Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 527: MỘT VỤ “CƯỚP”

/703


Tám giờ rưỡi sáng chủ nhật, Gaby rón rén rời khỏi nhà. Cô nhón chân đi chỉ sợ tiếng động làm bố thức giấc. Hôm qua ông từ sở làm về quá khuya.

Oskar khôn ngoan không sủa một tiếng nên được Gaby cho đi theo. Trong giỏ xe đạp của cô bé là một túi đầy sách cho Sabin.

Khi Gaby đến nhà riêng bác sĩ Raedl thì gặp ngay Sabin đang từ ga-ra ô-tô đi ra. Cô bé mười một tuổi cười toe toét:

- A, chào chị Gaby! Chị dậy sớm thế. Cả Oskar nữa này, tuyệt quá!

- Chị đến có quá sớm không đây?

- Không, nhà em vẫn thường dậy sớm mà. Mới lại, ba em trực đêm qua đã về đâu.

- Chị biết ba em phải trực rồi.

- Chị lại đây. Tụi mình xem bể cá đã nhé, rồi hãy vào nhà.

Bể cá nằm ngay bãi cỏ phía sau nhà. Sabin ríu rít khoe:

- Đó, chị nể em chưa. Hồ cá được làm bằng vải nhựa, rộng mười mét vuông, chỗ sâu nhất cỡ 80 cen-ti-mét. Điều quan trọng là mặt hồ và bờ phải thoai thoải để các con vật sống dưới bể nếu muốn, có thể bò lên được. Lại còn phải lo sao cho phía dưới thật kín kẻo nước ngấm đi hết.

Gaby trầm trồ khen cái bể, trông cứ như một ao nước thiên nhiên vậy.

- Chị nhìn coi, Gaby. Con rùa Susi kìa, nó đã 73 tuổi đấy. Con rùa dài khoảng 40 cen-ti-mét màu nâu sáng thuộc loại rùa cạn vùng Ma-xê-đoan. Nó lúc lắc đầu chào chị kìa.

- Ừ nhỉ. Nhưng sao em biết con rùa đã 73 tuổi?

- Thì người lớn kể chớ sao. Hồi xưa cụ em đã mua Susi từ một gánh xiếc rong, hồi đó là năm 1918, Susi mới có một tuổi. Con rùa cực kì nhạy cảm với thời tiết, trời lạnh nó biết bới đất trú ẩn trước. Mẹ em sợ nó bị rét nên đã đào hẳn một lỗ trống để nó có thể tự chui được vào hầm nhà. Ở đó, mẹ để sẵn cho nó một cái thùng có lót nệm ấm. Susi biết cả tìm vào thùng nằm nữa.

Rùa Susi lúc này đã bò lên, lim dim mắt trong bàn tay âu yếm của Gaby. Đúng lúc đó, bà Raedl từ cửa sổ nói vọng ra:

- Vô nhà đi các con. Thức ăn xong cả rồi.

Hai cô bé từ giã Susi đi vào nhà, Oskar lon ton theo gót. Gaby chào bà Raedl và hơi khựng lại khi bắt gặp sự biến đổi kì lạ nơi khuôn mặt thường ngày đầy nghị lực của bà mẹ Sabin. Bữa nay ngó bà thật nhợt nhạt. Tay bà lạnh quá, môi bà hơi run run khi bà mỉm cười gượng gạo chào lại Gaby.

Sabin khoe rối rít:

- Mẹ ơi, chị Gaby cho con tới mười bốn cuốn sách giáo khoa lận. Sách của chị ấy còn mới cực, tuyệt không nè.

- Ồ, cảm ơn cháu Gaby. Nào, xuống bếp đi các con. Để mẹ gọi điện thoại cho ba con một chút.

Mùi bánh mì nướng thơm phức không còn hấp dẫn Gaby. Cô hồi hộp chờ điện thoại của bà Raedl. Bỗng nhiên cô cứ có cảm giác bất ổn sao đó. Quả nhiên, bà mẹ Sabin lao từ phòng trong ra hớt hải:

- Sabin này, tại sao ở cửa hiệu không có ai cầm máy nhỉ?

