Chương 02 Kinh trập – Vết thương chưa lành
Chắc chắn không có điều gì là không thể lãng quên.
Cứ ngỡ rằng có những điều khiến em nhớ mãi không quên,
khắc cốt ghi tâm, dù cho đó chỉ là mảnh ký ức đã bị sạm màu,
thay đổi hay là những niềm nhung nhớ vẫn còn tươi mới.
Nhưng số phận đã sắp đặt sẵn,
nhất định sẽ có một thứ gì đó mới mẻ khiến lòng ta khó quên,
thứ đó đã hằn sâu trong tâm trí ta để có thể thay thế cái cũ.
Vậy thì sẽ phải học cách quên đi những thứ đã trở thành thói quen
lặp đi lặp lại để chấp nhận cái mới, phải chăng cùng thời điểm đó,
chúng ta cũng đồng thời đã bỏ quên những ký ức
mà ta từng cho rằng nó rất quan trọng.
Bởi em đã quên anh như thế, bởi anh và em đều đã quên đi quá khứ
mà chúng ta từng có như thế.
Thế giới cũng sẽ quên đi âm thanh giữa anh và em, chỉ có thời gian
sẽ đón những cơn gió trống trải trong ký ức của anh và em.
Đừng nói với em rằng anh không nghe thấy tiếng động phát ra khi
luồng gió ấy lùa vào sâu trong trái tim anh.
01
Từng có một cô bạn bảo với tôi rằng: Cùng uống với anh bao nhiêu cũng không sao, chỉ mong anh đừng nói lời từ biệt. Khi cô ấy nói câu này, tôi chợt nhớ đến cô bé Mathilda trong phim Léon. Những cảm xúc rung động khó tả, khiến tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi vô hình. Cũng giống như Mathilda từng nói:
... I am already grown up, I just get older1.
1 Nghĩa là: Cháu đã trưởng thành, cháu đang già đi.
... Trích dẫn lời Đới Mạc Ly
02
Thời điểm Dịch Bách Đồng xuất viện, cũng là tuần thứ hai sau khi kỳ thi tốt nghiệp cấp II kết thúc.
Hầu hết những thí sinh đã dự thi đều mang thẻ học sinh về trường cũ để xem danh sách dán trên bảng thông báo. Ai nấy đều mang vẻ mặt căng như sợi dây đàn, vừa nhìn những cái
tên trên bảng đỏ, vừa so số báo danh trên thẻ học sinh của mình. Cũng có thí sinh sau khi thấy tên mình được ghi trên danh sách trường chuyên cấp III thì reo lên sung sướng: “Yeah! Vạn tuế.” hay “Oh my God! Tôi không nằm mơ đấy chứ!”, còn những thí sinh thi trượt thì vừa oán trách vừa xấu hổ nhìn đám bạn đang nhảy lên vì hạnh phúc kia, rồi sau đó thở dài và đưa tay lên gõ gõ mấy cái lên đầu mình.
... Nhưng dường như tất cả những thứ này đều chẳng liên quan gì tới Dịch Bách Đồng.
Cũng đúng là không có liên quan gì thật. Nguyên nhân là vì cô đã bỏ lỡ kỳ thi đầu vào cấp III. Nhưng dùng từ “bỏ lỡ” này hình như chưa thích hợp và cũng chưa chính xác lắm, do bảo lưu trong thời gian dài và thường xuyên nghỉ phép dẫn đến thành tích học tập của cô vô cùng tệ hại, cho nên dù cô dự có thi tốt nghiệp chắc chắn cũng sẽ trở thành thí sinh trượt vỏ chuối mà thôi.
Kể từ khi con mắt bên phải bị mù tới nay, trong cô bắt đầu xuất hiện cảm giác bất an và tự ti ghê gớm, cô chưa bao giờ nhắc đến chuyện con mắt phải của mình với bất kỳ ai, vì vậy ở trong trường, ngay cả thầy cô cũng không hay biết gì về con mắt phải không nhìn thấy được của Bách Đồng. Dù có như thế đi chăng nữa nhưng bố cô vẫn bôn ba khắp nơi, tìm kiếm các mối quan hệ, xin xỏ cho cô được đi học tiếp. Và câu cửa miệng ông hay nói chính là: “Bố không muốn con tự trừng phạt mình vì những lỗi lầm mà bố đã phạm phải. Con nhất định phải đến trường, bố cũng không bắt con phải học thật giỏi, chỉ mong con có thể sống vui vẻ như những đứa trẻ bình thường khác là được rồi”.
… Đứa trẻ bình thường và sự vui vẻ ư. Những đại từ chỉ thị này dường như chẳng liên quan gì tới cô cả.
Cũng giống như việc dù đã làm phẫu thuật ghép giác mạc bao nhiêu lần, cho đến giây phút tháo băng gạc màu trắng ấy ra nhưng con mắt bên phải vẫn chỉ là một màn đêm tối tăm và trống rỗng.
Cuộc phẫu thuật lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Ở nhà một mình, Dịch Bách Đồng ngồi tựa vào chiếc ghế salon trong phòng khách, cô cầm quyển tạp chí trong tay, lật đi lật lại với thái độ thờ ơ, và rồi bất chợt cô nhìn thấy bài thơ của nhà thơ nước ngoài nào đó viết tặng người yêu:
... Thời gian tựa như một đóa hoa xinh đẹp nhưng lại được bao bọc bởi những chiếc gai sắc nhọn. Còn nụ cười như khiến vết thương thêm hằn sâu lên những đường vân đẹp đẽ trên đầu ngón tay anh. Thế giới bên kia của cuộc đời là do từng chút từng chút dấu vết xưa kia được truyền đến từ sâu trong lồng ngực em, chất chứa đầy tràn hai bên thái dương em, nó tựa như dòng nước của con sông lớn cứ chầm chậm trôi đi trong lời ca vẫn còn vang vọng trên từng dây đàn….
Khi đọc tới đó, chiếc điều khiển tivi trên salon rơi “cộp” một tiếng xuống đất, khiến Dịch Bách Đồng chợt cảm thấy sợ hãi. Cô vội đứng dậy, sững người trong giây lát rồi lại cầm cuốn tạp chí đọc tiếp.
... Nó tựa như dòng nước của con sông lớn cứ chầm chậm trôi đi trong lời ca vẫn còn vang vọng trên từng dây đàn…
... Không được chìm đắm, không thể chìm đắm, không bị chìm đắm, giống như cô gái mù lòa cố gắng kìm nén, lưỡng lự trong bóng tối. Nhưng có điều cô không biết làm cách nào để tự cứu sống chính mình. Thượng Đế xưa nay vốn rất nhân từ, nếu có thể nhận được nụ hôn từ người cô yêu, và cũng là người yêu cô sâu sắc, đặt lên nơi khóe mắt, khi ấy con mắt mù lòa có thể sống dậy, có thể nhìn thấy ánh sáng…
Dịch Bách Đồng lướt nhìn tên bài thơ đó: “Your shining eyes.”
