Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 1: Lần đầu gặp gỡ

/64


Mùa đông năm 2020, tại một hẻm núi sâu, ít người qua lại trên dãy Côn Luân.

- Cậu tỉnh rồi à?

Hàng mi khẽ rung động, chàng trai từ từ mở mắt. Cậu ta nheo cặp mắt sưng tấy, cố gắng xoay đầu nhìn xung quanh, kinh ngạc quan sát căn nhà gỗ nhỏ bé, đơn sơ của tôi.

- Nơi này là… là thiên đường ư? Cô là tiên nữ à?

Giọng nói khản đặc, bờ môi nứt nẻ, khóe môi vẫn còn vệt máu khô. Chàng trai khẽ cử động, vết nứt toác rộng thêm, những tia máu xối ra, nhuộm đỏ đôi môi tái nhợt, nhưng nhờ vậy, trông cậu ta có sinh khí hơn lúc trước.

- Thiên đường mà đơn giản thế này thôi sao? Và làm gì có cô tiên nào mang dị tật như tôi.

Tôi nhấc ấm trà khỏi lò than, rót cho chàng trai một chén trà bơ rồi tập tễnh về lại chỗ ngồi cạnh chiếc giường.

- Đừng lo lắng, cậu vẫn còn sống. Tôi thấy cậu nằm bất động trên tuyết nên đưa cậu về đây.

Củi than trong lò cháy bùng bùng, chiếu rọi phân nửa gương mặt tôi. Ánh mắt chàng trai bỗng rực sáng, không biết sức mạnh nào kéo cậu ta ngồi dậy, quên cả đón lấy chén trà, cứ nhìn tôi chăm chăm rồi ấp úng:

- Cô… cô… đẹp quá, thật sự là… rất… rất đẹp!

- Cậu không thấy có điều gì kỳ quái sao? – Tôi đã quá quen với những biểu cảm khác nhau của cánh đàn ông khi lần đầu họ thấy tôi nên chỉ mỉm cười. – Mắt xanh, tóc xanh, áo xanh, da trắng, trên trán còn có một vết sẹo nữa. Trông tôi đâu có giống người bình thường.

Anh chàng vẫn ngẩn ngơ nhìn tôi không chớp mắt:

- Có gì lạ đâu. Các cô gái trẻ thời nay còn trang điểm kỳ dị hơn cô nhiều. Cô mới chỉ nhuộm tóc, đeo kính áp tròng và dán hình xăm bông hoa lên trán thôi, ăn thua gì! Mà mắt xanh, tóc xanh càng tôn thêm làn da trắng bóc của cô. Lối phục trang cổ điển với tay áo dài màu xanh lam này càng làm nổi bật khí chất quý phái, tao nhã của cô. – Cậu ta hào hứng bình phẩm, hết lời khen ngợi. – Cô hệt như tiên nữ, chẳng giống người trần mắt thịt chút nào, cô không theo nghiệp diễn viên thì quả là uổng phí.

- Tôi không phải tiên nữ mà là yêu quái. Yêu quái thì mới kỳ dị thế này chứ! – Thấy cậu ta vẫn còn ngẩn ngơ, tôi khẽ nghiêng người sáp đến, nheo mắt, cố giả giọng lạnh lùng, ma mị. – Ngươi không sợ sao?

- Sợ gì? Sợ cô ư? – Cậu ta bật cười ha hả, dường như đã hoàn toàn bình phục. Cậu ta dạn dĩ nhìn vào mắt tôi, không mảy may sợ hãi, còn nháy mắt tinh nghịch. – Dù cô có là yêu quái thì cũng là một yêu quái tốt bụng. Nếu không, cô đã chẳng vất vả cứu tôi, cứ mặc cho tôi chết cóng trên tuyết ấy.

Tôi chăm chú nhìn vào mắt cậu ta vài giây nhưng không tìm được dù chỉ một tia sợ hãi. Giới trẻ ngày nay quả rất dạn dĩ, chẳng hề hoang mang khi nghe về yêu ma, quỷ quái. Tôi mỉm cười, trở lại tư thế cũ, đưa chén trà cho chàng trai:

- Cậu uống đi cho nóng. Nhiệt lượng của loại trà bơ này rất cao, có thể giúp cậu giữ ấm.

Cậu ta đón lấy, chậm rãi thưởng thức, sảng khoái xuýt xoa. Tôi ngồi xuống bên cạnh cậu ta, ngước nhìn bầu trời tối đen như mực qua khung cửa sổ. Gió rít dữ dội, những bông tuyết lớn cuộn tròn trong gió sắc, điên cuồng tìm kiếm những khe hở của căn nhà tồi tàn, ào ào trút giận. Chiếc chuông gió treo ngoài cửa bị lốc cuốn tứ phía, leng keng inh ỏi, hòa với tiếng gió, cùng tấu lên bản nhạc thời tiết ồn ã.

- Khuya rồi đấy, nếu cậu không thấy sợ thì hãy nghỉ lại đây đêm nay. Ngày mai, sau khi xuống núi, cậu phải nhanh chóng tìm bệnh viện gần nhất để khám chữa. Nơi đây là vùng cao nguyên băng giá, cậu vùi mình trong tuyết lạnh lâu như vậy, rất dễ mắc bệnh… – Tôi ngắc ngứ, phải mất một lúc mới tìm ra được từ ngữ diễn đạt chính xác, liền hớn hở vỗ tay. – Đúng rồi, bệnh phù phổi khi leo núi cao.

