Long Thần Khí

Chương 1: Đông Phương Đại Lục

/50


Đại lục Đông Phương đang thời cường thịnh, giữa các quốc gia thương lộ đan chằng chéo, thành thị mọc lên như nấm, vùng biên giới tấp nập giới thương buôn. Nhiều năm nay thiên nhiên mưa thuận gió hòa, nhân tâm an thịnh. Cư dân đủ các dân tộc đều có những đột phá lớn về kinh tế cũng như võ học, pháp giới. Các quốc gia thật hiếm khi có được cảnh giao hòa hảo hữu tốt như thế. Không những toàn đại lục không có chiến tranh, mà còn ký hiệp ước chung về tương trợ nhau khi có các hiểm họa đến từ Tây, Bắc, Nam Đại lục. Hiển nhiên, không chỉ có tương trợ nhau về quân lực mà còn có sự trao đổi các thành tựu kinh tế.

Nổi lên trên các quốc gia cường mạnh nhất của đại lục Đông Phương chính là đế quốc Đại Việt, tiếp theo là Quang Dương, Phong Mạn, Ấn Điểm, ngoài ra là các tiểu quốc như Tiểu Hoa Hạ, Thiên Đảo, Hàn Nguyệt, Cao Thổ, Vạn Tượng ….

Đế quốc Đại Việt nằm phía đông nam của đại lục, tiếp giáp hai nước lớn là Ấn Điểm và Quang Dương, lại nắm giữ cửa khẩu giao thương với Tây và Nam đại lục bên kia Đông Hải, nhờ đó mà có được nguồn lợi to lớn từ việc thu thuế thương buôn. Chưa kể việc nắm giữ đầu mối cung cấp sản vật và các sản phẩm chế luyện ưu tú từ Tây – Nam đại lục sang các quốc gia khác, chỉ tính việc có Đông Hải điều hòa khí hậu khiến cho nông nghiệp ổn định, là nơi cung cấp 1/3 lương thực cho phần lớn bộ phận đại lục đã đủ giúp cho Đại Việt phát triển thành vùng đất trọng yếu và cường thịnh, trở thành nơi bách tính tập hợp, cường giả chen chân, phú thương lập nghiệp.

Ở Đại Việt thì vùng phía Nam dường như quần long tụ hội nhiều hơn phía Bắc, cũng bởi phía Nam đồng bằng, bình nguyên trải khắp, đất đai màu mỡ phù sa, không như phía Bắc có lắm sơn lâm trùng điệp, có những khu vực rộng muôn vạn dặm chưa từng được người ghé qua, ẩn giấu những bí ẩn từ đời hồng hoang nguyên thủy.

Nơi cực hạn phía Bắc có mấy ngàn quái sơn cao chọc trời, quanh năm mây xanh tụ hội. Sơn tùng, bạch tuế, cổ thụ chen nhau mà đứng, thân cao cả trăm trượng, to chục người ôm, các loại kì hoa dị thảo thì nhiều không biết đâu mà đếm. Nghe đồn nhiều loại quái thú, thần điểu sống trong những khu rừng của Bách Vạn Hung Sơn đó, đa phần là loại trường thọ thành tinh, linh thức phát triển chẳng kém nhân loại, lại có sức mạnh vô biên, quái pháp kì bí, ngay cả những cường giả võ học tuyệt thế trong hoàng cung cũng chưa chắc có thể chế ngự một con.

Tuy vậy, ngay ở phía Nam cũng có những khu vực kì lạ, đầm lầy muôn trượng, ghềnh thác hùng vĩ, sông hồ hung hiểm, giao long, ngạc kình vĩ đại trấn thủ, thủy điểu hung ác tranh phong. Có điều do thương nghiệp phát triển, thủy lộ được khai sinh cũng nhiều, nên ít ra cũng có những khu vực có con người tiếp cận, so với khu nguyên thủy sâm lâm phía Bắc ít nhiều có cảm giác bớt thần bí hơn.

