Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 24: Hôn lễ thứ hai

/64


“Khảo nghiệm để biết kiến thức nông sâu;

Đánh trống để đo âm sắc hay dở.”

(Cách ngôn Sakya)

- Nhà trai đến!

Trên gò đất trống ở ngoại thành Yên Kinh, người ta dựng một chiếc lều trắng. Đang là mùa đông nên cỏ hoa khô héo, nhưng những lá cờ màu sắc sặc sỡ, chăng kết rợp trời đã mang lại chút không khí vui tươi, ấm cúng giữa khung trời ảm đạm. Vì hôn lễ được tổ chức ở Yên Kinh nên Tsirenja cho dựng lều trại này để làm nơi đón dâu.

Đoàn đón dâu chầm chầm tiến vào, nổi bật nhất tất nhiên là chàng trai dắt ngựa cái đang mang thai, đi ở giữa hàng – chú rể Kháp Na. Cậu ấy khoác chiếc áo kiểu Mông Cổ màu đỏ rực rỡ, thêu kim tuyến lấp lánh, trước ngực là chiếc hộp hình tượng Phật, vốn là báu vật "bất ly thân", giắt bảo đao bên hông, chân mang ủng thêu hoa văn tinh xảo. Ngày thường, dung mạo cậu ấy đã rất quyến rũ, hôm nay được trang điểm, lại càng khiến các cô gái tan nát cõi lòng. Cậu ấy đeo bông tai màu xanh kiểu Thổ Nhĩ Kỳ rất dài bên tai trái, mái tóc đen bóng được tết thành những lọn nhỏ, vắt trước ngực, trên tóc điểm xuyết những chuỗi hổ phách và san hô lóng lánh. Tất cả những trang sức quý phái đó kết hợp với thân hình cao lớn, dáng vẻ đạo mạo, gương mặt tuấn tú, càng tôn thêm vẻ điển trai, quyến rũ chết người của cậu ấy.

Nhưng Kháp Na cứ đờ đẫn như khúc gỗ, nét mặt lộ vẻ u buồn, cậu ấy chẳng bận tâm đến ánh mắt mê mệt của các thiếu nữ bám theo mình dọc đường đi.

Khi đoàn nhà trai đến trước cửa lều thì nhà gái đang làm lễ khấn vái thần Phật. Dankhag mặc áo cưới rực rỡ, ngọc ngà châu báu đính khắp người, đầu đội “ba châu” nặng trịch, được thị nữ đỡ ra bên ngoài. “Ba châu” vốn là kiểu tóc giả được bện thành một chiếc chạc hình tam giác, gắn lên đỉnh đầu, bên trên đính trang sức vàng bạc, châu báu, san hô, đá quý đủ loại. Phục sức ấy khiến Dankhag đi lại khó khăn, vì phải đèo bòng cả một cơ thể trĩu nặng của nả, leng keng leng keng, thương tháy chiếc cổ chừng như cũng bị đám trang sức làm cho ngắn lại của cô ấy.

Gương mặt của Dankhag được trát phấn và tô son quá đậm, Kháp Na chỉ liếc cô ấy một cái rồi lập tức quay đi. Dankhag thì ngược lại, ngây ra ngắm nhìn chú rể đẹp trai của mình, quên hết mọi lễ nghi, phép tắc khiến những người xung quanh cứ tủm tỉm cười mãi. Bà mối hướng dẫn Kháp Na gài một mũi tên làm bằng vải màu sặc sỡ, với ý nghĩa tượng trưng rằng từ nay cô dâu sẽ thuộc về nhà trai. Tiếp theo, bà mối đặt vào tay Kháp Na một viên đá ngọc, cậu ấy tỏ ra do dự. Bà mối phải thúc giục nhiều lần và Bát Tư Ba phải đưa mắt ra hiệu, Kháp Na mới miễn cưỡng đặt viên ngọc đó lên đỉnh đầu cô dâu.

Về sau tôi mới biết, trong tục lệ cưới hỏi của người Tạng, viên đá ngọc ấy được gọi là viên ngọc linh hồn, đặt lên đỉnh đầu cô dâu, tượng trưng cho việc từ nay, linh hồn của chú rể sẽ được gửi gắm cho cô dâu.

