Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 34

/71


Thẩm Hề cảm nhận bàn tay anh dán lên má mình, ngón tay cái mơn man, men theo viền mắt, lau nước mắt cho cô.

"Năm mới mà khóc thì không may mắn đâu." Anh khuyên nhủ.

Căn phòng tĩnh lặng như tờ, tiếng hít thở trở nên rõ mồn một.

Thẩm Hề vội vàng ra khỏi nhà, không kịp chải chuốt lại đầu tóc. Phó Đồng Văn nhìn bím tóc xộc xệch của cô liền giúp cô tháo ra, xõa mái tóc dài lên vai rồi thử tết lại. Thử hai lần đều lóng ngóng, cuối cùng anh đành bỏ cuộc.

"Vẫn không làm được." Anh cười.

Phó Đồng Văn gọi Vạn An: "Sao hôm qua không nghe thấy tiếng pháo nổ?" Thẩm Hề ở đây, Vạn An không dám nói vì anh đang ngủ, người làm trong Thì Hoa Quán sao có gan đốt pháo? Cậu ta lúng túng trả lời: "Có ạ, chắc cậu chủ quên rồi."

"Lấy một ít tới đây." Anh dặn.

Vạn An rời khỏi.

Tâm trạng Thẩm Hề lên lên xuống xuống, cô thấy Phó Đồng Văn lấy chiếc áo vest bằng dạ, anh đứng quay lưng về phía cô, lấy chiếc áo móc trên giá, giũ mấy cái.

"Đi thôi." Anh khoác áo vào, ra khỏi phòng.

Ánh nắng sáng sớm mùa đông rơi trên khuôn mặt anh, mấy ngày không xuống giường, đột nhiên hít thở trong bầu không khí giá rét, tim phổi cũng lạnh theo, giúp anh tỉnh táo hơn. Đàm Khánh Hạng nãy giờ ở trong sương phòng phía Tây chờ họ, thấy Phó Đồng Văn bước ra, anh ta cũng vén rèm đi ra. Vạn An lấy một hộp pháo dây trăm quả và một hộp pháo dây ba trăm quả chưa mở đưa cho Phó Đồng Văn, trên bao bì màu đỏ là hình ông Thọ, hươu hoa mai và tiểu đồng mặc yếm.

Đàm Khánh Hạng biết anh muốn đốt pháo, lấy hộp diêm trong ngực áo đưa cho anh.

"Giúp cậu ba một tay, Vạn An không rành trò này lắm." Tô Khánh dặn gã hầu.

Gã hầu bước tới, lễ phép chào:"Cậu ba?"

"Để tôi tự làm." Anh nói.

Khoác thêm áo là để cánh tay cử động dễ dàng hơn.

Mở hộp ra, anh chọn dây pháo ba trăm quả, gã hầu vồn vã quét tuyết trước phòng.

Phó Đồng Văn khom người xuống, kiên nhẫn trải pháo ra.

Anh lấy ra một que diêm, ngồi xổm xuống, nghiêng đầu, khi chụm tay quẹt lửa, anh nhìn Thẩm Hề thêm mấy lần. Dường như tràng pháo này để tiễn cô lên đường, nhắn nhủ rằng tiễn cũ đón mới, đừng ngoảnh đầu lại.

Cuối cùng anh rời mắt đi, châm lửa, tiếng nổ đì đùng như sấm dậy vang lên làm tuyết đọng trên mái nhà đều rơi xuống, đậu trên đầu và bả vai cô.

Bốn phía pháo vang, làn khói mờ ảo.

Khách khứa ngủ lại đều bị đánh thức, chẳng mấy chốc đều khoác thêm áo, được mấy cô gái dìu ra ngoài xem vui, trong đó không hiếm người quen cũ cười giễu thú vui của cậu ba Phó.

Thẩm Hề đứng trong thềm cửa sương phòng phía Đông, bịt tai, nhìn tuyết tung bay trong làn khói trắng, nhìn anh sau màn khói mịt mờ mông lung. Phó Đồng Văn vẫn ngồi xổm đốt pháo, chưa đứng dậy, vạt áo vest choàng trên vai anh quét lên bậc thềm phía sau, thấm ướt tuyết.

Ánh nắng vàng óng mạ lên lớp tuyết trên mái nhà, anh ngồi xổm trên mặt đất, giữa bụi vàng tung bay rợp trời, nở nụ cười với cô.

