Kiếm Động Trung Châu

Chương 31: THUYỀN CHỞ NẶNG MANG HÀNG ĐI BÁN THỦY HƯƠNG VIỆN BÀN CHUYỆN KẾT GIAO

/78


Lại nói, sau khi đã bàn xong chuyện kết giao giữa Thiên Vô Giáo với Huyền Vũ Đàn, nhận thấy vị đàn chủ Huyền Vũ Đàn cũng là một người dễ dãi thoải mái, lão giáo chủ lại nói tiếp :

- Lão phu còn có chuyện này, tuy biết là hơi mạo muội, nhưng cũng muốn trình bày với đàn chủ.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Không cần phải khách sáo. Có việc gì xin giáo chủ cứ nói. Nếu bản tòa mà làm được thì nhất định sẽ không từ chối.

Lão giáo chủ liền đứng dậy, vòng tay nói :

- Long nhi học nghệ chưa tinh là vì chưa có danh sư chỉ điểm. Lão phu tài hèn sức mọn nên chỉ có thể dạy dỗ được bấy nhiêu thôi. Lão phu mong rằng đàn chủ thương Long nhi mà giúp cho.

Huyền Vũ Đàn chủ vội đứng dậy đáp lễ, hỏi :

- Ý giáo chủ là thế nào.

Lão giáo chủ nói :

- Long nhi hiện vẫn chưa có được một vị danh sư. Trong quý đàn cũng như tại Văn Đức Cung có rất nhiều kỳ nhân dị sĩ. Nay xin đàn chủ giúp thành toàn cho Long nhi. Lão phu xin vô cùng cảm tạ.

Huyền Vũ Đàn chủ mỉm cười hỏi :

- Có phải giáo chủ muốn bản tòa giới thiệu Nghiêm thiếu hiệp với một vị danh sư để theo thụ giáo.

Lão giáo chủ đáp :

- Đúng thế. Mong đàn chủ giúp cho.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Tại Văn Đức Cung có lắm kỳ nhân dị sĩ thì đúng rồi. Còn tại bản đàn, e rằng chẳng có người nào đủ khả năng làm sư phụ của Nghiêm thiếu hiệp đây.

Lão giáo chủ nói :

- Đàn chủ quá khiêm tốn nên mới nói thế. Ngay như đàn chủ đây cũng là một bậc cao nhân rồi.

Huyền Vũ Đàn chủ cả cười nói :

- Không dám. Giáo chủ quá đề cao bản tòa rồi. Bản tòa nào có phải là cao nhân, đại nhân gì đâu.

Đôi bên khách sáo vài câu, đoạn Huyền Vũ Đàn chủ đưa mắt nhìn Nghiêm Phi Long cười hỏi :

- Chẳng hay thiếu hiệp muốn theo học văn đạo hay võ đạo.

Lão giáo chủ cả mừng nói :

- Vậy là đàn chủ đã đồng ý.

Nhưng lão chợt nghĩ đến câu hỏi lạ kỳ của Huyền Vũ Đàn chủ, lòng lại cảm thấy thắc mắc, liền vội hỏi lại :

- Sao lại có chuyện văn đạo với võ đạo.

Huyền Vũ Đàn chủ đáp :

- Hành đạo giang hồ không nhất thiết chỉ dựa vào võ công. Bể học bao la không bờ bến. Dù là văn đạo hay võ đạo, chỉ cần sở học tinh thâm thì đều có thể dương danh trong võ lâm được cả.

Đưa mắt nhìn Nghiêm Phi Long, Huyền Vũ Đàn chủ lại nói tiếp :

- Nếu Nghiêm thiếu hiệp muốn theo học võ đạo thì bản tòa có thể giới thiệu với mấy vị cao nhân như Trang tiên sinh, Thái tiên sinh bên Thái Chính Cung, hay Quan lão Tổng quản, Bách Lý Tổng quản bên Văn Đức Cung. Còn như muốn theo học văn đạo thì chỉ có thể thỉnh cầu chúa công mà thôi.

