Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 8: Nói tiếng người

/64


“Biển cả chẳng phiền khi đầy nước,

Kho báu chẳng chật lúc nhiều vàng;

Người phàm ai than thừa hạnh phúc,

Học giả ai hiềm tri thức dày.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1251, tức năm Hợi, Âm Thiết, theo lịch Tạng, tức niên hiệu Thuần Hựu thứ mười một nhà Nam Tống, tức niên hiệu Mông Kha Hãn thứ nhất, Mông Cổ.

Ban Trí Đạt bảy mươi tuổi, Bát Tư Ba mười bảy tuổi, Kháp Na mười ba tuổi.

Mùa đông, cây cỏ đìu hiu, hơi thở đóng băng, dãy Lục Bàn Sơn như mình rồng uốn lượn, giờ cũng hiền lành náu mình trong chiếc áo tuyết dày cộm, trắng muốt. Dưới chân núi lô nhô lán trại của người Mông Cổ, trong lán trại lớn nhất có rất nhiều người mặc áo giáp trụ. Ngồi ở vị trí cao nhất là một người đàn ông trung niên tráng kiện, gương mặt tròn vành vạnh tựa trăng rằm. Bên cạnh ông là một phụ nữ kiều diễm, đài các. Người đàn ông trung niên uy nghi, đạo mạo, giọng nói trầm hùng:

- Tufan có những vĩ nhân tiêu biểu nào?

Người ngồi ở vị trí gần nhất phía dưới là nhà sư trẻ tuổi mặc áo màu đỏ, dáng vẻ tự tin, cử chỉ khiêm nhường, nhã nhặn. Nhà sư khẽ cúi người khiêm cung, dõng dạc trả lời:

- Thưa Đại vương Hốt Tất Liệt, tổ tiên của người Tufan có ba vị pháp vương đều là hóa thân của các vị Bồ Tát: Pháp vương Songtsan Gampo là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Pháp vương Trisong Detsen là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, Pháp vương Tri Ralpacan là hóa thân của Kim Cương Thủ Bồ Tát.

Động tác, cử chỉ của nhà sư khiêm tốn mà không gò bó, lời nói đường hoàng, dõng dạc mà không kiêu căng, ngạo mạn, lưng vươn thẳng như ngọn thông, dáng người cao lớn. Giọng nói đã không còn dấu vết của tuổi dậy thì mà trầm ấm, êm mượt như nhung lụa, cứ thế tuôn chảy vào lòng người. Vầng trán nhẵn bóng ngày nào giờ đã lốm đốm mụn thanh xuân nhưng không hề làm mất đi vẻ tuấn tú, khôi ngô. Vẻ bẽn lẽn thuở thiếu thời đã biến mất nhờ sự dày công bồi dưỡng của người bác, thay vào đó là dáng vẻ tự tin, cởi mở, điềm tĩnh. Con người ấy có sức hút kỳ lạ đối với những người xung quanh.

Đôi đồng tử đen láy đảo quanh một lượt các vị khách có mặt, rồi mới tiếp tục cất giọng ngợi ca:

- Vị vua vĩ đại Songtsan Gampo là người đã góp ba công đức lớn lao đối với đất Tạng. Một là, hơn sáu trăm năm trước, ngài đã thống nhất toàn vùng Wusi. Hai là, ngài ra lệnh xây dựng hệ thống văn tự Tạng. Ba là, ngài đã cưới Công chúa Văn Thành của đất Hán và Công chúa Bhrikuti Devi của Nepal và ra sức phát triển đạo Phật… Cháu đời thứ năm của Vua Songtsan Gampo – Vua Trisong Detsen – là người đã mời vị cao tăng Thiên Trúc – đại sư Liên Hoa Sinh – tới Tufan truyền pháp và xây dựng ngôi đền đầu tiên ở Tufan – đền Samye. Vua Trisong Detsen đã lựa chọn bảy người trong số các con em quý tộc đến Samye để xuống tóc đi tu. Họ chính là những tu sĩ đầu tiên của Tufan, sử sách gọi họ là “bảy tu sĩ Samye”. Dòng họ Khon của bần tăng có địa vị đặc biệt cao quý vào thời kỳ vương triều Tufan. Cụ nội của bần tăng vốn là đại thần trong triều đình Songtsan Gampo, được Nhà vua rất mực nể trọng. Người con cả của cụ chính là một trong “bảy tu sĩ Samye” thời đó.

