Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 293 - Lưu Thủy Thiên Lý

/345


Nhìn Trương Nguyên đã đi khuất khỏi ngoài cổng lớn, Trâu Nguyên Tiêu nói:

- Có thể sau này Trương Nguyên sẽ trở thành một nhân vật như Trương Thái Ngạc.

Cao Phan Long nhướng mày, kinh ngạc nói:

- Trương Cư Chính quyền khuynh sáu bộ, chuyên quyền độc đoán, cái chân này của Nam Cao huynh chính là do năm xưa Trương Cư Chính buộc tội huynh ấy đoạt tình, khiến huynh bị hình trượng trên pháp đình đánh gãy đấy. Nếu Trương Nguyên giống như Trương Cư Chính thì cớ gì Nam Cao huynh còn coi trọng hắn như vậy?

Trâu Nguyên Tiêu nói:

- Năm đó Trương Thái Ngạc buộc tội ta cũng là vì việc công chứ không có chút thù oán riêng gì. Ba mươi năm nay sống ở quê, mắt thấy triều chính suy tàn, ta ruột đau như cắt, trải qua nửa đời chìm nổi, mới hiểu được cái khó của Trương Thái Ngạc chấp chính khi xưa. Làm bề tôi cho vua, suy tính cho quốc gia, không thể câu nệ tiểu tiết được. Đáng tiếc là năm đó ta trẻ tuổi nông nổi, không hiểu được những điều này, càng đáng tiếc hơn là chính sách “Vạn Lịch tân chính” của Trương Thái Ngạc không có người kế thừa làm tiếp.

Cao Phan Long kinh ngạc quá đỗi, thái độ hiện giờ của Trâu Nguyên Tiêu đối với Trương Cư Chính và cái người bị Trương Cư Chính buộc tội năm xưa dường như là hai người hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn trái ngược. Điều này khiến cho một người luôn phản đối Trương Cư Chính chuyên quyền như Cao Phan Long cảm thấy không vui, lạnh nhạt nói:

- Đêm khuya lạnh giá, Nam Cao huynh nghỉ sớm đi, đệ cũng mệt rồi.

Ngày hôm sau, Trương Đại, Trương Ngạc, Nghê Nguyên Lộ đi Huệ Sơn Cấp Tuyền thưởng trà, còn Trương Nguyên và Hoàng Tôn Tố thì đến Đông Lâm thư viện tọa đàm với Cao Phan Long, Trâu Nguyên Tiêu và các học trò Đông Lâm. Tối qua chỉ nói chuyện về chính sự, hôm nay nói về học vấn, tinh thần của Đông Lâm học viện chính là vừa theo đuổi học vấn vừa bàn luận chính sự, chính là cái gọi là “truyền bá Đạo một cách chính thống không phải là lời nói trống rỗng trong thực tiễn”, có điểm thực tiễn đó là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý.

Ngày hôm nay, Hoàng Tôn Tố và Trương Nguyên có thể nói là danh tiếng gây chấn động lớn. Xét về học vấn thì Hoàng Tôn Tố trên cơ Trương Nguyên, còn Trương Nguyên hơn y về mặt kiến thức, hai người phối hợp với nhau đàm luận học vấn, chính sự với các học giả Đông Lâm, khí thể sôi nổi. Thông qua buổi đàm luận hôm nay, Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu càng thêm phần hiểu rõ về con người Trương Nguyên, suy nghĩ của hắn đúng là của bậc kỳ tài hiếm có. Trương Nguyên cũng có được nhận thức mới về hai vị đứng đầu Đông Lâm là Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu, càng nhìn rõ hơn con đường mà mình muốn đi sau này.

Trương Nguyên vốn muốn ở lại thư viện thêm hai ngày nữa, nhưng vì phải vòng qua Thanh Phổ, nên không thể chậm trễ. Ngày mười chín tháng mười một, chiếc thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa rời khỏi cảng sông đào Vô Tích, hướng về Tô Châu. Kỳ Bưu dẫn theo hai người hầu cùng đáp thuyền đi luôn.

Trương Đại học cách pha trà của Mẫn Vấn Thủy, mua về hai cái chum lớn, dưới đáy phủ đá cuội, đựng hai chum nước suối Huệ Tuyền. Có điều chuyện mượn sức gió mà đi là không thể nào chậm trễ được. Những ngày này Trương Ngạc làm bạn vong niên với Mẫn Vấn Thủy, nên kỹ thuật nấu trà tiến bộ vượt bậc, Nghê Nguyên Lộ là bậc thầy giám định, sau khi thưởng thức trà của Trương Đại pha, khen không ngớt lời. Trước giờ Ngọ ngày hai mươi, thuyền đến huyện Trường Châu thuộc Tô Châu phủ, Trương Ngạc không muốn đi giao lưu cùng với Trương Nguyên, nên ở lại trên thuyền. Trương Nguyên cùng Trương Đai đi thăm hỏi Phùng Mộng Long trước, Phùng Mộng Long mừng rỡ, nói đang mong huynh đệ Trương Nguyên tới. Sau khi dùng cơm trưa ở Phùng phủ xong, bèn đi thăm Phạm Văn Nhược, Phạm Văn Nhược hàn huyên một hồi, bèn nói:

- Giới Tử hiền đệ, thư phường Phất Thủy Sơn Phòng của Phạm thị ta, quyết định gia nhập Hàn Xã thư cục.

