Mị Tướng Quân

Chương 26: Thẩm vấn (2)

/205


Ta rạp người xuống, dập đầu: “Vương Gia, gia gia thiếp thân vốn là quân y của Quân tướng quân, sau khi trị lành bệnh cho ngài ấy thì gia gia được Quân tướng quân trao tín vật, nói rằng nếu gia gia có việc, có thể gọi mấy thân bình bên ngài giúp đỡ. Nhưng gia gia cũng chỉ cần giúp mấy việc như lên núi hái thuốc, cõng vác bệnh nhân mà thôi. Lúc thiếp đi theo gia gia chữa bệnh khắp nơi thì biết Thổ Đôn, biết lòng trung thành của y với Quân tướng quân. Vì vậy, thiếp thân mới gọi y đến giúp đỡ.”

Y không đáp lại lời ta, ngón tay trắng noãn khẽ vuốt tư ấn đó, dấu đỏ trên tư ấn càng rõ rệt, dưới ánh nến đường vân màu xanh nhạt trông thật lung linh rực rỡ: “Nghe nói tư ấn này do y sai người lên núi lấy mặc ngọc chế thành. Bởi vì thân ngọc có vân xanh nhạt, nên được mệnh danh là lục yêu. Y vẫn luôn cố gắng trở thành hiền thần lương tướng, cho nên ra lệnh cho người khắc lên hai chữ ‘hiền lương’ để khích lệ bản thân. Hai chữ đầy ý nghĩa này đương nhiên do chính tay y viết. Nghe nói Hoa mỹ nhân giỏi thư họa, nhưng trong phủ từ trước đến nay Bổn vương chưa từng thấy động bút, không bằng hôm nay mỹ nhân viết hai chữ hiền lương vì Bổn vương?”

Ta thầm kinh hãi, ngẩng đầu lên, rồi cúi người thi lễ với vẻ mặt bình tĩnh: “Cẩn tôn vương gia sai bảo.”

Y không nhìn ta, cũng không nhìn tư ấn đó. Ánh nến trong phòng soi qua chén đèn lưu ly chiếu lên mặt y, khiến vầng trán y trắng noãn như ngọc, càng tôn lên đôi mắt sâu không thấy đáy. Tính đa nghi của y sâu xa vậy ư? Lần này đúng là quá gấp gáp. Đầu tiên, một người không có võ công như ta lại có thể giam giữ Mị Nhụy có võ công xuất chúng. Hơn nữa, giáp bạc hàn tằm vốn nên thiêu hủy, hoàn toàn không có cơ hội bước ra khỏi dệt phòng thì ta lại mặc nó ra ngoài, cũng là khả năng duy nhất có thể tránh khỏi giám thị của ám vệ y phái tới, cũng là cách thoát khỏi trận hoả hoạn này. Mặc dù viện được cớ, nhưng tình cờ quá nhiều nên viện cớ thêm nữa chắc sẽ thất bại.

Có người đặt án thư tới trước mặt ta, trải trang giấy trắng tinh, bút lông đã chấm mực đặt trên giá bút Đại Lý. Ta đành phải bình ổn hơi thở, cầm cây bút, trầm tư một lúc lâu mới viết hai chữ ‘hiền lương’.

Trong suốt quá trình Ninh Vương cũng không nhìn ta, chỉ lật qua lật lại tư ấn đó để đánh giá.Thi thoảng nhẫn ngọc đụng phải tư ấn, tiếng giòn tan vang vọng trong căn phòng yên tĩnh. Liếc mắt nhìn thấy ngón tay y siết chặt đến mức hơi trắng bệch, cho đến khi tờ giấy kia hiện lên hiện lên hai chữ, thị tỳ mới nhắc nhở một câu: “Vương Gia, Hoa mỹ nhân viết xong rồi.”

Lúc này y mới cất tư ấn vào tay áo, nhận lấy tờ giấy kia, hơi đảo mắt rồi đứng đứng dậy, thản nhiên nói: “Nếu áo giáp bạc không bị hao tổn, mấy ngày sau cứ đưa vào cung.”

Ta cúi đầu xuống, đáp: “Dạ.”

Y phất cánh tay áo rộng rồi đi ra ngoài cửa, lúc bước qua ngưỡng cửa, hình như không nhấc chân cao lắm nên, nghe tiếng vấp nên thị tỳ đi tới đỡ, rồi nói: “Vương Gia cẩn thận.”

