Cầu Xin Anh Từ Hôn Đi

Chương 90 - Chương 90

/106


Mùa xuân năm nay tựa hồ tới sớm hơn mọi năm, tháng ba âm lịch, lớp băng trên mặt sông đã tan chảy gần hết. Tuy rằng gió xuân vẫn lạnh cắt da cắt thịt, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng đến sự sinh sôi của những loài thực vật kiên cường.

Vạn vật đâm chồi nảy lộc, đất đai thức tỉnh sau giấc ngủ đông, khắp nơi là nhựa sống tràn trề. Mà điều này có nghĩa là thôn dân Hoa Bình sắp bước vào một vụ mùa bội thu mới.

Được Lâm trưởng thôn hỏi thăm giúp, Tịch Yến Thanh đã mua được thêm hai thửa ruộng gần nhà, diện tích rộng bằng ba mảnh vườn nhà bọn họ cộng lại, thậm chí còn rộng hơn một chút, chỉ là công việc cắm cọc và quây ruộng lại có lẽ sẽ mất khá nhiều thời gian.

Tịch Yến Thanh vốn định làm xong việc cắm hàng rào trước khi vào mùa gieo mạ, nhưng sau khi tính toán lượng gỗ mà hắn cần dùng, hắn đành tạm gác lại việc này. Chủ yếu là hắn cần dùng rất nhiều cọc gỗ, mà lúc này không phải thời điểm thích hợp để lên núi để đốn củi.

Cuối cùng việc quây hàng rào bị hoãn lại, ban ngày hắn, Lạc Dũng và La Cát bắt đầu ra đồng xới đất, sau đó quay về thu dọn sân vườn chuẩn bị ươm trồng, buổi tối bọn họ cùng tính toán nên chia ruộng như thế nào, đánh luống trồng cây gì ở đâu, cuối cùng còn phải ngồi xuống chọn lựa hạt giống.

Năm ngoái La Phi tích trữ rất nhiều hạt quả thù lù, các loại rau củ ngoài vườn bọn họ cũng để lại hạt giống cho năm nay. Hai thửa ruộng mới mua kia, Tịch Yến Thanh quyết định trồng hết thù lù đực, còn vườn rau sau nhà để một góc trồng rau ăn hàng ngày, còn lại vẫn tập trung chăm bón các loại cây ăn quả, cộng thêm gieo chỗ hạt nho mà Tịch Yến Thanh mới kiếm được vào mùa thu năm trước.

Tuy quả thù lù đực rất có giá trị, nhưng hương vị của nó vẫn không thể so sánh được với các loại quả mọng như dâu rừng, quả mâm xôi hay cao cấp hơn nữa là quả nho, cho nên năm nay bọn họ nhất định phải chăm sóc vườn cây ăn quả thật tốt.

Thời tiết bắt đầu ấm lên, Tịch Yến Thanh chuẩn bị đào các mầm nho mà hắn ươm dưới đất lên, cắt tỉa và chăm bón trước khi trồng ra ngoài vườn.

Hôm nay trời lặng gió, Tịch Yến Thanh và Lạc Dũng đều bận rộn ngoài vườn.

Cỏ dại và lá cây rụng đều phải được dọn dẹp sạch sẽ, đất phải được xới mềm sau đó rắc phân xanh cho màu mỡ.

Tịch Yến Thanh đã vẽ lại toàn bộ bản đồ, chỗ nào trồng cây gì, chỗ nào bón bao nhiêu phân.

Cảnh Dung và Lạc Dũng nhất nhất nghe theo sự chỉ huy của Tịch Yến Thanh, hắn bảo làm gì bọn họ sẽ làm như vậy. Vì thế Tịch Yến Thanh phải vẽ hẳn ba tấm bản đồ, cả đám chia nhau làm mới xử lý mảnh vườn đâu ra đấy.

Mỗi nhà vẫn để lại một góc vườn khoảng hai mươi lăm thước vuông để trồng rau củ ăn hàng ngày, nhưng mỗi nhà trồng một loại rau khác nhau. Phần của Tịch Yến Thanh và La Phi, bọn họ quyết định trồng toàn bộ cây ớt, mà Cảnh Dung và La Cát lại không thích ăn cay nên quyết định trồng khoai tây và rau hẹ.