Để hạ được quyết tâm này, đối với Phạm Văn Nhược không phải là chuyện dễ dàng gì, y đã suy nghĩ kỹ càng, lại thăm dò nghe ngóng về những gì Trương Nguyên đã trải qua ở Quốc Tử Giám, cuối cùng mới đưa ra quyết định, đổi tên thư phường Phất Thủy Sơn Phong của y thành phân cục Tô Châu của Hàn Xã thư cục.

Phạm Văn Nhược là người đứng đầu Hàn Xã ở Tô Châu, Trương Nguyên dự tính Phạm Văn Nhược sẽ không để lỡ mất cơ hội hợp tác này. Phất Thủy Sơn Phòng thư phường ngoại trừ đổi cái tên ra thì không có biến động gì khác, mọi tài sản vẫn đều thuộc sở hữu của Phạm Văn Nhược, phân xã cũng không tham gia cổ phần vào tổng cục, chỉ là mỗi năm giao nộp một phần bảy tiền lời cho tổng cục mà thôi. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như Trương Nguyên ăn không của Phạm Văn Nhược, nhưng về sau cứ mỗi khi Hàn Xã thư cục có in ấn sách, thì đều dành cho phân cục Tô Châu một phần, hai nơi cùng lúc in ấn. Phân cục Tô Châu sẽ phụ trách việc tiêu thụ sách ở khu vực nam Trực Lệ, có Hàn Xã làm hậu thuẫn, lợi ích của phân xã Tô Châu chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn trước. Phạm Văn Nhược lập tức ký kết khế ước với Trương Nguyên, hai bên điểm chỉ, kể từ ngày hôm nay Phất Thủy Sơn Phòng thư phường sẽ trở thành phân cục ở Tô Châu của Hàn Xã thư cục, sau này nhất định phải đánh bại đối thủ cạnh tranh là Lục Thiên phường của Uông Nhữ Khiêm. Lục Thiên Phường ấn hành “Tú Tượng bản cổ kim tiểu thuyết” của Phùng Mộng Long, thì phân cục Tô Châu của Hàn Xã thư cục sẽ cải biên ấn hành mười cuốn “Dụ thế minh ngôn”; cuốn “Tiêu thị bút thừa” sẽ được phân xã Tô Châu và Hàn Xã thư cục ở Thanh Phổ in ấn đồng thời với tác phẩm mới của Phùng Mộng Long là “Cảnh thế thông ngôn”.

Chiều muộn ngày hôm đó, Phạm Văn Nhược tổ chức yến tiệc trong phủ, thiết đãi ba huynh đệ họ Trương. Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ, Kỳ Bưu đều tới, còn có hai xã phó của phân xã Tô Châu, Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long.

Trương Đại mua được một bộ dụng cụ pha trà tinh xảo ở Tô Châu, tổng cộng mười sáu món đồ gồm thạch đỉnh, cọ trúc, dụng cụ tráng trà, lò đồng, ấm đất, vại sứ… Những dụng cụ pha trà này đều có những biệt danh rất thanh nhã, thạch đỉnh không gọi là thạch đỉnh mà gọi là Thương tượng, cọ trúc không gọi là cọ trúc mà gọi là Quy khiết. Bình trà, ấm trà đều được sản xuất ở Nghi Hưng, màu sắc như màu gan dê, nhẵn nhụi như làn da mỹ nhân, là tác phẩm của một danh gia chế tác ấm trà ở Nghi Hưng, một cái ấm trà có giá tới năm lượng bạc trắng, cả bộ dụng cụ pha trà tiêu tốn hết hơn ba mươi lượng.

Trên thuyền không có việc gì làm, mỗi ngày sau giờ ngọ, Trương Đại đều đích thân nấu trà, nước suối Huệ Tuyền, lá trà của Tân An. Trời lạnh trà thơm, bọn Trương Nguyên, Nghê Nguyên Lộ, Hoàng Tôn Tố, Kỳ Bưu Giai đều rất thích. Trương Đại, Trương Ngạc thì mê đồ ngon, mỗi lần đến một nơi nào đó, bèn vơ vét của ngon vật lạ của bản địa, các loại đồ ăn vặt nổi tiếng như bánh Sơn Trà, kẹo Tùng Tử, quả trám sấy, hạt dẻ đất, hồng vuông… đều chuẩn bị rất nhiều.

Hoàng Tôn Tố cười nói:

- Đi cùng thuyền với những người anh em tốt, thật là làm phiền nhiều quá, tiên hiền Thúc Thủy tiên sinh Tư Mã Công từng nói: “do kiểm nhập xa dịch, tắc xa nhâp kiểm nan” (ý nói là từ nghèo khó mà bước vào cuộc sống xa hoa phú quý thì dễ, ngược lại quen xa hoa phú quý rồi mà sống cần kiệm thì khó – ND), sau này tại hạ về nhà rồi, làm sao mà còn có thể nuốt nổi cơm đạm trà nhạt, chắc phải mất mười ngày nửa tháng mới thích ứng lại được.

