Kim Ốc Hận

Chương 59: Đau đến chỗ sâu chẳng tỉnh biết

/99


Y chỉ mỉm cười đáp, “Trở về rồi hãy nói.”

Trở lại điện Bát Nhã mới thấy đã muộn, thị nữ thắp nến lên chiếu sáng cả cung điện.

“Đây là cái gì?” Lưu Triệt cầm lấy một cuốn sách trên bàn giở ra xem.

Trần A Kiều mỉm cười đáp, “Vài ngày trước rảnh rỗi buồn chán quá, thiếp có bảo người của Tư Mã Tương Như đưa tới một ít thơ ca Nhạc phủ.” Sau đó Quan Quân hầu gặp chuyện không may nên không có cơ hội xem.

Lưu Triệt tiện tay lật đến một trang, bên trên viết lại một khúc hát có tên Cam Tuyền dao bằng kiểu chữ Triện rất nắn nót:

“Lấy đá chặn Cam Tuyền,

Nước suối nào dám chảy.

Ngàn người hát,

Vạn người sầu,

Kim Lăng còn đá lớn hơn đầu.”

Xuống chút nữa còn có một bài ca của người Hung Nô:

“Ta mất núi Yên Chi,

Khiến phụ nữ không còn nhan sắc.

Ta mất núi Kỳ Liên,

Khiến lục súc không còn đông đúc.”

Y không khỏi mỉm cười, lật đến mấy trang cuối cùng thì bỗng nhiên sầm mặt.

“Hoàng thượng có chuyện gì vậy?”, A Kiều hỏi.

“Không có gì?” Y thản nhiên buông cuốn Nhạc phủ trong tay xuống rồi bảo, “Khi nãy nghe Kiều Kiều hát khúc ca kia, hình như từ trước tới giờ nàng chưa từng hát?”

“Đúng vậy!” Nàng tự giễu cười một tiếng, “Chính bản thân thiếp cũng không nhớ được, vì Quan Quân hầu qua đời, cảm xúc bột phát nên mới hát thôi.”

Y ôm lấy nàng, ánh mắt lấp lánh, “Kiều Kiều rốt cuộc còn bao nhiêu điều mà trẫm không biết chứ?”

Nụ cười của nàng vẫn như gần như xa, “A Kiều vẫn luôn như vậy, người không chịu nhìn lại nên mới cảm thấy nhiều.”

Một người, dù nhìn cả một đời cũng không cách nào hiểu thấu một người khác.

Trời còn chưa sáng hẳn, cung nhân đã mặc y phục cho Lưu Triệt rời khỏi cung Trường Môn. Trần A Kiều cầm lấy cuốn thơ ca của Nhạc phủ do Lý Diên Niên sao chép, lần giở đến mấy trang cuối cùng, lòng ưu tư, không biết điều gì đã khiến Lưu Triệt bỗng nhiên giận đến tái mặt đi như vậy.

“Sinh nam không mừng, sinh nữ chớ giận, một thân một mình, Vệ Tử Phu hơn cả thiên hạ.” Đến khi nàng trông thấy ba tờ cuối chép bài Vệ Tử Phu ca mới chợt hiểu. Sau khi nàng trở về Trường Môn từ năm Nguyên Sóc thứ sáu, Vệ Tử Phu đã không còn đắc thế như lúc đầu, chẳng lẽ trong dân gian còn truyền xướng ca dao? Nàng thở dài, chẳng biết Lưu Triệt đọc thấy bài ca dao tại nơi ở của mình thì trong lòng liệu có sinh nghi ngờ? Nhưng có thì đã sao, không có thì thế nào, trong tâm mình đã lạnh nhạt thì cũng chẳng quan tâm.

Mùa đông năm Nguyên Sóc thứ sáu, con vợ kế của Đường Ấp hầu là Trần Hi vào triều, được phong làm gián đại phu. Cùng năm đó, Lý Nghiên sinh hạ một bé gái, đặt tên là Mạn, trông đáng yêu vô cùng.