Về phần La Như, vì nó thích ăn dưa chuột nên Lạc Dũng sẽ chờ thời tiết nóng hẳn lên rồi trồng cho vợ một vườn dưa chuột.

Có điều Tịch Yến Thanh không tán thành chuyện này, bởi vì hắn cho rằng hai người căn bản ăn không xuể một vườn dưa chuột rộng hai mươi thước vuông, mà dưa chuột là loại quả nếu không ăn nhanh thì sẽ già và mất ngon.

Cuối cùng La Như vỗ bàn quyết định trồng một nửa khoai tây và một nửa dưa chuột mà thôi.

"Tịch đệ, mầm cây nho ta đã cắm xuống đất như đệ bảo, đệ nhìn xem được chưa?" La Cát là người làm việc cẩn thận nên Tịch Yến Thanh giao cho hắn việc cắm các mầm cây nho vào ba mảnh vườn, về phần chăm bón và thu hoạch sau này, nhà nào sẽ tự lo của nhà nấy.

"Đại ca nghỉ một lát đi, ta đào chỗ mầm cây này lên là xong." Tịch Yến Thanh và Lạc Dũng đang đào các mầm nho ươm từ năm ngoái, bởi vì mùa đông phương Bắc rất lạnh nên bọn họ phải chôn hạt nho xuống đất, bằng không chúng sẽ bị chết cóng. Sau đó khi tuyết tan vào mùa xuân, bọn họ sẽ đào các hạt giống đã nảy mầm lên.

"Vậy hai đệ cứ làm đi, ta về xem Cảnh Dung thế nào. Sáng nay y nói sắp có dê cái đến ngày sinh dê con."

"Được, vậy đại ca cứ về đi." Tịch Yến Thanh nói: "Cần giúp gì cứ gọi chúng ta nhé."

"Tịch ca, năm nay có lẽ sẽ thu hoạch được nhiều nho hơn năm ngoái nhỉ?" Đợi La Cát đi rồi Lạc Dũng mới hỏi Tịch Yến Thanh. Năm ngoái hắn đã được nếm thử quả nho chín, hắn muốn năm nay trồng nhiều hơn một chút để dành La Như ăn.

Nhớ rõ trước kia khi hắn còn ở cố hương, đầu thôn bọn họ có một cây mận, tuy quả không to nhưng thịt bên trong vàng óng, cắn một miếng, nước quả ngọt lịm tràn khắp khoang miệng. Mỗi năm vào mùa mận chín, lũ trẻ trong thôn đều tranh giành leo lên hái, có đứa phải sứt đầu mẻ trán mới ăn được một quả mận. So với hiện tại thực sự là một trời một vực. Cuộc sống bây giờ thật tốt, chỉ cần chịu khó một chút là tha hồ ăn trái cây.

"Đương nhiên sẽ kết nhiều trái hơn năm ngoái, không chỉ nho mà tất cả vườn quả." Tịch Yến Thanh cẩn thận phủi sạch đất bám trên cây non để tránh làm chúng bị đứt rễ. Hắn rửa sạch các cây nho vừa nảy mầm, cắt bỏ lá thừa để chúng dễ phát triển hơn.

"Trước kia còn tại ngũ không biết Tịch ca huynh còn biết trồng nho đấy." Lạc Dũng vừa quan sát Tịch Yến Thanh vừa hỏi hắn.

"Lúc đánh giặc còn tâm trí đâu mà trồng nho? Ta cũng đâu thể gặp ai cũng khoe khoang mình biết trồng nho?" Tịch Yến Thanh đếm lại các cây non để chuẩn bị dựng giàn cho nho leo.

"Đại ca, Thanh ca, mọi người qua giúp một tay đi, một con dê cái sắp đẻ rồi!" Lúc này La Phi đột nhiên chạy vào viện hô to, sau đó lập tức chạy đi.

Mùa xuân là mùa sinh nở của loài dê, đây là thời điểm người chăn dê cực kì bận rộn, mà Cảnh Dung là chủ một đàn dê hơn bảy mươi con, mấy ngày gần đây y không được ngủ ngon, chỉ sợ giữa đêm có dê cái đẻ, cho nên chốc chốc lại phải chạy vào chuồng dê kiểm tra.