Mọi người đều cười.

Trương Nguyên cầm một chén trà làm bằng gốm xanh Tuyên Đức, ngồi bên cửa sổ thưởng thức, ngắm phong cảnh bên sông. Thuyền đã đi đến sông Bạch Hiện, rất nhanh thôi sẽ đến Trinh Phong Lý, nhất định phải gặp Đỗ Định Phương ở Trinh Phong Lý một chuyến, lúc này nghe thấy Hoàng Tôn Tố đang vui đùa nói cái gì mà “nhập kiểm nhập xa”, trong lòng thầm nghĩ: “Hoàng Tôn Tố nói có lý lắm, ta ở Đông Trương cơm áo đạm bạc, bữa ăn chỉ cần có thịt hay cá là đủ rồi, đâu có kiểu ăn uống đòi hỏi phải tỉ mỉ như Đại huynh. Chưa từng nếm qua danh trà mỹ tửu thì đã đành, sau khi nếm qua rồi lại đem so sánh với thứ trà thô rượu mạnh đó, thật là mất hứng, những thứ này cũng giống như mỹ sắc vậy, đều gây nghiện cả.”

Lại nghĩ tới cuộc nói chuyện với Phạm Văn Nhược, Văn Chấn Mạnh, Phùng Mạnh Long hôm nọ ở Tô Châu. Phạm Văn Nhược nói có gần một trăm học trò Tô Châu muốn gia nhập Hàn Xã, đều đăng ký cả trong sổ, đợi đến mùng ba tháng ba sang năm, tụ tập ở Sơn Âm xã rồi cùng quyết định danh sách xã viên chính thức. Lúc đó hắn có nói, nếu có học trò nghèo nào tham gia cuộc tụ hội vào năm sau ở Sơn Âm thì có thể xem xét trợ cấp lộ phí, khoản chi phí này sẽ do Hàn Xã bỏ ra. Cái gọi là Hàn Xã bỏ ra, thực chất chính là tiền của Trương Nguyên, à, cũng có thể nói là Đổng Hàn Lâm tài trợ.

Sau giờ Ngọ, thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa rẽ qua vịnh sông, tiến vào cảng, trước mắt chính là bến cảng Trinh Phong Lý. Mục Chân Chân đi ra mui thuyền, ngóng về hướng bến cảng, nửa năm trước, chính là ở bến cảng này, nàng và cha chia ly, cũng không biết cha ở Diên An Vệ thế nào rồi, lời thiếu gia nói đã ứng nghiệm chưa, Đỗ Tùng tướng quân có thể khôi phục lại quan chức không, cha có theo Đỗ Tùng tướng quân ra sa trường không, nàng quả thật rất nhớ cha.

Có ai đó khẽ chạm vào cánh tay nàng, Mục Chân Chân quay đầu nhìn lại, là thiếu gia, thiếu gia nói:

- Chân Chân, nàng vào trong viết cho cha nàng lá thư, đợi lát nữa ta đi gặp Đỗ Định Phương, sẽ nói y gửi cùng với thư từ của nhà họ Đỗ tới Diên An Vệ.

Mục Chân Chân mừng rỡ, mừng rỡ đáp lại, rồi về khoang viết thư, trong lòng càng yêu thiếu gia bội phần, dường như nàng nghĩ gì thiếu gia đều biết cả.

Kể từ khi có quan hệ thân mật với Trương Nguyên, cô thiếu nữ này hầu hạ Trương Nguyên càng tỉ mỉ hơn, cũng luôn nhớ lời cha nàng Mục Kính Nham từng dặn lúc chia tay: “Sớm chiều chăm chỉ, không được lười biếng, hầu hạ cẩn thận, không được ngỗ nghịch”, không được cậy Trương Nguyên đối xử tốt mà kiêu căng.

Thuyền đến bến tàu của tiểu trấn Trinh Phong Lý, đường thủy của tiểu trấn nhỏ hẹp, không chứa được chiếc thuyền lớn như Ngũ Minh Ngõa, nên thuyền chỉ có thể neo đậu bên ngoài trấn. Thuyền neo đậu xong xuôi, Lai Phúc nhảy lên bờ trước, thấy có một người chạy từ trong quán trà trên bến ra, chạy thẳng một mạch tới bên bến tàu, lớn tiếng gọi:

- Lai Phúc ca, Trương công tử đến chưa?

Lai Phúc nhìn lại, thì ra là người hầu của Đỗ Định Phương, chính là người đến Kim Lăng hồi hai tháng trước, bèn nói:

- Thiếu gia nhà ta đang ở trên thuyền.

Người hầu nhà họ Đỗ mừng rỡ, thò cổ ra nhìn, thấy Trương Nguyên đi ra mui thuyền, vội chắp tay hô lớn:

- Trương công tử, tiểu nhân phụng mệnh thiếu gia nhà ta, chờ đợi ở đây từ ngày hai mươi tháng này, chỉ sợ lỡ mất.

Trương Nguyên mỉm cười nói:

- Ta đã hứa với thiếu gia nhà ngươi, là nếu có đi qua Trinh Phong Lý nhất định sẽ đến thăm, sao lại nuốt lời được.

