Địch Thanh ngồi trên lưng ngựa hô một tiếng:
- Bắn.
Âm thanh lạnh như băng, nó chẳng khác gì thứ âm thanh vô tình phát ra từ một loại máy móc.
Điều này khiến Dã Lợi cũng cảm thấy sự đáng sợ và vô tình của người đeo mặt nạ này. Trên trán y bắt đầu có những giọt mồ hôi chảy xuống, đương nhiên những binh sĩ bên cạnh y vẫn còn tưởng những giọt mồ hôi này chảy ra là do y vận động. Y liếc mắt, chỉ trong chốc lát đã có mấy ngàn binh sĩ ngã trên tuyết, máu tươi phủ kín tuyết trên mặt đất, nhuộm thành những đóa hoa hồng đỏ thắm.
Thậm chí Dã Lợi đang nghĩ, nếu quân Tống đều giống như thế này thì há chẳng phải vô địch thiên hạ sao?
Nhưng y dũng mãnh, không đồng nghĩa với việc y không có trí tuệ.
Chỉ là ngẩn ngơ trên lưng ngựa một chút, sau đó y lại ra lệnh. Lần này không phải tấn công vào đội quân của Đich Thanh, mà là tấn công vào đội quân của Thôi Diệt Lang.
Tới lúc này Thôi Diệt Lang lại phạm phải một sai lầm nữa. Trong lúc Địch Thanh và Dã Lợi giao chiến, một là không nghĩ cách tìm đường tháo chạy vào trại Kim Minh, hai là cũng không lợi dụng cơ hội rút lui vào ngọn đồi kia mà cứ đứng một chỗ ngơ ngác nhìn.
Đich Thanh thở dài, thầm nghĩ hôm nay không thể lương thiện được nữa.
Nhưng Địch Thanh vẫn ra một mệnh lệnh lạnh như băng:
- Xông lên.
Lần xung phong này không phải để triển khai du đấu với Dã Lợi. Địch Thanh đã thu nỏ trong tay lại. Địch Thanh không thể không liều mạng với Dã Lợi.
Chiến mã đang phi nhanh như bay. Địch Thanh cảm thấy gió lạnh táp vào mặt như những viên đá. Gần rồi, gần rồi, sắp xông tới đội quân của địch rồi.
Đột nhiên Địch Thanh nhớ lại cảnh tượng thành Duyên Châu, nhớ tới những người dân thường bị giết hại.
Lúc này không một ai cho rằng Địch Thanh đã phát điên. Hiện giờ trông Địch Thanh như một chiến thần, hoặc là một con quỷ tới từ địa ngục.
Đám quân Tống phía sau Địch Thanh cũng cảm nhận được ý chí chiến đấu hừng hực trong người thủ lĩnh của bọn họ. Họ phát ra những tiếng hò hét đồng thanh rồi xông tới đội quân địch đang “mỏi mắt mong chờ” bọn họ.
Chỉ nhìn bề ngoài thì kỵ binh của Tống triều so với kỵ binh Tây Hạ, bất kể là người hay ngựa đều quá yếu ớt. Trên mình ngựa chỉ có một tấm yên ngựa, trên mình người cũng chỉ được trang bị khôi giáp từ bả vai tới phần eo. Binh khí cũng không nhiều, mỗi người chỉ được trang bị một chiếc nỏ tay, một ống đựng tên và một thanh đao. Nhưng như thế này thì bọn họ cưỡi ngựa lại càng nhanh hơn.
Địch Thanh còn chê không đủ, cậu dùng thanh đao đâm mạnh vào lưng ngựa một nhát. Con chiến mã này không hiểu chủ nhân của nó hôm nay “phát bệnh” gì, nó không biết nói nhưng biết kêu. Nó hí lên một tiếng, con ngựa bị đau thì càng chạy nhanh hơn. Trong chớp mắt đã tới chỗ đội quân Tây Hạ, Địch Thanh hô lên một tiếng:
- Giết.
Âm thanh còn chưa dứt thì đầu của một tên binh sĩ Tây Hạ đã bị Địch Thanh chém phăng ra rất xa. Đồng thời do con chiến mã của Địch Thanh phi nhanh tới nên nó mang theo một xung lực lớn khiến cái xác không đầu kia bị lệch hẳn đi. Máu trên cổ thi thể này bắn đầy lên toàn thân Địch Thanh.