Thị vệ thân cận của Tsirenja đóng giả làm anh trai Dankhag, cõng cô dâu ra khỏi lều trại, đặt lên lưng con ngựa cái đang mang thai mà Kháp Na dắt đến. Lúc này, tiếng khèn, tiếng kèn Xô na mới đồng loạt vang lên rộn rã, cô dâu cùng các thị nữ bật khóc thảm thiết. Chỉ là nghi thức khóc giả, Dankhag chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào vì cô ấy còn mải liếc nhìn Kháp Na qua khẽ tay.

Đoàn rước dâu khởi hành về nội thành Yên Kinh. Cứ cách một đoạn lại có đại diện của họ nhà trai đứng đón để dâng rượu và tặng khăn Ha đa cho đoàn rước. Theo tập tục truyền thống của người Tạng, số chặng đón trên đường của nhà trai càng nhiều, càng tỏ rõ sự trọng vọng đối với nhà gái. Bát Tư Ba đã bố trí tổng cộng tám chặng đón, đó là vinh dự lớn lao xưa nay chưa từng có dành cho nhà gái. Gương mặt bự phấn son của Dankhag không che giấu nổi vẻ dương dương tự đắc.

Phủ Bạch Lan Vương được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt đủ màu sắc giăng mắc rợp trời. Người ta dùng vôi trắng vẻ tranh bát bảo cát tường trước cổng chính của Vương phủ. Cô dâu được đỡ xuống ngựa, Rinchen khoác áo tăng ni, vừa tụng kinh vừa cầm một cành hoàng bách đã tẩm rượu, vẩy vài hạt lên đầu cô dâu. Cô dâu giẫm chân lên lớp hạt lúa mì thanh khoa và lá trà rắc đều trên mặt đất rồi được nhà trai long trọng đón vào phủ.

Kháp Na và Dankhag ngồi xếp bằng trên một chiếc giường lớn đặt giữa phòng khách, Tsirenja và Bát Tư Ba đứng hai bên. Viên đại thần người Hán – Diêu Khu – được mời làm chứng nhân, bắt đầu tuyên đọc hôn ước. Phần đầu là những lời răn vợ chồng phải yêu thương, kính trọng lẫn nhau và hiếu kính với bề trên, v.v… Phần sau là chuyện kế thừa sản nghiệp, đây mới là nội dung quan trọng nhất của hôn ước.

Theo bản hôn ước này thì sau khi cha mẹ qua đời, cô dâu sẽ là người thừa kế toàn bộ ruộng đất, điền trang, sai ba [1], đôi cùng [2]. Đổi lại, nhà trai phải cam kết rằng nếu cô dâu sinh con trai thì người con này sẽ được hưởng quyền thừa kế.

Đó là cuộc trao đổi lợi ích giữa hai gia tộc lớn.

Sau khi đọc xong, Diêu Khu đóng ngọc ấn của hai dòng tộc lên hôn ước, trịnh trọng trao cho cha cô dâu là Tsirenja và người đại diện cho họ nhà trai là Bát Tư Ba. Tsirenja và Bát Tư Ba cùng trải khăn Ha đa để cảm tạ người làm chứng Diêu Khu. Tiệc cưới chính thức bắt đầu khi Hốt Tất Liệt cùng các thành viên hoàng tộc xuất hiện tại Vương phủ.

Màn đêm buông xuống, phủ Bạch Lan Vương đèn hoa rực rỡ, không khí vô cùng náo nhiệt. Những con dê quay vàng bóng trên đống lửa giữa sân phủ, hương rượu thơm nồng lan tỏa trong không gian, âm nhạc rộn ràng không dứt. Sự có mặt của Hốt Tất Liệt mang lại vinh dự lớn lao không sao kể siết cho hôn lễ này nhưng ít nhiều cũng khiến bầu không khí trở nên nghiêm trang, gò bó. Mấy người con trai của Nhà vua đã chủ động đứng lên khuấy động, làm cho bầu không khí trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Họ cùng những người giỏi ca múa khác vừa nhảy điệu Gouzhuang vừa hát hò sôi động. Xen giữa yến tiệc linh đình là tiếng cười hân hoan không ngớt.