Chàng trai đặt chén trà xuống, phì cười:

- Cô nói chuyện rất thú vị, có chút hơi hướng cổ điển.

Tôi lấy làm mừng khi gương mặt chàng trai đã hồng hào trở lại. Thanh niên có khác, chỉ một chén trà bơ đã có thể khôi phục thể lực. Đón lấy chiếc chén không, tôi mỉm cười:

- Vậy ư? Tôi đã cố gắng bắt chước cách nói năng của con người thế kỷ 21, nhưng tiếc là tuổi tác đã cao, tôi muốn sửa mà không sửa được, thành ra chẳng giống ai.

Chàng trai trỏ ngón tay vào mình, cười nhạo người đối diện bằng vẻ hách dịch của kẻ bề trên:

- Cô năm nay bao nhiêu tuổi? Có đến mười tám, mười chín không? Cô biết tôi bao nhiêu tuổi rồi không? Tôi hai mươi sáu đó!

Chàng trai sở hữu nước da bánh mật khỏe khoắn, màu da đang rất được ưa chuộng hiện nay, đôi mắt sáng cuốn hút, gương mặt điển trai, chỉ có điều, vài ba nếp nhăn nơi đuôi mắt cộng với gò má sạm đỏ vì thời tiết giá buốt trên núi cao đã bồi tụ lên gương mặt của cậu ta vẻ từng trải và già dặn. Lần đầu gặp mặt, có lẽ ai cũng đoán cậu ta đã ngoài ba mươi.

Tôi bật cười vẻ thích thú:

- Cậu không biết yêu quái có phép thuật giúp giữ gìn nhan sắc à? Các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình mà cậu thường xem vẫn có cảnh yêu quái ăn thịt người, uống máu người để duy trì sự trẻ trung và dung nhan đấy thôi.

Cậu ta vỗ ngực bôm bốp, cười sảng khoái:

- Hay lắm, rất thú vị! Không ngờ cô giàu trí tưởng tượng đến thế! Được thôi, nếu cô muốn ăn thịt tôi, tôi sẵn sàng. Dù sao thì chính cô đã cứu tôi. Được chết trong tay người đẹp, còn gì hạnh phúc bằng!

Tôi lắc đầu:

- Tất cả đều do con người tưởng tượng, bịa đặt. Loài hồ ly tu hành thành tinh, không cần phải ăn thịt người.

- Hóa ra cô là tiên nữ hồ ly cơ đấy! – Cậu ta tiếp tục cuộc chuyện trò với vẻ cợt nhả, đùa bỡn. – Xin hỏi cô tiên, năm nay cô mấy tuổi?

Tôi thở dài, ngửa lòng bàn tay phải lên, đếm các đường kẻ tay:

- Hơn một nghìn tuổi. Chính xác là bao nhiêu, tôi không nhớ nổi. Giờ đây đối với tôi, mỗi năm qua đi chỉ là một con số cộng vào tuổi tác, chẳng còn nghĩa lý gì nữa.

Gió lớn ào tới, không khí lạnh tràn vào phòng. Chàng trai quấn chặt tấm chăn lông thú, đột nhiên đưa tay lên nhìn đồng hồ, sau đó cởi chiếc áo khoác có màu sắc và hình thù rất đỗi kỳ dị, đưa cho tôi:

- Chỗ này ở độ cao khoảng hơn bốn nghìn mét so với mực nước biển, băng tuyết quanh năm, các trận bão tuyết liên miên, cô ăn mặc phong phanh như thế, rất dễ cảm lạnh. Cô khoác chiếc áo gió này đi. Đây là loại áo khoác giữ ấm và chống thấm tốt nhất hiện nay. Trong suốt thời gian leo núi Côn Luân, tôi nhờ cậy vào khả năng chống chịu gió tuyết của nó cả đấy.

Tôi lắc đầu, nhấc chén trà chàng trai đặt ở đầu giường, lại tập tễnh đến bên lò sưởi, rót cho cậu ta chén khác.

- Nếu nó hữu dụng đến thế thì vì sao cậu vẫn suýt mất mạng? Mà tôi là yêu quái, tôi có phép thuật, tôi đâu có sợ lạnh.

Cậu ta sực nhớ ra, vỗ tay cười:

- Tôi đoán ra rồi nhé, cô là một nhà văn, một mình lẳng lặng đến vùng núi Côn Luân hẻo lánh này ở ẩn để tìm cảm hứng sáng tác. Cô muốn nhập hồn vào câu chuyện nên phục trang giống như nhân vật. Rất thú vị, tôi đồng ý làm thính giả của cô tối nay, hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Nàng hồ ly thân thế ra sao, nàng từ đâu tới?