Người theo học Ngũ Đại Võ Thánh mà còn không bước qua nổi bậc cửa ư? E rằng bởi vì hi vọng rồi lại thất vọng sao? Nhưng ta không hiểu vì sao y lại hi vọng? Lời nói của ta khiến y cho rằng cõi đời này có kỳ tích à? Thật sự cho rằng trên đời có chuyện mượn xác hoàn hồn ư? Nhưng ta biết, sau này phải cẩn thận hơn nữa.

Ta trở về phòng, đồ đạc vẫn chỉnh tề sạch sẽ, không thấy dấu vết bị xáo trộn. Nhưng khi ta sờ mó dưới gối sứ, quả nhiên đã có người động vào.

Mị Nhụy bị Ninh Vương mang đi, nhốt vào ngục. Ninh Vương cũng không cấm ta đi thăm nàng, nàng ngồi một mình trong ngục, thấy ta đi vào, chỉ nhẹ nhàng nói cho ta biết: “Chủ tử, ngoại trừ những chuyện Vương Gia biết, nô tỳ không nói gì cả.”

Ta biết nàng ta không nói, nếu y biết quá trình Mị Nhụy bị bắt, sao có thể dễ dàng buông tha cho ta như thế?

Tư ấn đó cuối cùng cũng phải vứt bỏ, tựa như tâm nguyện ‘hiền lương’ của ta.

Khi đó, đội quân phải khắc tư ấn, báo cáo cho triều đình, dùng để làm dấu trong khi phát hiệu lệnh qua thư tín. Lúc mới khắc dấu, ta viết hai chữ hiền lương, phụ thân vuốt râu mỉm cười: “Hiền thần lương tướng, không hổ là con trai ta.”

Ta thầm nghĩ: cha già nên hồ đồ rồi hả? Lại còn ‘con trai ta’?

Trở lại doanh trướng, Tiểu Thất mò tới tìm ta, hỏi ta bữa tối ăn gì. Thấy ta ngắm nghía tư ấn trên tay, tiện tay đoạt lấy xem. Tất nhiên y nhận ra bút tích của ta, cũng hiểu hai chữ trên đó, không khỏi giật mình: “Hai chữ này cách ngài tương đối xa xôi, là mục tiêu trong tương lai của ngài sao?”

Ta gật đầu mà cười: “Đương nhiên rồi.”

Y nghi ngờ nhìn ta, rồi lại nhìn chữ đó: “Hiền thần lương tướng, đổi tính rồi hả?”

Ta không nhịn được: “Không phải hôm trước Tiểu Ngũ bắt được con hổ sao? Tuy hơi nhỏ nhưng một người ăn vậy là đủ rồi, bảo Tiểu Ngũ nướng rồi đưa tới.”

Y rầu rĩ chắp tay: “Hiền thần lương tướng, ngài xưng thứ hai, không ai dám can đảm xưng thứ nhất.”

Món hổ nướng cuối cùng cũng không thành. Sau khi nuôi hai tháng liền thả vào rừng, thỉnh thoảng còn về nhà “mẹ đẻ” ghé chơi. Cho nên, nếu trong quân doanh bỗng nhiên xuất hiện một con hổ, hầu hết binh sĩ tuần tra đều làm như không thấy.

Những ngày kinh lạc của ta chịu thương tổn liên tiếp, hồi đầu còn không cầm nổi đũa, cơm canh đều phải nhờ Tiểu Thất đút vào miệng. Sau khi lành lặn, cử chỉ cũng không phóng khoáng như trước nữa, dáng người cũng thêm phần yểu điệu thướt tha. Ngay cả nét chữ cũng không còn vẻ lẫm liệt mạnh bạo, mà trở nên uyển chuyển thanh mảnh. Thỉnh thoảng đi qua thôn còn có ánh mắt xanh lét nhìn theo.

Có một lần, Tiểu Thất mang vẻ mặt buồn bực, múc nước nhào bột mì, không kìm lòng nổi mà rớt nước mắt vào mì. Nhưng y lại không để tâm, vẫn cứ nhào bột. Ta quay đầu nhìn, chỉ lo mì trở nên mặn chát, liền nói: “Tiểu Thất, ngươi quên mua muối à?”

Y cười cười, nhưng tiếng cười lại khiến người ta khó chịu, nước mắt lại càng siêng năng rơi vào mì và nói: “Muối đắt quá, chúng ta dùng tiết kiệm một chút.”

Ta thở dài, quay đầu đi bóc đậu: “Bây giờ không phải tốt lắm sao? Vừa trọn vẹn tâm nguyện của ta.”