- Mẹ yên trí. Có thể ba con đang trên đường về nhà.

- Không thể có chuyện như vậy. Mẹ đã gọi lần trước cách đây mười lăm phút cũng không thấy ai nghe. Mà từ cửa hiệu về đây chỉ đi hết không quá mười phút. Mẹ chỉ sợ có chuyện gì xảy ra…

Bà Raedl gượng gạo ngồi xuống bàn ăn để hai cô bé có thể an tâm cầm muỗng, nĩa. Tuy vậy chưa tới năm phút, bà lại bồn chồn đứng lên gọi điện thoại nhưng ở hiệu thuốc vẫn không có ai lên tiếng. Bà dặn:

- Hai con cứ ăn tiếp nhé. Mẹ phải đến cửa hàng xem sao.

Gaby bật dậy:

- Nếu bác cho phép, cháu xin được đi cùng. Lỡ có việc gì cháu có thể gọi điện cho ba cháu biết. Cháu sẽ ôm con Oskar vào lòng ạ.

Bà Nina thở dài gật đầu.

Ba bác cháu lấy xe hơi phóng một mạch đến khu phố cổ. Chiếc ti-vi cuối cùng của cửa hàng video cũng vừa tự động tắt máy. Hiệu thuốc đóng cửa im ỉm. Bà Nina hết bấm chuông rồi đập cửa vẫn không nghe thấy một tiếng vọng. Giọng bà đầy lo lắng:

- Ông ấy có thể đi đâu được chứ?

Bà chạy ra phía sau. Lúc này Sabin mới cảm thấy sợ. Cô bé níu tay Gaby:

- Em sợ quá. Ba em đi đâu rồi nhỉ?

Gaby đưa mắt nhìn quanh. Lặng như tờ.

Chợt bà Nina nghe có tiếng động ở tầng hầm. Bà chạy nhào xuống đó, hai cô bé cũng chạy theo. Lúc này cả ba đã nghe rõ tiếng ông Raedl vọng ra từ một căn buồng cửa đóng chặt. Họ nhào tới đó. Ông Raedl vừa đập cửa vừa nói vọng ra:

- Ôi, tôi bị nhốt trong này. Đêm qua chúng đột nhập vào cửa hiệu, vơ vét sạch các loại thuốc giảm đau rồi!

*

Chuông nhà thờ báo lễ sáng đã vang lên. Tuy nhiên trong hiệu thuốc, hai ông bà Raedl đâu có lòng dạ nào mà nghĩ đến Thượng Đế. Nếu không nhờ Gaby gọi điện cho thanh tra Glockner thì giờ này dược sĩ Raedl có lẽ vẫn còn bó gối dưới tầng hầm. Chính ông Glockner đã mở khóa để giải phóng cho ông dược sĩ.

Sabin mãi bây giờ mới cảm thấy đỡ sợ. Cô hồi hộp theo dõi câu chuyện. Bà Nina thì mặt vẫn tái nhợt, thất thần. Hai tay bà vẫn lạnh giá.

Gaby có cảm giác bà mẹ của Sabin đã linh cảm trước được sự việc này. Người ta có thể linh cảm trước được tai họa không nhỉ? Chà, nếu vậy thì còn gì bằng.

Ông Raedl đang uống li cà phê đen mà vợ ông vừa pha. Ngó ông vẫn có vẻ hốt hoảng, lo lắng. Bà Nina cũng mời ông thanh tra một li… Vừa nhấm nháp cà phê, ông vừa nhẩn nha hỏi chuyện ông dược sĩ:

- Ông tin chắc lúc đó là một giờ hai mươi phút ư?

- Đúng, thưa ông thanh tra. Vì trước đó tôi cũng có ngó đồng hồ.