Tôi mỉm cười, đưa chén trà cho chàng trai, kể vắn tắt:

- Người thân của tôi chỉ là những hồ ly bình thường, không ai tu luyện đắc đạo nên người thì bị thợ săn bắt sống, cạo lông, lột da, người thì qua đời vì tuổi cao sức yếu. Chỉ có mình tôi vừa ra đời đã là một hồ ly với bộ lông màu lam. Nếu diễn giải bằng ngôn ngữ hiện đại của các cậu thì có thể gọi trường hợp của tôi là hiện tượng đột biến gen, phải mấy trăm năm mới xuất hiện một lần trong dòng tộc hồ ly. Tôi đã may mắn được nằm trong con số ít ỏi đó. Loài hồ ly với bộ lông màu lam ngay từ khi sinh ra đã hấp thụ khí thiêng của trời đất, học được đôi ba thứ phép thuật. Ngoài ra, nhờ cơ duyên tôi lại may mắn có được tu vi của đồng loại nên mới sống lâu như vậy.

- Ha ha, trường sinh bất lão, giấc mơ của bao người.

Giọng điệu đùa cợt ấy cho thấy, đến lúc này cậu ta vẫn không tin những gì tôi nói. Tôi đành thở dài, lòng buồn man mác:

- Nếu cậu là tôi, phải chứng kiến cảnh người thân lần lượt ra đi, chỉ còn lại một mình vò võ trên đời, khi ấy, cậu cũng sẽ như tôi bây giờ, ước gì mình chỉ sống thọ như hồ ly bình thường.

Cậu ta chăm chú quan sát tôi, tiếp tục cười đùa:

- Vậy thì chắc hẳn cô rất cô đơn.

- Cũng không đến nỗi. – Tôi ngước nhìn chiếc chuông gió đang rung lắc dữ dội ngoài kia, mỉm cười. – Mỗi ngày tôi đều nhớ lại quãng thời gian bốn mươi năm quan trọng nhất trong suốt hàng nghìn năm cuộc đời mình. Tôi cứ nhẩn nha, mê mải tận hưởng dư vị của những kỷ niệm đó cho đến khi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Họ ở trên trời, biết tôi sợ cô độc nên đêm nào cũng hiện về trong giấc mơ của tôi, quây quần bên tôi. Nhờ vậy, hơn bảy trăm năm của đời tôi trôi đi cũng khá nhanh.

Dường như đã bắt đầu bị cuốn hút bởi câu chuyện của tôi, chàng trai im lặng hồi lâu, bàn tay nâng chén trà sững lại, ánh mắt mơ màng, nhìn tôi đăm đắm. Tôi đọc thấy trong đó nét buồn thương chân thành. Tôi tập tễnh bước lại gần, nhấc chén trà đã cạn trong tay cậu ta. Chàng trai thoáng giật mình, khẽ hắng giọng, ánh mắt lướt trên chân trái của tôi, vẻ quan tâm:

- Chân của cô… bị sao vậy?

- Tôi bị kẹp vào bẫy của thợ săn.

Vẻ nghiêm túc chỉ tồn tại trong thoáng chốc, câu nói vốn không có gì hài hước của tôi đã khiến cậu ta bật cười, lắc đầu:

- Cô không những là một giai nhân tuyệt sắc mà còn có đầu óc tưởng tượng hết sức phong phú. Tôi đã gần tin câu chuyện cô kể là thật và cô chính là nàng hồ ly sống ẩn dật nơi vùng núi hoang vắng này rồi đó.

Tôi đến bên lò sưởi, tiếp thêm củi, nhấc thanh sắt cời than hồng:

- Cậu không tin cũng không sao. Cứ xem như tôi là một bà già độc thân đã lâu không có người trò chuyện, muốn kể lể với một người qua đường là cậu đây những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời mình. Ngày mai, sau khi xuống núi, cậu muốn gặp tôi cũng chẳng thể tìm được.

Chàng trai trỏ tay về phía tôi, cười vang:

- Cô mà là bà già ư?

Vì cười quá nhiều, cơn ho khan dữ dội ập đến, mất một lúc lâu chàng trai mới ổn định trở lại:

- Được thôi, còn rất nhiều thời gian, ở đây không có ti vi, không có máy vi tính, nghe cô kể chuyện để giết thời gian cũng vui.

- Cậu muốn nghe thật ư?

Tôi ngắm nhìn những đốm lửa bập bùng trong lò than, thần trí mơ màng.

- Thật chứ!

Chàng trai trẻ ngồi xếp bằng trên giường, hệt như nhà sư ngồi thiền. Cậu ta quấn chặt chăn vào người, ánh mắt nhìn tôi hân hoan.

- Một nàng hồ ly đẹp mê hồn thế này, có kẻ phàm phu tục tử nào không xiêu lòng? Tôi xin được rửa tai lắng nghe câu chuyện tình yêu ly kỳ của cô.

- Vậy hãy bắt đầu từ cái chân của tôi nhé! Đó là một ngày mùa đông năm Ngọ, Âm Hỏa, theo lịch của người Tạng, tức niên hiệu Thuần Hựu thứ sáu, nhà Nam Tống. Để tôi thử nhớ lại xem, nếu đổi sang lịch dương mà các cậu vẫn thường dùng thì sẽ là năm bao nhiêu… – Tôi trầm ngâm, xòe những đốt tay ra nhẩm tính. – Phải rồi, đó là năm 1246. Khi ấy tôi còn rất nhỏ, mới tròn ba trăm tuổi, năng lực có hạn, chưa thể hóa phép thành người. Tôi ngây ngô, dại dột nên bị mắc bẫy của thợ săn, thiếu chút nữa thì bị cạo lông làm áo khoác rồi.

