Lá Cờ Ma

Chương 19: Hài cốt của Tôn Huy Tổ(3)

/36


Chỉ ngay cái cầu thang bằng đá này cũng có đến hơn ba mươi bậc, càng đi càng rộng, tới bậc cuối cùng có một con đường rộng chừng hơn ba mươi mét nằm giữa những bức tường thâm nghiêm.

Không gian ở đây lớn đến nỗi hai chiếc đèn pin của chúng tôi chừng như không thể phát huy tác dụng. Vệ Tiên ra hiệu cho tôi đừng vội tiến lên phía trước, anh ta đứng ở bậc thang cuối cùng của chiếc cầu thang đá, chậm rãi lia chiếc đèn pin soi sáng khắp mọi ngóc ngách.

Chỗ này cách nơi bốn anh em nhà họ Tôn vùi thây không xa nên chúng tôi không thể sơ suất được.

Dự cảm của Đại sư Viên Thông về mối hung hiểm dưới lòng đất khó lòng nói rõ năm đó nằm ở đây.

Một cảm giác kì lạ, rờn rợn cồn lên trong bóng tối lại có một sức mạnh phi thường khiến một vị đại sư tu trì cao thâm mất đi Phật pháp và vào giây phút này đây, chúng tôi đang đứng ở nơi đó, nghĩ thế, lòng tôi không khỏi bàng hoàng. Đương nhiên, có cả muốn làm rõ tất cả.

Vệ Tiên vẫn đứng trên bậc đá cuối cùng, anh ta không tiếp tục tiến lên phía trước nữa mà rọi chiếc đèn pin rồi dừng lại trên một bệ kim loại hình trụ tròn gần sát vách đá phía bên trái, hình như nó được làm bằng đồng.

“Tôi tới đó xem sao!”, Vệ Tiên nói.

“Nó là cái gì thế?”, tôi hỏi.

“Có lẽ là, tôi cũng không chắc chắn lắm, có lẽ là một thứ máy móc nào đó”, Vệ Tiên hơi ngập ngừng trong câu nói, có lẽ anh ta đã đoán ra nó.

“Cẩn thận đấy!”, tôi nhắc anh ta.

“Không sao, ở đây có lẽ không nguy hiểm đâu”.

Vệ Tiên thong dong bước tới đồ vật phía trước mặt, lấy từ trong ba lô ra một chiếc bật lửa cán dài được chế tác một cách đặc biệt.

“Phùng”, một ngọn lửa bùng lên trên một ngọn đèn chiếu sáng cỡ lớn. Tuy thế, nó vẫn không thể làm cả mộ đạo rực sáng.

Tôi cảm thấy hơi kì lạ vì không trông thấy Vệ Tiên đổ dầu hay đặt bấc vào trong, tại sao anh ta vừa châm lửa, nó đã cháy sáng ngay? Bốn anh em nhà họ Tôn không thể không thắp sáng đèn khi đặt chân tới đây.

Đúng vào lúc tôi đang định hỏi Vệ Tiên thì trông thấy anh ta vẫn đứng yên ở đó, chiếc đèn pin trong tay chiếu hắt lên tường trong mộ đạo, dưới ánh sáng lập lòe, tôi trông thấy một vật thò ra ngoài.

Một chuỗi âm thanh “phùng, phùng” gối nhau vang lên, không gian phía trước mặt bỗng trở nên sáng rõ.

Thì ra chiếc đèn được Vệ Tiên châm lên đầu tiên lại là một hệ thống có thể kích hoạt tất cả đèn trong mộ đạo.

“Ở đây có cả loại đèn liên hoàn vạn năm, chứng tỏ chủ nhân của ngôi mộ cổ này không phải là người tầm thường đâu”, Vệ Tiên nói khi bước lại phía tôi.

“Đèn liên hoàn vạn năm á?”

“Tất nhiên là không thể cháy đến một vạn năm được, nhưng có thể giữ lửa liên tục trong vài tháng, hơn nữa mỗi chiếc đèn đều có bộ phận nối liền với hệ thống nên chỉ cần châm lửa ở một chiếc đèn là có thể thắp sáng tất cả những chiếc còn lại. Hơn nữa, tôi nghĩ, ở đây chắc chắn có lắp bộ phận hẹn giờ đấy, những chiếc đèn chỉ cháy sáng trong một thời gian nhất định rồi tự tắt. Bởi thế, bốn anh em nhà họ Tôn tới đây một lần, mười lần hay trăm lần đi nữa cũng như nhau cả, vẫn có thể thắp sáng toàn bộ đèn trong mộ đạo”.