Chẳng mấy chốc đã đến tháng Giêng năm mới, mưa to mấy ngày liên tiếp khiến nước sông Phần chảy xiết, kéo lên một chiếc đỉnh cổ bằng đồng xanh chôn sâu dưới lòng sông, trôi nổi giữa dòng cuối cùng chìm ở gần bờ trái chỗ thượng du. Thứ sử vùng đó vớt được đem dâng lên Hoàng đế. Trong nhân gian vẫn có câu “Vấn đỉnh thiên hạ”, ý nghĩa của chữ đỉnh trong sách nho cùng nghĩa với thiên hạ, với lại chiếc đỉnh cổ sau khi trôi nổi đã sứt mẻ không còn nguyên vẹn, tạo hình cổ xưa, bên trên khắc một bài minh, có thể nhận ra là chế tạo từ thời Vũ Vương nhà Chu. Hai cha con Văn Vương và Vũ Vương thời nhà Chu đều là bậc thánh quân, nức tiếng thiên hạ. Cả triều đình đều chúc mừng, nói bệ hạ văn công võ trị đều đủ nên trời cao mới ban thưởng đỉnh này. Lưu Triệt cũng cao hứng, đổi sang niên hiệu là Đỉnh, bắt đầu năm Nguyên Đỉnh.

Trong năm Nguyên Đỉnh đầu tiên, con gái thứ ba của Vệ hoàng hậu, Chư Ấp công chúa Lưu Thanh cũng đã tới tuổi xuất giá.

Tháng Hai cùng năm, Trường Tín hầu Liễu Duệ dẫn sáu ngàn thủy quân, một vạn bộ binh, xuất chinh đánh tộc Côn Minh.

Tháng Ba cùng năm, Lưu Triệt mang theo Trần nương nương cùng triều thần bắt đầu chuyến đi săn mùa xuân ở Thượng Lâm Uyển.

Trải qua nhiều năm xây dựng, phong cảnh Thượng Lâm Uyển vô cùng huy hoàng tráng lệ, còn hơn cả cung Vị Ương. Lưu Triệt mang theo A Kiều lên chiếc du thuyền rộng lớn xa hoa trên hồ Côn Minh. Du thuyền chầm chậm tiến về phía giữa hồ, người ngồi trên thuyền ngắm sóng nước mênh mông, hơi nước phả thấm vào mặt. Hai bên bờ, đình đài lầu các, mái hiên san sát. Lưu Triệt thấy tinh thần sảng khoái, mỉm cười nói với Tư Mã Tương Như đứng hầu phía sau, “Nghe nói khanh là đại gia về từ và phú nổi tiếng đương thời, ngôn từ hoa lệ không ai sánh bằng, sao không sáng tác một bài phú tả phong cảnh Thượng Lâm Uyền này để cùng nhau thưởng thức.

Tư Mã Tương Như khom người lĩnh mệnh, liền có cung nhân đưa giấy bút tới. Trần A Kiều từ trong thuyền bước ra, mỉm cười nhìn Tư Mã Tương Như ngồi ở một bên, bút trong tay vung lên như múa, trong chốc lát đã cung kính dâng lên, nói, “Bệ hạ, thần viết xong rồi.”

“Nhanh như vậy sao?”, Lưu Sơ kinh ngạc.

Trần A Kiều buồn cười, “Cho nên con còn phải học.”

Dương Đắc Ý tiếp lấy, mở ra đọc: “Dời núi lấp sông xây cung dựng quán, kiến tạo đài các có rường hoa khuyết ngọc trên hành lang cao bốn phía chung quanh, đường xá lộng lẫy, lối đi quanh co mỏi chân phải nghỉ. Sau núi làm nhà tầng tầng lớp lớp, có phòng ở tận dưới vách núi sâu cúi xuống mà nhìn cũng chẳng thấy đâu cho tới tận chốn cổng trời để sao vào chào tận cửa phòng hay cầu vồng bắc ngang nơi hiên trước. Thanh long uốn lượn ở trường đông, Bạch hổ nằm chầu ở cửa tây, thần linh vui đùa nơi quán nghỉ, ác tuyền nem nép náu mình ở phương nam. Suối nước ngọt dẫn về cho mát nhà, thông suốt đến tận đỉnh trung tâm. Núi đá bao quanh, vách đổ nghiêng nghiêng…”

Đây chính là bài Thượng Lâm phú vang danh thiên cổ. Tư Mã Tương Như luôn hướng tới việc dùng từ ngữ hoa mỹ, cách hành văn toát lên phong thái trau chuốt của một bậc đại văn nhân nhưng Trần A Kiều nghe xong lại thấy vô vị, cảm giác có dệt nên đầy trời hoa gấm thì cũng chỉ là mấy chữ ca ngợi công lao mà thôi.