Tất cả những người có mặt trong lán trại khi ấy đều như bị mê hoặc bởi giọng nói trầm ấm, lay động, ai nấy đều chăm chú hướng mắt về phía thầy tu trẻ. Người phụ nữ xinh đẹp với đôi mắt như biết nói chốc chốc lại ghé tai Hốt Tất Liệt thì thầm nhỏ to.

- Cháu trai của Vua Trisong Detsen – Vua Tri Ralpaca – là người rất sùng đạo Phật, ngài đề cao việc tu tâm dưỡng tính. Ngài đã kết tình hòa hảo với đế quốc Đại Đường ở Trung Nguyên, giao ước không bao giờ xâm phạm lẫn nhau. Bởi vì nhà Đường từng gả Công chúa Văn Thành và Công chúa Kim Thành cho Vua Tufan nên hai nước có mối giao tình đặc biệt. Và bởi vậy, tấm bia kỷ niệm ngày hai nước thiết lập quan hệ đồng minh thân thiết còn gọi là bia “Liên minh cậu cháu”, được đặt trước cổng đền Jokhang ở La-ta. – Bát Tư Ba say sưa thuyết giảng, đến nỗi cậu ấy dường như đang ở tư thế hơi đổ người về phía trước. – Bởi vậy, tuy vương triều Tufan sụp đổ nhưng công đức của ba vị vua là vô cùng to lớn. Họ được người đời sau tôn làm “Tam pháp vương”, tượng của họ được thờ cúng trong tất cả các ngôi đền ở Wusi.

Hốt Tất Liệt vỗ tay cười lớn, vẻ tự tin, cởi mở toát ra từ ngài rất đặc biệt. Ngài gật đầu với người phụ nữ xinh đẹp, sau đó đặt tay lên bàn, tấm tắc khen:

- Các vị tướng lĩnh, hãy xem, Bát Tư Ba mới mười bảy tuổi mà học rộng biết nhiều, tài hoa uyên bác như vậy đấy. Những kẻ làm võ tướng ít học các ngươi có thấy xấu hổ không hả?

Ai nấy vội vàng gật đầu thưa vâng, những tiếng tán thưởng râm ran khắp lều trại. Bát Tư Ba, mặt đỏ như gấc chín, cúi đầu, lí nhí cảm ơn.

Hốt Tất Liệt nhìn quanh khắp lượt, xúc động nói:

- Hẳn các vị đều biết, sau khi Quý Do Hãn qua đời, tháng Sáu vừa qua, anh trai Mông Kha của ta đã được chọn làm Khả hãn[1]. Đại hãn Mông Kha ủy thác cho ta thống lĩnh quân đội miền Nam Mông Cổ, đóng quân trên Lục Bàn Sơn này. Trước đó, ta nghe nói, trí giả Ban Trí Đạt của phái Sakya ở Tufan là người có trí tuệ phi thường, nay đang trú ở Lương Châu, nên đã cử sứ giả đi mời ngài. Chẳng ngờ, đại sư tuổi cao sức yếu, không thể đi xa, vì vậy Khởi Tất đã đưa cháu trai của ngài Ban Trí Đạt là Bát Tư Ba đến đây.

Hốt Tất Liệt đứng dậy, chầm chậm bước tới trước mặt Bát Tư Ba, ánh mắt ngưỡng mộ và thán phục không giấu giếm của ngài hướng về nhà sư trẻ:

- Lần đầu gặp Bát Tư Ba, ta đã rất tâm đắc. Vì vậy, ta phải “hối lộ” đứa cháu họ nhỏ mọn một trăm con tuấn mã, nó mới chịu để Bát Tư Ba ở lại. Hơn một tháng qua, mỗi khi nghe Bát Tư Ba giảng pháp, ta đều bội phần khâm phục. Bởi vậy hôm nay, ta mới cho vời các ngươi đến đây, để cùng lắng nghe những lời khuôn vàng thước ngọc của bậc thánh giả, mong sẽ giúp đầu óc u tối của các ngươi được mở mang đôi chút.

