Đi Xuyên Hà Nội

Chương 12 - Gustave Dumoutier - Nhà Hà Nội Học

/36


Gustave Dumoutier sinh ngày 3-6-1850 tại Courpalay, tỉnh Seine-et-Marne, Pháp. Từ nhỏ ông đã đam mê đọc sách lịch sử, khảo cổ và văn hóa. Tốt nghiệp tú tài, Dumoutier theo học ngành nhân loại học thời tiền sử. Ngay sau khi ra trường ông đã có những bài viết về khảo cổ đăng trên tạp chí chuyên ngành được giới chuyên môn đánh giá cao và nhờ đó ông trở thành hội viên Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Thấy cần phải có thêm các kiến thức hỗ trợ cho công việc, ông tự học và đọc rất nhiều sách về lịch sử thế giới, dân tộc học. Thông minh lại cộng thêm đam mê nên ông đã thành công trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên việc xuất bản các công trình nghiên cứu không mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ buộc ông phải làm chân sửa morát ở một nhà in. Năm 1883, các tờ báo trên đất Pháp tràn ngập các bài viết về thuộc địa của Pháp ở châu Phi, Châu Á trong đó có An Nam, đọc các bài viết này ông bị vùng đất xa lạ đầy bí ẩn ám ảnh nên ông quyết định theo học tiếng Việt và tiếng Hoa tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) trong 3 năm. Cơ hội đến An Nam thành hiện thực khi Paul Bert, một nhà sinh vật và là nghị sĩ quốc hội rất quý mến tài năng của ông - được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm Tổng trú sứ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ - mời ông làm trợ lý văn hóa kiêm phiên dịch tiếng Việt, tiếng Hoa. Sau một tháng lênh đênh trên biển, hai người tới Hà Nội vào ngày 4-4-1886.

Hà Nội năm này đã yên ổn vì quân Cờ Đen (lính sơn cước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc) buộc phải về nước theo Hiệp định Thiên Tân nên không còn những vụ cướp bóc tàn khốc. Đốc lý Hà Nội bắt đầu cho xây dựng các công trình dân sự như nhà bưu điện Bờ Hồ, tòa đốc lý, kho bạc... và đang chuẩn bị mở mang khu phố mới ở phía nam hồ Gươm. Song Hà Nội rất thiếu phiên dịch vì phải chờ đưa từ Nam Kỳ ra nên Paul Bert giao cho Dumoutier nhiệm vụ tổ chức công việc học chính ở Bắc Kỳ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, từ một vài trường dạy tiếng Pháp ở Hà Nội, Dumoutier đã thành lập trường thông ngôn, cùng 13 trường dạy tiếng Pháp cho học sinh nam và nữ. Để tranh thủ giới Nho sĩ Bắc Kỳ, mong muốn họ hưởng ứng chính sách “hợp tác” với nhà nước bảo hộ Pháp, ngày 3-7-1886, Tổng trú sứ Paul Bert đã ký nghị định thành lập Viện hàn lâm Bắc Kỳ (Académie Tonkinoise). Viện do chính Paul Bert làm chủ tịch. Ngoài một số người Pháp còn có trí thức An Nam, trong đó có Tiến sĩ đệ nhị giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909). Mục đích của Viện là nghiên cứu tất cả những gì có thể về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Bắc Kỳ, giữ gìn, bảo tồn chùa chiền, đền đài; giúp người dân hiểu biết về khoa học hiện đại và những tiến bộ của văn minh thế giới bằng cách cho dịch tư liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, thành lập thư viện tại Hà Nội... Để tránh sai lầm đã xảy ra ở Nam Kỳ, nơi mà chính quốc muốn Pháp hóa dân bản xứ, khiến họ có nguy cơ trở thành người ngoại quốc ngay trên quê hương mình nên Paul Bert và Dumoutier yêu cầu viên chức Bắc Kỳ theo học chữ Nôm và chữ Hán. Đây là chính sách uyển chuyển, khôn khéo của Paul Bert trong cai trị khi đưa ra quan điểm tôn trọng các định chế, phong tục tập quán của người bản xứ.