Trong lòng cô nở nụ cười lạnh giá, gập quyển tạp chí trên tay lại và nhẹ nhàng đặt nó lên chiếc bàn uống trà bằng thủy tinh phía trước salon. Dù có ghép giác mạc bao nhiêu lần, tốn bao nhiêu tiền để làm phẫu thuật và bao nhiêu lần dọn nhà để sau đó lại tìm bệnh viện mới thì con mắt ở bên phải của cô vẫn y như cũ và con mắt ấy vẫn chỉ là màu đen tối tăm và tê dại.
Không nhìn thấy.
Con mắt bên phải không nhìn thấy.
Cô ngày càng chán ghét mùi thuốc khử trùng mà các bác sĩ đổ đầy trên tấm gạc màu trắng phủ lên mắt phải của mình rồi. Lại càng chán ghét hơn cái màu tối đen như mực sau mỗi lần tháo tấm gạc. Dịch Bách Đồng cau mày, lặng lẽ đưa tay lên mân mê khóe mắt bên phải của mình.
… Nụ hôn của người yêu... sao…
Cô lại cười khẩy. Thôi dẹp loại thơ tình giả dối không thực tế đó đi.
03
Đúng bốn giờ chiều, Dịch Thư về đến nhà. Lúc đầu Dịch Bách Đồng hơi bất ngờ vì bố về sớm hơn mọi khi, dù gì thì hôm qua cô cũng đã xuất viện rồi, bố đâu cần phải mất công chạy đến bệnh viện nữa. Nhưng khi thấy trên tay bố cầm chiếc bánh kem, cô chợt nhớ ra. Hóa ra hôm nay là ngày mười chín tháng Bảy, chính là ngày cô tròn mười bảy tuổi.
Dịch Bách Đồng nhìn bố đặt chiếc bánh kem trên bàn ăn, trong lòng chợt lắng lại một cách kỳ lạ. Thì ra, thấm thoát cũng đã mười năm trôi qua rồi đấy.
“Lâu lắm bố không mua chiếc bánh kem to như thế này để mừng sinh nhật con rồi.” Dịch Thư đeo chiếc tạp dề một cách thành thạo và đi vào bếp rồi lại thò đầu ra cười với con gái: “Tiện thể chúc mừng con xuất viện luôn đó.” Nghe bố nói thế, Dịch Bách Đồng chẳng tỏ thái độ gì, trong lòng thầm băn khoăn: “Xuất viện thì có gì đáng để chúc mừng chứ?”.
“Còn nữa, sinh nhật mười bảy tuổi vui vẻ.” “Dạ… Cảm ơn.”
Bữa tối nay ăn món sườn xào chua ngọt. Dịch Thư vẫn còn mang chứng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng đối với việc rửa cá. Mười năm trước, dù ông đã có dấu hiệu kháng cự lại việc này, nhưng vẫn có người rửa cá hộ, thậm chí còn làm món cá cho ăn. Có điều giờ đây chẳng còn có ai nữa. Nên không biết bắt đầu từ bao giờ, cứ đến ngày lễ thì món cá sốt chua ngọt đặc trưng đã bị đổi thành món sườn xào chua ngọt. Dù gì thì cũng là “chua ngọt” cả. Hơn nữa, sườn sẽ không có mùi tanh khó chịu.
Dịch Bách Đồng ăn một miếng sườn chua ngọt trong đĩa, vẻ mặt nhăn nhó giống như không quen với mùi vị gì đó đã từng tồn tại trong ký ức cô, nên chỉ nhai nhai một chút rồi vội nuốt chửng vào cuống họng.
“Bố, bố lại ướp gừng trong sườn nữa à?”
“Ờ, bố xin lỗi, lần sau bố sẽ nhớ không cho gừng vào. Hay là bố nấu lại món khác cho con?”
“Thôi, không cần.” Dịch Bách Đồng lắc đầu, rồi cô gắp một miếng sườn nhỏ xíu cho vào trong bát và cúi gằm mặt xuống.
“Bách Đồng à?” “Có chuyện gì ạ?”
“Con còn nhớ chú Kiều trước đây không?” Dịch Thư giọng nhẹ nhàng hỏi.
“À, có chuyện ạ?” Hai từ “chú Kiều” được thốt ra từ miệng bố, ít nhiều Dịch Bách Đồng cũng còn chút ấn tượng. Dù rất mơ hồ, nhưng cố gắng thì vẫn có thể nhớ ra. Cũng giống như hồi học phân ban lớp chín, cô được chia học cùng một lớp với con trai của “chú Kiều”, lại còn người ngồi trước kẻ ngồi sau nữa. Tuy phải rất lâu sau đó cô mới biết được lớp trưởng trong lớp học chính là “Kiều Tô” của bảy năm trước. Nhưng điều đáng ngạc nhiên chính là trong suốt cả năm lớp chín, cậu ta chẳng hề nhận ra cô.
“Lúc con chưa xuất viện, bố đã gặp cậu con trai nhà đó trong bệnh viện đấy, à, chính là thằng Kiều Tô hồi còn bé ấy.” Ngập ngừng một lúc rồi lại nói tiếp, “Hôm nay bố đi mua bánh kem cho con, gặp lại bố Kiều Tô trong tiệm bánh kem. Thật là trùng hợp quá, thế giới này đúng là nhỏ thật.”
“… Thế ạ.” Đúng là trùng hợp thật.
“Ừ, nhờ ơn chú ấy, con mới có thể chen chân lên trước một số thí sinh đậu vào trường chuyên cấp III đấy. Bố Kiều Tô hình như hiện đang là hiệu trưởng của trường chuyên cấp III, con tới đó rồi, chú ấy sẽ giúp đỡ nhiều cho con đấy.”
Nghe những lời của bố, Dịch Bách Đồng chỉ im lặng cắn đũa, chẳng hé môi nói lời nào. Suy cho cùng, cũng đều nhờ quan hệ giữa bố và chú Kiều mà thôi. Nói dễ hiểu một chút, đây gọi là “đi cửa sau”. Vì cô không có điểm thi tốt nghiệp, cũng chẳng hề thi lại, nhưng mấy hôm trước, chỉ qua một cú điện thoại giữa bố và chú Kiều mà cô có thể dễ dàng trở thành học sinh mới của trường chuyên cấp III trong thành phố. Đây là điều mà người bình thường có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng trong mắt Dịch Bách Đồng, việc này thật hài hước.
“Sau khi vào trường con phải cố gắng lên nhé. Đừng tự cô lập mình, kết giao nhiều bạn bè sẽ tốt hơn.”
... Bố, đừng nói nữa.
“Không dễ để có thể vào được trường cấp III đó đâu, khoan hãy nói tới những khó khăn sắp tới, chú Kiều của con cũng đã nghĩ rất nhiều cách rồi. Bách Đồng, bố hiểu, con không muốn người khác biết được mắt phải của con không nhìn thấy được. Nhưng thực ra cũng không có gì, mọi người sẽ không xa lánh con vì chuyện này đâu. Hơn nữa dù sớm muộn bố cũng sẽ đưa con đi chữa cho khỏi, mắt phải của con rồi sẽ lại thấy ánh sáng. Nên con cố gắng đến trường, đừng xin nghỉ nữa, tất nhiên nếu tái khám hay là phẫu thuật thì hãy nghỉ.”