Đế quốc Đại Việt có phát tích rất sớm, tương truyền từ thời thượng cổ đã có cư dân đến đây. Người Đaị Việt thường hay lưu truyền mình là huyết thống cao quý của Rồng Tiên, tự nhiên bái Thần Long làm thánh tổ, xem Tiên Thánh là thánh mẫu. Lại nói đế quốc Đại Việt áp biển mà thành hình, phảng phất như sóng lượn, trông như thần long từ Đông Hải hướng thiên bay lên, vì vậy thời lập quốc, Đại Việt vốn mang tên Thần Long, nhưng do không phải trực tiếp là rồng lại sợ Long tộc trách mắng rằng tranh giành huyết thống, nên sau này chỉ còn kinh đô mang tên là Thăng Long, đặt ngay vị trí long nhãn trên đồ hình của quốc gia, nghiễm nhiên nằm nơi phía Bắc, để chiếm lấy vị trí linh thiêng, bảo tồn long mạch, chấp nhập xa nơi phần lớn dân cư tề tựu ở phía Nam. Kể ra đây cũng là một khó khăn trong điều hành một đại đế quốc. Cũng may là sau này, cùng với võ học phát triển, cường giả bắt đầu cưỡng chế thiên nhiên, bắt quái điểu phi hành, bắt man thú mà ngự nên có thể nói là “giao thông” cũng thuận tiện.

Những đội cuồng phong thiên lý mã của triều đình làm nhiệm vụ đưa lệnh trong quốc gia Đại Việt sớm vang danh toàn đại lục. Nghe nói năm xưa một vị huyện quan nho nhỏ chốn thâm sơn phía Bắc, vốn xuất thân là một người tu tiên nhưng chưa đủ tu vi dùng pháp bảo phi hành, định bắt một con thiên lý bạch mã cực phẩm và một con độc giác hỏa lộc (hươu lông đỏ một sừng) trong núi để thử xem con nào có thể dùng làm thú cưỡi tốt hơn khi đi vừa đường núi, vừa huyện lộ ra tỉnh hàng tháng. Không ngờ sau này, con độc giác hỏa lộc lại hoài thai với con bạch mã, sinh ra một loài ngựa mới, thân trắng như tuyết, nhưng 4 vó câu lại đỏ hồng như lửa, trên trán xuất hiện độc giác nhọn xoắn như mũi khoan. Con tiểu bạch mã độc giác này dường như thừa hưởng được hết thảy tinh tú của cha mẹ, vừa có thể chạy đường bằng nhanh thần tốc, mà mã bộ trong sơn cốc cũng cực linh hoạt, bao nhiêu khe suối, vách núi cũng dễ dàng nhảy qua - được đặt tên là Cuồng phong thiên lý mã. Từ đó, huyện quan kia nảy sinh ra một ý tưởng là nhân rộng đội ngũ loài kì mã này lên, có thể giúp cho triều đình dùng phát lệnh truyền tin, cũng nhưng phát huy cho kỵ binh của quân đội.

Sự ưu việt của loài kì mã này sớm được công nhận, nhưng do một số lý do khách quan, số lượng cũng cực kỳ hạn chế, chỉ đủ dùng cho truyền tin giữa các tỉnh huyện hoặc dùng cho đội thiết kỵ thân vương của hoàng gia. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi vì số lượng thiên lý bạch mã cực phẩm đã hiếm, số độc giác hỏa lộc càng ít hơn. Mà chỉ con hỏa lộc cái mới có thể hoài thai, nếu là thiên lý mã cái thì lại không thể. Bản thân một cặp đều là Cuồng phong thiên lý mã nếu đem phối thì 5 năm mới sinh một tiểu mã, chu kì giữ nguyên không đổi, có muốn nhanh hơn cũng không được.

Đông Phương đại lục an bình, nhưng không có nghĩa là lớp cường giả võ học vì đó mà ngừng tu luyện. Giờ đây không phải tài bồi vì lợi ích bảo vệ dân tộc quốc gia, họ quay sang hướng tới mục tiêu sớm đã thành hoài bão to lớn nhất của mọi kiếp người : vũ phá hư không, đăng thiên thành tiên, trường sinh bất lão. Lúc này nhà nhà cho hài tử hài tôn gia nhập võ môn, tu phái. Tất cả các loại võ đạo, pháp môn hầu như đều đông đảo đồ đệ tham bái.