Địch Thanh vẫn chưa dừng lại, con chiến mã vẫn phi nhanh như sấm chớp. Thanh đao của cậu cũng không ngừng múa may, mỗi lần tay cậu hạ xuống đều mang theo tiếng gầm thét của tử thần, mỗi lần cách tay cậu đưa lên là lại có một sinh mạng của tên lính Tây Hạ bị cậu lấy đi.
Địch Thanh xông tới chỉ trong chớp mắt mà đã có gần mười tên binh sĩ Tây Hạ bị chém chết. Toàn thân cậu bị nhuộm bởi màu đỏ của máu, ngay cả bộ lông đen của con chiến mã cậu cưỡi cũng bị nhuộm thành màu đỏ sẫm.
Kiểu tàn bạo này của Địch Thanh đã “truyền nhiễm” cho những binh sĩ phía sau cậu. Đám quân Tống một lần nữa lại gào lên, tiếng gào hét lần này còn điên cuồng hơn cả tiếng gào lần đầu, nó giống như một con dã thú đến từ rừng hoang. Dường như trông thấy cả những tia máu trong mắt họ, khuôn mặt của họ lại càng lộ ra vẻ dữ tợn hơn.
Sự điên cuồng này khiến họ tạm quên đi nỗi sợ hãi của cái chết, thế là cảnh tượng khiến người ta phải rung động lại một lần nữa xuất hiện. Có binh sĩ Tống Triều bị đánh ngã ngựa, nhưng vẫn không thể thỏa hiệp, họ vẫn gian nan bò tới bên cạnh cổ những con chiến mã của quân địch rồi dùng binh khí của mình đâm chết con chiến mã đó. Có binh sĩ bị kẻ địch đánh trúng, biết tính mạng mình đang bị de dọa thì lao từ chiến mã của mình sang chiến mã của quân Tây Hạ, ôm chặt tên lính Tây Hạ đó kéo hắn ngã xuống cho võ ngựa cùng giẫm lên.
Điều rung động lòng người nhất trong đó là một binh sĩ Tống triều, đầu y bị cắt mất một nửa, trước khi chết y bỗng nảy sinh quán tính, y vẫn lao tới chiến mã của một tên binh sĩ Tây Hạ rồi cắn vào tai tên binh sĩ Tây Hạ đó. Tên này tuy có nhiều kinh nghiệm sa trường nhưng từ trước tới giờ vẫn chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng kỳ dị thế này. Lúc đó Địch Thanh ngồi trên lưng ngựa mà sững người, không chỉ có Địch Thanh mà cả thuộc hạ của cậu là bốn nghìn binh sĩ Tống triều cũng phải trợn tròn mắt. Đây có còn là những binh sĩ Tống triều yếu đuối mà Liêu quốc và Tây Hạ nhạo báng không? Nói dễ nghe một chút thì đây là bốn nghìn võ sĩ dũng mãnh nhất, nói khó nghe một chút thì đây rõ ràng là bốn nghìn con quỷ ăn thịt người tới từ địa ngục.
Dã Lợi cũng bị sự hung hãn của bốn nghìn quân Tống này khiến cho sửng sốt. Tuy nhiên gã nhanh chóng hiểu ra, đây là bởi vì tên tướng quân mặt sắt kia quá hung ác, tên tướng quân mặt sắt đó đích thân dẫn đầu mới khiến quân Tống bị kích động như thế này. Gã lập tức hạ lệnh cho binh sĩ bao vây Địch Thanh, chỉ cần giết chết tên tướng quân mặt sắt này thì quân Tống sẽ mất đi sĩ khí, như thế thì trong hoàn cảnh thiếu những tấm khôi giáp dày, bọn họ sẽ bị tiêu diệt dễ dàng.
Đương nhiên cách nghĩ của gã là đúng. Nhưng mấu chốt là ở chỗ Địch Thanh chém giết quá điên cuồng. Đồng thời quân Tống còn có hai viên dũng sĩ cũng xông lên chém giết. Một người là quân sứ Tần Hiên, người này cao sáu thước, mắt to mày rậm nhưng bộ dạng da thịt trên mặt y không mấy hung ác cho lắm, trong tay y cầm một cây chùy lớn khiến quân địch tan tác. Còn một người nữa lại càng bất thường hơn, đó chính là Tống Minh Nguyệt, thân hình cao bảy thước, vừa giết địch vừa không ngừng phát ra những tiếng gầm thét như tiếng sấm. Có khi y chẳng cần phải giết địch nữa, chỉ riêng tiếng gầm thét của y đã đủ để làm cho người ta choáng váng rồi.
