Kim Cương Bất Hoại

Chương 31: Giải Trực Lệ kiếm gỗ tung hoành

/41


Không cần phải nói, ai cũng biết đoàn người ngựa tháp tùng cỗ xe chở đầy kim ngân châu báu của U Linh nữ chủ rất đông đảo, hùng hậu. Lượng lực vừa mạnh về võ công, lại thêm uy thế vì bất kỳ đi qua châu huyện nào, các viên chức quan quân trông thấy cờ lệnh phủ Thân vương đều phái người ra cung nghêng đón tiếp rất trọng thể.

Các người cưỡi ngựa đi theo may mắn thêm quần áo sang trọng. Tới chỗ nào cũng lựa chịn trú trọ ở quán dịch dành cho các vương tôn công tử hay những lữ điếm lịch sự mắc tiền nhất.

Cũng trên đường quan lộ từ miền nam tới vùng Trực Lệ, một nhóm người khác gồm có một trang thanh niên tuấn tú cỡi con ngựa trắng rất đẹp đi trước một cỗ xe nhỏ. Chiếc xe bốn bánh này do một con lừa hoa kéo, trên có năm người, một cậu thư sinh ngồi cạnh người đánh xe dong cương ngồi đằng trước. Trong xe có một cô gái và hai người trùm đầu che kín mặt mũi ăn mặc ra vẻ gia nhân.

Đi đoạn hậu có một nhà sư cưỡi con ngựa lông đỏ sắc máu, cao lớn trông không khác ngựa Xích thố của viên tướng nhà Hậu Hán sử dụng thanh Long đao nhiều nhà treo tranh thờ phụng.

Người đi đường trông ngắm con ngựa đẹp, ai cũng tấm tắc khen, giống như là ngựa của quan ngài Hán Thọ Đình Hầu. Nhưng người cưỡi ngựa không có “mặt đỏ râu dài”, mà là một nhà sư đầu trọc mắt ốc nhồi, vai đeo túi bảo đao, nhìn cán đao cũng biết thuộc loại quý hiếm.

Nghe thấy lời khen, nhà sư Nhất Tiếu lấy làm khoái chí. Hắn ngẫm nghĩ: “Chẳng biết Quan Vân Trường khi xưa khích phách như thế nào nhưng bây giờ có trăm vạn quân cản lối, ta cũng rút Đại Hoàn kim đao xung phong hiên ngang không chịu kém...”.

Nhưng trông lên cỗ xe thấy hai Cẩu đầu nhân cứ luôn luôn thò tay vào bọc lấy lương khô ra, tay cầm bánh nướng, tay cầm đùi thịt sấy ăn luôn miệng... Nhất Tiếu tạm dẹp vẻ hiên ngang cũng đòi một đùi thịt sất và một bầu rượu ngồi trên mình ngựa, vừa nhậu lai rai dọc đường. Con lộ chạy qua một bãi cỏ thẳng tắt vắng vẻ.

Thất Tình Tú Sĩ đi trước hô lớn :

- Nhất huynh ơi! Đừng uống rượu nữa. Chúng ta bắt đầu phóng nước đại chạy cho hết quãng đường này rồi cho ngựa nghỉ. Đêm nay đi suốt đêm.

- Cho nhậu tí đã. Làm gì gấp rút thế?

- Tới chỗ nghỉ hãy ăn uống có phải ngon lành không?

Thế là cả xe lẫn ngựa vượt đường như mây bay gió thổi. Lúc ngựa hồng vượt lên ngang hàng với con ngựa bạch, Nhất Tiếu giơ cao chân giò heo lên, khua tít la lớn :

- Mau lên! Mau lên! Ngựa chạy nhanh thích ghê!

Thất Tình Tú Sĩ rỡn cợt :

- Trông Nhất huynh không ra vẻ Quan Công cưỡi Xích thố mà giống như anh trọc ăn cắp đùi chó chạy trốn bị người ta rượt.

Mọi người nghe nói đều cười ầm ĩ. Cả hai Cẩu đầu nhân cũng vẫy tai, tru lên như gấu rừng khoái tỉ.

Ngựa và lừa đã lâu không được dịp sải cho dãn cẳng, bây giờ gặp đường phẳng chạy phi nước đại cho thỏa thích.

Chiều đến khi xe ngừng lại, mọi người tìm chỗ cỏ tốt, nước trong cho lừa ngựa nghỉ ngơi ăn uống. Cuộc sống ngoài trời đầy hứng thú. Hai Cẩu đầu nhân cả ngày ngồi bó cẳng trên xe, mỗi lần xe ngừng là nhảy xuống chạy khắp bìa rừng nô rỡn. Lẽ tất nhiên Vương Nhi chăm lo săn sóc cho Tiểu Bạch ngồi chơi hoặc trải chiếu trên chỗ đất phẳng để Tiểu Bạch nằm nghỉ ngơi. Còn chàng lúi húi bắt đầu đánh lửa, nấu nướng, thổi cơm rất chăm chỉ.

Lương thực đủ các thứ mang theo trên xe rất nhiều. Vì vậy dọc đường không cần phải tìm nơi trọ. Chờ tới nửa đêm, đoàn người trở dậy rong ruổi trên đường thiên lý, thay phiên nhau cầm cương, có khi cho lừa chạy không để ngựa kéo xe, vì vậy đi được nhiều dặm đường mà người và vật đều không bị mệt mỏi.

Cũng có đêm, hai Cẩu đầu nhân xuống đẩy xe chạy đua với ngựa hoặc hai chàng thiếu hiệp phi hàng chạy theo xe.

Tiểu Bạch cũng không chịu kém, nàng cũng xuống xe, tay chống Long Hình Xạ Kiếm, tai nghe tiếng bánh xe ầm ầm hoặc tiếng vó ngựa nện trên mặt cỏ, nàng trổ tài Vũ bộ khinh công, khiến hai chàng thanh niên phải cầu xin chỉ dẫn bí pháp để tập luyện.

Có đêm chỉ còn Vương Nhi và người làm công ngồi trên cỗ xe buộc hai ngựa một lừa cho khỏe. Còn tất cả những người kia đều xuống xe chạy bộ hết, người chạy thi với người, lại tới trò người chạy thi với ngựa, quần quật như thế tới sáng.

Chạy nhiều đói, cần ăn nhiều. Nhất Tiếu và hai Cẩu đầu nhân tiêu thụ thực phẩm nhanh nhất. Lừa ngựa cũng ăn khỏe. Tới chỗ nào có đồng cỏ tốt là bọn người xúm lại cắt cỏ bó lại thành bó lớn chất sẵn lên lưng lừa ngựa để làm lương thực cho chúng.

Sang tới tuần thứ hai thì phải tìm vô thị trấn mua thêm ít gạo và các đồ gia vị mắm muối.

Đi qua một gia trang nhỏ, một toán đông mười người xông ra chẹn đường đi. Chúng chia nhau bao vây tứ phía. Tay người nào cũng cầm khí giới.

Tên đầu đảng cầm một cây đinh ba, người cao lênh khênh, mặt gian ác, đôi lông mày rậm giao mi trông tăng vẻ ngộ nghĩnh.

Nhất Tiếu dừng ngựa hỏi :

- Bọn ngươi muốn gì? Đón đường đòi nạp tiền mãi lộ phải không?

- Trông lũ bay cũng chẳng giàu có gì! Chúng ta thấy ngươi cỡi con ngựa hồng đẹp quá nên muốn ngươi nạp con ngựa... để mua đường.

Mọi người tưởng mấy tên lâu la này đòi ngựa Huyết Hãn thần câu của Nhất Tiếu thì anh chàng lỗ mãng sẽ tuốt đao ra tay động thủ. Ai ngờ chỉ thấy Nhất Tiếu ngoan ngoãn xuống ngựa. Chàng cúi đầu xính vính vái chào tên đầu đảng và lễ phép nói rằng :

- Kính thưa Trại chủ! “Quý vật tầm quý nhân”. Trại chủ có mắt tinh đời nhận biết thần câu, kính xin dâng ngựa để Trại chủ cưỡi dùng xem Trại chủ có phải là tay kỵ mã đại tài không?

- Lại còn phải hỏi! Ngựa bất kham hung dữ đến đâu ta cũng có cách trị. Đưa cương cho ta cưỡi thử xem ngựa ngươi có thực là hảo mã không?

Nhất Tiếu không ngần ngại trao dây cương cho hắn và quay lại ra hiệu cho bọn người Thất Tình Tú Sĩ cứ việc tiếp tục hành trình. Lẽ tất nhiên Nhất Tiếu cũng leo lên xe ngồi cạnh Vương Nhi, giật cương cho lừa chạy không đoái hoài đến ngựa quý của mình đã trao cương sang tay người khác.

Đi được một quãng, Thất Tình Tú Sĩ hỏi :

- Nhất huynh chịu mất không ngựa cho mấy tên tặc đồ ấy à?