Nghiêm Phi Long suy nghĩ giây lát, đoạn chắp tay nói :

- Tại hạ rất hâm mộ uy danh của Quan lão tiền bối. Nếu có thể được theo thụ giáo thì thật là vinh hạnh cho tại hạ.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Được rồi. Nếu như thiếu hiệp đã có ý ấy thì bản tòa sẽ nói giúp thiếu hiệp một tiếng với Quan lão Tổng quản. Với tư chất của thiếu hiệp, chắc chắn lão Tổng quản sẽ không từ chối đâu. Dù sao thì lão nhân gia vẫn chưa có truyền nhân, chẳng lẽ để cho sở học một đời trôi theo dòng nước.

Nghiêm Phi Long chắp tay nói :

- Xin đa tạ đàn chủ. Cúi mong đàn chủ giúp cho.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Không có chi đâu. Nhưng mà sao thiếu hiệp không muốn theo học văn đạo của chúa công. Chắc là vì cho rằng chúa công không có danh tiếng gì phải không.

Nghiêm Phi Long giật mình biến sắc, vội nói :

- Không dám. Không dám. Chỉ vì tại hạ thích luyện võ, không muốn học văn, chứ không phải …

Huyền Vũ Đàn chủ cười lớn nói :

- Sở thích của thiếu hiệp hoàn toàn trái ngược với chúa công. Chúa công hiếu văn mà không hiếu võ, không ưa đao kiếm, chỉ thích đọc sách ngâm thơ. Còn thiếu hiệp thì ngược lại. Ha ha …

Nghiêm Phi Long đỏ mặt nói :

- Chúa công địa vị tôn quý. Tại hạ chỉ là một kẻ võ phu, nào dám đâu so sánh với chúa công.

Lão giáo chủ cũng đỡ lời :

- Người trong võ lâm ai lại không thích luyện võ. Mười người thì hết cả mười đều xem võ công như tính mệnh rồi. Ngay lão phu đây cũng thế thôi. Còn đàn chủ thì chẳng hay thế nào.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Năm xưa, bản tòa cũng ham thích tập luyện võ nghệ. Nhưng từ khi được theo phụng sự chúa công, bản tòa nhận thấy văn đạo có rất nhiều điểm hơn hẳn võ đạo nên cũng đã bắt đầu học tập văn đạo rồi.

Nghiêm Phi Long nghe nói liền hỏi :

- Vậy cái hay của văn đạo là như thế nào.

Huyền Vũ Đàn chủ nói :

- Văn đạo cao sâu huyền diệu, khó thể luận bàn trong giây phút được. Hãy cứ nói theo sự hiểu biết của bản tòa, văn đạo dạy ta cách bày binh bố trận, hoạch định chiến pháp, dụng trí thắng địch. Thiếu hiệp nên biết, trong giang hồ đâu đâu cũng đầy dẫy những sự gian manh xảo trá, đâu đâu cũng có cạm bẫy, chỉ cần hơi thiếu thận trọng một chút là sẽ ngộ hại ngay. Võ công cao tuyệt nào có thể là một phương tiện để thực hiện những điều mình mong muốn. Minh thương dễ tránh, song ám tiễn khó phòng. Kẻ chỉ biết dùng sức mạnh, dù cho sức mạnh đó có thể xô bạt cả núi đồi, nhưng nếu thiếu mưu trí thì vẫn chỉ là một thứ võ lực mù quáng của kẻ mãng phu.

Ngừng lời giây lát, khẽ nâng chung rượu lên môi nhắm nháp, ánh mắt Huyền Vũ Đàn chủ chợt nhìn lướt qua cửa sổ khoang thuyền, hơi thoáng nhếch môi, đoạn y lại mỉm cười nói tiếp :

- Lập thân trong chốn giang hồ, nếu chỉ dựa vào võ công thì chỉ có thể trở thành một trang anh hùng hiệp khách mà thôi. Còn như muốn trở thành một bậc tôn chủ thì phải nhờ vào văn đạo mới được.