“Hay!” Lưu Triệt lại vui vẻ, khen, “Không hổ là Tư Mã Tương Như”, sau đó hạ lệnh, “Truyền xuống, thưởng cho Tư Mã Tương Như trăm nén vàng.”

Tư Mã Tương Như tạ ơn lui ra.

“Kiều Kiều!” Lưu Triệt khoác eo A Kiều, lại cười nói, “Ngày mai cùng trẫm đi săn thú nhé.”

Sở thích truy đuổi thú săn thực sự khiến A Kiều động lòng, vừa định nhận lời thì Lưu Sơ đã nhào tới nũng nịu, “Con cũng muốn đi.”

“Con biết cưỡi ngựa sao?” A Kiều cúi xuống cốc đầu con gái.

“Hừ”, Lưu Sơ nhất thời không trả lời được, nghĩ một lúc lại nói, “Không sao, con sẽ bảo ca ca dạy con.”

“Cho dù con học bây giờ”, A Kiều bật cười, “thì cũng không kịp cho buổi săn thú ngày mai.”

“Nếu giờ con không học”, Lưu Sơ láu lỉnh, “sợ rằng cũng không kịp cho cả sang năm nữa.”

Lưu Triệt cười xòa, ra lệnh cho du thuyền lại gần bờ. Khí trời đẹp, Thượng Lâm Uyển có diện tích rất rộng lớn, chỗ thuần ngựa của kỵ xạ trường càng mênh mông không thấy điểm cuối. Vì Công chúa Duyệt Trữ xưa nay được thiên tử cưng chiều nhất đòi học cưỡi ngựa nên giám mã dẫn đến một con ngựa cái nhỏ rất thuần. Cung nhân giơ cao chiếc lọng màu vàng tươi che nắng.

“Kiều Kiều”, Lưu Triệt vui vẻ, “Nàng thích gì? Ngày mai trẫm sẽ săn cho nàng nhé?”

“Vậy sao?” A Kiều lơ đãng đáp, mỉm cười nhìn Lưu Mạch cách đó không xa đang cẩn thận dạy Lưu Sơ lên ngựa, nói, “Ở đây liệu có cáo tuyết lông trắng không?”

“Cáo tuyết” Lưu Triệt lẩm bẩm, khẽ nhăn mặt, “Trẫm săn thú nhiều lần ở Thượng Lâm Uyển nhưng cũng chưa từng gặp. Kiều Kiều thích cáo sao?”

“Nó xinh đẹp mà”, nàng nói, “Nếu không có thì một con thỏ nhỏ cũng được.”

Lưu Sơ bản tính hiền lành nhưng không hề nhút nhát, được Lưu Mạch đỡ, vất vả một hồi cũng trèo được lên ngựa, giẫm chắc trên bàn đạp.

“Tốt!” Lưu Mạch khen một tiếng, dặn dò, “Thúc nhẹ cho ngựa chạy chậm một vòng thôi.”

Con ngựa cái quả nhiên rất ngoan ngoãn, chạy quanh bãi một vòng, đuôi ngựa rũ xuống phe phẩy, cực kỳ vững vàng.

“Phụ hoàng, mẫu thân”, Lưu Sơ trên lưng ngựa vênh mặt nhìn sang, “Hai người xem con cưỡi ngựa nhé.”

A Kiều bật cười, không hiểu sao trong lòng lại dâng lên cảm giác bất an.

“Bệ hạ!” Ngự mã giám dẫn ra một con tuấn mã có bộ lông màu đỏ, bẩm: “Đây là ngựa tốt do vùng Ô Tôn dâng lên. Ngự mã giám đã thuần phục mấy tháng, mặc dù đã chịu phục nhưng vẫn còn sót lại chút dã tính.”