- Cao đệ đừng lo, mất thì thôi có ngại chi!

- Lạ nhỉ?

Tiểu Bạch cũng phải ngạc nhiên nói: “Lạ nhỉ? Nhất huynh hôm nay hiền khô hơn Bụt và có lòng thảo ghê? Cho ngựa tốt lấy gì mà cưỡi...”.

Ai ngờ Tiểu Bạch nói chưa dứt lời đã nghe thấy tiếng ngựa hí vang ầm, con hồng mã như ngựa điên quật tên đầu đảng ngã lăn quay xuống đất rồi nó chồm thẳng lên và dùng hai vó trước đạp chết tên tặc đồ tham bạo nọ.

Bọn người tuốt binh khí xông vào định đánh chém con thần mã. Nhưng nghe tiếng nó hí nhức óc, hung hăng hơn hổ dữ, mỗi cái đá hậu là lại có một tên bị ngã lăn chết tốt.

Chỉ trong chốc lát, cả bọn chặn đường cướp ngựa đều bị ngựa đá tử thương. Tên cuối cùng bị con hồng mã cắn thắt lưng nhấc bỗng và chạy vứt cho rơi tòm xuống ngòi nước.

Sau khi đả thương bọn cướp xong, con hồng mã chạy theo cỗ xe tới gần Nhất Tiếu nhe bộ răng trắng nhỡn như nó cũng muốn cười như chủ nó.

Nhất Tiếu nhảy lên lưng ngựa và dẫn cỗ xe đi vào trong thị trấn, miệng huýt gió vui vẻ.

Hỏi thăm tìm đường đến chợ, mọi người dừng xe vào chợ chọn mua thức ăn. Mua bán xong xuôi, Nhất Tiếu yêu cầu mọi người cho phép hắn đi tìm tửu lâu để mua ít rượu ngon.

Thất Tình Tú Sĩ ngăn cản mà rằng :

- Mã bá mẫu trước khi đi đã căn dặn Nhất huynh đừng uống rượu nhiều dọc đường. Nên đi mau chóng tới Trực Lệ xong việc về ngay. Rượu kích thích khiến dễ “sinh sự sự sinh”, gây ra nhiều điều phiền toái.

Nhất Tiếu trả lời :

- Cao đệ vừa mục kích ta gặp sự ngang ngược chi lai nhi bất nộ. Tức giận bị đoạt ngựa mà vẫn “tỉnh khô”, bình tĩnh và kiên trì. Ta biết phục thiện theo lời khuyên của hiền đệ, nhưng... trông kìa nơi biển treo Thần Châu đại tửu gia có quảng cáo thượng hảo hạng Bách Hợp tửu mà không cho mua vài hũ thì... con sâu rượu trong bao tử nó sẽ nổi loạn. Như vậy ta sẽ mất bình tĩnh và không còn tự chủ được nữa.

Tiểu Bạch nghe nói bật cười :

- Thôi để Nhất ca được “nhân sinh quý thích chí” một chút. Mua xong chúng ta khởi hành còn sớm.

Nhưng không ai ngờ chỉ vì mấy vò rượu Bách Hợp mà sinh ra chuyện lôi thôi, rắc rối.

Số là lúc Nhất Tiếu từ trong Thần Châu tửu lầu đi ra, hai tay xách hai hũ rượu lớn, mỗi hũ đựng tới mười cân rượu ngon thì đụng phải một thiếu phụ ăn mặc lòe loẹt.

Trông thấy nhà sư trọc đầu hai tay xách hai vò rượu đụng chạm phải mình, ả quen thói chua ngoa mắng lớn :

- Thầy chùa “đui” sao mà đi đụng người ta mạnh dữ vậy.

Nhất Tiếu nhịn nhục không nói năng chi cả, rảo cẳng bước lại chỗ xe chỗ chờ. Thế là mụ đàn bà được thể chua ngoa :

- Thầy chùa hổ mang, ban ngày ban mặt mua rượu uống phạm giới, lại còn đùa bỡn phụ nữ, cố tình xô đụng nhũ hoa người ta không biết mắc cỡ.

Chuyện giữa phố phường và chuyện đụng nhau là chuyện thường. Nhưng lời nói ác ý của thiếu phụ nọ giữa đám đông có sức mạnh hơn phát chưởng đủ mười hai thành công lực lôi kéo sự chú ý của kẻ khác.

Mọi người nhao nhao :

- Sư hổ mang! Sư hổ mang chọc ghẹo phụ nữ!

Đầu đường truyền ngôn là sư hổ mang ghẹo phụ nữ, cuối đường truyền ngôn là sư hãm hiếp đàn bà...

Thế là có nhiều người trong các cửa hiệu trong phố phường quanh đó ùn ùn kéo tới.

- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Tên đầu đà quái ác chuyên hãm hiếp đàn bà con gái ban đêm.

Đông đảo nhất là phe “tam cô lục bà” tranh nhau tiến sát lại cạnh Nhất Tiếu, túm bắt níu kéo lấy chàng la lối :

- Đem giải quan! Đích thị thằng cha to lớn này đã hãm hiếp con gái tôi, em gái tôi, con dâu tôi...

Thất Tình Tú Sĩ biết rằng trong trường hợp nào cũng không “bất khả nộ chúng” chọc tức đám đông sẽ gây nhiều hậu quả nguy hại.

Chàng đành nhìn Nhất Tiếu mặt đỏ gay vì tức giận, mà rằng :

- Nhất ca đã nói mặc dù sự ngang ngược chi lai, nhi bất nổi sùng. Đệ muốn xem Nhất ca thi hành chữ “nhẫn” đến mức độ nào?

Mắc hai tay cắp hai vò hảo tửu, Nhất Tiếu liền lấy chân xuống tấn, hai bàn chân như đóng đinh xuống đất, thân người như cột trời trồng.

Đừng nói là đám đông phụ nữ xô đẩy như châu chấu đá xe không chuyển, phải nói là có huy động thớt voi tới kéo cũng chưa chắc lôi Nhất Tiếu nhích đi nửa bước.

Vương Nhi ngồi trên xe thấy gia mắt chướng tai, không thể để cho các nữ “nặc nô” sỉ nhục vị sư huynh đáng kính của mình, chàng liền sắn tay áo mạnh dạn bước xuống xe can thiệp.

Thấy chàng thư sinh mặt mũi khôi ngôi đẹp trai đứng đắn, rẽ đám phụ nữ xông vào. Những “tam cô lục bà” cũng dừng tay bấu núi, chờ xem chàng thư sinh định phân bua làm sao.

- Các người thật là thậm chí hồ đồ. Sư huynh tôi cùng bọn tôi từ xa tới đây, trên người bụi đất bám đầy quần áo, mày tóc. Đồi đất đỏ cách đây trăm dặm, làm sao mà sư huynh tôi có thể ở đây mà hãm hiếp đàn bà các cô như vậy?

Miệng nói, Vương Nhi vuốt tóc đầu mình và vành lỗ tai, cổ áo Nhất Tiếu, chỉ cho mọi người thấy bám đầy bụi đất đỏ mà trong vùng thị trấn này không có.

Có tiếng nói :

- Người ta thấy lạ, sư mô gì mà lại vào tửu lầu mua rượu, ai không sinh nghi. Đơn báo quan ban đêm thầy tu hái hoa trên phủ nha cao cả thước.

Vương Nhi vặn hỏi :

- Mua rượu nhưng chưa phải là uống rượu. Sư huynh tôi bình sinh lực lưỡng nên mới một mình xách hai vò rượu lớn này. Tôi muốn uống rượu, tôi không thể nhờ sư huynh tôi vào hiệu mua hộ, xách hộ tôi ra xe hay sao?

- Nhưng trong bóng tối, tôi nhìn thấy thân hình ông trọc đầu này to lớn như Hộ pháp, hao hao giống như ông trọc đầu đã lẻn vô phòng con gái của cha tôi đêm qua...

Vương Nhi la lối :

- Thật là vô lý hết sức. Trong đêm tăm tối, nhìn dáng vóc to lớn, thấy đầu trọc hao hao giống mà... lại dám đoạn quyết là sư huynh tôi, thực là lãng xẹt hết chỗ nói? Dè chừng cả tỉnh thành này, chỉ có một nhà sư trọc này hay sao?

Có người đáp :

- Đúng như vậy. Trong thị trấn Diễm Phố này, không có một ngôi chùa chiền nào cả. Như vậy làm gì có thầy tu hay hòa thượng?

Có tiếng trong trẻo cất lên giữa tiếng xì xầm, mọi người đương bàn tán, mỗi người một ý, kẻ nói đúng, người bảo sai.

- Đây là Diễm Phố hả?

Mọi người nhìn lại thì ra Tiểu Bạch đã từ trên cỗ xe bước xuống. Khuôn mặt nàng đẹp như ngôi sao hiện ra giữa bầy đom đóm.