Người hầu nhà họ Đỗ nhờ một người quen ở trong quán trà chạy đến nhà họ Đỗ trước để báo tin, còn y thì đi cùng với bọn Trương Nguyên ở phía sau. Nghê Nguyên Lộ, Hoàng Tôn Tố, Kỳ Bưu Giai không định đi, Đỗ Định Phương đón được ba huynh đệ Trương Nguyên rồi, được biết Trương lão sư còn có ba người bạn ở trên thuyền, bèn vội đến tận bến tàu để mời, bọn Nghê Nguyên Lộ không nỡ từ chối sự nhiệt tình của Đỗ Định Phương, nên đành cùng đến Đỗ phủ.

Sự nhiệt tình của Đỗ Định Phương đối với Trương Nguyên là xuất phát từ thực lòng, đợi Trương Nguyên đến muốn mỏi con mắt. Lần trước y nhận được thư hồi âm của Trương Nguyên, thấy Trương Nguyên tỉ mỉ bình luận mười tác phẩm của y, lại còn gửi kèm theo một bức thư dài, nói y nên đọc kỹ những loại sách gì, nên nghiền ngẫm những bài văn của những tác giả nổi tiếng nào. Sự kiên nhẫn tỉ mỉ của Trương Nguyên khiến Đỗ Định Phương rất cảm động, cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được một người thầy giỏi về nhiều mặt. Hơn nữa, trong mấy kỳ thi gần đây của Trinh Phong Lý, bát cổ văn của Đỗ Định Phương được các thầy trong xã khen ngợi, cho rằng có tiến bộ không ít. Hiện giờ Đỗ Định Phương là đồng sinh, mục tiêu là hai năm nữa thông qua kỳ thi ở Côn Sơn, giành được công danh sinh đồ, hai lần thi trước y đều rớt, lần này có Trương Nguyên chỉ giáo, nên rất có lòng tin.

Trương Nguyên ở lại Đỗ phủ nghỉ ngơi một đêm, bình luận bát cổ văn cho Đỗ Định Phương, giáp mặt chỉ giáo. Đỗ Định Phương cảm thấy học được rất nhiều, chỉ đáng tiếc là Trương sư phụ còn phải vội lên đường, sau giờ ngọ ngày mai sẽ phải khởi hành. Đỗ Định Phương giữ lại không được, đành chuẩn bị một phần hậu lễ, tiễn Trương sư phụ lên thuyền.

Thuyền buồm trắng rời khỏi Trinh Phong Lý, đi qua cảng Cấp Thủy đến Tiết Điến hồ, chiều tối thuyền vào đến hồ. Ráng hồng dày đặc bầu trời, rồi lại có tuyết rơi lả tả, kể từ khi rời khỏi Kim Lăng vào ngày mùng bảy tháng này, trong vòng hai mươi ngày, trên đường đi gặp phải mấy đợt tuyết, nhưng đợt tuyết này là lớn nhất, hoa tuyết bay lượn dày đặc trên trời, chạm xuống đến mặt hồ thì biến mất không còn dấu vết.

Trương Đại nói:

- Tuyết rơi xuống nước, thật là đáng tiếc.

Nghê Nguyên Lộ gật đầu nói:

- Kết thành băng thì hay rồi, một mặt hồ lớn như thế này, kết thành một mảnh trắng xóa thật sạch sẽ, sẽ đẹp như tranh.

Hai người này chỉ đơn giản là cảm thụ cuộc sống bằng cái đẹp, Trương Nguyên cười nói:

- Nếu hồ này đóng thành băng thì làm sao chúng ta cập bến được, chẳng phải là sẽ chết đói chết cóng hay sao.

Thuyền đi qua được Tiết Điến hồ thì trời cũng đã tối hắn, Trương Nguyên vốn định xuôi dòng Đại Hoàng Phổ đi thẳng xuống Thanh Phổ, đi suốt đêm đến nhà tỷ tỷ, nhưng bây giờ tuyết rơi dày đặc, dòng chảy của sông Hoàng Phổ vào mùa đông lại xiết, đi thuyền vào ban đêm sợ là có phần nguy hiểm, bèn cho thuyền neo tạm lại Chu Gia Giác trấn, đợi đến ngày mai mới đi tiếp. Bọn Trương Đại, Trương Ngạc bất chấp trời tuyết, lên quán rượu trên bờ dùng cơm tối, Trương Nguyên không đi, có thể do mấy ngày nay đứng ở mui thuyền trúng gió lạnh, nên đầu hơi đau, ở lại trên thuyền ăn cháo. Mục Chân Chân chuẩn bị cho hắn mấy món đồ ăn nhẹ, Mục Chân Chân vốn không biết nấu những món đó, là nàng học được của Vương Vi khi nàng ấy đi cùng thuyền tới Kim Lăng, nàng có chút hổ thẹn nói:

- Nô tỳ ngu ngốc lóng ngóng, nấu không được hợp khẩu vị như Vi Cô.

Trương Nguyên nói:

- Ngon lắm, Chân Chân biết khẩu vị của ta.