Con ngựa màu đỏ khẽ vùng vằng bước đi, quả nhiên là ngựa tốt vô cùng.

“Ồ!” Lưu Triệt cũng hứng thú, nói với A Kiều, “Bình sinh trẫm thích nhất ba chuyện, Kiều Kiều có biết là gì không?”

Nàng cúi đầu, “A Kiều không biết.”

“Trẫm bình sinh thích nhất là ngựa quý, sách vở”, y nhìn nàng, bỗng nhiên khẽ trầm giọng xuống, “và A Kiều.”

Nàng giật mình, trong ấn tượng chẳng phải là ngựa quý, sách vở và mỹ nhân sao?

“Ca ca!” Giọng Lưu Sơ lanh lảnh, “Con ngựa bọn họ dẫn lên cho phụ hoàng có khí thế hơn con của muội nhiều.”

Lưu Mạch bật cười, “Muội chỉ mới tập cưỡi làm sao so được với phụ hoàng chứ?”

Cô bé hừ một tiếng, “Ca ca xem thường muội quá!” Nói xong đột nhiên đưa tay vỗ vào yên ngựa, “Ngựa ơi, chạy nào!”

Con ngựa cái hí lên một tiếng thảm thiết, chồm hẳn nửa thân trước lên rồi phi như điên về phía trước.

“Tảo Tảo!” Lưu Mạch phản ứng cực nhanh, nhào tới định túm lấy dây cương nhưng vẫn chậm một bước, ngã chúi xuống đất, trơ mắt nhìn vẻ mặt kinh hoàng không biết làm sao của Lưu Sơ trên lưng ngựa.

“Mẫu thân!” Lưu Sơ kinh hoàng kêu, thân hình lắc lư trên lưng ngựa.

Biến cố xảy ra trong khoảnh khắc, mặt mọi người đều biến sắc. Lưu Triệt giận dữ gầm lên, “Còn không đi cứu Công chúa Duyệt Trữ.” Lại nghe cung nhân phía sau kinh hô, “Nương nương.” Trần A Kiều đã vươn tay rút thanh kiếm của thị vệ bên cạnh, tung mình nhảy lên ngựa đuổi theo.

“Kiều Kiều”, sắc mặt Lưu Triệt thảng thốt.

Trong trí nhớ của y, khả năng cưỡi ngựa của A Kiều cũng chỉ bình thường, ngồi trên ngựa còn chưa vững, lại còn dám liều mạng thúc ngựa chạy nhanh.

Con ngựa vùng Ô Tôn hí dài một tiếng rồi vọt đi như bay.

“Tảo Tảo!” Trần A Kiều cúi rạp trên lưng ngựa để nó có thể chạy nhanh hơn, hô lớn, “Ôm chặt lấy cổ ngựa.”

Ở đằng xa, Lưu Sơ vẫn trong cơn kinh hãi nhưng vừa nghe được tiếng mẫu thân thì vẫn cố gắng ngồi cho vững. Cước lực của con ngựa vùng Ô Tôn nhanh hơn con ngựa nhỏ Lưu Sơ đang cưỡi rất nhiều, dần dần đã sắp đuổi kịp. A Kiều nghiến răng, trong khoảnh khắc lướt qua Lưu Sơ liền dùng toàn lực vung kiếm chém một nhát vào đầu ngựa. Máu ngựa tuôn trào nhuộm đỏ người Lưu Sơ, đầu ngựa rơi xuống nhưng thân vẫn còn phi thêm mấy bước về phía trước rồi mới kiệt lực quỵ xuống. Lưu Sơ ngã từ trên lưng ngựa xuống đất, dù toàn thân nhuộm máu, tâm thần hoảng hốt nhưng coi như đã an toàn.

Máu tươi bắn vào con ngựa vùng Ô Tôn khiến nó kích phát dã tính, náo động bất an, nhảy lên chồm chồm muốn hất người trên lưng xuống. Trần A Kiều ôm chặt lấy cổ ngựa, dựa theo phương pháp thuần phục giáo quan năm xưa đã dạy, cố gắng khống chế ngựa, không hề nghe thấy tiếng gào thét của mọi người. Cũng không biết bao lâu, con ngựa cuối cùng cũng bình tĩnh lại. Nàng nghe thấy tiếng gọi vừa đau đớn vừa thận trọng của Lưu Triệt. Một nỗi đau đớn như những sợi tơ chầm chậm loang ra, thân dưới nóng rực, nàng cúi đầu nhìn xuống thấy một vùng bờm ngựa đỏ tươi khác hẳn màu lông hồng sậm của con ngựa.