- Nghe tiếng chuông, ông đi ra cửa và đã thấy tên tội phạm qua cửa kính à?

- Đúng, à mà không. Tôi chỉ thấy loáng thoáng. Mắt tôi không thể nhìn xa được thưa ông thanh tra. Lúc mở cửa sổ tôi mới biết y lăm lăm súng ngắn và trùm kín mặt. Y cao lớn, khoác chiếc áo mưa màu sáng, đội nón lưỡi trai, giọng khàn đục…

- Và ông buộc phải mở cửa? Y đã nói gì với ông?

- Y buộc tôi phải xếp tất cả các loại ni-cô-tin trong hiệu thuốc vào một hộp. Ông thông cảm cho… Họng súng của y gí sau gáy tôi.

- Mọi việc diễn ra trong bao lâu?

- Khoảng mươi phút. Sau đó y đưa tôi xuống tầng hầm và khóa trái cửa lại. Có lẽ y đã cầm chìa đi mất rồi.

Ông thanh tra khuyên:

- Ông hãy thay cái khóa cửa đi.

Raedl ngơ ngác gật đầu. Có lẽ ông chưa kịp nghĩ ra việc đó.

Gaby nhìn ra ngoài phố. Cô sửng sốt khi thấy Ossi và Jo lững thững bước vào cửa hiệu. Hôm nay chủ nhật trông hai con nhặng bảnh bao hẳn ra. Hai thằng thản nhiên bước vào hiệu thuốc, như mọi khách hàng.

Khi trông thấy Gaby, hai chú nhặng sững người. Nhưng chúng lấy lại bình tĩnh khá nhanh và làm bộ giả lả:

- Xin chào cả nhà. Bữa nay cửa hàng ta đây trực phải không ạ?

Ông Raedl điềm tĩnh:

- Hai cậu cần gì?

Ossi chỉ tay về phía Jo:

- Bạn tôi bị đau bụng tháo dạ.

Thằng Jo hơi co người. Chà Ossi, cái thằng đểu. Ai nói chuyện bụng dạ trước mặt đàn bà con gái bao giờ. Mà ở đây có tới ba người thuộc phái yếu lận.

Raedl bước đến giá thuốc:

- Tôi có thuốc đau bụng đây.

Gaby chợt quay sang bố già:

- Ba, có lẽ ba nên hỏi chuyện hai anh này với tư cách là nhân chứng được đấy ạ.

- Sao?

- Trong hai người này có một người tên là Oswald Krenk. Anh ta sống ở ngay đối diện với hiệu thuốc, biết đâu anh ta chẳng trông thấy điều gì đó bất thường.

Không để ý đến vẻ cau có của hai “nhân chứng bất đắc dĩ”, ông Glockner hỏi luôn:

- Đêm qua hiệu thuốc bị đột nhập. Hai cậu có thấy gì bất thường không?

Ossi hoảng vía:

- Vào lúc nào kia?

- Lúc một giờ hai mươi phút.

- Tại chỗ nào ạ? À, ý tôi nói là tại đây hay ngoài cửa?

- Lúc một giờ hai mươi phút, một kẻ bịt mặt đã dùng súng đe dọa ông Raedl, ngay ngưỡng cửa, và mọi chuyện diễn ra sau đó trong nhà này. Tên gian mặc áo mưa màu sáng và đội mũ lưỡi trai.

Ossi đưa mắt nhìn Jo:

- Một giờ hai mươi phút, lúc đó tụi mình đang làm gì nhỉ? Phải rồi, lúc đó Jo đang kéo gỗ, còn tôi thì đang coi ti-vi. Rất tiếc, thưa ông, tụi tôi chẳng thấy có gì đặc biệt cả.

Thanh tra Glockner cau mày nhìn hai tên thanh niên. Trông chúng thật không đáng tin chút nào. Hình như Ossi biết điều đó, gã lúng túng:

- Tôi nói thật đấy. Tụi tôi không biết gì cả. Ê, trả tiền thuốc đi Jo!