Mục Chân Chân nghe thiếu gia nói vậy, trong lòng mừng vui, nhìn thiếu gia đã ăn hết cháo trong bát, hỏi:

- Thiếu gia có cần uống chút thuốc đau đầu không?

Trương Nguyên lắc lắc đầu, sau khi ăn hết hai chén nhỏ cháo nóng, cảm thấy cơn đau đầu cũng giảm bớt, nói:

- Không cần, bệnh vặt cứ để nó tự khỏi, để nâng cao khả năng miễn dịch, Chân Chân, bóp đầu cho ta một lát.

Mục Chân Chân không hiểu “khả năng miễn dịch” là gì, nhưng cũng không hỏi, học vấn của thiếu gia rộng như vậy, đâu thể chuyện gì nàng cũng mang ra hỏi, tự mình tìm hiểu lấy là được rồi. Nghĩ đoạn bèn quỳ xuống phía sau thiếu gia, bóp đầu, bóp huyệt thái dương cho thiếu gia đang ngồi xếp bằng phía trước.

Bàn tay của Mục Chân Chân thô ráp, khi vuốt ve tạo ra một cảm giác thoái mái lạ thường, Trương Nguyên thích ý thở ra một hơi dài, ngả lưng ra, tựa đầu vào ngực Mục Chân Chân. Hắn cảm giác thấy bộ ngực đó khẽ rụt về phía sau một cái, rồi lại lập tức nhô tới, run rẩy sau ót hắn, cặp nhũ hoa của cô gái này mấy tháng nay dường như nảy nở, săn chắc hơn.

Xoa bóp một khoảng thời gian cỡ nửa chung trà, Trương Nguyên ngồi thẳng người dậy, nói:

- Thoải mái nhiều rồi, cảm ơn Chân Chân.

Mục Chân Chân cười ngượng ngịu, rồi đi thu dọn chén đũa, Trương Nguyên tự làm một đề bát cổ văn như thường lệ, vừa làm văn vừa luyện chữ. Mục Chân Chân mài mực, đột nhiên nàng nghĩ ra một việc, nói:

- Thiếu gia, cha nô tỳ không biết chữ, làm sao mà trả lời thư cho nô tỳ được?

Trương Nguyên đưa cây bút lông dê đến dưới đèn xem xét đầu bút, cười nói:

- Trong quân ngũ đều có người thư lại chuyên giúp quân sỹ viết thư gửi về nhà, việc này không cần nàng phải bận tâm. Đỗ Định Phương đã nhận lời, trong thời gian gần nhất sẽ gửi lá thư của nàng cùng thư từ của nhà họ Đỗ, nếu cha nàng có thư hồi âm thì y cũng đưa đến chỗ ta một cách nhanh nhất có thể.

Trên thuyền thiếu đi mấy người bọn Trương Ngạc, cảm giác hết sức yên tĩnh, hoa tuyết đầy trời rơi xuống hết lớp này đến lớp khác, không chút tiếng động, thật đáng tiếc là chúng đều rơi cả xuống nước, cũng đáng mừng là trên mui thuyền đã lưu tích được lại một lớp mỏng. Trên nóc khoang thuyền thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng “kẽo kẹt” khe khẽ, đó là tiếng của nóc khoang bị sức nặng của tuyết chèn ép mà nên.

Đột nhiên nghe có tiếng nữ nhân nôn khan ở khoang bên cạnh, dường như đang nén tiếng khóc, Mục Chân Chân thấy thiếu gia dừng bút lắng nghe, bèn nói:

- Đó là Lục Mai, hình như… hình như…

Trương Nguyên nói:

- Có tin vui sao?

Mục Chân Chân đỏ mặt gật gật đầu, nói thêm:

- Lúc ở Tô Châu, Tam công tử có gọi thầy thuốc đến chữa trị cho Lục Mai tỷ, thầy thuốc nói tỷ ấy có tin vui, Tam công tử rất không vui, còn mắng Lục Mai tỷ…

Nói đến đoạn sau, sắc mặt nàng dần chuyển sang trắng bệch.

Trương Nguyên thở dài, nói:

- Đợi lát nữa ta khuyên giải Tam huynh, chuyện này sao có thể trách Lục Mai được, hơn nữa, có tin vui… thì cũng là việc tốt.

Nói đoạn nhìn sang gương mặt trắng bệch dưới ánh đèn của Mục Chân Chân, cười nói:

- Nàng lo gì chứ?

Mục Chân Chân vội lắc đầu:

- Không có, nô tỳ không lo gì cả.

Sắc mặt lại đỏ ửng lên.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “thân xác này của ta mới có mười bảy tuổi, nếu tính năm thì mới được mười sáu, Chân Chân còn nhỏ hơn ta một tuổi, tuy nhìn bề ngoài thì cơ thể đã hoàn toàn trưởng thành, nhưng vẫn còn quá sớm để sinh con đẻ cái, người xưa kết hôn sinh con sớm, nên trẻ con thường chết non nhiều hơn.”

Trên bờ có tiếng cười nói vọng đến, bọn Trương Đại đã trở về, thuyền phu vội quét dọn lớp tuyết phủ trên mui thuyền, để tránh cho Trương Đại khỏi bị trượt ngã khi bước lên thuyền.