Là kỷ niệm cuối cùng anh để lại cho cô ở ngõ Yên Chi.

Pháo đốt hết, khói chưa tan, Phó Đồng Văn cũng đưa cho cô một phong thư.

Đã chuẩn bị từ trước, vốn định hôm nay nhờ Đàm Khánh Hạng đưa cho Thẩm Hề trước khi tiễn cô đến nhà ga.

Anh gấp đôi phong thư đặt vào trong túi áo cô: "Tiền Ương Ương đưa đã tới tiền tuyến rồi."

Hơi ấm ùa về, đây là tin vui duy nhất trong ngày hôm nay.

Đàm Khánh Hạng gọi xe đến sẵn trước cửa, giúp Thẩm Hề xách vali, đứng trong cửa thùy hoa chờ họ.

"Anh ba..." Sắp chia tay mà cô không thốt nổi lên lời, không biết nên nói câu tạm biệt thế nào.

"Anh ba dạy em một điều." Anh nhìn thấu suy nghĩ của cô,"Đừng nói hết câu, con đường trong trái tim sẽ không kết thúc."

Thẩm Hề gật đầu.

Đàm Khánh Hạng đưa cô ra cửa. Anh ta muốn tiễn Thẩm Hề đến nhà ga, nhưng không yên tâm để Phó Đồng Văn một mình trong Thì Hoa Quán, vì vậy chỉ xếp hành lý lên xe, căn dặn Vạn An phải đích thân đưa cô Thẩm lên tàu hỏa mới được trở về báo tin.

Anh ta quay lại, thấy Phó Đồng Văn đang ngồi trên bậc thềm.

Trời đông tuyết phủ, anh ngồi yên như tượng, hai bàn tay đan chặt vào nhau đặt trên sống mũi, nhìn xác pháo rải đầy dưới đất, có phần thất thần.

Phó Đồng Văn như thế, anh ta từng thấy một lần, là trong đêm Phó Đồng Quyến tự sát.

Đi theo anh lâu nay, Đàm Khánh Hạng rất hiếm khi dừng lại, nghĩ về thuở trước.

Lần đầu tiên gặp Phó Đồng Văn, là trong khách sạn Sáu Nước ở ngõ Đông Gian Dân, đó là  tòa nhà cao nhất thành Bắc Kinh, bởi sáu nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật cùng đầu tư, nên rất nhiều vị khách quan trọng trong quân đội và chính phủ, đặc biệt những người bị hạ bệ đều lánh nạn ở đây. Ngày đó, Phó Đống Quyến đón anh ta ở nhà ga, sau đó đi xe thẳng tới khách sạn này. Phó Đồng Quyến và anh ta là bạn học, có năng khiếu hơn cả anh ta, nhưng lại từ bỏ cơ hội tiếp tục học tập, về nước trước, sau này vẫn thư từ qua lại thuyết phục Đàm Khánh Hạng quay về cứu nước.

Ở Anh, anh ta có rất nhiều cơ hội gặp Phó Đồng Văn, nhưng đều bỏ lỡ.

Tối hôm ấy, trong nhà hàng Tây của khách sạn Sáu Nước, Đàm Khánh Hạng và Phó Đồng Quyến đến trước, ngồi bên bàn ăn chờ anh tới. Bỗng có người đưa tẩy giữ anh ta và Đồng Quyến, cầm quyển thực đơn trên bàn lên: "Để anh xem nào, hôm nay có gì chiêu đãi người bạn mới này đây."

Phó Đồng Quyến cười:"Anh ba vào từ cửa sau ư?"

Phó Đồng Văn mất hứng gấp thực đơn lại, ném tới trước mặt Phó Đồng Quyến: "Vừa gặp vị nọ, phải vô cùng thận trọng, sợ anh ta mà bị ai đó để lộ hành trình sẽ bị ám sát, vì vậy đành đi bằng cửa sau."

Đàm Khánh Hạng toan đứng dậy, nhưng anh đưa tay ấn anh ta xuống: "Ngồi đi, cứ tự nhiên."

Phó Đồng Văn hồi đó đang trong thời kì rực rỡ nhất của cuộc đời, Phó Đồng Quyến vẫn còn sống, hai anh em uống rượu cười nói với người ngoài là anh ta.