Biết tin đại gia đình Hốt Tất Liệt cùng đến dự tiệc cưới, rất nhiều vương công, quý tộc đã đưa các thiên kim tiểu thư tới ra mắt với hy vọng lá ngọc cành vàng của nhà mình sẽ lọt vào mắt xanh của các hoàng tử. Trong số đó, người được mong chờ nhất tất nhiên là Chân Kim.

Tuy không điển trai bằng Kháp Na, nhưng Chân Kim lại cao lớn, lực lưỡng, oai phong, lẫm liệt, khí phách ngời ngời. Thêm vào đó, cậu ta lại là con cưng của Hốt Tất Liệt, có mẹ là người vợ được sủng ái rất mực của Đại hãn. Tuy người Mông Cổ không có truyền thống lập thái tử, và vị vua tiếp theo sẽ được bầu chọn từ hội nghị Kurultai nhưng Hốt Tất Liệt là người đam mê văn hóa Hán, biết đâu một ngày nào đó, nhà vua lại chẳng học theo tục lệ của người Hán. Khi ấy, vị trí thái tử chắc chắn sẽ là của Chân Kim. Bởi vậy, những người muốn leo lên cây đại thụ Chân Kim nhiều không kể xiết.

Nhưng viện cớ bị cảm lạnh, Chân Kim chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh Hốt Tất Liệt, vẻ mặt thẫn thờ, đáp lễ chiếu lệ với những người đến chúc rượu, hoàn toàn không để tâm đến những oanh yến lả lướt vây quanh mình, gương mặt của cậu ta vẽ lên những chữ rõ ràng: “Ta đang buồn, đừng làm phiền ta!”

Tôi chẳng hơi sức đâu mà để ý Chân Kim vì người khiến tôi lo lắng nhất lúc này là Kháp Na. Cậu ấy uống cạn rượu mời của tất cả mọi người. Chỉ trong chốc lát, hai má đã đỏ bừng, bước đi loạng choạng. Hơi men khiến cậu ấy hoạt bát hơn, khóe môi dần hé mở, nụ cười nhạt nhòa, chén nọ tiếp chén kia, uống cạn.

Tôi sốt ruột, muốn can ngăn cậu ấy nhưng khổ một nỗi, chẳng có lúc nào chỉ có mình cậu ấy cả. Đang lúc phiền não thì tôi nhận được tín hiệu của Khabi.

- Khabi, cô tìm tôi phải không?

=========

[1] Sai ba: một kiểu nông nô, nhận hạt giống và ruộng đất từ chủ nô và phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch. Họ chỉ có đất thuê chứ không có đất sở hữu. (DG)

[2] Đôi cùng (hay Dugong): Nghĩa là hộ nhỏ, chủ yếu là giai cấp được hình thành sau khi sai ba phá sản. Địa vị xã hội của họ còn thấp hơn cả sai ba và phải chịu khổ cực hơn sai ba. (DG)

Tôi lẻn vào căn phòng được chuẩn bị sẵn cho Hoàng hậu nghỉ ngơi, thấy xung quanh không có ai, biết rằng Khabi có điều gì muốn nói với tôi. Chẳng ngờ, nhanh như chớp, cô ấy túm cổ tôi nhấc bổng lên.

- Ta đã nhắc nhở cô bao nhiêu lần là không được động đến Chân Kim rồi kia mà! – Cô ấy cau mày, trừng mắt nhìn tôi. – Tối qua nó như hóa điên, ra lệnh cho tất cả người hầu trong phủ đến từng nhà dân tìm kiếm một mỹ nữ tuyệt sắc, tóc xanh, mắt xanh và có tật ở chân. Nếu như ta không ngăn cản sớm, chắc nó đã lật tung cả cái thành Yên Kinh này lên rồi. Nó vốn là đứa ham vui, nhưng cô nhìn xem, lúc này nó như thể biến thành người khác vậy, chẳng thèm để ý đến ai. Trên đời này chỉ mình ta biết, người nó muốn tìm là cô, nhưng nếu cô không biến thành người thì nó sẽ mãi mãi không bao giờ tìm thấy.

