Khúc Ca Biệt Ly

Q.1 - Chương 15 - Chương 15

/90


Kỳ thi kiểm tra cuối tháng của Thiên Trung, cuối cùng đã bắt đầu hai tháng sau khi khai giảng.

Đối với kỳ thi này, tôi vẫn rất thong dong. Thật ra so với những nữ sinh học đến sứt đầu mẻ trán, tôi hoàn toàn không thể được coi là rất chịu khó, tôi chỉ dùng thời gian mà những nữ sinh khác đầu tư vào những suy nghĩ liên quan đến tình yêu hoặc nam minh tinh hoặc là thời gian dùng để tám chuyện trên trời dưới đất nhai thức ăn vặt v.v. đặt vào việc học hành là đã đủ.

Tôi chưa bao giờ thức khuya, cũng không phải dậy sớm ôn bài. Cuộc sống rất có quy luật, tâm tình rất bình ổn.

Có lẽ những cái đó mới là bí quyết toàn thắng của tôi —- tôi thế mà đứng đầu lớp trong kỳ thi.

Cũng chính vì vậy, cái “số 1” này khiến tôi từ một cái tên tầm thường trong lớp trở thành một “minh tinh” mà quần chúng theo dõi, khiến cho mọi người bắt đầu nhìn tôi bằng một ánh mắt khác sau khi gỡ mắt kính ra. Hôm thầy Sướng công bố thành tích, Nhan Dự Dự không ngừng tặc lưỡi khen ngợi: “Mã Trác Mã Trác Mã Trác, có cách nào nói cho tớ biết, đầu óc của cậu làm bằng gì vậy?”

“Chắc trùng hợp thôi.” Tôi nói.

Tôi tuy vui mừng, nhưng thật tình không cảm thấy có cái gì lấy làm kiêu ngạo lắm. Vì từ năm lớp 5 trở đi, đứng đầu kỳ thi đối với tôi mà nói đã thành như cơm bữa.

“Khiêm nhường bỏ xừ!” Nhan Dự Dự mắng tôi, mắng xong lại nói: “Tớ mặc kệ, lần sau thi mà tớ không hiểu chỗ nào thì cứ quay bài cậu, hê hê hê.”

Ngay lúc chúng tôi đang nói chuyện với nhau, Tiêu Triết ngồi ở bàn phía trước bất chợt ngoái đầu xuống, bất động nhìn tôi chằm chằm.

Tôi bị cậu ta nhìn đến mất hết tự nhiên, thế nên tôi cúi gằm đầu xuống.

Nhan Dự Dự mau miệng hỏi: “Này, bạn Tiêu Triết, bạn đang nhìn cái gì thế? Có phải bạn rất không cam lòng chịu thua không?

Không ngờ Tiêu Triết cũng không thèm đếm xỉa gì đến cô ấy, mà vẫn nhìn tôi không dời mắt, nói: “Mã Trác, tớ muốn thỉnh giáo cậu một bài tập.”

Nói xong, Tiêu Triết khuân một cuốn sách luyện thi dày cui cỡ 300 trang đặt lên bàn của tôi, chỉ một bài bị dùng bút bi đồ gần như đen thùi hỏi tôi: “Cậu có thể suy nghĩ một chút đề bài này không? Tớ cứ mãi không hiểu rõ được.”

Tôi ngây ngốc nhìn đề bài đó, không biết cậu ta có ý đồ gì.

Tôi kéo sách lại gần, lúc tôi đang nhìn đề bài đó một cách thụ động thì cậu ta lại lên tiếng: “Bạn học Mã Trác, xin hỏi cậu bình thường tham khảo những sách nào?”

“Đâu có sách nào đâu.” Tôi ngẩng đầu, chậm chạp trả lời cậu ta.

“Bạn Mã Trác, bạn đâu cần phải dấu nghề đến vậy chứ?” Cậu ta đẩy đẩy gọng kính trên mũi, lấy tay giằng cái cặp nặng như chì của cậu ta bỏ đi, va “bịch” vào bàn của tôi một cái, làm tôi bị chấn kinh đến trợn mắt há mồm.

Tôi đã sớm nghe Nhan Dự Dự nói qua, Tiêu Triết là một trong nhóm “Bốn Thiên Tài” của Thiên Trung hồi cấp 2. Ngày thường im hơi lặng tiếng, từng lấy linh cảm từ Nhạc Phi, tìm thợ xăm mình yêu cầu xăm bốn chữ “Thanh Hoa Bắc Đại” gây chấn động toàn trường. Cậu ta lần này không lấy được danh hiệu số 1 trong khối, hình như rất có ý kiến với tôi.