Nhưng đôi mắt có giải lụa bịt kín nên không ai nom rõ mắt nàng, chỉ trông thấy đôi mi lá liễu cong vành bán nguyệt dài hơn đuôi mắt.

Tuy nhiên ai cũng phải công nhận, cô gái là một trang tuyệt thế giai nhân, nếu sinh trưởng tại thị trấn này tất phải đoạt ngôi hoa hậu.

Nàng tiếp tục hỏi :

- Thôi đúng rồi. Thần Châu tửu lầu tại Diễm Phố. Nơi bán loại Bách Hợp tửu có tiếng mà phụ thân ta vẫn dùng để đãi tân khách.... Vậy thì chủ nhân phải là người họ Sinh... tên là Thái Trường. Ở đây, có vị nào biết ông Sinh Thái Trường không?

Có tiếng đàn bà đáp :

- Sinh Thái Trường tôn ông là chủ nhân của tôi. Ông là một vị thân hào nhân sĩ giàu có nhất tỉnh. Nói đến tên ông, trẻ nít lên ba cũng biết.

- Vị nào làm ơn nói giúp ông Sinh Thái Trường ra gặp tôi. Tôi tên là Tiểu Bạch Quỳnh Như muốn nhờ “người” làm chứng câu chuyện này.

- Làm sao mà mời chủ nhân ra đây gặp cô được? Cô muốn thì cô nhờ người dẫn vô mà nói với ổng chớ!

Thất Tình Tú Sĩ cột ngựa vào thành xe, giao cho người đánh xe coi giữ, chàng rảo bước vào Thần Châu đại tửu lầu để tìm gặp chủ nhân có danh tính là Sinh Thái Trường.

Trong lúc chờ đợt thì cậu thư sinh Vương Nhi lấy giọng “thầy đời” giảng thuyết cho mọi người nghe :

- Các người ít đọc sách không biết chuyện. Ngày xưa ông Khổng Tử có dung mạo hiền từ của một thánh nhân, có bộ râu ba chòm đi đến nước Khuông. Ông Khổng Tử hiền lành như Bụt thế mà dân chúng họ còn tưởng lầm là một tên tướng cướp giết người tên là Dương Hồ. Họ xúm lại định hành hung khiến học trò Ngài là ông Trọng Do phải rút kiếm ra để bảo vệ cho thấy, về sau đức Khổng Tử lấy đàn ra đánh, bày tỏ cho mọi người biết là anh tướng cướp giết người vũ phu, không biết đánh đàn hay như ngài, mọi người mới biết là mình nhận lầm. Nay tôi nói cho mọi người biết sư huynh tôi là đệ nhất đồ đề của cụ Tịnh Hải đại pháp sư ở kinh thành Lâm An đấy, cả nước biết tiếng cụ mà sao các người dám vu cáo cho đồ đệ cụ là... sư hổ mang chuyên hái hoa?

Nghe danh hiệu cụ Tịnh Hải đại pháp sư, có vài cụ bà đằng xa chắp tay, niệm rối rít “Nam mô A Di Đà Phật!”.

Bọn phụ nữ không dám đứng quanh Nhất Tiếu nữa. Nghe thấy Vương Nhi ca tụng mình, chàng khoái quá, hai lỗ mũi phổng to, vẻ mặt dương dương tự đắc tưởng mình đã đầy đạo hạnh, sắp sửa viên mãn thành một bực chân tu đến nơi.

Nhưng sực nghĩ, dù ta có trở nên bậc chân tu thiệt chăng nữa, ta cũng không rời bỏ hai hũ rượu cắp nơi hai tay.

- Kìa kìa, cụ Sinh Thái Trường ra kia kìa. Không biết dính dấp chuyện này,cụ định xử trí ra sao? Cụ sẽ khép tội hay bênh vực nhà sư?

Đám đông dãn sang hai bên.

Mọi người nhường lối cho một vị thân hào, đầu đội huyền cân, bận áo lục đoạn, tay cầm ống điếu hút thuốc lào, đúng vẻ người giàu có, có thế lực trong phố.

Nhưng khi trông rõ tiểu thư Tiểu Bạch, ông ta vội đưa điếu thuốc cho đầy tớ đi bên và chắp hai tay vái chào một cách cung kính :

- Trời ơi! Tưởng ai hóa ra tiểu thư. Không ngờ tiểu thư giáng hạ, xin lại tệ xá được hầu tiếp. Lão đội ơn tiểu thư và cố chủ. Dù bao năm xa cách, đường xa thiên lý, nhưng trong lòng bao giờ cũng canh cánh nhớ tới ân nghĩa khi xưa ở Diêm Bình phủ, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”, gia đình lão ngày nay có đủ miếng cơm ăn không dám quyên mình là kẻ hầu hạ trong Quảng Mục trường khi xưa.

Dứt lời, vị thân hào không ngại nơi hè đường đất bụi, sụp lạy xuống trước mặt Tiểu Bạch.

Các mụ “thị mẹt” nỏ mồm hồi nãy, thấy sự thể biến đổi như vậy không kịp chờ phải đuổi, thảy đều len lén rút lui ra xa. Vương Nhi đứng gần đấy, đỡ chủ nhân Thần Châu tửu lầu đứng dậy.

Ông ta một mực nài nỉ mời cho được tiểu thư Tiểu Bạch và các người trong xe vô đại tửu lầu của ông để cho vợ con ông ta được diện kiến.

Ông ta bảo người tài phú hoàn lại số tiền rượu Nhất Tiếu vừa trả. Ông hối người kêu vợ con ra níu kéo cho thêm kính trọng.

Bọn người đứng xem thấy vậy, biết Nhất Tiếu và nhóm người Tiểu Bạch là những người đàng hoàng đứng đắn, nên mới đặng sự kính nể của ông Sinh Thái Trường. Sự cãi nhau đôi co lúc nãy chỉ là một sự ngộ nhận hiểu lầm... nên không ai bảo ai, họ bỏ đi hết cả.

Lúc này gia quyết thân chủ và các người làm xúm quanh cỗ xe mời mọc. Nhưng Tiểu Bạch khoát tay nói cho ông ta biết :

- Chúng tôi có việc cần đi ngay, không thể ở lâu thêm giây phút nào được nữa. Tôi biết địa chỉ ở đây rồi, xong việc thế nào cũng ghé qua thăm và phiền nhiễu. Sư huynh tôi hôm nay bị người ta tưởng lầm với ông trọc đầu có tính “hảo ngọt” nào đó? Nhưng nhờ chủ nhân tốn công nhận biết, mọi sự hiểu lầm đều minh bạch. Như thế chúng tôi cũng đội ơn lắm rồi!

Nhất Tiếu đặt hai hũ rượu lên xe, nhảy lên ngựa cùng Thất Tình Tú Sĩ vái chào ông Sinh Thái Trường lên đường.

Tiểu Bạch cũng lên xe, ân cần cảm ơn chủ nhân và gia quyến một lần nữa rồi ra hiệu cho người làm công giật dây cương cho lừa chạy.

Vị thân hào đứng ngẩn người, than tiếc không sao lưu lại được công nương, con cố chủ bao nhiêu năm mới có một lần đặt chân tới Diễm Phố, mà chẳng thể mời ở chơi được một bữa lâu dài.

Ông cũng không quên rầy la những người đàn bà nông nổi nhẹ dạ, không chịu xét đoán kỹ càng, nghe thấy người ta nói là sao thì hùa nhau tin làm vậy, gây ra những chuyện... giữa chợ nhận lầm áo người là của mình.

Khi xe đi một quãng rất xa, Thất Tình Tú Sĩ cho ngựa đi song đôi với ngựa Nhất Tiếu, cùng sáp lại bên xe để vừa đi vừa nói chuyện.

Thoạt tiên Thất Tình Tú Sĩ khen ngợi Nhất huynh đã biết nén sự tức giận, không nổi sùng lúc bị dân chúng bao vây làm khó dễ. Tiểu đệ chỉ lo Nhất huynh nổi nóng, đánh đấm tứ tung thì thiệt là khó xử.

Nhất Tiếu tỏ vẻ ân hận trả lời :

- Tất cả do lỗi tại ta. Ta quá cao hứng thèm uống rượu nên mới nhiễu sự, thực đúng lời mẫu thân dặn “Hành đại sự không nên nghĩ tới rượu chè”, ta thành thực xin lỗi mọi người. Nhưng có lâm sự mới biết Vương ca cũng là một tay có tài biện bác, ứng đối lanh lẹ, không phải chỉ biết có tiểu thư và nấu bếp mà thôi. Tiểu đệ rất kính phục hào khí của Vương huynh lúc mắng nhiếc các bà các cô “ba trợn”. Cả tiểu thư nữa, cũng... hay lắm. Có xuất ngoại giang hồ mới biết kẻ nọ phải nhờ kẻ kia mới dễ gỡ nhưng mắc míu khó khăn mắc phải.