Cũng may đàn dê không có động tĩnh gì ban đêm, thường nhịn tới giữa trưa mới đẻ.

Cảnh Dung và La Phi đã rửa tay bằng rượu, cắt gọn đầu móng. Tuy dê mẹ có thể tự sinh con nhưng bọn họ vẫn phải can thiệp để đề phòng bất trắc, nếu có gì không ổn lập tức sẽ trợ giúp dê mẹ.

Thấy Cảnh Dung vỗ về một con dê mẹ sau đó nhẹ nhàng ấn bụng nó, La Phi hồi hộp đến mức tim đập thình thịch, cảm giác nghẹt thở như lúc sinh Tiểu Hổ.

Tiểu Hổ đang ở cùng cô cô. Tiểu tử này hiện tại đã biết cách vịn đồ vật xung quanh để đứng lên, rất ngạo mạn! Có lẽ đứng lên dễ quan sát xung quanh hơn nên nó rất thích đứng, hễ có cơ hội là đứng, bởi hai chân còn chưa đủ cứng cáp nên cái mông cứ lắc qua lắc lại, lúc này nó đang vịn chiếc ghế nhỏ để ngóng xem đàn dê.

"Be~..." Tiểu Hổ chỉ vào một con dê rồi kêu lên, sau đó nhìn về phía La Phi.

"Ừm, dê kêu be be." La Như nói: "Thế kia là ai?" La cô cô chỉ vào La Phi.

"Cha cha."

"Đúng rồi, Tiểu Hổ thông minh quá! Thế ta là ai?" La Như lại chỉ bản thân.

"Đô đô!" Tiểu Hổ gọi bằng giọng non nớt: "Đô đô!"



"Là cô cô, không phải đô đô." La Như dở khóc dở cười.

"Đô đô!" Tiểu Hổ chỉ ra ngoài sân: "Cu cu!"

"Nó gọi đàn gà là cu cu, còn Tam Bảo muội là đô đô." La Phi nói xong thì cười thành tiếng: "Có lẽ phải đợi lớn hơn mới hết ngọng."

"Thôi được, đô đô thì đô đô." La Như nựng hai má Tiểu Hổ: "Sao tiểu tử này đáng yêu thế nhỉ."

"Ba ba!" Tiểu Hổ đã nhìn thấy Tịch Yến Thanh.

"Tiểu Hổ ngoan quá." Hai tay Tịch Yến Thanh còn dính đất nên không thể ôm con, hắn cụng trán rồi chọc Tiểu Hổ cười khanh khách, chỉ đứng bên cạnh ngắm một lát.

Cảnh Dung đã quen với việc đỡ đẻ cho dê, ấn thai vị cho dê một lát, con dê mẹ kia tựa hồ không còn đau đớn như trước, chỉ là nó đã mất sức nên không thể rặn ra dê con ngay lập tức.

"Tịch ca giúp ta lấy một xô nước và ít thức ăn đã trộn sẵn. Đại ca giúp ta trông hai con dê kia, thấy dê con chui ra thì lập tức cắt bỏ nhau thai, đừng để dê mẹ ăn nhau thai nếu không sẽ thành thói quen cắn con." Cảnh Dung dùng tay áo lau mồ hôi trên trán: "Nếu lát nữa con dê mẹ này vẫn không sinh được thì ta phải lôi dê con ra giúp nó, La Phi giúp ta một tay nhé."

"Được rồi, cứ giữ chặt không cho nó động đậy là được à?" La Phi căng thẳng nuốt nước bọt. Hiện tại bọn họ đều đã đổi cách xưng hô, y, Tịch Yến Thanh, còn có Lạc Dũng và La Như đều phải gọi Cảnh Dung là "tề ca", về phần mình, bởi vì gọi "La Phi tề ca" quá mức rườm rà nên La Phi dứt khoát nhắc Cảnh Dung và Lạc Dũng gọi thẳng tên mình. Tuy rằng thỉnh thoảng bọn họ vẫn gọi nhầm, nhưng dần dần sẽ quen.

"Ta có thể giúp gì không?" Lạc Dũng hỏi.