Nhưng Nhan Dự Dự thì lại không nghĩ giống vậy —- “Cậu ta ngắm trúng cậu rồi!” Cô ấy dùng lấy ngón tay chỉ vào lưng của Tiêu Triết, há miệng nhép sáu chữ đó với tôi.

“Tớ học chung với cậu ta hồi cấp 2, tớ lấy nhân cách của mình ra đảm bảo, cậu là nữ sinh đầu tiên cậu ta chủ động nói chuyện với. Trong 3 năm cấp 2, người nói chuyện với cậu ta không quá 5 bạn, nữ sinh không quá 0 bạn.” Cô ấy tổng kết một cách lưu loát.

Đáng tiếc, cái màn yêu đương, tôi xưa giờ không bị nhiễm bịnh, mà đối với nam sinh ưu tú, tôi càng không nhiễm bịnh. Trong tâm trí tôi, trừ vượt qua bọn họ, xưa nay hoàn toàn không có khả năng có ý niệm nào khác.

Vừa mới qua kỳ thi cuối tháng một tuần, thì tới kỳ nghỉ trong tháng. Hôm đó A Nam đã đứng trước một chiếc xe tải nhỏ đợi tôi từ sáng sớm tinh mơ. Vừa trông thấy tôi bước ra, ông liền vội vàng tiến lên, giúp tôi vác hết đồ vào xe.

“Có mệt không?” Ông nghiêm túc hỏi, “Bị nhốt trong trường lâu như vậy, chắc ngột ngạt rồi?”

“Vẫn ổn mà.” Tôi đáp. Ông biết tôi không phải là một đứa con gái thích chạy lung tung khắp nơi, nhưng vẫn lo lắng tôi không quen với những gò bó của chỗ ở mới, tôi thấy cảm động trong lòng.

Quà cho ông tôi đặt trong cặp, được tôi thoải mái đeo trên lưng, không sợ bị ông phát hiện. Tôi muốn đem đến cho ông một bất ngờ, nhất định vậy.

Nhan Dự Dư cỡi xe đạp, chạy từ trong trường ra. Cô ấy vừa vẫy tay vừa gọi tên tôi “Mã Trác! Xe ba cậu tới đón ha, thật sung sướng! Kỳ nghỉ vui vẻ nhé!”

Tôi cũng vẫy tay với cô ấy chào tạm biệt, A Nam cười hỏi tôi: “Bạn thân?”

Tôi biết, ông cũng hiểu tính tình của tôi, không khỏi lo lắng những ngày tôi xa nhà có bị cô đơn hay không. Nếu như tôi có một người bạn, trong lòng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Thế là tôi miễn cưỡng gật đầu. Thật ra tôi cũng không phải là nói Nhan Dự Dự có chỗ nào không đủ tốt, cô ấy đối với tôi đủ tốt lắm rồi, chỉ là trong lòng tôi luôn đối với cái danh từ “bạn thân” này có một loại cự tuyệt vô duyên vô cớ, tôi e rằng đây sẽ mãi mãi là một tâm bệnh không có thuốc chữa, đôi khi cũng sẽ cảm thấy rầu vì điều này.

Ngay lúc tôi leo lên xe, bỗng nghe sau lưng có người gọi tên tôi: “Mã Trác!” Tôi ngoái đầu, thì ra là thầy chủ nhiệm Sảng.

Tôi vội vàng giới thiệu: “Ba, đầy là thầy chủ nhiệm lớp con, thầy Sảng.”

“Ồ, ông Mã, chào ông.” Thầy Sướng lập tức giơ tay ra, nói với A Nam: “Ông sinh ra một cô con gái thật cừ khôi! Kỳ thi lần này em ấy đứng đầu toàn khối đấy! Quá mát mặt cho ông rồi.”

“Thật à?” A Nam cười cười đáp lời, cũng dùng một ánh mắt đầy tán thưởng nhìn tôi. Từ nhỏ tới lớn, đã không chỉ có một vị giáo viên tưởng là ông họ Mã. Mà xưa giờ ông chưa từng bao giờ sửa lại.

“Thật tốt quá, thật tốt quá.” A Nam xoa tay nói với Thầy Sướng, “Thầy giáo, lúc nào rảnh rỗi, ghé nhà chúng tôi chơi nhé?”