Thanh Phổ, sau một đêm tuyết lớn, sáng ra trong sân viện đã phủ một lớp tuyết dày đến mấy tấc. Trương Nhược Hi mặc áo choàng lông chồn màu tím, đứng trên bậc thềm nhìn tuyết, nói với phu quân Lục Thao đứng bên:

- Chắc bọn Tiểu Nguyên đã rời khỏi Kim Lăng rồi, chỉ không biết là đã đi đến đâu, tuyết lớn như vậy, không biết có cản trở hành trình của bọn đệ ấy hay không nữa?

Lục Thao nói:

- Đi thuyền theo đường thủy, chỉ cần không nổi sóng to gió lớn thì không sao đâu.

Từ trong sương phòng vọng ra tiếng la hét ầm ĩ của Lý Thuần, Lý Khiết. Trương Nhược Hi bèn đi qua, thấy hai bảo mẫu cùng hai nô tỳ đang luống cuống chân tay giúp Lý Thuần, Lý Khiết mặc áo đội mũ. Hai đứa nhỏ nhảy nhót lung tung, tay chân vung loạn xạ, không chịu đứng yên mặc quần áo, Trương Nhược Hi bước vào quát lớn một tiếng thì mới chịu yên, nhanh chóng áo mũ chỉnh tề, hai huynh đệ chạy ra sân nghịch tuyết.

Trời lạnh, người lớn tuổi thức dậy muộn, Lục Thao dùng xong bữa sáng, rồi mới dẫn theo hai đứa con trai đến vấn an phụ thân Lục Triệu Khôn. Trương Nhược Hi dẫn theo hai nô tỳ ra nhà trước xử lý công việc, những công việc trong phủ bây giờ đều do Trương Nhược Hi quản lý, việc ở hiệu buôn Thịnh Mỹ cũng do Trương Nhược Hi quản, mỗi ngày đều công việc bộn bề.

Cũng may là Trương Nhược Hi giỏi giang, xử lý mọi việc đâu ra đấy, nàng còn đang học cách làm sổ sách Long Môn và sổ sách Tứ Cước. Nàng quản lý hiệu buôn Thịnh Mỹ mà bản thân không biết về sổ sách Long Môn và Tứ Cước, thì rất dễ bị người dưới qua mặt. Biểu tượng của hiệu buôn Thịnh Mỹ là một chữ “Mỹ” ngoài tròn trong vuông, hiện giờ đã mở ra sáu tiệm buôn ở Thanh Phổ, Hoa Đình, Thượng Hải, Côn Sơn, sử dụng cách hối lộ cho thợ may mà Trương Nguyên bày, quả nhiên hết sức công hiệu, các hiệu buôn Thịnh Mỹ nhanh chóng mở rộng thị trường ở các nơi, và trụ vững. Trương Nhược Hi dự định sang năm sẽ mở rộng hiệu buôn đến Tô Châu, Gia Hưng và Hàng Châu, đồng thời tăng thêm số lượng máy đánh bông dệt lụa, cần thêm một lượng lớn thợ dệt lành nghề, về vấn đề này chỉ có thể tự bồi dưỡng được một số, số còn lại cần phải trả lương cao để tuyển dụng.

Mới sáng sớm, đã nghe ngoài cổng lớn có người hầu kêu lên:

- Giới Tử thiếu gia đến rồi, Giới Tử thiếu gia đến rồi.

Trương Nhược Hi mừng rỡ, bỏ sổ sách trên tay xuống, bước nhanh ra đón. Thấy trước cổng là một đoàn người, có nhiều gương mặt xa lạ, bèn dừng bước, nói người hầu mau đi mời Lục Thao đến.

Huynh đệ Trương Nguyên ở bên này đã nhìn thấy Trương Nhược Hi, vội bước tới chào, Trương Nhược Hi hết sức vui mừng, nhìn đệ đệ Trương Nguyên khắp lượt, nói:

- Tiểu Nguyên hình như cao hơn rồi… Tông Tử, Yến Khách đi đường vất vả, mời vào trong ngồi, mấy vị đó là ai? Đợi tỷ phu đệ đến rồi mới chào hỏi vậy.

Rất nhanh Lục Thao đã bước ra, Trương Nguyên giới thiệu ba người Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ, Kỳ Bưu Giai với mọi người, đoạn cùng vào sảnh ngồi. Bốn chiếc lò than được đốt lên rừng rực, Trương Nguyên nói sơ vài câu, rồi vào nhà trong nói chuyện với tỷ tỷ Trương Nhược Hi. Hỏi ra mới biết phụ thân Trương Thụy Dương đầu tháng chín có tới Thanh Phổ, ở lại Thanh Phổ ba ngày, Lý Thuần, Lý Khiết đều không nhận ra ông ngoại. Trương Nhược Hi lại nói thêm là Tông Dực Thiện và cha mẹ y đã đi cùng với phụ thân Trương Thụy Dương đến Sơn Âm, Tông Dực Thiện muốn ở lại Sơn Âm an cư.

Trương Nhược Hi vui mừng nói:

- Sức khỏe của phụ thân rất tốt, tâm trạng cũng rất vui vẻ, đều là nhờ đệ cả đấy.