Tiểu Bạch khiêm tốn :

- Tụi chúng mình cứ người nhà khen tặng nhau hoài. Thật tình vì hết lương thực nên mới phải rẽ vô chợ mua bán. Đi vào chỗ đông người khó tránh gặp sự phiền phức. Cực chẳng đã em mới phải tiết lộ danh tính, chúng ta đang lo công tác mà để lộ hành tung cũng là một điều sơ hốt. Từ nay, chúng ta nên cẩn thật thì hơn.

Mọi người đồng khen phải.

Nhưng sự gì xảy ra thì tự nhiên nó sẽ xảy ra, dù tránh cũng khó thoát.

Lúc trời đã về chiều, mọi người đương nhìn sang hai bên vệ đường tìm chỗ dừng xe để lo cơm nước nghỉ ngơi.

Tới một thạch kiều, mọi người định vượt qua thì thấy mấy người dân quê gồng gánh đứng xúm xít với nhau. Họ không dám qua cầu. Họ lấm lét nhìn lên cầu đá như có sự gì ngăn trở nơi đó.

Nhất Tiếu dừng ngựa dọ hỏi đầu đuôi. Người có tuổi trong đám trả lời :

- Thiệt là kỳ! Từ hồi nãy, ở trên bờ đá thạch kiều có một người to lớn như... nhà thầy, nằm ngủ cong queo. Đàn bà con gái gồng gánh đi chợ về qua cầu không sao! Nhưng đàn ông chúng tôi anh nào đi qua là tự nhiên có ma xô té... lăn tròn xuống sông. Đã có hơn chục người bị ngã như thế rồi. May hồi này không có nước ròng, nếu không có kẻ bị chết trôi rồi. Bây giờ còn mấy người chúng tôi tụ tập nơi đây, hỏi han nhau, chưa ai dám đi qua cầu đá nữa. Muốn qua sông, không có đò!

- Thằng nớ nó muốn làm “ông kẹ” phải không? Nó có dùng tay chân xô đẩy hay đá đạp người ta lăn xuống sông không?

- Không, chúng tôi nhìn kỹ thì thấy hắn ta nằm yên không động đậy.

- Hắn ta nằm yên thì tại sao các người kia lại bị té rớt xuống sông?

- Vì thế tôi mới nói là kỳ chớ. Bây giờ nhà thầy có muốn biết vậy không thì nhà thầy cứ qua cầu. Nếu nhà thầy có tài trừ ma trị quỷ qua đặng bình an thì chúng tôi sẽ bắt chước qua theo.

Nhất Tiếu xuống ngựa, buộc dây cương vào thành xe rồi xăm xăm bước lên cầu, hai làn nhỡn quang chiếu thẳng vào chàng đại hán đầu chít khăn trùm kín mặt, đương ngủ ngáy khò khò...

Cầu cao gió mát, bờ đá phẳng rộng, nằm ngủ hóng gió rất tốt. Nhất Tiếu tôn trọng tự do kẻ khác, không muốn làm rộn y. Chàng quay đầu nhìn sang mé sông thấy dòng nước lững lờ trôi, phong cảnh tuyệt đẹp.

Nhưng một làn “nhu phong” cuộn lấy chân chàng định nhấc bổng chàng lên cho rơi xuống nước. Nhất Tiếu xoay thân mình nhanh như chớp, xòe bàn tay chận luồng gió mạnh, nghe đánh ầm một tiếng, đá sỏi bắn tứ tung. Chàng đã mượn đà phóng chưởng, nhảy xẹt lại cạnh đại hán giật giải khăn màu xanh che mặt.

Một cái đầu “trọc tếu” thứ hai lộ ra. Trên thạch kiều hiện lên hai nhà sư to lớn mặt đối mặt, hầm hè nhìn nhau không chớp mắt.

Hòa thượng cải trang vờ ngủ, nhìn trộm đàn bà, đánh trộm đàn ông, nham nhở cười hí hí, nhe bộ răng trắng ởn, văng tục :

- Bá ngọ tên khốn kiếp bỗng dưng giật khăn làm mất giấc ngủ của ta.

Nhất Tiếu cũng quát lớn lại rằng :

- Mày mới thật là sư hổ mang cải trang làm thường nhân chuyên môn đánh lén. Ta không treo ghẹo gì mày, cớ sao dám phóng “nhu quyền” để đẩy ta té xuống sông?

Vừa nói, vừa định thần ngắm kỹ thì thấy tên lạ mặt trọc đầu này rất diêm dúa, xức dầu thơm, ngực đeo dây chuyền vàng lớn, cổ sau gáy còn bê bết phấn son phụ nữ.

Hắn ta cười hì hì rất khả ố, liếc nhìn Nhất Tiếu một cái rồi nói :

- Trong cỗ xe của sư huynh, bần tăng thấy một bông hoa thơm và đẹp “số zách”! Chúng mình có thể kết làm đồng bọn đồng môn được chăng?

Nhất Tiếu thét lớn :

- Dâm tặc! Chính mi là tên ác tăng “hảo ngọt” đa phạm nhiều án hái hoa trong Diễm Phố phải không? Muốn sống chịu trói cho ta giải quan chịu tội nghe không? Đừng nói lời càn rỡ nữa.

- Giải quan chịu tội ư? Vào trong huyện đường ban ngày ư? Và hì hì... trong đó ta sẽ tự tha tội cho ta. Này chú mày đừng làm dữ vội. Hãy nghe đây. Ta xuất gia thờ Phật. Ta không muốn phạm giới sát sinh, nhất là lại sát sinh giết người đồng đạo, tăng lữ như nhà ngươi. Việc ta làm phải quấy không liên can gì đến mi. Chớ có nhiều lời, “kim câu” của ta có thể làm mi thành quỷ không đầu thì đừng có trách là ta không báo trước.

Nói rồi hắn toe toét cái miệng loe như miệng ống nhổ, hỏi thêm rằng :

- Từ lúc ở trước cửa đại tửu lầu Thần Châu, ta đã trông thấy mi, hai tay xách hai hũ rượu lớn, xét ra “quý tăng” cũng là bợm nhậu hữu hạng. Ở đời có “tửu” thì phải có “sắc”. Bần tăng tửu lượng có phần kém, nhưng vấn đề thứ hai thì đã nổi danh thiện hạ. Vậy hai thằng trọc chúng ta kết hợp lại làm một, thành một khối “tửu quỷ, sắc ma”, đi đâu cũng có đôi, làm bầu bạn, đồng đạo, đồng môn, đồng chí, đồng chóe có phải nhất cử tam tứ tiện lợi, danh tiếng một thời không?

Nhất Tiếu nghĩ bụng: “Đích thị tên này là một thằng trong số bốn anh em quái tăng “Ngạo, Lãng, Mê và... hiếu sắc”. Nể mặt thằng anh nó đã kể cho ta nghe chuyện bịnh hoạn di truyền của cha mẹ chúng, không lẽ ta lại đan tay giết đi?”

Hắn đứng lặng yên ngẫm nghĩ rồi nói :

- Này đạo hữu, hãy nghe ta “thuyết pháp”! Cõi đời này đều vay mượn cả, Phật đã bảo chúng sinh như vậy. Cái đầu trọc này cũng là đồ vay mượn. Bộ quần áo, dầu thơm, xúc xích vàng đeo cổ thay tràng hạt, đôi kim câu giắt sau lưng đều là đồ ta “vay mượn” cả. Sắc đẹp cũng là đồ vay mượn. Ta biết thế nên ban ngày, như mọi khi, ta tìm một chỗ lánh mặt trần gian, chăm lo tĩnh tọa vận công để đả thông Sinh Tử huyền quan, tiến tới mục đích Lục Hợp Quy Nhất. Ta biết dùng pháp “Ẩn ác Dương thiện” mà. Nếu ta có phải sắc giới đều do có sự thỏa thuận của đối phương, không hề có sự nài ép, vì ta biết ở đời các sự nài ép đều... trái với quy luật “thiên nhiên”. Hôm nay, sở dĩ ta “phá giới” ban ngày, làm cái việc... trái với Trời Phật dạy... vì ta trót được chiêm ngưỡng cái nhan sắc tệ hại có thể làm “đổ trời động đất” của “cô bạn” trong xe quý đạo hữu đó. Ta nằm chờ đón đường cô ta ở trên cầu này từ lâu. Sự chờ đợi dễ khiến sinh bực tức nên ta có đá lộn nhào mấy thằng... đàn ông đáng ghét, mặt mũi xấu xí xuống sông. Bây giờ ta đã cởi lòng cởi dạ như đã bóc chiếc bánh tét cho quý đạo hữu hiểu thấu tâm trạng của ta, vậy quý đạo hữu còn chờ gì mà không giới thiệu ta với... giai nhân để ta thỏa mãn tấm lòng ngưỡng mộ “người đẹp”.