- Nàng hồ ly xinh đẹp gặp nạn, chàng học trò nho nhã xuất hiện, diễn vở anh hùng cứu mỹ nhân, sau đó giữa hai người nảy sinh câu chuyện tình yêu sướt mướt, tôi đoán có chuẩn không?

Tôi lắc đầu:

- Đúng là tôi đã được cứu, nếu không, hôm nay tôi đâu thể đứng trước mặt cậu thế này. Nhưng câu chuyện không lãng mạn như cậu tưởng tượng. Tôi tình cờ gặp được một cậu bé mười hai tuổi, xuất thân của cậu bé này hết sức đặc biệt. Anh hùng cứu mỹ nhân ư? Làm gì có chuyện đó! Khi ấy tôi không có pháp lực, chẳng thể biến thành người. Tình yêu, đối với tôi, là thứ quá ư xa vời.

- Ồ!

Chàng trai tỏ ra rất đỗi hứng thú, kéo chăn trùm kín người hơn, nghiêng đầu ngó tôi:

- Cậu bé này đã gắn bó với cô suốt bốn mươi năm ư?

- Chính cậu bé đã đưa tôi đến với gia tộc đặc biệt của cậu ấy. Tôi đã gắn bó với gia tộc đó suốt bốn mươi năm.

Tôi ngước nhìn hư không, đôi mắt tinh anh, trong suốt tựa pha lê, nụ cười mùa xuân ấm áp ấy vẫn đăm đắm hướng về tôi, như hằng đêm trong từng cơn mộng mị. Hơn bảy trăm năm rồi, Bát Tư Ba, vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, còi xe lửa nay đã hú vang trên núi Côn Luân nhưng đôi mắt chàng, chỉ có đôi mắt chàng vẫn vẹn nguyên nét thuần khiết như khoảnh khắc đầu tiên ta gặp nhau, năm chàng mười hai tuổi. Phần 1: Thời niên thiếu

“Người sáng suốt, dù vấp phải bất kể trở ngại gì cũng không hành động dại dột;

Loài chim tước, dù khát đến cháy cổ cũng không chịu uống nước đục trên mặt đất.”

(Cách ngôn Sakya)

Mùa đông năm 1246 – tức năm Ngọ, Âm Hỏa, lịch Tạng – tức niên hiệu Thuần Hựu thứ sáu, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Quý Do Hãn thứ nhất, Mông Cổ.

- Thí chủ định bán tiểu hồ ly này bao nhiêu?

Giọng nói khàn khàn của cậu thiếu niên đang trong giai đoạn vỡ tiếng đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn tủi và tuyệt vọng đang đè nặng, giật mình ngẩng lên.

Chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm, rộng rãi ôm lấy thân hình gầy guộc của cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi. Nước da tuy sạm đen nhưng không sần sùi, thô ráp mà bóng mịn, khỏe khoắn. Hai má đỏ au, gò má hiện rõ hai vệt rám nắng, gương mặt cân đối, khôi ngô, hàng lông mày đậm, dày, phần đuôi hất lên như lưỡi kiếm, sống mũi cao, thẳng… từng đường nét trên khuôn mặt đều sống động như được tạc khắc.

Cậu ấy không để đầu trọc lốc như các nhà sư Trung Nguyên nhưng tóc cũng được cắt ngắn hết mức có thể. So với những người cùng độ tuổi, cậu ấy cao lớn hơn rất nhiều, ống chân và cánh tay thuôn dài, lưng vươn thẳng, chẳng khác nào những cây bạch dương mọc tăm tắp khắp nơi trên đất Lương Châu[1] này, phong thái ấy toát lên sức mạnh của sự rắn rỏi, kiên định, bền bỉ vô chừng. Tuy vẫn còn nhỏ tuổi nhưng không khó để nhận thấy khí khái phi phàm và tài hoa trác tuyệt tiềm ẩn ở cậu bé này.

Áo tăng ni màu đỏ sẫm, vóc dáng cao lớn, làn da ngăm đen, tất cả những đặc điểm đó đều khác biệt so với người Lương Châu bản địa. Dựa vào kinh nghiệm sống ba trăm năm của mình, tôi biết cậu bé đến từ Tufan[2] (Thổ Phồn), là tăng nhân của một trong những giáo phái Phật giáo Tufan. Tuy vương quốc Tufan đã suy vong từ lâu, nơi đây sớm đã được đổi tên thành Wusi[3] (Ô Tư Tạng) nhưng vì vương quốc này từng có một lịch sử huy hoàng nên ngày nay, người ta vẫn gọi những vị khách đến từ vùng núi cao, quanh năm tuyết phủ là người Tufan.

Cậu bé ngồi xuống, ngắm nghía nàng hồ ly tội nghiệp bị nhốt trong lồng, đôi mắt trong veo, tinh khiết như nước suối trên đại ngàn. Sóng mắt long lanh, sống động khiến một tiểu hồ ly phép thuật còn non kém như tôi cũng có thể nhận thấy vầng hào quang rực rỡ bao bọc xung quanh cậu ấy. Tôi giật mình thầm nghĩ, cậu bé này có nội lực siêu phàm, chắc chắn không phải người bình thường.