Đám tướng lĩnh lập tức phụ họa. Người phụ nữ xinh đẹp rúc rích cười, rồi nàng cất giọng nhỏ nhẹ, mềm mại như lụa:

- Vương gia, nghe nói Bát Tư Ba rất giỏi trong việc chủ trì nghi lễ quán đỉnh Hevajra[2]. Chi bằng, nhân dịp này, hãy mời ngài giảng giải cho chúng ta nghe về nghi lễ này, chúng ta phải chịu lễ ra sao, sẽ kết thành thí chủ và phúc điền[3] thế nào để mọi người được mở rộng tầm nhìn.

===============

[1] Mông Kha được chọn làm Khả Hãn năm 1251.

[2] Hevajra là Phật giáo Kim Cương thừa. Quán đỉnh nghĩa là xối nước lên đầu, đây là một nghi thức quan trọng của dòng truyền thừa, thường diễn ra trong các buổi lễ tiếp nhận đệ tử hoặc lễ kế vị của các bậc cao tăng. (DG)

[3] Phúc điền là chữ dùng của đạo Phật. Giáo lý Phật giáo giảng rằng, phàm những người thờ Phật, kính tăng, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương người khốn khổ đều được ban hưởng phúc đức, giống như người nông dân được thu hoạch hoa màu sau những tháng ngày trồng cấy vất vả. Bởi vậy, “phúc điền” là từ dùng để chỉ Phật, tăng, cha mẹ và những người khốn khổ trong xã hội.

- Vương phi Khabi nói phải lắm.

Tôi trốn trong khóc khuất, hé mắt nhìn trộm, lòng rối như tơ vò. Sau khi nghe cuộc đối thoại giữa Hốt Tất Liệt và Vương phi, tôi lại càng sốt ruột. Lần đầu sử dụng phép thuật chạy nhanh thần tốc, năm trăm dặm mà chỉ mất sáu canh giờ. Nhưng lúc tới nơi, tôi bị hoa mắt chóng mặt, đau đầu buồn nôn. Tôi cố kiềm chế cảm giác nôn nao, khó chịu đó để đi tìm Bát Tư Ba, mãi mới tìm thấy cậu ấy ở đây, trong bối cảnh long trọng này.

Trong lán trại có rất nhiều người nên tôi không dám hiện thân, đành cắn răng chịu đựng cơn chóng mặt vô cùng khó chịu, chờ dịp Bát Tư Ba chỉ có một mình sẽ ra gặp cậu ấy. Nhưng nếu đề nghị của Vương phi được chấp thuận, tôi sẽ phải chờ đợi nhiều canh giờ nữa. Cảm giác chóng mặt ngày càng dữ dội, nếu để mất kiểm soát, tôi sẽ lập tức bị hôn mê bất tỉnh.

Không chần chừ thêm được nữa, tôi lấy hết can đảm, lao đến trước mặt Bát Tư Ba, dùng miệng kéo vạt áo cậu ấy.

- Lam Kha, sao em lại đến đây? Em đang ở Lương Châu với Kháp Na kia mà?

Bát Tư Ba phải ngừng buổi thuyết giảng vì sự xuất hiện đột ngột của tôi. Cậu ấy kinh ngạc ôm tôi lên. Những tiếng xuýt xoa, trầm trồ lao xao xung quanh:

- Ôi! Một con hồ ly tuyệt đẹp, toàn thân nó màu xanh kìa!

Đầu nặng như búa bổ nhưng tôi vẫn cố gắng lắc lắc đầu để vớt vát chút tỉnh táo cuối cùng, nhân lúc mọi người đang ồn ào bàn tán, tôi ghé sát vào tai cậu ấy thì thào mấy câu tiếng Tạng, giọng nhẹ như gió thoảng:

- Bệnh tình của đại sư vô cùng nguy cấp, cậu phải về Lương Châu ngay!