"Ngươi giúp ta trông Tiểu Hổ, ta đi làm cơm trưa." La Như nói: "Mọi người vất vả cả buổi sáng rồi, giờ chắc cũng đói bụng."

"Được, đi thôi Tiểu Hổ, cô phu bế con." Lạc Dũng định ôm Tiểu Hổ lên, nó quay đầu gọi: "Ba ba!"

"Ba ba con phải đi lấy nước." La Phi nói.

"Ba ba!" Tiểu Hổ ngồi phịch xuống chiếc ghế nhỏ, nhất quyết không chịu để Lạc Dũng bế: "Ta ta ta!"

"Được rồi được rồi, để nó ở lại đây xem vậy, nếu không lát nữa nó quấy ầm lên." La Phi nói xong thì dặn dò Tiểu Hổ: "Con ngồi ngoan ở đây chờ ba ba, ba ba lấy nước xong sẽ quay về ngay, nhớ chưa?"

"Ba ba!" Tiểu Hổ ngoan ngoãn gọi Tịch Yến Thanh, trong miệng lộ ra mấy chiếc răng sữa. Tóc nó cũng đã dài, ở nơi này trẻ con đầy ba tháng sẽ bắt đầu nuôi tóc, cho nên lúc này mái tóc Tiểu Hổ đã chấm vai, thoạt nhìn rất giống một bé gái mập mạp trắng trẻo.

Nhìn bộ dạng thề sống thề chết không theo mình của Tiểu Hổ, Lạc Dũng cũng không miễn cưỡng nó nữa. Hắn chạy vào bếp múc nước phụ La Như nấu cơm.

Tịch Yến Thanh xách nước và thức ăn dê quay về, hắn đã rửa sạch tay nên có thể ôm Tiểu Hổ. Hai cha con vào vườn kiểm tra các mầm cây nho mà La Cát mới cắm, xem có cây nào cần cắt tỉa lá hay không, Tiểu Hổ cũng tranh thủ tắm nắng một chút.

Bên nay Cảnh Dung cho dê cái uống chút nước. Dê cái nghỉ ngơi chốc lát có vẻ đã hồi sức, nó rốt cuộc cũng bắt đầu rặn dê con.

La Phi đỡ chú dê con vừa chui ra khỏi bụng mẹ, vẻ mặt y cực kì khó tả, nhưng rất nhanh sau đó y phát hiện có điều bất thường.

"Dê con này không thở!"

"Để ta xem!" Cảnh Dung lập tức chạy sang kiểm tra, thấy dê con quả thực không có dấu hiệu hô hấp thì xách hai chân sau của nó lên, dốc ngược đầu dê con xuống đất: "Nhanh nhanh, vỗ ngực cho nó."

"Vỗ thế này được chưa?" La Phi có chút dở khóc dở cười, y chỉ nghe nói trẻ mới lọt lòng không khóc thì phải phát mông, không ngờ dê con cũng phải dùng biện pháp này.

Cũng may chú dê con này chỉ bị chất nhầy làm tắc mũi, Cảnh Dung và La Phi dốc ngược lên một lát nó đã tự thở được.

Cảnh Dung nhanh tay lột nhau thai vứt đi, cho dê mẹ ăn cỏ và uống nước một lát rồi mới đặt dê con nằm bên cạnh.

Có lẽ là bản năng của động vật, dê mẹ bắt đầu thè lưỡi li.ếm láp toàn thân dê con.

Dê con nhắm mắt nằm ngoan ngoãn trong lòng dê mẹ.

"Dạo này ngày nào cũng có dê đẻ à?" La Phi hỏi. Từ sáng đến giờ đã có ba chú dê con chào đời, tính đến hiện tại đàn dê đã có thêm năm con dê con, chưa kể một con dê mẹ đang nằm nghỉ lấy sức rặn. Trong năm con dê mới sinh có hai con đực và ba con cái, tất cả đều mẹ tròn con vuông.

"Gần như là thế, mùa xuân là mùa sinh nở của dê mà. Mấy ngày nay khẳng định rất bận." Cảnh Dung dạo một vòng kiểm tra, mấy chú dê con đều khỏe mạnh và yên ổn, lúc này y mới đứng lên tìm đồ ăn cho mình. Từ sáng đến giờ y vẫn loanh quanh trong chuồng dê, ngồi xổm lâu đến mức tê bì hai chân.