Đây là do Thạch Kiên sau khi thấy vóc dáng cao lớn của y thì điều y vào đội kỵ binh, sau đó thấy sự dũng mãnh của y nên bổ nhiệm cho y chức phó binh mã sứ. Quả nhiên tuy y hơi vụng về nhưng sức lực lại lớn, không cần phải nói tới những thứ khác, chỉ cần nói cái nĩa sắt trên tay y đã nặng tới gần trăm cân (một cân của người Trung Quốc tương đương với nửa kilogam), chỉ cần lướt nhẹ một cái đã có thể khiến một đám quân địch ngã xuống. Từ xa nhìn lại chẳng khác gì một cái máy cày đất.
Y vốn không thích hợp trong đội khinh kỵ binh, nhưng Địch Thanh cũng lo sợ gặp phải trận ác chiến nên mới dẫn y theo. Để không ảnh hưởng tới tốc độ của người khác nên đã đặc biệt cấp cho y con ngựa tốt nhất trong thành. Cho dù thế này thì con chiến mã phải gánh chịu sức nặng cơ thể và binh khí của y nên vẫn chạy chậm hơn những con chiến mã khác. Nhưng khi tới trận chiến thì quả nhiên có thể phát huy uy lực của y.
Vì Địch Thanh ở phía trước xông lên rất nhanh nên đã cách quân Tống một khoảng khá xa. Cũng chỉ có hai đại lực sĩ này mới có thể theo kịp. Ba người này làm thành ba góc của một hình tam giác, Địch Thanh ở phía trước ra sức giết địch, hai người Tần Hiên và Tống Minh Nguyệt vừa giết địch vừa bảo vệ cho Địch Thanh. Tuy dưới sự chỉ đạo của Dã Lợi, đám binh sĩ kia vẫn không ngừng xông lên nhưng trước sự xung phong của ba người này thì chúng chỉ có thể khiến tốc độ của họ chậm lại một chút chứ không thể cản đường Địch Thanh.
Cảnh tượng hăng hái sôi nổi này cũng khiến bọn Thôi Diệt Lang phải cảm động.
Thôi Diệt Lang giơ thanh đao lên nói:
- Các huynh đệ, chúng ta có phải những kẻ nhút nhát không?
- Không phải.
- Ai không sợ chết thì theo ta.
Nói rồi Thôi Diệt Lang dẫn đầu xông thẳng về phía kẻ địch, vươn người nhảy một cái, quả nhiên còn cao hơn cả tên binh sĩ Tây Hạ đang cưỡi trên lưng ngựa.
Điều này khiến tên binh sĩ kia hoảng sợ, còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thanh đao trong tay Thôi Diệt Lang đã hạ xuống và cái đầu của tên này cũng lìa khỏi cổ.
Theo đó, bốn nghìn binh sĩ cũng xông vào.
Bây giờ những binh sĩ trại Kim Minh vì cứu họ mà liều mạng nên những binh sĩ này cũng bắt đầu không cần tới tính mạng của mình nữa.
Dã Lợi nằm mơ cũng không thể nghĩ được mấy nghìn quân Tống gã vốn định tiêu diệt lại trở thành hai đội quân “ma quỷ”.
Những binh sĩ này không có được năng lực nhảy đánh như Thôi Diệt Lang, nhưng bọn họ cũng không ngốc. Họ tập trung sức lực đâm vào bụng những con chiến mã của Tây Hạ, cho dù bọn họ có bị binh khí của binh sĩ Tây Hạ đánh trúng thì họ cũng phải dùng đao đâm vào bụng những con chiến mã Tây Hạ rồi mới ngã xuống. Còn có những người khôn khéo hơn thì khom lưng xuống cắt chân ngựa, như thế vừa có thể tránh được binh khí của quân Tây Hạ lại vừa có thể làm cho những con chiến mã của chúng bị thương.
Binh sĩ Tây Hạ xưng bá Tây Bắc một là vì đồng bằng Hà Sáo sinh sản ra những con ngựa tốt, hai là vì binh sĩ của chúng thực sự khỏe mạnh nhanh nhẹn dũng cảm. Nhưng không có nghĩa là bọn chúng không sợ chết. Lúc trước trận nào cũng thắng là bởi vì tố chất cơ thể chúng tốt, phối hợp tốt, nhưng không có nghĩa là bọn chúng không muốn sống, nếu không Lý Đức Minh sẽ không thể bại ở Cam Châu.