Cổ bị siết chặt tưởng chừng không thở nổi, tôi gắng giãy giụa:

- Tôi có động vào cậu ấy đâu, tại cậu ấy đi nhầm phòng ở quán rượu nên chạm mặt tôi đấy chứ. Cô cứ bỏ tôi xuống đã, tôi sắp không thở nổi rồi!

- Tuy cô không cố ý nhưng thằng nhóc ấy đã phải lòng cô! Hôm nay nó đã giấu ta, lén cho người tìm kiếm cả ngày trời trong thành Yên Kinh, còn trói tay chủ quán rượu đó lại, giải đi khắp nơi tìm một chàng trai trẻ tuổi khôi ngô, tuấn tú.

Khabi hung hăng ném tôi xuống đất, hai tay chống nạnh, hằn học hỏi tội tôi:

- Đêm Nguyên tiêu, Bát Tư Ba tháp tùng Đại hãn và ta trên lầu hoa đăng, vậy thì chàng trai khôi ngô, tuấn tú đó là Kháp Na phải không?

Tôi gật đầu, lo lắng:

- Cô tuyệt đối không được để tay chủ quán đó gặp Kháp Na.

Tuy tối đó Kháp Na đã hóa trang với bộ râu giả nhưng tốt hơn hết vẫn không nên để hai người đó gặp nhau.

Khabi hầm hè:

- Ta thừa hiểu điều đó nên đã mắng cho Chân Kim một trận và buộc nó phải thả tay chủ quán kia ra. Ngày mai ta sẽ sai người đưa cho hắn ít tiền rồi kêu hắn rời khỏi thành Yên Kinh.

Tôi hiểu tấm lòng thương yêu và lo lắng cho con của Khabi nên lựa lời động viên:

- Cô đừng quá lo, cùng lắm cũng chỉ vài bữa, không tìm thấy tôi, chắc chắn cậu ấy sẽ từ bỏ ý định.

- Nếu cô có tình cảm với nó thì ra cũng chẳng nề hà gì việc cô trở thành con dâu ta. Nhưng ta biết rõ trong lòng cô chỉ có vị Lạt Ma áo đỏ kia, và dù thế nào đi nữa, con tim si tình mê muội của cô cũng không bao giờ thay đổi.

Khabi trở nên khó chịu, giọng nói ngày một lạnh lùng và sắc như lưỡi dao:

- Ta đã nói rồi mà, Chân Kim chẳng thể cưỡng lại sức hấp dẫn chết người của nàng hồ ly là cô đâu. Cô khiến con tim nó rung động, và bây giờ cô bỏ mặc nó, cô bảo người làm mẹ như ta phải xử trí sao đây?

Lời nói châm chọc của Khabi khiến tôi tức tối, tôi quay đầu bỏ đi:

- Tôi có quyến rũ cậu ấy đâu. Tôi không ngờ lại đụng phải cậu ấy, và càng không thể tin nổi chỉ nói với nhau có vài câu mà cậu ấy đã động lòng như vậy. Tôi hứa không bao giờ để cậu ấy thấy hình dáng con người của mình, cô còn muốn gì nữa?

Lại một lần nữa bị túm cổ nhấc lên, tôi bị Khabi kéo giật lại khi đã bước ra đến cửa:

- Tiểu Lam à, ta biết chuyện này không thể trách cô được, chỉ vì ta quá bực tức nên mới như vậy.

Cô ấy điềm đạm hơn và lấy lại phong thái lịch lãm, quý phái thường thấy:

- Hốt Tất Liệt đã chọn Công chúa Khoát Khoát Chân của bộ tộc Hoằng Cát Thích làm vợ của Chân Kim. Hoằng Cát Thích là một trong những bộ lạc Mông Cổ lớn nhất ở miền Bắc, Hốt Tất Liệt muốn liên minh với bộ lạc này để chống lại A Lý Bất Ca. Nếu kết hôn với công chúa của Hoằng Cát Thích, tiền đồ của Chân Kim sẽ ngày càng rộng mở. Hốt Tất Liệt còn dự định, sau lễ cưới sẽ đưa nó đến trung thư tỉnh để học hỏi và rèn luyện. Trung thư tỉnh là trung khu hành chính Hốt Tất Liệt mới lập ra, điều này cho thấy Đại hãn đã chuẩn bị để trao trọng trách cho Chân Kim. Vào thời điểm hết sức quan trọng này, ta không muốn Chân Kim vì cô mà từ chối cuộc hôn nhân rất có lợi cho nó.