Trong nhà hàng của khách sạn Sáu Nước đều là khách trong giới thượng lưu, có người mặc đồ Tây giày da, có kẻ mặc áo dài truyền thống, anh em Phó Đồng Văn đều cắt tóc ngắn từ lâu, bị người khác gọi là "bọn tặc giả Tây", vẻ ngoài và cách ăn nói giống người phương Tây đã ngấm vào thành Bắc Kinh cuối thời Thanh, không hề ăn khớp với thời đại... người ngoài đều nghĩ rằng họ là phe thân Tây mưu đoạt quyền thế, tranh giành danh lợi, mà họ lại là một đám ngốc, song ở thành Bắc Kinh, ở khắp Trung Quốc, ở nước ngoài, những kẻ ngốc giống họ rất nhiều.

Năm ấy... như đã cách mấy đời.

Nơi đây vẫn là thành Bắc Kinh ấy, Thì Hoa Quán ấy, nhưng Đồng Quyến đã đi xa, Thẩm Hề lại nối bước.

Sao giống câu:"Năm đến năm đi hoa vẫn thế, năm qua năm lại khách đổi dời.¹"

¹Trích trong bài Đại bi bạch đầu ông (Thương thay lão đầu bạc) của Lưu Hy Di.

***

Đến khi Thẩm Hề hoàn hồn, cô đã trên đường xuôi Nam.

Trên chuyến tàu Nam Kinh Trường Gian, trong khoang tàu có rất nhiều người nhà của sĩ quan từ Bắc Kinh chạy về Tứ Xuyên, đều là người trong quân Bắc Dương. Chủ đề nói chuyện luôn là chiến tranh, sự tồn tại như một chiến thần của tướng quân Thái Ngạc, chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình, ông dẫn đầu đội quân chưa bằng một phần mười quân Bắc Dương, chặn đứng những đợt tiến công...

Nhắc tới chiến tranh, cô không sao kìm lòng muốn nghe kỹ hơn, nhưng sau đó người thân của một vài sĩ quan khẽ bật khóc, có người nói người nhà mình tử trận, mấy người phụ nữ còn lại đều trong tâm trạng lo âu nhiều ngày nay cũng khóc theo.

Thẩm Hề gối đầu lên khung cửa sổ, vì đêm qua không ngủ ngon, nhắm mắt lại trời đất ngả nghiêng, cô chìm vào giấc ngủ sâu giữa tiếng khóc.

Trong mơ là khói lửa chiến tranh, nơi đâu cũng là máu của đồng bào.

"Ương Ương."

Tiếng sấm nổ bên tai, cô đột ngột bị kéo khỏi giấc mơ, mơ màng nhìn bốn phía, vẫn là đường lạ người dưng.

Những người phụ nữ ban nãy bật khóc đã bình tĩnh trở lại, đang nhắm mắt dưỡng thần chờ xuống tàu, có người đang đút cho con ăn bánh mì kẹp. Không ai gọi cô, ngoài tiếng còi trên mặt sông không còn tiếng động nào khác.

Vừa giật mình tỉnh giấc, ánh mắt rã rời, trái tim như ngọn đèn trên sông, bấp bênh lắc lư. Cô sờ bức thư được gấp làm đôi lặng lẽ nằm trong túi áo khoác. Từ lúc rời khỏi Bắc Kinh đã nhiều lần muốn mở, nhưng cô không làm được...

Thẩm Hề lấy phong thư ra, bên ngoài trống trơn, không một con chữ.

Anh sẽ viết gì nhỉ? Thư không dán, có thể mở ra ngay.

Mở bức thư đầu tiên, những dòng chữ xa lạ hiện lên.

Là bức thư Đàm Khánh Hạng viết cho bạn học trước đây của mình, mong bạn học đó giúp tiến cử cô đến bệnh viện Thượng Hải làm việc.

Bức thư còn lại vẫn là chữ Đàm Khánh Hạng, nhưng bằng tiếng Anh.

Là bức thư anh ta viết cho giáo sư đại học ngày xưa của mình, mong giáo sư tiến cử cô đến Anh học tiếp.

Ngoài ra, không có bức thư thứ ba.