Loại tác chiến “lấy mạng đền mạng” này của quân Tống cuối cùng cũng khiến quân Tây Hạ cảm thấy sợ hãi. Những nơi nào hai đội quân Tống này xông tới, những tên binh sĩ Tây Hạ bắt đầu né tránh.
Trực giác của Dã Lợi mách bảo tình hình này kéo dài sẽ không có lợi, thế là gã lại điều động một lần nữa. Lần này không phải là binh sĩ, mà là điều động mấy viên đại tướng. Gã vẫn muốn giết chết Địch Thanh, cho dù chỉ có thể ngăn chặn để nguồn sĩ khí kia của quân Tống giảm xuống thì cũng sẽ có thể giành thắng lợi.
Lần này bốn viên tướng quân lợi hại nhất trong đám thuộc hạ của Dã Lợi là: Ngật Ngộ Nguyên, Nguy Danh Phiêu, Dã Lợi Thành, Sa Tháp Tăng cùng xông tới. Trong đó tên Sa Tháp Tăng và Nguy Danh Phiêu cũng giống như Tống Minh Nguyệt, đều là những đại lực sĩ. Tên Sa Tháp Tăng đã từng dựa vào sức mạnh săn bắt của mình giết chết một con trâu rừng. Nhưng nếu luận võ nghệ thì phải nói tới Ngật Ngộ Nguyên, võ nghệ của tên này là cao cường nhất.
Trông thấy bốn tên này xông tới, không cần phải phân công, Tống Minh Nguyệt “tiếp” tên Sa Tháp Tăng, Tần Hiên “tiếp” tên Nguy Danh Phiêu, Địch Thanh đánh với hai tên còn lại là Dã Lợi Thành và Ngật Ngộ Nguyên.
Tống Minh Nguyệt và Sa Tháp Tăng, Tần Hiên với Nguy Danh Phiêu vừa vặn là đối thủ của nhau, nhưng Địch Thanh thì đã bắt đầu tốn sức.
Dù sao thì tuổi tác của Địch Thanh vẫn còn nhỏ, sức lực vẫn còn chưa ổn định lại phải trải qua trận chiến lâu dài.
Ba người này bị cản lại khiến tốc độ xông lên của quân Tống chậm đi rất nhiều. Trận hình của đội quân Tây Hạ đã bắt đầu ổn định trở lại.
Trông thấy tình hình này, Địch Thanh bắt đầu lo lắng. Trong khoảng thời gian qua, Thạch Kiên đã tặng cho cậu không ít binh thư để cậu đọc. Cậu biết đạo lý “nhất cổ thịnh, nhị cổ kiệt, tam cổ suy” (khi đánh trận dựa vào dũng khí, đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm, đánh ba tiếng trống, dũng khí không còn). Nếu bây giờ không đánh một tiếng trống làm tinh thần hăng hái thêm thì ngày hôm nay có thể toàn bộ ba nghìn tướng sĩ sẽ phải hy sinh ở đây.
Thế là Địch Thanh thúc ngựa tránh tên Dã Lợi, nhưng lúc này cây giáo dài của tên Ngật Ngộ Nguyên đã đâm tới, Địch Thanh đột nhiên làm một động tác khiến người khác không thể tưởng tượng ra—cậu để cây giáo kia đâm vào sườn mình rồi dùng khuỷu tay kẹp chặt cây giáo lại bên sườn để tên Ngật Ngộ Nguyên không thể rút ra được. Điều này khiến Ngật Ngộ Nguyên không biết phải làm thế nào.
Lúc này nếu Ngật Ngộ Nguyên bỏ cây giáo xuống thì có khi còn gặp may một chút. Nhưng gã trông thấy bộ dạng hung hãn của Địch Thanh thì hơi sửng sốt một chút. Điều này cuối cùng cũng khiến gã mất đi tính mạng của mình. Địch Thanh kẹp cây giáo bên tay trái, miệng hét lên một tiếng rồi thuận thế dùng đao chém thẳng vào cổ tên Ngật Ngộ Nguyên.