Tôi ra sức kêu thương, lách bộ vuốt qua khe hở của chiếc lồng sắt, chới với cầu cứu. Cậu bé chìa tay, nhẹ nhàng đón lấy hai chân trước của tôi, hơi ấm tỏa ra từ lòng bàn tay cậu khiến tôi vững tâm hơn. Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, bèn nũng nịu kêu cầu khẩn thiết.

- Tôi không bán đâu. Mắt và lông của con hồ ly này đều có màu xanh lam tuyệt đẹp, chắc chắn là loài hồ ly quý hiếm, phải mấy trăm năm mới có một con.

Lão thợ săn nhấc chiếc lồng lên, dùng đầu ngón tay chọc mạnh vào bàn chân trước đang cố vươn ra để cầu cứu của tôi. Thấy tôi ấm ức rụt chân lại, lão ta khoái chí cười ha hả:

- Con hồ ly này trông nhỏ thế thôi nhưng nó còn hơn cả tuổi tôi đấy. Trong cả tộc hồ ly, chỉ những con có linh khí đặc biệt mới có thể tu luyện thành tinh. Con hồ ly này là một tuyệt phẩm, ngay từ khi ra đời đã mang trong mình linh khí, rồi đây, qua nhiều năm khổ công tu luyện, mắt và lông của nó sẽ ngày càng xanh hơn.

- Vậy vì sao thí chủ lại bắt được nó?

Tiểu Lạt Ma đứng lên, chắp tay vái lạy. Cậu ấy không thạo tiếng Mông Cổ nên phát âm rất lạ.

- Vì nó tu luyện chưa sâu nên mới mắc bẫy của tôi đó. -

Lão thợ săn lắc lư chiếc lồng sắt, cười đắc ý. – Tuy vậy, loài hồ ly vốn rất khôn ngoan, tôi phải mất rất nhiều công sức mới bắt được nó đấy. Tôi đã thức trắng nhiều đêm trên núi Côn Luân, nhẫn nại theo dõi suốt ba tháng trời, giăng không biết bao nhiêu bẫy mới bắt được con hồ ly này.

Tôi bị lão thợ săn lắc lư đến chóng hết cả mặt, đứng không vững, lảo đảo, ngã xuống, chân sau va vào thanh sắt đau điếng, tôi kêu gào thảm thương. Tiểu Lạt Ma thương xót tôi, vội giữ bàn tay đang đung đưa chiếc lồng của lão thợ săn lại, cất giọng lễ phép:

- Xin hỏi, thí chủ chuẩn bị đi đâu? Đường xa vất vả, chi bằng để bần tăng xách chiếc lồng này giúp ông.

Lão thợ săn khoát tay kiên quyết:

- Không cần đâu, tôi sắp đến nơi rồi. Thầy có nhìn thấy phủ Vương gia Khoát Đoan[4] ở phía trước kia không? Tôi sẽ tới đó.

- Thí chủ định làm gì với tiểu hồ ly này?

Lão thợ săn hồ hởi:

- Cậu cả Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi nhà Vương gia Khoát Đoan sắp bước sang tuổi hai mươi, tôi là thứ dân sinh sống trên đất phong của ngài ấy, tôi muốn dành con hồ ly này làm quà tặng dâng lên công tử Khởi Tất. Con hồ ly hàng trăm tuổi này rất quý hiếm, nước bọt của nó có thể chống sưng tấy, máu của nó có thể chữa lở loét, da của nó có thể làm thành loại áo khoác mà gươm đao không thể chọc thủng, dầm mưa không bị thấm ướt.

Cậu bé giật mình thảng thốt, gương mặt nhuốm vẻ thương cảm:

- Tiểu hồ ly này quý hiếm nhường vậy, thí chủ nỡ lòng nào lấy mạng nó?

- Tôi chẳng thể làm khác. Công tử Khởi Tất biết nó có nhiều tác dụng thần kỳ như vậy, từ lâu đã trông ngóng được mặc áo da hồ ly. Con trai tôi vừa báo tin tôi bắt được loài hồ ly quý hiếm, công tử đã lập tức cho mời thợ may đến, chỉ chờ tôi mang hồ ly về thôi.

Lão thợ săn vừa nói vừa bước đi. Mặc cho vết thương ở chân sau sưng tấy, nhức buốt, tôi ra sức tìm lối thoát, kêu la thảm thiết, cầu cứu tiểu Lạt Ma, lòng như lửa đốt.

- Thí chủ, xin mở lòng từ bi mà tha cho tiểu hồ ly này. Nó còn nhỏ như vậy, lại bị thương ở chân.

Tiểu Lạt Ma can đảm bước lên phía trước, dang rộng hai tay chặn lão thợ săn lại. Tuy thấp bé hơn lão thợ săn kia rất nhiều nhưng khí khái mạnh mẽ toát ra từ thần thái của cậu ấy khiến người đối diện không thể không cảm phục. Giọng cậu trầm ấm mà kiên định:

- Nếu công tử Khởi Tất trách phạt, tôi xin chịu mọi hình phạt!