Dường như Khabi đang rất xúc động, nhìn xa xăm, khóe môi uốn cong tuyệt đẹp, vẻ mặt hiền hậu, dịu dàng:

- Cô biết không, điều mong ước lớn nhất của ta là ngày nào đó được thấy Chân Kim khoác hoàng bào, ngự trên ngai cao.

Tôi thở dài, cào móng vào cánh tay nuột nà, ngọc ngà của cô ấy:

- Cô đừng lo, những năm qua sống chung với con người, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Chính vì Chân Kim là hoàng tử được Đại hãn yêu thương nhất nên cuộc hôn nhân của cậu ấy chắc chắn không thể do cậu ấy tự quyết định. Và ngày sau, để có thể lôi kéo các thế lực khác ủng hộ mình, cậu ấy còn phải tiếp tục kết hôn với nhiều người phụ nữ nữa.

Tôi ngừng lại một lát, buồn bã ngước nhìn gương mặt uy quyền tôn quý của bậc mẫu nghi thiên hạ, khẽ thở dài:

- Khabi, vì muốn có quyền lực và vinh hoa phú quý, cô sẵn sàng chấp nhận việc Hốt Tất Liệt có những người phụ nữ khác, nhưng tôi vừa mới được làm người, tôi không thể giương mắt nhìn người mình yêu đầu gối tay ấp với người phụ nữ khác. Vậy nên tôi tuyệt đối không chọn Chân Kim.

Khabi khẽ rướn đôi mày lá răm, vẻ mặt buồn buồn:

- Tiểu Lam à, về điểm này thì cô kiên định hơn ta rất nhiều. Ta không biết cô làm vậy là tốt hay không. Ta chỉ có thể nói rằng, Chân Kim thật sự không hợp với cô.

Sau khi rời khỏi căn phòng của Khabi, tôi định bụng đi tìm Bát Tư Ba, chỉ có cậu ấy mới khuyên can được Kháp Na. Mới bước được vài bước về phía phòng khách, chợt tôi nghe tiếng Bát Tư Ba vọng ra từ căn phòng bên chái nhà.

- Tam đệ, mượn rượu phát ngôn bừa bãi trước mặt mọi người như thế, đệ không sợ sẽ làm mất mặt giáo phái hay sao?

Giọng nói đầy giận dữ, tôi giật mình, phi đến trước cửa phòng và niệm chú lẻn vào trong.

Đầu tóc rối bù, hơi men nồng nặc, ngực áo vẫn còn dính đầy dấu vết của trận nôn mửa, Yeshe chỉ tay vào Bát Tư Ba, đay nghiến:

- Tôi nói sai à? Nếu huynh không phá đám thì người khoác áo chú rể hôm nay là tôi! Kháp Na cưới công chúa Mông Cổ còn chưa đủ à, cái gì huynh cũng muốn nó được hưởng. Tôi thì sao? Không quyền lực, không tài sản, tôi chẳng khác gì một con chó vô tích sự ở Sakya!

Rinchen kéo tay Yeshe, lựa lời khuyên nhủ:

- Tam đệ, không được ăn nói hàm hồ! Đệ say rồi, để ta đưa đệ về nghỉ!

Yeshe quay đầu, trừng mắt nhìn Rinchen:

- Tất cả các người đều muốn lấy lòng anh ta! Anh ta được làm pháp vương phái Sakya chẳng qua vì anh ta là con trưởng do người vợ cả sinh ra. Anh hai, kiến thức Phật pháp của huynh chẳng kém gì anh ta, nhưng chỉ vì sinh sau anh ta ba tháng nên huynh chẳng được gì cả. Đến nay, huynh vẫn phải sống dựa vào anh ta, huynh không thấy bất bình hay sao?

Rinchen nhìn Bát Tư Ba bối rối:

- Đại ca, đây là những lời nói hàm hồ của tam đệ lúc say rượu, đệ chưa bao giờ nghĩ như vậy.

Bát Tư Ba gật đầu:

- Ta biết đệ là người hiền lành, chất phác. Mau gọi thêm vài người đưa đệ ấy về phủ Quốc sư đi. Đại hãn vẫn còn ở đây, đừng để ngài ấy chê cười chúng ta.