Nhất Tiếu đáp :

- Mày thực là một tên sư khốn nạn, làm dơ dáy cả thiền môn. Ta có uống rượu, nhưng là “rượu tiên rượu thánh”, uống rượu để ca tụng sự cao siêu của tạo hóa, lòng từ bi như biển của Thế Tôn, chớ đâu có xếp cùng hạng như loài... ngạ quỷ sắc dục như mày? Tiểu thư trong xe hiện nay mắc nạn bị hư đôi mắt, mày không tỏ chút lòng thương cảm mà lại sinh lòng tà bậy, tội thực đáng chết, ta không thể nào dung tha được.

“Hảo ngọt” hòa thượng ngạc nhiên :

- Ủa? Giai nhân bị mù sao? Mù thì mù mà vẫn đẹp có thể làm chết người được. Vậy ta tình nguyện đem lòng hỉ xả “thương” người để làm kẻ... dắt đường “hầu hạ” cô ta được chăng?

Nhưng chỉ nghe soạt một tiếng, bảo đao đã rút ra khỏi vỏ. Đạo kim quang lấp loáng nhắm đầu “dâm” hòa thượng chém xuống.

Ái Hoa hòa thượng là tay võ nghệ cao cường. Từ lúc khởi đầu hắn vẫn đứng trên thạch kiều ở chỗ cao nhất để chiếm thượng phong khi giao đấu.

Bản cầu hẹp chỉ đủ một xe qua, hai bên cầu thành đá cao nên chiếm địa thế rất lợi, vì đứng thấp khó tấn công hơn.

Hắn thoái bộ rất nhanh nhẹn và vung đôi kim câu, hai đầu có lưỡi bén cong như hai câu liêm vừa chém vừa đoạt võ khí địch nhân dễ dàng.

Đao câu chạm nhau kêu loảng xoảng. Hai người ác chiến giữa nơi cầu. Phép đánh câu của Ái Hoa hòa thượng rất tinh diệu, lưỡi kim câu mỗi lần chém lại xoay ngoắc vào cổ tay địch thủ rất lợi hại.

Vì không có chỗ địa thế rộng rãi nên Nhất Tiếu khó thi triển toàn bộ đao pháo nên đơn đao không thể đánh bại đối phương trong chục chiêu đầu. Mỗi lần chàng huy động Đại Hoàn kim đao, Ái Hoa hòa thượng phải vận dụng kim câu mới đỡ nổi.

Mỗi lần kêu choang là một lần Ái Hoa hòa thượng thấy hai cánh tay tê chồn lại. Y biết Nhất Tiếu có sức mạnh phi thường, không dễ gì dùng móc câu giật được Kim Đao ra khỏi tay địch thủ.

Nhất Tiếu cũng định tâm dùng trí để đoạt binh khí của đối phương. Nguyên Đại Hoàn đao có một vòng lớn, hai vòng nhỏ ở sống đao, nếu xoay lưỡi đao khiến cho mũi cong kim câu móc vào thì hai đồ binh khí sẽ xoắn tít với nhau không gỡ ra được.

Đó là một điều nhà sư Ái Hoa không ngờ tới, chỉ dụng tâm thuật đoạt binh khí của người nhưng không nghĩ tới chuyện kim đao có thể míc giật lấy kim câu của mình.

Nhất Tiếu sử dụng một thế võ cực hiểm hóc. Chàng xoay lưng trở lại chờ cho song câu bổ xuống hai vai, chàng té lăn cù, dùng cước đá vào tay hữu địch nhân, đồng thời dùng vòng đao cho móc xoắn lấy kim câu tay tả.

Một khi đao câu đã dính chập với nhau, tay trái Nhất Tiếu buông ra một quyền đánh trúng vai Ái Hoa nặng hơn búa tạ.

Bị đau, nhà sư “hảo ngọt” đâm ra luống cuống nên Nhất Tiếu vung đao giật lấy kim câu khiến hắn ta chỉ còn một lưỡi câu tay tả.

Biết gặp phải đối thủ vô địch, hắn đánh chiêu sát thủ, lao chiếc kim câu còn lại vào người Nhất Tiếu. Nhưng Nhất Tiếu đã đoạt được phần thắng, nhảy vọt lên bờ đá thành cầu và vung đao chém ngang một nhát như một đạo cầu vồng vắt ngang trời.

Thực là trái ngược! Nhất Tiếu đã tính đúng khiến mũi nhọn kim câu mắc ngay vào chiếc vòng thứ hai trên sống đao, thế là song câu dính chùm với kim đao làm một.

Ái Hoa hòa thượng khiếp đảm, vì xưa nay đôi kim câu của hắn đã giật không biết bao nhiêu binh khí và chém đứt không biết bao nhiêu bàn tay võ lâm cao thủ. Thế mà bây giờ, lần đầu tiên trong đời hắn bị mất cả song câu vì một thanh đao.

Bỗng có tiếng người từ phía xa gọi vọng lại. Đúng âm thanh trong trẻo của Tiểu Bạch :

- Nhất ca đừng sát hại hắn. Chính là em của Lãng hòa thượng và Mê hòa thượng đấy. Nếu giết đi, chúng ta biết nói sao với hai người đó.

Nhất Tiếu thu lấy song câu, vứt xuống đất, tra Đại Hoàn đao vào vỏ. Chàng vẫn căm tức nói lớn :

- Không giết thì thôi, nhưng phải đánh cho nó một trận để chừa... cái tật “máu con dê”. Nói rồi chàng cử quyền đánh tới tấp.

Ái Hoa vừa la lối, vừa giơ hay tay đỡ, lùi xuống chân cầu :

- Tiểu thư quen biết anh ta thì ta tôn làm bậc “liền chị”. Còn sư huynh đừng đánh đệ nữa, đánh thì đánh nhưng đánh để “chừa” thì chẳng được đâu. Tiểu đệ đã tự đánh mình và nhờ người đánh để “chừa” nhiều lần mà không được rồi.

- Nhưng ông tin là ông đánh lần này, mày phải “chừa”.

Huỵch... huỵch...

Nhất Tiếu đánh trúng liền hai chưởng như trời giáng làm nhà sư tung bổng người lên rớt nhằm cây đổ đến rầm... bụi cát mù mịt.

Ái Hoa luyện công chịu đòn rất giỏi. Hắn lồm cồm đứng dậy, lấy tay quệt ngang mồm ứa máu tươi, trào ra hai mép. Nếu là kẻ khác mà trúng một quyền của Nhất Tiếu thì đã nằm xụm từ lâu rồi.

Hắn vẫn lẩm bẩm :

- Đánh mạnh dữ a. Nhưng này ta nói thiệt... không “chừa” được đâu!

“Bình!”.

Nhất Tiếu lại phóng một cước đá hắn ngã lăn như con vụ rơi vào bụi rậm, lần này hắn không đứng dậy ngay được, hai tay xoa nắn nơi hông bị đá, mặt mũi nhăn nhó trông rất thiểu não.

Thất Tình Tú Sĩ và Vương Nhi cùng Tiểu Bạch sợ Nhất Tiếu quá tay đánh chết hắn ta nên đã xuống ngựa, xuống xe chạy lại khuyên can.

Thất Tình Tú Sĩ nâng đỡ Ái Hoa dậy. Hắn ta quần áo xơ xác, mặt mũi lấm bê bếch, máu mồm máu miệng lẫn bụi đất, nghe hơi thở hổn ha hổn hển, biết rằng dù cố công điều tức vận khí cũng chẳng thể chịu nổi cú đấm đá thứ tư của Nhất Tiếu.

Xong nhìn thấy Tiểu Bạch chống gậy lần mò đi lại, mặt hắn lại tươi hẳn lên, hai mắt sáng rực, vòng tay vái chào, nói rằng :

- “Liền chị”... cứu mạng... “đẹp quá”... Cám ơn... cho tôi được phép “hầu hạ”,...

“Bốp!”.

Nhất Tiếu tiện tay cho một cái bợp tai rất mạnh khiến hắn lại té nhào...

- Nè! Dê xồm ăn nói giữ mồm giữ miệng một chút mày. Nếu không ông thẳng cánh đạp chết sặc máu mày. Người đâu mà trông thấy bóng đàn bà con gái, cứ lồng lộn lên... như giống đười ươi.

- Thôi Nhất huynh! Không nên đánh kẻ đã bị thua. Tính nết hắn thế là do... bịnh hoạn gây nên, ta không nên chấp. Chúng ta cho xe qua cầu, mặc hắn là êm chuyện.

Nhất Tiếu còn mắng nhiếc :

- Nếu nó không phải là “tăng đạo”, thì ta đâu có ra tay trừng trị? Đằng này đã xuất gia còn công khai phạm giới mới đáng ghét chứ!