"Đúng rồi Lạc Dũng, chiều này đại ca, Cảnh Dung và La Phi vẫn phải trông đàn dê, ngươi giúp ta thái một ít rơm rạ. Có vẻ hai ngày tới đàn gà sẽ bắt đầu đẻ trứng, phải chuẩn bị trước để chở trứng lên trấn, không lót rơm e là sẽ vỡ hết." Sáng nay cho gà ăn Tịch Yến Thanh phát hiện trong ổ đã có vài quả trứng.

"Có lẽ phải làm thêm ổ cho chúng, bằng không hàng loạt con cùng đẻ một lúc thì không đủ chỗ đâu." La Phi cười cười: "Chẳng lẽ còn bắt chúng xếp hàng đẻ?"

"Hahahahaha! Nhị ca chỉ giỏi nói đùa!" La Như cười đến đỏ bừng mặt.

"Đúng là giỏi đùa!" Tịch Yến Thanh tưởng tượng cảnh đàn gà mái xếp hàng để vào ổ rặn trứng cũng không nhịn được cười: "Vậy thái thêm rơm rạ làm ổ cho chúng."

"Vậy buổi chiều để đại ca hỗ trợ Cảnh Dung, ta giúp hai người làm ổ cho gà." La Phi nói: "Nhưng ta không biết cách làm đâu, Thanh ca phải dạy ta đấy."

"Không cần đâu, ta và Lạc Dũng lo được." Tịch Yến Thanh cầm tay La Phi: "Ngươi nghĩ xem năm nay nên trồng hoa gì đi, trang trí sân vườn cho đẹp mắt chút, ta nhớ năm ngoái ngươi đã xin Chu đại nương ít hạt giống hoa mà."



"Ừm xin nhiều lắm, để ta xem có những loại nào dễ trồng." La Phi biết Tịch Yến Thanh không nỡ để y làm việc nặng.

Chiều hôm đó Cảnh Dung và La Cát vẫn bận rộn ngoài chuồng dê, Tịch Yến Thanh và Lạc Dũng thì lo ngoài chuồng gà. Sau đó hai phu thê Lạc Thiên Khải ghé qua, bọn họ cũng muốn trồng rau để ăn năm nay nhưng chưa có kinh nghiệm, chưa có hạt giống, cũng chưa biết nên bắt đầu từ đâu.

Ngoài hai lão nhân Lương đại phu, trong thôn Hoa Bình này Lạc Thiên Khải chỉ giao lưu với nhóm Tịch Yến Thanh nhiều nhất, cho nên hắn tới đây muốn mua ít hạt giống.

La Phi tích trữ rất nhiều hạt giống từ năm ngoái nên không hề keo kiệt mà bán cho Lạc Thiên Khải một ít, hơn nữa còn dạy bọn họ cách gieo trồng và chăm bón từng loại.

Lạc Thiên Khải và thê tử đều biết chữ, vừa nghe bọn họ vừa ghi chép lại, về đến nhà cứ mở sách làm theo.

"Thanh ca, chúng ta dùng gì đựng trứng mang lên trấn đấy?" Nơi này không có hộp giấy hay vỉ nhựa như thời hiện đại, xếp vào làn xách tay thì không xuể.

"Ta đã nhờ Trần Hoa Chương đóng mấy cái thùng gỗ rồi." Tịch Yến Thanh nhận bát nước mà La Phi đưa tới: "Ngươi nghĩ xong nên trồng hoa chỗ nào chưa?"

"Ta tính rồi, hai bên cổng lớn trồng ba hàng, xung quanh hàng rào thì trồng một hàng."

"Nhị ca, huynh có nhiều hạt giống hoa không? Nếu còn thì cho ta xin một ít." La Như từng thấy La Phi cắm hoa trang trí sân vườn ở nhà cũ, quang cảnh xinh đẹp vô cùng, cho nên nó cũng muốn trồng hoa bên viện nhà mình.

"Nhiều lắm, đủ cho ba nhà luôn. Chờ thời tiết tốt lên chúng ta cùng trồng." La Phi nhận lại bát nước mà Tịch Yến Thanh đã uống cạn, cõng Tiểu Hổ đang ngáp ngắn ngáp dài quay vào buồng. Đã đến giờ ngủ trưa của Tiểu Hổ.