- Tiểu sư phụ ơi, tôi vốn là người Tangut[5] (Đảng Hạng), từ nhỏ đã tín Phật. Nếu đây chỉ là một con hồ ly bình thường, tôi sẽ tặng cho thầy ngay, xem như làm từ thiện. Nhưng xin thầy hiểu cho, tôi có cái khó của mình.

Lão thợ săn khẽ thở dài, quay đầu ngó nghiêng xung quanh rồi mới hạ thấp giọng, thì thào:

- Hai mươi năm trước, nước Đại Hạ bị Mông Cổ tiêu diệt. Người Mông Cổ vô cùng căm hận vì chúng tôi đã chống trả ngoan cường, khiến cho Thiên Khả hãn[6] Thành Cát Tư Hãn của họ mắc bệnh rồi qua đời trên đường chinh phạt Đại Hạ. Mặc dù sau đó, Đại Hạ đã đầu hàng, nhưng họ không buông tha cho chúng tôi, họ đã tàn sát người Tangut[7]. Các con trai của tôi đã bị chết oan uổng như thế đó. Tôi chỉ còn cậu con út, nó mới mười bốn tuổi nhưng đã phải nhận lệnh theo đoàn quân ra trận, đi đánh nước Tống ở phía nam. Tôi không thể để giọt máu cuối cùng của mình đi nộp mạng, nên đã không quản nhọc nhằn lên núi Côn Luân đặt bẫy, chờ bắt cho được con hồ ly màu lam quý hiếm này. Ngài Khởi Tất đã hứa sẽ miễn cho con trai tôi không phải đi lính. Thầy thấy đấy, tôi không thể thả con hồ ly này được.

===========

[1] Lương Châu: nay là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

[2] Tên dân tộc thiểu số ở vùng cao nguyên Thanh Tạng, Trung Quốc. Vương quốc Thổ Phồn từng thống trị Tây Tạng vào thời nhà Đường ở Trung Nguyên. (Chú thích của dịch giả – DG)

[3] Người Tây Tạng phát âm hai chữ “Ô Tư” là “Veä” (Usu) nghĩa là “vệ”, do đó còn có tên là Vệ Tạng. “Ô Tư” nghĩa là “trung tâm”, “Tạng” nghĩa là “thanh tịnh”. Ô Tư Tạng có nghĩa là “trung tâm thanh tịnh”, cõi Phật thanh tịnh. Ô Tư Tạng là tên gọi mà nhà Nguyên đặt cho vùng đất Tây Tạng sau khi vương triều Thổ Phồn bị diệt vong. Trước thời nhà Thanh, vùng đất này được gọi là Vệ Tạng, sau mới đổi thành Tây Tạng.

[4] Khoát Đoan là con trai thứ hai của Oa Khoát Đài, tức là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (Oa Khoát Đài là con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn).

[5] Tangut: tên dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Trung Quốc. Nhà Tống gọi quốc gia của tộc người này là Tây Hạ, tuy nhiên quốc hiệu chính thức của quốc gia này là Đại Hạ. (DG)

[6] Khả hãn trong tiếng Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là người đứng đầu đế quốc. (DG)

[7] Mông Cổ tiêu diệt Tây Hạ vào năm 1227, khi ấy, Lương Châu thuộc lãnh thổ Tây Hạ.

Tiểu Lạt Ma sững sờ, hai hàng lông mày thanh tú nhíu lại. Cậu ngồi xuống, đưa tay vuốt ve chiếc mũi nhọn của tôi, trầm ngâm một lát rồi cất tiếng:

- Vậy bần tăng sẽ cùng thí chủ đến gặp ngài Khởi Tất.

Vừa bước vào Vương phủ, tôi đã thấy rất đông người đang tụ tập ở đó, mấy người đứng ở giữa cất giọng oang oang:

- Công tử, nay phụ thân ngài không có mặt ở Lương Châu, mọi chuyện lớn bé đều do ngài quyết định, xin ngài hãy xử lý thật công minh việc này.

Ngồi ở vị trí trang trọng nhất là một thanh niên vạm vỡ, lông mày rậm, dày, mắt to, khuôn mặt vuông vức. Anh ta mặc áo khoác da dài tay, cao cổ. Phần vạt áo, cổ tay, cổ áo đều được thêu viền lụa hình sóng mây cuồn cuộn. Chiếc áo được quấn một lớp da chồn xung quanh. Chàng thanh niên cất giọng sang sảng:

- Ai có oan uổng gì, hãy trình báo tao nghe!

Ai đó chen lên nói:

- Tối hôm qua, ba anh em chúng tôi đến thuê phòng tại một quán trọ. Tay phục vụ ở đó bảo rằng, phòng hạng sang giá ba mươi quan tiền một đêm. Thế là ba chúng tôi bỏ ra mỗi người mười quan tiền để đặt cọc. Hôm đó đúng ngày ông chủ nhà trọ vừa có thêm quý tử nên ông ta đã vui mừng giảm giá tiền phòng hạng sang xuống còn hai mươi lăm quan tiền một đêm. Ông chủ nhà trọ đưa cho tay phục vụ năm quan tiền, bảo hắn trả lại chúng tôi. Nhưng vì tham lam, hắn trả chúng tôi thiếu ba quan tiền. Sáng nay, tình cờ gặp chủ quán trọ, chúng tôi mới biết việc này. Ngay sau đó, chúng tôi đã đi tìm tay phục vụ, đòi hắn trả lại tiền.