... Bố, đừng nói nữa.
“Phải rồi, nghe nói thứ Sáu này sẽ khai giảng. Con chuẩn bị đi, tới lúc đó bố sẽ đưa con đi. Con cũng biết rồi đấy, những trường chuyên cấp III đều thế cả, khai giảng rất sớm, chủ yếu là để nâng cao thành tích tổng thể, đành chịu thôi, đâu thể chỉ có cái mác không.”
“Còn nữa, chú Kiều bảo đối diện trường cấp III này là một trường dạy nghề, hai trường khá gần nhau, nhưng tốt nhất con đừng dính dáng gì tới mấy đứa trong trường dạy nghề, không phải bố nói tụi trẻ đó không có tương lai gì nhưng bố chỉ hy vọng con không bị chúng trêu chọc.”
“Vì mắt phải con không nhìn thấy, nên nếu gặp rắc rối cũng sẽ khó ứng phó hơn những người khác. Vì vậy tốt nhất là tránh mặt mấy đứa ở trường đó ra.”
... Bố, đừng nói nữa.
“Con ăn no rồi.” Dịch Bách Đồng nhăn mặt, nhanh chóng đặt bát xuống, quay lưng bước vào phòng. Để lại Dịch Thư trong phòng với vẻ mặt có chút ngơ ngác.
“Mình đã nói sai gì sao...?” Dịch Thư cũng buông bát đũa trên tay xuống, thở dài. Quay đầu nhìn về phía hộp bánh kem bên cạnh bàn ăn vẫn chưa được tháo ra, Dịch Thư tỏ vẻ bất lực, ông lẩm bẩm một mình: “Ôi, mình cũng chỉ muốn tốt cho nó thôi mà…”
Nhưng Dịch Bách Đồng không hề nghe thấy những lời đó. Cô nằm một mình trong phòng, không có đèn, nhưng tia nắng yếu ớt của buổi hoàng hôn xuyên qua tấm rèm cửa sổ rọi thẳng vào trong phòng. Ánh nắng chiếu thẳng lên tấm lịch treo tường. Ngày mười chín tháng Bảy là sinh nhật của Dịch Bách Đồng, cũng tức là trước ngày mười chín tháng Bảy cô vẫn còn mười sáu tuổi. Vậy thì năm ngày sau chắc chắn sẽ đến sinh nhật của người kia. Tia nắng chiếu vào tấm lịch cũng tựa như đang rọi vào ngày hai mươi tư tháng Bảy, tức năm ngày sau.
Là thứ Sáu tuần này.
Những áng mây bên ngoài cửa sổ bỗng cuồn cuộn theo tiếng sấm tiếng sét đang rền vang trên bầu trời, tựa như có hàng ngàn hàng vạn những con chim đang dang rộng đôi cánh bay về phương Nam. Dịch Bách Đồng nhắm mắt lại, vùi mặt vào sâu trong chiếc gối mềm mại.
Ngày hai mươi tư tháng Bảy.
Phía dưới tấm lịch ghi chú hai chữ nhỏ màu đỏ: Đại thử2.
2 Đại thử: Một trong hai mươi tư tiết khí, nghĩa là ngày nóng oi nhất trong năm. (BTV)
... Cỏ úa hóa thành đom đóm, tiết trời bắt đầu oi bức, mưa dông thường hay xuất hiện.
04
Ngày hai mươi tư tháng Bảy, Đại thử.
Trời chẳng đổ mưa, mặc cho tiết trời vẫn u ám như thế. Chỉ là trong không khí có thêm luồng khí nóng oi bức.
Đúng sáu giờ, chiếc đồng hồ báo thức trên bàn học kêu lên “Reng ren reng reng.” Dịch Bách Đồng bò xuống giường, lắc lắc cái đầu vẫn còn nặng trĩu, theo thói quen, cô đưa tay sờ bộ đồng phục của trường mới trên đầu giường, đó là bộ đồ bố đem về hôm chủ nhật.
Tiếng gõ cửa “Cốc cốc” vang lên bên ngoài, tiếp đó là tiếng gọi nhẹ nhàng của Dịch Thư: “Đã dậy chưa con?”
“Dạ.” Bách Đồng mở cửa rồi gật đầu chào bố, “Chào buổi sáng.”
Sau khi ăn sáng xong, Dịch Thư nhìn chiếc đồng hồ đeo tay rồi nói: “Sắp đến giờ rồi, chúng ta đi thôi. Hôm nay là ngày đầu đến trường, khôn thể để muộn được. Chú Kiều đang chờ chúng ta sang đó hoàn tất một số thủ tục còn lại.”
“… Dạ.”
“Hôm nay nhiệt độ ngoài trời khá cao, nhưng xem ra bầu trời cũng chẳng quang đãng gì.”
“Oi quá!” Dịch Bách Đồng bước đến cửa nhà, đi giày rồi kiểm tra lại sách vở, hỏi bố: “Có khi nào lại mưa nữa không bố nhỉ?”.
“Dự báo thời tiết nói là hôm nay không mưa. Nhưng con cứ mang theo ô để đề phòng.” Vừa nói, Dịch Thư vừa lấy chiếc ô màu xanh đậm được đặt phía sau kệ giày. Phía dưới mặt ô còn có in chữ màu đỏ là tên một hãng dầu gội nào đó. Đó là quà tặng được khuyến mãi trong một lần Dịch Thư đi mua đồ dùng hằng ngày cho Dịch Bách Đồng ở bệnh viện.
Những hạt sương long lanh buổi bình minh vẫn còn đọng lại trên từng kẽ lá. Trên phố giờ mới chỉ thấy một chiếc xe tưới nước tựa như đang mở loa phát ra âm thanh “xì xào” chậm rãi phun nước. Cả tòa nhà chỉ có vài căn hộ là còn mở đèn chớp. Khoảng bảy giờ sáng, Dịch Bách Đồng và bố đã đến trước cổng trường. Bách Đồng được gặp lại chú Kiều sau nhiều năm xa cách.
Chú Kiều đang một mình đứng trước cổng trường, không thấy Kiều Tô, cũng chẳng thầy cô hay bạn học sinh nào cả.
Bảy giờ là đã vào lớp cả rồi.
Thật kỳ lạ. Rõ ràng đã bảy năm chưa gặp, nhưng Dịch Bách Đồng cảm thấy chú Kiều chẳng có gì thay đổi cả. Thân hình vẫn cao ráo như thế, cao hơn bố mình rất nhiều. Giọng nói vẫn to như thế, khéo léo hơn bố mình. Cư xử cũng vẫn thân thiết như thế, hòa nhã hơn bố mình nhiều. Cho nên Kiều Tô mới ưu tú như thế, hai cha con họ đều thật rạng ngời.