Gương mặt điển trai ngẩn ngơ vì kinh ngạc của cậu ấy cứ mờ dần, mờ dần trước mắt tôi. Tôi không chịu nổi nữa, ngả đầu vào bờ vai gầy guộc của cậu ấy và thiếp đi.

- Tỉnh rồi hả Lam Kha?

Tôi ngẩng lên, bắt gặp cặp mắt long lanh đung đưa trước mắt, đôi đồng tử trong suốt tựa pha lê ấy in sâu vào mắt tôi, khiến trái tim tôi đập nhanh một cách kỳ quặc.

- Em thiếp đi suốt ba ngày ba đêm rồi đó. – Cậu ấy gõ nhẹ vào mũi tôi. – Đói không? Ta đã sai người chuẩn bị sữa bò và thịt gà, em muốn ăn ngay hay để lát nữa?

Vì sao vẫn còn cảm giác quay cuồng vậy nhỉ? Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, thì ra mình đang ở trên xe ngựa. Tôi lắc đầu cười, cảm giác quay cuồng là do xe ngựa, vậy mà tôi cứ tưởng mình chưa hết chóng mặt.

- Chúng ta đang trên đường về Lương Châu, xe ngựa chạy ngày đêm không nghỉ, nhưng cũng phải hai ngày nữa mới đến nơi, sẽ vất vả lắm đó. Nếu em thấy mệt thì nói với ta nhé!

Trong xe chỉ có mình cậu ấy, cậu ấy đang nói chuyện với tôi như với bao người khác. Tôi chống hai chân trước lên đùi cậu ấy, nhổm người dậy, cắn môi do dự một lúc mới cất tiếng hỏi:

- Cậu không sợ ư?

- Sợ ư? Vì em biết nói tiếng người? – Cậu ấy mỉm cười, vuốt ve sống lưng tôi. – Ta biết chuyện đó lâu rồi.

Đến lượt tôi bị bất ngờ, suýt nữa ngã nhào:

- Cậu… cậu… cậu biết từ khi nào?

- Lần nào ta tu tập, em cũng lén đến xem. Lúc ta xếp bằng ngồi thiền tụng niệm, em cũng làm theo.

Cậu ấy bóp nhẹ đầu mũi tôi, tinh nghịch nháy mắt với tôi:

- Thế là một lần nọ, ta đã cố ý nói rằng, với câu kệ này, chúng ta phải nhắm mắt lại và tập trung suy tưởng, tụng niệm ba trăm lần mới hiệu quả. Em đã mắc mưu, tuy cố gắng không phát ra tiếng lớn nhưng em đã lẩm nhẩm tụng theo. Lúc em nhắm mắt tụng niệm, ta rón rén lại gần, nhìn trộm em, khẩu hình của em khi ấy rất giống người thường nên ta biết chắc em có thể nói được tiếng người.

Tôi há hốc miệng kinh ngạc. Khi ấy tôi thậm chí đã tin tưởng tuyệt đối rằng, phương pháp tu tập đó rất hiệu quả, vì sau khi tụng niệm, một luồng khí lạ lưu thông toàn thân, khiến bước đi của tôi nhẹ nhàng và nhanh như gió, ngay cả thương tật ở chân sau cũng không hề gây ra trở ngại. Không ngờ, tôi tập trung đến mức cậu ấy ngồi bên cạnh quan sát mà tôi không hay biết.

Tôi trợn mắt lườm cậu ấy:

- Sao cậu không nói gì cả?

- Người ta bảo loài hồ ly là chúa đa nghi, quả nhiên là vậy. Vì em chưa chịu tin tưởng ta và Kháp Na tuyệt đối nên ta đành kiên trì chờ đợi cho đến khi em chủ động lên tiếng. Chờ suốt bốn năm, cuối cùng cũng chờ được đến ngày này.