Cùng lúc này Tống Minh Nguyệt đang giao đấu với Sa Tháp Tăng. Hai người này sức lực ngang nhau nhưng cái mai nhọn (binh khí xưa, hình dáng giống cái xẻng) của Sa Tháp Tăng chỉ nặng có năm sáu mươi cân. Hai binh khí giao đấu với nhau khiến Sa Tháp Tăng tổn thất không nhỏ. Tên Sa Tháp Tăng này cũng là người Hồn như Tống Minh Nguyệt, gã đột nhiên vứt cái mai trong tay ra rồi dùng hai tay nắm chặt cây nĩa sắt mà Tống Minh Nguyệt lia tới. Tống Minh Nguyệt giữ chắc không chịu buông tay, và thế là hai người giằng co nhau. Tội nghiệp cho những con chiến mã hai người này cưỡi, chúng không chịu nổi sức lực của hai kẻ người Hồn này nên phát ra những tiếng hí thê thảm.
Địch Thanh chém chết Ngật Ngộ Nguyên nhưng không thể để cây giáo dài bên sườn mãi như thế được. Trong chốc lát Địch Thanh rút mạnh cây giáo, một đám máu và thịt cùng bắn ra ngoài. Lông mày cậu không hề nhăn lại, điều này khiến tên Dã Lợi Thành đứng bên ngoài nhìn cũng phải ngây người ra.
Tống Minh Nguyệt đứng bên cạnh họ, y trông thấy cảnh tượng này rất rõ ràng. Sau khi y gia nhập đội kỵ binh thì đã từng cậy sức lực của mình mà không chịu sự quản giáo của kẻ khác. Điều này kinh động tới Địch Thanh nên Địch Thanh đã cùng y đọ sức ba lần, cả ba lần y đều bị đánh tơi bời. Điều này mới khiến Tống Minh Nguyệt yên phận hơn. Sau đó Địch Thanh lại dạy cho y một ít võ công, trong mắt y, Địch Thanh tuy nhỏ tuổi hơn y nhưng lại lợi hại hơn y. Không những thế, Địch Thanh còn là cấp trên và cũng là sư phụ của y. Theo lý mà nói thì Địch Thanh chính là lão đại của y.
Bây giờ thì khỏi phải nói. Lần này Địch Thanh bị thương không nhẹ, điều này khiến Tống Minh Nguyệt nổi nóng.
Y hét lớn:
- Bà chúng mày. Muốn cướp thì ông cho mày cướp.
Nói rồi y dùng sức đẩy cái nĩa sắt của mình ra, Sa Tháp Tăng vốn đang dùng sức kéo chiếc nĩa sắt về phía mình, giờ cộng thêm sức đẩy của Tống Minh Nguyệt khiến gã ngã xuống tức khắc.
Bàn tay khổng lồ của Tống Minh Nguyệt như một chiếc quạt hương bồ, y giật lấy thanh đao trong tay tên binh sĩ Tây Hạ bên cạnh.
Y cũng nhảy từ mình ngựa xuống, dùng thanh đao hung hăng chém vào eo tên Sa Tháp Tăng kia. Vì thân hình Sa Tháp Tăng quá lớn nên khôi giáp chỉ có thể chắn được một nửa phần eo của gã. Còn nhát đao này của Tống Minh Nguyệt lại quá mạnh nên ngay lập tức cơ thể tên Sa Tháp Tăng này bị chém làm hai.
Tống Minh Nguyệt còn dùn một tay cầm một nửa thân thể của Sa Tháp Tăng lên, tay kia lấy lại chiếc nĩa lớn của mình rồi quay người leo lên lưng ngựa.
Bên này Địch Thanh lại một lần nữa đối phó với tên Dã Lợi Thành. Cậu dùng cây giáo dài của tên Ngật Ngộ Nguyên đưa tay ra sau đâm một nhát. Đòn hồi mã thương này quá bí ẩn, Dã Lợi Thành căn bản không hề chú ý, ngay lập tức gã bị đâm trúng bụng. Vì vết thương ở sườn đau nhức, Địch Thanh vô cùng tức giận, cậu gài đao vào giắt lưng rồi dùng sức của hai tay nắm chắc cây giáo dài, móc tên Dã Lợi Thành lên không trung đồng thời hét lên điên cuồng.