“Được thôi!” Thầy Sướng đáp một cách thoải mái, sau đó cỡi xe đạp của thầy, rời đi.

Tôi đoán chắc ông đã vui đến quên hết mọi việc rồi, ông nhìn theo bóng lưng của thầy giáo, lại còn phán ra một câu khiến cho tôi suýt ngất: “Thầy giáo của tụi con đẹp trai quá, chắc có rất nhiều cô bé yêu thích thầy ấy nhỉ.”

Tôi đảo mắt ra ý chê câu nói vớ vẩn, ông ấy cười hì hì giúp tôi cất đồ hết vào trong xe.

Kỳ nghỉ đầu tiên về lại nhà, tôi nhận được đãi ngộ chưa từng có, giống như một sinh viên đại học Hoa kiều mới về nước, bà tôi và A Nam làm một bàn đầy thức ăn, không ngừng bảo tôi ăn đi ăn đi, tựa như tôi bị bỏ đói ở trường cả hai tháng trời không bằng.

A Nam rất vui vẻ, một mình ông rót một chút rượu, tự mình uống, ngay cả hàng xóm đi ngang qua cửa ông cũng không nhịn được mà báo cáo với người ta: “Mã Trác nhà chúng tôi thi tháng này, được đứng đầu khối ở Thiên Trung đấy. Có phải rất lợi hại hay không?”

Xưa giờ ông luôn là một con người rất hiền lành chân chất, nhưng lại hết lòng hết dạ lấy làm hãnh diện bởi vì tôi, chưa từng che dấu.

Ăn cơm xong, màn đêm đã buông xuống, ông vừa giúp bà rửa chén vừa hát. Nếu như không phải rất vui, trước giờ ông sẽ không ngân nga bài hát ấy. Sau này tôi mới biết, đó là một bài hát xưa cũ mang tên “Nào Quên Được.”

“Nào quên được nào quên được

Nào quên được nước mắt của em

Nào quên được lúc em cười

Nào quên được u sầu khi lá rơi

Nào quên được lo âu khi hoa nở”

Giọng của ông vẫn không khác so với 7 năm trước, chỉ tăng thêm không ít thăng trầm. Không biết ông có còn nhớ hay không, tâm tình của ông bảy năm trước khi ông cũng hát?

Ăn cơm xong, tôi về lại căn phòng nhỏ của mình. Hết thảy mọi thứ trong nhà vẫn không thay đổi, có thể thấy được, để nghinh tiếp tôi quay về, bà tôi đã cố ý quét tước dọn dẹp, chiếc gương nhỏ trên bàn học của tôi bị bà lau đến sáng bóng. Tôi nhìn mình trong gương, trong nét mặt đã có thể nhìn thấy dáng vẻ của mẹ. Không biết vì sao, tôi lật mặt gương, đem úp xuống bàn.

Đêm thu đã có chút lành lạnh, tôi lấy đôi giày cho A Nam ra từ trong cặp, nhẹ nhàng xách lên, đi gõ cửa phòng của ông.

A Nam đang còn tính toán sổ sách, máy vi tính chớp sáng sau lưng.

“Mã Trác, có chuyện?” Ông mở cửa, gỡ mắt kính ông đang đeo lúc mới rồi xuống, hỏi tôi

Tôi ngồi xổm xuống, đặt đôi giày trước cửa phòng.

Ông ấy ngạc nhiên nhìn, nói: “Cho ba hả?”

Tôi gật đầu, chắp tay sau lưng nói: “Quà sinh nhật 40 tuổi.”

“À.” Ông ngước đầu ngẫm nghĩ, “Hình như sắp tới rồi.”

Nói đoạn, ông cúi người, dùng hai tay xách đôi giày lên, quay vào phòng ngồi xuống chiếc ghế đung đưa của ông, tỉ mỉ nhìn kỹ đôi giày ấy, nụ cười dần dần hé nở trên mặt. Tôi bước theo ông vào phòng, một khắc đó chúng tôi đều không ai nói gì, nhìn thấy nụ cười của ông, trong lòng tôi cảm thấy như một bình nước đầy, đầy đến độ muốn tràn hết cả ra.

“Có phải con đã nhịn ăn nhịn uống không?” Ông đặt giày xuống, trở mặt hỏi tôi.

“Dạ không.” Tôi nói, “Ba mang thử đi, có vừa chân hay không?”