Tịch Yến Thanh và Lạc Dũng bện ổ gà mất nửa ngày, mãi tới khi trời tối mịt mới làm xong mười ba cái ổ. Tay nghề Lạc Dũng không quá tốt, ổ gà do hắn đan bằng rơm rạ chỉ có thể dùng tạm, bộ dạng méo mó đến thảm hại. Tịch Yến Thanh đặt những chiếc ổ rơm vào chuồng. sợ không đủ hắn lại rải thêm rơm rạ dưới nền, nếu đám gà không nhịn nổi vẫn có thể đẻ xuống nền đất.

La Phi cảm thấy mười cái ổ là đủ, dù sao đàn gà sẽ không đồng loạt đẻ cùng lúc, sẽ có con đẻ trước con đẻ sau. Nhưng vài ngày sau y phát hiện vẫn là Tịch Yến Thanh nghĩ xa và chu đáo.

Trời vừa ấm lên đàn gà bắt đầu thi nhau đẻ trứng. Mấy ngày đầu mỗi ngày nhặt ba đến năm quả trứng, hai ngày sau đó mỗi ngày bọn họ nhặt mười tám quả, tiếp theo là hai mươi quả một ngày, sau đó là ba mươi, hơn ba mươi... Chưa đến mười ngày, sản lượng mỗi ngày ít nhất là năm mươi quả trứng.

La Phi thích nhất công việc địu Tiểu Hổ sau lưng đi nhặt trứng gà. Vừa nhặt y vừa tính nhẩm, Tiểu Hổ ghé bên cạnh nghe cha đếm, thỉnh thoảng lại chỉ trỏ hô lên: "Trứng trứng!"

Phí tổn chưa đến nửa xu nhưng mỗi quả trứng lại bán được hẳn một văn tiền.

Trước kia trứng gà cũng có giá một văn vào mùa đông, nhưng hiện tại đã tăng giá. Nguyên nhân thứ nhất là do Thạch Thích đã thu mua rất nhiều để làm kem dẫn đến cung không đủ cầu, nguyên nhân thứ hai là chi phí nuôi gà đẻ trứng cũng tốn kém hơn.

Đa số người nuôi gà thường chỉ nuôi một năm rồi làm thịt, có chăng chỉ để lại vài con gà mái đẻ trứng cho năm tiếp theo, còn lại rất ít người nuôi gà nhiều năm bởi mùa đông không có cây cỏ côn trùng, phải mua thức ăn cho gà hoặc thậm chí cho nó ăn lương thực tích trữ của người, như vậy đương nhiên sẽ tốn kém hơn.

Vấn đề thu mua nguyên liệu Tịch Yến Thanh đã đàm phán với Thạch Thích, hắn cũng báo trước giá tiền cho Thạch lão bản, cuối cùng Thạch Thích đồng ý thu mua trứng của Tịch Yến Thanh với giá bằng chín phần mười so với giá thị trường, và cam kết sẽ mua lâu dài. Có thể coi như vậy đôi bên cùng có lợi.

"Rất ít hộ dân chuyên môn nuôi gà, quanh đây chỉ có nhà ngươi là nuôi nhiều nhất." Thạch Thích nói: "Nếu không phải trước kia ngươi nói sẽ nuôi nhiều gà lấy trứng, ta thực không biết phải xoay sở chỗ nào. Trước kia đi tìm chỗ mua trứng, nhà nuôi nhiều nhất cũng chỉ có năm mươi con. Từ nay về sau ổn rồi, nguồn cung chỗ các ngươi đảm bảo đủ cho xưởng kem của chúng ta."

"Vậy các xưởng khác thì sao?" Tịch Yến Thanh đã nhìn bản đồ cơ nghiệp của Thạch Thích, hắn đã mở mười mấy xưởng làm kem ở rất nhiều thôn trấn.

"Trước mắt cứ thu mua ngay tại địa phương, giá cả cũng không hơn kém nơi này là bao. Chúng ta cũng không chỉ bán kem đánh bằng trứng gà, kỳ thực vào mùa hè món kem băng mới là thứ bán chạy." Thứ nhất là nó không quá đắt, thứ hai là nó giải nhiệt, bởi vậy nó được mọi người ưa chuộng hơn.