Tống Minh Nguyệt không biết Địch Thanh làm như vậy là có ý chấn nhiếp binh sĩ Tây Hạ, nâng cao sĩ khí của binh sĩ Tống triều. Nhưng thấy lão đại làm như thế y cũng bắt trước, y cầm nửa người tên Sa Tháp Tăng trên tay lắc lư trên không trung. Vì y chỉ chém vào phần eo của tên Sa Tháp Tăng nên nội tạng của gã vẫn còn trong khoang bụng, Tống Minh Nguyệt lắc như thế khiến khí quan của tên Sa Tháp Tăng bắn tung tóe, đại tràng của gã cũng bị văng ra xa giống như một sợi đai hồng bay phất phơ.
Lúc này tên Nguy Danh Phiêu vẫn đang giao chiến với Tần Hiên, gã sống đến bây giờ thế nhưng vẫn chưa từng gặp cảnh tượng khủng bố như thế này, gã kêu lên một tiếng rồi vứt lại binh khí và bắt đầu bỏ chạy.
Tống Minh Nguyệt biến phần nửa thi thể đó thành món đồ chơi, y vừa chơi vừa hỏi Địch Thanh:
- Lão đại, không sao chứ?
Địch Thanh trông thấy bộ dạng của y lúc này thì cũng cảm thấy buồn nôn, tuy nhiên cậu vẫn gật đầu:
- Không sao.
Kỳ thực thì Địch Thanh biết máu của mình đang không ngừng chảy ra, không cầm cự được bao nhiêu thời gian nữa. Cậu đang đau đầu vì làm sao có thể đánh nhanh thắng nhanh khi mà tên Dã Lợi Vượng Vinh vẫn đang chỉ huy, mà gã lại còn ở cách cậu không xa nữa.
Đột nhiên Địch Thanh vung đao lên nói:
- Giết!
Con chiến mã quay đầu lại, xông thẳng tới tên Dã Lợi Vượng Vinh.
Binh sĩ Tống triều đều biết Địch Thanh bị thương nhưng không biết cậu bị thương nặng như thế nào. Trông thấy Địch Thanh dùng cây giáo dài móc tên Dã Lợi Thành lên không trung vẫn cho là Địch Thanh không có gì nghiêm trọng lắm. Tinh thần lập tức tỉnh táo trở lại, bọn họ cũng hét lên những tiếng giận giữ rồi biến thành một cơn sóng cuồn cuộn tiếp tục xông lên sau Địch Thanh.
Hiện giờ trông thấy Địch Thanh dũng mãnh như vậy, đặc biệt là tên người Hồn — Tống Minh Nguyệt lại đùa giỡn thế kia khiến rất nhiều binh sĩ Tây Hạ bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Đặc biệt, trong lòng bọn chúng thì tên Tống Minh Nguyệt kia đúng là một con quỷ, nếu không thì một người sao có thể làm một chuyện ghê tởm như vậy được? Còn cả Địch Thanh đơn phương độc mã mà có thể giết chết hai viên mãnh tướng của bọn chúng cũng đồng nghĩa với việc cướp đi sĩ khí của chúng.
Trông thấy hai “sát thần” này xông tới, rất nhiều binh sĩ Tây Hạ không tự chủ được và né tránh.
Trông thấy Địch Thanh sắp xông tới nhưng Dã Lợi lại làm một chuyện mà khiến sau này gã vô cùng hối hận—gã ghìm cương ngựa lại và lui về phía sau.
Hiện giờ binh sĩ Tây Hạ vốn có rất nhiều tên nảy sinh tâm lý sợ hãi. Lúc này trông thấy Dã Lợi lui về phía sau còn tưởng gã muốn bỏ chạy. Thế là rất nhiều binh sĩ cũng quay đầu lại và bắt đầu bỏ chạy.
Đại quân Tây Hạ thật sự tan vỡ rồi.
Hiện giờ bất luận Dã Lợi có quát mắng thế nào thì cũng không thể ngăn cản binh lính bỏ chạy. Trông thấy tình huống này, Dã Lợi tuy ảo não nhưng cũng không thể để một mình gã ứng phó với mấy nghìn quân Tống thế này. Hơn nữa hiện giờ mấy ngàn binh lính Tống triều đều đã phát điên, thế là gã cũng bắt đầu bỏ chạy.
Địch Thanh cầm đao lên nói:
- Đuổi theo.
Cuộc truy đuổi không ngờ đã đuổi tới tận Thổ Môn, vì Địch Thanh mất máu quá nhiều rồi ngất đi nên quân Tống mới dừng lại.
/540
|