Ái Hoa nằm dưới đất cong môi cãi lại :

- Anh đừng cậy khỏe hiếp yếu. “Uống rượu” mới là “phạm giới”. Còn ta tôn thờ nữ giới là hạp với đức hiếu sinh của Thượng đế. Người đàn bà đẹp là bông hoa, phải tỏ lòng ái mộ hết sức mới là biết tôn sùng “Chân Thiện Mỹ” của trời đất tạo ra chớ. Anh chỉ là “đạo đức giả”.

Thất Tình Tú Sĩ và Vương Nhi không thể không hoan nghênh lời nói đó vì một người “tương tư” Hoàn Mỹ Thiếu Cơ, một người chạy theo Tiểu Bạch, nên cùng bụm miệng cười tán thưởng.

Nhất Tiếu hậm hực nói :

- Mày nói ngu lắm. Ta có uống rượu nhưng tao uống rượu một mình. Còn mày phạm giới làm “hư hại” người khác.

Biết rằng nếu cãi cối cãi chày với Nhất Tiếu nữa sẽ chỉ ăn thêm đòn đâu nên hắn ta không đáp, nhưng vẫn tỏ vẻ bất phục.

Xe qua cầu, mọi người lên ngựa, lên xe, mặc Ái Hoa ở lại bên đường. Các người dân quê nhân lúc đôi bên ngừng xô xát cũng đã qua cầu trở về thôn xóm.

Lúc mặt trời lặn, hoàng hôn sắp tắt, mọi người dừng xe chỗ vắng vẻ bên ngòi nước để lo cơm nước.

Cảnh vật buổi chiều yên tĩnh, Vương Nhi nhờ có gia vị mua tại chợ, trổ tài làm món ăn ngon. Nhất Tiếu lo mở bình rượu thưởng thức mùi vị rượu Bách Hợp ra sao? Đương lúc hít hà hơi rượu thơm bốc lên ngào ngạt thì lù lù trước mặt đã thấy bóng nhà sư Ái Hoa hiện ra.

Hắn tiến tới trước mặt Nhất Tiếu, sụp xuống lạy, dập đầu xuống đất :

- Kính lạy... “liền anh”! Cho em út đi theo với. Liền anh dạy dỗ đánh đập mắng chửi thế nào em cũng cam lòng, miễn là... “chừa“ được tính xấu của em.

Hắn ta đã khôn ngoan trình diện đúng lúc Nhất Tiếu vừa mở nắp bình hảo tửu. Hai lỗ mũi chàng hấp háy, sâu rượu nhảy nhót trong bao tử vậy thì có lý gì mà không nhẹ tay độ lượng khoan thứ cho tội lỗi... của kẻ khác biết “hối cải”.

Chàng hất hàm nói :

- Thôi được, tha cho mi. Đi ra đằng kia nói với các người khác. Nếu họ bằng lòng sao thì ta ưng vậy.

Ái Hoa hớn hở, lắc lư đầu trọc ngất nghểu đi lại phía mọi người đương làm cơm và các món ăn.

Nhất Tiếu lấy bát múc một bát đầy rượu, uống một hớp dài thỏa mãn :

- Chà! Bách Hợp hảo tửu. Ngon tuyệt! Uống đã quá.

Trong khi Nhất Tiếu thả tâm thần theo hơi men cao ngút tận trời xanh thì bỗng có một tiếng kêu rú thất thanh làm mọi người hoảng hốt.

Sự gì đã xảy ra?

Mọi người chỉ thấy Tiểu Bạch vẫn ngồi im lặng cạnh chiếc chiếu lớn trải trên mặt đất để chờ Vương Nhi bày dọn cơm và thức ăn chín tới.

Trái lại nhà sư Ái Hoa coi quắp cánh tay, hai bàn tay máu nhiểu nhỏ giọt kêu thét.

- Ối trời đất ơi! Đau quá! Buốt quá!

Nhất Tiếu buột miệng nói :

- Thằng trọc “lăm băm”, lại bè hè, làm cái gì “bê bối” chi đây?

Nhất Tiếu tay cầm bát, tay ôm hũ rượu chạy lại coi xem.

Thất Tình Tú Sĩ lắc đầu nói rằng :

- Đáng kiếp lắm. Không biết làm cách nào cho nó “chừa” được.

- Đúng vậy! Chứng nào tật ấy khó chữa đặng thay.

Ái Hoa khi lại gần chào Tiểu Bạch, thấy nàng ngồi một mình, thêm dải lụa trắng bịt ngang mắt, chẳng thể trông thấy gì. Hắn nhìn mặt nàng dưới ánh sáng hoàng hôn, làn da mịn thêm bóng mịn. Má đỏ vàng pha như vỏ quả anh đào, cái mũi, cái miệng, cái cằm xinh tươi, khiến hắn ta rón rén lại gần ngắm nghía...

Khi nhìn tới dưới ngực, đôi gò “bồng đào” căng tròn dưới làn lụa bạch, hắn nổi cơn tà bậy, đưa hai tay về phía trước... theo sự thúc đẩy của thú tính di truyền.

Cử động “phạm giới” trong lúc bất ngờ rất lanh, còn ai cấm đoán kịp, không ngờ hai bàn tay mới xòe ra chưa đạt tới “mục tiêu” thì ở huyệt Chưởng tâm giữa gan bàn tay bỗng nhói buốt.

Hai chiếc phi trâm đã xuyên lủng da thịt, mũi trâm nhô ra khỏi đôi bàn tay, nửa trên nửa dưới rất cân đối, làm nhà sư đau quá kêu thét lên tiếng lớn, co tay chạy la lối.

Hắn nhăn nhó chìa tay ra cho Thất Tinh Tú Sĩ và cầu xin rút hộ. Chàng thiếu hiệp dùng hai ngón tay khẽ kẹp lấy đuôi mũi trâm và vận khí cho kim trâm bật ra khỏi vết lủng. Ái Hoa hòa thượng tưởng trâm cắm như thế phải nhổ mạnh mới ra, không ngờ thủ thuật chàng thiếu hiệp thực là tuyệt vời. Hắn xiết bao kinh sợ, biết rằng hôm nay quả vận xui gặp gái, nên đụng độ với toàn những tay tuyệt kỹ. Phải tự liệu xử sự, không thì mất mạng như chơi.

Khi nhổ ra hết đau buốt, Vương Nhi thương hại lấy thuốc dấu dịt cho khỏi nhức nhối. Khi hai tai buộc thuốc xong xuôi rồi, Tiểu Bạch mới nghiêm nghị lên tiếng cảnh cáo :

- Ái Hoa. Tội mi đáng xé xác. Ta phải trừng phạt để mi nhớ suốt đời.

Tiểu Bạch cầm lấy chiếc kiểng bạc và dùi nhỏ, cầm tay khẽ gõ. Ái Hoa lắng nghe không thấy tiếng keng keng. Hắn lấy làm kinh ngạc bỡ ngỡ.

Hai Cẩu đầu nhân đã đứng hai bên nhà sư đa tình tự lúc nào không hay. Chưa kịp trở mình thì hay tay đã bị nắm chặt. Hai Cẩu đầu nhân mang Ái Hoa ra giữa bãi cỏ trống. Hắn phân vân không biết bị hành tội cách nào, nhưng cũng cẩn thận chuyển công vận khí đề phòng để “chịu đòn”.

Nhưng “vút”, hai Cẩu đầu nhân đã ném tung hắn lên trời. Hắn thất kinh tảng đớm, há hốc miệng hết cả, ngậm hơi vận khí :

- Húy trời ơi. Chết tôi rồi!

Thân hình to lớn như con bò mộng bay vút lên cao mấy chục trượng rớt xuống thì... rách nát như cái “bị rách” còn gì.

Ái Hoa nhắm mắt chờ chết. Người hắn rớt xuống không có vật gì nâng đỡ làm hắn nghĩ vậy “mọc gai sởn ốc” khắp mình.

Nhưng Cẩu đầu nhân đã đón sẵn nắm lấy hai cẳng quay tít vòng tròn rồi ném tung lên cao. Lần này thì thân hình giống như chiếc diều bay vút cao hơn... khiến hắn lại càng sợ hãi vô cùng.

Nhưng sắp rơi “bịch” xuống đất thì Cẩu đầu nhân khác lại đỡ lấy và quay tít lấy đà ném cho vọt lên cao nữa.

Ái Hoa biến thành quả cầu chuyền hết rớt xuống lại bay lên, người quay lăn lông lốc, đầu hoa mắt choáng, bao nhiêu tim gan ruột, lá lách lộn tùng phèo khiến hắn từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa hề thu nhận một hình phạt nhục thể nào khắt khe, đáng sợ hãi bằng lần này.

Nhất Tiếu khoái chí vỗ tay cười ha hả, thỉnh thoảng lại cầm bát múc rượu làm một ngụm :

- Chừa chưa? Chà, rượu ngon quá, xem đánh cầu chuyền số dzách.