Tất nhiên, trong số đó không phải môn phái nào cũng là thánh môn. Có nhiều “thánh môn” chỉ là do vài kẻ võ học tầm trung, đánh vào thị hiếu của dân gian mà mở ra võ đường, đặt những tên thật kêu như : Thần Võ môn, Thánh Kiếm phái, Long Hoàng pháp viện …v…v… hầu lôi kéo đồ đệ để mà thu lệ phí. Cũng vài kẻ mong lập bang phái mong một ngày cũng được cái cảm giác làm sư tôn thiên hạ. Nói chung thiên hạ võ giả sánh ngang thường dân, nhiều vô kì tận, đã sớm làm cho danh uy các bậc tôn sư võ học giảm mất một nửa. Võ học dường như là món đồ trang sức thời thượng nhất cho con cái những người có chút tiền của vậy.

Nhưng nói như thế không phải môn phái nào cũng là giả thần uy. Những môn phái danh tự đã vang xa bốn biển như Diệt Tình Kiếm, Bách Lôi Quyền, Thiên Điểu, Bạch Phát Tu La, Hóa Độ Nhân…vẫn giữ những nguyên tắc cổ xưa, chỉ chọn lọc tinh túy làm đồ đệ, thà võ phái ít người mà toàn chân tài thực học.

Nhưng hiển nhiên, đại quan thì có kẻ xu xịnh, đại danh thì có kẻ cậy nhờ. Bởi thế nên các môn phái càng nổi danh thì bậc đại quan quý nhân càng nhất thiết muốn gửi gắm nhi tử, từ nài nỉ đến cưỡng ép. Sau cùng nhiều môn phái không muốn có phiền nhiễu với quan lại, ảnh hưởng đến sự phát triển của sư môn nên cùng nhau lập ra cái gọi là sơ cấp học viện, đem tống hết một lượt các đồ đệ được gửi gắm cậy nhờ vào đó mà rèn luyện, cuối mỗi khóa 2 năm lại tiến hành khảo thí mà chọn ra một vài người chính thức làm môn hạ đệ tử để học các bí kíp, tuyệt kỹ bản môn. Còn những người kia thì vẫn chỉ được học những chiêu của sơ cấp cảnh giới, đủ về nhà khoe khoang một chút với song thân.

Tại một gia viên nhỏ ngoại vi của Long Tinh thành nơi phương Bắc Đại Việt, có một tiểu tử chừng mười bốn tuổi đang sắp xếp túi văn thư lên ngựa. Mỗi công văn đều có ấn ký của vị huyện quan sở tại. Hắn là nhân viên thư tín liên huyện trẻ nhất trong giới đồng liêu.

Long Tinh thành - tên thì oai phong nhưng quy mô lại rất nhỏ. Bất quá, đây là một huyền tích nơi ngày xưa Đệ Nhất Cường Giả Lạc Long của Long tộc hóa nhân hình mà gặp gỡ Âu Cơ tiên tử sau đó sinh ra Đệ nhất Hùng Vương của dân Bách Việt, sau này là Đại Việt, nên tên thành cũng theo đó mà đặt. Trải bao vạn năm, thiên nhiên phong hóa, đến nay một nửa khí tức thần thánh cũng không còn. Câu chuyện Long Thần với Âu Cơ đã sớm trở thành truyền thuyết để kể vui cho lớp thiếu niên. Còn bản thân lớp trưởng bối, xem chừng cũng không dám nói đó là sự thật hay không nữa.

Long Tinh thành nằm chỗ cận sơn của dãy Hoàng Liên Thánh Lĩnh. Dãy Thánh Lĩnh này là phần đầu của dải núi mấy ngàn ngọn trùng trùng ngạo thiên huyền bí của Bắc Đại Việt. Những ngọn núi quay thành vòng, ngọn ngoài cao hơn ngọn trong. Khi mùa thu, cả hai mươi sáu đỉnh phong sơn nhuộm sắc lá vàng từ những cây đại thụ, trông như một đóa Hoàng Liên (sen vàng) khổng lồ. Có lẽ danh sơn như vậy mà thành tên. Cũng có truyền thuyết cho rằng trong cổ động nào đó ở Hoàng Liên Thánh Lĩnh này thực sự có tồn tại một đóa Hoàng Liên Tiên Hoa do Âu Cơ thánh mẫu để lại, vì vậy dải núi mới có tên. Nhưng dãy Hoàng Liên này không quá xa hay quá cao như những dải núi tiếp sau. Đám thợ săn trong thành vẫn thường rủ nhau lên núi săn bắn mà từ đó đến nay chưa từng thấy tiên trì nào, huống chi là Hoàng Liên nên mười phần thì chín phần rưỡi là tên núi xuất phát từ dung mạo.