Anh đã giúp cô sắp xếp con đường phía trước, nhưng không dùng mối quan hệ của mình vì sợ mang phiền phức đến cho cô, nên nhờ Đàm Khánh Hạng giúp đỡ. Khi ở Nhân Tế, mọi người thấy cô là phụ nữ đều ngạc nhiên, phụ nữ có thể tìm được công việc trong thời đại này hiếm như lông phượng sừng lân, ngay cả cô chủ nhà giàu du học trở về cũng lấy chồng an nhàn. Anh biết con đường cô sẽ đi rất khó khăn, cũng hiểu hoài bão và suy nghĩ của cô.

Cô cố gắng kìm nén hơi thở, ngón tay cứng đờ gấp bức thư theo nếp cũ, lật phong bì lại, nhét nó vào, bỗng nhiên nhìn thấy mấy con chữ nhỏ li ti bên trong.

Tình nghĩa của Ương Ương, Đồng Văn trọn đời không quên, mong em như chim bằng bay vạn dặm, con đường tương lai rộng mở.

Lệ nóng tuôn trào, tất cả kiên cường đều sụp đổ trong phút chốc, tiêu tan ngàn dặm.

Anh vẫn nhớ, nhớ toàn bộ từng câu từng chữ cô nói khi ở New York. Số tiền anh cho đủ để cô dùng cả đời, nhưng anh chuẩn bị bức thư này vì vẫn nhớ ước nguyện ban đầu thuở cô mới về nước.

Cũng là lầm đầu tiên anh xưng "Đồng Văn" với cô.

Nước mắt kìm nén cả một ngày đêm không ngừng tràn mi, cô đưa tay che miệng, cố gắng nhìn mặt sông bên ngoài cửa sổ. Dập dềnh, bồng bềnh trên mặt nước là bóng trăng, bóng đèn và bóng của những con thuyền vượt sông.

Anh ba, anh ba. Đồng Văn...

Đồng Văn.

Cô đặt 1 phòng trong khách sạn lớn ở Thượng Hải, cũng đặt cả vé tàu đến Anh.

Cả thế giới đều chìm trong chiến tranh, thời gian tàu khởi hành chưa xác định.

Thẩm Hề chờ trong khách sạn, nhìn dòng người như mắc cửi, nhất là phụ nữ và cô gái. Nơi này có thiếu phụ mới kết hôn không lâu một mình tới dùng cơm bởi chồng đã đến Mỹ làm ăn; có nữ sinh thời đại mới bàn luận về dân chủ tự do; có cô gái bỏ nhà theo ý trung nhân bị bắt đưa về quê rồi trốn đến Thượng Hải trà trộn trong khách sạn yêu đương với người ta, kiếm sống qua đêm.

Mỗi sáng sớm, cô đều chờ tin tức tàu chạy, nhưng lại sợ một khi tin tức đến thật, mình không còn đường lui.

Một buổi sớm của ba tháng sau, một người trẻ tuổi mặc áo vest bước vào đại sảnh nhà hàng, trong tay cầm xấp báo dày: "Viên Thế Khải thoái vị!" Tiếng xôn xao gần xa, bàn nào cũng cướp một tờ báo.

Tin tức như thế này ngày ngày đều có, giống như người chết đuối vùng vẫy kêu cứu, kêu rất lâu, người tin cũng sẽ ít đi.

Nhưng hôm nay đã đăng lên báo.

Người trẻ tuổi nọ phát xong tờ báo cuối cùng, thấy bàn Thẩm Hề còn ghế trống bèn nhiệt tình gật đầu chào cô, sau đó ngồi xuống bên cạnh: "Thoái vị rồi, thoái vị thật rồi."

Trong đại sảnh khách sạn có tiếng vỗ tay hoan hô đầu tiên, khách khứa trong bầu không khí trầm lặng tìm được nơi trút ra cảm xúc, chìm đắm trong vui mừng.

Năm 1916.

Trong khách sạn Hòa Bình tại Thượng Hải, cô cầm trong tay tấm vé tàu đến Anh, chuyến du học thứ hai đang chờ đợi cô. Ngày khởi hành vẫn chưa biết, con đường phía trước vẫn chưa hay, nhưng ít nhất trong khay đồ ăn trước mặt vẫn còn bánh mì.

Theo lời thoại trong vở kịch Macbeth mà anh thích, chính là:

Ngày mai rồi ngày mai, lại ngày mai, lê lết theo nhịp đời nhỏ mọn ngày qua ngày, tới thanh âm cuối cùng của thời khắc ghi dấu.

/71

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status