Một người khác cũng chen lên, chỉ tay vào người đàn ông nhỏ thó đang quỳ khóc trên sân mà rằng:

- Nhưng tên tiểu nhị này lại bảo hắn chỉ đút túi có hai đồng. Sao lại như thế được?

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi chau mày:

- Có gì không đúng?

- Ba chúng tôi mỗi người bỏ ra mười quan tiền, tổng cộng là ba mươi quan tiền. Tiểu nhị trả cho chúng tôi mỗi người một đồng. Vậy có thể xem như chúng tôi đã trả hai mươi bảy đồng. Nhưng tiểu nhị lại bảo rằng hắn chỉ đút túi hai quan tiền. Hai mươi bảy cộng với hai bằng hai mươi chín. Vậy còn một quan tiền nữa đâu?

Đám đông cùng xòe tay ra nhẩm tính rồi gật gù phụ họa. Người trẻ nhất trong số ba anh em khách trọ kia cất giọng oang oang:

- Chắc chắn tên tiểu nhị tham lam này đã giấu nhẹm đi một quan tiền. Hắn cả gan giở trò xỏ lá với chúng tôi nên chúng tôi buộc phải đưa hắn đến đây để công tử giải quyết.

- Dạ thưa, oan uổng quá! Đúng là tiểu nhân không nên nảy lòng tham, bỏ vào túi mình tiền của ba vị, tiểu nhân xin được trả lại. Nhưng quả thật tiểu nhân chỉ lấy hai quan tiền, không phải ba.

Tên tiểu nhị nãy giờ quỳ mọp dưới đất, vừa ngẩng đầu kêu oan, lập tức bị ba người đàn ông kia đá túi bụi.

- Vậy ngươi nói đi, bọn ta bỏ ra hai mươi bảy quan tiền, cộng với hai quan tiền ngươi lén bỏ túi, có phải là hai mươi chín quan tiền không hả?

Đám đông đồng loạt phụ họa:

- Đúng rồi, thiếu mất một quan tiền.

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi nghiêm mặt, nói:

- Này tiểu nhị, người Mông Cổ chúng ta rất ghét sự dối trá, ngươi hãy ngoan ngoãn nhận tội, nếu không, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc đấy.

- Tiểu nhị không nói dối.

Giọng nói khàn khàn của cậu thiếu niên đang trong giai đoạn vỡ tiếng vang lên, tiểu Lạt Ma lách người qua đám đông, vẻ mặt điềm tĩnh, thần thái an nhiên. Sự tự tin, bình thản toát ra từ dáng vóc và bước đi khoan thai, khí khái bất phàm cộng với vẻ già dặn không tương xứng với tuổi tác phản chiếu từ gương mặt khôi ngô, tuấn tú khiến đám đông bỗng nín lặng, ai nấy đều sững sờ, sau đó chăm chú quan sát.

- Số tiền không hề thiếu, chỉ tại cách tính của ba vị thí chủ này không đúng.

Tiểu Lạt Ma vái chào Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi, sau đó quay lại hỏi ba người khách trọ:

- Ba vị đặt cọc tổng cộng ba mươi quan tiền, chủ quán trả lại năm quan tiền, tức là tiền phòng chỉ còn hai mươi lăm quan tiền, đúng không?

Ba người kia gật đầu.

Tiểu Lạt Ma bình tĩnh nói tiếp:

- Trong số năm quan tiền đó, tiểu nhị giữ lại hai quan tiền, vậy còn ba quan tiền, đúng không?

Ba người kia lại gật đầu.

- Ba quan tiền này, tiểu nhị đã trả lại cho ba thí chủ, đúng không?

Ba người khách tiếp tục gật đầu.

Tiểu Lạt Ma dõng dạc kết luận:

- Vậy thì hai mươi lăm quan tiền ba vị đã trả, cộng với hai quan tiền tiểu nhị bỏ túi riêng và ba quan tiền tiểu nhị đã trả cho các vị, có phải tổng bằng ba mươi quan tiền không?

Ba người đàn ông gật đầu lia lịa theo quán tính. Tiểu Lạt Ma mỉm cười hồn hậu rồi quay lại, chắp tay vái Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi:

- Tiểu nhị chỉ cần trả lại ba vị kia hai quan tiền và nói lời xin lỗi thì việc này coi như đã giải quyết xong. Công tử thấy sao?

Khởi Tất vỗ tay tán thưởng, bật cười ha hả:

- Tuyệt vời! Chuyện có gì to tát đâu mà phải làm ầm ĩ chứ!

Ba người kia vẫn ngẩn ngơ không hiểu, vò đầu bứt tai, thắc mắc:

- Rõ ràng là hai mươi bảy cộng với hai kia mà, sao tiểu Lạt Ma này lại lôi ra được một quan tiền nữa nhỉ?