Lão giáo chủ nói :

- Đàn chủ theo văn đạo nên đã trở thành một bậc tôn chủ rồi.

Huyền Vũ Đàn chủ lắc đầu nói :

- Bản tòa chỉ mới chập chững bước vào ngưỡng cửa văn đạo, nào dám lạm xưng là tôn chủ. Chúa công chuyên tâm văn đạo, tài hoa tuyệt thế, sở học tinh thâm, lại thêm nhân hậu hiền đức, mới thật là một bậc tôn chủ chân chính.

Nghiêm Phi Long nói :

- Tại hạ tư chất kém cỏi, không dám mơ tưởng trở thành một bậc tôn chủ. Nếu như có thể trở thành một trang hiệp khách thì cũng đã đắc kỳ sở nguyện rồi. Cúi mong đàn chủ tài bồi cho.

Huyền Vũ Đàn chủ mỉm cười nói :

- Với tư chất của thiếu hiệp, nếu theo võ đạo chắc sẽ danh lừng tứ hải, uy khiếp quần tà, tiếng thơm lưu truyền vạn thuở.

Nghiêm Phi Long đỏ mặt nói :

- Tại hạ không dám.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Thiếu hiệp quá khách sáo rồi.

Nghiêm Phi Long khẽ lắc đầu nói :

- Không dám. Nãy giờ đàn chủ cứ gọi tại hạ là thiếu hiệp như thế, tại hạ cảm thấy ngại quá.

Huyền Vũ Đàn chủ bật cười nói :

- Gọi như thế có sao đâu. Thiếu hiệp không cần phải ngại chi cả. Có lẽ, chỉ vài năm nữa thôi, bản tòa sẽ phải gọi thiếu hiệp là đại hiệp nữa đó.

Nghiêm Phi Long vội nói :

- Tại hạ không dám. Xin đàn chủ đừng nói thế.

Lão giáo chủ cũng nói xen vào :

- Lão phu cũng nhận thấy xưng hô như vậy nghe xa lạ, khách sáo quá. Đàn chủ xin hãy cứ gọi Long nhi là hiền điệt, còn Long nhi sẽ gọi đàn chủ là thúc thúc. Giữa chúng ta sẽ xưng hô là huynh đệ. Chẳng hay ý đàn chủ thế nào.

Huyền Vũ Đàn chủ gật đầu, tươi cười nói :

- Được rồi. Được rồi. Cung kính bất như tuân mệnh. Bản tòa xin được với cao mà gọi Nghiêm thiếu hiệp là hiền điệt vậy.

Nghiêm Phi Long vòng tay nói :

- Không dám. Thúc thúc quá lời rồi. Chính tiểu điệt mới cảm thấy vinh hạnh.

Lão giáo chủ lại nói :

- Lão phu họ Lý, tên Thuần Dương. Tôn danh quý tính huynh đệ là gì.

Huyền Vũ Đàn chủ cười nói :

- Bản tòa trước đây chỉ là một kẻ vô danh trong võ lâm, tên tuổi chẳng đáng nhắc đến. Từ ngày theo phụng sự chúa công, chấp chưởng Huyền Vũ Đàn, bản tòa được chúa công gia ban tứ tính, gọi là Giang Đại Thành.

Lão giáo chủ còn định hỏi thêm nữa, nhưng rồi bỗng nhận thấy có sự lạ lùng trong thái độ của Huyền Vũ Đàn chủ nãy giờ nên vội im tiếng.

Tuy đang nói chuyện cùng phụ tử Nghiêm Phi Long, nhưng ánh mắt của Huyền Vũ Đàn chủ thỉnh thoảng lại nhìn thoáng ra bên ngoài. Nãy giờ không để ý, đến giờ lão giáo chủ mới chợt nhận ra. Lão liền đoán chắc rằng bên ngoài kia hẳn đang diễn ra một sự việc gì đó đặc biệt lắm mới khiến cho vị đàn chủ này phải quan tâm. Lão liền liếc nhìn ra phía ngoài cửa sổ.