Dù công việc bù đầu nhưng cứ rảnh rỗi, Dumoutier lại đến đền chùa ở Hà Nội tìm hiểu. Nhờ giỏi chữ Hán và chữ quốc ngữ nên ông dễ dàng hiểu được nội dung các câu đối, văn bia. Ông vô cùng thích thú khi ngắm nhìn đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa, lại càng khâm phục hơn khi đọc câu đối trước cổng và trong đền. Trong bài viết về đền Ngọc Sơn đăng trên báo Tương lai Bắc Kỳ (L’Avenir du Tonkin, sau này đưa vào cuốn Những ngôi chùa Hà Nội - Les pagodes de Hanoi), ông mô tả rất kỹ lưỡng về kiến trúc đền. Còn về thần Văn Xương ông viết: “Tên gọi Văn Xương luôn luôn rực rỡ dưới bầu trời, học thuyết của ngài lấy mục đích là sự hoàn thiện tinh thần, kẻ nào chăm làm việc thiện nếu chế ngự được bản năng tự nhiên để theo đuổi những lời giáo huấn thánh thiện của sư phụ là luôn kiếm tìm hạnh phúc bản thân niềm vui sẽ đến. Hãy học tập và suy nghĩ về những sách kinh”. Nhận định đã chạm vào cốt lõi trong tinh thần hiếu học và trọng văn chương chữ nghĩa của người Hà Nội nói riêng và Bắc Kỳ nói chung. Đánh giá về cuốn Những ngôi chùa Hà Nội, André Masson, người từng phụ trách Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội, viết trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888: “Đó là những bài nghiên cứu đặc sắc”. Cuối bài biên khảo về đền Ngọc Sơn, Dumoutier viết về Tháp Rùa: “Ở giữa hồ còn một cái chùa khác. Đó là một công trình bé nhỏ, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn. Công trình này mới có khoảng từ chục năm nay. Nó được xây trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ. Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh-bao (Vĩnh Bảo), đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị, nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong-dinh (Vọng Đình) và bên kia chữ Quy-son thap (Quy Sơn tháp)”. Từ đoạn mô tả này các nhà nghiên cứu (cả người Pháp và người Việt) mới xác định được thời gian xây, Tháp Rùa, đồng thời nó tạo ra nghi vấn tháp không phải do Bá Kim xây và tháp do ông Bá Kim xây đã bị phá bỏ để xây tháp này.

Trong cuốn Người Bắc Kỳ (Essais sur les Tonkinois - xuất bản năm 1908), về nghề làm đồ sắt tây, Dumoutier viết: “Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này (phố Hàng Thiếc bây giờ - NNT). Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kỹ nghệ phương Tây như: bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen... Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hoả, hộp đồ ăn”. Nhờ đoạn mô tả của Dumoutier ta biết rõ hơn về phố Hàng Thiếc cuối thế kỷ XIX và cũng nhờ những mô tả này nhà nghiên cứu Nguyễn Dư ở Pháp có cơ sở để chứng minh chiếc đèn dầu (hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ) không phải do Hoa Kỳ sản xuất, nó được làm ra từ chính bàn tay của những người thợ thủ công ở phố Hàng Thiếc. Theo Nguyễn Dư, đầu thế kỷ XX, hãng dầu Texaco của Hoa Kỳ đến Hà Nội bán dầu hỏa và để cạnh tranh với hãng Shell, Texaco bán dầu cho khách dù chỉ một lít cũng tặng miễn phí một chiếc đèn, người mua thấy hãng dầu Hoa Kỳ tặng đèn nên gọi là đèn Hoa Kỳ. Gọi mãi thành quen và ai cũng cứ nghĩ nó là đèn mang từ Hoa Kỳ sang.

Dumoutier quen biết rất nhiều nhà Nho ở Hà Nội và thường đến thăm họ hỏi những điều chưa biết hay còn thắc mắc, có khi đàm đạo về thơ, phú khiến các nhà Nho rất khâm phục. Ông tự học chữ Nôm để có thể đọc được các cuốn sách bán ở phố Hàng Gai, điều đó giúp ông hiểu biết sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Edmond Nordemann, tác giả của cuốn An Nam văn tập (Chrestomathie Annamite, viết xong năm 1894, xuất bản năm 1898 ở Hà Nội) đã phải thốt lên: “Trí tuệ và sức làm việc của ông ấy quả là phi thường”. Chỉ trong hai năm (1887-1889), Dumoutier viết một loạt bài khảo cứu và sách về Hà Nội gồm: Những ngôi chùa ở Hà Nội, Chùa Quán Sứ; Văn Miếu, Đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội; Nghiên cứu về khảo cổ học và văn minh học tại chùa Trấn Vũ (Le grand Bouddha de Hanoi), Tiểu luận về người Bắc Kỳ (Essai sur les Tonkinois), Đền Hai Bà (Le temple des deux Dames). Trong cuốn Huyền thoại lịch sử An Nam và Bắc Kỳ, phần huyền thoại Bắc Kỳ chủ yếu là ở Hà Nội với truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho thần Kim Quy. Đó là những chuyên khảo công phu sớm nhất về các di tích thắng cảnh, lịch sử, tôn giáo Hà Nội, đặc biệt có giá trị trong khảo sát kiến trúc và văn bia tại chỗ vào cuối thế kỷ XIX và có giá trị cho đến hôm nay. Khi nghiên cứu về Hà Nội xưa, các nhà nghiên cứu hôm nay không thể bỏ qua các cuốn sách và những bài viết của ông.