Ban đầu, chú Kiều và bố chào hỏi nhau rất nhiệt tình. Tình cảm của họ vẫn luôn thắm thiết, dù sao cũng là bạn cùng lớp bốn năm lại cùng nhau đi lính hai năm nữa.
“… Chú Kiều…”
Mãi khi Dịch Bách Đồng cất tiếng, chú Kiều mới quay mặt sang phía cô. Rồi chú nở một nụ cười rạng rỡ, dáng người chú hơi khom xuống xoa đầu Dịch Bách Đồng rồi nói: “Ồ… Lớn thế này rồi cơ đấy, đúng là con gái mười tám có khác, ngày càng giống mẹ cháu rồi.”
Mười năm trước, từng có người bảo cô và bố giống nhau như đúc.
Mười năm sau lại có người sờ đầu và bảo cô rằng “ngày càng giống mẹ rồi”.
Nhưng có vẻ bố không hề muốn nhắc tới mẹ Dịch Bách Đồng dù chỉ một chút, nên ông vội ho gằn vài tiếng rồi chuyển đề tài với chú Kiều: “À này… liệu có kịp giờ không? Chắc là đã bắt đầu giờ học rồi?”
Chú Kiều cười cười rồi đáp: “Ừ, được rồi. Anh xem trí nhớ của tôi kìa, vui quá quên cả chuyện chính rồi. Chúng ta vào trong thôi”.
Dịch Bách Đồng theo sau bố và chú Kiều. Cô ngước lên nhìn bố từ phía sau, lưng đã hơi còng một chút so với mười năm trước, nhưng vẫn là “bóng cha” bao nhiêu năm nay.
Mưa đầu hè oi bức. Tia nắng ảm đạm, cành cây úa màu.
Hành lang cứ như một đường ngầm, chẳng biết sẽ dẫn tới nơi nào.
... Nhưng rốt cuộc mẹ trông như thế nào nhỉ? Ngay cả một tấm ảnh của mẹ cũng chẳng có.
05
Khi đi tới tầng ba, Dịch Thư phải đến phòng giáo vụ làm một vài thủ tục liên quan. Nên Dịch Bách Đồng đành nói lời “tạm biệt” bố rồi theo chú Kiều tiếp tục đi lên tầng trên. Trong suốt quãng đường đi, chú Kiều nói khá nhiều thứ quan trọng về ngôi trường này, và chẳng dễ dàng để có được danh hiệu trường chuyên cấp III, có biết bao nhiêu học sinh chen chân nhau để được học ở đây, ngay cả con trai của thị trưởng cũng không phải là ngoại lệ. Qua cuộc nói chuyện, Dịch Bách Đồng cũng nhận ra ông ấy biết chuyện về con mắt phải của mình. Bởi chỉ qua câu nói, “Đừng lo nghĩ quá nhiều, trẻ con ở đây
đều là những đứa trẻ ngoan và ưu tú, tuyệt đối không tồn tại những chuyện ác ý nói xấu, không thân thiện gì cả cho nên cháu cứ yên tâm học hành” là cô đã hiểu rồi.
Dịch Bách Đồng nhếch mép, bộ dạng nhăn nhó nhưng vẫn lễ phép trả lời “Dạ”.
Hai người leo lên tận tầng năm. Lớp mà Dịch Bách Đồng học chính là phòng thứ ba ở phía cuối hành lang. Nghe đồn đây là “lớp cửa sau”, nghĩa là toàn bộ học sinh trong lớp này đều có lai lịch và hoàn cảnh đặc biệt cả. Giáo viên chủ nhiệm lớp là một cô giáo độ tuổi trung niên, khuôn mặt cô hiện rõ bản chất của một kẻ theo chủ nghĩa cơ hội, ngay dưới mũi còn có một nốt ruồi “mỹ nhân” to bằng hạt vừng. Cô giáo thấy Dịch Bách Đồng là học sinh do chính Hiệu trưởng Kiều đưa đến, bèn đon đả nói: “Thì ra là bà con của hiệu trưởng à, mau vào đi em. Em ngồi chỗ đó nhé, cứ ngồi theo mã số là được”.
Dịch Bách Đồng đưa mắt dõi theo bóng dáng chú Kiều bước ra khỏi lớp, rồi chăm chú nhìn bảng thứ tự chỗ ngồi được xếp theo mã số trên tấm bảng đen, cuối cùng cô cũng tìm được vị trí của mình.
Từ lúc Dịch Bách Đồng bước chân vào lớp, bầu không khí trở nên râm ran lạ thường, những lời bàn tán xôn xao khắp nơi. Sau khi ngồi xuống bàn, còn có một vài người trong lớp thỉnh thoảng quay đầu nhìn cô với điệu bộ như đang dò xét điều gì đó, ánh mắt ấy, dáng vẻ ấy khiến cô cảm thấy vô cùng khó chịu.
“Thôi nào các em, mọi người đã đến đông đủ cả rồi.” Phải đợi đến khi tiếng của cô chủ nhiệm cất lên, thì những ánh mắt dò xét đối với Dịch Bách Đồng mới tạm thời được dừng lại. Dịch Bách Đồng mím chặt môi, đầu hơi cúi thấp, lúc này cô chẳng có tâm trí nào chú tâm đến những lời tiếp theo của cô chủ nhiệm, “Được vào học tại trường cấp III này là một điều các em nên cảm thấy tự hào và hãnh diện. Vì thế, tiết học đầu tiên sẽ là mời từng bạn bước lên trên bục giảng tự giới thiệu về bản thân, hãy giới thiệu làm sao cho càng ấn tượng càng tốt.”
... Tự giới thiệu.
Thật lỗi thời và nhảm nhí.
Dịch Bách Đồng không kìm lòng được, lạnh lùng thốt ra một câu.
Cũng không phải tất cả các bạn trong lớp đều có suy nghĩ giống cô. Cả lớp có vẻ sôi động hẳn lên trước màn “tự giới thiệu” của từng người. Bởi đây là cơ hội để “thể hiện” và “lăng xê” những “ưu điểm” hoặc “khuyết điểm” nào đó của bản thân.
Nhưng Dịch Bách Đồng lại ghét những thứ này. Cô ghét bản thân mình bị phơi bày ra trước mặt người khác. Cô ghét người khác nhìn cô với ánh mắt dò xét và thương hại. Vì vậy, cô không muốn làm bạn với ai, càng không muốn nói với bất kỳ ai “bí mật” của mình.
Người đầu tiên bước lên bục giảng là anh bạn ngồi chéo góc với Dịch Bách Đồng. Anh chàng này trông khá mảnh khảnh, đeo cặp kính có gọng màu đen, kiểu dáng rất sành điệu. Dịch Bách Đồng cúi thấp chà chà cằm vào chiếc bàn lạnh tanh, ngước mắt chú ý nhìn anh chàng có vẻ rất kiêu căng, ngạo mạn này.