Cậu ấy nhấc bổng tôi lên ngang mặt. Ngựa phi nước đại, đường sá gập ghềnh. Những đốm sáng hắt vào từ cửa xe, lướt qua gương mặt cậu ấy, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trìu mến, vẻ ân cần, chân thành mà ấm áp.

- Lam Kha, cảm ơn em đã vượt đường xa đến báo tin cho ta.

Tôi làm sao vậy nhỉ? Vì sao tim tôi lại đập nhanh vô cớ? Tôi lắc lư cái đầu, cố thoát khỏi cảm giác khó hiểu này, thở dài:

- Quan ngự y bảo rằng, đại sư tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nên nhiều nhất cũng chỉ có thể gắng gượng thêm năm, sáu ngày nữa. Kháp Na đã lập tức cử người đi đón cậu, nhưng từ Lương Châu đến Lục Bàn Sơn, cả đi cả về cũng phải mất ít nhất chục ngày. Đại sư thì kiên trì chờ cậu trở về, còn Kháp Na thì buồn phiền lo lắng, cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng buồn uống nên tôi quyết định lẻn ra ngoài và chạy đến đây bằng tốc độ nhanh nhất có thể. Mấy năm nay theo cậu học lỏm phương pháp tu tập, phép thuật của tôi đã tiến bộ rất nhiều, năm trăm dặm mà tôi chỉ chạy trong vòng sáu canh giờ. Bây giờ về gấp, có lẽ cậu vẫn kịp gặp mặt đại sư lần cuối.

Cậu ấy ngỡ ngàng.

- Em quả là loài linh thú, phép tu của nhà Phật đã được em vận dụng và phát huy hiệu quả kỳ diệu như vậy! – Cậu ấy trầm tư một lát, lông mày khẽ nhíu lại. – Kháp Na có biết em tới tìm ta không? Em không nói với đệ ấy rằng em biết nói tiếng người ư?

Tôi lắc đầu, tủi hổ:

- Tiểu Lam trong tâm tưởng của chú nhóc ấy quá hoàn mỹ, tôi không muốn phá hỏng hình ảnh đó… – Tôi ngừng lại, thở dài ảo não rồi lặng lẽ quay đầu. – Tôi đã đưa tin cho cậu, cũng xem như báo đáp ơn cứu mạng của cậu, tôi không theo cậu về đó nữa…

- Em muốn ra đi ư? – Vòng tay cậu ấy siết tôi chặt hơn, giọng nói bất giác mất kiểm soát, vút cao. – Vì sao?

- Vì tôi là yêu tinh, loài người các cậu sợ yêu tinh nhất còn gì!

Nhớ lại năm xưa, từng nhiều lần bị người ta dùng bùa chú nguyền rủa, rải phân và máu chó để xua đuổi, tôi cũng bất giác cao giọng, cười mỉa mai:

- Đám thầy mo, thầy tu các người xem việc xua tà đuổi ma là trách nhiệm của mình đấy thôi.

- Lam Kha!

Cái miệng nhỏ của tôi bị chặn lại, lòng bàn tay của cậu ấy nồng nồng, ẩm ướt. Cậu ấy nhấc tôi lên, cọ đầu vào trán tôi, dịu dàng hỏi:

- Trước đây, em đã chịu rất nhiều tổn thương, đúng không?

Tôi như bị ném vào lò nướng, mọi tế bào sống trên cơ thể như bị thiêu đốt. Tôi dùng móng vuốt, chỉ vào vết sẹo trên trán, cất giọng chua chát:

- Vết sẹo hình hoa sen này đẹp lắm phải không? Ai nhìn thấy cũng xuýt xoa, trầm trồ nhưng chẳng ai biết rằng, đó không phải là vết bớt bẩm sinh… Hai trăm năm trước, khi người thân cuối cùng của tôi ra đi vì tuổi già, sức yếu, cả sơn động chỉ còn lại mình tôi, cảm giác cô đơn vì không còn ai bầu bạn ấy hệt như có hàng vạn con kiến lửa đang cắn xé ruột gan tôi. Tôi quyết định xuống núi, lẻn vào nhà người dân, chỉ để được nghe họ trò chuyện. Hằng ngày nghe bà mẹ trẻ dạy con thơ bi bô tập nói, tôi bắt chước học theo. Lâu dần, tôi nói được tiếng người lúc nào không hay.