Rinchen muốn kéo Yeshe đi nhưng Yeshe vốn lực lưỡng hơn cậu rất nhiều nên Rinchen không sao khiến cậu ta nhúc nhích được. Yeshe kéo áo Rinchen, bật cười ha ha:

- Nếu năm xưa mẹ huynh hạ độc giết chết mẹ anh ta thì Kháp Na sẽ không ra đời, và tôi sẽ là con trai út của phái Sakya. Nếu thế, người cưới công chúa Mông Cổ và con gái của vạn hộ hầu sẽ là tôi đây. Ha ha!

Bát Tư Ba bị kích động nghiêm trọng. Trước khi Kháp Na ra đời, mẹ Rinchen nuôi dã tâm hãm hại mẹ Bát Tư Ba nhưng do nhầm lẫn, người bị đầu độc lại là cha cậu ấy. Đây là bí mật của gia tộc, không ai được phép nhắc đến, vậy mà Yeshe dám ngang nhiên gào lên như vậy. Bát Tư Ba bước đến, giáng cho Yeshe một bạt tai:

- Còn mẹ của cậu thì sao? Có phải năm xưa cũng ủ mưu thâm độc, muốn xô Kháp Na lúc ấy còn chưa đầy bốn tuổi xuống cầu thang, để cậu trở thành con út của phái Sakya? Nếu mẹ ta không dùng mạng sống của mình để đổi lấy tính mạng của Kháp Na thì gian kế của mẹ cậu và cậu đã được thực hiện rồi phải không?

Tôi bàng hoàng, chưa bao giờ tôi thấy cậu ấy mất bình tĩnh đến thế. Khuôn ngực phập phồng dữ dội, những đường gân dữ dằn nổi rần rật trên nắm đấm chắc nịch, tia mắt vằn đỏ. Một người vốn điềm đạm, chừng mực, khoan hòa là thế, vậy mà giờ đây đang bị kích động, nổi trận lôi đình, sự uy nghiêm bất khả xâm phạm toát ra từ cậu ấy khiến người khác nghẹt thở.

Trên mặt của Yeshe in rõ hình năm ngón tay, nửa mặt sưng vù, cậu ta bị tát cho tỉnh táo, ánh mắt căm phẫn, bất mãn. Cậu ta nắm chặt tay, ôm mặt, hầm hè phản bác:

- Chuyện này chẳng có chứng cứ gì hết, huynh đừng hòng vu khống mẹ tôi!

Bát Tư Ba nhìn cậu ta bằng vẻ lạnh lùng, khinh bỉ:

- Ta có vu khống hay không, trong lòng dì năm rõ nhất. Phật Tổ trên cao thấu tỏ mọi sự, gieo nhân nào gặt quả đấy, ác giả ác báo. Cho dù bà ấy thoát được sự trừng phạt ở kiếp này nhưng địa ngục Vô gián sẽ chờ đợi bà ấy ở kiếp sau.

Bỗng có tiếng kẹt cửa, Kháp Na hốt hoảng bước vào:

- Đại ca, đệ tìm huynh khắp nơi. Đại hãn chuẩn bị hồi cung, huynh mau đến tiễn ngài đi.

Bát Tư Ba gật đầu với Kháp Na rồi quay sang lạnh lùng nhìn Yeshe, giọng nói phẳng lặng như mặt hồ lúc lặng gió nhưng chất chứa sự quyết đoán không thể kháng cự:

- Ngày mai đệ hãy về Sakya.

Yeshe khẽ lắc đầu quầy quậy, ánh mắt lộ vẻ hoang mang, gào lên như điên dại:

- Tôi không về! Vì sao tôi phải coi mình như miếng giẻ rách, các người thích ném đi đâu thì ném?

Bát Tư Ba chẳng buồn để tâm đến cậu ta, cất bước rời khỏi đó. Kháp Na cũng đi theo, nhưng vừa bước qua bậc cửa, cậu ấy chợt ngừng lại, buồn bã nhìn Yeshe:

- Anh ba, nếu như có thể, đệ mong được hoán đổi vị trí với huynh, để huynh được cưới Mukaton và Dankhag. Nếu không gánh trên vai trọng trách của người con út, đệ sẽ được sống những ngày tháng tự do tự tại mà đệ hằng khao khát, chứ không phải giam mình trong chiếc lồng son, no cơm ấm cật, sống ngày nào biết ngày đó như thế này!