Máu! Máu đã nhuộm đỏ nửa bên dưới váy nàng. Máu vẫn trào ra không sứt, và tựa như có một thứ gì đó cũng đang xuôi ra theo. Nàng mê man, mơ hồ còn thấy Lưu Triệt bế nàng từ trên lưng ngựa xuống và hét đến lạc giọng, “Gọi hết ngự y tới đây.”

“Tảo Tảo!” Lưu Mạch kéo tay Lưu Sơ, la hoảng, “Muội có sao không?”

“Muội không sao.” Lưu Sơ tuy sợ đến tái nhợt nhưng vẫn lắc đầu, chợt kéo tay áo ca ca, “Mẫu thân, mẫu thân chảy rất nhiều máu, mẫu thân có sao không?”

Lưu Mạch cắn môi, “Cùng đi qua đó xem sao.”

Trong điện Tín Hợp, lụa mỏng tung bay.

“Trần nương nương rốt cuộc là bị làm sao?”

“Khởi bẩm bệ hạ”, viên ngự y có mái tóc bạc trắng quỳ lạy dưới điện, thân hình run rẩy, “Nương nương là…”, lão nói đến đây thì chần chừ.

“Rốt cuộc là cái gì?” Lưu Triệt nổi cơn thịnh nộ, cầm một cây ngọc như ý trên bàn nện vào thái dương ngự y khiến nó gãy lìa, lưu lại trên trán ngự y một dấu máu.

Ngự y cắn răng, bẩm, “Nếu như vi thần không chẩn đoán sai thì nương nương đã sẩy thai.”

“Sẩy thai!” Lưu Triệt cảm thấy mắt tối sầm, chưa bao giờ y nghĩ đã sinh con nhiều năm như vậy mà A Kiều lại còn có thể mang thai.

“Làm sao có thế? A Kiều tinh thông y thuật thì sao lại không biết ngay cả việc bản thân mang thai được?”

“Có khả năng là do nương nương mới mang thai, cũng không có bất kỳ dấu hiệu thai nghén nào nên chưa phát hiện. Thân thể nương nương năm xưa đã bị tổn thương, nghe nói là rất khó khăn khi sinh Hoàng tử trưởng và Công chúa Duyệt Trữ. Tuổi nương nương giờ cũng không còn trẻ, có thai là vô cùng nguy hiểm, nhịp thai không ổn nên khi bị con ngựa nổi điên chồm lên quá mạnh thì đã sẩy thai.”

“Bệ hạ”, giọng Lục Y kinh hoảng vang lên trong điện, “Nương nương vẫn không ngừng chảy máu, người đã hoàn toàn hôn mê.”

Lưu Triệt nhắm mắt lại đau đớn. Y còn chưa kịp than khóc đứa con yểu mệnh của mình thì đã phải lo lắng cho A Kiều, phất tay, “Còn không đi vào chữa trị cho Trần nương nương.”

“Dạ.” Lão ngự y khấu đầu liên tục, đứng dậy.

“Ngươi hãy nghe cho kỹ”, Lưu Triệt lạnh lùng, “Nếu Trần nương nương có gì bất trắc, trẫm sẽ khiến cho tất cả người của Ngự y thự phải táng gia diệt tộc.”

Lão ngự y tái nhợt mặt, gắng gượng nói, “Vi thần sẽ cố hết sức.”

“Truyền lệnh xuống”, Lưu Triệt nói, “Đánh chết con ngựa vùng Ô Tôn. Bắt giam tất cả ngự mã giám để điều tra.”

Dương Đắc Ý sợ khiếp vía, chỉ dám đáp khẽ, “Dạ!”