Rồi hai thằng chào mọi người và chuồn thẳng.

Ông thanh tra hỏi ông dược sĩ:

- Trong hai gã vừa rồi, ông nghi ngờ tên nào không?

- Không. Tên kia cao lớn hơn bọn chúng nhiều.

*

Hai con nhặng bay về sào huyệt là rúc đầu vào nhau ngay. Giọng Ossi ré lên:

- Lão dược sĩ đã nói láo. Làm sao lão bị trấn lột lúc một giờ hai mươi phút chớ. Lúc đó tụi mình đang đứng trước cửa hiệu thuốc của lão cơ mà. Tao còn nhớ tao đã bấm chuông tới ba lần.

- Vậy tại sao lão khai vậy chớ? Hay lão nhầm?

- Nhầm chó gì mà dữ vậy. Tụi mình bắt đầu quan sát cửa hiệu của lão từ lúc một giờ mười hai phút. Suốt từ lúc đó tới một giờ ba mươi. Chính tao đã mấy lần nhìn sang đó. Tao cứ thắc mắc không biết lão biến đi đâu mất nữa kia mà.

- Vậy mày cho rằng chuyện này là thế nào, hả?

- Này nhé, nếu một hiệu thuốc bị trấn lột thì kẻ đột nhập nhằm vào thứ gì nào? Động đậy cái đầu… quý tộc dổm của mày chút coi Jo.

- Thì cũng giống như mục đích tụi mình: các loại thuốc kích thích chớ gì.

- Hà, mới đúng có một nửa. Còn tiền nữa chớ. Và như vậy, có thể lão thầy thuốc đó đã bày đặt ra cái màn bị trấn lột. Lão đã tự vẽ bùa sau khi đã đẩy món ma túy gây nghiện ấy ra chợ trời. Lão phải đóng kịch vậy vì muốn bán thuốc giảm đau, thuốc kích thích thì phải có đơn của bác sĩ.

Jo thích chí, huýt sáo:

- Ờ há. Mà nếu đúng vậy thì tụi mình sẽ có cách bắt lão phải nôn ra.

- Ờ… Nhưng trước hết phải xem có đúng vậy không đã. Ngày mai thế nào báo chí cũng đăng tin về vụ này, nhưng ngay hôm nay tụi mình sẽ nắn gân lão xem sao.

*

Gaby quyết định lên xe hơi cùng với bố. Xe đạp gửi ở nhà Sabin rồi lấy sau cũng chẳng sao. Cô hỏi bố:

- Ba đang nghĩ chuyện gì vậy?

- Có lẽ ba vẫn còn ngái ngủ đó.

- Í, ba tỉnh ngủ rồi. Đừng gạt con nghe. Ba đã phát hiện ra điều gì đó nhưng chưa chắc chắn, đúng thế không ạ?

- Chà, con gái của ba. Đúng vậy! Những lời của ông Raedl mâu thuẫn một cách kì cục.

- Ba giải thích cụ thể đi?

- Chà, tò mò dữ. Thực ra, ba đã áp dụng kĩ thuật hỏi cung để lần ra manh mối. Người ta có thể hỏi về một vấn đề nhưng đặt câu hỏi từ nhiều khía cạnh khác nhau, luôn luôn thay đổi cách hỏi. Làm sao để người bị thẩm vấn không cảm thấy là mình đang bị kiểm tra. Thí dụ: “Lúc thằng cướp đeo mặt nạ lấy cái thùng các-tông thì ông đang đứng ở đâu?”. Và sau đó lại hỏi: “Ông có thấy tên tội phạm lấy thùng thuốc không?”. Hoặc: “Khi thằng cướp cầm cái thùng trên tay thì ông làm gì?”… Tóm lại ba cho rằng ông Raedl đã bịa chuyện. Nhiều chi tiết trong lời trình bày của ông ta không ăn nhập với nhau. Những điều ông ta kể không có sức thuyết phục, do bịa đặt.