- A ha! Bắt trượt này. Trượt tay này. Ha ha...

Mỗi lần nghe nói tới bắt trượt. Ái Hoa ớn xương sống, run tủy lại kêu thét lên “ối chao, hú hồn, sợ quá, chừa rồi”.

Lần chót, Cẩu đầu nhân quay tít không ném lên cao nữa, một người cầm hai tay, một người cầm hai chân hắn ta, căng ra như sắp xé xác đến nơi, làm hai, làm bốn mảnh.

Hắn ngoái đầu hướng về phía Tiểu Bạch kêu lớn :

- Trăm lạy, muôn ngàn lạy tiểu thư tha tội cho tiểu tăng. Tiểu tăng biết phép rồi. Từ rày không dám hỗn láo với tiểu thư nữa. Tiểu thư sinh phúc tha cho.

Tiếp theo là tiếng “ùm”. Hai Cẩu đầu nhân đã quăng hắn xuống ngòi nước. Vương Nhi nhìn theo nói nhỏ :

- Nghĩ cũng đáng thương hại! Chỉ vì mang trong người cái máu... nên mới nông nổi bị hành tội khổ sở như vậy! Thế mới biết Phật quở “chữ Dâm là chữ Tội”. Quả không sai! Nhưng tội thì tội, biết có chừa không?

Chừng tới khi lôi kéo y lên bờ thì bụng đã chướng lớn như cái trống. Hắn ta được một phen uống no nước, tuy nhiên hắn vẫn cố ngoi ngóp, lết lại trước mặt của Tiểu Bạch lạy tạ ơn không giết.

Mọi người ăn cơm, nghỉ ngơi chờ trăng mọc lại tiếp tục cuộc hành trình. Ban đêm, toán người đi được nhiều đường đất của ban ngày. Quan lộ rộng thênh thang tha hồ cho lừa ngựa phi nước đại. Mọi người không muốn cho nhà sư Ái Hoa nhập đoàn vì sợ tánh tình của hắn làm phương hại cho công tác. Nhưng nhà sư một mực xin đi theo, nếu bỏ rơi hắn, thì hắn xin để được tự “cắt họng” trước mặt tiểu thư còn hơn.

Thấy hắn quyết tâm, tay cầm lăm lăm lưỡi sắc “kim câu” kề nơi cổ chỉ chờ một câu cửa miệng người đẹp từ chối là hắn hy sinh... đời hắn liền.

Tiểu Bạch thương hại không nỡ nên còn dùng dằng chưa quyết. Hắn nói :

- Nếu Tiểu thư và các vị cho theo thì dù bảo nhảy vào đống lửa, tôi cũng vui lòng nhảy ngay không từ nan! Không một việc gì khó khăn mà tôi không dám làm!

Tiểu Bạch giao hẹn :

- Đúng như vậy nhé! Tôi bảo làm việc gì thì anh phải làm như vậy nhé! Hắn trỏ mặt trăng thề độc.

Tiểu Bạch cả cười bảo :

- Được rồi, tôi nhận cho đi theo nhưng đòi anh phải làm một việc đầu tiên có chịu nghe không?

- Một việc chứ muôn việc cũng phải nghe theo.

- Anh đếm cho từ một tới... một trăm, đếm thực nhanh. Đếm chậm không được.

- Ồ dễ quá! Tiểu thư định rỡn bần tăng chăng?

- Không rỡn đâu cứ đếm cho tôi nghe, càng nhanh càng hay.

Ái Hoa liếng thoắng đếm như điện chớp một mạch đến một trăm. Đếm xong hắn xoa tay đắc chí cả cười vì đã làm vui lòng người đẹp.

- Bây giờ anh đếm ngược lại từ một trăm tới một nhanh như anh vừa đếm xuôi.

- Đếm ngược lại hả?

- Đúng vậy! Nếu đếm chậm hơn thì xin... sư phụ ở lại một mình ngồi chơi xơi nước, mặc chúng tôi đi.

- Một trăm, chín mươi chín, chín mươi tám...

- Đếm chậm quá!

- Xin để cho tập một thời gian, cho quen mới đếm nhanh được.

- Thời gian là... bao lâu? Một ngày, một tuần hay một tháng?

Nhà sư đứng ngẩn tò te, mãi mới trả lời :

- Xin để cho tập một tháng.

- Sao lâu vậy?

- Vì đếm xuôi quen miệng dễ đếm. Đếm ngược, không quen miệng, khó đếm nhanh quá!

Tiểu Bạch chậm rãi nói :

- Đấy, làm xuôi thì dễ làm “ngược” thì khó. Tại sao thiên hạ đều làm xuôi mà... quý tăng cứ thích làm cái chuyện ngược đời, mà làm một cách dễ dàng coi thiên hạ như không người, tha hồ mặc sức “múa gậy vườn hoang”?

- Đó là do “tập tục thói quen”. Đối với người thì là ngược, nhưng đối với tôi thì “xuôi” lắm.

- Thôi thế thì ráng đếm ngược nhanh như đếm xuôi đi không thì xin... bái biệt!

- Ái chớ! Chớ làm... ”bái biệt” như vậy! Tiểu tăng sẽ tập đếm ngược nhanh như tên bắn và vâng lệnh làm xuôi, ngược đều như nhau!

- Được rồi, bắt đầu tập đi. Chừng nào đếm ngược nhanh như đếm xuôi thì tật xấu ngang ngược cũng mất dần đi. Ở đời, hay dở đều do “thói quen” cả!

Nhất Tiếu nhìn thẳng vào mặt Ái Hoa nhắc lại :

- Nghe rõ chưa, ở đời hay dở đều do “thói quen” tạo nên cả. Bỏ thói xấu, tập thói tốt nghe!

Ái Hoa gãi đầu vâng dạ, nhưng lẩm bẩm nói một mình :

- Thói quen, tập tục, nhưng tại sao “cù chân” thì thấy “buồn”, rụt chân lại. Đấy đâu phải thói quen?

Đoàn xe, ngựa lại chay băng trên đường lộ. Ái Hoa ngồi một góc miệng lẩm bẩm tập đếm người từ một trăm cho đếm một. Nói là dễ, nhưng việc làm khiến “mệt óc” hắn lăn ra, ngủ thiếp luôn.

Chẳng mấy ngày đã tới Trực Lệ. Vì thêm khẩu thực nên lương thảo hao hụt rất chóng.

Nhất Tiếu nghĩ tới chuyện đi săn bắn lấy thịt thú tăng gia món ăn. Khi xe qua một vườn trái cây quả nhỏ và đỏ sẫm như quả “bồ quân” thì đột nhiên Nhất Tiếu thấy một đàn chim công bay tới, sà xuống vườn cây thi nhau ăn trái.

Thực là một dịp may mắn ít có! Những con công đuôi cánh dài lê thê rất đẹp mặt, con nào con nấy nặng tới chục cân thịt.

- Thịt công nướng vàng da, ngon hơn thịt gà nuôi nhiều!

- Người ta đã nói ngon như “nem công chả phượng” mà...

- Nướng thịt công báo, mỡ cháy xèo xèo, nhậu với rượu Bách Hợp thì... quên chết!

Ái Hoa hòa thượng nhìn thấy bầy chim rất dạn người đương tìm kiếm những quả chín nhũng ngọt mổ ăn. Vừa ăn, vừa gọi nhau, rúc lên từng hồi “ke cò ke”.

Hắn đếm: Một trăm... chín mươi chín...

Câu chín vừa dứt thì đã thấy một con xòe cánh lăn ra chết không kịp giãy giụa. Vì vậy nên đàn chim vẫn tiếp tục ăn, không vỗ cánh bay đi nơi khác vì sợ hãi. Tiểu Bạch chúm chím miệng cười nói :

- Đó là phép ném “thoa cài đầu” đặc biệt của tiện nữ! Bây giờ khéo tay giựt mạnh sợi chỉ tơ tằm này, thì chiến thoa sẽ trở về tay, rồi lại phóng đi. Như vậy có thể dùng một cành thoa “phi” lủng đầu trăm con công mà không mất phi hoa.

Mọi người im lặng xem sao? Vì họ biết Tiểu Bạch không thể trông được chỉ nhờ tài nghe ngóng tiếng động dội lại.

- Chín mươi tám “ke cò ke”... “phập”...

- Chín mươi bảy... “phập”...

Trong khoảnh khắc, Nhất Tiếu đã trông thấy ba con công lớn nằm chết trong bầy chim. Chúng mải mê ăn không chú ý tới con đứng bên. Trong số đó có một con công, lông vũ lông đuôi một màu trắng bạch.