Ánh nắng dần nhạt nhòa, bóng chiều thăm thẳm, tâm trạng của tôi cũng trĩu xuống theo hoàng hôn cuối ngày.

- Đứa bé tên gọi Zhaxi ấy, tôi đã lặng lẽ ở bên nó cho đến năm nó mười tuổi, tôi thuộc lòng mọi cử chỉ, hành động của nó, tôi xem nó như người thân của mình. Sau khi suy nghĩ rất kỹ càng, tôi đã lấy hết can đảm, bước đến bên nó khi nó lùa đàn cừu trên thảo nguyên và nói với nó một câu tiếng Tạng: “Chào em!”

Bát Tư Ba vuốt ve vành tai nhọn hoắt của tôi, khẽ hỏi:

- Chú bé đó phản ứng ra sao?

Tôi bật cười ha hả.

- Khi đó tôi đã ngây thơ biết bao, tôi đâu biết, một con hồ ly biết nói tiếng người sẽ khiến con người sợ hãi nhường nào. – Tiếng cười đứt đoạn, ký ức đè nặng tâm can, tôi như vẫn còn cảm nhận được rõ ràng nỗi bàng hoàng và đau đớn tột độ khi ấy. – Nó nhặt một hòn đá, ném về phía tôi, vì không có sự phòng bị, tôi bị ném trúng giữa trán, máu chảy như suối.

Cậu ấy nhíu mày, gương mặt nhân từ, thương xót, bàn tay dịu dàng xoa lên trán tôi:

- Nó đã để lại vết sẹo hình hoa sen này sao?

Tôi gật đầu, hậm hực, nheo mắt nhìn ra khoảng trời mịt mù ngoài cửa sổ:

- Sau đó, gia đình thằng bé vội vã chuyển đi nơi khác. Tôi còn ngốc tới mức, không hiểu vì sao họ chuyển nhà… Sau lần đó, tôi phiêu bạt đến rất nhiều nơi, học được rất nhiều ngôn ngữ, nào là tiếng Mông Cổ, tiếng Hán, tiếng Tangut. Mỗi khi tôi có ý định kết bạn với con người, mỗi khi mở miệng cất lời, tôi đều nhận được những ánh mắt khiếp sợ. Ngay sau đó, các thầy mo, nhà sư, đạo sĩ sẽ đến làm phép, họ đốt những tờ giấy kỳ quái, nhảy những điệu nhảy kỳ quái. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu, tất cả những điều đó là vì họ sợ tôi. Con người gọi những sinh linh biết phép thuật như tôi là yêu ma…

Tim tôi đau nhói, phải ngừng lại hồi lâu, tôi mới có thể tiếp tục câu chuyện, hai mắt đẫm nước:

- Sau khi trải qua tất cả những điều này, tôi quyết định trở về núi Côn Luân, sống một mình trong sơn động, nơi mà cha mẹ tôi từng sinh sống, và suốt một trăm năm sau đó, tôi không hề mở miệng nói với ai dù chỉ một tiếng.

Cậu ấy nhẹ nhàng vuốt ve lớp lông mịn màng trên lưng tôi, hơi ấm từ lòng bàn tay cậu ấy thấm vào da thịt, cho tôi cảm giác tin cậy, ánh mắt long lanh, giọng nói của cậu ấy trầm ấm:

- Lam Kha, em đừng đi. Dù người đời có đối xử tàn tệ với em thế nào, ta và Kháp Na tuyệt đối không giống họ. Em cũng biết đó, thời gian đầu khi mới đến Lương Châu, cả bác và hai anh em ta đều rất khó thích nghi, sức khỏe không ổn định, lại không biết tiếng Mông Cổ nên ngoài bác ra, anh em ta không còn người thân và bạn bè nào khác. Em đã đến với ta và Kháp Na giữa lúc chúng ta cô đơn nhất. Chỉ cần em bằng lòng, ta và Kháp Na sẽ là người thân của em. Chúng ta sẽ không cho phép bất cứ ai làm em bị tổn thương.