- Ba ơi, ba cho rằng ông Raedl đã dựng lên vụ trấn lột này sao?

- Rất có thể là như thế.

- Chúa ơi! Nhưng tại sao chứ ạ?

- Có thể ông ấy đã làm gì đấy với loại biệt dược ni-cô-tin và bây giờ bị thiếu hụt.

- Không lẽ ông Raedl lại là người nghiện ngập sao ba?

- Ba không nghĩ ông ta là người như thế.

- Ba à, có chuyện này nữa, lúc con đến nhà Sabin, con thấy bà Raedl lạ lắm. Bà ấy có vẻ lo lắng về một chuyện gì đó thì phải.

- Ông bà Raedl là những người làm ăn lương thiện, đứng đắn. Ba sẽ hết sức thận trọng tìm hiểu chuyện này. Hiện tại ông Raedl vẫn còn choáng váng, cho nên ba chưa thể nói thẳng mọi việc với ông ấy. Có thể có rất nhiều nguyên nhân khiến ông ấy làm như vậy. Trong gia đình hoặc bạn bè có người nghiện ngập và ông Raedl muốn giúp người ta chẳng hạn. Hay có kẻ nào đó đã ép buộc ông ấy cũng nên… Để rồi xem con ạ.

- Dạ, ba thả con ở nhà nghe, con phải thay đồ vì mười một giờ trưa nay tụi con còn hẹn nhau ở đại lộ Cây Bồ Đề.

- Có nghĩa là bữa nay ba mẹ sẽ không có hân hạnh được cùng đi dạo với con chớ gì?

- Vậy mình làm ngược lại đi ba. Ba mẹ cùng đi chơi với tụi con, được không ạ?

- Cảm ơn nhã ý của… Công Chúa. Nhưng bữa nay ba muốn được nghỉ ngơi. Mà đi chơi với nhóm Tứ quái các con thì… ông già này xin kiếu.

*

Nhà trọ SCHUCKE có tám buồng, giá cho thuê thuộc dạng bình dân. Bà chủ nhà trọ Paula đang áy náy vô cùng. Hiện tại chỉ có hai khách trọ ở đây thì một người là từ Leipzig sang, mới ở được năm ngày đã bị bọn lưu manh phóng hỏa đốt trụi chiếc ô-tô. Cảnh sát đã biết việc này nhưng chưa điều tra được gì. Và bà Paula cứ đắn đo mãi xem có nên giảm tiền phòng cho cái ông khách xui xẻo tên Gred Rostowski ấy không…

Có tiếng gõ cửa.

Rostowski, phải, chính là gã, ăn mặc rất bảnh, bước vào. Gã dặn bà Paula:

- Sẽ có hai ông khách đến đây tìm tôi, thưa bà chủ. Họ không hẹn giờ chính xác. Giờ thì tôi phải đi công chuyện chừng một tiếng đồng hồ. Nếu họ tới xin bà hãy nhận giùm tôi thùng quà và đem giúp lên phòng.

- Ông cứ yên tâm, thưa ông Gred. Ông có hài lòng với nhà trọ của chúng tôi không ạ?

- Cảm ơn bà. Mọi thứ đều rất tuyệt. Tôi chỉ tiếc không gặp được người bạn cũ. Xa nhau từ năm 1955 kìa. Hồi đó tụi tôi còn nhỏ, quen nhau ở một trại hè thiếu nhi mà. Ông ấy giờ ở thành phố này nhưng nghe nói cùng vợ đi nghỉ hè đâu tận Malorca. Tên ông ấy là Isidor Fiedler. Bà vợ ông ta tên là Iad Felicitas. Bà có biết họ không nhỉ?

- Rất tiếc, tôi lại không biết họ.

Đúng lúc đó Rostowski reo lên:

- Hai ông khách của tôi đã đến rồi kìa! Vậy khỏi phải phiền bà nữa. Chúc bà một ngày nghỉ vui vẻ.