Trương Nguyên cười nói:

- Nhưng cha đâu có khen trước mặt đệ…

Trương Nhược Hi nói:

- Đương nhiên rồi, cha sợ đệ kiêu ngạo mà.

Rồi nàng thấy Mục Chân Chân đi vào thỉnh an, bèn kéo nàng ấy lại hỏi chuyện.

Trương Nguyên bèn đi ra nói chuyện với tỷ phu, bọn Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái nhận được tin tức, bèn vội vàng đến gặp mặt. Hôm đó Lục phủ mở yến tiệc lớn, thiết đãi sáu người bọn Trương Nguyên cùng các cộng sự ở Hàn Xã như Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái. Lục Dưỡng Phương cũng ra gặp khách, trông y béo trắng hơn so với hồi năm ngoái, khi mới trở về từ nhà ngục ở Tùng Giang. Gặp Trương Nguyên, Lục Dưỡng Phương không dấu nổi vẻ xấu hổ. Trương Nguyên không nhắc nửa lời đến chuyện cũ, lần trước từ miệng Lục Đại hắn biết được, bây giờ Lục Dưỡng Phương làm một kẻ nhàn rỗi trong nhà, những chuyện gạo tiền trong Lục phủ không để cho y nhúng tay vào nữa. Lục Dưỡng Phương trải qua chuyện trắc trở lần trước, cũng không còn mặt mũi nào tranh quyền với anh trai chị dâu nữa.

Sau giờ ngọ, Nghê Nguyên Lộ đi đến núi Đông Xà bái kiến Trần Mi Công, ba huynh đệ Trương Nguyên không đi. Trần Mi Công là bạn tốt của Đổng Kỳ Xương, gặp nhau khó tránh khỏi khó xử, nên chỉ nhờ Nghê Nguyên Lộ mang thiệp chào của ba huynh đệ hắn đi.

Trương Nguyên, Trương Đại theo bọn Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái đi thăm Hàn Xã thư cục, giẫm lên tuyết mà đi, trên đường đi Dương Thạch Hương nói:

- Mấy ngày trước Kim Lang Chi có đến chỗ ta, có nhắc tới cha con Đổng thị. Đổng Kỳ Xương bệnh nằm liệt giường nửa năm nay, mời thầy chạy chữa, gần đây đã có thể chống gậy bước đi. Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường lúc trước bị giam giữ trong nhà lao phủ Tùng Giang, sau đó thông qua ba phủ Tô, Thường, Trấn cùng hội thẩm, tháng trước có quyết định đưa xuống, chỉ tước danh hiệu sinh đồ của Đổng Tổ Thường, giữ trong nhà quản thúc, Đổng Tổ Nguyên chỉ bị giáng hai bậc. Những nhà dân bị Đổng Tổ Nguyên chiếm cứ ở Trường Sinh Kiều, huyện Hoa Đình đều trả lại cho các hộ dân, bồi thường cho mỗi hộ ba mươi đến năm mươi lượng bạc, còn những ruộng đất bị y xâm chiếm phần lớn đều được trả lại. Đồng thời Học Đạo Vương yêu cầu học phủ ở Tùng Giang, và ba học huyện Thượng Hải, Thanh Phổ, Hoa Đình nghiêm khắc quản hạt chư sinh, nếu có tình trạng không phục phán quyết, tụ tập gây sự, sẽ nhất loạt tước bỏ công danh. Việc này cũng cứ vậy mà lắng xuống.

Trương Đại cả giận nói:

- Không trừng trị được Đổng Kỳ Xương thì cũng đành, Đổng Tổ Nguyên cũng xử nhẹ như thế, quan trường của triều đình Đại Thanh thật là đen tối!

Trương Nguyên nói:

- Các chư sinh ở Tùng Giang không bị dính vào vụ án này là tốt rồi, với danh vọng của Đổng Huyền Tể, muốn xử nặng hai người con trai của ông ta là chuyện rất khó. Trải qua chuyện này, khí thế nhà họ Đổng ở Hoa Đình e là không thể lấy lại được rồi.

Hồng Đạo Thái nói:

- Cha con nhà họ Đổng không thể tác oai tác quái ở Hoa Đình được nữa, nghe nói có thể sẽ chuyển đến kinh sư, nhưng việc này phải đợi đến khi Đổng Huyền Tể khỏi bệnh đã.

Dương Thạch Hương chần chừ một chút, rồi nói:

- Giới Tử hiền đệ, Đổng Huyền Tể mà đến kinh sư, thì e là sau này không có lợi cho đệ.

Trương Nguyên nói:

- Đổng Huyền Tể từng đảm nhiệm chức vụ thầy dạy của Đông Cung, thầy dạy của đệ là Tiêu Thái Sử cũng từng làm thầy dạy của Đông Cung, hơn nữa…

Có những lời không nên nói ra, nên hắn im luôn.