~.~.~.~.~.~

- Sau khi Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế, Bát Tư Ba đã tận dụng sức ảnh hưởng của cậu ấy với Hốt Tất Liệt để tham dự chuyện chính sự. Và thế cậu ấy trở nên năng nổ hơn trên vũ đài chính trị. – Tôi trầm ngâm nhớ lại. – Năm 1261, mặc dù lúc đó Hốt Tất Liệt vẫn đang trong cuộc chiến với A Lý Bất Ca, Bát Tư Ba vẫn mượn uy danh của Hốt Tất Liệt để thực hiện một kế hoạch mà đối với Tây Tạng là vô cùng quan trọng: khôi phục chế độ trạm nghỉ từ thời vương triều Tufan.

- Không biết tôi nói thế này cô có phật ý không. – Chàng trai trẻ chần chừ giây lát, gắng lựa chọn từ ngữ. – Không thể phủ nhận Bát Tư Ba là một lãnh tụ tôn giáo vĩ đại nhưng trong cảm nhận của tôi, đôi lúc ngài ấy giống như một chính khách hơn là một đại sư.

Tôi mỉm cười:

- Đúng vậy! Bát Tư Ba xem xét nhiều vấn đề ở khía cạnh chính trị, chứ không đơn thuần chỉ là mục đích tôn giáo. Ví như việc khôi phục chế độ trạm nghỉ chẳng hạn, đó là nhằm mục đích thống nhất Tây Tạng.

Cao nguyên Thanh Tạng đất rộng, người thưa, khí hậu khắc nghiệt, giao thông trắc trở. Bất luận là vương triều của người Tạng hay các vương triều phong kiến Trung Nguyên, nếu muốn kiểm soát đất Tạng, nhất thiết phải thiết lập hệ thống trạm nghỉ quy củ, nghiêm ngặt và hiệu quả để đảm bảo việc truyền đạt thông tin, duy trì giao thông, tiếp đón người đưa tin và đảm bảo công tác hậu cần, cung cấp lương thực, vật dụng cho quân đội. Vương triều Tufan khi xưa đã xây dựng một hệ thống trạm nghỉ quy củ như thế, phía đông bắc tiếp nối với trạm nghỉ của nhà Đường, phía tây bắc kéo dài đến Đôn Hoàng và An Tây tứ trấn. Tiếc thay, sau khi vương triều này sụp đổ thì hệ thống trạm nghỉ cũng theo đó trở nên hoang phế.

Chàng trai trẻ vỗ tay tán thưởng:

- Bát Tư Ba quả là người có tầm nhìn xa trông rộng, ngài đã nhìn nhận ra vấn đề này: muốn thống nhất Tây Tạng, phải thiết lập kênh trao đổi thông tin hiệu quả.

Trong năm đó, viên quan tên gọi Đạt Môn đã mang theo chiếu thư của Hốt Tất Liệt và pháp chỉ của Bát Tư Ba đến đất Tạng, bắt đầu công cuộc xây dựng hệ thống trạm nghỉ. Trên đường đi, viên quan này đã triệu tập dân chúng, phân phát quà tặng, tuyên đọc chiếu thư và pháp chỉ, lập ra bảy trạm nghỉ lớn trên trục đường Thanh Hải – Cam Túc – Tây Tạng, chín trạm nghỉ trên cung đường Tứ Xuyên và Xương Đô căn cứ vào điều kiện đường sá và sản vật của từng địa phương. Riêng ở Tây Tạng đã có đến mười một trạm nghỉ nhỏ. Các trạm nghỉ được phân bố đều đến tận vùng Sakya xa xôi.

Tôi hoan hỷ kết luận:

- Sau khi hệ thống trạm nghi được thiết lập, chính quyền trung ương đã kiểm soát được Tây Tạng chặt chẽ hơn. Có một số trạm nghỉ vẫn phát huy tác dụng cho đến tận cuối thời nhà Thanh.


/64

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status