chi khó hiểu nhìn anh. Hải Đăng đẩy một thứ tài liệu đến trước mặt cô, liếc mắt ý bảo cô hãy đọc nó.

“Báo cáo xét nghiệm AND

Phan Văn Uy Vũ và Hoàng Mộc Chi

Loại mẫu xét nghiệm: Tóc

Kết luận: anh/chị em họ.”

Mộc Chi ném tập tài liệu xuống bàn, lắc đầu nguầy nguậy:

- Chuyện gì thế này?! Không thể nào! Không thể nào!

Hải Đăng bình thản nói:

- Chính là Khang đã đem tóc của em và Uy Vũ đến bảo anh làm thứ này. Em biết điều gì không? Uy Quyền là con độc nhất. Nếu Em và Uy Vũ là anh em họ, chỉ có thể là quan hệ bên ngoại.

- Ý anh là…

- Như anh đã nói, vợ của Uy Quyền và Hưng Khởi là hai chị em ruột. Trùng hợp là theo tài liệu ghi nhận, Hưng Khởi có con gái. Và sau sự việc năm đó, người ta hoàn toàn không thể tìm ra tung tích của vợ con ông ấy.

Mộc Chi có cảm giác không chút chân thực, chỉ trong một buổi sáng cô đã phải tiếp nhận những thông tin mà cả cuộc đời này cô cũng chẳng thể ngờ đến.

Bàng hoàng, choáng váng, thậm chí muốn ngất đi. Cô đang tự hỏi liệu có phải đây chỉ là một giấc mơ hết sức phi lý và thực sự cô vẫn chỉ đang nằm ngủ trên chiếc giường của mẹ Dương chứ chưa hề tỉnh giấc?

- Cho nên, Khang chính là con trai của người đã giết chết cha em. Mộc Chi, đó mới là lý do cậu ta không thể kể cho em biết.

/43

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status