Dương Thạch Hương nghĩ cũng thấy đúng, Tiêu Thái Sử cũng không thua kém gì Đổng Hàn Lâm, Trương Nguyên là môn đồ cưng của Tiêu Thái Sử, Tiêu Thái Sử tất sẽ dốc sức bảo vệ Trương Nguyên. Đổng Kỳ Xương vì chuyện lần này mà mất hết danh tiếng ở Hoa Đình, muốn báo thù Trương Nguyên cũng không phải chuyện dễ.

Tiền thân của Hàn Xã thư cục là hiệu sách của Dương Thạch Hương, tọa lạc ở sân sau nhà họ Dương bên dòng sông Thanh Long. Nửa năm trước vẫn chỉ là một tiệm sách nhỏ, với mười gian nhà ngói, một thợ viết, mười hai thợ khắc, sáu thợ in, hai thợ phụ. Sau khi Hàn Xã thành lập, chín ngàn lượng bạc cổ phần được đổ vào, tiệm sách nhanh chóng được mở rộng. Trong vòng nửa năm ngắn ngủi, mười gian nhà ngói được xây thêm, trả lương cao mời thêm hai mươi thợ khắc lành nghề, năm thợ in, ba thợ phụ, trả lương sáu mươi lượng một năm để mời một lão đồng sinh tinh thông các thể loại chữ về làm thợ viết. Quy mô của thư cục hiện nay đã không hề thua kém thư phường Phất Thủy Sơn Phòng của Phạm Văn Nhược. Lợi nhuận ba năm đầu của thư cục sẽ không chia, tất cả đều được tính thành cổ phần gia tăng của các cổ đông, dùng vào việc mở rộng thư cục, theo như dự tính của Trương Nguyên, thì Hàn Xã thư cục cần phải có trên một trăm thợ khắc giỏi, mỗi ngày mỗi loại chữ Nhan, Liễu, Âu, Triệu phải khắc được mười ngàn chữ trở lên, hoặc bản khắc chữ thể Tống phải khắc được hai mươi ngàn chữ trở lên. Nếu có được năng lực chế bản như vậy, chỉ cần ba ngày là hoàn thành một chế bản sách, nếu cần làm gấp, thì mỗi bộ sách mới chỉ cần bảy ngày là đã có thể in ấn xong và tung ra thị trường.

Hai bên bờ sông Thanh Long, tuyết trắng bao trùm, so sánh với màu trắng của tuyết, nước sông trở nên đen kịt. Hai mươi gian nhà ngói của Hàn Xã thư cục tuyết phủ đầy nóc, dày đến nửa thước, thợ phục bắc thang gỗ leo lên mái nhà dọn tuyết, vì sợ tuyết cứ rơi mãi không ngừng như thế này sẽ đè sập mái. Hai mươi thợ khắc có thể khắc các thể chữ Nhan, Liễu, Âu, Triệu, đang khắc chế bản “Tiêu thị bút thừa”, bộ sách này có tám mươi ngàn chữ, sẽ chia làm hai phần thượng, hạ để in ấn phát hành. Đây là lần đầu tiên Hàn Xã thư cục in ấn phát hành tuyển tập của một nhân vật nổi danh đương thời, nên yêu cầu chế bản, giấy, công tác đóng quyển đều phải rất tỷ mỉ đẹp mắt, yêu cầu tung ra là phải thành công. Hai mươi thợ khắc chữ thể Tống đang chế bản tác phẩm “Cảnh Thế Thông ngôn” của Phùng Mộng Long, những bộ sách này đều phải được làm xong trước tết. Dương Thạch Hương đã hứa là mỗi thợ khắc sẽ nhận được thêm một món lì xì trị giá ba lượng sáu tiền vào trước tết, cho nên những thợ khắc này đều hăng hái làm việc.

Trương Nguyên đi quanh một vòng, tương đối hài lòng, hắn nói qua một số công việc cần làm cho sự phát triển của thư cục sau này với Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái. Nói rằng Phất Thủy Sơn Phòng thư phường ở Tô Châu đã trở thành phân cục của Hàn Xã thư cục, nhưng thị trường tiêu thụ của phân cục Tô Châu chỉ giới hạn ở các huyện phủ phía nam Trực Lệ, còn tổng cục Hàn Xã thì không bị giới hạn, chỉ cần đủ khả năng thì cứ việc mở rộng.

Chiều tối, Dương Thạch Hương phái người đi mời Trương Ngạc, Hoàng Tôn Tố, Kỳ Bưu Giai cùng đến phủ dùng tiệc tối. Sáng ngày kế tiếp còn tổ chức một hội văn nhỏ ở miếu Thủy Tiên, thành phần tham gia đều là các thành viên của Hàn Xã thư cục, có hơn hai mươi người. Những người đến tham gia hội văn đều có công danh tú tài, nội dung được nói đến nhiều nhất đương nhiên là kỳ thi hương vào năm tới, chỉ có điều địa điểm thi của môn sinh Thanh Phổ là ở Nam Kinh, còn Trương Nguyên, và mấy người Hoàng Tôn Tố thì ở Hàng Châu. Nhưng mùng ba tháng ba sang năm Hàn Xã thư cục tụ hội ở Sơn Âm, mọi người có thể gặp mặt nhau một chuyến, mọi người đều rất mong mỏi đến kỳ tụ hội tại Sơn Âm vào năm sau

/345

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status