“Chào các bạn, tôi tên là Đường Táp. Một vài bạn đang ngồi ở đây cũng đã biết tôi rồi. Tôi vào đây với thành tích hạng nhì cấp thành phố, tất nhiên tôi biết điểm của mình chẳng chênh lệch mấy so với người hạng nhất, chỉ là có một vài nguyên nhân hơi tế nhị một chút. Cuối cùng, tôi phải nhấn mạnh một điều đó là tôi không thích con gái tự cho mình là hay, càng
không thích con gái hay tưởng bở, nên tôi mong rằng trong ba năm học này, các bạn nữ trong lớp đừng nhằm vào tôi. Cảm ơn...”
Ừm… Màn “tự giới thiệu” này quả là chấn động.
Những lời xì xầm cùng thái độ không hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt của nhiều thành viên trong lớp. Cô bạn nữ cùng bàn với Dịch Bách Đồng với vẻ mặt hả hê nhìn Đường Táp đang đi về bàn phía trên cô:
“Ây da, cậu vẫn thích ‘khiến người khác khó chịu’ như vậy nhỉ? Coi chừng sau này dân tình kích động thì cậu sẽ bị đánh cho tàn phế đấy.”
Đường Táp chẳng thèm quay đầu lại, phổng mũi “Hừ” một tiếng xem như đáp lời.
Có vẻ bọn họ đã quen nhau từ trước rồi. Dịch Bách Đồng quan sát hai người đó và rút ra kết luận.
Khi đến lượt Dịch Bách Đồng, cô cũng chỉ bước lên bục, với khuôn mặt lạnh tanh không chút biểu cảm nói: “Tôi là Dịch Bách Đồng, từ nay nhờ các bạn giúp đỡ” thế là xong.
Khi bước xuống cũng chỉ có lác đác vài tiếng vỗ tay. Cô chủ nhiệm thấy vậy vẫn tỏ vẻ vui mừng phân bua: “Xem ra bạn Dịch Bách Đồng thích sự đơn điệu. Ha ha…Vậy mọi người cứ tiếp tục nhé.”
Lúc quay lại chỗ ngồi, cô bạn cùng bàn xích lại gần bên Dịch Bách Đồng, hạ thấp giọng, tò mò hỏi: “Này, cậu tên là Dịch Bách Đồng à? Chữ “Đồng” nào vậy?”
“Đồng trong đồng tử.”
“Ồ… Tên cá tính đấy nhỉ.” Cô bạn cố tình kéo dài âm cuối, rõ ràng chẳng có vẻ khen ngợi gì cả. Ngập ngùng một lúc, cô ta lại nói: “À, phải rồi, lần đầu gặp mặt, mình là Bách Tiểu Trạch. Sau này chúng ta sẽ ngồi cùng bàn đó.”
“… Ừ” Thì ra còn có người họ “Bách”.
“Nè nè, mình hỏi chút, có đúng cậu là bà con của hiệu trưởng Kiều không?” Cô bạn Bách Tiểu Trạch buột miệng hỏi.
“Cũng bình thường.” Làm sao mà gọi là bà con thân thích được chứ?
“’Cũng bình thường’ là thế nào? Câu trả lời khó hiểu quá. Chẳng phải thầy đã đưa cậu tới tận đây rồi sao? Là bà con thật chứ gì? Ha ha… Không ngờ cậu ghê gớm như vậy đấy.”
“… Hơ? ... Ừm.” Dịch Bách Đồng gật đầu, cô cũng không muốn giải thích thêm điều gì nữa.
Lúc đó có người đến muộn nên đã làm gián đoạn những câu hỏi dồn của Bách Tiểu Trạch đối với Bách Đồng. Cậu học sinh mới xuất hiện khiến hàng loạt ánh mắt từ trong lớp học đổ dồn về phía cửa, Bách Tiểu Trạch cũng không phải ngoại lệ. Chỉ duy có Dịch Bách Đồng vẫn chống cằm trên mặt bàn, chẳng ngó ngàng gì đến chuyện đó. Nhìn thấy cậu bạn đó, cô chủ nhiệm khách sáo nói một câu “Được rồi, được rồi, mau vào lớp đi, ha ha… chỗ ngồi của em ở hàng đầu tiên”. Khi ấy Bách Đồng mới cảm nhận được hình ảnh cậu bạn tới muộn với vẻ ngại ngùng chầm chậm bước vào lớp và từ từ ngồi xuống.
“Ha ha… là con trai của hiệu trường kìa.” Bách Tiểu Trạch vừa cười vừa nói với Dịch Bách Đồng. “… Hả?”
“Hả gì chứ? Cậu không biết à? Kiều Tô cũng học lớp mình đấy. Chính là Kiều Tô đó, con trai độc nhất của hiệu trưởng Kiều.”
Dịch Bách Đồng nghe thấy vậy mới từ từ ngẩng đầu nhìn lên phía bàn đầu tiên. Đó là Kiều Tô với bộ đồng phục comple, chiếc áo sơ mi trắng sạch sẽ ẩn phía trong và xương quai xanh mảnh khảnh lộ rõ, có thể thoáng thấy khuôn mặt nghiêng nghiêng của Kiều Tô. Vẫn là mái tóc màu nâu mềm mại, nhẹ nhàng kéo dài tới tận bên trong cổ áo.
Cũng khoảng ba tháng không gặp rồi đấy? Cảm giác cậu ta lại cao thêm thì phải. Mặc dù cậu ta vốn đã rất cao rồi, có lẽ là do gen di truyền tốt.
“... Ồn chết đi được.” Đường Táp ngồi phía trước bỗng rủa thầm, nhờ câu đó mà Dịch Bách Đồng cũng chợt hoàn hồn. Mặc dù cô chẳng biết câu “Ồn chết đi được” là mắng mình hay mắng Bách Tiểu Trạch mê trai ngồi bên cạnh nữa.
06
Sau tiết một là lễ khai giảng của toàn trường. Thực ra lễ khai giảng cũng chẳng có gì đáng để bình luận này nọ và cũng không để lại ấn tượng sâu sắc gì cho lắm. Chẳng qua chỉ là hiệu trưởng và chủ nhiệm lần lượt phát biểu những thứ đại loại như: “Học kỳ mới, mục tiêu mới”; “Các bạn học sinh khóa mới phải cố gắng học tập, học sinh cuối cấp hãy đem lại vinh dự cho trường” v.v…
Nhưng Dịch Bách Đồng tin rằng mình sẽ mãi nhớ ngày hôm nay, ngày đầu tiên bước vào cấp III.
Đúng thế, ngày hai mươi tư tháng Bảy. Một ngày nóng bức oi ả. Một ngày, cô sẽ mãi không quên.
Kết thúc lễ khai giảng kéo dài hai tiếng đồng hồ, đám học sinh xếp hàng chuẩn bị rời khỏi hội trường. Khung cảnh có vẻ hơi hỗn độn cùng những âm thanh ồn ào vang lên khắp nơi. Dịch Bách Đồng đứng cuối hàng, phía trước cô là Bách Tiểu Trạch đang lén gọi điện thoại, nói nói cười cười thút thít gì đó.