Nhưng lúc này, tôi không có tâm trạng để thán phục và ca ngợi chỗ tinh diệu của hệ thống này. Sau khi những chiếc đèn trong mộ đạo tỏa ra ánh sáng, tôi nhận ra, vật liệu xây mộ đạo là một loại khác hẳn những phiến đá đen lớn ở cầu thang đá. Chúng có màu sắc sặc sỡ, rõ ràng là đá cẩm thạch. Ánh lửa nhảy nhót phản chiếu trên nền đá khiến những hoa văn trên phiến đá trở nên ma quái.

Sau khi định thần lại, tôi bỗng nhìn thấy thi hài của Tôn Huy Tổ.

Mộ đạo dài thăm thẳm, theo ước lượng bằng mắt của tôi, nó dài khoảng hai trăm mét, phía tận cùng là một cổng vòm hình bán nguyệt. Thực ra, nên gọi nó là lối vào hình vòm, vì nó không có cửa. Đèn trong mộ đạo sáng trưng, nhưng bên trong lối vào hình vòm đó lại là một khoảng đen thẫm mịt mùng.

Trên mặt đất cách cửa mộ không xa có một người nằm sấp. Từ xa nhìn lại trông không rõ nhưng chắc chắn đó là một thi thể. Quần áo mặc trên người vẫn chưa vụn rữa.

Cứ theo lời kể của ông lão Vệ Bất Hồi thì người này chắc chắn là Tôn Lão Tam.

Đáng lẽ, trong tay ông ta vẫn ôm khư khư một cái đầu lâu, nhưng vì đứng xa quá nên tôi nhìn không rõ.

Mối nguy hiểm thật sự đang ở phía trước mặt.

Mặc dù bị chiếc mũ chụp đầu chắn tầm nhìn, song tôi vẫn nhận ra vẻ mặt nặng nề của Vệ Tiên. Anh ta lấy từ trong ba lô ra những đồ vật gì đó, rồi lắp ghép chúng lại với nhau một cách thuần thục, thành một chiếc gậy kim loại dài chừng ba mét. Sau đó, anh ta giơ lên một chiếc ống nhỏ xíu như chiếc ống nghe của các bác sĩ trong bệnh viện, để cách chiếc gậy kim loại không xa. Một đầu của chiếc ống có gắn giác mút, anh ta đặt giác mút lên trên chiếc mũ chụp đầu ở phía bên tai trái.

“Anh đi theo ngay sau tôi nhé, nhớ đừng đi đường khác đấy!”, Vệ Tiên dặn tôi.

Vệ Tiên cầm chiếc gậy kim loại gõ xuống đất ba lần, khoảng cách vị trí mỗi lần gõ cách nhau chừng một thước[3], rồi anh ta nhảy xuống bậc thang cuối cùng.

[3] Một thước bằng khoảng 33cm.

Tôi theo sát gót Vệ Tiên, lò dò tiến lên trước. Vệ Tiên cứ lần lượt gõ xuống đất ba nhịp theo một đường thẳng, sau đó dịch về phía trước một thước lại gõ ba nhịp, chúng tôi tiến về phía trước, từng thước, từng thước một. Cây gậy kim loại này bên trong rỗng ruột, âm thanh phát ra từ nó truyền đến tai Vệ Tiên thông tin nằm ẩn sâu dưới lòng đất. Dụng cụ chuyên nghiệp này có thể báo cho anh ta biết vị trí bẫy ngầm được chôn giấu.

“Ban nãy lúc đi xuống cầu thang đá sao anh không dùng tới nó, ngộ nhớ ở đó có chôn giấu bẫy ngầm, không phải chúng ta đã đi tong rồi à?”, tôi hỏi.

“Không thể nào”, Vệ Tiên trả lời gọn lỏn. Anh ta không giải thích gì thêm. Nhưng cái vẻ tự tin tràn đầy về tri thức chuyên môn của anh ta đã minh chứng cho lời quả quyết vừa rồi.

“Thực ra, trên mộ đạo này có lẽ cũng không có đâu, mối nguy hiểm chỉ thật sự bắt đầu khi chúng ta đặt chân vào cái cửa phía trước mặt kia thôi, có điều cẩn thận một chút vẫn hơn”.

Phải chăng thi thể đang nằm phía trước kia đã khiến anh ta trở nên thận trọng như vậy?

Chiếc gậy kim loại vẫn rung nhịp đều đều trên nền đá cẩm thạch.

“Boong, boong, boong”.