Căn bản nơi này quá xa với thủ phủ tỉnh Hương Bình gần nhất nên cũng gần như cô lập. Nếu không có tòa thành cổ này tập trung dân chúng quanh vùng lại, thì e rằng đã sớm trở thành một nơi thôn sơn dã lạnh rồi. Người trong thành thường kể nhau rằng ngày xưa tòa thành này lập nên là để làm nơi Long Đế nghỉ ngơi sau khi đi săn ác thú, xà tinh trên Bách vạn Hung Sơn. Nhưng một lối giả thuyết khác lại cho rằng tòa thành này này do Long Đế hóa phép tạo nên để bảo vệ dân chúng khỏi dã thú từ trên Hoàng Liên Thánh Lĩnh xuống quấy nhiễu. Bao vạn năm nước chảy đá mòn, truyền thuyết dân gia truyền tụng thì hơn nửa đã thêm thắt quá nhiều, thành ra không ai còn biết xuất xứ thật của tên tòa cổ thành cũng như Hoàng Liên Thánh Lĩnh nữa rồi.

Dù sao từ những truyền thuyết đều nói lên rằng thời huyền tổ của Đại Việt, lão tổ tông của Bách Việt dân tộc là Long Quân, là huyết thống thần linh, con của Long Nữ và Kinh Dương Vương **. Long Nữ là con của Đông Hải Thần Long Vương. Còn Kinh Dương Vương là con của Đế Minh thần và Vụ Tiên. Long Quân có thể coi là đệ nhất cường giả trong thông thiên chi địa, lúc bấy giờ, đánh đông dẹp bắc, tung hoành khắp nhân gian chi giới, chưa từng gặp đối thủ. Đông diệt Ngư Tinh Đại Ma, tây diệt Cửu Vĩ Hồ Tinh, bắc diệt Cổ Lão Yêu Thụ, tất thảy đều là những quái thú, yêu ma truyền thuyết mạnh ngang thần thánh thượng tiên. Trong đó chỉ có Cổ Lão Yêu Thụ vốn sinh trưởng từ thời hồng hoang, pháp lực vô biên là có thể bảo toàn mạng sống, chạy về Diệt Vong sa mạc phía tây nam đại lục, sinh mệnh tàn héo, thân cây khô quắt, bị gọi là Quỷ Xương Cuồng, sau này không còn nghe dấu vết. Do Long Quân là đồ tôn của Đông Hải Thần Long, bản thể cũng là rồng, vì vậy cho dù pháp lực cao cường ngang với tối thượng linh thần nhưng không nhất thiết phải du nhập thiên giới, mà có thể trở về Đông Hải ngư phủ nơi đại dương, quản lý muôn ức vạn hải sinh.

Lại nói tiểu tử tên Đại Hùng, vốn là con của một thư lại trong huyện phủ. Huyện này nhỏ bé, chừng hai vạn dân gói gọn trong một cổ thành, do đó hầu như mọi người lập nghiệp đều như kiểu sanh kế truyền thừa, cha truyền con nối. Nhưng tính Đại Hùng không thích việc bó chân bó cẳng cả ngày ở trên huyện đường như cha mình. Đại Hùng thích được ra ngoài đi đây đó, vì vậy đã sớm nhờ cậy cha xin cho một chân đưa thư tín cho quan huyện lên tỉnh. Bản tính Đại Hùng thích gần gũi thiên nhiên, lại thích ngắm cảnh tìm vui, thích làm chuyện mạo hiểm, thích được ngồi trên lưng con độc giác cuồng phong thiên lý bạch mã của huyện phủ mà phi nước đại để đua với phong yến, phải nói là có chút bản tính hoang dã.