Thời tiết bên ngoài cửa sổ vẫn u ám, không còn những đám mây lơ lửng, cũng chẳng có những cơn gió hiu hiu, cảm giác bốn bề hoang vu, cô quạnh.
Khi tất cả mọi người đều rời khỏi hội trường, Dịch Bách Đồng chợt nghe thấy hình như phía sau có ai đó đang gọi tên mình “Bách Đồng”.
Cô dừng bước, ngần ngại và lúng túng quay đầu lại. “... Bách Đồng, đúng là cháu rồi!”
Lúc ấy, có bóng người đang đi thẳng về phía cô không kìm nổi sự ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết.
Nhưng, cũng chính giây phút đó, khoảnh khắc đó, Dịch Bách Đồng cảm thấy cơ thể mình như tê dại, dây thần kinh dường như cũng bị kéo dãn thành một đường thẳng tắp. Cô đứng yên bất động, đối mặt với người đang tiến về phía mình, cô không đáp lại, khi ấy bên tai cô văng vẳng âm thanh ầm ầm tựa như một chiếc trực thăng đang lao nhanh xuống.
Một tiếng ầm vang kéo dài. Rớt xuống rồi.
Sau đó nổ tung thành một đống đổ nát hoang tàn.
07
Trời hôm nay không có mây cũng chẳng có gió. Trong hội trường âm u chỉ có những tia sáng nhàn nhạt từ những ngọn đèn treo phản chiếu lên trên từng chiếc ghế nhựa, tất cả ngưng tụ tạo thành một lỗ trống nho nhỏ màu trắng sáng,
giống như trái tim1 của Prometheus bị chim đại bàng moi đi tạo nên một khoảng trống rỗng vô hình.
1 Trong Thần thoại Hy Lạp, Prometheus là một vị thần khổng lồ, con trai của Lapetus và Themis. Ông là người đã trộm ngọn lửa từ thần Zeus và trao nó cho nhân loại. Zeus đã trừng phạt ông bằng cách xích ông vào một tảng đá để một con đại bàng ăn gan của ông hàng ngày. Tuy nhiên trong nguyên bản sách lại viết Prometheus bị đại bàng ăn mất trái tim. Ở đây theo nguyên bản của sách. (BTV)
Các ngón tay của Dịch Bách Đồng từ từ co lại, đôi môi run rẩy.
“… Tại sao bà lại ở đây?” Dịch Bách Đồng nhìn bà ta, bên tai vẫn còn văng vẳng âm thanh của tiếng nổ rền vang.
“Bách Đồng, đã nhiều năm không gặp cháu rồi. Cô thật không dám tin, liệu có phải cô đang nằm mơ không đây? Cô rất nhớ cháu, ngày ngày đều mong được gặp cháu, không ngờ hôm nay lại được gặp cháu ở nơi này… Bách Đồng… cô xúc động quá…” Bà ta bước đến gần Dịch Bách Đồng, giọng nói vang vang nhưng lại khá nhỏ nhẹ, khóe mắt bà ngày càng đỏ hoe.
“… Tại sao bà lại ở đây?” Dịch Bách Đồng cố gắng mở to mắt, kìm nén giọng nói đang run run của mình.
… Tại sao lại gặp bà ta ở nơi này.
… Cứ ngỡ rằng cả đời này sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau nữa.
“… Bách Đồng, cháu sao vậy? Gặp cô, cháu không vui à? Việc là thế này, cô đã chuyển đến đây lâu rồi. Bây giờ cô đang là giáo viên dạy âm nhạc ở đây. Cháu cũng thi đỗ vào trường này rồi à? Thật tốt quá, sau này cần giúp đỡ gì, nhất định phải tìm cô nhé, phòng làm việc của cô trên tầng bốn, tổ Âm nhạc đó. Bách Đồng, cả bố cháu nữa, ông ấy…” Bà giơ tay ra, chầm chậm chạm vào vai Bách Đồng.
Dịch Bách Đồng chợt cảm thấy đôi vai nhỏ bé của mình đau nhức giống như bị từng mũi kim đâm vào, cơn đau tê tái không ngừng tấn công và lan tỏa tới từng tế bào trên khắp cơ thể cô. Cô vội hất tay bà ta ra, lùi lại sau vài bước, cặp mắt mở trừng trừng nhìn bà ta vẻ rất kiên quyết rồi hét toáng lên:
“Đừng chạm vào tôi! Không được đến gần tôi.”
Đới Tô Nghiên vô cùng sửng sốt pha chút sợ hãi, nhưng theo phản xạ bà vẫn tiếp tục đưa tay về phía Dịch Bách Đồng, “Bách Đồng…”
“Cút đi! Bà cút đi!” Dịch Bách Đồng vội lấy tay bịt hai tai lại, âm thanh ầm vang văng vẳng bên tai cô từ nãy đến giờ tựa như bị xé nát ra thành từng mảnh, mỗi mảnh đều ngập tràn thù hận và oán trách. Mười năm nay nó được chôn giấu nhưng vào giây phút nhìn thấy bà ta, bao nhiêu oán hận, sợ hãi và tuyệt vọng của Bách Đồng cuồn cuộn quay trở lại, bùng phát không gì có thể ngăn cản được, “Tôi tuyệt đối không tha thứ cho các người! Đới Tô Nghiên, bà đừng mong tôi sẽ tha thứ cho s dối trá của các người! Chính các người đã khiến tôi bị như vậy, tất cả đều là do các người hại tôi!”
“Bách Đồng à!”
“Đủ rồi! Bà im miệng đi!”
Bách Đồng nói rằng, các người.
… Các người
… “Các người”, là chỉ ai với ai?
… Là các người của “mười năm trước”, hay các người của “mười năm sau”? Hai cái này có gì khác nhau không?
Xuân, hạ, thu, đông. Kế mùa xuân là đến mùa hạ.
Mười năm trôi thoáng qua nhanh tựa hoa nở rồi lại tàn. Mùa xuân của mười năm sau cơ hồ như là mùa xuân của mười năm trước. Dường như tất cả đang quay về quá khứ, thứ mà bấy lâu nay cô đã cố gắng trốn chạy.
… Tại sao cô lại phải chạm mặt người phụ nữ đó lần nữa.
… Tại sao mọi thứ cứ luẩn quẩn quanh một vòng tròn như vậy.
08
Dáng vẻ vội vàng, hơi thở gấp gáp chạy ra khỏi hội trường, Dịch Bách Đồng bất lực níu chặt chiếc váy của mình. Cô cau mày, nhẹ nhàng đưa cánh tay trái đang run rẩy lên che con mắt bên phải đáng thương. Trong cơn giận dữ, hàm răng cô cắn chặt vào môi, bất giác máu tươi cứ thế trào ra.
Bước chân lên lầu cô bỗng đụng phải Kiều Tô đang đi từ hướng bên cạnh tới, có vẻ như mọi thứ tới đây mới kết thúc.
Dịch Bách Đồng và Kiều Tô đang đứng trước mặt nhau, khoảng cách chưa tới một mét, lúc đó bầu không khí đã trở nên căng thẳng và pha chút ngượng ngùng.