“Boong, boong, boong”.

“Boong, boong, boong”.

Chúng tôi tiến tới cửa mộ mỗi lúc một gần hơn.

Tuy Trung Quốc là nước có sản lượng đá cẩm thạch khá phong phú, nhưng vùng Thượng Hải không sản xuất loại đá này mà mua từ các vùng sản xuất lân cận, tuy thế quãng đường vận chuyển cũng phải lên tới hàng trăm cây số. Thời cổ đại không thể khai thác được nhiều đá cẩm thạch như bây giờ, bởi vậy quãng đường vận chuyển đá cẩm thạch xa xôi cả ngàn dặm ấy không thể khiến người ta kinh ngạc bằng quy mô của ngôi mộ cổ này.

Vì sao ngôi mộ cổ này lại được xây bằng đá cẩm thạch? Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ nghe nói có nhân vật nào đó dùng đá cẩm thạch để xây mộ cả.

“Vệ Tiên, trước đây anh đã từng vào ngôi mộ nào xây bằng đá cẩm thạch chưa?”

“Chưa”.

Vệ Tiên ngừng trong giây lát rồi lại tiếp tục: “Mà cũng chưa từng nghe nói có quy mô lớn nào như thế này dùng đá cẩm thạch cả”.

Tiếng gõ nhịp của chiếc gậy kim loại vẫn vang lên lanh lảnh, nhưng không gợi lên trong tôi một cảm xúc nào.

“Boong, boong, boong”.

“Boong, boong, boong”.

“Boong, boong, boong”.

Chúng tôi đang tiến tới gần, rất gần bộ xương đó.

Nói thực lòng, tôi biết mình không nên trò chuyện với Vệ Tiên.

Vì khi trò chuyện và trả lời những câu hỏi của tôi, khả năng tập trung lắng nghe của anh ta sẽ bị phân tán. Lúc này đây, anh ta đang mở căng thính giác để lắng nghe và nhận biết phía trước có hệ thống ngầm hay không. Từ lúc trả lời câu hỏi của tôi, chiếc gậy trên tay anh ta rõ ràng đã gõ nhịp chậm lại.

Nhưng tôi vẫn cứ hỏi.

Hỏi câu thứ nhất rồi lại hỏi câu thứ hai.

Bởi lẽ, càng tiến về phía trước tôi càng cảm thấy bồn chồn, dường như có một áp lực vô tận đang dồn nén trong bầu không khí xung quanh chúng tôi. Nó lọt qua bộ quần áo chống đạn kín như bưng, len thấm vào cơ thể tôi, làm tim tôi càng lúc càng đập gấp gáp hơn.

Tiếng gõ gậy nhịp nhàng của Vệ Tiên càng làm tôi thêm thấp thỏm.

Tôi chỉ còn mỗi cách phải trò chuyện với Vệ Tiên, phải làm rối loạn tiếng gõ gậy nhịp nhàng của anh ta để mong thứ áp lực lớn khủng khiếp đó dịu bớt.

“Vệ Tiên, anh thử nhìn tường hai bên mộ đạo xem, hình như có khắc thứ gì đó”, cuối cùng, tôi lại cất tiếng hỏi câu thứ ba.

Trên bức tường bằng đá cẩm thạch ở hai bên mộ đạo quả nhiên có chạm trổ những hình vẽ, là những đường vân nổi hoặc chìm. Vì trên mặt đá cẩm thạch cũng có những hình vẽ đan xen vào nhau, mà chúng tôi lại đang đi trên con đường nằm ở chính giữa hai bức tường, cách hai bức tường một khoảng nhất định nên nếu tôi không cố tình quan sát bốn phía để chuyển hướng sự chú ý của mình thì sẽ không phát hiện ra. Càng về phía trước, những hình vẽ càng nhiều.

“Tôi không biết, có thể chúng ẩn giấu một hàm ý nào đó, hoặc cũng có thể chỉ là để trang trí thôi. Anh làm sao thế Na Đa?”, rốt cuộc Vệ Tiên cũng nhận ra sự khác thường của tôi.

“Tôi cũng không biết nữa, chỉ cảm thấy vô cùng khó chịu thôi”. Đương nhiên, tôi không thể bắt anh ta ngừng gõ cây gậy xuống nền đá. Trông dáng vẻ của anh ta thì hình như anh ta không có cảm nhận giống tôi.

Lẽ nào nỗi bức bối trong lòng tôi bây giờ lại chính là cảm giác của ông lão Vệ Bất Hồi năm xưa?


/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status