Bà Paula tò mò liếc qua cửa sổ và thấy một chiếc xe hơi màu đen hiệu VW đỗ xịch lại. Hai người đàn ông ăn mặc lịch sự xuống xe.

Dieter Brestler mở miệng trước:

- Chào Gred. Xin giới thiệu đây là anh bạn Charles Wolmhus của tôi. Tôi và Charles làm ăn chung với cô Irene Lobitz.

Rostowski vồn vã:

- Xin chào anh, Charles.

- Xin chào.

Brestler lại bảo:

- Thôi được rồi. Giờ thì mỗi người một chân một tay đưa cái thùng này lên phòng anh bạn thôi. Khá nặng đó. Hai dồn một mà.

Cả bọn biến lên phòng Rostowski.

Rostowski phấn khởi thấy rõ:

- Đêm qua tôi giả say đến hiệu thuốc để xem tình hình. Không thấy Raedl có mặt, tôi biết là các vị đã thu xếp đâu vào đấy.

Dieter Brestler cười khẩy:

- Cái thằng dược sĩ đó, gì mà không xong. Nó nhát quá. Mới hù dọa sẽ thủ tiêu con gái nó là nó run bắn lên rồi. Ngó coi, lão nộp cho tụi tao hộp thuốc. Phen này thì mày giàu to rồi Gred. Với thùng thuốc này làm phi vụ đầu tiên, một ngày nào đó mày sẽ có cơ hội trở thành trùm ma túy ở bên đó, Gred à. Này, bao giờ thì mày cút đấy?

Rostowski nhếch mép:

- Tao định ở đây vài ngày nữa để liên hệ mua chiếc Porsche. Xe cũ thôi, nhưng còn ngon lắm.

Dieter Brestler huých cùi chỏ vô sườn Charles Wolmhus:

- Mày thấy nó bảnh chưa, chiến hữu. Ăn mặc xịn, chơi xế hộp sang trong khi tụi mình kiếm sống từng ngày.

Rostowski cười cầu tài:

- Tụi mày vờn tao hoài. So với tụi mày, thứ tao đây nhằm nhò gì đâu. Nay mai cửa hàng vàng bạc trang sức phất lên, tụi mày thành triệu phú cho coi. Chưa kể cái vụ thùng thư nữa. Tao tin chắc tụi mày cũng vô đậm. Đáng lẽ tụi mày phải cho tao ké mới phải.

- Ơ, mắc mớ gì mà tụi tao phải ăn chia với mày?

- Nói nghe lạ. Không có tao kể vụ lão Fiedler vắng nhà thì tụi mày lấy địa điểm nào để đặt thùng thư hả?

- Tưởng gì. Tìm địa chỉ để đặt thùng thư thì tụi tao tìm ngon.

- Thế đã nhận được gì chưa?

- Tụi tao đoán từ ngày mai thư tín sẽ ùn ùn đổ về.

- Chúng mày thắng lớn là cái chắc. Tao còn lạ chó gì dân vùng tao. Thế nào cũng cắn câu. Ê, làm một li cô-nhắc lấy hên chứ?

- Miễn nhậu lúc làm ăn! Mày kiểm tra thùng hàng lẹ lên. Tụi tao đang cần tiền rất gấp.

- E… hèm, thì… kiểm.

Rostowski ực cạn li rượu rồi khui thùng các-tông. Sau nửa giờ kì kèo bớt một thêm hai, Rostowski bằng lòng mua số thuốc với giá 12.000 mark.

Gã trả toàn bằng tiền to, loại 1.000 và 500 mark. Hai thằng bán hàng săm soi kĩ từng tờ bạc.

Dieter Brestler nhướng bộ mặt thiếu lông mày:

- Tiền thật không mày?

- Nếu ngân hàng Liên Bang không làm bậy thì đây là tiền thật. Tao chưa khi nào kinh doanh bạc giả, nhưng cũng là một gợi ý hay đó, đáng để tao quan tâm.


/703

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status