Vì sao sống mũi tôi lại cay sè thế này? Tôi hít một hơi thật sâu, nghiêng đầu về hướng khác:

- Sở dĩ tôi đi theo cậu ngần ấy năm là vì tôi muốn đạt được mục đích nghe giảng pháp.

- Vậy thì em cứ nghe đi. – Cậu ấy nở nụ cười tươi tắn, khóe môi uốn thành một đường cong tuyệt đẹp. – Nếu phép tu tập của ta mà hữu ích cho việc tu luyện của em thì còn gì bằng! Phật pháp sinh ra vốn là để thuyết giảng cho người có duyên với đạo Phật. Phật Tổ công bằng lắm, ngài độ hóa cho mọi sinh linh. Lam Kha, em là thú linh, kết tụ khí thiêng của cả trời và đất, em xứng đáng để tu tập hơn cả những người tu hành như ta đó.

Tôi ngước nhìn cậu ấy, bắt gặp cặp mắt thuần khiết vô ngần, ánh mắt long lanh, rạng rỡ chiếu sáng cả những góc u tối, ẩn sâu trong tim tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi như đắm chìm giữa một vực nước trong veo, hun hút. Đáng ghét quá, có thế mà khóe mắt tôi cũng ướt nhòe.

- Mà không lẽ em đành lòng rời xa Kháp Na ư? Mấy năm qua sống trong Vương phủ, tuy đệ ấy không nói nhưng ta biết cuộc sống của đệ ấy không vui vẻ chút nào. Công chúa… – Cậu ấy thở dài, lắc đầu, hai hàng lông mày xô lại, vẻ mặt xót thương. – Mới mười ba tuổi mà đệ ấy đã phải đối diện và chịu đựng những khốn khổ mà chỉ những người trưởng thành mới phải chịu đựng. Ta không thể ở bên bao bọc, che chở cho đệ ấy, nhưng may mà có em, em đã mang lại niềm vui cho đệ ấy nên ta cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Nhắc đến Kháp Na, lòng tôi quặn thắt, nỗi xót thương dâng trào. Chú nhóc đáng thương ấy suốt bốn năm qua đã nếm đủ mùi cay đắng trong phủ Vương gia. Thái độ khinh miệt, lạnh nhạt của Mukaton chỉ là chuyện nhỏ, hễ bực mình là cô ta quăng đồ, đáng ghét hơn là cô ta thường ra tay đánh đập Kháp Na. Thời gian đầu, mỗi lần bị chửi mắng, đánh đập, chú nhóc chỉ biết thu mình vào góc giường, ôm chặt lấy tôi, lặng lẽ khóc. Về sau, bất luận Mukaton có nói gì, làm gì, chú nhóc cũng không hề đáp trả, dù chỉ một tiếng. Hằng ngày, chú nhóc tránh không phải chạm mặt Mukaton như tránh tà, mỗi lần nhìn thấy cô ta là khiếp sợ bỏ chạy như thỏ con đụng phải hổ dữ. Mukaton thường ra ngoài cưỡi ngựa, bắn cung hoặc đi thăm bạn bè, những lúc cô ta không có nhà, Kháp Na mới âm thầm thở phào nhẹ nhõm, tinh thần cũng thoải mái hơn nhiều.