Cuối cùng ý cũng ngừng rơi lệ, mặt dính bột trắng, vệt nước mắt lại càng rõ ràng, vì sợ làm bẩn tay đang nhào một nên cũng không lau đi, quay mặt lại hỏi ta: “Tâm nguyện gì cơ?”

Ta nhìn y, rồi nhìn quả đậu trong tay, cẩn thận bóc vỏ: “Hiền thê lương mẫu.”

Cuối cùng y cũng nhếch miệng cười một tiếng, bàn tay dính bột mì vỗ lên trán: “Làm sao có thể?”

Ngừng một chút rồi nói, “Đã thành thế này rồi, cũng không có khả năng.”

Đúng vậy, đã như vậy rồi, cũng không có khả năng…

Tâm nguyện của ta chưa bao giờ là hiền thần lương tướng, chỉ muốn làm hiền thê lương mẫu mà thôi. Dưới ánh đèn leo lét, hai ba đứa trẻ ngồi quây quần, nhìn ta thêu thùa vá áo cho chúng, hát một hai khúc đồng dao.

Tiếc rằng đây là hi vọng ta không bao giờ làm được. Cũng như mây trắng trên trời nhìn có vẻ rất gần nhưng thật ra không bao giờ chạm tới được. Dù có chạm tới đi nữa cũng chỉ là chút hơi nước thoáng qua mà thôi.

… . .

Vào năm Thiên Khải có một chuyện lớn. Khiển sử Tây Di lên triều thương lượng với thiên triều, có kết giao hay không thì không ai biết. Nhưng quy mô thái độ tôn kính của Tây Di đối với thiên triều trong lần này cũng khiến mọi người trên triều bàn tán hăng say. Tây Di phái hoàng tử Ô Mộc Tề tới thăm, nghe nói vị hoàng tử này được Đại Yên Thị (*) sinh hạ, là chọn là Khả Hãn kế nhiệm, vậy địa vị đó cũng tương đương với thái tử đương triều.

* Yên thị: Hoàng hậu của vua, cách gọi của người Hung Nô thời hán.

Khoáng sản ở Tây Di phong phú, nổi tiếng với đồ sắt, mang theo vô số cống phẩm, nghe nói đao thương kiếm kích chất đầy mười cỗ xe tứ mã, hai nghìn quân sĩ đi theo lại càng uy vũ hùng tráng. Lúc họ đeo loan đao hành quân vào triều, dân chúng ven đường đều bàn luận xôn xao: Vẫn thua xa Quân gia quân năm đó.

Phàm có thể được dân chúng so sánh, xem ra đã khá khẩm rồi.

Nghe nói trên đường vào triều, Ô Mộc Tề mặc áo bó sát màu tím, đeo thắt lưng nạm ngọc, đầu đội mũ chồn bạc, cưỡi ngựa yên bạc màu đen, được bảo vệ sát sao. Mặc dù không có tiếng reo hò như thủy triều, nhưng khiến không ít người phải nhìn chăm chú: Cũng chẳng bằng Quân thiếu tướng.

Điều đáng lưu ý là dù bên cạnh y không có Bắc Đẩu Thất Tinh bảo vệ như Quân thiếu tướng, nhưng có một vị nam tử mặc đồ Trung Nguyên đi cùng. Dân chúng yêu hận vô cùng rõ ràng, không thể chửi hoàng tử Tây Di, chửi rồi sẽ tổn hại quốc thể, bị quan phủ đuổi bắt, nhưng có thể chửi người bên cạnh y: Quân bán nước.

Mặc dù Ô Mộc Tề đến thay mặt Tây Di, nhưng tính cách không hề thu liễm. Tới Kinh chưa tới mấy ngày đã xảy ra xung đột với người khác vì mua y phục cho ái thiếp ở Hoa Diệp phường. Y còn đập phá làm loạn ở Hoa Diệp phường, một đao chặt đứt cột chống trong sảnh Hoa Diệp phường, khiến nóc nhà Hoa Diệp phường sụp xuống, đè chết chưởng quỹ. Chuyện này báo lên triều đình, Ô Mộc Tề bồi thường không ít bạc, nhưng bởi vì người chết không liên quan trực tiếp tới y nên chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Điều này cũng gây tiếng xấu cho y: Bây giờ hoàng tử Tây Di còn chẳng bằng hoàng tử thiên triều, có lễ nghĩa liêm sỉ. Gây chuyện mà chẳng quan tâm, thân là khách quý, chém cũng không chém được, đánh cũng chẳng đánh xong, tốt nhất không xích mích với y.


/205

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status