Từ Thượng Lâm Uyển đến thành Trường An phi ngựa nhanh nhất cũng phải nửa ngày. Vì vậy khi Tiêu Phương phụng chiếu chạy tới Thượng Lâm Uyển thì Trần A Kiều đã hôn mê mất một ngày. Trong điện Tín Hợp, Tiêu Phương nhìn Trần A Kiều nằm ở trên giường, đắp chiếc chăn gấm, tóc lòa xòa để lộ ra sắc mặt tái nhợt, cô độc đáng thương. Hắn bỗng thấy xót xa trong lòng, không nhịn được phải quay mặt nhìn sang hướng khác. Sau năm Nguyên Quang thứ năm bị thương và bị truy sát cho tới năm thứ sáu khó sinh thì suốt bao nhiêu năm qua A Kiều chưa bao giờ rơi vào tình trạng tiều tụy thế này.

“Nàng thế nào rồi?” Lưu Triệt từ trong điện bước ra, đứng trước giường, chắp tay hỏi. Có lẽ y suốt đêm không ngủ, tâm trạng sầu lo nên sắc mặt hơi sạm đi.

“Theo lý mà nói”, Tiêu Phương nhẹ nhàng đặt tay nàng xuống, khẽ chau mày vẻ khó nói. “Sẩy thai tuy ngoài ý muốn nhưng các ngự y đã xử trí thỏa đáng, dùng thuốc cũng chính xác. Mạch của Nhạn Nhi tuy hư nhưng còn ổn, chắc cũng sớm tỉnh lại.”

“Nhưng thực sự là nàng đến tận bây giờ vẫn chưa tỉnh”, Lưu Triệt nhắm mắt lại, hình ảnh kinh tâm động phách hôm ấy bỗng hiện lên trước mắt. A Kiều nhảy vụt lên phóng ngựa đuổi theo, vung kiếm chém bay đầu con ngựa kia. Đến chiều tối thì nàng đã cầm máu nhưng vẫn hôn mê bất tỉnh.

Tới bây giờ y vẫn không rõ rốt cuộc trong khoảnh khắc đó có cái gì thúc đẩy khiến cho A Kiều quả quyết như thế. A Kiều vốn không phải là người quả quyết mà rất nhu nhược… Nhưng lúc đó y ở bên cạnh nhưng nàng không chịu dựa vào y, cũng không kêu khóc, cứ thế không nói một lời nhảy lên ngựa phóng vụt đi. Trong khoảnh khắc ấy, nhiệt huyết mãnh liệt của nàng khiến đấng nam nhi phải hổ thẹn.

A Kiều xưa nay luôn là người con gái nhiệt huyết, dù gặp khó khăn đến đâu cũng không chịu quay đầu.

Trước đây y vô cùng căm ghét lòng nhiệt huyết đó của nàng. Nó luôn gợi cho y nhớ lại tình cảnh nhẫn nhịn của mình hồi mới đăng cơ. Sau này, thời gian từng ngày gọt giũa khiến cho bầu nhiệt huyết kia dần dần bị mài mòn rồi vô hình trung tắt lịm, ai ngờ khi nó bộc phát lại mãnh liệt hơn hẳn năm xưa. Năm xưa nàng khiến y nổi giận, hôm nay, nàng lại làm cho y khổ đau.

A Kiều từng nói rằng thứ Lưu Triệt thích nhất không phải là Trần A Kiều, cũng không phải là những người con gái khác, mà là thiên hạ. Y cũng biết mình có thể vì thiên hạ mà hy sinh tất cả không chút do dự. Nhưng nếu có một ngày phải hy sinh cả chính bản thân mình thì liệu y có do dự hay không? Bậc đế vương thường tự hỏi lòng, nếu bản thân không còn nữa thì làm sao để cầm quyền thiên hạ? Cho dù có yêu một người cũng sẽ không để bản thân chịu thiệt. Đây là nguyên tắc yêu của bậc đế vương như y. Y thích Lưu Sơ, yêu A Kiều còn nhiều hơn. Chỉ là ngay từ lúc ban đầu, chính y đã đặt ra giới hạn cho những tình cảm này. Dù có như thế nào cũng không thể vượt ra ngoài giới hạn đó, vậy mà y càng ngày càng thêm yêu thích nàng.