Bất giác, lão giáo chủ ồ lên một tiếng.

Trên mặt sông, thuyền bè qua lại như mắc cửi. Đó hầu hết là những đoàn thương thuyền bị bọn Cửu Trùng Giáo chặn đường chặn nẻo không đi được, phải đậu lại suốt mấy ngày qua. Nay thấy đường đã thông nên tất cả mới vội vã tiếp tục cuộc hành trình. Tuy vậy, có hai chiếc thuyền lớn không xuôi dòng mà lại đang từ từ tiếp cận đoàn thuyền mui đen của Huyền Vũ Đàn. Có lẽ Huyền Vũ Đàn chủ đã nhận ra tự nãy giờ, nhưng không hiểu sao y cứ để yên mặc cho đối phương đến gần như vậy. Bởi qua thái độ cho thấy song phương dường như không có giao thiệp.

Hai chiếc thuyền lớn kia hiện đã tiến đến rất gần. Nhưng rồi có lẽ vì thấy các thuyền bên này không hề có chút động tĩnh gì nên bọn họ cũng cảm thấy ngạc nhiên. Cả hai chiếc thuyền đều dừng lại phía ngoài cách xa khoảng mấy mươi trượng, rồi có tiếng người dõng dạc hỏi :

- Chư vị bằng hữu đây chẳng hay thuộc bang phái nào, đến vùng này có việc chi hay không.

Huyền Vũ Đàn chủ khẽ hắng đặng, nhưng không lên tiếng đáp lại mà đưa mắt ra hiệu cho bọn thủ hạ lúc ấy đang đứng ở đầu thuyền. Một tên trong bọn phụng mệnh lớn tiếng hỏi lại :

- Còn chư vị là ai. Cớ sao lại hỏi như vậy.

Người bên thuyền kia đáp :

- Bản nhân là phó viện chủ của Thủy Hương Viện, thuộc Thái Chính Cung. Nơi này cũng là vùng hoạt động của bản viện. Vì thấy chư vị rầm rộ qua đây, bản nhân mới đến hỏi cho biết, kẻo lại phát sinh những chuyện hiểu lầm đáng tiếc.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ quay vào khoang thuyền nhìn đàn chủ hỏi ý, rồi lại lớn tiếng nói :

- Đàn chủ Huyền Vũ Đàn cùng Giáo chủ Thiên Vô Giáo đại giá qua đây, xin có lời chào đến quý bằng hữu bên Thủy Hương Viện.

Bên kia im lặng giây lát, dường như vì danh hiệu Huyền Vũ Đàn nghe khá lạ tai khiến bọn họ ngạc nhiên. Giây lâu mới có tiếng nói :

- Không dám. Bản viện xin có lời chào mừng đại giá quý đàn chủ cùng quý giáo chủ quang lâm tệ xứ.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ lại hỏi :

- Thế ra các vị đến đây là để chào hỏi nhau vậy thôi sao.

Tiếng bên kia đáp :

- Không phải thế. Không phải như thế. Chỉ vì vừa rồi bản viện nhận được tin báo có cuộc thủy chiến trên sông nên mới vội vã đến đây xem sự thể thế nào. Cửu Trùng Giáo đến nơi này hành sự có đánh tiếng trước với bản viện. Thế mà chư vị lại kéo tới đánh nhau với bọn họ, làm hỗn loạn cả mặt sông. Bản viện muốn được biết nguyên nhân của cuộc chiến này.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ khẽ cười nhạt, lập tức tuôn ra một thiên trường giang đại luận :