Không chỉ khảo cứu về Hà Nội, Dumoutier còn có nhiều công trình khảo cứu về thiết chế chính trị, xã hội và văn hóa dân gian Việt Nam. Trong thời gian làm thanh tra học chính, ông có điều kiện đi đến nhiều vùng miền, tới đâu ông cũng thăm đình chùa, cố gắng tìm gặp các nhà Nho, những người cao tuổi trong làng để tìm hiểu sau đó ghi chép cẩn thận. Tính từ năm 1890 đến 1903, ông có rất nhiều bài khảo cứu in trên báo xuất bản ở Pháp và Hà Nội, đồng thời ông cũng cho xuất bản nhiều cuốn sách gồm: Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam (Les chants et les traditions populaires des Annamites - Nxb. E. Leroux, Paris 1890); Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người An Nam; Thuật phù thủy và bói toán của người An Nam, Thuật phong thủy của người An Nam, Lễ tang của người An Nam... Tiểu luận Người Bắc Kỳ được đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Đông Dương từ 15-3-1907 đến 15-2-1908, sau khi ông mất mới in thành sách. Và cuốn sách này có lẽ là cuốn có giá nhất về thiết chế làng xã xưa và văn hóa. Những nghiên cứu về làng, giáp cho ta hình dung ra cấu trúc làng ở Bắc Kỳ, ông viết: “Giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ, trong một số làng khác thì giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục, giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má. Trong nhiều làng khác nữa, giáp lo bảo vệ an ninh trật tự hoặc lo tổ chức hàng năm việc thờ cúng thành hoàng và các lễ hội của làng...”. Dumoutier phát triển sự tiếp cận tổng thể với xã hội và các thiết chế của nó. Để làm việc đó, ông tiến hành nhiều nghiên cứu theo chủ để nhằm phục dựng lại các khía cạnh khác nhau, dù là thuộc làng xã, gia đình, cách ăn uống, y học, tín ngưỡng... Những công trình khảo cứu không chỉ mô tả mà xa hơn ông còn nhận định, đánh giá vai trò của nó đối với đời sống người An Nam trên tinh thần khách quan và khoa học. Theo chân ông có nhiều người Pháp cũng nghiên cứu Hà Nội hay Việt Nam như Henri Oger đã bỏ công sức tiền của để nghiên cứu nghề in mộc bản ở Việt Nam thông qua cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam.

Có một câu chuyện rất thú vị liên quan đến một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga đạo văn của G. Dumoutier.

Trong cuốn Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam, ông đã sưu tầm các bài đồng dao, ca dao, dân ca sau đó dịch ra tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp với mục đích để dân Pháp và châu Âu có thêm hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên bài An Nam không phải là ca dao, đúng hơn nó là bài thơ:

Le Ciel est immense et pur,

La lune répand ses clartés,

Les bammous se balancent sous la brise,

L’air est fraig et parfumé:

La famille est heureuse et joyeuse,

Les parents sont assis parmi les fleurs du jardin

Buvant du thé, fredonnant des vers.

La maison est remplie d’un bruit de voix:

Ce sont les enfants quy étudient

Et le dernier né quy appelle sa nourrice.

Ce lui quy peut ainsi vivre en famille

A le bonheur parfait sur la terre;

Les richesses et la gloire ne sont rien pour lui.

Sa vie s’écoule doucement,

En songeant que ses enfants lui survivront.

Còn bài Đồng dao thứ nhất là:

Les filles aiment les piastres

A figure d’oiseau,

Elles quittent leurs parents

Pour suivre les français.

Có thể còn những dị bản khác đại để:

Ham chi đồng bạc con cò

Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang-sa

Và bài kia:

Le crapeau a les lèvres rouges,

C’est que le crapaud a mâché du bétel.