Lúc mới đăng cơ vào năm Kiến Nguyên đầu tiên, Vương thái hậu từng cảnh báo y rằng mình là đế vương thì không thể si mê quá mức bất kỳ một người hay một vật gì. Nếu si mê thì đế vương sẽ có nhược điểm. Y mỗi ngày một mạnh lên, cuối cùng nắm cả đất nước này trong tay. Cho tới bây giờ, y tự tin có thể che chở cho người mình yêu được chu toàn.

Đến giờ y tự hỏi, dù đế vương có uy quyền mạnh đến đâu thì liệu có thắng nổi ý trời? Năm trước Hoắc Khứ Bệnh ra đi ngay lúc còn thanh xuân khiến y đau đớn vì mất đi ái tướng. Còn hôm nay y lại chỉ có thể nhìn A Kiều hôn mê trên giường mà lòng đau thống thiết. Nếu như không có trận kinh biến ngày hôm trước thì bao nhiêu lâu nữa y mới biết được rằng A Kiều đang hoài thai cốt nhục của mình? Năm A Kiều mang thai, sinh con, lưu lạc bên ngoài y đã không ở bên cạnh nàng.

Lúc đó, y ở trong cung Vị Ương thưởng thức mái tóc của người mới, không hề để tâm đến cả Vệ Tử Phu thì làm gì nhớ đến một người ở lãnh cung? Y hoàn toàn không biết nàng đang mang cốt nhục của mình lưu lạc nơi chân trời góc bể. Chớp mắt một cái, gặp lại nhau thì đã bảy năm. Con trai con gái đều đã lớn, cực kỳ xa lạ đối với y.

Song thời gian dần dần trôi qua, không ngờ rằng một ngày kia nàng lại mang thai lần nữa. Cho đến khi ngự y bẩm báo lên thì dù y là người rất trầm ổn cũng không khỏi kinh ngạc. Đó cũng không phải là một đứa trẻ mà y mong đợi, chỉ vội vã đến rồi vội vã đi, để lại một vết thương trong lòng của phụ mẫu. Y tuy là đế vương nhưng đồng thời cũng là phụ thân. Còn A Kiều, nàng thương yêu Lưu Mạch, Lưu Sơ đến như vậy thì tất nhiên sẽ rất đau lòng.

Y nhớ tới ánh mắt thấu hiểu của A Kiều trước khi hôn mê. A Kiều mẫn cảm, thông minh lại giỏi y thuật nên chỉ liếc mắt là ý thức được chuyện gì xảy ra cho nên ngay cả khi đã hôn mê vẫn nhíu mày, sắc mặt tái nhợt.

Chuyện hôm đó không xảy ra thì chắc y sẽ có thêm những suy nghĩ phức tạp. Y sẽ mỉm cười nhìn A Kiều lại được làm mẹ lần nữa. Y sẽ luôn có mặt ở bên nàng, cùng nàng nuôi dưỡng đứa con trưởng thành. Còn như có để rồi mất đi thì chi bằng ngay từ đầu đừng có. Mà y, nếu như đã có lại A Kiều, sẽ không – chấp – nhận – để – mất – đi lần nữa.

Những năm qua, y đơn độc ở cung Vị Ương, tự thấy bản thân quả thật vô tình. Y nhớ rằng tất cả đều vì bản thân mình nên y mới không ngần ngại làm tổn thương nàng. Sau đó biết được tin tức của nàng, y lại hiếu kỳ muốn biết biểu tỷ A Kiều tính tình bốc đồng kia không được người thân bao bọc sẽ như thế nào. Qua nửa năm sau, y lại thấy nhớ thương nàng. Cho đến khi nàng trở về, y dần không thể rời mắt, dường như có nàng ở bên cạnh thì y mới thấy bình an.

Hôm đó, nàng phóng ngựa đuổi theo, rồi bị chảy máu không ngừng. Y nhìn mặt nàng tái nhợt, thấy lòng mình vô cùng đau đớn, mới chợt ngộ ra rằng nàng đã để lại một dấu vết không thể xóa nổi trong cuộc đời mình, mà mình cũng không muốn xóa. Là bậc đế vương, y luôn tuân theo cảm giác của trái tim, mà một khi đã yêu thì sẽ bất chấp thủ đoạn.


/99

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status