Mỗi ngày, Kháp Na phải học tiếng Mông Cổ một canh giờ, luyện tập cưỡi ngựa, bắn cung, đấu vật một canh giờ, sau đó đến đền Hoán Hóa theo học Phật pháp với bác và anh trai một canh giờ nữa. Ngoài ra, với thân phận là con rể của Vương gia Khoát Đoan, chú nhóc còn phải tham dự các buổi tiệc trong Vương phủ hoặc đi thăm hỏi các quý tộc Mông Cổ trong dòng tộc. Chú bé loắt choắt ấy buộc phải nói những lời khách sáo, lễ nghi của người lớn, phải khoác trên mình đủ mọi thứ mặt nạ của người lớn, phải ép mình đóng vai một người lớn. Tôi cảm thấy xót xa khi nhận thấy nụ cười trên gương mặt chú nhóc ngày càng vắng bóng, mỗi lúc chỉ có hai chúng tôi, tôi ra sức chọc cho chú nhóc cười, cùng chú nhóc chơi những trò chơi con trẻ mà chú nhóc thích. Chỉ những lúc như thế, tôi mới thấy được nụ cười hồn nhiên, tươi tắn nhất mà tôi hằng yêu thích.

Nhiều lần tôi muốn cất lời an ủi chú nhóc nhưng lại không dám. Vết sẹo trên trán cứ mãi ám ảnh và luôn nhắc nhở tôi về những ký ức hãi hùng với vẻ mặt kinh hoàng của con người khi họ nghe tôi nói tiếng nói của họ. Trong lòng tôi, Kháp Na quá ư thuần khiết, đáng yêu nên tôi sợ, nếu biết tôi là yêu tinh, những kỷ niệm đẹp đẽ về chú bé sẽ tan biến trong tôi…

- Nếu biết em nói được tiếng người, chắc chắn Kháp Na sẽ rất vui. – Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, Bát Tư Ba mỉm cười, xoa đầu tôi. – Chắc chắn đệ ấy luôn hy vọng em có thể trò chuyện được với đệ ấy…

r

Tôi nhớ lại lịch sử triều Nguyên, trầm ngâm:

- Quý Do Hãn lên ngôi Đại hãn được một năm thì đột tử, sau khoảng thời gian dài chọn lựa, vị trí Khả hãn được trao cho Mông Kha. Mông Kha là con trai của Đà Lôi (con trai út của Thành Cát Tư Hãn), anh ruột của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Sau khi Mông Kha lên ngôi, chính quyền Mông Cổ được chuyển từ chi phái Oa Khoát Đài sang chi phái Đà Lôi.

Chàng trai trẻ trầm tư một lát mới cất lời:

- Tôi nhớ, sách sử chép rằng, để đạt được mục tiêu thống trị, mỗi khi công phá thành công một vùng đất, người Mông Cổ sẵn sàng tiếp nhận tất cả các tôn giáo tồn tại ở vùng đất đó. Bởi vậy, ngoài Saman giáo, hoàng thất Mông Cổ còn tin theo các tín ngưỡng Phật giáo, Kitô giáo, Đạo giáo.

Chàng trai trẻ nhíu mày nhìn tôi, vẻ băn khoăn:

- Hốt Tất Liệt gặp Bát Tư Ba lẽ nào chỉ vì muốn nghe giảng pháp?

Tôi giật mình, chàng trai này thông minh quá! Tôi gật đầu tán thưởng:

- Sau khi chính quyền Mông Cổ được chuyển từ chi phái Oa Khoát Đài sang chi phái Đà Lôi, vì là em cùng một mẹ của đương kim Khả hãn nên Hốt Tất Liệt trở thành người có quyền cao chức trọng, được Mông Kha giao nhiệm vụ thống lĩnh quân đội miền Nam. Ông ấy đóng quân ở Lục Bàn Sơn là để chờ dịp chiếm lấy Đại Lý ở Vân Nam. Khi ấy, Tứ Xuyên vẫn thuộc quyền cai trị của nhà Nam Tống, nếu muốn đến được đất Đại Lý, Hốt Tất Liệt buộc phải vượt qua vùng đất của người Tạng ở Cam Túc và Thanh Hải. Hốt Tất Liệt triệu kiến Ban Trí Đạt là để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của người Tạng, đảm bảo cuộc hành quân đến đất Tạng được thuận lợi. Không ngờ, Ban Trí Đạt lại cử nhà sư trẻ Bát Tư Ba mới mười bảy tuổi đi thay mình. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên của Bát Tư Ba với Hốt Tất Liệt. Khi ấy, Bát Tư Ba không hề biết rằng, cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của cậu…

/64

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status