Ngày xưa cha Đại Hùng còn chưa làm nơi phủ huyện, ngày ngày lên núi hái dược vật, tìm phong lan, bắt tiểu dã thú về bán. Hôm mẹ Đại Hùng sắp chuyển sanh, thì quan huyện mới nghe danh cha Đại Hùng trước đây cũng là một tú tài, nên gọi đến làm thư lại. Thân mẫu Đại Hùng vì muốn báo tin cho cha Đại Hùng nên mới vào bìa rừng tìm, không ngờ bà vừa đến nơi thì thấy một dã hùng khổng lồ lững thững đi đến. Con gấu này thân cao ba trượng (một trượng = 4m ), có thể coi là cự phách dã thú, lông màu đen bóng, cổ có vành lông vàng như kim tuyến, ẩn chứa quang mang. Rất may dã hùng chỉ nhìn bà, nhìn chăm chăm hồi lâu rồi gầm lên một tiếng thất kinh táng đởm, rồi lại lững thững đi lại vào rừng. Đêm đó bà sanh ra Đại Hùng, nhớ chuyện dã hùng, thầm cảm tạ tổ tiên bảo hộ, định đặt tên con là Dã Hùng, nhưng cha Đại Hùng cho rằng nghe thô quá , nên đổi thành Đại Hùng.

Kì thật huyện nha một tiểu huyện cũng chả có mấy tin tức, nên công việc của Đại Hùng chỉ là bán thời gian. Ngoài lúc có việc lên tỉnh đưa tin, còn lại Đại Hùng vẫn theo thầy đồ học chữ, giờ rảnh thì đưa con Tiểu Phong là cuồng phong thiên lý mã đi tắm rửa, tập luyện.

Con Tiểu Phong này nghe nói là thần dũng nhất trong lứa huynh đệ cùng mã đàn của mình. Không chỉ khoái tốc, sức bền, mà thân hình cũng vô cùng khôi vĩ, cơ bắp cuồn cuộn, lông mượt, giọng hay. Mỗi khi nó hí lên thì đám ngựa cái trong huyện không ngưng gõ móng đạp chuồng. Vốn loài thú thường con đực tìm con cái, vậy mà ở đây lũ ngựa cái lại tìm cách quấn quít nó. Trong mã giới của loài ngựa, có thể xem nó cũng là một mỹ nam tử, đỉnh phong tiêu sái tuấn dật rồi. Huyện lị tại Long Tinh thành khá xa, do đó Tiểu Phong được điều tới đây trợ giúp việc hỏa tốc truyền tin cho nha huyện.

Đại Hùng đặt túi công văn lên yên kì mã xong, lại cúi xuống kiểm tra bốn móng con Tiểu Phong. Giống ngựa này sải vó cực nhanh, tốc độ vô bì, hổ báo bình thường cũng không thèm để mắt, vì vậy quan trọng nhất khi lên đường là phải xem kĩ bốn móng của nó. Nếu có lỏng lẻo phải gia cố ngay. Nếu đi hành trình dài, còn phải lấy vải quấn quanh cố chân nó cho chắc vì đường xa, ngộ nhỡ nó phóng quá nhanh mà vấp đá trật khớp thì cứ gọi là đại đại hạn. Dù sao nó cũng không phải thần mã, vẫn có thể xảy ra thương vong.

Kiểm tra xong, Đại Hùng ôm cổ ngựa, vỗ vỗ cái bờm dài trắng như tuyết của nó. Tiểu Phong gục gặc cái đầu, đoạn lắc lắc cho bờm tung lên. Cánh mũi nở ra, phì phì 2 tiếng lớn. Nó biết sắp đến lúc lên đường. Đaị Hùng mỉm cười, đoạn quay vào trong nhà nói to :

- Con đi nha mẹ !!!

- Đi sớm về sớm nhé Đại Hùng. Chiều nay mẹ sẽ nấu canh tam vĩ kê đấy.*

- Mẹ yên tâm, còn Tiểu Phong này sải vó đệ nhất thiên hạ, cuối ngày con sẽ về.

-----------------------------------------------------------------

*một loại gà rừng có 3 nhánh lông đuôi dài

** đây dựa theo truyền thuyết nguồn gốc dân Bách Việt. Có thể tham khảo các tài liệu sau = google:

Truyền thuyết Lạc Long Quân

Lạc Long Quân

Tuy nhiên, đây là một truyện hư cấu nên sẽ có nhiều tình tiết tưởng tượng. Chỉ mượn cái gốc mà nói, không liên quan các vấn đề thực tế.


/50

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status