“Sau này đừng mua đồ cho ba nữa.” Ông lầm bầm một câu, nhưng vẫn rất nhanh chóng cởi dép lê ra, ướm chân vào.

“Đẹp đấy.” Tôi nói.

Ông vui vẻ đi tới đi lui mấy bước, còn ngước đầu lên trời cười ngây ngô vài tiếng, rồi lại vội vàng ngồi xuống, thay qua dép lê.

“Sao ba không mang ạ?” Tôi hỏi.

“Còn mới thế này, giữ để sau này mang.” Ông đặt đôi giày đó một cách trân trọng vào trong hộp, còn thò tay vuốt vuốt mũi giày. Tuy chẳng có tí bụi đất nào.

“Là bà ấy bảo con mua cho ba.” Tôi khẽ nói.

Ông ngẩng đầu, ngạc nhiên nói: “Ai?”

“Mẹ.” Tôi nói, “Có một đêm, con nằm mơ thấy mẹ. Bà ấy bảo, muốn con mua cho ba một đôi giày, sinh nhật thứ 40 của ba sắp tới rồi.”

“Con thật sự mơ thấy bà ấy sao?” Ông hỏi.

Tôi gật đầu thật mạnh.

“Bà ấy vẫn đẹp như xưa sao?” Ông khẽ hỏi, hỏi xong mới hình như chợt phát hiện cái ngốc của mình, không nhìn tôi, mà lại lấy đôi giày vừa cất xong ra, đặt lên đùi, mở nắp hộp, ngón tay vuốt ve mặt trên, giọng rất thấp, nói: “Mẹ con trên trời có linh thiêng nhìn thấy giờ đây con có tiền đồ như vậy, chắc cũng yên lòng rồi.”

Nói xong câu đó, ông chợt không kìm được, bưng mặt bật khóc.

Bảy năm nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi lại nói chuyện về mẹ. Trong đêm thu đa sầu thích hợp để hồi ức này, một A Nam đã uống chút rượu, lại giống như năm ấy khi mẹ rời chúng tôi mà đi, bật khóc hu hu.

Đó là sau khi bảy năm đã trôi qua, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông khóc. Tôi thật sự hiểu được, ông vẫn luôn luôn không hề quên bà ấy.

Tôi đến bên ông, đặt tay mình lên bờ vai ông. Tôi muốn dùng hơi ấm từ lòng bàn tay nói cho ông biết, mẹ và con gái của mẹ —- tôi, cùng với ông sẽ mãi mãi ở bên nhau, mãi mãi sẽ không chia lìa.

Bấy lâu nay, tôi luôn không hiểu được nỗi đau xót trong lòng một người đàn ông, cho đến rất nhiều năm sau đó, lúc tôi xem bộ phim cũ có tên là “Yên Chi Khâu,” lúc nghe giọng hát u buồn của Trương Quốc Vinh: “Chỉ mong được bên nhau, dẫu phải thấy hết những nuối tiếc trên đời; tuổi xuân dần phai, lửa tình không vơi theo đổi thay trên mặt,” mới không nhịn được mà rơi nước mắt, rồi mới hiểu được trái tim hơn nửa đời người đóng băng phong kín của A Nam.

Đêm ấy lúc quay về lại phòng mình,mãi đến khuya tôi mới ngủ được. Trong đầu tôi tựa như có rất nhiều quân tí hon đang nhảy múa, quấy rối khiến tôi không cách nào chợp mắt. Tôi đem hết những sự việc đã xảy ra từ hồi khai giảng đến giờ ôn lại một lần, nhưng càng ôn tâm tình càng trĩu nặng, một nỗi xao động trong tim tôi lớn dần, không sao nói rõ được.

Tôi rất muốn biết, rốt cuộc tôi bị sao vậy?

Lẽ nào đây là mùi vị của sự trưởng thành ư, đau xót như thế, nhưng cũng đan xem chút ngọt ngào khi tỉnh ngộ, tôi phải dùng tâm trạng như thế nào mới có thể sẵn sàng nghênh đón những tháng ngày không rõ sẽ xảy ra những câu chuyện như thế nào trong tương lai đây?

hết chương 15

________________________________________

các bài hát:

Yên Chi Khâu, Trương Quốc Vinh (cảnh từ trong phim)

Tên bài A Nam hát có tên là “Tình không dứt” chứ không phải là “nào quên được” Đăng bởi: admin


/90

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status