“… Cậu vẫn ổn chứ?” Kiều Tô nói trước. Cậu xoa xoa bờ vai bị cô bạn đâm vào, đôi mày nhíu lại khi nhìn thấy thái độ hoang mang của cô.
Dịch Bách Đồng không ngẩng đầu, cũng chẳng trả lời, mà vội quay người tính chuyện bỏ đi.
Nhưng Kiều Tô đã nhận ra ý định của cô, cậu bèn chạy theo sau gọi, “Này, chờ chút, cà vạt của cậu bị lỏng kìa”, rồi nhẹ nhàng bước tới xiết lại cà vạt giúp Dịch Bách Đồng. Mặc dù khi ấy cũng có xảy ra một chút giằng co nhưng Dịch Bách Đồng gắng sức né tránh, còn Kiều Tô thì vội đuổi theo. Sau cùng là sự thỏa hiệp của cô trước sự kiên quyết của Kiều Tô “Đứng yên một chút nào, cứ như vậy thì bao giờ mới xong”.
Vừa thắt cà vạt, Kiều Tô vừa thận trọng quan sát thái độ trên gương mặt cô rồi bất giác hỏi: “… Xảy ra chuyện gì à?”
Dịch Bách Đồng giữ vẻ mặt lặng thinh, không nói không rằng. Kiều Tô thấy vậy vội tiếp lời “Ờ, chúng mình lại học chung lớp rồi, vừa nãy thấy cậu trong lễ khai giảng”.
Nếu không học cùng lớp, chắc cả đời này cậu sẽ luôn duy trì kỷ lục chỉ nói hai câu với cô ấy mất, Kiều Tô chẹp miệng thầm nghĩ. Cà vạt cuối cùng đã thắt xong, cậu thả lỏng cánh tay cách cổ cô ấy khoảng một centimet. Lúc ấy Bách Đồng vội vã cúi đầu chào, rồi bỏ chạy lên tầng trên.
Kiều Tô cau mày, liếc nhìn theo bóng dáng gầy guộc đó đang vội vàng bỏ chạy, một cảm giác bị mất mát thứ gì đó đang dấy lên trong cậu, rồi cậu lầm bầm nói một câu:
“Ừ… Hình như mình lại nhiều chuyện nữa rồi.”
09
Bách Đồng trở về lớp vào lúc mọi người đang tự ôn bài. Nói là tự ôn bài, nhưng thực chất là mọi người đang rất tự do thoải mái, ai làm việc nấy. Có được quãng thời gian thảnh thơi ấy nguyên do cũng bởi trên bảng có vài chữ viết nắn nót: “Giáo viên chủ nhiệm toàn trường đi họp.”
Dịch Bách Đồng cố gắng trấn tĩnh lại, thở một hơi thật mạnh rồi bước vào lớp, hy vọng rằng bạn bè trong lớp không nhận ra cô có điều gì khác thường. Vừa mới đặt chân vào phòng, cô nhìn thấy đám bạn đang ngồi ở chỗ mình, bọn họ đều bủa vây quanh Bách Tiểu Trạch và cùng nhau bàn tán đề tài gì gì đó. Nghe loáng thoáng cũng biết được họ đang nói chuyện về hàng hiệu, có cô bạn vẻ mặt hào hứng hùa theo “Cô bạn ngồi cùng bàn mình đi đôi giày hãng Pro‐ kids đó, hàng đó có giới hạn số lượng đấy” hay “Bây giờ mình cũng chẳng thích hàng của Nike nữa, nè nè, các cậu có biết chỗ nào bán nhiều hàng nhái không?” v.v…
Bách Đồng không có tâm trạng để nghe họ bàn tán những thứ đó, cô đi tới chỗ của mình, lạnh lùng bảo cô bạn đang ngồi trên ghế: “Làm ơn trả chỗ”.
Cô nàng với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn Dịch Bách Đồng sau đó lại quay sang phía Bách Tiểu Trạch, rồi bĩu môi thật dài và từ từ đứng dậy.
Dịch Bách Đồng vẫn giữ bộ mặt không cảm xúc chậm rãi ngồi xuống chỗ của mình. Cô rút mấy quyển sách trong ngăn bàn đặt lên mặt bàn, sắp xếp gọn gàng rồi áp cằm lên trên đó.
Bách Tiểu Trạch ngồi bên cạnh nhìn cô, khách sáo hỏi: “Đi đâu mà về muộn thế?”
“… Ừm. Chẳng đi đâu cả.” Dịch Bách Đồng nhỏ nhẹ trả lời.
“Ờ… Vậy à.” Bách Tiểu Trạch không hỏi nữa, rồi lại quay sang tiếp tục bàn tán gì đó với mấy cô bạn khác.
Mãi tới khi chuông báo nghỉ trưa reo lên, nhóm bạn bên cạnh Bách Tiểu Trạch mới rời khỏi lớp. Khi ấy Bách Đồng cũng đứng dậy, đi ra ngoài. Vốn định hỏi Bách Tiểu Trạch nên đi hướng nào tới căng tin, nhưng khi bước tới gần, cô tình cờ nghe thấy những lời bàn tán khe khẽ của họ. Bách Tiểu Trạch bắt đầu bằng một giọng nói khinh bỉ: “Ê, các cậu có cảm thấy cô ta có chút gì đó ‘hơi đặc biệt’ không? Tuy ‘đặc biệt’ là điều tốt để thể hiện bản thân, nhưng cũng đâu cần chảnh như thế chứ?” Một cô nàng khác cũng hùa theo: “Đúng thế, đúng thế, ‘đặc biệt’ lắm, nhưng lại khiến người khác cảm thấy khó chịu.” Tiếp đó là một câu: “Cũng khó trách cô ấy, dù gì người ta cũng vào đây nhờ mối quan hệ mà. Nghe nói cô ấy không đi thi, nên bố cô ấy đến nhờ hiệu trưởng Kiều. Mà hình như cô ấy vừa mới xuất viện đấy. Chẳng biết bị bệnh gì nữa, có khi nào là bệnh truyền nhiễm không?” Cuối cùng là điệu cười giả tạo của Bách Tiểu Trạch:
“Ghét ghê, đừng nói nữa, nghe kinh quá. Mình ngồi cùng bàn với cô ta đấy.”
Đó là những lời Dịch Bách Đồng nghe thấy.
Còn đám người nói ra những lời đó lại cho rằng mãi mãi cô chẳng thể nào nghe thấy được.
Nhưng dù nghe thấy hay không thì cũng chẳng thay đổi được gì.
... Dù đi tới đâu, mọi thứ xung quanh cũng vẫn là những mối quan hệ quá đỗi bình thường. Nó đã trở nên quá quen thuộc rồi.
10
Không tìm thấy con đường quay trở lại. Chỉ có chiếc cầu thang thẳng đứng lên phía trên cùng.
Nên chọn con đường quay về đỉnh của cơn ác mộng ngày xưa, hay quyết định chinh phục bàn tay ma quỷ hiện lên trước mắt?