Tiểu Lạt Ma khiêm cung vái ba người đàn ông:

- Nếu giải thích theo thuyết Nhân minh học[1] trong Phật giáo thì cách tính của ba vị là cộng chi phí mà mình bỏ ra chứ không phải cộng phần mình được trả và người khác được trả. Nhân minh học gọi đây là thủ thuật “thay xà đổi cột”.

Ba người đàn ông lắng nghe giải thích mà đầu óc mụ mị, choáng váng, ngước nhìn tiểu Lạt Ma bằng ánh mắt thán phục. Tiếng vỗ tay tán thưởng rộ khắp Vương phủ, tiểu Lạt Ma bỗng đỏ mặt, nước da ngăm đen chuyển màu sẫm đỏ, đôi mắt to, đen láy và trong suốt như thủy tinh như có ma lực kỳ lạ cuốn hút người khác. Thật không ngờ, một người điềm tĩnh như tiểu Lạt Ma cũng có lúc bẽn lẽn đáng yêu nhường vậy.

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi rời khỏi ghế ngồi, bước đến trước mặt tiểu Lạt Ma, ngắm nhìn một hồi:

- Tiểu sư phụ là…

Tiểu Lạt Ma điềm tĩnh chắp hai tay vái Khởi Tất, tiếng Mông Cổ tuy không được lưu loát nhưng từng câu từng từ rất mạch lạc:

- Bần tăng là Sa di thuộc giáo phái Sakya ở Tufan, tên gọi Lạc Truy Kiên Tán, theo người bác ruột là đại sư Ban Trí Đạt lặn lội đường xa từ Wusi, ròng rã hai năm trời mới đến được Lương Châu. Bác bần tăng hiện ở nhà trọ chờ cha của công tử, Vương gia Khoát Đoan, về Lương Châu để gặp mặt.

Khởi Tất ôm chầm lấy vai tiểu Lạt Ma, bật cười hoan hỉ:

- Thì ra tiểu sư phụ chính là thần đồng Bát Tư Ba! Chẳng trách tuổi nhỏ mà thông minh trác tuyệt như vậy. Người dân Lương Châu không ai không biết đến danh tiếng của thầy. Nghe nói, ba tuổi thầy đã thuộc lòng phép tu của cuốn kinh Diệu pháp liên hoa, tám tuổi thuộc kinh Phật bản sinh. Ít người biết tên thật của thầy, nhưng không ai ở đất Wusi là không biết tiểu Lạt Ma Bát Tư Ba. Trong tiếng Tây Tạng, Bát Tư Ba có nghĩa là “vị thánh”, đúng vậy không?

Tôi ngỡ ngàng đến nỗi quên cả đau, ngẩn ngơ ngắm nhìn tiểu Lạt Ma khôi ngô, tuấn tú trước mặt. Cậu ấy là Bát Tư Ba ư? Cậu ấy là cậu bé mà tôi đã gặp ba năm về trước?…

r

Chàng trai trẻ vỗ tay kinh ngạc:

- Tiểu Lạt Ma đó là Bát Tư Ba?

Tôi cũng ngạc nhiên không kém:

- Cậu biết người đó ư?

- Tôi từng đến huyện Sakya ở Shigatse và đến thăm ngôi đền Sakya nên có biết sơ sơ. – Chàng trai gật đầu, rồi quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt tiếc nuối. – Nhưng Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều chi phái, quá ư phức tạp, tôi chẳng thể biết hết. Tôi chỉ biết Bát Tư Ba là quốc sư của triều đại Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, là người đã phát minh ra văn tự Mông Cổ mà người ta đặt tên là chữ Bát Tư Ba. Giáo phái Sakya trở thành một trong những giáo phái Phật giáo lớn mạnh nhất Tây Tạng đều nhờ công lao gây dựng của vị đại sư ấy. Bởi vậy, giáo phái này tôn sùng Bát Tư Ba như là một trong năm vị sư tổ.

Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, tưởng như lại được nhìn thấy bóng dáng chiếc áo tăng ni sẫm đỏ thấp thoáng đâu đây, mắt bỗng ướt nhòe, miệng thì thầm:

- Đúng vậy, Bát Tư Ba là một người vĩ đại, một bông tuyết liên thánh khiết mọc trên cao nguyên Thanh Tạng…

Tôi quay lại, mỉm cười với chàng trai trẻ, thở than:

- Những hiểu biết của cậu về vị đại sư này khá nhiều đó. Ngài là người Tạng, lại trở thành triều thần của nhà Nguyên, Mông Cổ, ngài hầu như không có mối quan hệ nào với người Hán. Bởi vậy, người Hán thời nay ít người biết đến ngài và thời đại của ngài.

Chàng trai bật cười, chìa tay về phía lò lửa để sưởi ấm:

- Câu chuyện mới bắt đầu đã thấy hấp dẫn rồi. Không ngờ một tiểu hồ ly lại có thể tham gia vào các sự kiện lịch sử. Tôi cảm thấy rất thích thú, vậy là tôi sắp được bổ túc vốn kiến thức về thời kỳ lịch sử xa lạ đó rồi.

Tôi gật đầu, tiếp tục câu chuyện.

==========

[1] Học thuyết Nhân minh hay còn gọi là logic học Phật giáo. Phật giáo Tây Tạng đặc biệt coi trọng học thuyết này, cũng chính là coi trọng khả năng biện luận.

/64

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status