- Thế ra chư vị mắt lấp tai ngơ trước những việc làm ngông cuồng ngạo ngược, thương thiên bại lý của bọn giặc Cửu Trùng Giáo hay sao. Sông nước đâu phải của riêng bọn chúng. Vậy mà bọn chúng dám chặn ngang mặt sông, ngăn không cho bất cứ ai qua lại, làm khổ lây đến bách tính. Bản đàn Huyền Vũ cùng Thiên Vô Giáo có việc khẩn cấp phải qua đây, đã dùng lời ôn hòa đề nghị bọn chúng mở đường. Bọn chúng chẳng những không thuận mà còn buông lời nhục mạ, thật chẳng xem bản đàn ra gì. Bản đàn vì bất đắc dĩ nên đành phải quét sạch bọn chúng để mở đường tiếp tục cuộc hành trình. Thế mà giờ đây chư vị lại còn kéo đến hỏi han này nọ. Có phải định vì bọn giặc đó mà ra mặt báo thù hay không. Nói thật nhé. Bản đàn tuy chẳng tài ba gì, nhưng nếu có kẻ nào dám xâm phạm thì bản đàn quyết chẳng nhân nhượng đâu.

Có lẽ vì thái độ cứng rắn của nhân vật bên Huyền Vũ Đàn, cũng như những tin tức chấn động về cuộc thủy chiến vừa qua đã khiến cho nhân vật bên Thủy Hương Viện vội hạ giọng nói :

- Không phải vậy đâu. Xin chư vị bằng hữu đừng hiểu lầm. Bản nhân chỉ đến hỏi cho biết vậy thôi. Còn về việc làm ngơ trước những hành động ngạo ngược của bọn Cửu Trùng Giáo, bản viện xin được chịu lỗi. Nhưng cũng mong chư vị thông cảm cho. Vì huấn dụ của vương thượng, cũng như tôn chỉ của bản cung không cho phép bản viện nhúng tay vào những việc xảy ra trong võ lâm. Nên tuy mắt thấy những hành động trái lẽ của Cửu Trùng Giáo mà bản viện không sao can thiệp được.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ hắng giọng nói :

- Thế ra là chư vị không định ra mặt báo thù cho bọn chúng.

Người kia vội nói :

- Không đâu. Làm gì có chuyện đó. Bản viện và Cửu Trùng Giáo trước nay ngoài những chuyện làm ăn thông thường thì chưa từng có qua lại với nhau, việc gì bản viện phải ra mặt thay bọn họ. Vả lại, bản viện không được phép can dự vào những việc tranh chấp trong võ lâm.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ lại hỏi :

- Nếu như đã không được phép can dự vào việc của giới võ lâm thì chư vị còn đến đây làm gì.

Người kia nói :

- Bản nhân muốn biết quý đàn còn định lưu lại đây bao lâu. Và có điều chi cần yêu cầu hay đề nghị bản viện hay không.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ nói :

- Bản đàn chỉ định dừng lại nơi đây ít lâu để mang vài thứ hàng hóa vừa thu được lên trấn thành bán. Vì hiện giờ thuyền chở nặng quá nên không thể đi nhanh được. Mà bản đàn lại đang có chuyện gấp.

Người kia liền nói :

- Bản viện có ý muốn cùng quý đàn giao thiệp, song phương kết tình hòa hảo. Và để chứng tỏ thiện ý, bản viện xin được đề nghị một cuộc giao dịch. Sau cuộc chiến vừa qua, chắc hẳn quý đàn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm. Vật gì quý đàn định bán, bản viện xin được mua lại hết.

Tên thủ hạ của Huyền Vũ Đàn chủ nói :

- Việc này cần phải trình lại với đàn chủ bản đàn rồi mới quyết định được. Phiền chư vị chờ đợi giây lát.

Người kia nói :

- Không sao. Bản nhân sẵn sàng chờ đợi.

Tên thủ hạ đi vào khoang thuyền, đến trước Huyền Vũ Đàn chủ chờ lệnh. Nãy giờ đàn chủ cũng đã nghe rõ hết cả nên gã không cần phải báo cáo lại. Ngẫm nghĩ giây lát, đàn chủ gật đầu nói :

- Bên Thái Chính Cung cũng chẳng phải là chỗ xa lạ gì. Có thể kết giao được. Vậy ngươi xem vật gì có thể mang bán được thì cứ bán hết cho bọn họ.