11
Dịch Bách Đồng từ bỏ ý định ăn cơm trưa ở căng tin. Nhưng lúc này mà quay về lớp thì cũng chỉ có một mình cô thôi. Cảm thấy chán chường, cô quyết định leo lên sân thượng của trường.
Trường chuyên cấp III này là một tòa nhà có tám tầng, nó cũng được coi là ngôi trường cao nhất trong thành phố.
Dịch Bách Đồng bắt đầu từ tầng năm. Mỗi bước chân khi chạm đất cô luôn có cảm giác hoảng sợ, lo lắng, không vững chắc, vì thế cô leo rất chậm.
Tầng thứ sáu. Tầng thứ bảy. Sau đó là bậc thang thứ nhất… thứ hai… thứ ba… của tầng thứ bảy… khi tới bậc thang trên cùng, Dịch Bách Đồng bỗng dừng hồi lâu.
Nhìn bằng mắt thường có thể nhận thấy bậc thang cuối cùng cao hơn các bậc thang phía dưới khoảng mười centimet. Khi chân trái của Bách Đồng bước lên, nhưng cũng chỉ dừng ở đó mà không biết nên làm thế nào để bước chân phải lên tiếp.
Hai bên phải trái luôn có khoảng cách và sự chênh lệch nhất định.
Vì thế những thứ nhìn rõ bằng con mắt bên trái thì ở con mắt bên phải sẽ chẳng có cách nào thấy được.
Cuối cùng, Bách Đồng nhìn xung quanh một lượt, nhận thấy không còn ai qua lại nữa cô mới chầm chậm khom người xuống, dùng bàn tay chống xuống bậc thang lạnh ngắt, rồi sử dụng hết sức nhấc chân phải di chuyển lên trên bậc thềm đối diện bậc thang phía trên.
Vậy là cũng đã leo lên đến đỉnh rồi. Bách Đồng thở phào nhẹ nhõm, phủi phủi bàn tay dính đầy bụi rồi đi về phía trước. Trước khi đi tới hành lang dẫn vào sân thượng, cô đưa tay đẩy cánh cổng sắt được sơn màu xanh lá cây.
Bất chợt, ánh sáng thoáng đãng chiếu thẳng vào mắt Dịch Bách Đồng.
Cô nheo mắt theo bản năng, dùng tay che luồng sáng đột nhiên xuất hiện. Đợi khi đã thích ứng với ánh sáng tại đây, cô mới từ từ buông tay xuống.
Nhưng khi cô ngước ánh mắt nhìn về phía trước, xuất hiện một luồng ánh sáng chói lóa phía trước mặt khiến cô chau mày.
Bách Đồng đứng cách lan can trên sân thượng khoảng mười mét, phía trước là một chiếc giá vẽ làm bằng gỗ màu nâu cùng một bảng vẽ màu xám tro, đặt nghiêng nghiêng trên chiếc dầm ngang của giá vẽ có thêm một chiếc kẹp nhỏ màu đen để giữ giấy vẽ. Bất chợt có cơn gió thổi qua, từng trang giấy vẽ màu trắng bị thổi lên nghe “xoèn xoẹt”.
Chẳng biết tại sao chiếc kẹp nhỏ màu đen đột nhiên bị rơi “lách cách” xuống chân giá gỗ.
Rồi lần lượt, lần lượt từng tờ giấy vẽ màu trắng bay lượn trên không trung.
Phát ra âm thanh phành phạch, phành phạch tựa như tiếng chim tung cánh bay. Từng tờ từng tờ rơi rải rác.
Một tờ. Hai tờ. Ba tờ. Bốn tờ.
Năm tờ…
Trong lúc những tờ giấy vẽ đang bay lượn trên không trung, Dịch Bách Đồng thoáng nhìn thấy phía sau chiếc giá vẽ là hình ảnh một người đang đứng tựa vào lan can. Cặp mắt đang hờ
Trong lúc những tờ giấy vẽ đang bay lượn trên không trung, Dịch Bách Đồng thoáng nhìn thấy phía sau chiếc giá vẽ là hình ảnh một người đang đứng tựa vào lan can. Cặp mắt đang hờ khép, đôi lông mi dày, tai đang đeo chiếc tai nghe bluetooth màu bạc, mái tóc đen bồng bềnh tựa mây lướt phướt theo làn gió mát lành. Và điều khiến con mắt trái của Bách Đồng đau nhói chính là hạt pha lê được đeo trên cổ của người đó.
Gió ngày càng thổi mạnh.
Giấy vẽ đang làm cản tầm nhìn.
Cô vẫn sững người đứng tại chỗ, còn người đó như cảm nhận được điều gì, khẽ khàng mở mắt.
Ánh mắt của hai người bỗng gặp nhau giữa những tờ giấy vẽ đang tung bay trong gió kia.
Cô nhìn người đó.
Người đó nhìn cô.
Bất chợt tiếng sấm rền vang inh ỏi, liên tiếp trên bầu trời phía xa xa. Dường như những giọt mưa đang tí tách rơi tạo nên những mảnh vụn không thể ngờ tới.
Bên tai cô lúc này đang văng vẳng điệu nhạc du dương nho nhỏ từ chiếc tai nghe của cậu chàng kia đã được tháo ra lúc nào chẳng biết. Ở đó âm thanh của tiếng trống dường như càng ngày càng lớn, càng ngày càng to hơn.
... Chẳng ai dời mắt.
... Chỉ đến khi ánh mắt của hai người cùng dừng lại trên tờ giấy vẽ màu trắng thì thái độ kinh ngạc đã hiện rõ trên khuôn mặt.
Thời gian và âm thanh dường như đã biến mất. Thay vào đó là nhịp đập của con tim đang thay đổi mạnh mẽ.
“Thình thịch”, “Thình thịch”, “Thình thịch”.
Giữa khoảng không bao la chợt vang lên giọng nói lầm bầm xen lẫn cảm xúc kinh ngạc cùng nỗi bi thương, đau nhói:
“… Đới… Mạc Ly?”
12
Âm thanh của gió. Âm thanh của mây.
Âm thanh của vô số chú chim đang vỗ cánh bay lượn trên đỉnh đầu.
Phải chăng tia nắng cũng phát ra âm thanh, nhưng dường như nó đã thẩm thấu vào đường gân trên từng chiếc lá, và rồi nó được hòa vào không khí và trở thành chất phát ra ánh sáng vô cùng.
Không khí đang phát sáng.
Những hạt bụi đang không ngừng chuyển động.
Cánh chim đang sà xuống phản chiếu trên ô cửa sổ và những chiếc lông màu trắng trên từng đôi cánh đang mở to bay lượn trên không.
Bất kỳ âm thanh nhỏ nhoi, yếu ớt nào cũng đều đụng chạm đến tận sâu trong màng nhĩ. Chiếc tai nghe trên sân thượng vẫn lặp đi lặp lại bài hát đang hòa vào khoảng không vũ trụ bao la:
... She says she has no time.
... For you now.
... She says she has no time.
... For you now.
... She says she has no time.
... Well Think about the lonely people.
/10
|