"Quả mọng năm nay sẽ thu hoạch gấp đôi hoặc hơn so với năm ngoái." Tịch Yến Thanh nói: "Có thể làm thêm nhiều kem băng trái cây hơn. Mấy hôm nữa việc trong nhà ổn thỏa ta phải ra ngoài một chuyến, ta muốn tìm thêm các loại cây ăn quả thích hợp trồng ở phương Bắc." Tịch Yến Thanh nói xong thì đưa ra một tờ giấy viết chi chít: "Thạch đại ca ngươi xem, đây là công thức làm kem mới, còn có bản vẽ phác thảo."

"Kem băng bỏ thêm mứt quả?"

"Ừm. Nhưng không phải chỉ dùng nước tinh khiết đóng băng mà cần cho thêm trứng sữa với tỉ lệ thấp." Lần này Tịch Yến Thanh viết ra công thức làm món sinh tố trái cây ở thời hiện đại.

"Ồ, có thể ăn thử không?"

"Ta có mang theo vài que thử nghiệm, đã giao cho Trương bá cất vào hầm băng rồi."

"Để lát nữa ta nếm thử." Thạch Thích rót trà cho Tịch Yến Thanh: "Bánh trôi nhân mứt quả còn không?"

"Hết rồi, trước Tết chỉ làm một ít nhà ăn. Nếu Thạch đại ca muốn ăn ta có thể mang lên một ít, nhưng để bán thì không đủ."

"Là vị Hải Thành lần trước ăn thử một viên, sau đó năm lần bảy lượt năn nỉ ta mua thêm cho hắn. Nếu Tịch đệ không phiền thì làm giúp ta hai hộp nhé, thực sự bị hắn cằn nhằn đến đau đầu. Hắn nói sẽ trả tiền gấp năm lần."

"Nếu là Hải huynh thì không cần quan trọng chuyện tiền bạc đâu, đợi lần tới ta sẽ làm hai hộp mang cho ngươi." Vị bằng hữu tên Hải Thành kia Tịch Yến Thanh đã từng gặp một lần, chính là người đã khen nức nở bộ đồ mà La Phi may. Tịch Yến Thanh có ấn tượng rất tốt với người họ Hải này, hắn cảm thấy Hải huynh là người thẳng thắn, biết cách ăn nói, hiện giờ hắn đang giúp Thạch Thích quản mối sinh ý ở thành Hoài An, cũng chính là nơi buôn bán đắt hàng nhất hiện giờ của Thạch gia.

"Vậy làm phiền Tịch đệ rồi, giúp ta chuyển lời cảm tạ tới La Phi huynh đệ."

"Không cần khách khí." Tịch Yến Thanh uống ngụm trà: "Đúng rồi Thạch đại ca, ngươi có nhiều bằng hữu tới thăm, nếu thuận tiện có thể nhờ bọn họ mang theo ít hạt giống cây ăn quả ở địa phương tới đây không?"

"Không thành vấn đề, mặt khác ngươi cũng bận rộn nhiều việc, sau này không cần tự mình chạy qua chạy lại mất công. Cứ cách ba ngày ta sẽ ghé qua thôn Hoa Bình một chuyến."

"Vậy thì tốt quá, ta vốn đang lo nghĩ việc này."

Tịch Yến Thanh cảm thấy gần đây bận rộn muốn chết, hôm nay hắn buộc phải tranh thủ ghé Thạch phủ một chuyến bởi vì ngày mai còn có lịch giảng bài. Các thôn dân Hoa Bình đều muốn học phương pháp trồng thưa tưới khô, lúc trước hắn đã đồng ý sẽ mời bọn họ sang quan sát cách làm, đương nhiên nói lời phải giữ lấy lời.

Có thể nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản đối với người làm nông mà nói là một chuyện vô cùng quan trọng, cho nên ai nấy đều rất nghiêm túc. Biết Tịch Yến Thanh sẽ làm mẫu ngay tại vườn, thôn dân Hoa Bình tự mang ghế đẩu trong nhà tới, ngồi xếp thành vòng tròn giữa sân nhà La Phi như các học sinh tiểu học.

/106

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status