Thế là song phương cho thuyền cặp mạn, bắt đầu ngay cuộc giao dịch. Những vật có thể bán được như lời nói của Huyền Vũ Đàn chủ chính là toàn bộ những chiến lợi phẩm hiện có trên các con thuyền. Huyền Vũ Đàn chủ cũng cho triệu hồi những người đang phụng mệnh mang hàng hóa vào trấn thành bán. Và những thứ hàng hóa còn lại cũng được đem bán hết cho Thủy Hương Viện.

Những thứ hàng hóa mang bán toàn là những thứ kỳ quái nên việc định giá hết sức khó khăn. Nhưng song phương cò kè giá cả một lúc rồi cũng thỏa thuận được với nhau. Dù Huyền Vũ Đàn không cố tình ép giá, mà bên Thủy Hương Viện lại có ý nhân nhượng nên Huyền Vũ Đàn bán được giá khá hời. Xem ra khả năng thương mại của Huyền Vũ Đàn cũng chẳng kém gì Thủy Hương Viện.

Lão giáo chủ Thiên Vô Giáo chú tâm xem cách song phương giao dịch mua bán với nhau. Lão định tìm hiểu bí quyết làm ăn thương mại của song phương để rồi sắp tới đây sẽ cho bọn giáo chúng Thiên Vô Giáo học làm theo. Lúc trước, vị đàn chủ Huyền Vũ Đàn đã hứa lời giúp đỡ nên lão giáo chủ đã quyết định sẽ cho Thiên Vô Giáo bắt đầu công cuộc làm ăn thương mại.

Sau khi việc định giá tạm ổn thỏa, tiền bạc đã trao tay, hàng hóa từ thuyền của Huyền Vũ Đàn lại chuyển sang bên thuyền của Thủy Hương Viện. Việc thương mại xem như đã xong xuôi. Khi mọi việc đã đâu vào đó, song phương tươi cười chào từ biệt nhau, rồi hai chiếc thuyền lớn của Thủy Hương Viện từ từ tách ra khỏi đoàn thuyền mui đen, nhổ neo quay trở về.

Huyền Vũ Đàn chủ nãy giờ vẫn ngồi yên trong khoang thuyền, không hề tiếp xúc với người của Thủy Hương Viện, việc giao dịch cứ để mặc cho bọn thủ hạ lo liệu. Có lẽ y cho việc này không đáng để y nhúng tay vào. Cũng có thể y muốn giữ thế, vì chẳng lẽ đường đường một vị đàn chủ lại đi nói chuyện ngang hàng với một vị phó viện chủ của một viện trực thuộc Thái Chính Cung hay sao.

Sau khi song phương đã chia tay nhau, thuyền của Thủy Hương Viện đã đi rồi, bọn thủ hạ liền và báo cáo kết quả của cuộc giao dịch. Huyền Vũ Đàn chủ tính toán lại các khoản sinh ý, rồi truyền lệnh cho đoàn thuyền nhổ neo tiếp tục lên đường, nhằm hướng Kim Lăng thẳng tiến.

Thuyền nhẹ đi nhanh, rẽ sóng lướt băng băng nên chẳng mấy chốc là địa phận thành Kim Lăng đã ở ngay trước mắt. Đoàn thuyền rẽ sóng rời dòng Trường Giang tiến vào sông Tần Hoài.

Thành Kim Lăng nằm ngay bên dòng Tần Hoài, là một thành thị phồn hoa đô hội thuộc vào bậc nhất cõi Trung Nguyên. Trên bờ xe ngựa dập dìu, dưới sông thuyền bè tấp nập. Đoàn thuyền của Huyền Vũ Đàn đành phải đi chậm lại.


/78

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status