Thủ thuật ném phi thoa có buộc chỉ sau đuôi của Tiểu Bạch thiệt kỳ lại lanh lẹ hầu như “vô thanh vô sắc”. Không biết nàng dùng công tập hồi nàng còn nhỏ để bắt chim bắt cá hay sao mà trâm nàng đã phóng, không hề trật mũi nào. Kỳ lạ là đầu chim công thì nhỏ vươn ra co vào nói là chém trúng thì cũng khó huống hồ là... phóng trúng.

Mũi thoa xuyên từ mắt này qua mắt kia nên chim chết ngay và rút thoa ra cũng dễ vì chiếc thoa mũi nhỏ đuôi lớn.

Con nào yên lặng mổ trái ăn còn sống, trái lại cất tiếng kêu... là bị thoa xuyên thủng óc chết liền.

Ái Hoa nhìn theo trước còn đếm được sau mồm cứ há hốc không dám... lắp bắp nữa! Hắn đưa hai bàn tay lên mắt nhìn thấy hai vết kim trâm giữa gan bàn tay đều đặn trúng giữa không sai lệch một ly. Hắn nghĩ rằng: giả sử lúc đó mà Tiểu Bạch nhắm giữa mắt phi trâm thì có lẽ hắn cũng lăn quen như các con “công” béo mập kia...

Sau khi đã thấy hơn chục con nằm đất. Nhất Tiếu nói nhỏ :

- Tiểu thư dừng tay, để ta và Cao đệ ném đao và kiếm làm vài con xem sao?

Nói rồi Nhất Tiếu hỏi :

- Cao đệ sẵn sàng chưa, tôi vỗ tay cho đàn công bay vù lên ta cùng “phi đao” “phi kiếm” xem được mấy chú?

Nói rồi, hắn vỗ tay “bốp bốp”, đàn công còn lại bị động, giật mình tung cánh ào ạt bay lên. Nhưng một luồng kim quang và một đạo bạch quang xoay tròn như chiếc mâm vàng cập với chiếc mâm bạc úp chùm vào bầy công làm nhiều con bị đứt rụng cổ, rụng cánh rơi xuống như chùm sung rụng.

Chỉ còn hai ba con sống sót vụt bay cao, bốc thẳng lên thoát chết, bỗng có tiếng người tự đằng xa vỗ tay reo tán thưởng :

- Đao bay, kiếm múa khá quá. Để tay làm bớt ba con kia cho xem!

Một luồng hắc quang cũng bay vụt lên theo và cả ba con công đều bị chém đầu rớt xuống đất.

Nhất Tiếu hối đồng bọn thu nhặt xác chim, buộc cổ chúng lại thành chùm lớn, vắt treo trên mui xe. Chàng chọn hơn chục con to béo nhất chia nhau vặt lông làm thịt.

Vương Nhi bàn :

- Mổ bụng moi hết mề gan ruột ra để tôi nhồi chút nếp, nấm hương, lá thơm, ý dĩ, hạt sen vô, khâu lại rồi treo giá trên than hồng, như vậy lúc chín, thịt mềm ăn thơm ngon lắm!

Có tiếng người nói tiếp theo :

- Chưa được xé thịt ăn, mới nghe tả mà đã nhỏ nước miếng. Ta không biết nấu nướng, từ trước ăn thịt chim cứ để nguyên lông trác bùn đất đốt lửa rồi bóc ra ăn, không có gia vị thơm ngon nhưng nuốt đặng, không “tệ” lắm! Bây giờ cho góp phần thịt được không?

Mọi người quay lại thì thấy một trang hiệp sĩ bận võ phục màu trắng, gọn gàng. Dáng vóc trung bình trạc ngoài hai chục tuổi, mặt mũi sáng sủa quắc thước đôi mày nét chữ mác, đôi mắt hiện nhiều tia lửa đỏ hung quang. Hắn xách túi vải trong có cây gỗ đen, nom không được sạch sẽ vì còn dính máu chim và lông chim.

Ba con công hắn mang tới đều nặng như heo con, cánh và đuôi dài quét đất. Hắn chỉ bộ lông nói :

- Chim công này xem ra là loài công nuôi trong chuồng, nặng thịt nhưng bay không nhanh như con rằng. Bộ mã thì đẹp, thịt thì mềm nhưng không ngọt và bổ bằng thịt “dã công”, nếu kém gia vịt thì ăn nhạt thịt lắm!

Vương Nhi trả lời :

- Đúng vậy! Quý hữu là người sành món ăn lắm! Hôm nay tôi làm bếp để quý hữu thưởng thức.

Nói rồi nhận lãnh ba con công trao cho người trong bọn vặt lông.

Thất Tình Tú Sĩ trải chiếu mời hiệp sĩ ngồi. Nhất Tiếu chỉ hũ rượu hỏi :

- Quý hữu có biết uống rượu không?

- Chà rượu Bách Hợp ở Diễm phố còn ai chối từ được nữa? Bữa nay tôi đi đường xa đói bụng gặp hên vô cùng.

- Quý hữu đi đâu mà đi bộ một mình?

- Tại hạ sang Trực Lệ có chút việc riêng. Tính tại hạ thích cô độc. Các quý hữu đi đâu mà có xe ngựa tốt lành vậy?

- Chúng tôi cũng sang Trực Lệ thăm người bà con và đưa tiểu cô nương đi chữa bệnh. Khách mới đến có vẻ mệt mỏi, hỏi đáp qua loa vài câu chuyện rồi ngả lưng, gối đầu lên bao kiếm an nghỉ.

Mọi người đều đói nên chỉ chờ món ăn, chẳng ai buồn nói chuyện với ai nữa.

Bỗng có tiếng chân người đi tới. Một cụ già râu tóc bạc phơ chống gậy trúc đi lại, thấy mọi người nằm ngồi ngả nghiêng. Vương Nhi đương nhóm lửa cháy phừng phừng.

Ông cụ bất giác trông thấy trên mặt đất, lông chim vương vãi khắp nơi, trên dàn quay có tới chục chim công nhồi, bụng căng phồng sắp sửa đặt lên than hồng nướng cho chín.

Lão ông run sợ, tay chân luống cuống làm rớt cả gậy :

- Trời ơi! Các vị dám bắt chim công của Điền chúa trại làm thịt ăn sao? Gan các vị là gan cóc tía! Mật các vị lớn hơn mật gấu! Lại đốt lửa thui chín cho khói bốc lên! Chết đến nơi rồi! Thôi chạy trốn đi! Ta không nỡ trông thảm cảnh gia đình Dương Bộc, chủ vườn cây này tái diễn nữa! Đi đi! Đi đi mau!

Nhóm người Nhất Tiếu không hiểu đầu đuôi câu chuyện chim công này ra sao mà lão ông nay nói lời kinh dị thế?

Vương Nhi nhặt gậy cho cụ chống, Thất Tình Tú Sĩ vài chào hỏi danh tính và mời cụ ngồi chơi hỏi tường tận nguyên do?

Cụ gì trông trước trông sau gặng hỏi mãi cụ mới kể cho mọi người nghe :

- Ông Dương Bộc làm nghề thợ nhuộm, hai vợ chồng và hai đứa con một trai một gái sinh sống tại đây đã lâu năm. Xóm làng, nơi đây trước rất đông đúc. Nhờ có đất tốt màu mỡ nên nhà nào cũng có vườn trái cây, đủ mọi thứ trái. Dân làng không có cuộc sống phồn thịnh, nhưng gia đình nào cũng đủ bát ăn, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, yên vui với cuộc sống tầm thường, bình dị nhưng an lạc. Nhưng “tai họa” đã đến với bầy chim công quái ác này!

Vương Nhi vừa cời than hồng đỏ rực, vừa bảo Nhất Tiếu bắt ngang dàn thịt trên lửa vừa hỏi :

- Cụ ơi, chim công béo mật thế này, khi chín tới nước ngọt chảy ra, thơm ngon vô cùng, tại sao cụ nói là tai họa?

- Cậu ơi! Cậu còn trẻ tuổi chưa trải việc đời, cậu thấy cuộc đời ngon ngọt như thịt chim công quay! Nhưng trên thực tế, miếng thịt chim công thơm ngon bùi béo này đã làm cả gia đình người chủ vườn cây phải thảm tử đấy! Gia đình này chết, dân làng sợ hãi cũng bỏ đi nên vùng này trở nên hoang vắng từ ngày đó.

Vương Nhi cắt ngang câu chuyện :

- Lão trượng kể chuyện đám tang bi thảm như vậy, nghe chuyện cụ, ăn hết muốn nuốt, thế là công phu nhồi thịt bụng công của tôi có khéo tay đến đâu cũng như... “kho tiêu” vậy!

Hiệp sĩ mới đến, mặt lạnh như tiền nói :

- Không sao đâu! Đói ăn tất ngon! Làm bếp khéo tay vẫn ngon! Nghe chuyện kỳ lạ, ăn lại thêm ngon! Ta có thể tai nghe chuyện mũi ngửi mùi thơm của thịt bốc lên, lưỡi nếm rượu. Việc n

/41

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status