Qu’elle vienne celle quy veut épouser mon père,

Mon père l’accueillera doucement

Avec de belles paroles et sans la frapper,

Mais ma mère lui crèvera les yeux

Et lui sortira les entrailles du ventre.

Cũng có thể còn dị bản khác nhưng đại ý:

Cái cò trắng bạch như vôi,

Có về lấy lẽ chú tôi thì về!

Chú tôi chẳng đánh, chẳng chê,

Thím tôi móc ruột, lôi mề, ăn gan.

Năm 1918, nhà thơ N. Gumiliev (1886-1921), một đại diện xuất sắc của thế kỷ bạc trong nền thi ca Nga đã xuất bản tập thơ Lâu đài bằng sứ trong đó có ba bài là Các cô gái, Đồng dao và An Nam. N. Gumiliev chưa từng đến Việt Nam và xứ Đông Dương, vậy tại sao ông có thể viết được những câu thơ đẹp đẽ và mơ mộng đến thế? Hay ông tưởng tượng ra xứ An Nam? Thấy bài thơ An Nam quá hay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch ra tiếng Việt và in trong tập Một góc thơ Nga năm 2001:

Vầng trăng lơ lửng treo

Giữa khung trời vô tận

Gió quanh quẩn rặng tre

Hương thơm tràn mát đậm

Cả gia đình bằng an

Những người lớn uống trà

Đọc thơ ngoài vườn biếc

Đàn trẻ đùa trong nhà

Hồn nhiên và ríu rít

Tiếng khóc nào oa oa

Cảnh đời hoan lạc thế

Nào có nghĩa gì đâu

Những bạc tiền, danh giá

Nếu ta biết đời sau

Luôn hậu sinh khả úy

Sau nhiều năm tìm hiểu người ta đã phát hiện ra N. Gumiliev đến Pháp năm 1917. Như vậy ba bài thơ trên không phải do ông sáng tác mà dịch từ sách của Dumontier. Một điều rất tiếc là cuốn Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam không phải là sách song ngữ nên không thể biết Dumoutier dịch bài An Nam từ bài hát nào. Một số người cố gắng tìm ra bản gốc nhưng chưa thể nói là bài dân ca ở vùng miền nào trên đất Việt Nam. Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng không biết N. Gumiliev dịch từ sách của Dumoutier. Tuy nhiên dù N. Gumiliev có đạo văn thì người Việt Nam nên cám ơn ông vì đã giúp bạn đọc Nga hiểu biết về con người và đất nước Việt Nam.

Sau khi sang Việt Nam cùng Dumoutier làm được một số việc cho công việc học chính thì sáu tháng sau, ngày 1-11-1886, Tổng trú sứ Paul Bert bị chết do bệnh kiết lỵ nên bao nhiêu dự tính của hai người không thành vì các viên tổng trú sứ (sau là Toàn quyền) sau muốn thực hiện chính sách trực trị, dần xóa bỏ văn hóa Việt Nam để áp đặt văn hóa Pháp. Viện lý do mở rộng thành phố về phía tây, Toàn quyền Lanessan đã quyết định cho phá thành Hà Nội. Kế hoạch dạy chữ Nôm và chữ Hán bị thay thế hoàn toàn bởi chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Và rồi Viện hàn lâm Bắc Kỳ, Trường Hoàng gia Huế, các lớp dạy Hán Nôm cho công chức đều bị Lanessan dẹp bỏ.

Để thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) đã tăng cường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ, dần xóa bỏ kỳ thi Hương để tạo ra lớp người mới thân Pháp hơn. Dù làm thanh tra học chính nhưng thời kỳ Paul Doumer, Dumoutier gần như thất sủng. Năm 1903, sau nhiều lần bị trù dập, ông làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng Paul Doumer bác đơn của ông và cho ông nghỉ hưu vào ngày 23-4-1904. Việc đó khiến ông bức xúc vì thấy mình không đáng bị như vậy, và quyết định này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của ông vốn suy sụp. Chán nản, ông xuống Đồ Sơn định ở ẩn nhưng tại đây ông lâm bệnh và mất ngày 2-8-1904. Đám ma của ông chỉ có vài nguời thân cùng một số nhà Nho Việt Nam. Ông được chôn cất ở nghĩa trang gần hồ Trúc Bạch, bên cạnh mộ người vợ và cho đến hôm nay cũng không rõ mộ ông được đưa về Pháp chưa. Ông được giới nghiên cứu trong và ngoài nước tôn vinh là nhà Việt Nam học và nhà Hà Nội học người nước ngoài đầu tiên.

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status